Bố già trở lại - Phần V - Chương 20 - Phần 1

Chương 20

Các chuyên gia nêu ra nhiều yếu tố đã dẫn từ thời hoàng kim của La Cosa Nostra vào những thập niên năm mươi và sáu mươi của thế kì trước cho đến cái bóng mờ nhạt, phản trắc của nó hiện nay. Từng có nhiều cuộc điều trần ở Thượng viện lẫn Hạ viện. FBI đã chuyến hướng tiêu điểm từ Mối Đe Dọa Đỏ đến Các Ông Trùm. Khuynh hướng chung là trong mọi công việc làm ăn do những di dân thế hệ thứ nhất tạo ra thì thế hệ thứ nhì làm mất ổn định và thế hệ thứ ba làm cho phá sản. Cái giả định được truyền bá rộng rãi về phía những người Mỹ trung bình (được đưa vào cách suy nghĩ dòng chính bởi Mafia và nhấn mạnh bởi xì - căng - đan Watergate) đó là luật lệ và quy định là những thứ dành cho bọn khờ khạo! Những lợi nhuận càng lớn hơn có được bằng cách điều hành những doanh nghiệp hợp pháp để vớ được những hợp đồng béo bở không qua đấu thầu từ những người bạn có thế lực lớn trong chính quyền. Hầu hết các Ông Trùm bị đập cho khụy gối bởi Đạo luật về các tổ chức tham nhũng và ảnh hưởng bởi gian lận (Racketeer Influenced and Corrupt Organization Act, viết tắt là RICO). Đạo luật này trao vũ khí kết tội gian lận cho các quan tòa liên bang ở khắp nơi, đưa đến hậu quả là những thời hạn giam giữ lâu dài đối với các Ông Trùm và cảm nhận nơi nhiều góc tối của thế giới ngầm ở Mỹ rằng Omerta (Luật im lặng) càng ngày càng bị phá vỡ.

Những điều này đều rất quan trọng, tất nhiên, nhưng chúng trào ra từ một nguồn chung, một cú tát trời giáng có sức tàn phá khủng khiếp nhất đập vào giới tội ác có tổ chức ở Mỹ: đơn đặt hàng, được đưa ra chưa đầy một tháng trước cuộc hội nghị đầu tiên của mọi Gia đình(xã hội đen) trong một trang trại màu trắng ở Thượng New York, đặt làm hai tá bàn giấy bằng gỗ thích làm theo ý khách hàng.

Ngay cả nếu những cái bàn đã được làm theo đơn đặt hàng vào phút chót nhưng người thợ cả là người nào khác hơn là Ông Floyd Kirby, thì có lẽ là tất cả chúng ta đã sống trong một nước Mỹ rất khác. Chuyện này không chỉ vì người thợ mộc khác có thể dùng một hiệu sơn ít độc hại hơn nhưng cũng có thể bởi vì Ông Kirby kết hôn với một người chị em họ của một tay cảnh sát bang New York. Giáng sinh năm đó tay cảnh sát đã nghe về những cái bàn kia và anh ta đã đoán chừng chúng được đặt cho những loại người nào. Tay cảnh sát đã biết rằng người chủ của công ty bia sống trong căn nhà bị tình nghi là kẻ thao túng cảnh sát địa phương. Tay cảnh sát và đối tác của anh ta nói chuyện với nhiều người dân trong vùng, nhưng không ai thấy điều gì khác thường, hay là họ nói thế. Còn bình thường hay khác thường thì tự các anh cứ đi mà tìm hiểu.

Anh chàng cảnh sát ghi vào sổ tay công tác là cần để mắt theo dõi những chuyện xảy ra ở khu vực đó, nhưng ai biết anh ta có còn quan tâm chuyện đó không nếu như anh ta không mới vừa li dị vợ và nếu người phụ nữ sống trong chiếc xe kéo han gỉ gần con đường đưa đến trang trại không tỏ ra thân thiện trên mức hữu hảo đối với anh ta. Anh và ả bắt đầu hẹn hò nhau. Vào thời điểm các Gia đình họp thượng đỉnh lần thứ nhì, thì hai anh chị đã cưới nhau. Chị dời khỏi chiếc xe kéo, nhưng họ vẫn để chiếc xe nguyên tại chỗ vì chị sở hữu mảnh đất đó. Đôi lứa “rổ rá cạp lại” dự định sẽ có một ngày xây căn nhà hạnh phúc tại miếng đất trên. Ngày nọ ngẫu nhiên mà họ về lại chốn cũ, làm tình với nhau trên chiếc xe kéo kia để nhớ lại ngày xưa, khi cuộc diễu hành của những chiếc Cadillacs và Lincolns rầm rập ào đến trên con đường rải sỏi, ngang qua chiếc xe kéo.

Xin được phép nhắc lại câu “danh ngôn nho nhỏ” đã nói trước đây: để xây dựng quyền lực, đôi khi người ta phải kiểm soát những kẻ ít quyền lực nhất. Anh chàng cảnh sát giúi nhanh những tờ năm mươi đô cho các thư kí tiếp tân của các motels trong vùng (vùng này không có hotel mà chỉ có các motels, tức các khách sạn mini với tiện nghi tàm tạm thôi), với lời dặn là hãy cho anh ta biết nếu họ gặp một đợt bùng phát đặt phòng bởi những người ở ngoài bang mang họ tên gốc Ý (anh chàng cũng là một chuyên gia nhận diện chủng tộc theo bản năng). Năm tiếp theo anh ta có đủ thông báo trước để tiến hành một chiến dịch.

Chiến dịch này suýt không xảy ra. Người chỉ huy của anh ta không thấy đáng để phân phối thêm người cho cuộc điều tra ngoài chính anh ta và đối tác của anh ta thôi. Không ai ở FBI chịu trả lời các cuộc gọi của anh. Trong một cố gắng cuối cùng anh ta liên lạc Cục Rượu, Thuốc lá và Hỏa khí. Người tiếp chuyện anh ta là một chàng trai trẻ năng nổ. Anh chàng cảnh sát cũng tự mình thực hiện một số cuộc gọi cho các phóng viên. Ngày hôm sau anh ta và đối tác của anh ta ngồi trong chiếc xe kéo cũ của vợ anh ta với cặp ống nhòm hai mắt. Hai mươi nhân viên Cục Rượu, Thuốc lá và Hỏa khí chuẩn bị tư thế sẵn sàng trong những chiếc công xa Chevrolets màu xám tại một trạm xe tải bên ngoài xa lộ chính, chờ đợi cuộc gọi. Trong những chiếc xe mướn đậu đằng sau những chiếc Chevys là đám báo chí, khoảng một trung đội phóng viên ảnh và phóng viên viết và cả một phóng viên truyền thanh từ Albany.

Những gì diễn ra sau đó sẽ nằm trên trang nhất của mọi tờ báo lớn ở Mỹ và trang bìa của tạp chí Life. Ngay cả nhiều năm sau đó, hầu hết độc giả cũng còn quen thuộc với sự kiện đó: cuộc đột kích vào trang trại màu trắng kia và những người chứng kiến bọn họ đi đến rồi bỏ chạy tán loạn.

Những bức hình nổi tiếng: những con người nặng kí trong những bộ đồ lụa chạy ì ạch qua rừng cây. Lão béo Rico Tattaglia và lão Paulie Fortunato, còn béo hơn cả lão kia, bị còng tay trong khi một con lợn đực thiến đang quay trên một cái xiên đằng sau họ. Các nhân viên công lực ngồi xổm kế bên các giá cưa tại một rào chắn trên con đường có hàng cây hai bên, súng rút ra khỏi bao, lúc các Ông Trùm của Detroit, Tampa và Kansas City lộ diện từ những chiếc xe của họ (những chiếc xe bọc thép và có kính chống đạn). Tay cảnh sát bang, cười rạng rỡ như vừa bắt được con cá lớn trong hồ, trong khi gã đàn ông bên cạnh anh ta - Ignazio Pignatelli, có hỗn danh Jackie Ping-Pong (những hỗn danh, lạy Chúa! Sao mà công chúng thích những hỗn danh đến thế!) - che khuôn mặt tròn núc ních của lão ta bằng cả hai tay.

Những người đó bị đưa về trụ sở cảnh sát bang gần nhất và bị buộc tội - nhưng là tội gì đây? Chuyện này hóa ra lại là vấn đề. Coi bộ khả nghi đây, khi tất cả những con người này tụ tập với nhau trong trang trại nọ, nhưng “coi bộ khả nghi” hay ngay cả là “khả nghi lắm”, “khả nghi quá” đi nữa thì tự thân điều ấy chưa phải là yếu tố cấu thành tội phạm. “Có lẽ sẽ là an toàn khi nói rằng,” người chỉ huy đám nhân viên công lực phát biểu với báo chí New York, “tất cả đám người Ý đó trong những bộ quần áo khá đặc thù, lập dị, không đến từ khắp mọi nơi của nước Mỹ, có người vượt cả đoạn đường vài ba ngàn cây số, có người thậm chí phải đi qua đến bốn năm ngàn cây số, chỉ để cùng nhau quay một con lợn, ăn vài miếng bánh mì với dăm ba lát thịt heo quay, uống với nhau vài cốc rượu, nói chuyện bù khú với nhau một hồi cho thỏa tình đồng hương đồng khói rồi về. Thế thôi! Có thể là thế chăng? Còn thực sự họ đến đó làm gì? Chuyện này thì không một ai có ý tưởng nào, ngoại trừ chính những người trong cuộc, nhưng họ đâu nói gì ngoài lí do họp mặt đồng hương cho thỏa lòng “tình thương mến thương”! Cảnh sát ở một xứ tự do dân chủ như Huê kì thì đâu có quyền gì mà tra tấn để bức cung, buộc người ta phải khai nhận tội. Còn anh muốn suy đoán mò gì gì đó thì mặc anh nhưng đâu có thể dùng những suy đóan vô bằng của anh để kết tội ai được.

Rất nhiều luật sư tài danh đã nhanh chân nhạy miệng nhảy vào ngay. (kể cả một cựu phụ tá tổng chưởng lí của Hoa Kỳ, đối tác tầm cỡ của hãng luật lớn nhất ở Philadelphia thời ấy, và có thời là Hạ nghị sĩ Liên bang, Thomas Hagen, đại diện của bang Nevada). Các vị này đủ kiến thức luật học để chỉ ra rằng Hiến pháp Hoa Kì bảo đảm quyền tự do hội họp của mọi người miễn rằng không đưa đến những hành động gây hại cho xã hội.

Những người bị bắt giữ này nêu lên quyền được hiến pháp bảo đảm của họ đó là quyền không phải làm chứng chống lại chính mình. Hậu quả là chỉ một ít người bị kết tội cản trở công lí - những lời buộc tội mà sau đó, đúng theo nghĩa đen, đã bị cười nhạo khi ra khỏi tòa. Mặc dầu những cố gắng của vô số thẩm phán bang và liên bang, hậu quả trực tiếp duy nhất của cuộc đột kích chỉ là việc trục xuất ba người bị bắt giữ về lại Sicily, trong đó có một người là Salvatore Narducci ở Cleveland, người này đã sống ở Mỹ từ khi mới là đứa trẻ sơ sinh, đã hơn sáu mươi năm. Ông ta khiếu nại rằng mình không hề biết là mình lại chưa trở thành công dân Mỹ, nhưng yêu sách của ông ta bị khước từ vì đâu phải anh đến Mỹ từ nhỏ là đương nhiên trở thành công dân Mỹ mà anh phải hoàn tất một số những thủ tục nào đó thì về phương diện luật pháp anh mới là công dân Mỹ. Và thế là lão phải bỏ dở giấc mộng kế thừa sự nghiệp Ông Trùm Cleveland. Nhưng chuyện này cũng chưa biết là họa hay phúc đây. Có thể lại là phiên bản của Tái ông mất ngựa. Xin để... hạ hồi phân giải!

Những hậu quả gián tiếp, tuy thế, lại rất nhiều. Khi các tờ báo với những câu chuyện về cuộc đột kích nhan nhản trên các trang nhất phơi bày la liệt trên các đường phố chính trên khắp nước Mỹ, đó là lần đầu tiên nhiều người nghe đến những từ như MafiaLa Cosa Nostra. Những câu chuyện một phần dựa trên các sự kiện có thật, một phần dựa vào suy diễn và rất nhiều phần dựa vào tài năng thêu dệt thêm mắm dặm muối (gọi một cách văn hoa làtrí tưởng tượng sáng tạo) về sự tồn tại cho đến nay chưa ai nghĩ tới của một nghiệp đoàn tội ác quốc tế. Rất nhiều đầu đề sử dụng từ đó: nghiệp đoàn. Cái từ này không hề chói tai đối với người Mỹ mà nghe ra chỉ có tính toán học một cách mơ hồ. Và nước Mỹ thì không phải là một xứ sở mê toán cho lắm.

Một sự phản đối ầm ĩ của công chúng bùng lên: Chúng là ai, những quân vô lại đó?

Trước cuộc đột kích, những tay cớm và những sĩ quan cảnh sát, những viên chức Nhà nước thoái hóa, những chính trị gia mang ơn mắc nợ các trùm giang hồ cùng những cây bút viết cho các tạp chí như Manhunt (Săn người) và Thrilling Detective (Thám tử giật gân li kỉ) tất cả đều biết nhiều về những người ở trong trang trại màu trắng đó - và về những uomini rispettati(những người khả kính) làm việc cho những quân vô lại đó và về những tên lưu manh đường phố làm việc cho những con người đó, hơn là FBI biết.

Thời đó sắp chấm dứt rồi.

Ngày nay, hai mươi ba cái bàn gỗ thích rất chắc chắn với kiểu dáng đẹp, dã được đóng thùng và bảo quản trong một nhà kho tại một địa điểm không được tiết lộ ở trong hay ở gần District of Columbia (tức thủ đô Washington). Theo quy định thì chiếc bàn thứ hai mươi tư lẽ ra phải được trưng bày thường trực tại Viện bảo tàng Smithsonian. Một tấm biển gắn vào chiếc bàn ghi dòng chữ này: Chiếc bàn này đã giúp giáng xuống một cú đấm quyết định làm tan tác tội ác có tổ chức tại Mỹ. Với một đầu lâu lợn đực ở trên, cùng với một mô hình theo tỉ lệ của căn nhà xe kéo han gỉ.

Nhưng thay vì thế, cái bàn đó lại được gửi từ nhà trắng này đến nhà trắng khác. Từ 1961 chiếc bàn đó được sử dụng thường xuyên ở trong hay gần Phòng Bầu dục (Phòng họp của Tổng thống trong Nhà Trắng).

Tom Hagen không lao vào vụ này, tất nhiên rồi. Chỉ là có vẻ như vậy thôi. Khi các thám tử đặt câu hỏi làm thế nào mà một người sống ở Nevada lại đến Thượng New York nhanh đến thế Hagen nói rằng mình đã ở Thành phố New York, rằng mình vẫn thường hay đến thành phố này, và điều này thì đúng.

Hagen nằm trong số những người trẻ hơn ở đó. Anh đến từ dưới chân ngọn đồi chạy theo một con đường hai bên là đá cho đến khi gặp một thị trấn. Anh đi vào một quán ăn nhỏ ven đường. Không có ai tìm kiếm bất kì một người nào trông giống Tom Hagen, còn chiếc xe mà anh ta đã lái tới đó, hiện giờ đang đỗ phía sau trang trại, thì được đăng kí chủ quyền cho một... bóng ma. Anh ngồi trong một cái quầy và bình thản dùng bữa trưa. Rồi anh đi đến Woolworth’s mua một cái va li và theo hướng đi về phía tòa án quận. Tòa án ở phố kế bên. Anh trở lại chỗ quán ăn và gọi một chiếc taxi. Hành lí cầm tay giống như bất kì một du khách bình thường nào, không có gì đáng để ý, Hagen làm thủ tục lấy phòng khách sạn ở quận lị. Anh bước vào tiệm hớt tóc gần tòa án nhất. Vào lúc trả tiền cho anh thợ cạo, Hagen đã được tin sơ qua về những gì đã xảy ra. Anh gọi về dịch vụ điện thoại ở Las Vegas. Anh trở lại khách sạn và ngủ một giấc ngắn. Vài giờ sau điện thoại reng đánh thức anh dậy. Đó là Rocco Lampone, gọi từ Tahoe. Hagen gọi taxi đến trụ sở cảnh sát bang gần nhất. Michael không nằm trong số những người bị bắt, nhưng, như một cử chỉ thiện chí, Hagen đề nghị trợ giúp pháp lí cho vài người bạn của gia đình.

Vào năm 1959, với lời thề trên Kinh thánh và trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ, Michael Corleone xác nhận rằng mình không có mặt tại trang trại đó. Anh phủ nhận mình ở trong số những người đã thoát khỏi một hành động rõ ràng là phi pháp của cảnh sát.

Nói một cách chặt chẽ thì Michael Corleone đã kể sự thật.

Anh ta và Hagen đã lái xe đến đó riêng rẽ, vì nhiều lí do về công việc lẫn an ninh. Nếu Michael là người đúng giờ giấc như bố anh thì chắc chắn anh cũng đã ở trong số những người phải trườn xuống sườn đồi, quần áo mặt mày nhem nhuốc và phẩm giá cũng bị ô danh. Đúng, anh đã từng thoát khỏi những tình huống còn ác liệt hơn với mưa bom bão đạn và những chiếc Thần phong Kamikaze của các phi công cảm tử Nhật cứ nhắm tàu anh mà lao xuống còn dưới biển thì đạn pháo cao xạ túa lên dày dặc để khiến những chiếc máy bay liều chết kia nổ tung thành những quả cầu lửa trên không. Một cảnh tượng bi thảm nhưng vô cùng hào hùng và không thiếu phần ngoạn mục!

Nhưng đó là chuyện đã qua hơn mười mấy năm rồi. Ai biết chắc được là anh có thể chạy đủ nhanh và đủ xa để tránh khỏi bị bắt?

Anh đã không phải tìm ra giải pháp - đơn giản là vì, như thường lệ, anh đến trễ, thực sự là trễ quá mức đến độ họ đã khai mạc cuộc họp mà không có anh. Chỉ một tích tắc trước khi Michael nháy đèn hiệu quẹo vòng lối đi rải sỏi, anh chợt thoáng thấy cái gì vàng vàng ở trong bụi không xa chiếc xe kéo han gỉ kia là mấy. Anh liền rụt tay lại, không nháy đèn hiệu mà đặt tay lại lên vô - lăng và tiếp tục lái thẳng. Anh đi qua lối đi nội bộ kia và bắt đầu vòng một tua. Nhìn vào kính chiếu hậu anh thấy hai người - hình như là cớm - đang kéo hai cái giá cưa màu vàng từ trong bụi kia ra.

Chiếc xe anh đang sử dụng là một chiếc Dodge màu xanh, đã hơi cũ, được trang bị một máy phân hình (scanner) của cảnh sát (Al Neri từng là một tay cớm; cả chiếc xe loàng xoàng không có gì nổi bật lẫn cái máy phân hình đều là ý tưởng của anh ta). Michael dò tìm tầng số mà các nhân viên ATF đang sử dụng.

Anh nện tay xuống vô - lăng mạnh hết mức có thể và để thoát ra tiếng rú đau đớn.

Lần này anh đã dự định là lần xuất hiện cuối cùng tại một cuộc họp của Ủy ban thường vụ hay của tất cả các Gia đình. Anh dự trù thương lượng để thông báo với toàn thể anh hùng thiên hạ ý định “rửa tay gác kiếm”, ra khỏi vòng cương tỏa của mọi ân oán giang hồ. Sau ngày hôm nay, anh sẽ đẩy mạnh và đi đến quyết định dứt khoát về chuyện làm ăn ở Cuba và anh sẽ trở thành một doanh nhân hoàn toàn hợp pháp. Anh đấm mạnh xuống vô - lăng lần nữa.

Bình tĩnh nào, anh nghĩ. Hãy suy nghĩ một cách sáng suốt.

Anh đốt lên một điếu thuốc. Anh ngồi dựa lưng vào ghế, cố gắng hít thở những hơi dài và đều, lắng nghe cuộc đột kích mà anh vừa thoát khỏi trong đường tơ kẽ tóc. Đó là âm thanh của một thế giới đang đi đến hồi chung cuộc. Thế nhưng anh vẫn còn nhiều vướng mắc nên khó có thể đường hoàng, thảnh thơi đi vào thế giới mới mà anh hằng ao ước bước vào để tạo một nền tảng khác, yên bình hơn cho con cháu mai sau.

Michael Corleone chẳng có ý tưởng nào về việc con đường hẹp, quanh co này sẽ dẫn đến đâu. Mặt trời dọi thẳng xuống đầu, và anh cũng không thể biết là mình đang đi theo hướng nào. Thế nhưng anh cứ tiếp tục lái xe về phía trước, thận trọng tuân thủ các luật đi đường và nhìn kĩ các biển báo. Anh đâu còn chọn lựa nào khác? Chắc chắn là anh không thể quay vòng và trở lại con đường anh đã đến.

Fredo không thức dậy với ý nghĩ, Hôm nay là ngày ta phản bội em ta. Anh ta không khởi công làm việc đó, và, như Nick Geraci đã tiên liệu, Fredo không biết mình đã làm gì ngay cả sau khi anh ta đã đóng dấu ấn vào số phận mình bằng cách làm điều đó. Thay vì thế ngày của anh ta bắt đầu khi, trong dãy phòng ở Chateau Marmont, Deanna Dunn đi ra khỏi phòng tắm và còn nồng mùi rượu gin từ tối qua, tuồn người lại vào giường bên cạnh anh chồng đang ngủ.

“Nào, cưng ơi,” nàng ta kêu rừ... rừ... như con mèo cái lên cơn động cỡn, bắt đầu dùng chiếc khăn tay để buột cổ tay của chàng vào chân giường.

Fredo quơ cánh tay kia. “Em đang làm cái gì thế?”

“Hãy chứng tỏ tinh thần thượng võ đi, chàng trai,” nàng nói.

“Mấy giờ vậy? Anh còn phải ngủ độ một tiếng nữa đã, cưng à.”

Nàng nhăn mày và ném cái khăn sang bên. “Anh không muốn tôi tỏ ra khát tình với một bạn diễn mới chứ?” nàng gằn giọng. “Thế nào, muốn hay không muốn đây?”

Chuyện này hơi căng đây. Anh không ăn được thì tôi cho người khác ăn chứ để không mãi rồi nó mốc meo thiu thối phải đổ bỏ thì lại phí của giời! Ai chớ cái ả quái quỷ này dám nói dám làm cái một chứ chẳng chơi đâu!

Thế là chàng Fredo dầu muốn hay không muốn cũng phải vội vàng cho nàng cái nàng muốn.

“Hãy cố gắng làm cái gì hơn là chỉ lên xuống, lên xuống nhé,” nàng lệnh.

Chàng đang ở trên. Câu nói của nàng chẳng êm tai với một trượng phu nam tử chút nào! Thế nên chàng cũng cố biến chiêu đổi thế này kia nọ theo pho sách “tam thập lục thức nam nữ phòng trung bí thuật” để mong chiều lòng nàng.

“Đừng có làm cách mạng nửa vời nhé,” nàng khích tướng. “Anh biết rồi, cách mạng nửa vời là tự sát đấy!”

“Để em cộng tác với anh chơi mô-đen quằn quại nhé?” Trước khi chàng kịp trả lời nàng đã nhanh chóng biến thế và vào thế sẵn sàng. Tính nàng vốn thế. Nói là làm ngay.

Luôn nhanh chóng sẵn sàng với mọi việc. Với khả năng ứng diễn tuyệt vời, không cần ai chỉ đạo diễn xuất cả. Một nữ diễn viên hai lần đoạt giải Oscar thì tất nhiên là tài diễn xuất phải ưu việt, hơn hẳn người khác rồi!

Nàng chổng cả bốn vó, hai đùi hơi giạng ra, mặt ngước lên, môi miệng mở rộng, tham lam. “Nhưng mà đừng vào lỗ sau nhé,” nàng dặn dò.

“Anh sẽ không làm thế đâu,” chàng đáp. Tại sao nàng vẫn tiếp tục vểnh phao câu? Để làm gì khi vũ khí của chàng đã không còn “năng cử” nữa. Chàng mất khả năng chi trả rồi. Chàng buông vật người xuống nệm, chán chường.

“Đừng có mà như thế,” nàng nói, vươn tay ra để nắm cu chàng. “Không sao mà.”

Fredo gạt tay nàng ra. “Nhưng mà có sao với anh đấy.”

“Chỉ tại anh uống quá nhiều thôi,” nàng nói.

“Em nên biết thế,” chàng bảo.

Họ nằm bên nhau, nhìn vào hình ảnh chính mình trong tấm gương mà nàng đã chi tiền cho khách sạn để họ gắn nó lên trần giường ngủ. Sau một hồi, Deanna bèn tự thân vận động để tự xử. Và một cách khá là thô bạo với chính mình. Fredo đốt một điếu thuốc và khảo sát. Nghĩ về chuyện này thấy có vẻ nhơ nhuốc nhưng lại kích thích chàng. Chàng ta cố tránh nhìn hình ảnh anh chàng đầu hói bụng tròn với thằng bé xuội lơ cán cuốc tựa người uể oải một cách vô dụng lên đùi mình. Deanna trồng hai chân lên giường, vểnh mông và thực hiện một sô lớn về lắc hông, tự massage và tự khoái. Sau đó nàng hôn chàng. Chàng lăn ra xa. Họ nằm đó và lại trải qua một khoảng lặng dài khác.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3