Đời tôi (Tập 1) - Chương 01 - Phần 2

I-van Va-xi-li-ê-vích nói:
- Đã đến lúc cần bọc lại nó bằng nỉ mới.
- Đáng ra phải làm việc này từ lâu rồi. - Mẹ tôi đáp. - Chúng ta đã không bọc lại nó từ năm người ta sát hại Nga hoàng.
Cha tôi chống chế:
- Chà, cứ đến cái thành phố chết tiệt ấy là phải chạy ngược chạy xuôi, người Xà-ích cáu kỉnh, thế là chỉ còn nghĩ đến chuyện chuồn cho lẹ, quên khuấy cả việc mua bán.
Xuyên ngang phòng ăn, dưới cái trần thấp là một giá gỗ khổng lồ sơn trắng, trên đó đặt đủ mọi thứ: những đĩa thức ăn ngoài tầm nhảy của con mèo, đinh, dây rợ, sách vở, lọ mực nút bằng cục giấy, một chiếc bút cũ với cái ngòi đã han gỉ. Tôi không thiếu ngòi bút. Có những tuần tôi lấy con dao ăn gọt những chiếc ngòi gỗ để vẽ lại những chú ngựa mà tôi thấy trong các số báo ảnh Niva (Cánh đồng) cũ. Con mèo cái ở mãi trên cao tít, dưới trần nhà, nơi ống khói của lò sưởi nổi gồ lên. Nó đẻ và chăm sóc lũ con ở đó. Những khi quá nóng, nó cắn cổ những chú mèo con và lao xuống bằng một cú nhảy táo bạo. Tất cả những người khách cao lớn đến nhà chúng tôi đều bị đập đầu vào cái giá gỗ khi họ đứng dậy khỏi bàn ăn; vì thế, người ta có thói quen chỉ lên trần báo cho khách biết: “Cẩn thận, cẩn thận đấy.”.
Trong phòng khách, đáng chú ý hơn cả là một cây đàn cla-vơ-xin chiếm ít nhất một phần tư gian nhà. Tôi không nhớ chúng tôi có nó từ bao giờ. Một bà địa chủ phá sản ở cách chúng tôi chừng mười lăm, hai mươi dặm chuyển lên thành phố và bán tống tất cả đồ đạc. Chúng tôi mua của bà cái đi-văng, ba chiếc ghế kiểu thành Viên [Vienne] và cái đàn cla-vơ-xin cũ, hỏng, để mãi trong nhà kho với bộ dây đứt. Cây đàn giá mười sáu rúp và được chở về I-a-nốp-ca trên một chiếc xe bò. Khi người ta tháo rỡ nó ở trong xưởng, một đôi chuột chết được lôi ra từ dưới bàn hòa âm. Mùa đông năm ấy, trong nhiều tuần lễ liền, chiếc đàn cla-vơ-xin chiếm cả căn xưởng. I-van Va-xi-li-ê-vích lau chùi, dán lại gỗ, đánh véc-ni cho nó, anh kiếm được một bộ dây mắc lên đàn và chỉnh lại tiếng. Toàn bộ phím đàn được sửa lại và cuối cùng không thể kìm được, cây đàn cũng lên tiếng dù hơi rè. I-van Va-xi-li-ê-vích chuyển những ngón tay thần diệu đã quen với phím đàn phong cầm của anh sang bàn phím cla-vơ-xin, anh chơi bản Ca-ma-rin-xcai-a [Kamarinskaia], một bản Pôn-ca [Polka] và Oh, Mein lieber - Augustin. Chị cả tôi bắt đầu học nhạc. Đôi khi anh tôi cũng mổ cò xuống cây đàn, anh đã học vĩ cầm vài tháng ở Ê-li-da-vét-gơ-rát. Cuối cùng tôi cũng chơi vung vẩy một ngón tay dựa theo bản nhạc soạn cho vĩ cầm của anh tôi. Tôi không có “tai nhạc” và tình yêu của tôi với âm nhạc vĩnh viễn chỉ vô vọng và một chiều. Cũng trên cây đàn cla-vơ-xin ấy, Môi-xây Kha-ri-tô-nô-vích M-xki [Moisei Kharitonovitch M-sky], một người hàng xóm của chúng tôi đã trổ tài bằng bàn tay phải “có thể biểu diễn hòa tấu dương cầm” của ông.
Mùa xuân, cái sân trở thành một biển bùn. I-van Va-xi-li-ê-vích tự đẽo những đôi guốc gỗ, thực ra là những chiếc giày cao gót và tôi khoái trá nhìn anh bước đi từ cửa sổ, người cao lên đến gần nửa ác-sin [arshin]. Chẳng bao lâu xuất hiện trong trang trại một cụ già làm nghề thuộc da. Hình như không ai biết tên ông. Ông đã hơn tám mươi tuổi. Đó là một cựu chiến binh thời Nhi-cô-lai [Nicolas] Đệ nhất, đã từng phục vụ hai mươi năm trong quân đội. Dáng người to, vai rộng, râu và tóc trắng toát, đi đứng nặng nề khó khăn, ông đi đến cái lán nơi đặt xưởng dã chiến của ông. “Cái chân tôi nó yếu lắm rồi.” Ông nói. Nhưng đã mười năm nay ông ca cẩm như thế. Ngược lại, bàn tay thuộc da của ông còn chắc hơn những gọng kìm. Móng tay ông như những phím ngà, rất nhọn.
- Mày có muốn ông chỉ cho thấy Mát-xcơ-va [Mouscou] không? - Ông già hỏi tôi.
Dĩ nhiên là tôi muốn. Ông già túm lấy tôi bằng đôi tay to lớn và nhấc bổng tôi lên. Những móng tay kinh khủng cọ vào tai làm tôi đau và cảm thấy nhục nhã. Dãy dụa đôi chân, tôi đòi ông ta đặt xuống đất.
- Nếu mày không muốn thì thôi. - Ông già nói.
Dù cáu, tôi cũng không chịu đi.
- Này. - Ông già nói. - Trèo thang lên cái lán này mà xem trên gác xép có gì.
Tôi cảm thấy có cạm bẫy và ngập ngừng. Số là trên gác xép, anh thợ phụ ở nhà máy xay Côn-xtan-chin [Konstantin] đang tiêu khiển với chị nấu bếp Ca-chiu-sa [Katioucha]. Cả hai đều đẹp, vui tính và lao động giỏi.
- Khi nào thì anh cưới Ca-chiu-sa? - Bà chủ hỏi Côn-xtan-chin.
- Chúng con thấy cứ như thế này là hơn. - Côn-xtan-chin đáp. - Muốn cưới phải mất đến chục rúp, thà mua cho Ca-chiu-sa đôi ủng còn hơn.
Mùa hè cháy bỏng, căng thẳng của thảo nguyên trôi qua với cường độ làm việc kinh khủng, với mùa gặt và thời lao khổ phải làm việc xa nhà; những ngày đầu của mùa thu gần đến, khi ấy chúng tôi tính sổ một năm lao động gần như khổ sai. Việc đập lúa đang độ khẩn trương nhất. Mọi hoạt động dồn lại trên sân đập lúa, sau những nhà kho cách nhà chừng một phần tư dặm. Một đám mây bụi trấu bay mù mịt trên sân. Thùng trống của máy đập kêu ầm ầm. Anh thợ xay Phi-líp [Philippe] đeo kính đứng cạnh thùng. Bộ râu đen của anh đầy bụi xám. Người ta chuyển cho anh từng bó lúa từ xe bò, anh đỡ lấy mà không thèm nhìn, sau đó mở nút dây buộc, xòe bó lúa ra và thả vào thùng. Cái máy nuốt lấy cả ôm, làu nhàu như con chó ngoạm được cục xương; những chiếc thùng rũ rơm, gạt rơm ra ngoài như chơi đùa. Trấu chạy về một phía theo ống dẫn. người ta cuộn nó về phía đụn lúa và tôi thì đứng ở cuối các tấm ván, tay nắm dây điều khiển. “Cẩn thận đấy con, kẻo ngã!” Cha tôi la lên. Nhưng tôi đã ngã hàng chục lần rồi, khi thì vào rơm, khi thì vào trấu. Đám mây bụi xám dày lên phía trên chiếc máy đập, cái thùng trống kêu ầm ỹ, trấu chui vào áo sơ mi, vào mũi làm người ta hắt hơi lia lịa. “Kìa Phi-líp, từ từ chứ!” Cha tôi kêu lên khi cái thùng trống gầm lên quá dữ tợn. Tôi nâng cây gỗ lên nhưng tuột tay làm nó rơi thẳng vào một ngón tay. Cơn đau làm tôi tối tăm mặt mũi. Tôi lẻn lẩn đi để không ai trông thấy mình khóc rồi chạy về nhà. Mẹ tôi dội nước lạnh lên ngón tay tôi rồi lấy giẻ quấn lại. Nhưng cơn đau không giảm. Ngón tay mưng mủ hành hạ tôi mất mấy ngày.
Những bao mì được chất đầy các vựa lúa, các kho, chúng được xếp lên nhiều tầng và che vải bạt ngoài sân. Ông chủ cũng hay đích thân đứng cạnh nơi sàng sẩy, giữa mấy trụ nhà và chỉ cho mọi người thấy phải quay bánh xe như thế nào để lùa trấu ra và sau đó chỉ cần hắt gọn một cái là hạt gạo sạch rơi hết xuống thành đống. Dưới các mái che và các lán được quây lại cho khuất gió, người ta quay máy sàng. Hạt lúa được làm sạch và chuẩn bị đem đi bán.
Dân buôn kéo đến, mang theo những chiếc bình bằng đồng và những cái cân đặt trong hộp đánh bóng cẩn thận. Họ xem thóc, đề nghị một giá và tìm cách đưa tiền đặt cọc. Chúng tôi tiếp đãi họ lịch sự, mời trà và bánh bích cốt với bơ nhưng không bán cho họ. Đây chưa phải là những khách sộp. Ông chủ đã vượt qua những hình thức buôn bán nhỏ. Ông có một mối giao hàng riêng tại Nhi-cô-lai-ép. “Hạt lúa có thể nằm đây một thời gian.” Cha tôi nói. “Nó không đòi ăn đâu.”. Sau đó một tuần, chúng tôi thường nhận được thư, hoặc thỉnh thoảng điện tín, từ Nhi-cô-lai-ép: giá lúa mì đã lên năm cô-pếch mỗi pút [poud]. “Thế là chúng ta đã được lợi một ngàn các-bô-van-tri [karbovantsi].”. Ông chủ hể hả. “Tiền bắt được đấy!”. Nhưng ngược lại, cũng có khi giá cả đi xuống. Những sức mạnh huyền bí của thị trường thế giới cũng tìm đường tới tận I-a-nốp-ca. Từ Nhi-cô-lai-ép về, cha tôi rầu rĩ nói: “Người ta nói rằng... Gọi là cái quái gì nhỉ... Ác-hen-ti-na [Arghentina] năm nay xuất khẩu nhiều mì.”.
Làng mạc yên tĩnh vào mùa đông. Chỉ có cối xay và xưởng hoạt động hết công suất. Nhà được sưởi bằng rơm rạ do kẻ ăn người ở trong nhà mang lên, họ ôm từng bó lớn, rơi vãi một phần dọc đường và cứ mỗi lần như thế họ lại phải quét lại. Thật là vui khi tống rơm vào lò và nhìn chúng bốc cháy. Một hôm, bác Gri-gô-ri [Gregory] thấy tôi và em Ô-li-a [Olia] trong phòng ăn, xanh xao vì nhiễm độc thán khí. Tôi quay cuồng giữa phòng và không thấy gì trước mặt, khi chú gọi, tôi lăn ra mê man bất tỉnh. Trong những ngày đông chúng tôi hay ở nhà một mình, nhất là khi cha tôi đi công chuyện và mọi thứ trong nhà đều vào tay mẹ tôi. Đôi khi vào lúc hoàng hôn, tôi và em gái tôi ngồi sát vào nhau trên ghế đi-văng, mắt mở to và không dám cử động vì sợ. Thỉnh thoảng từ bên ngoài băng giá, một bóng người khổng lồ lao vào căn nhà ăn tối tăm trong chiếc áo da đồ sộ, cổ to lật ngược, mũ bê-rê, găng tay, ủng dạ chạm vào nhau ken két, râu ria dính những mảnh băng và cất giọng oang oang trong bóng tối: “Chào cả nhà!”. Chúng tôi kề vai nhau, chết lặng trong một góc đi-văng và không dám đáp lại. Khi ấy, người khổng lồ châm một que diêm và phát hiện ra chúng tôi. Hóa ra là một ông hàng xóm. Thỉnh thoảng, không chịu đựng nổi nỗi cô đơn trong phòng ăn, bất chấp trời băng giá, tôi chạy ra phòng ngoài, mở cửa và nhảy lên viên đá lớn phẳng trước thềm; từ đó tôi gào vào bóng tối: “Ma-sơ-ca [Machka], Ma-sơ-ca! Về phòng ăn, về ngay phòng ăn!”. Cứ như thế nhiều lần, rất nhiều lần, vì Ma-sơ-ca bận nhiều việc ở nhà bếp, nhà người ở và những nơi khác. Cuối cùng mẹ tôi từ nhà cối xay về, bà thắp đèn lên và mang ra một cái ấm xa-mô-va.
Buổi tối chúng tôi thường ở trong phòng ăn cho đến khi thấy buồn ngủ. Mọi người đi ra đi vào, mang đến hoặc lấy đi những chùm chìa khóa, cạnh bàn ăn, công việc được cắt đặt và chuẩn bị cho ngày hôm sau. Trong những giờ khắc ấy, tôi, em Ô-li-a, chị Li-da và có khi cả người hầu gái, sống một cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn và ngạt thở vì họ. Đôi khi người ta buông một câu và gợi cho chúng tôi sực nhớ đến một kỷ niệm riêng, đặc biệt nào đó. Tôi nháy mắt nhìn em tôi, em bụm miệng cười; ai đó trong số người lớn lơ đãng nhìn em. Tôi lại nháy mắt lần nữa; em cố giấu cơn cười dưới tấm vải dầu và đập trán vào bàn. Tôi bật cười theo và đôi khi cái cười cũng lây sang cả chị tôi, chị tìm cách giữ vẻ trang nghiêm của cô gái mười ba, lập lờ giữa bọn trẻ và người lớn. Nếu cái cười trở nên quá ồn ào, tôi phải chui xuống gầm bàn, len vào chân những người lớn và sau khi dẫm phải đuôi con mèo, tôi chạy trốn sang các xó nhỏ được gọi là “phòng bọn trẻ”. Vài phút sau, mọi thứ bắt đầu từ đầu. Cười nhiều quá, ngón tay run đến nỗi không cầm được cả cốc nữa. Đầu, môi, tay, chân của tôi rã rời và hòa tan trong tiếng cười. “Các con làm sao vậy?” Mẹ tôi hỏi, vẻ mệt mỏi. Hai vòng đời, vòng trên và vòng dưới, những khi ấy hòa vào nhau được một lúc. Người lớn nhìn bọn trẻ với vẻ thăm dò, đôi khi độ lượng nhưng cũng lắm khi bực bội. Thế là tiếng cười bất ngờ lại bật lên ồn ào. Ô-li-a lại chúi đầu xuống bàn, tôi nhào xuống chiếc ghế dài, Li-da cắn môi dưới còn cô hầu gái thì biến vào sau cửa.
- Nào, thôi, chúng mày đi ngủ đi! - Người lớn nói.
Nhưng chúng tôi không chịu ra, cứ nấp trong các góc và sợ phải trông thấy nhau. Em tôi được bế ra khỏi phòng còn tôi lắm khi ngủ luôn trên đi-văng. Ai đó đến bế tôi đi. Đang ngái ngủ, có khi tôi thét lên như điên. Tôi thấy hình như mình bị đàn chó bao quanh hoặc lũ rắn thở phì phì dưới chân, hay bị những tên cướp bắt vào rừng. Cơn ác mộng của tuổi thơ đi vào đời sống người lớn. Người ta tìm cách dỗ dành, vuốt ve, ôm ấp tôi. Thành thử từ cười đến mơ, từ mơ đến ác mộng, từ ác mộng đến khi thức dậy, tôi lại chìm vào giấc mơ, nhưng lần này trên giường đệm lông chim ở phòng ngủ có lò sưởi.
Như thế mùa đông là thời kỳ đầm ấm nhất trong năm. Có những ngày liên tục cha mẹ tôi dường như không ra khỏi nhà. Vào lễ Giáng sinh, anh chị tôi đều nghỉ học và về nhà. Chủ nhật, sau khi đã tắm rửa, đầu tóc chỉnh tề, anh I-van Va-xi-i-li-ê-vích cầm kéo và lược để tỉa đầu, trước tiên cho cha tôi rồi đến Xa-sa [Sacha], cậu học sinh trường Hiện Đại và cuối cùng mới đến tôi. Xa-sa hỏi:
- Anh I-van Va-xi-li-ê-vích, anh có biết cắt kiểu Ca-pun [Capoul] không?
Mọi người ngẩng đầu nhìn Xa-sa, còn anh kể rằng ở Ê-li-da-vét-gơ-rát, một người thợ cạo cắt cho anh kiểu Ca-pun tuyệt vời nhưng ngay hôm sau ông thanh tra nhà trường đã nghiêm khắc khiển trách anh về tội đó.
Cắt tóc xong, chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Cha tôi và I-van Va-xi-li-ê-vích chiếm hai chiếc ghế bành ở hai đầu bàn, lũ trẻ con ngồi trên đi-văng và mẹ tôi ngồi đối diện với chúng tôi. Cho đến khi chưa lấy vợ, I-van Va-xi-li-ê-vích ăn cùng với chúng tôi. Vào mùa đông, bữa ăn kéo dài và sau đó chúng tôi còn trò chuyện. I-van Va-xi-li-ê-vích hút thuốc và nhả ra những vòng khói tài tình. Đôi khi mọi người bắt Xa-sa hoặc Li-da ngồi đọc truyện. Cha tôi ngồi ngủ gà ngủ gật trên tầng thấp của lò sưởi, nhưng thường bị phát hiện. Buổi tối, thỉnh thoảng lắm chúng tôi cũng chơi bài đu-rắc [dourak], khi đó khá ồn ào, chúng tôi cù nhau và cười như nắc nẻ, đôi lúc còn cãi cọ chút đỉnh. Thú nhất là đánh ăn gian với cha tôi, ông chơi rất lơ đãng và khi thua cũng cười, khác hẳn với mẹ tôi, chơi giỏi hơn, luôn hồi hộp và cảnh giác theo dõi để không bị anh cả tôi ăn gian.
Trạm bưu điện gần nhất cách I-a-nốp-ca hai mươi ba cây số, đến được đường sắt thì phải hơn ba mươi lăm cây. Còn xa mới đến được các công sở, các cửa hàng, các trung tâm trong thành phố; những sự kiện lịch sử lớn thì còn xa hơn nữa. Nhịp điệu lao động nông nghiệp là nhân tố duy nhất điều hành cuộc sống ở đây. Tất cả những thứ khác đều trở nên không đáng kể: mọi thứ, trừ giá lúa mì trên thị trường thế giới. Những năm ấy người ta không đưa báo, tạp chí đến làng; chúng chỉ có về sau này, khi tôi đã là học sinh trường Hiện Đại. Thư từ chỉ đến một cách ngẫu nhiên, rất hiếm hoi. Đôi khi, người hàng xóm mang một lá thư từ Bô-bri-nhét, anh ta cũng giữ lại trong túi một hai tuần. Nhận được thư là cả một sự kiện, điện tín thì chứng tỏ một tai họa đã xảy ra.
Người ta giải thích cho tôi là điện được báo đi trên dây thép, thế mà chính mắt tôi trông thấy một người cưỡi ngựa mang đến từ Bô-bri-nhét và phải trả cho anh ta hai rúp năm mươi cô-pếch. Điện báo là một mảnh giấy cũng như một lá thư và chữ trong đó được viết bằng bút chì. Thế thì làm sao nó đi được trên giây thép, hay là bị gió đẩy đi? Người ta trả lời tôi: đó là vì có điện. Điều này lại càng mù mịt. Một hôm chú A-bram hăm hở giải thích cho tôi:
- Dòng điện chạy trong dây thép và ghi lại dấu hiệu trên một cuộn băng. Nhắc lại đi!
Tôi nhắc lại:
- Điện chạy trong đường dây và ghi lại dấu trên cuộn băng.
- Thế cháu đã hiểu chưa?
Tôi hiểu.
- Nhưng sau đó làm sao ra được bức thư? - Tôi hỏi vì nghĩ đến mảnh giấy điện báo thường được mang về từ Bô-bri-nhét.
- Thư nó đi riêng đến. - Chú tôi trả lời.
Tôi hồ nghi không hiểu tại sao lại cần đến dòng điện nếu cái “thư” được ngựa đưa đến. Nhưng chú tôi nổi cáu:
- Để cho tao yên với cái thư của mày. - Ông la lên. - Tao giải thích cho mày thế nào là điện báo mà mày thì cứ nói chuyện cái thư!
Thế là vấn đề này vẫn mù mờ đối với tôi.
Một lần bà Pô-li-na Pê-trốp-na [Polina Petrovna], một nữ địa chủ ở Bô-bri-nhét đến thăm gia đình chúng tôi. Bà đeo những đôi hoa tai lớn và có một món tóc dài trải xõa xuống trán. Sau đó mẹ tôi đưa bà về lại Bô-bri-nhét và tôi cũng đi theo. Khi đi qua cái gò cách nhà mười một dặm, tôi thấy những cột dây thép và nghe tiếng dây kêu u... u.
- Điện báo nó đi như thế nào hở mẹ? - Tôi hỏi mẹ.
- Con hỏi bà Pô-li-na Pê-trốp-na ấy. - Lúng túng mẹ tôi đáp. - Tồi bà ấy sẽ giải thích cho con.
Bà Pô-li-na Pê-trốp-na giải thích cho tôi như sau:
- Các dấu trên cuộn băng tương đương với những chữ cái, một điện báo viên phiên ra thành chữ trên giấy và một người cưỡi ngựa mang tờ điện báo ấy đi.
Như thế thì hiểu được.
- Nhưng dòng điện thì đi như thế nào vì cháu chẳng nhìn thấy gì cả? - Tôi nhìn đường dây thép và hỏi.
- Dòng điện đi bên trong. - Bà Pô-li-na Pê-trốp-na đáp. - Những đường dây thép ấy được làm theo hình ống và dòng điện chạy bên trong.
Điều này cũng sáng sủa và tôi yên tâm một thời gian dài. Bốn năm sau, khi thầy giáo vật lý giảng về sóng điện từ, tôi còn cảm thấy khó hiểu hơn thế nhiều.
Mặc dầu không phải không có mâu thuẫn, song về cơ bản, cha mẹ tôi rất hòa thuận với nhau trong suốt cuộc đời bận rộn, tuy hai người xuất thân từ những thành phần xã hội khác nhau. Mẹ tôi thuộc một gia đình tiểu tư sản thành thị, khinh thường người nông dân tay chân nứt nẻ. Nhưng cha tôi thời trai trẻ là một thanh niên khôi ngô, cao ráo với gương mặt rắn rỏi và quyết đoán. Ông đã gom góp một chút tiền nên vài năm sau mới mua được trang trại I-a-nốp-ca. Trôi dạt từ thủ phủ của vùng về một làng quê ở thảo nguyên, người phụ nữ trẻ ấy không dễ dàng hòa nhập vào các điều kiện nghiệt ngã của nền kinh tế nông nghiệp, nhưng cuối cùng bà cũng quen dần và bị trói buộc vào đó gần bốn mươi lăm năm. Trong tám đứa trẻ ra đời từ cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi, bốn đứa còn sống sót. Tôi là thứ năm theo thứ tự. Bốn đứa chết từ thuở sơ sinh vì bệnh bạch hầu, bệnh sốt phát ban; chúng chết gần như không ai để ý, cũng như chẳng mấy ai quan tâm đến những đứa sống sót. Đất đai, đàn gia súc, gia cầm, nhà cối xay đòi hỏi một sự chú ý đặc biệt. Mùa tiếp mùa, công việc đồng áng liên miên lấn át những tình cảm gia đình. Trong gia đình không có sự yêu thương vỗ về, nhất là trong những năm đầu, nhưng công việc đã tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa cha và mẹ tôi. “Lấy một cái ghế cho mẹ.” Cha tôi nói mỗi khi thấy mẹ bước tới thềm nhà, người trắng toát vì bụi cối xay. “Ma-sơ-ca, chuẩn bị ấm nước nhanh lên.” Khi khác, mẹ tôi lại kêu lên như thế, ngay cả khi chưa bước chân vào đến nhà. “Ông sắp ở đồng về rồi đấy.”. Cả hai đều biết rất rõ cái giới hạn tột cùng của sự mệt nhọc thể xác.
Cha tôi hơn mẹ tôi rõ ràng cả về tinh thần lẫn tính cách. Ông sâu sắc hơn, điềm đạm hơn và tế nhị hơn. Ông có cái nhìn sắc sảo hiếm có khi đánh giá, không chỉ về vật mà cả về người. Thường thường cha mẹ tôi không mấy khi mua sắm, đặc biệt là trong những năm đầu; cả cha lẫn mẹ tôi đều biết dè sẻn từng đồng cô-pếch. Nhưng cha tôi biết, không một chút sai lầm, về giá trị những gì mình mua. Từ mảnh dạ, cái mũ, con ngựa hay cỗ máy, ở đâu ông cũng có ý thức về chất lượng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3