Bố già trở lại - Phần VII - Chương 24 - Phần 2

Bây giờ đến màn cuối tráng lệ. Sân khấu đầy khói màu và Rita xé toạc áo dài. Bên trong nàng mặc một bộ đồ mỏng dính sát người. Những người khách đạo mạo ở các hàng ghế bên dưới có thể thề rằng họ đã thấy chim nàng, nhưng từ chỗ Johnny Fontane đứng thì ta có thể thấy rõ rằng đó chỉ là... một khái niệm khá ngây ngô hay một ảo ảnh phát sinh từ tự kì ám thị mà thôi!

Chỉ có một lần Billy Van Arsdale thực sự hỏi Francesca Corleone là gia đình nàng có tham gia hội kín Mafia hay không. Đó là ngày trước hôm anh dự lễ tốt nghiệp Đại học bang Florida. Bố mẹ chàng đã dẫn hai đứa đi ăn tối ở Câu lạc bộ Thống đốc, và rơi vào một cuộc tranh cãi ồn ào vì có chút hơi men, sau đó rời đi riêng rẽ nhau. “Em yêu gia đình anh,” nàng đã nói, hi vọng làm nhẹ đi tâm cảnh của cả hai, nhưng lại lạc đường.

“Ít nhất,” chàng nói,” họ không ở trong Mafia.”

“Có phải đấy là một lời nói đùa?” nàng nói.

“Anh không biết.” Chàng tươi tỉnh lên, như thể chàng đã chờ đợi để đặt câu hỏi đó từ thời họ mới gặp nhau và cuối cùng chàng đã mở màn. “Có phải gia đình em ở trong Mafia?”

“Anh nghĩ như thế, phải không nào? Rằng mọi người Ý đều ở trong Mafia? Rằng chúng tôi ăn bánh pizza, chúng tôi ép cà tô - mát, và chúng tôi là - ”

“Không phải mọi người Ý,” chàng nói. “Anh chỉ hỏi về những người đàn ông trong gia đình em.”

“Tất nhiên là không.” Nàng ném chiếc khăn ăn xuống bàn. Nàng đứng lên, đấm vào mõm anh và cuồng nộ quát tháo.

Nàng biết rằng gia đình mình ở trong Mafia - Kathy đã thuyết phục nàng tin điều đó - nhưng Francesca không có ý nói dối. Điều nàng nghe ra là nỗi ưu tư xao xuyến lởn vởn đằng sau câu hỏi của chàng: sợ rằng Billy đến với nàng chỉ vì nàng có vẻ ngoại lai, mang hương vị đường xa xứ lạ. Chàng luôn tìm kiếm cái gì mới lạ và khác biệt: phim ảnh nước ngoài, những đĩa hát mới nhất, thơ beatnik trong một quán cà phê ở Frenchtown, láng giềng da đen ở Tallahassee. Có lần, họ đã lái xe trong sáu giờ liền để đến Khu bảo tồn Seminole để chàng có thể học cách vật nhau với cá sấu alligator. Dường như cứ mỗi vài tuần chàng lại bắt đầu một trò mới. Mỗi lần cắt tóc đều phải hơi khác với kiểu tóc trước đó một tí.

Em không thấy là Billy tới đây, Kathy từng nói, nhằm trải nghiệm một Lễ Giáng sinh đúng phong cách Mafia?

Francesca bắt đầu trải qua một đêm bức bối, nhưng quyết tâm không khóc. Rồi cũng qua. Ổn. Tốt thôi. Chàng là tình yêu đầu đời của nàng, nhưng rồi sao nào? Có thể chàng sẽ không là mối tình cuối cùng. Chàng ra đi mùa thu, đến Trường Luật ở Harvard và nàng sẽ trở lại nơi này, để thấy mây che khuất những ngày bên nhau. Vả chăng chàng là một kẻ ưa làm dáng, một kẻ hay điệu bộ, một con người giả tạo đa đoan nên ta dại gì đặt trọn niềm tin. Đập cho chàng ta một trận hẳn là đã tay, hả dạ lắm đây. Gây ra một trận ồn ào, bốp xốp nghe chừng có vẻ ấn tượng mạnh hơn là những gì mà người ta thường chờ đợi ở một cô gái. Bàn tay nàng vẫn còn tê tê nóng ran. Nàng phải cám ơn cậu em Frankie vì đã phải chịu đau nơi mông đít trong bao năm ròng để giúp cho bà chị có cơ hội mài dũa kĩ năng đánh đấm!

Cùng cái kĩ năng huyền bí mà Billy khai triển để vào ra tất cả những buổi parties như cơn gió thoảng, cũng được phô bày đêm ấy ở Tallahassee. Nàng không có nơi nào để đến. Nàng chạy xuống một ngọn đồi và đi vào một khu nhà ở không hề quen biết với nàng, và đúng vào lúc nàng nhận ra rằng có lẽ nàng đã đi lạc thì nàng nghe tiếng xe chạy chầm chậm đến bên nàng và đó là Billy trong chiếc Thunderbird. Chàng biết chính xác nên đi đến chỗ nào.

“Ối dào! Cú đấm ghê quá!” Chàng ta cười lớn, phô hàm răng trắng bóng, chắc khỏe. Nàng là một cô gái có thể đấm cho bạn sái quai hàm, đàng khác nàng còn mang hương vị xa lạ và mới mẻ. “Anh yêu em, con thú hoang dại ạ.”

“Làm thế nào mà gia đình anh giàu có đến thế?” nàng hỏi. “Sau mỗi gia tài lớn đều có một tội ác.” Nàng đã đọc câu đó trong một quyển sách của một trong những nhà văn Pháp mà Kathy đang nghiên cứu. Có lẽ là Balzac.

“Nhiều lắm chứ không phải có một mà thôi, anh chắc thế,” chàng đế thêm. Những tay gian xảo quỷ quyệt đó dám làm bất kì chuyện gì.”

Những tay gian xảo quỷ quyệt là bố chàng và ông nội chàng. Quả là có hơi kì cục khi nghe bất kì ai đó nói về gia đình mình theo kiểu đó.

Nàng ngồi vào trong xe.

Đêm đó họ quần nhau, nhưng tấn kịch buổi chiều hôm đó đã định âm giai cho cuộc ve vãn tán tỉnh của họ.

Bản tình ca ở cự li xa giữa họ có tính kịch trữ tình sướt mướt (melodrama) mà những chuyện như vậy tạo ra giữa những người trẻ, được làm đầy với những bức thư dài cả mười trang giấy, những nghi ngờ len lén vào hồn ray rức tâm tư và những cuộc gọi đầy nước mắt - ít nhất là như thế về phần Francesca. Billy than phiền là chàng quá bận ở Harvard nên có ít thời gian để ăn ngủ và càng ít thời gian hơn để viết thư cho nàng hay nói chuyện qua điện thoại đường dài. Rồi chàng gửi cho nàng một bưu thiếp, thay cho mọi thứ, để báo cho nàng biết chàng đã được nhận vào thực tập nôi trú với một hãng ở New York và sẽ không về nhà ở Nam Florida vào mùa hè năm ấy. Nàng mượn chiếc Volkwagen của cô bạn cùng phòng Suzy và lái suốt đêm đến Cambridge để đích thân giải quyết dứt điểm toàn bộ vụ việc lùm xùm này. Chuyện tự nhiên là nàng và Billy ngủ với nhau. Nàng trở về nhà càng phân vân hơn bao giờ hết và, hóa ra là, lại... dính bầu! Thế mới là đã rối lại càng thêm rối!

Chàng muốn nàng đi phá thai.

Sau đó chàng còn lo liệu thu xếp cho một bác sĩ ở Palm Beach thực hiện chuyện đó.

Francesca không chịu nổi ý tưởng về chuyện đó. Nhưng chắc chắn nàng cũng không muốn suốt ngày ôm con, trong tình huống này. Kết hôn với Billy - dầu chàng chưa đưa ra lời thỉnh cầu hay ngay cả là nêu ra khả tính - là ngoài vấn đề. Nàng kể với Kathy - người đầu tiên và duy nhất mà nàng phó thác tâm sự - là nàng sẽ không lấy con rắn đó cho dầu hắn ta có là người đàn ông cuối cùng trên mặt đất này. Mọi chuyện có thể xảy ra là điều mà Francesca Corleone dứt khoát sẽ không làm.

Billy bị gãy cẳng khi chơi trò nhảy dù (đoạn kết của một thú tiêu khiển mới khác), và trong khi nằm bệnh viện chàng ta đã đột nhiên đổi ý - một thay đổi không giải thích được, từ viễn tượng của Francesca, mặc dầu ai có thể giải thích sự thay đổi của con tim? Ngày chàng ta xuất viện, chàng vù đến thăm nàng và ngỏ lời cầu hôn.

Mừng quá đỗi mừng, nàng chấp nhận với xiết bao hoan hỉ!

Họ thành hôn vào tháng bảy khi chàng vẫn còn phải đi lại với cặp nạng. Nàng bối rối về biết bao chuyện - đặc quyền của một cô dâu đã có bầu, có lẽ thế, nhưng tất cả chỉ là sự thay thế cho hai chuyện mà nàng thực sự bối rối: chuyện nàng đi lên xuống lối đi. Đi xuống trông dễ gây xúc động với Billy trên đôi nạng. Nhưng đi lên sẽ gay go lắm đấy. Ai có thể thế chỗ bố nàng? Không thể là các cậu em được, và chắc chắn cũng không thể là Stan Người bán rượu (người vẫn còn đính ước với mẹ nàng nhưng vẫn chưa thành hôn). Chú Fredo lớn tuổi hơn chú Mike và nàng biết chú Fredo nhiều hơn. Tuy vậy nàng vẫn có khuynh hướng thiên về chú Mike hơn, trước nay vẫn thế. Chú là một anh hùng thời chiến, một khuôn mặt lãng mạn, một con người trông thật lịch lãm điệu đàng trong chiếc tuxedo. Nàng biết một số những bí mật đen tối của chú - ít ra là qua những kênh truyền dẫn không đầy đủ của Kathy và cô Connie - nhưng bất chấp chuyện đó, cuối cùng chú là người duy nhất nàng có thể tưởng tượng sẽ dẫn và trao nàng cho chú rể. “Đó là người mà có lẽ Bố muốn nhất,” nàng nói với Kathy, đang làm phù dâu, trông chờ người chị em sinh đôi sẽ bất đồng ý kiến. Thay vì thế, Kathy lại nói: “Hiển nhiên rồi,” Không ai nóihiển nhiên rồi với vẻ khinh miệt ngạo nghễ hơn Kathy. “Còn ai khác?”

Chú Mike làm thăng bằng thần kinh bồn chồn của Francesca với vẻ đường hoàng, vương giả. Chú bảo nàng rằng bố nàng có lẽ rất tự hào, rằng Santino có mặt ở đây, ngắm nhìn mọi sự, chắc chắn như thế. Nhưng chú đủ thông minh để nói điều này trước khi họ đi lên lối đi khá lâu, để họ có thể cùng khóc với nhau và làm cho những giọt nước mắt đó không rải ra trên lối đi. Khi cuối cùng chỉ có hai chú cháu nơi cung thánh, chú nắm cánh tay nàng và bảo nàng đừng lo ngại gì. Chú nhún vai. “Vấn đề là phần còn lại của đời cháu thôi.”

Nàng cười thành tiếng. Đó là điều hay nhất để nói ra.

Nàng bước xuống lối đi rạng rỡ hạnh phúc. Chỉ khi chú Michael trao tay nàng cho Billy nàng mới nhận thấy mặt chú ràn rụa nước mắt (vì vui mừng cho cô cháu được làm dâu gia đình giàu sang quyền quý mà lại được danh thơm tiếng tốt chứ không có vướng mắc như gia đình mình).

Trên đường xuống lại lối đi, nàng đỡ cho Billy và chàng ta xoay xở để chỉ tựa vào nàng để đi mà không phải dùng đến cặp nạng. Tại buổi tiếp tân, chàng còn khiêu vũ nữa. Dĩ nhiên là chàng nhảy hơi tồi nhưng chàng có lí do khoan miễn.

Hai vợ chồng dời về Boston. Khi chàng tốt nghiệp trường luật, chàng từ chối một công việc có thể làm ra cả gia tài tại thị trường chứng khoán Phố Wall (bởi chàng đã sẵn có gia tài rồi) để làm thư kí cho một thẩm phán tại Tối cao Pháp viện Florida. Còn Francesca có muốn trở lại Tallahassee cũng hơi dở dang vì lớp của nàng đã thi tốt nghiệp (nàng đi dự buổi party mừng tốt nghiệp của Suzy Kimball và khó nhận ra người phụ nữ trẻ đĩnh đạc, điềm đạm đã nguyện hiến đời mình cho sứ mệnh truyền giáo ở Trung Quốc). Giờ đây Francesca đã có một gia đình và thực sự nghĩ mình đang hạnh phúc - ít ra là cho đến khi Billy bỏ công việc ở Pháp viện để tham gia vào Hội Những Người Florida Ủng hộ Shea. Chàng đi liên miên ít khi ở nhà. Cuối cùng Francesca phát hiện rằng chàng còn làm nhiều chuyện khác hơn là vận động tranh cử.

Bằng cách nào nàng phát hiện Người Đàn Bà Ấy?

Francesca là con nhà Corleone. Đã thành một ngạn ngữ, được lặp lại nhiều lần trong gia đình nàng, rằng với thời gian, chuyện lừa dối một thành viên nhà Corleone là điều bất khả! Đó là trên lí thuyết. Vả chăng nàng cũng từng được các bà cô bà dì truyền cho cái nhận định tuy thường nghiệm nhưng đã đạt đến tầm chân lí phổ quát, đó là thằng đàn ông nào mà chẳng khoái ăn vụng. Nhưng có ba dạng: ăn vụng bị lộ hàng, bị vợ làm cho xấu mặt; ăn vụng khéo chùi mép nên vẫn tạm thời yên ổn, và, muốn ăn vụng nhưng lại không ăn vụng được! (vì chưa có điều kiện, chưa có cơ hội thuận tiện hay thiếu tài năng!) Nói chung là anh nào thấy của lạ cũng mắt la mày lét cả, chỉ khác nhau ở chỗ anh thì trơ tráo, anh thì kín đáo, vậy thôi! Nàng cũng là địch thủ nguy hiểm nhất của thói tán gái: một phụ nữ mà nỗi sợ hãi u ẩn nhất là sợ rằng chồng mình không nghĩ rằng mình xứng tầm với chàng.

Ernest Hemingway không phải là Papa với bộ râu bạc trắng. Không phải là tiếng nói của một thế hệ lạc lõng (a lost generation). Cũng không phải là người nộm cần bãi nhiệm như là kẻ phân biệt giới tính bởi những kẻ lừa đảo thô thiển mà gom tất cả những cuộc đời của họ lại cũng chẳng mang lại gì cho thế gian đáng giá bằng những buổi chiều tàn vô vị của Hemingway. Ông đã có những tác phẩm vĩ đại ngay từ buổi đầu cầm bút. Những chuyện khác không có gì đáng kể.

Einstein không phải là chàng trai trên bức tranh cổ động để biểu thị cho thiên tài. Picasso không phải là tay săn gái đầu hói da ngăm. Mozart không phải là đứa bé đảo thiên nghịch địa (enfant terrible) Virginia Woolf và Sylvia Plath không phải là những lăng mạ bi đát (tragic affronts) đối với thói bá quyền áp bức của giống đực. Mahatma Gandhi và Martin Luther King không phải là những anh chàng da nâu nhỏ nhắn dễ thương vô hại mà người da trắng có thể cảm thấy tiện lợi khi tán đồng những tư tưởng hiếu hòa bất bạo động của họ. Đúng vậy, Mafia đã quy định cuộc đấu Sonny Liston vốn cho phép Muhammad Ali trở thành nhà vô địch hạng năng thế giới, và đúng vậy, Ali bênh vực cho điều mà anh ta tin là chính nghĩa. Nhưng trước hết và trên hết, anh ta là người có thể đấm ngã kẻ hung bạo bố láo nhất một cách... đẹp như bài thơ!

Johnny Fontane là một diễn viên tài ba khi anh ta thích làm điều đó. Anh ta được trời ban cho “dị bảo” lớn đến độ làm cho nhiều anh đàn ông phải ghen tị và làm cho nhiều chị phải khóc thét lên vì anh ơi, anh ơi, anh làm em chết mất! (vì vượt quá ngưỡng của... sự sướng!). Và anh ta đã sử dụng nó một cách vung vít bất chấp mọi đạo lí và cấm kị! Nhưng anh ta cũng giúp biến đổi Las Vegas từ một chỗ dừng chân tạm thời giữa sa mạc thành đô thị phát triển nhanh nhất của Hoa Kỳ. Chàng ta là đứa con của những người di cư, là hiện thân của giấc mơ Mỹ (the embodiment of the American dream).

Trông chàng ta thật điệu đàng với chiếc mũ trên đầu. Chàng đã phát minh ra vẻ bình thản kiểu Mỹ (American cool).

Quốc gia đại sự đấy, chẳng phải chuyện đùa.

Điều khác biệt nào khiến Fontane đem lại cho quỹ vận động tranh cử của Shea nửa triệu đô-la trong một túi xách vốn là một quà tặng cá nhân từ Jackie Ping-Pong. Ping-Pong không liên quan gì đến chính tiền bạc. Johnny phải mang số tiền đó trong một cái gì đó. (Và, dầu sao, anh ta sống trong một thế giới nơi người ta tặng quà cho nhau lu bù.) Fontane huy động được hàng triệu đô cho chiến dịch đó, vậy nên có vấn đề gì đâu nếu nửa triệu đô-la đó là một phần của việc ‘hớt váng kem” từ Kasbah, một casino do đám Chicago sở hữu ở Las Vegas. Vấn đề là sử dụng tiền đóng góp sao cho hiệu quả để bảo đảm cho Jimmy Shea thắng cử. Còn tiền đến từ nguồn nào thì có gì khác biệt?

Fontane đã giới thiệu Rita Duvall cho cả Louie Russo và Jimmy Shea (chưa kể Fredo Corleone, mà đứa con nàng đã đem cho người khác làm con nuôi vào năm 1956, ngay trước khi sự nghiệp của nàng cất cánh). Những gì xảy ra sau lời giới thiệu chỉ liên quan với nàng, chứ không còn dính dáng đến Johnny Fontane nữa.

Có lần một tay phó quận cảnh sát đã hỏi cung Johnny Fontane sau khi Fontane phết vợ của một anh chàng chết bí ẩn trong sa mạc. Vậy rồi sao? Fontane ta đây từng đéo bậy bao nhiêu vợ của người khác. Thiên hạ chết bí ẩn trong sa mạc hàng ngày. Chẳng bao giờ có tí chút bằng chứng nào về mối liên hệ nhân quả giữa hai sự thật khủng khiếp nhưng cũng rất ư xoàng xĩnh này.

Chắc rồi, Fontane là nghĩa tử của Vito Corleone. Chàng ta cũng ăn cánh với Michael. Chàng ta hữu hảo với Russo, với Tony Stracci, với Gussie Cicero và nhiều tay cộm cán khác nữa. Nhưng nhiều người khác cũng thế (Ngài Đai sứ Corbet Shea chẳng hạn). Anh ta không phải là một thành viêncủa bất kì gia đình tội ác nào. Johnny Fontane chỉ trung thành với những người từng thân thiết với mình khi đời chàng chưa là gì cả mà chỉ là những sớm tối kéo cày trả nợ áo cơm.

Butta - beepa - da - boppa - da - boop.

Xét cho cùng, Johnny Fontane là một ca sĩ mà thế giới sẽ không có giọng ca thứ hai như chàng.

Chàng tự gọi mình là một ca sĩ thính phòng, nhưng trước tiên đó là lối khiêm hạ kiểu Sicily, nghĩa là khiêm tốn giả vờ đấy thôi! Vậy là - sau những kiệt tác về bài ca Mỹ mà chàng tung ra vào cuối thập niên năm mươi và đầu thập niên sáu mươi của thế kì trước - một lời đùa không thật thà mà cả và thiên hạ đều mắc mớp.

Hãy lấy, chỉ như một trong nhiều thí dụ, buổi trình diễn của anh ta tại lễ khiêu vũ nhậm chức của James K. Shea.

Chiếc tuxedo sọc trứ danh kia trông sẽ có vẻ hề trên bất kì người nào, nhưng trên người Fontane trông lại hoàn toàn tự nhiên, một trong những thời điểm đáng ghi nhớ trong phong cách thời trang thế kì hai mươi. Mọi buổi tối, chàng là một người dẫn chương trình duyên dáng và vui nhộn khó có ai vượt qua. Chàng còn là một bạn đồng diễn song ca xuất sắc - đáng kể nhất là với Ella Fitzgerald trong một phiên bản a cappella (theo cách nhà thờ, đồng ca không có đệm) của bài “The Battle Hymn of the Republic” (Bài ca Chiến trận của nền Cộng hòa).

Bộ ca khúc của chính Fontane chỉ gồm đúng ba bài. Dường như không phải là cơ hội để phô bày tất cả điểm mạnh của chàng. Những phần ghi âm tuyệt vời nhất của anh gồm hoặc là những ca khúc bên ngọn đuốc được hát từ một viễn tượng đàn ông đặc thù (torch songs sung from a singularly male perspective) hoặc là những trình diễn theo phong cách thánh ca một số tiết mục về những kẻ thua cuộc thảm hại nhưng vẫn kham nhẫn để tồn tại (anthemic renditions of numbers about battered losers who endure) mà không có phần hòa âm nào diễn đúng nốt nhạc trong dịp đó.

Lúc đầu chúng ta thấy anh một mình, trong một hồ ánh sáng. Chiếc mũ được đặt trên một ghế đẩu bên cạnh anh. Âm nhạc khởi xướng, chỉ với một piano và dàn trống. Những đường chải chuốt lả lướt. Đấy là một bản chuyển soạn khoan thai, tỉa tót từ ca khúc “It Had to Be You”. Fontane giữ chiếc microphone xa khỏi mình, tạt ra thành một góc xéo và hát với đầu ngước lên trần. Xuyên suốt bài ca Fontane chuyển động micro để chuyển tông, trình diễn điệu nghệ như Charlie Parker biểu diễn kèn co. Những âm thanh tuyệt diệu dào dạt dâng tràn nhưng Johnny Fontane còn là một cái gì quý hiếm hơn: một ca sĩ ngoại hạng.

Đám đông bùng vỡ thành tràng pháo tay vang rền. Fontane tóm lấy chiếc mũ có chóp nhọn và ca bài Ridin High, đi hùng dũng qua sân khấu với vẻ dữ dội của con mãnh thú mà Cole Porter chưa hề tưởng tượng. Khi Fontane kết thúc, mệt đứt hơi, đám đông nhảy cẫng lên trên đôi chân. Nụ cười hân hoan của Fontane rõ là nụ cười của một đứa bé lớn lên không có gì và nhìn ra để thấy nó đã có được hơn là tất cả.

Trong khi có lẽ chỉ còn ít thôi để cứu vãn phiên bản sớm nhất của “Big Dreams” (Những giấc mộng lớn) mà cuộc vận động tranh cử của Shea cùng chọn như là bài ca chủ đề chính thức của họ (với ca từ mới được viết bởi Wally Morgan), Johnny Fontane, tràn ngập với khúc khải hoàn của thời khắc ấy, đã thực hiện một cú thử dũng cảm. Chắc chắn là anh thành thật. Sau câu mở đầu, bức màn đằng sau anh cuốn lên và những bạn diễn sải bước ra, xếp hàng thành dàn đồng ca. Khi ống kính camera hướng về phía công chúng khán thính giả, đèn trong phòng bật lên cho thấy mọi người đều đứng lên và cùng hát. Tổng thống hôn Đệ nhất Phu nhân. Fontane ném cho họ chiếc mũ nhọn đầu. Tổng thống bắt lấy và đội lên đầu mình. Vừa khít.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay