Đời tôi (Tập 1) - Chương 02 - Phần 1
CHƯƠNG II: NHỮNG NGƯỜI HÀNG XÓM TRƯỜNG HỌC ĐẦU TIÊN
Cách trang trại I-a-nốp-ca chừng một dặm, hoặc có thể gần hơn, là trang trại của dòng họ Đem-bốp-xki. Cha tôi thuê một phần đất của họ và hai bên đã có quan hệ làm ăn với nhau trong nhiều năm. Chủ trang trại là Phê-ô-đô-xi-a An-tô-nốp-na, một nữ địa chủ già người Ba Lan, một thời làm quản gia. Sau cái chết của ông chồng thứ nhất giàu có, bà lấy Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích [Casimir Antonovitch], anh quản lý trang trại kém bà chừng hai mươi tuổi. Nhưng đã từ lâu Phê-ô-đô-xi-a An-tô-nốp-na không sống cùng người chồng thứ hai này và anh ta vẫn tiếp tục quản lý trang trại. Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích là một người Ba Lan cao lớn, có bộ ria mép dày, vui tính và ồn ào. Ông ta thường đến uống trà với chúng tôi bên chiếc bàn hình bầu dục lớn và kể hai, ba lần những chuyện rỗng tuếch, lặp đi lặp lại một số từ và búng ngón tay đôm đốp.
Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích có một bọng ong tuyệt vời, đặt xa các chuồng ngựa, chuồng gia súc vì loài ong không chịu được mùi ngựa. Những chú ong hút nhụy hoa từ những cây ăn quả, cây keo trắng, cây cải dầu, cây lúa mạch đen; tóm lại chúng có chỗ để bay nhảy. Thỉnh thoảng, Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích tự tay đem đến cho chúng tôi một tấm ong trong lớp mật vàng trong suốt được ép giữa hai cái đĩa và phủ lên trên bởi một lớp khăn mặt.
Một lần I-van Va-xi-li-ê-vích dẫn tôi đến nhà Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích để xin bồ câu giống về nuôi. Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích mời trà chúng tôi trong một gian ở góc căn nhà lớn trống trải. Có bơ, pho-mát tươi và mật trên những chiếc đĩa lớn miệng loe mùi hôi hám. Tôi uống trà trong tách và lắng nghe câu chuyện chầm chậm.
-
Mình không quá chậm chân đấy chứ? - Tôi hỏi nhỏ I-van
Va-xi-li-ê-vích.
- Khoan, chờ chút nào! -
Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích đáp. - Phải có thời giờ để lũ bồ câu yên
vị dưới mái nhà đã. Chúng nó có bạt ngàn ở đó.
Tôi
thấy sốt ruột quá. Cuối cùng, chúng tôi cầm đèn và trèo lên gác xép một nhà
kho.
- A! Giờ thì hãy cẩn thận đấy! - Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích nói với tôi.
Gác xép dài và tối tăm bị các xà gỗ cắt ngang dọc. Mùi chuột, bụi bặm, mạng
nhện và mùi cứt chim bốc lên. Chúng tôi tắt đèn đi.
- Chúng ở đây này, bắt đi! - Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích nói thì thầm.
Vừa dứt lời, một cái gì không thể tả nổi diễn ra. Trong bóng tối như mực, điệu
múa của lũ quỷ địa ngục bắt đầu: tầng gác xép bừng tỉnh xoay vần như
một cơn gió lốc. Trong một giây phút, tôi tưởng như cả thế giới sụp đổ và thế
là kết thúc tất cả. Tôi chỉ hồi lại dần dần khi nghe những giọng nói căng
thẳng: “Thêm một con nữa, vào đây, vào đây, nhét vào túi này, thế”. I-van
Va-xi-li-ê-vích xách túi và trên suốt đường về, tất cả những gì xảy ra ở căn
gác xép lại tiếp diễn trên lưng anh.
Chúng tôi dựng một chuồng nuôi bồ câu dưới mái nhà xưởng. Cứ mỗi ngày tôi lại trèo thang hàng chục lần để đem nước, hạt kê, hạt mì và vụn bánh mì cho lũ chim. Một tuần lễ sau, hai quả trứng con xuất hiện trong một tổ. Nhưng chưa kịp vui vì phát hiện mới mẻ ấy, lũ bồ câu đã bắt đầu bay về nơi ở cũ, con nọ nối tiếp con kia. Chúng tôi chỉ còn lại ba đôi, những con đã bị chặt đầu cánh, nhưng một tuần sau khi lông cánh mọc lại chúng cũng lìa bỏ chiếc chuồng bồ câu được trang trí tuyệt vời có cấu trúc theo hệ thống hành lang. Thử nghiệm nuôi bồ câu của chúng tôi kết thúc ở đó.
Gần Ê-li-da-vét-gơ-rát, cha tôi thuê đất của bà T-xcai-a. Bà là một địa chủ góa chồng, trạc bốn mươi tuổi và rất có tính cách. Một ông cha cố cũng góa bụa luôn luôn quẩn quanh bên bà. Ông ta thích âm nhạc, chơi bài và nhiều thứ khác nữa. Bà T-xcai-a cùng ông cha cố góa vợ đến I-a-nốp-ca xem xét lại các điều kiện thuê đất. Chúng tôi dành cho họ phòng khách và buồng bên cạnh. Họ được mời ăn món gà rán bơ, rượu anh đào và món bánh va-rê-ni-ki [varéniki] nhân anh đào chua. Sau bữa trưa, tôi ở lại trong phòng và thấy ông cha cố ngồi sát bà T-xcai-a và thì thầm vào tai bà một chuyện gì đó, hẳn là rất ngộ nghĩnh. Ông ta lật tà áo thầy tu của mình lên, rút hộp thuốc lá mạ bạc có khắc chữ khỏi túi quần kẻ sọc rồi châm một điếu và nhả ra những vòng khói thật khéo; trong khi bà T-xcai-a vắng mặt, ông kể rằng bà ta chỉ ưa xem những mẩu đối thoại trong các tiểu thuyết. Mọi người mỉm cười lịch sự nhưng tránh không phát biểu ý kiến vì biết rằng ông cha cố sẽ kể hết lại cho bà khách và còn chêm thêm phần của mình vào nữa.
Cha tôi đã thuê đất của bà T-xcai-a cùng với Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích. Hồi đó ông này đã góa vợ và thay đổi trong phút chốc: những sợi bạc trong bộ râu ông biến mất, thay vào đó ông đeo một cổ áo hồ cứng, một cà vạt có ghim và trong túi có ảnh một bà khác. Cũng như tất cả mọi người, đôi lúc Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích cũng chế diễu bác Gri-gô-ri, nhưng bác lại thổ lộ hết mọi nỗi niềm tâm sự với cậu và còn cho cậu xem một bức ảnh rút ra từ phong bì.
-
Nhìn này. - Cadimia nói với bác Gri-gô-ri, lúc ấy đương mê
mẩn.
- Tôi
nói với cô ấy: “Thưa bà, đôi môi của bà được sinh ra để hôn.”.
Sau đó, Ca-di-mi-a An-tô-nô-vích cưới người đàn bà ấy nhưng sau lễ thành hôn
một năm hay năm rưỡi gì đó, ông chết bất ngờ: trong trang trại của bà T-xcai-a,
một con bò tót dùng cặp sừng húc chết ông...
Cách nhà tôi chừng tám dặm là đại điền trang vài ngàn mẫu đất của anh em
Ph-der. Nhà của họ giống như một lâu đài, nội thất sang trọng, có phòng khách,
phòng chơi bi-a và nhiều thứ khác. Hai anh em Ph-der, Lép [Lev] và I-van thừa
hưởng tất cả từ cha họ, ông Chi-mô-phây [Timofei], và ăn dần dần vào đó. Trang
trại được giao cho một người quản lý nhưng rồi ngày càng thất thoát.
- Chớ có nhầm nhé, nhà Đa-vít Lê-ôn-chê-vích [David Leóntievitch] vách đất
nhưng ông ấy giàu hơn tôi đấy. - Đôi khi người anh cả Ph-der nói về cha tôi như
thế và khi nghe điều này, ông cụ hài lòng ra mặt.
Một lần, người em I-van cưỡi ngựa qua I-a-nốp-ca cùng hai thợ săn súng chéo vắt
vai và một bầy chó săn trắng. Chưa bao giờ vùng I-a-nốp-ca thấy cảnh tượng như
thế.
- Chẳng bao lâu họ sẽ bắn sạch đi cả gia sản đó. - Cha tôi nói
vọng theo, vẻ không hài lòng.
Số phận những gia đình địa chủ vùng Khéc-xôn ấy đã được định đoạt từ trước. Họ
trải qua một quá trình tiến hóa vô cùng nhanh chóng và càng ngày, tiến trình ấy
càng theo hướng bại sản, mặc dù ở đây có khá nhiều loại người: quý tộc lâu đời,
viên chức được khen thưởng do cống hiến, rồi cả dân Ba Lan, Đức và Do Thái đã
mua được đất từ trước năm 1881. Trong số những sáng lập viên các vương triều
tại thảo nguyên này, có nhiều người lỗi lạc trong chủng loại của họ: đó là
những kẻ thành đạt và có bản chất tham tàn. Thật ra tôi chẳng biết cụ thể một
ai trong số họ, vào đầu thập kỷ tám mươi họ đã qua đời cả. Trong số đó, nhiều
người khởi đầu với một đồng xu mẻ nhưng với những nước cờ táo bạo, những công
cụ lắm khi phạm pháp, họ chiếm được những miếng khổng lồ. Thế hệ thứ hai đã lớn
lên giữa các điều kiện sống quý tộc còn non trẻ: nói tiếng Pháp, chơi bi-a,
sống bừa bãi, phóng túng. Khủng hoảng nông nghiệp những năm tám mươi do sự cạnh
tranh bên kia bờ đại dương đã giáng một đòn không thương tiếc vào đám người này.
Họ rụng như lũ ruồi mùa thu. Thế hệ thứ ba cho ra đời rất nhiều kẻ vô lại, vô
dụng, mất cân bằng và sớm bại liệt.
Gia đình Ghéc-tô-pa-nốp là kết quả thuần túy nhất của giới quý tộc suy đồi. Một
làng lớn và cả thị trấn mang tên họ: Ghéc-tô-pa-nốp-xki [Gertopanovsky]. Ngày
xưa cả vùng này thuộc sở hữu của gia đình họ. Đến giờ ông già của nhà này vẫn
còn bốn trăm mẫu đất nhưng đều đã bị cầm cố một vài lượt. Cha tôi thuê mảnh đất
ấy và tiền thuê được chuyển về ngân hàng. Chi-mô-phây I-xa-ê-vích [Timofei
Issaévitch] sống bằng nghề viết thuê đơn từ, kiến nghị và thư từ cho nông dân.
Khi đến chơi nhà chúng tôi, ông ta thủ thuốc lá và đường trong ống tay áo. Vợ
ông cũng làm như thế. Sùi bọt mép, bà ta kể về thời niên thiếu, về những chị
nông nô, những cây đàn dương cầm, hàng tơ lụa và đồ nước hoa. Hai đứa con trai
của họ hầu như mù chữ. Thằng em Vích-to học nghề trong xưởng chúng tôi.
Cách I-a-nốp-ca năm, sáu dặm có một gia đình địa chủ Do Thái: dòng họ M-xki.
Đây là một gia đình lố lăng, loạn óc. Ông già Môi-xây Kha-ri-tô-nô-vích chừng
sáu mươi tuổi, nổi bật với nền giáo dục quý phái: ông nói thạo tiếng Pháp, biết
chơi dương cầm và hiểu chút ít về văn học. Tay trái ông kém, nhưng bàn tay
phải, theo ông, có thể dùng để biểu diễn đàn. Ông bổ những móng tay thiếu chăm
sóc lên bàn phím chiếc cla-vơ-xin cũ như thể nó là một chiếc sênh. Bắt đầu với
một bản Pô-lô-ne-dơ [Polonaise] của Ô-ghin-xki [Oguinsky], ông
đảo sang một khúc Ráp-xô-đi [Rapsodie] của Lít-xtơ [Liszt] lúc
nào không biết, rồi lại tức khắc chuyển qua Kinh cầu nữ đồng trinh.
Khi nói chuyện ông cũng hay nhảy cóc như thế. Đột nhiên ông ngừng đàn, lại gần
chiếc gương và nếu không có ai quanh đó, ông lấy điếu thuốc đang cháy dụi vào
bộ râu để sửa sang chúng. Ông hút liên miên đến ngạt thở và dường như có vẻ
chán chường. Đã mười lăm năm nay ông không nói một lời với vợ, một bà già nặng
nề.
Đa-vít, cậu con trai ba mươi lăm tuổi của ông luôn xuất hiện với một mảnh vải
trắng băng trên mặt và con mắt đỏ hoe, nhấp nháy trên mảnh băng. Đã một lần
suýt nữa anh ta tự tử. Khi đang ở trong quân ngũ, anh ta trót nói một câu tục
tằn gì đó với viên sĩ quan. Ông này đánh anh, Đa-vít giáng trả một cái tát rồi
chạy về trại lính và toan dùng súng tự sát. Viên đạn xuyên qua má, vì thế anh
phải đeo vĩnh viễn cái băng trắng. Lẽ ra anh ta đã bị trừng phạt nặng nề. Nhưng
vào thời đó, ông già Kha-ri-tôn [Khariton], người thành lập ra dòng họ này vẫn
còn sống. Đó là một người giàu có, chuyên chế, tham bạo và ít học. Ông làm náo
động cả tỉnh, cuối cùng cháu ông được coi là kẻ không làm chủ bản thân. Cũng có
thể điều này không xa sự thực là bao. Từ dạo đó, Đa-vít sống với cái má bị
thủng và có dấu hiệu bị điên.
Sự sa sút của dòng họ M-xki vẫn tiếp diễn vào thời thơ ấu của tôi. Trong những
năm đầu đời, Môi-xây Kha-ri-tô-nô-vích còn đến thăm gia đình tôi trên một cỗ xe
bốn bánh với những chú ngựa tuyệt đẹp. Còn rất bé (khoảng bốn năm tuổi), tôi
đến nhà họ M-xki với anh cả tôi. Họ có một vườn lớn, luôn được chăm sóc cẩn
thận, cả lũ công cũng dạo chơi ở đó. Lần đầu tiên tôi được thấy những con vật kỳ
lạ ấy, một cái vương miện nhỏ trên cái đầu ngộ nghĩnh, những mảnh gương bé nhỏ,
kỳ diệu trên cái đuôi huy hoàng và những móng đeo ở chân.
Rồi những chú công biến mất và cùng với chúng, nhiều thứ khác nữa.
Hàng rào quanh vườn đổ sụp. Lũ gia súc dẫm nát bồn hoa và phá tan những cây ăn
quả. Môi-xây Kha-ri-tô-nô-vích đến I-a-nốp-ca trên một chiếc xe thùng ngựa kéo
như loại xe của nông dân. Con cái ông ta tìm cách khôi phục trang trại, không
phải theo kiểu cách quý tộc mà theo kiểu nông dân.
- Chúng tôi sẽ mua một con nghẽo, cứ mỗi sáng chúng tôi cũng ra đồng như Brôn-sten
vẫn làm .- Họ nói.
- Họ không làm nổi đâu. - Cha tôi nói.
Đa-vít được cử đi chợ phiên Ê-li-da-vét-gơ-rát để mua “con nghẽo”. Anh dạo khắp
chợ, xem ngựa với con mắt một lính kỵ binh và cuối cùng cũng chọn được ba con.
Mãi đến tối anh mới trở về làng. Nhà đầy khách khứa, họ mặc những bộ quần áo
mỏng mùa hè. A-bram xách đèn xuống bậc thềm để xem ngựa, theo sau anh là các
bà, lũ học sinh và thiếu niên. Ngay lập tức, Đa-vít cảm thấy như cá gặp nước,
anh ta liền bắt đầu ca tụng lũ ngựa, nhất là một con theo ý anh “giống hệt một
tiểu thư”.
A-bram gãi gãi chòm râu và nhắc đi nhắc lại:
- Ừ... Toàn ngựa tốt cả...
Buổi tối kết thúc bằng bữa tiệc và cuộc chơi bời ngoài vườn. Đa-vít tháo một
chiếc giày của một bà khách dễ thương, rót đầy bia vào đó và đưa lên miệng.
- Anh định uống thật đấy à? -
Bà
khách kêu lên và đỏ mặt vì hoảng sợ hoặc kinh ngạc.
- Đến bắn súng vào người mình tôi còn chẳng sợ nữa là... - Người hùng
đáp lại và tợp một hơi bia từ chiếc giày.
- Cậu đừng tự khoe chiến tích của mình thì hơn. - Mẹ anh đột
nhiên lên tiếng, thường thường bà vẫn hay yên lặng. Đó là một phụ nữ cao lớn,
người đã nhão. Bà phải gánh vác tất cả công việc của trang trại.
- Đây là lúa mì mùa thu à? - A-bram M-xki hỏi cha tôi để tỏ ra là người thạo
việc.
- Chà, tất nhiên chẳng phải mì mùa xuân rồi.
- Nhi-cô-pôn-ca [Nikopolka] phải không?
- Tôi đã nói với ông là mì thu mà lỵ.
- Tôi biết là mì thu, nhưng giống nào kia chứ? Nhi-cô-pôn-ca hay Ghiếc-ca
[Ghirka]?
- Tôi chưa bao giờ nghe có giống Nhi-cô-pôn-ca vào mùa thu. Có thể ai đấy có,
nhưng tôi thì không. Tôi chỉ có giống Xan-đô-miếc-ca [Sandomirka] thôi.
Cố gắng của A-bram không đạt được kết quả gì. Một năm sau mảnh đất ấy lại phải
để cho cha tôi thuê.
Những người Đức nhập cư làm thành một nhóm riêng biệt. Trong số họ có những
người giàu thực sự. Họ dẻo dai hơn những người khác, các phong tục gia đình của
họ cũng cứng rắn hơn. Con trai rất ít khi được gửi ra thành phố, con gái thường
làm việc đồng áng. Nhưng nhà cửa của họ được làm bằng gạch, lợp tôn sơn màu
xanh lá cây hoặc màu đỏ; họ có những giống ngựa nòi, yên cương được chăm sóc kỹ
càng; những chiếc xe có lò xo của họ cũng thường được gọi là xe thùng kiểu Đức.
Sống gần chúng tôi nhất là I-van I-va-nô-vích Đô-nơ [Ivan Ivanovitch Dorn], một
người đàn ông to béo nhưng nhanh nhẹn, chân trần đi giày cao cổ, má rám nắng,
râu ria lởm chởm và mái tóc đã bạc. Ông ta lúc nào cũng đi một chiếc xe thùng
đẹp, sơn lòe loẹt, được kéo bởi những con ngựa ô giống, đi đến đâu đất đá tung
tóe đến đó. Những người như Đô-nơ khá đông. Nổi bật trong số họ là Phan-dơ Phen
[Folz Fein], ông vua cừu, Kannichtverstan của thảo nguyên.
Những đàn cừu vô tận đi qua.
- Lũ cừu này của ai?
-
Của Phan-dơ Phen .
Những người nông dân đánh xe đi qua, họ chở cỏ khô, rơm trấu.
- Chở cho ai vậy? - Cho Phan-dơ Phen .
Một chiếc xe sơn trang trí chở đầy những tấm da thú chồng chất thành hình kim
tự tháp do ba chú ngựa phi nước kiệu chạy vụt qua. Viên quản lý của Phan-dơ
Phen ngồi ở chân của kim tự tháp đó. Hoặc đột nhiên một đàn lạc đà chạy hùng
hục với vẻ bề ngoài đáng sợ. Phan-dơ Phen là người duy nhất nuôi lạc đà. Ông ta
có lũ ngựa đực giống châu Mỹ và bò tót Thụy Sĩ.
Tổ tiên của dòng họ này lúc đó mới chỉ là Phandơ, chưa có Phen, là Schafmeister của
quận công Ôn-đen-bua [Oldenbourg], ông này nhận được của quốc khố một khoản
tiền lớn để nuôi cừu Mê-ri-nốt. Ông quận công nợ chừng một triệu rúp và không
hoàn thành nhiệm vụ của mình. Phandơ mua lại cơ ngơi và cai quản nó không theo
cách của một quận công mà như một Schafmeister. Các đàn cừu của ông
ta được nhân lên nhanh chóng, đồng thời các bãi cỏ trang trại cũng được mở
rộng. Con gái ông ta lấy Phen, một người chăn nuôi cừu. Như thế là hai triều
đại nuôi cừu hợp lại với nhau. Cái tên Phan-dơ Phen vang lên như tiếng ầm ầm
của hàng vạn con cừu, tiếng be be, tiếng kêu và tiếng còi của những kẻ chăn cừu
trên thảo nguyên với gậy đeo trên lưng, tiếng sủa của vô số chó chăn cừu. Ngay
cả thảo nguyên cũng thở ra cái tên ấy trong những ngày tột đỉnh nóng bỏng hay
băng giá.
Tôi đã để lại phía sau năm năm đầu tiên của đời mình. Kinh nghiệm của tôi được nhân lên. Cuộc sống vô cùng sáng tạo và chăm chỉ thực hiện những phối hợp tại một vùng nông thôn nhỏ, hẻo lánh cũng như trên vũ đài thế giới. Các sự kiện cứ lần lượt tràn đến với tôi, việc này nối tiếp việc kia.
Mọi người đưa từ cánh đồng về một nữ công nhân bị rắn lục cắn, cô gái khóc lóc than thở. Người ta thắt chặt phần chân bị sưng tấy phía trên đầu gối của cô và dầm vào một cái thùng nhỏ đựng sữa chua. Rồi cô được đưa đến bệnh viện ở Bô-bri-nhét. Sau khi trở lại làm việc, cô khập khiễng trên cái chân bị thương trong chiếc tất bẩn và rách rưới và các công nhân gọi cô là “tiểu thư”.
Một con lợn giống đợp vào trán, vào vai, vào tay người cho nó ăn. Đó là một chú lợn khổng lồ được mua về để tái tạo đàn lợn. Anh chàng bị cắn hoảng sợ khóc sụt sịt như một đứa trẻ. Người ta cũng đưa anh ta đi bệnh viện.
Hai công nhân trẻ đứng ném dĩa vào người nhau trên những xe chở đầy lúa. Tôi nhìn chằm chằm vào cảnh tượng đó. Một cái dĩa đâm vào hông một trong hai người, anh ta ngã lăn xuống và gào lên.