Đời tôi (Tập 1) - Chương 01 - Phần 1
CHƯƠNG I: I-A-NỐP-CA
Người ta nói tuổi thơ là thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời. Có phải lúc nào cũng vậy không? Không, chỉ ít người có tuổi thơ hạnh phúc. Sự lý tưởng hóa tuổi thơ bắt nguồn từ nền văn học cũ của những kẻ có đặc quyền, đặc lợi. Một tuổi thơ được đảm bảo, đầy đủ, được cung phụng và đùa chơi thỏa thích, không gợn một bóng mây, trong những gia đình thế tập giàu có và học thức - đọng lại trong ký ức như một bãi cỏ nhỏ bên bìa rừng thưa ngập ánh nắng ở bước đầu của đường đời. Các lãnh chúa lớn trong văn chương hoặc những ca sĩ bình dân của họ đã tụng ca cái ý tưởng về tuổi thơ thấm nhuần màu sắc quý tộc ấy. Trái lại, nếu có lúc nhìn lại phía sau, đại đa số chỉ thấy một tuổi thơ tăm tối, bần cùng, vất vưởng. Cuộc sống đánh vào kẻ yếu và còn ai yếu hơn lũ con trẻ?
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Vào thu ở đầu đời, tôi không bị đói và rét. Khi tôi ra đời, cha mẹ tôi đã khá giả. Nhưng đây là thứ no đủ ngặt nghèo của những con người vừa đi lên từ cảnh túng bấn và không muốn dừng lại giữa chừng. Căng thẳng đến từng cơ bắp, mọi ý nghĩ đều hướng về công việc và tích lũy. Trong guồng sống ấy, phần dành cho trẻ con là quá ít. Chúng tôi không thiếu thốn, nhưng cũng không được biết đến sự hào phóng và chiều chuộng của cuộc sống. Tuổi thơ không sống trong tôi như một cánh rừng thưa tràn ánh nắng như trong tâm trí một số ít ỏi; cũng không phải là hang sâu ảm đạm của đói khát, bạo lực và nhục mạ như tình cảnh thời niên thiếu của nhiều người, của đa số. Đó là những năm tháng thơ ấu xám xịt trong một gia đình tiểu tư sản tại vùng nông thôn hẻo lánh, nơi thiên nhiên thì khoáng đạt nhưng phong tục đạo đức, cách nhìn và nỗi quan tâm thì quá sầu thảm và hạn hẹp.
Bầu không khí tinh thần bao trùm lên những năm đầu của đời tôi và bầu không khí sau này, khi tôi đã sống một cách có ý thức, là hai thế giới riêng biệt, chẳng những cách nhau bởi vài thập niên và nhiều biên giới quốc gia mà còn bởi những cạnh sắc hiểm trở của các sự kiện lớn và những sụt lở nội tại, khó thấy hơn, nhưng không phải không đáng kể đối với một cá nhân. Lần đầu tiên khi phác họa những kỷ niệm này, nhiều lúc tôi cảm thấy dường như không phải tôi miêu tả thời thơ ấu của bản thân, mà chính là miêu tả về một chuyến du hành thời xưa cũ tại một xứ sở xa xăm. Tôi cũng đã thử nói về mình ở ngôi thứ ba. Nhưng cái hình thức giả tưởng ấy dễ rơi vào thứ văn chương thuần túy và đó là điều tôi muốn tránh trước nhất.
Mặc dầu có mâu thuẫn giữa hai thế giới kể trên, cá tính thống nhất chuyển từ thế giới này sang thế giới kia qua những đường mòn bí mật. Điều đó cắt nghĩa tại sao, nói chung, người ta chú ý đến tiểu sử và tự truyện của những người đã có một vị trí lớn trong đời sống xã hội, vì lý do này khác. Bởi thế, tôi sẽ cố kể lại chi tiết hơn về thời thơ ấu và những năm tháng đi học của tôi, không tìm cách báo trước hoặc suy đoán, nghĩa là không bắt các sự việc phải tuân theo những tổng quát hóa mang tính tiên nghiệm. Một cách đơn giản, tôi thuật lại như sự việc đã xảy ra và như ký ức còn lưu lại về quá khứ.
Đôi khi, hình như tôi còn nhớ được cả những lúc tôi ôm chầm lấy bầu vú mẹ. Nhưng chắc hẳn là tôi đã vơ về mình những điều tôi nhìn thấy ở các đứa trẻ khác. Tôi có những kỷ niệm mơ hồ về một cảnh đã diễn ra dưới một cành táo tây trong vườn khi tôi mới được một tuổi rưỡi. Nhưng ký ức ấy cũng chẳng đáng tin là bao. Sự việc sau cũng khắc sâu trong trí nhớ tôi: tôi ở Bô-bri-nhét [Bobrinetz] với mẹ tôi, trong gia đình X, ở đấy có một con bé lên hai hoặc ba tuổi. Người ta gọi tôi là “chú rể” và con bé là “cô dâu”. Hai đứa chơi đùa trên chiếc sàn được quét sơn trong phòng khách. Rồi con bé biến đâu mất để thằng bé trơ lại một mình, bần thần tựa vào chiếc tủ con nhiều ngăn như người trong cơn mơ. Mẹ tôi trở lại với bà chủ nhà. Người mẹ nhìn thằng bé và thấy gần nó có một bãi nước nhỏ. Rồi bà lại nhìn đứa con, lắc đầu vẻ trách móc và bảo nó:
-
Con không thấy xấu hổ à?
Thằng bé nhìn mẹ rồi nhìn lại mình, sau đó liếc vũng nước như một cái gì không
liên quan đến nó.
- Không sao, không sao cả. - Bà chủ nhà nói - Trẻ con mải chơi là chúng
quên hết ấy mà. Chú bé chẳng cảm thấy xấu hổ hay hối hận gì. Chú độ mấy tuổi
vào thời ấy nhỉ? Có thể hai, cũng
có thể ba tuổi.
Cũng
trong thời gian ấy, một lần đi dạo với chị bảo mẫu trong vườn, chúng tôi gặp
phải một con rắn lục.
- Này, Li-ô-va [Liova], nhìn kia kìa - Chị chỉ cho tôi một vật gì
lấp lánh trong cỏ và nói. - Có một cái hộp thuốc lá được vùi ở đây này.
Chị cầm một cái que và đào bới chiếc hộp. Chị ấy cũng chưa quá mười sáu tuổi.
Cái hộp đựng thuốc lá duỗi ra và biến thành một con rắn, trườn trên đám cỏ rồi
kêu phì phì.
- I
chà, ối chà!
Chị bảo mẫu thét lên, kéo tay tôi và bỏ chạy. Vất vả lắm tôi mới theo kịp. Sau
đó, chúng tôi kể đến không kịp thở về chuyện xảy ra.
Tôi còn nhớ một cảnh diễn ra từ thời niên thiếu trong nhà bếp của “ông bà chủ”.
Cả cha lẫn mẹ tôi đều vắng nhà. Trong gian bếp, ngoài những người ở và các chị
đầu bếp còn có khách khứa của họ. A-lếch-xan-đơ-rơ [Alexandre], anh của tôi về
nghỉ hè cũng quanh quẩn ở đây. Anh thượng cả hai chân lên một cái xẻng gỗ như
người đi thăng bằng trên đôi cà kheo và cứ thế, anh nhảy liên hồi trên nền đất
nện của nhà bếp. Tôi nài anh cho tôi chơi với, nhưng vừa trèo lên thì đã bị ngã
và òa khóc. Anh đỡ tôi dậy và bế tôi khỏi bếp.
Chắc tôi phải lên bốn khi được ai đó đặt lên lưng một con ngựa cái lớn, lông
xám, hiền như một con cừu, không yên cương, chỉ sơ sài một đoạn dây thừng để
làm “phanh”. Choạng hai chân, hai tay tôi nắm lấy bờm ngựa. Con ngựa cái từ từ
đưa tôi đến một cây lê và đi qua dưới một cành vươn ngang tầm bụng tôi. Chẳng
hiểu sao tôi trượt khỏi hông ngựa và ngã sóng xoài xuống cỏ. Tôi không thấy đau
nhưng nhớn nhác.
Thời thơ ấu, tôi hầu như không có những thứ đồ chơi phải đi mua. Chỉ một lần mẹ
đem về cho tôi một con ngựa bằng giấy bồi và một một quả bóng từ Khác-cốp
[Kharkov]. Tôi chơi búp bê với em tôi bằng những đồ tự làm. Một lần, các em gái
của cha tôi, cô Phê-nhi-a [Fénia] và cô Rai-xa [Raissa] làm cho chúng tôi mấy
con búp bê bằng vải vụn rồi cô Phê-nhi-a nguệch ngoạc vẽ mắt, miệng và mũi cho
chúng. Những con búp bê ngày ấy đối với tôi thật khác thường, đến nay tôi còn
nhớ chúng.
Một tối mùa đông, người thợ máy của chúng tôi, anh I-van Va-xi-li-ê-vích [I-van
Vassiliévitch] cắt bìa và dán lại thành một toa tàu có cả cửa sổ và bánh xe cho
tôi. Anh tôi về nghỉ lễ Giáng sinh, lập tức tuyên bố anh cũng có thể làm một
toa tàu như thế trong nháy mắt. Rồi anh liền bóc cả toa tàu của tôi, lôi thước,
bút chì và kéo ra, anh vẽ hồi lâu và sau khi cắt theo vạch kẻ thì thấy các mảnh
của toa tàu không khớp với nhau.
Nhiều lần, họ hàng hoặc người quen của chúng tôi lên thành phố, họ hỏi tôi muốn
quà gì từ Ê-li-da-vét-gơ-rát [Elisavetgrad] hoặc Nhi-cô-lai-ép [Nikolaiev]. Khi
ấy mắt tôi sáng lên. Xin cái gì bây giờ? Thường người ta góp ý kiến ngay với
tôi. Người thì đồ chơi con ngựa, người thì sách, người bút chì màu, người giày
trượt tuyết. Và tôi trả lời: “Giày trượt tuyết nửa - He-li-phéc-xơ [Halifax].” vì đã nghe
anh tôi nói đến thứ đó. Nhưng những kẻ hứa hẹn quên bẵng lời hứa ngay từ khi
bước chân khỏi cửa. Tôi thì nuôi hi vọng hàng tuần và sau đó còn đau khổ rất lâu
vì thất vọng.
Một con ong đậu lên bông hướng dương trong khu vườn nhỏ có rào dậu. Tôi biết
loài ong đốt nên thận trọng, thế là tôi bứt một chiếc lá ngưu bàng và dùng lá
ấy để bắt con ong bằng hai ngón tay. Đột nhiên, tôi cảm thấy đau buốt không
chịu nổi. Tôi rống lên và chạy đến nhà xưởng tìm I-van Va-xi-li-ê-vích. Anh nặn
nọc ong ra và lấy thuốc nước bôi vào ngón tay tôi.
I-van Va-xi-li-ê-vích có một cái lọ, vốn để đựng quả ngâm trong đó anh chứa
những con nhện sói trong dầu hướng dương. Người ta cho đó là thứ thuốc tốt nhất
để chữa những vết cắn. Tôi cũng đi bắt nhện sói cùng Vi-chi-a Ghéc-tô-pa-nốp
[Vitia Gertopanov]. Muốn bắt được chúng, phải buộc một cục sáp vào một sợi chỉ
vòng xuống hố nhện. Chú nhện bám cả tám chân vào sáp và bị dính luôn ở đó. Rồi
chỉ còn việc tống nó vào một bao di êm rỗng. Nhưng có lẽ việc đi bắt nhện sói
phải thuộc về thời kỳ muộn hơn.
Tôi nhớ vào một buổi tối dài mùa đông, cạnh chén trà, người lớn nói về việc họ
đã mua I-a-nốp-ca [Ianovka] trong hoàn cảnh và thời điểm nào, khi ấy bọn trẻ
lên mấy và I-van Va-xi-li-ê-vích đến làm việc cho chúng tôi từ hồi nào. Mẹ tôi
nói:
“Chúng ta đã mang sẵn Li-ô-va từ trại về đây.” và bà
ranh mãnh nhìn tôi. Tôi suy nghĩ và hỏi: “Vậy con sinh ra ở trại à?”. “Không.” Mọi người
trả lời. “Con sinh ra ở đây, ở I-a-nốp-ca.”.
- Vậy sao mẹ lại bảo con đã có sẵn ở trại và chỉ cần đưa con về đây?
- Thế là mẹ nói đùa đấy...
Tôi không hài lòng lắm về câu trả lời và suy nghĩ: Sao lại kỳ
quặc thế? Nhưng tôi im lặng vì nhìn thấy trên nét mặt mọi người cái cười đặc
biệt của những kẻ đã biết chuyện, cái cười tôi không thích chút nào.
Thời gian được tính từ kỷ niệm những buổi uống trà đêm đông như thế. Tôi sinh
vào tháng mười, ngày hai mươi sáu. Như vậy cha mẹ tôi đã rời trại đến I-a-nốp-ca vào
mùa xuân hoặc mùa hạ năm 1879.
Tôi ra đời vào năm những quả tạc đạn đầu tiên làm rung động chế độ Nga hoàng.
Một chính đảng khủng bố mang tên Tự do Nhân dân hình thành trước đó ít lâu -
hai tháng trước khi tôi sinh đã tuyên án tử hình Nga hoàng A-lếch-xan-đơ-rơ Đệ
nhị (ngày 26 tháng 8 năm 1879). Vụ mưu sát bằng bom vào đoàn tàu của Nga
hoàng được tổ chức ngày 19 tháng 11. Một cuộc chiến khủng khiếp
bắt đầu, dẫn đến cái chết của A-lếch-xan-đơ-rơ Đệ nhị ngày 1 tháng 3
năm
1881 nhưng cũng khiến đảng Tự do Nhân dân bị tiêu vong.
Chiến tranh Nga - Thổ kết thúc trước đó một
năm. Tháng 8 năm 1879, Bít-xmác [Bismarck] đặt nền móng cho Liên
minh Áo - Đức. Cũng vào năm ấy, Dô-la [Zola] xuất bản cuốn
tiểu thuyết Nana trong đó hoàng thân xứ Gan-lơ [Galles] đương
thời - người tổ chức tương lai của Liên minh được thể hiện như một kẻ hâm mộ
các nàng diễn viên ca kịch. Luồng gió phản động - thổi càng mạnh trong nền
chính trị châu Âu, kể từ chiến tranh Pháp - Đức
và sau thất bại của Công xã Pa-ri [Pa-ris] - vẫn chưa hề giảm. Ở Đức, đảng Xã
hội Dân chủ khốn khổ dưới đạo luật đặc biệt của Bít-xmác. Năm 1879, Vích-to
Uy-gô [Victor Hugo] và Lu-i Blăng [Louis Blanc] đệ đơn lên Quốc hội Pháp đòi ân
xá cho các chiến sĩ Công xã.
Nhưng những cuộc tranh cãi nghị trường, những tin tức ngoại giao, hoặc thậm chí
những vụ nổ mìn cũng không có tiếng vang đến làng I-a-nốp-ca, nơi tôi sinh ra
và trải qua chín năm đầu đời. Trong các thảo nguyên mênh mông của chính phủ Khéc-xôn
và cả vùng Nô-vô-rốt-xít-xcơ [Novorossisk], vương quốc của lúa mì và lũ cừu vẫn
sống theo những luật lệ riêng. Nhờ không gian bao la và đường xá tồi tệ, nó
được cách ly vững vàng khỏi sự xâm lấn của chính trị. Các gò mộ trên thảo
nguyên còn lại như các cột mốc ghi dấu thời đại của những làn sóng di cư lớn.
Cha tôi là nhà nông, lúc đầu nghèo thôi, nhưng sau này khá giả hơn. Khi còn rất
trẻ, ông đã theo gia đình rời một khu dân cư Do Thái vùng Pôn-ta-va [Poltava]
đi lập nghiệp trong vùng thảo nguyên mênh mông miền Nam. Thời đó tại các vùng Khéc-xôn
và Ê-ca-che-ri-nốt-xláp [Ekaterinoslav], có gần bốn mươi tụ điểm quần cư nông
nghiệp Do Thái với dân số chừng hai mươi lăm ngàn người. Các nhà nông Do Thái
sống bình đẳng với những nông dân, chẳng những trong pháp luật (cho đến năm
1881) mà còn cả trong sự khốn cùng. Tích lũy ban đầu được kiếm bằng cố gắng
không mệt mỏi, lao động cật lực không nương nhẹ bản thân và người khác, cứ thế
cha tôi ngày càng đi lên.
Tại trại Grô-mô-cơ-lây [Gromoklei], những chứng từ khai sinh không được ghi
chép cẩn thận cho lắm. Nhiều thứ chỉ được ghi nhận về sau này. Trước khi vào
trường trung học, gia đình tôi mới hay rằng tôi không đủ tuổi vào lớp một, thế
là thay cho 1879, năm sinh của tôi được ghi vào giấy khai sinh là 1878. Bởi vậy
lúc nào tôi cũng có hai ngày sinh: một ngày chính thức và một ngày của gia
đình.
Trong chín năm đầu của cuộc đời, hầu như tôi không ra khỏi làng. Làng được gọi
là I-a-nốp-ca vì người ta mua nó của một địa chủ tên là I-a-nốp-xki [Ianovsky].
Ông lão I-a-nốp-xki, xưa là lính trơn, sau leo được đến chức đại tá. Dưới triều
A-lếch-xan-đơ-rơ Đệ nhị, ông được lòng cấp trên và họ cho ông chọn năm trăm mẫu
đất tại các vùng thảo nguyên hoang dã tại Khéc-xôn. Ông đại tá xây một nhà nhỏ
bằng đất lợp mái rạ cùng một số công trình phụ đơn sơ tương tự trên thảo
nguyên. Tuy nhiên, công việc làm ăn của ông không chạy. Sau khi ngài đại tá
mất, gia đình ông đến ngụ cư tại Pôn-ta-va. Cha tôi đã mua hơn một trăm mẫu và
ngoài ra còn thuê của nhà I-a-nốp-xki độ hai trăm mẫu nữa. Tôi còn nhớ rất rõ
bà đại tá, một phụ nữ bé tí, khô quắt: cứ mỗi năm bà đến một hai lần để thu
tiền thuê đất và xem mọi thứ có đâu vào đấy không. Người ta cho một xe ra đón
bà ở nhà ga và khi bà đến, họ lại đặt một chiếc ghế để bà bước xuống dễ dàng
khỏi toa xe có lò xo. Mãi sau này cha tôi mới có một chiếc xe ngựa bốn bánh,
lúc ấy ông cũng đã có ngựa kéo. Chúng tôi nấu xúp gà và làm món trứng thết bà
đại tá già. Đi dạo trong vườn với chị tôi, bà lấy những móng tay khô và nhỏ cào
vào những cây ăn quả cho chảy nhựa rồi quả quyết rằng đó là thứ kẹo bánh ngon
lành nhất.
Đất trồng tỉa của chúng tôi rộng ra, đàn ngựa và gia súc tăng lên. Chúng tôi
thử nuôi giống cừu Mê-ri-nốt [Mérinos] nhưng không thành công. Ngược lại chúng
tôi có rất nhiều lợn. Được thả tự do trong sân, chúng lấy mõm ủi tất cả đất đai
xung quanh và cuối cùng phá tan tành vườn rau. Việc kinh doanh được
tiến hành với một nỗ lực lớn nhưng theo phương thức cũ: người ta chỉ áng chừng
được lỗ lãi từ đâu đến. Cũng vì thế mà khó đánh giá được tổng giá trị tài sản.
Toàn bộ tiền của đều nằm trong đất, lúa mì, hạt và sản phẩm mà sản phẩm thì luôn
nằm trong vựa hoặc trên đường đến các cảng. Đôi khi trong lúc uống trà hoặc ăn
tối, cha tôi sực nhớ ra:
- À! Ghi lấy cái này cho tôi, tôi đã cầm trước một nghìn ba trăm rúp của
ông cầm đồ, trích sáu trăm sáu mươi rúp gửi cho bà đại tá, bốn
trăm
cho Đem-bốp-xki [Dembovsky], ghi luôn vào đó là tôi đã đưa một
trăm
rúp cho Phê-ô-đô-xi-a An-tô-nốp-na [Féodosia Antonovna] vào mùa xuân, khi tôi ở
Ê-li-da-vét-gơ-rát.
Công việc kế toán sổ sách đại khái được làm như thế. Tuy nhiên, dần dà nhưng
kiên nhẫn, cha tôi vẫn cứ đi lên.
Chúng tôi ở trong cái nhà đất nhỏ do ông đại tá già xây. Mái nhà bằng rạ chìa
ra và dưới đó có vô số tổ chim sẻ. Tường bị nứt nẻ phía mặt ngoài và rắn rết
làm tổ trong những kẽ nứt này. Lắm lúc người ta tưởng đó là rắn lục và lấy ấm
xa-mô-va
rót nước sôi vào kẽ hở, nhưng vô ích. Những ngày mưa to, trần nhà bị dột, nhất
là ở hàng hiên: người ta đặt trên nền đất nện chén, bát và chậu để hứng. Các
căn phòng đều nhỏ với những cửa sổ tối tăm. Trong hai phòng ngủ và phòng của
trẻ con, sàn đất là nơi sản sinh vô số bọ chét. Phòng ăn được lát gỗ và cọ bằng
cát vàng mỗi tuần một lần. Gia đình tôi mời bà đại tá ở trong một căn phòng sàn
bóng nhoáng, dài chừng tám bộ, được gọi một cách long trọng là “phòng khách”.
Trong khu vườn bao quanh nhà có hoa keo vàng, hoa hồng bạch và hồng nhung, mùa
hè thêm hướng dương. Sân không được rào dậu. Tòa nhà lớn lợp ngói do cha tôi
xây bằng đất sét gồm xưởng, nhà bếp của chủ và phòng cho người ở. Rồi đến cái
vựa “tiểu”, vựa “đại” đều lát gỗ và cuối cùng là cái vựa “mới” để đựng thóc.
Tất cả đều lợp lau sậy. Để nước không rò vào và hạt không lên men, cả ba vựa
đều được xây trên những bệ đá. Khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, bọn chó, lợn và
gia cầm trốn biệt vào đó. Lũ gà mái tìm thấy ở đây chỗ kín đáo để giấu trứng.
Nhiều lần tôi phải bò giữa những hàng đá để moi trứng ra ngoài: người lớn không
chui vừa vào đây. Trên nóc của vựa thóc lớn, thường xuyên có vạc đến làm tổ.
Giơ mỏ đỏ lên trời, chúng nuốt chửng rắn rết và ếch nhái, nom thật dễ sợ! Con
rắn run rẩy cựa quậy ngoài mỏ chim và trông cứ như là nó ăn con vạc từ bên
trong ra.
Vựa được chia ra thành những ngăn đựng lúa mì mới thơm phức, hạt đại mạch nhọn
xù xì, hạt lanh dẹt dính gần như chảy nước, hạt cườm có ánh xanh đen, yến mạch
tinh và nhẹ. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng khi có khách đến, người ta cho
lũ trẻ em chơi trốn tìm cả ở trong vựa. Lách qua vách, tôi trèo lên đống lúa mì
cao và lăn xuống phía bên kia. Khép mình đến đầu gối, tôi trùng khuỷu tay trong
cái đống di động; hạt lúa mì chui vào đôi giày thường là rách nát của tôi và
lùa cả vào tay áo. Cửa vựa được đóng và ai đó đã treo lên đó một ổ khóa nhưng
không quay chìa để đánh lừa: luật chơi được đặt ra như vậy. Tôi nằm dài trong
vựa lúa tươi mát, chìm vào đống hạt mì hít thở bụi thực vật và nghe Xê-nhi-a
[Sénia] V. hoặc Xê-nhi-a Gi-xki hoặc Xê-nhi-a X. hoặc chị Ni-da [Nisa] của tôi
hoặc ai đó nữa - lần lượt tìm ra những kẻ nấp trốn, nhưng không sao tìm ra tôi
đang vùi trong đống lúa mì tươi.
Chuồng ngựa và bò, chuồng lợn và sân nuôi gà ở phía bên kia của nhà ở, tất cả
được nhào trát tạm bợ bằng đất sét, cành nho và rơm rạ. Cách nhà chừng một trăm
bước có một giếng với cái cần vọt chĩa cao lên trời. Sau nữa là dòng suối mà
nông dân thường lấy nước tưới rau. Hàng năm, cứ vào mùa xuân, nước lớn lại làm
trôi mất đập, phải củng cố nó bằng rơm, đất và phân. Có một chiếc cối xay trên
gò cao ngay bên bờ suối. Một cái lán được tiện bằng gỗ phiến chứa chiếc máy hơi
nước mười mã lực và một đôi trục lăn. Thời thơ ấu của tôi, phần lớn thời giờ mẹ
tôi làm việc ở đấy. Cối xay không chỉ phục vụ cho việc kinh doanh của gia đình
tôi mà còn cho cả vùng lân cận. Nông dân ở xa từ mười đến mười lăm dặm mang lúa
mì đến đây thuê xay và trả công gia đình tôi bằng một phần mười số lượng. Vào
thời kỳ cao điểm, trước khi đập lúa, cối xay làm việc hai mươi tư trên hai mươi
tư tiếng mỗi ngày và khi tôi biết đếm, biết viết, thỉnh thoảng tôi phải cân các
bao lúa mì và tính xem cần trả lại bao nhiêu bột cho những nông dân mang mì
đến. Trong vụ gặt, người ta đóng cửa cối xay và dùng động cơ hơi nước để đập
lúa. Sau này, có một động cơ cố định đặt tại nhà và nhà cối xay được xây lại
bằng đá, lợp phiến thạch. Căn nhà đất của ông bà chủ cũng được thay thế bằng
một nhà lớn bằng gạch, lợp tôn. Nhưng những việc này chỉ xảy ra vào năm tôi gần
mười bảy tuổi. Trong kỳ nghỉ cuối tuần, tôi tính toán khoảng cách giữa các cửa
sổ và kích thước các cửa lớn cho ngôi nhà tương lai, nhưng không sao ra kết
quả. Khi về làng lần sau, tôi thấy đã có móng đá. Số phận không cho tôi được ở
trong căn nhà này. Ngày nay, tại đó có một trường học Xô-viết...
Những người nông dân có khi phải chờ đợi nhiều tuần liền ở cối xay. Ai ở gần
thì đặt các bao của họ theo thứ tự rồi quay về nhà. Những kẻ ở xa sống trên xe
của họ, ngày mưa gió họ nằm trên các bao bì trong nhà cối xay. Có lần một khách
hàng thấy biến mất cái dây cương. Ai đó thấy một gã thiếu niên không thuộc vùng
này rình mò quẩn quanh bên con ngựa. Thế là họ lục lọi cỗ xe ngựa của bố nó và
thấy chiếc dây cương giấu dưới cỏ khô. Cha đứa bé, một nông dân râu ria xồm
xoàm, tính tình cau có, quay về hướng đông khoát tay làm dấu và thề
rằng chỉ có cái thằng trời đánh, cái thằng sổng tù ấy mới làm chuyện này, rồi
ông ta sẽ rút ruột thằng vô lại. Nhưng chẳng ai tin. Người nông dân tóm cổ
thằng bé, hất nó xuống đất và vụt lấy vụt để vào người nó bằng cái dây cương ăn
cắp. Nấp sau lưng người lớn, tôi nhìn quang cảnh ấy. Thằng bé gào la thề sẽ
không bao giờ tái phạm nữa. Quanh nó đám đông đứng lặng lẽ, thờ ơ với tiếng kêu
la của thằng bé, họ hút thuốc lá và nói lầm bầm dưới bộ râu rằng người nông dân
không đánh thực sự, lão ta vờ vĩnh thôi và lẽ ra phải nện cả ông bố nữa.
Sau lán và chuồng trại là những kho đựng lúa, mái dài hàng hai, ba chục xa-ghen
[sagenet], cái bằng lau sậy, cái bằng rơm rạ, dựa trên những cột đặt ngay ở nền
đất không có bức tường chống nào. Người ta đổ hàng đống hạt trong những kho ấy
và cho chạy máy quạt gió hay máy sàng vào những ngày mưa gió. Phía sau các mái
che là sân đập lúa mì. Bên kia khe nước là một khu được bao quanh cho gia súc,
lổn nhổn đầy phân khô.
Tất cả thời thơ ấu của tôi đều gắn liền với căn nhà nhỏ của ông đại tá và chiếc
ghế đi-văng cũ trong phòng ăn. Tôi ăn trưa, ăn tối, chơi búp bê với em tôi và
sau này, tôi đọc sách trên cái đi-văng ốp gỗ dán màu gụ ấy. Lớp vỏ bọc bị thủng
hai chỗ. Lỗ nhỏ nằm về phía chiếc ghế bành của I-van Va-xi-li-ê-vích và lỗ to ở
chỗ tôi ngồi, cạnh cha tôi.