Đời tôi (Tập 1) - Chương 01 - Phần 3

- Cha không thích những đồng xu này sau này. - Ông nói vói tôi như để thanh minh về tính keo kiệt của mình , nhưng cha cũng không thích nếu thiếu chúng. Thật là một tai họa lớn khi cần tiền mà lại thiếu.
Cha tôi nói sai ngữ pháp, lẫn lộn tiếng Nga với tiếng U-cơ-rai-na và nặng về tiếng U-cơ-rai-na hơn. Ông đánh giá con người theo phong thái, khuôn mặt, cách ứng xử và thường thường ông đúng.
- Thế nào ấy, tôi không thích cậu sinh viên này. - Ông nói về một người khách mới đến chơi. - Có phải là hắn ta hơi ngốc nghếch không?
Lũ trẻ không bằng lòng vì cha nghĩ thế về khách, nhưng trong lòng chúng thấy ông nói đúng. Chỉ đôi lần đến thăm một nhà lạ là ông đoán ra rất đúng mặt bên trong của đời sống gia đình ấy.
Sau nhiều lần sinh đẻ và công việc, mẹ tôi bị ốm một thời gian và phải đi điều trị đều đặn tại một thầy thuốc ở Khác-cốp. Những lần đi lại như vậy là sự kiện lớn, phải chuẩn bị lâu la từ trước. Mẹ tôi để dành tiền, sắp xếp những lọ bơ, bánh quy bơ, gà quay và nhiều thứ khác. Bà dự kiến phải tiêu pha nhiều tiền. Mỗi lần khám bệnh, mẹ tôi trả ba rúp cho bác sĩ. Mọi người nói nhiều về chuyện đó, cả trong gia đình, cả trước mặt khách khứa, vừa nói vừa giơ ba ngón tay với một bộ mặt đầy ý nghĩa đặc biệt: trong đó có sự tôn sùng khoa học nhưng cũng có ý phàn nàn vì nó quá tốn kém và cả lòng hãnh diện vì chúng tôi có khả năng trả những khoản tiền không thể tưởng tượng ấy. Chúng tôi hồi hộp chờ mẹ về. Bà về với một chiếc áo dài mới, trông thật lịch sự giữa căn nhà bếp ở I-a-nốp-ca. Bà còn mang về một cái bếp dầu dùng để nấu nướng trong mấy tuần, một quả bóng cao su và một con ngựa bằng giấy bồi cho tôi, một con búp bê cho em gái tôi.
Hồi còn nhỏ, cha tôi đối xử với chúng tôi dịu dàng và điềm đạm hơn. Mẹ tôi hay cáu kỉnh, đôi khi vô lý do, đơn giản bà muốn trút lên đầu lũ trẻ sự mệt nhọc hay thất bại gì đó của công việc. Thời ấy, khi cần gì chúng tôi thường xin cha nhiều hơn. Nhưng thời gian trôi qua, ông trở nên khẳn tính bởi những khó khăn trong cuộc sống, những mối lo ngày càng tăng với sự tấn tới của công việc kinh doanh - nhất là trong khủng hoảng nông nghiệp thập niên tám mươi - và những thất vọng do lũ trẻ gây ra.
Những mùa đông dài, khi tuyết vùng thảo nguyên bao phủ I-a-nốp-ca tứ bề và vun thành đống cao quá cửa sổ xung quanh nhà, mẹ tôi thích ngồi đọc sách. Bà ngồi trên cái tầng thấp hình tam giác của phòng sưởi, đặt chân lên một chiếc ghế, hoặc những khi hoàng hôn xuống rất nhanh vào mùa đông bà chuyển sang ghế bành của cha tôi cạnh cánh cửa sổ nhỏ đầy những bông tuyết và đọc thì thầm, nhưng vẫn nghe rõ từng câu, một cuốn tiểu thuyết đã cũ mòn của thư viện Bô-bri-nhét, ngón tay mệt mỏi lần theo các hàng chữ. Bà thường bị sững lại ở một từ nào đó và lúng túng trước những câu rắc rối. Đôi khi, một đứa con “nhắc bài” làm cho bà hiểu khác hẳn những gì đã đọc. Nhưng bà vẫn kiên trì và đọc không biết mệt mỏi: trong những giờ rỗi rãi của những ngày đông yên tĩnh, có thể nghe ngay từ thềm cửa ra vào tiếng đọc thì thầm và đều đặn của bà.
Cha tôi đã già khi ông tập đánh vần để ít nhất cũng đọc được các tựa đề sách của tôi. Năm 1910 ở Béc-lin [Berlin], tôi rất cảm động nhìn ông cố hết sức để hiểu cuốn sách tôi viết về đảng Xã hội Dân chủ Đức.
Khi Cách mạng tháng mười diễn ra, cha tôi đã là một người hết sức sung túc. Mẹ tôi mất vào năm 1910 song cha tôi còn sống đến khi chính quyền Xô-viết được thiết lập. Trong giai đoạn cao điểm của cuộc nội chiến đặc biệt kéo dài ở phía Nam, khi các chính quyền bị thay đổi liên tục, ông già bảy nhăm tuổi ấy đã phải đi bộ vài trăm cây số để tìm một chỗ ẩn náu tạm thời ở Ô-đét-xa [Odessa]. Hồng quân nguy hiểm đối với ông vì ông là địa chủ, còn Bạch vệ săn đuổi ông vì ông là cha tôi. Sau khi quân đội Xô-viết quét sạch phương Nam, ông có thể về Mát-xcơ-va. Cố nhiên Cách mạng tháng mười đã tước đoạt mọi thứ ông dành dụm được trong đời. Trong hơn một năm, ông quản lý một nhà cối xay nhỏ của nhà nước tại vùng ngoại ô Mát-xcơ-va. Xiu-ru-pa [Tsiouroupa], dân ủy Bộ Lương thực và Thực phẩm thời ấy thích nói chuyện với cha tôi về những vấn đề kinh tế. Cha tôi mất vào mùa xuân năm 1922 vì bệnh dịch tả, đúng lúc tôi đang thuyết trình tại Đại hội lần thứ tư Quốc tế Cộng sản.
Nơi chủ yếu, quan trọng nhất ở I-a-nốp-ca là nhà xưởng, chỗ làm việc của I-van Va-xi-li-ê-vích Grê-ben. Anh phục vụ cha tôi tôi từ năm hai mươi tuổi, đúng vào lúc tôi ra đời. Anh mày tao với bọn trẻ, kể cả những đứa lớn, chúng tôi gọi anh là “anh” và gọi “I-van Va-xi-li-ê-vích” một cách kính trọng. Khi bị gọi nhập ngũ, cha tôi đi cùng anh và bỏ tiền hối lộ ai đó, thế là Grê-ben được ở lại I-a-nốp-ca. Đó là một người rất tài giỏi và điển trai, ria màu vàng suộm và chòm râu cằm để kiểu Pháp. Anh thạo tất cả mọi việc: sửa chữa máy hơi nước, trông coi nồi hơi, tiện những chiếc ốc vít bằng thép và gỗ, những vòng bi bằng đồng đặt trên lò xo, sửa đồng hồ quả quýt, đồng hồ để bàn, điều chỉnh đàn dương cầm, bọc đệm bàn ghế và lắp một cái xe đạp hoàn chỉnh tuy không có lốp. Xong lớp dự bị, trong khi chờ vào lớp đệ nhất, tôi tập xe đạp trên bộ khung ấy. Từ xa, những người Đức nhập cư đến nhà xưởng nhờ sửa chữa máy gieo hạt, máy bó lúa và mời I-van Va-xi-li-ê-vích đến chỗ họ khi họ cần mua một chiếc máy đập hoặc máy hơi nước. Người ta hỏi cha tôi về những vấn đề kinh tế và hỏi I-van Va-xi-li-ê-vích về kỹ thuật. Trong nhà xưởng có cả những thợ phụ và thợ học nghề. Tôi đã phải học lại rất nhiều việc từ những thợ học nghề này.
Người đến học việc đầu tiên là Xê-nhi-a Ghéc-tô-pa-nốp [Sénia Gertopanov], con một địa chủ xưa kia cũng giàu có nhưng đã hoàn toàn phá sản; hắn không lưu lại đây được lâu vì bị I-van Va-xi-li-ê-vích đuổi đi. Vi-chi-a Ghéc-tô-pa-nốp, một thanh niên khôi ngô, rắn rỏi thế chân anh ta, rồi đến Đa-vít Séc-nhi-khốp-xki [David Chernikhovsky], con ông già Héc-sơ [Hersh], một thợ xay có bộ râu khó tưởng tượng được. Đa-vít yếu nhưng chăm làm. Ở xưởng, một vài lần anh sửa cái dây treo quần cho cha anh, vốn bị sa ruột.
- Làm cái gì thế, Đa-vít-ca [Davidka]? Một cái dây cương cho bố cậu à? - anh cai Phô-ma [Foma] hỏi.
Đa-vít cười lúng túng và vội vã quay về công việc của anh.
Nhiều lần tôi làm gien cho ê-cu và đinh vít ở trong xưởng. Tôi rất thích công việc này vì kết quả có ngay trong tay. Đôi khi tôi cũng đòi hòa màu trên một cái đĩa bằng đá rất nhẵn. Nhưng chẳng mấy chốc, tôi đã mệt và ngày càng hỏi nhiều xem như vậy đã được chưa. I-van Va-xi-li-ê-vích thọc ngón tay vào hỗn hợp ấy và lắc đầu tỏ ý chưa được. Cuối cùng tôi trả đĩa đá cho một người học việc.
Đôi khi I-van Va-xi-li-ê-vích ngồi lên trên một cái rương con đựng đồ nghề để trong góc, sau bàn thợ. Anh hút thuốc và nhìn mơ hồ vào không trung, có lẽ anh suy nghĩ hoặc nhớ lại một cái gì, cũng có thể anh chỉ nghỉ ngơi vô tư lự. Những lúc đó, tôi trườn đến bên anh và vân vê một sợi ria dày màu vàng suộm, hoặc chăm chú nhìn bàn tay với những ngón rất đặc biệt của người thợ cả. Tất cả làn da trên tay anh lấm tấm những chấm đen: đó là những mảnh vô cùng bé đã chui vĩnh viễn vào da thịt khi anh mài sắc đĩa mài. Ngón tay dinh dính như những rễ cây, nhưng hoàn toàn không cứng, nó bè ra ở đầu cùng, hết sức linh hoạt và ngón tay cái có thể bẻ thành vòng cung. Mỗi ngón tay biết tự mình hoạt động theo mỗi cách, chung sức lại chúng tạo thành một ê-kíp tuyệt vời. Dù còn rất bé, tôi vẫn nhìn và cảm thấy bàn tay ấy không cầm búa hay kìm như những bàn tay khác. Ngón cái bàn tay trái có một đường sẹo vòng tròn nằm hơi chếch. Đúng vào ngày tôi ra đời, I-van Va-xi-li-ê-vích bị lưỡi rìu bập phải tay, ngón tay treo lủng lẳng chỉ còn dính một tý da. Cha tôi tình cờ nhìn thấy người thợ máy trẻ này đang đặt bàn tay lên một tấm ván chuẩn bị chặt rời hẳn ngón tay. “Khoan, dừng lại đã…” Cha tôi kêu lên. “Ngón tay có thể liền lại được”. “Ông cho là nó sẽ liền lại à?” Người thợ máy hỏi và thả cái rìu xuống. Ngón tay cái dính lại thật và hoạt động tốt, chỉ có điều là không thể bẻ cong nó về phía sau như ngón cái của bàn tay phải.
I-van Va-xi-li-ê-vích sửa một cái súng cổ kiểu Béc-đan [Berdan] thành súng bắn đạn chì và thử độ chính xác của nó: theo thứ tự, mỗi người bắn một viên để làm tắt một cây nến đặt cách vài bước. Không phải ai cũng thành công. Tình cờ cha tôi bước vào. Khi nâng khẩu súng lên vai và bắn, tay ông run run và ông cầm súng cũng không vững. Tuy nhiên, ông làm tắt ngay ngọn nến. Cha tôi có con mắt chắc chắn trong mọi việc và I-van Va-xi-li-ê-vích cũng hiểu điều đó. Hai người không bao giờ bất hòa mặc dù đối với kẻ khác, cha tôi xử sự như một ông chủ, thường rầy la và cảnh cáo họ.
Trong xưởng tôi luôn luôn có việc. Tôi thổi bệ lò được I-van Va-xi-li-ê-vích thiết kế theo cách riêng của anh: không thấy chiếc quạt gió vì nó nằm trên gác xép và điều này khiến những người đến thăm phải kinh ngạc. Tôi quay bánh xe của máy tiện đến mệt nhoài, nhất là khi người ta tiện những hòn bi tròn có khía bằng gỗ keo để làm cái móc. Ngoài ra, trong nhà xưởng người ta còn nói nhiều chuyện thật lý thú. Không phải lúc nào họ cũng giữ phép lịch thiệp, nói đúng hơn là chẳng bao giờ họ giữ ý tứ. Ngược lại, tầm nhìn của tôi được mở rộng không phải ngày này sang ngày khác, mà giờ này qua giờ khác. Phô-ma kể về các đại điền trang nơi anh đã làm việc và những cuộc phiêu lưu của các ông chủ, bà chủ. Phải nói rằng anh không có thiện cảm mấy với họ. Anh thợ xay Phi-líp nhập cuộc với những kỷ niệm thời quân ngũ. I-van Va-xi-li-ê-vích đặt câu hỏi, xoa dịu mọi người và bổ sung điều này, điều khác vào những chuyện đã kể.
Anh I-a-sơ-ca [Iachka] - thợ đốt lò, đôi khi kiêm thợ rèn - là một người tóc hung, mặt mày ủ dột, chừng ba mươi tuổi và không ở đâu lâu một chỗ. Luôn luôn có một cái gì đó thúc đẩy anh: khi thì mùa thu, khi thì mùa xuân, anh biến đi và nửa năm sau mới quay lại. Ít khi anh uống rượu nhưng khi đã uống thì ra trò. Anh rất mê săn bắn nhưng đã bán cả khẩu súng của mình để uống. Phô-ma kể chuyện một lần I-a-sơ-ca đi chân đất vào một cửa hiệu ở Bô-bri-nhét: đôi chân trần của anh dính đầy bùn đen ngoài ruộng, anh hỏi mua một mồi đạn cho khẩu súng hỏa mai của mình. Cố tình làm đổ cái hộp, anh cúi xuống nhặt mồi đạn, giữa chừng giẫm chân lên một cái và cứ thế anh tha nó đi.
- Phô-ma bịa phải không? - I-van Va-xi-li-ê-vích hỏi.
- Anh ấy bịa làm gì? - I-a-sơ-ca trả lời - lúc đó tôi không có lấy một cô-pếch.
Tôi thấy cách kiếm những thứ người ta đang cần như thế thật tuyệt vời và đáng bắt chước.
- I-gơ-nát [Ignat] nhà ta đã đến - Cô hầu phòng Ma-sơ-ca báo tin. - Nhưng Đun-ca [Dounka] lại không có ở đây, chị ấy về nhà nhân ngày lễ rồi.
Khi nói về anh thợ đốt lò I-gơ-nát, người ta nói I-gơ-nát “nhà ta” để phân biệt với I-gơ-nát gù lưng, ông này vốn là hương trưởng trước Ta-rát [Tarass]. I-gơ-nát “nhà ta” bị gọi đi tòng quân. I-van Va-xi-li-ê-vích thân chinh đo vòng ngực của anh ta và nói: “Chẳng bao giờ người ta bắt hắn đi đâu.”. Hội đồng Kiểm tra cho I-gơ-nát vào bệnh viện một tháng để khám. Ở đó, anh làm quen với những công nhân thành phố và quyết định thử vận may trong một nhà máy. I-gơ-nát đi ủng thị thành và mặc một cái áo khoác da ngắn thêu diêm dúa. Anh ở suốt ngày trong xưởng để kể về thành phố, về công việc, về các tập tục, máy móc và lương lậu.
- Đúng rồi, nhà máy... - Phô-ma trầm ngâm nói.
- Nhà máy không phải như một cái xưởng. - Phi-líp nói đế vào.
Và thế là mọi người suy tư nhìn về hướng nhà xưởng.
- Nhiều máy lắm hả? - Vích-to [Victor] háo hức hỏi.
- Như rừng...
Tôi mở to mắt lắng nghe và tự tưởng tượng ra một nhà máy như ngày xưa tôi tưởng tượng ra rừng: cả trên, cả phải, cả trái, cả đằng sau, cả đằng trước - chẳng thấy gì ngoài máy móc và I-gơ-nát đứng giữa những cỗ máy ấy, lưng thắt chặt một chiếc dây da. Chúng tôi còn được biết I-gơ-nát có cả một chiếc đồng hồ quả quýt. Người ta chuyền tay nhau xem. Buổi tối ông chủ đi dạo trong sân với I-gơ-nát, theo sau có anh thư ký. Tôi cũng quẩn quanh bên họ, lúc cạnh cha tôi, lúc thì cạnh I-gơ-nát.
- Thế thức ăn thì sao? Anh mua bánh mì trong hiệu à? Cả sữa nữa? Phải trả tiền thuê nhà hả?
- Đúng thế, phải trả tiền tất cả. - I-gơ-nát gật đầu công nhận. - Có điều tiền lương cũng khác.
- Tôi biết là khác, nhưng tất cả những gì cậu kiếm được xem ra đều đi theo cái ăn cả.
Thế mà I-gơ-nát quả quyết nói: “Trong nửa năm tôi cũng may mặc được chút ít, lại còn tậu được cái đồng hồ nữa, trong túi tôi đây này.”.
Và anh lại lôi chiếc đồng hồ ra để khoe. Lý lẽ này không ai cãi lại được. Ông chủ lặng thinh rồi hỏi:
- Hẳn cậu cũng uống chứ, I-gơ-nát? Ở đấy cậu có những ông chủ, họ tập cho cậu nốc rượu ngay chứ gì?
- Làm gì có chuyện ấy, tôi đâu có thèm cái thứ vốt-ca đó.
- Thế thì… - Bà chủ hỏi. - I-gơ-nát, anh đưa Đun-ca đi theo chứ?
I-gơ-nát nhìn sang một bên, cười với vẻ hối hận thoáng qua, nhưng không trả lời.
- Chà! Tao đã biết mà. - bà chủ nói - Mày lại dính với con nào ở thành thị, thú thật đi, đồ lừa đảo!
Và như thế I-gơ-nát đi khỏi I-a-nốp-ca.
Lũ trẻ con bị cấm vào nhà người ở. Nhưng ai quản được chúng? Bao giờ ở đó cũng có nhiều điều lý thú. Một thời gian dài, đầu bếp của chúng tôi là một bà có gò má dô, mũi dị dạng. Chồng bà, một ông già liệt nửa bộ mặt, trông coi gia súc. Những người như họ bị gọi là ca-xáp vì họ xuất thân từ vùng nội địa của chính phủ. Đôi vợ chồng này có một cô con gái tám tuổi rất xinh, mắt xanh và tóc vàng. Nó đã quen việc cha mẹ nó cãi nhau liên miên.
Ngày chủ nhật, các cô gái lại chơi trò lục lọi tìm kiếm trong tóc nhau hoặc trong tóc các chàng trai. Trong phòng người ở, trên một bó rơm, hai cô Ta-chi-a-na [Tatiana] - cô lớn và cô bé - nằm ườn cạnh nhau. Gã coi ngựa A-pha-nát-xi [Afanassi] - con anh thư ký Pút-đơ [Poud] và anh của cô đầu bếp Pa-rát-xca [Paraska] - ngồi bắt ngang giữa hai cô: chân đặt lên Ta-chi-a-na bé và cùi tay chống lên người Ta-chi-a-na lớn.
- Này, thưa quan tổng trấn Mô-ha-mét [Mohamed]. - Anh thư ký nói với vẻ ghen tức. - Chẳng phải đã đến lúc dắt ngựa đi uống nước ư?
Gã A-pha-nát-xi tóc hung này cùng với anh Mu-tu-dốc [Moutouzok] tóc đen là những người hay hành hạ tôi. Khi vô tình tôi đến đúng vào lúc chia cháo đặc, thế nào cũng có một giọng nói giễu cợt vang lên: “Nào Li-ô-va, ăn trưa với chúng tôi chứ?”, hoặc “Này Li-ô-va, cậu xin bà cho chúng tôi một ít thịt gà đi!”. Những khi ấy tôi lúng túng và rón rén đi ra.
Đến lễ Phục sinh, người ta làm bánh xốp và nhuộm trứng cho công nhân. Cô Rai-xa rất khéo tay trong việc nhuộm trứng. Bà mang mấy quả trứng tô màu từ trại về và cho tôi hai quả. Sau hầm rượu, trên một sườn dốc, người ta lăn trứng, đập quả nọ vào quả kia xem trứng của ai cứng nhất? Tôi đã gần thắng cuộc, chỉ còn lại A-pha-nát-xi. “Đẹp chứ, phải không?” Tôi chỉ cho anh những quả trứng vẽ. “Cũng khá.” A-pha-nát-xi trả lời với bộ mặt hờ hững. “Cậu có muốn mình đập trứng không, xem của ai cứng hơn?”. Tôi không dám từ chối lời thách thức. A-pha-nát-xi cầm trứng đập và quả trứng vẽ của tôi bị dập đầu. “Nào thấy chưa, trứng của tôi cứng hơn.” A-pha-nát-xi nói. “Thử quả khác xem nào?” Tôi ngoan ngoãn chìa nốt quả kia ra. A-pha-nát-xi lại đập: “Tôi lại thắng rồi”. Anh vồ lấy cả hai quả trứng và đi không ngoảnh lại. Tôi ngơ ngác nhìn anh ta và muốn bật khóc nhưng sự đã rồi.
Những người thợ làm việc thường xuyên cả năm cho gia đình chúng tôi chỉ chiếm số ít. Trong những năm trồng trọt lớn, đội ngũ vài trăm công nhân phần lớn là những người làm theo thời vụ, đến từ Ki-ép, Tréc-nhi-gốp [Tchernigov], Pôn-ta-va. Người ta thuê họ làm vệc cho đến lễ Thiên mạc, tức là ngày mùng một tháng mười. Vào những năm được mùa, chính phủ Khéc-xôn thu nạp hai, ba trăm ngàn công nhân loại ấy. Trong bốn tháng hè, những thợ gặt đàn ông được nuôi ăn và lĩnh bốn mươi đến năm mươi rúp, đàn bà hai mươi đến ba mươi rúp. Cánh đồng là nhà của họ, khi mưa thì đã có các đụn rơm. Bữa trưa của họ gồm có món củ cải hầm và cháo đặc, bữa tối có cháo kê. Người ta không cho họ ăn thịt, về chất béo hầu như họ chỉ được ăn dầu thực vật nhưng cũng rất ít. Thành thử đôi lúc họ cũng bất bình. Công nhân bỏ gặt, tụ tập trong sân, nằm sấp trong bóng râm các vựa thóc, họ giơ lên không những bàn chân trần nứt nẻ, bị rạ cứa nát và chờ đợi. Khi ấy người ta cho họ sữa chua hoặc dưa đỏ, hoặc nửa túi cá khô và họ lại quay về làm việc, nhiều khi còn ca hát. Điều này xảy ra ở tất cả các trang trại nông nghiệp. Có những người thợ gặt tuổi khá cao, lực lưỡng, rám nắng đến làm vệc ở I-a-nốp-ca trong mười năm liền vì biết rằng ở đó luôn có công việc cho họ. Họ được lĩnh hơn những người khác vài rúp và thỉnh thoảng được một ly vốt-ca vì họ giữ được nhịp điệu lao động. Những người khác đem cả gia đình tới đây thành một ổ. Họ đi bộ hàng tháng trời từ xứ sở của mình, sống bằng bánh mì và đêm ngủ trong chợ. Có một vụ hè các công nhân đều lần lượt mắc chứng quáng gà. Khi hoàng hôn xuống họ đi lại chậm chạp, hai cánh tay giơ ra phía trước. Một người cháu của mẹ tôi đến thăm gia đình, anh viết một bài tường thuật về chuyện này, được Hội đồng Tự quản địa phương chú ý. Họ cử một thanh tra đến chỗ chúng tôi. Cả cha lẫn mẹ tôi đều rất bực dọc với việc làm của cậu “phóng viên”, người mà họ vẫn yêu quý. Bản thân cậu cũng không thích thú gì với sáng kiến này. Sự việc cũng không đem lại hậu quả đáng tiếc: ông thanh tra xác định nguyên do của căn bệnh là vì chế độ ăn uống thiếu mỡ, phổ biến trong gần hết miền này, bởi ở đâu người ta cũng nuôi công nhân như vậy, có nơi còn tệ hơn.
Trong nhà xưởng, nhà người ở, nhà bếp, sân sau, thế giới mở rộng ra trước mắt tôi và khác so với trong gia đình. Cuốn phim cuộc sống không bao giờ hết mà tôi mới chỉ ở những khúc đầu. Khi tôi còn bé, sự có mặt của tôi không làm phiền ai. Họ tha hồ mở miệng, không bị ai cản trở, nhất là khi vắng mặt I-van Va-xi-li-ê-vích hoặc anh thư ký, những người dù sao cũng tham gia ít nhiều vào ban điều khiển. Bên ánh lửa của lò rèn hoặc bếp nấu ăn, cha mẹ tôi, những người thân thích và bà con hàng xóm nhiều khi xuất hiện trước mắt tôi dưới một ánh sáng hoàn toàn mới. Rất nhiều điều trong những câu chuyện hồi đó vĩnh viễn đọng lại trong tôi và có thể trên nhiều phương diện, chúng đã đặt nền móng cho cái nhìn của tôi về xã hội hiện đại.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3