Cung – Mê Tâm Ký - Quyển III - Chương 09 - 10

Quyển 3 – Chương 9

Dân sinh phồn thịnh, uống rượu rẻ tiền

Họ lại trở về bát phố ở bờ phía Tây, Phi Tâm dùng khăn tay che nửa mặt, níu chặt không dám lìa khỏi bàn tay Vân Hi. Tiểu Phúc Tử trong tay đang cầm hai khúc sa tanh giả màu trắng, đây là thứ lúc nãy Vân Hi đòi mua.

Sa tanh giả rất thịnh hành trong dân gian, triều đình có hạ lệnh rằng dân thường không được mặc gấm lụa, dù có là thương nhân cũng không được mặc. Những kẻ vi phạm, nhẹ thì phạt tiền, nặng thì phạt đòn và bắt giam.

Vì thế có một số phú hộ hoặc thương nhân hay mặc sa tanh giả, trông nó rất giống gấm vóc, dệt tốt một chút thì không chừng còn tưởng thật, kiểu dáng cũng rất nhiều. Giá cả đắt rẻ khác nhau, nếu dệt công cực tốt thì giá một khúc sa tanh giả sẽ tương đương với giá của tơ lụa.

Giống lần hành cung lần trước, ông chủ khách điếm trên thị trấn Nam Lệ ở huyện Hoàng Uyển đã ăn mặc rất lộng lẫy, nhưng thực ra y phục cũng chỉ là sa tanh giả, chẳng qua chỉ vì dệt rất tốt nên mới trông giống tơ lụa mà thôi. Cũng có những nơi quản lí không nghiêm ngặt, hoặc xa rời trung ương nên có nhiều kẻ cả gan mặc áo gấm lụa, nhưng đại bộ phận các thành thị đều nghiêm chỉnh chấp hành pháp lệnh này.

Hiện giờ họ đang bát phố trên bờ sông phía Tây, Vân Hi mặc y phục xà cừ, mọi người nhìn vào đã biết chắc rằng y không phải xuất thân dân thường. Hơn nữa bây giờ hoàng thượng Nam tuần, rất nhiều lối đi hạn chế dân thường qua lại, trên phố thường xuất hiện những thị vệ chấp hành nhiệm vụ mặc áo gấm đen, đội mão, có lẽ họ cho rằng đoàn người này đa phần là con cháu quan lại trong kinh đi cùng, nên dẫu ánh mắt có phóng túng, có tò mò muốn nhìn ngắm thì cũng kiêng dè hành động. Những ánh mắt liếc nhìn cũng đều hơi nghiêng người cúi đầu, và nhường đường.

Hầu hết ở đây đều là những kiến trúc dài và hợp với tông màu trắng đen, hệt như một sân đình, cửa sau được xây khoét vách theo hướng thẳng ra con sông, có lẽ là nhà ở của những kẻ bán buôn này. Có những nơi dựng lều ven sông, chỉ chống bằng hai cột trụ; có những nơi còn dùng dây thừng mắc lên cây, trải tấm rèm để ngăn cách với hai bên, tiện bề chào hàng; và lại những nơi chỉ có một gánh hàng rong, tùy tiện đặt vài chiếc ghế; có nơi còn chẳng có ghế, khiến cả đường bờ sông trở nên chật chội hết sức, người qua đường chỉ còn cách đi sát mép sông.

Phía đầu mép sông có những bậc thềm tạo thành một chiếc bục nhỏ phẳng phiu, có những người rửa tay, rửa chén tại đó, những con đò tới rồi đò lại đi trên sông, lái đò có cả nam lẫn nữ, cao giọng hát lên, khéo léo lái đò qua lại.

Phi Tâm chưa bao giờ bát phố, Vân Hi tuy trưởng thành trong chốn thâm cung nhưng lúc trước y cũng từng vi hành ở các phủ đệ của quan lại trong kinh, thỉnh thoảng hứng trí cũng dạo quanh các hẻm to hẻm nhỏ trong kinh. Nhưng cũng là lần đầu tới vùng Hoài Nam, nên rất tò mò với phố chợ phương Nam này. Lúc đó, những gánh hàng rong bày biện đủ mọi thứ, thứ ăn vặt nhiều vô kể. Có những thứ y biết và đã từng nhìn thấy trong kinh. Cũng có những thứ hoàn toàn chưa bao giờ nhìn thấy, chẳng hạn như bát gốm nhỏ này, trong đó chứa một thứ gì đó nhiều màu ngưng đọng, chỉ cần ấn nhẹ lên trên mặt thì sẽ có một miếng bánh tròn tròn trượt xuống, lấy que tăm khẽ nhích một cái, thật ngon miệng. Chen vào hỏi mới biết, thứ này gọi là Ngẫu Tử Cao. Nguyên liệu chính là bột củ sen, trộn vào một ít nước đường keo đặc lại, cho thêm đậu đỏ, quả mơ, đậu xanh để nấu thành những sắc màu khác nhau, sau đó đặt vào trong bát sứ, giá cả cũng cực rẻ, một đồng một miếng.

Còn có những ống tre dài và hẹp, trong đó nhét đầy bột nếp, hạt sen. Sau đó bỏ vào nồi chưng, khi ăn thì bẻ đôi ống trúc ra, bên trong là một ống nếp, cũng giá một đồng một ống.

Ngoài ra còn có cá viên chiên tròn tròn, trên thịt cá có rắc một lớp bột. Một xâu hai viên, đặt trong một đĩa bằng đồng nhỏ, nóng hổi, nghi ngút khói, rưới thêm tương ớt hoặc tương ngọt lên đó. Vẫn là giá một đồng một xâu.

Bánh chẻo nếp gói trong lá sen, phía trên có rắc những hạt đậu phộng, hạt mè giã nhuyễn. Khổ qua, rau thơm, táo đỏ nấu nhừ thành dạng keo, những thứ này cũng là một đồng một cái. Còn những thức ăn có thể thấy trong kinh thành như là chè mè đen, tàu phở, bánh gạo, cũng đều giá một đồng một cái! Tất cả gánh hàng rong ở nguyên con đường này, mọi thức ăn vặt đều cùng một giá!

Sau đó, họ lên đò đi về Thành Đông thì mới biết, tất cả gánh hàng rong trên phố đều có cùng một giá là để tránh việc giành giựt chiếm chỗ, Tập Lệnh đã căn cứ vật giá nơi này để định. Bá tánh Thành Tây khi bát phố ở chợ, trong số mười người đã có tám, chín người ra đây lấp bụng. Tiêu không tới mười đồng thì đã có thể khiến hai người no nê.

Phi Tâm thấy Vân Hi món nào cũng đưa vào miệng, thật sự khiến cô nơm nớp lo sợ. Ban đầu Uông Thành Hải cũng hơi sợ, thi thoảng khuyên nhủ, sau đó hắn cũng ăn theo Vân Hi, ăn đến dính tương ớt vấy lên bộ râu giả, mồ hôi nhễ nhãi mà vẫn dựng ngón cái khen ngon, đúng là liều mạng nịnh bợ! Tiểu Phúc Tử ánh mắt cũng thèm thuồng, nhưng ngại Phi Tâm nên không dám mạnh miệng ăn, chỉ nếm thử một tí. Còn Phi Tâm thì chẳng ăn một miếng nào, nhìn những chiếc bát được rửa từ nước sông thì bao tử cô đã muốn lộn ngược.

Tuy cô không nuốt nổi nhưng cô cũng hiểu mục đích đến nơi này. Về cơ bản thì ở đây đã thể hiện được cuộc sống của thường dân Giang Đô, có thể nói là ai ai cũng no ấm, người người có cơm ăn. Lời nói nghe có vẻ dễ dàng, nhưng đối với một đất nước mênh mông to lớn, muốn thực hiện được cũng không phải chuyện dễ. Khi bờ đê Cù Hiệp vẫn chưa xây xong, giao thông sông nước bất tiện. Mỗi mùa mưa đến thì vùng Giang Đô đều có vô số người dân bị đói khát, lúa gạo lương thực lên giá, vào những năm đầu Xương Long, đã từng có đợt giá một gánh gạo lên đến ba lượng bạc. Từ đó dẫn tới nạn cướp giật, còn có thủy tặc giết người cướp hàng trên sông, ngay đến thuyền quan cũng không tránh được.

Đến tận mấy năm nay, công trình Cù Hiệp ngày càng hoành tráng dẫn đến nước sông Hoài bị đẩy về phía nam, không còn lụt lội khắp nơi, những kẻ đầu cơ gạo cũng không còn trục được lợi, nay giá gạo đã rớt xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Hai mươi, ba mươi đồng đã mua được một gánh gạo tẻ, gạo trân châu thượng hạng cũng chỉ hơn một trăm đồng, đã rớt xuống thấp hơn gấp mười lần so với trước đó. Vì giá gạo hạ nên những vật liệu chế biến từ gạo như rượu cũng xuống giá theo. Hơn nữa đất hoang ven sông được khai khẩn, đa số trồng thực vật rau củ quả, nên đã làm sản lượng cho vùng Giang Đô phong phú thêm. Còn thủy tặc cũng đã sớm trở thành truyền thuyết, ban đầu liều mạng vì miếng ăn, nay miếng ăn có thể dễ dàng kiếm được, ai lại muốn trở thành kẻ cầm dao liếm máu? Giao thông đường thủy hưng thịnh, nên mới có được cảnh tượng phồn vinh hôm nay.

Giang Đô là nơi bắt đầu quyền lực của nhà họ Nguyễn, phú thương vùng này ít ít nhiều nhiều cũng chịu sự bảo hộ của nhà Nguyễn, là thương nhân, cúi đầu trước cường quyền là một lẽ sinh tồn không thể nào tránh. Cách thức xử lí ôn hòa của triều đình đã giảm nhẹ nỗi lo của họ một cách triệt để, từ sau khi nhà Nguyễn sụp đổ, Giang Đô chưa hề xảy ra việc các phú hộ di dời gia quyến, dẫn đến dân tình hoảng loạn như các triều đại trước,

Vào những năm Phụng Nghi, Giang Đô có Khang Ninh Công, Phúc Ấm Viên mà họ đang ở bây giờ chính là phủ đệ của Khang Ninh Công. Sau đó vị vương gia này bị buộc tội mưu phản, áp giải về kinh xử tử. Khi ấy, một lệnh thánh chỉ của hoàng đế Phụng Nghi, nghiêm trừng đảng dự, kết quả quan phía dưới chấp hành nhiệm vụ lấy công báo thù tư, dẫn đến việc liên lụy lên đến hơn ba ngàn người, sau cùng ngay đến thương nhân từng qua lại cũng chịu lụy. Ai nấy đều hoảng hốt như chim gặp cành cong, và hệ quả là các phú hộ đương địa gói gém vàng bạc bỏ trốn, sau này sự kiện ấy được gọi là Đinh Mão Chi Biến. Bá nghiệp trăm năm của Giang Đô trở nên tiêu điều, bá tánh trở thành những người bị hại nhiều nhất trong trận phân tranh của những kẻ cầm quyền.

Về sau, Đại Tề Quốc bị Cẩm Thái diệt, Phụng Nghi trở thành triều đại sau cùng của họ. Đại Tề diệt vong, đương nhiên không chỉ đơn thuần là chỉ tại mỗi vùng đất Giang Đô. Nhưng Giang Đô dẫn đến bùng phát dân biến, bá tánh triệt để mất lòng tin đối với triều đình, vì thế nó đã trở thành chất xúc tác khiến họ diệt vong nhanh chóng!

Thời kì đầu dựng nước của Cẩm Thái, Giang Đô vô cùng thê thảm, đã từng có hơn ba mươi dặm chìm ngập trong nước, ba mươi dặm trở thành bãi đất hoang. Hơn nữa mưa liên miên, rất đông bá tánh đã di cư, lãng phí một vùng đất tươi đẹp! Qua đó có thể thấy, sự chuyển đời quyền lực và sự tranh chấp trên triều đường, chỉ cần một chút sơ hở cũng có thể bùng phát hoảng loạn ở các địa phương. Hoàng Đế được ví là Quân Phụ, là cha của bá tánh khắp thiên hạ. Không những phải có thủ đoạn cứng rắn, mà còn phải có lòng nhân ái. Nên cân bằng như thế nào, đó chính là mục đích đeo đuổi cao nhất của bậc quân vương các triều đại. Gánh trọng trách để với đến đỉnh cao xa vời, nên càng phải tận tụy, càng phải thận trọng, càng phải khéo léo, thật dễ dàng để thốt lên những lời này, nhưng lại quá khó để thực hiện!

Quyển 3 – Chương 10

Quay đầu trở lại, nói giọng miền Nam

Phi Tâm ngồi trong chiếc đò nhỏ, cứ cảm thấy đôi chân nhức nhối như bị kim đâm. Cô đã hai mươi năm chưa đi được quãng đường dài như vậy, và cũng chưa bao giờ bẩn như vậy. Họ đi bát phố từ Tây sang Đông, đi khắp các gánh hàng rong, cửa hiệu hai bên bờ, người ngợm đầm đìa mồ hôi, tóc tai cũng rối bù. Trên đò bày đủ các loại thức ăn, vải vóc, giày dép, đấu lạp áo tơi (áo nón đội mưa), và còn cả những bộ y phục đã may sẵn, toàn là làm từ bông đay mà họ đã mua về. Ngoài ra còn có những thứ linh tinh như quạt tay, trâm gỗ, lược, chiếu, có thể nói là muốn gì có nấy. Thế nên cỗ xe ngựa đã dùng ban đầu chắc chắn không chứa xuể, đành phải thuê đò, đi về bằng đường thủy.

Vân Hi trông sắc mặt Phi Tâm tái xanh, biết rằng cô đã hết mức chịu đựng. Dù cô hiểu rõ mục đích chuyến đi này của y, nhưng không thể nào tìm được lạc thú từ nó. Cô không hề nhấp môi ăn chút gì, trời nóng cách mấy cũng vẫn lấy khăn bưng bít mũi miệng lại. Nhưng, cô có thể cùng y đi khắp các nẻo đường một chuyến, đối với cô mà nói, đó đã là một sự tiến bộ vượt bậc. Cô chỉ là một chú chim yến vàng chưa bao giờ sổ lồng, nên đã quên mất phải cất cánh như thế nào để bay nhảy giữa rừng. Tuy sự náo nhiệt và đời sống muôn màu của dân thường cũng mang lại sự cảm thông cho cô, cô có thể trải niệm mặt khác của cuộc sống, nhưng lại không thể hòa nhập vào trong đó!

Vân Hi vốn dĩ còn muốn dạo Thành Đông một chút, bên đó có một dãy phố toàn các cửa hiệu san sát nhau, rất khác biệt so với bên này. Nhưng trông cô có vẻ không cầm cự nổi nên đành ngắm nghía lúc lên đò thôi. Con sông này lưới chài dày đặc, lưu thông đường thủy phát triển hơn đường bộ. Có những nơi nhà cửa xây trên bục nước, mở cửa và men theo bục thềm sẽ lên thẳng được đò, đó là những gian nhà lợp vôi có nóc bằng gỗ. Những gian nhà cao thấp không đều sắp xen kẽ nhau, có nhà kéo sào phơi áo, nhìn lướt qua cứ như những ngọn cờ màu đang tung bay phất phơ.

Thời tiết rất nóng, nhưng trên mặt nước vẫn khá dễ chịu. Lúc trưa mới ra ngoài thì trời âm âm u u như đang nén chặt những cơn mưa, không ngờ chỉ một chốc mặt trời đã ló dạng, ánh sáng chói chang soi rọi xuống mặt sông cứ lấp la lấp lánh. Phi Tâm ngồi bên cạnh Vân Hi, đôi chân mỏi nhừ muốn rã rời, con đò này rất cũ kĩ, chiếc mui trên đầu còn có khá nhiều lỗ thủng, hai bên có đâm hai lỗ to tạo thành cửa sổ, mùi giấy dầu cứ phập phà quạt tới. Đò nhỏ lắc lư rất dữ dội để tránh né những con đò khác.

Người lái đò là một đàn bà hơn ba mươi tuổi, mặc bộ y phục vải thô màu xanh xám, thắt một chiếc nịt lưng quanh eo, phía dưới không mặc váy mà mặc chiếc quần đen ống rộng. Lúc đó ống quần đã vén đến tận gối, để lộ đôi chân, đi chân trần trên ván đò. Đàn bà xuất đầu lộ diện đã không nên, lại còn chân trần lộ đùi, khiến Phi Tâm liếc nhìn qua đã không muốn quay về phía đó. Trên đò bốc lên một mùi tanh tanh, Phi Tâm dùng khăn che lại mà vẫn thấy buồn nôn, cô rất khâm phục Vân Hi có thể ung dung thư thái ngồi trên đò như vậy. Cô bịt kín quá, lại mặc thêm lớp áo ngoài, nên buồn nôn không chịu được. Đành quay đầu hít thở gió ngoài cửa sổ, đưa mắt ngắm nhìn cảnh sắc trên bờ.

Rẽ sang hai ngã sông, đò ít dần đi. Đường sông bắt đầu trở nên rộng rãi, con phố trên bờ cũng trông sạch sẽ hơn, những gian nhà lợp tường vôi cũng vơi đi, dần dần xuất hiện một vài cột trụ điêu khắc với mái cong. Thỉnh thoảng có những con thuyền đi qua, nhưng đều là thuyền hoa, và còn là loại thuyền hai tầng. Phi Tâm nghĩ có lẽ sắp đến Tân Thành bên kia rồi, bên tai văng vẳng những giọng hò khe khẽ, dường như phát ra từ chiếc thuyền hoa, mặt hồ cũng trong dần, suy cho cùng là vì nơi này ít ai tắm gội. Phi Tâm nhìn lên bên bờ đó, nơi này rộng rãi, nên xe ngựa có thể chạy được. Đột nhiên cô mở to đôi mắt, con đò đang lái đi trong khoan thai, tấm bảng hiệu của một tòa nhà to bên bờ sông đã thu hút ánh nhìn của cô.

“Đình Kì Trà Trang.” Vân Hi không biết đã ghé sát cô từ lúc nào, nhìn tấm bảng hiệu, đột nhiên cười cười. Nói với Uông Thành Hải: “Bảo bà ta dừng lại!”

Phi Tâm nghe thấy thoáng sửng sốt, rõ ràng qua ánh mắt của cô Vân Hi đã biết được Trà Trang này là của ai. Không sai, Đình Kì Trà Trang chính là cửa hiệu kinh doanh của nhà Lạc Chính, Lạc Chính Đình Kì là tăng tổ phụ của Phi Tâm. Dòng họ Lạc Chính lúc ban đầu xuất thân từ gánh hàng rong nhỏ, đến lều trà ven đường, rồi đến quán trà nhỏ, cho đến khi phát triển như ngày hôm nay, sở hữu vườn trà, trà trang, trà lầu, buôn bán trải khắp hai bờ sông Hoài, trở thành đại phú thương danh tiếng khắp vùng phía Nam.

Cô còn đang trầm tư suy nghĩ thì đò đã từ từ cập bến, Vân Hi kéo cô dậy: “Ở đây rất tuyệt, trên đó còn có trà lầu. Ban nãy đến một ngụm nước mà nàng cũng không uống, nước ở đây chắc nàng chịu uống rồi chứ?”

Cô nhìn nét mặt y như cười như không, hơi lúng túng, ngại ngùng chẳng thốt ra được nửa lời. Cô loạng choạng bước lên bờ, cơ thể nặng nề muốn chết, bàn chân thì không ngừng đu đưa. Trà trang này rất to lớn, lầu cao ba tầng, bên ngoài xây bốn cột trụ, bảng hiệu phết một lớp màu hoàng kim. Tòa lầu chính giữa bán toàn lá trà, còn có một ít tráng miệng dùng chung với trà. Hai bên xây hai tòa nhà phụ, đều là trà lầu. Phi Tâm nhìn bố cục thì biết ngay, phía Đông là nơi chuyên dành để phẩm trà, kèm tráng miệng. Trước cửa có một quầy ngăn, nhìn vào bên trong thì thấy toàn là những phòng trà nhỏ độc lập. Phía Tây xây một sảnh to, dòng người đông đúc, còn có cả sân khấu kịch, phục vụ chu đáo cho những yêu cầu khác của khách hàng.

Vân Hi kéo Phi Tâm bước lên thềm, đi về tòa nhà phía Đông. Người giúp việc trước cửa vừa thấy họ đã chấp tay vái lạy, cất tiếng chào: “Mời các vị vào trong.” Đều là y phục màu xanh, đội mão nhỏ màu xanh, nom khoảng mười tám, mười chín tuổi. Dung nhan thanh tú, sạch sẽ, gọn gàng, thái độ hòa nhã nhưng không nịnh nọt – đặc trưng của phong thổ phương Nam, nhìn thấy bộ dạng kì lạ của Phi Tâm nhưng vẫn không tỏ sắc mặt đặc biệt gì, được dạy dỗ khá lanh lợi!

Sau khi bước vào, bên trong sảnh giữa hơi mờ, xung quanh đều có ngăn lại, trong sảnh dựng một chiếc quầy, xung quanh bày những chiếc ghế, đằng sau treo bức tranh quan cảnh vườn trà to đùng. Trưởng quầy đang loay hoay với bàn tính, vừa thấy khách vào, vội vàng buông đồ đạc trong tay, bưng chiếc khay bước tới, trong đó trải một tấm khăn lót sạch sẽ, bên trên đặt hai quyển sổ, quay sang quầy, trông rất lạ mặt, nhưng cũng không dám thờ ơ, khẽ cúi người: “Tiểu điếm có phòng tĩnh ở lầu một bên này, từ tầng hai trở đi đều là gian phòng độc lập. Không biết các vị khách quý đây có những yêu cầu gì?”

Vân Hi nghe thế, cảm thấy khó hiểu. Nơi này rất khác biệt so với trà quán trong kinh thành, lúc nãy y chỉ tùy tiện chọn một hướng để ghé vào. Bây giờ độ nhiên hỏi y điều này, khiến y hơi sững sờ, bất giác cúi xuống nhìn Phi Tâm. Phi Tâm khẽ nói: “Nơi này không có sảnh chung, và...” Cô đang định nói trong kinh, chợt cảm thấy bên ngoài này không tiện, chẳng biết nói thế nào. Chưởng quầy nhìn bộ dạng của họ, đoán rằng 80% là người ngoại tỉnh. Có lẽ đến từ phía Bắc, nay hoàng thượng hạ Nam tuần đến Giang Đô, không chừng họ đến cùng hoàng thượng, trong lòng nghĩ thế nên lập tức trở nên nghiêm nghị lại, chấp tay mời họ ngồi vào ghế. Ngay tức thì, người giúp việc đã bưng trà lên, cốc trà nhỏ bằng sứ men xanh, trong đó chứa những lá trà xanh còn tươi được đun sôi.

Chưởng quầy chờ họ yên vị, lúc này mới đứng bên Vân Hi nói: “Tiểu điếm này tách rời sảnh khác, phía Tây náo nhiệt hơn, phía Đông yên tĩnh một tí, lầu một này có tám gian phòng, mỗi phòng tối đa chiêu đãi tám vị khách, nếu không ngại gộp chung. Bằng không thì quý khách có thể dời bước lên lầu hai, lầu hai là gian phòng biệt lập, bố cục cũng khác nhau, cảnh sắc cũng khác nhau. Nếu quý khách muốn nghe nhạc, xin mời sang lầu ba. Lầu ba có bốn phòng, mỗi phòng đều được cách âm, sẽ không ảnh hưởng đến những vị khách khác, ngẩng đầu nhìn ra sẽ có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc toàn vùng Thành Đông. Về giá cả thì cũng khác nhau. Ở đây tiểu nhân có hai quyển sổ, một quyển giới thiệu quy cách trà lầu, một quyển là ấm tách trà cụ.”

Vân Hi nghe rồi nhướng mày mỉm cười, không đáp lời nào mà quay sang nhìn Phi Tâm. Phi Tâm thấy vậy thì hiểu ngay y cố tình không muốn lên tiếng, sợ rằng người ta nhận ra giọng kinh thành. Ở Thành Tây y không ngại, nhưng đến đây thì y lại cẩn trọng hơn, càng đến chỗ cao sang, y lại càng muốn biết bộ mặt của những kẻ nơi ấy thế nào. Phi Tâm tất nhiên không thể để y lộ tung tích, đưa tay cầm quyển sổ. Chưởng quầy dâng tới, cô lật vài trang rồi nói với giọng Hoài Nam: “Quét dọn phòng to, tìm một phòng có quang cảnh thanh tịnh là được.”

Giang Đô nằm ở phía đông tỉnh Giang Đông, tuy chỉ cách Hoài Nam một con sông Hoài nhưng khẩu âm lại không giống nhau, nhưng cũng không chênh lệch nhiều. Giọng địa phương này nghe rất ấm áp và mềm mại, nhất là khi nói chậm và khẽ, giọng nói uyển chuyển quyện vào nhau, không có âm bậc quá sắc nhọn, có cảm giác rất ngọt ngào. Phi Tâm vốn là người Hoài An, lúc nãy có nghe giọng điệu người ta trong phố chợ nên đoán được tám, chín phần âm địa phương nơi này.

Vân Hi biết Phi Tâm sẽ phối hợp rất tốt với y trên phương diện này, không cần y đưa bất kì ánh mắt biểu hiện nào. Nhưng y chưa hề nghe Phi Tâm nói chuyện như thế này, mềm dẻo hệt như có một ngón tay đang quấn lấy, y thẫn thờ trong chốc lát, ánh mắt bất giác nhìn cô chằm chằm.