Đời tôi (Tập 1) - Chương 02 - Phần 2
Tất cả những chuyện này xảy ra trong vòng một mùa hè. Mà mùa hè năm nào cũng đầy những sự kiện như thế.
Trong một đêm mùa thu, toàn bộ mái gỗ nhà cối xay bị hất xuống suối. Cọc nhà đã mọt từ lâu và dưới sức gió bão, các vách gỗ rung chuyển như những cánh buồm. Chiếc máy hơi nước, các bánh xe vận hành và bộ phận nghiền phơi trần ra trong đống đổ nát. Giữa những tấm ván, lũ chuột khổng lồ nhảy đại ra giẫm đè cả lên nhau.
Có phần lén lút, tôi theo người xách nước ra đồng săn chuột. Phải rót nước cẩn thận vào hang chuột, không nhanh quá nhưng cũng không chậm quá. Chúng tôi cầm gậy trong tay và chờ đợi cho đến lúc một mõm chuột nhỏ xuất hiện ở miệng lỗ với bộ lông ẩm ướt dính bẹp xuống đất. Một con chuột đồng già có thể cầm cự được lâu, nó căng đuôi đút nút cái lỗ, nhưng xô nước thứ hai khiến nó phải đầu hàng và lao vào cái chết. Phải chặt chân con chuột chết và căng lên một sợi dây: Hội đồng Quản trị địa phương trả một cô-pếch cho mỗi con chuột bị giết. Trước đó chỉ cần đưa ra cái đuôi là đủ, nhưng nhiều tay tinh quái có thể làm hàng tá đuôi từ lớp da chuột nên Hội đồng Quản trị quyết định cứ phải trình cái chân. Tôi trở về nhà, người ướt đầm đìa và lấm bùn đến tận cổ. Gia đình không tán thành những chuyến đi như thế, người ta thích hơn nếu tôi ngồi trên đi-văng và vẽ chàng Ơ-đíp [Oedipe] mù bên nàng An-ti-gôn [Antigone].
Một lần tôi đi về nhà với mẹ tôi bằng xe trượt tuyết từ thành phố gần nhất là Bô-bri-nhét. Bị tuyết làm mờ mắt, chiếc xe đu đưa trong cuộc hành trình khiến tôi ngủ gà ngủ gật. Đến một khúc ngoặt xe đổ kềnh và tôi ngã sấp mặt xuống đất, bị vùi dưới cái chăn và cỏ khô. Tôi nghe tiếng gọi lo lắng của mẹ nhưng không lên tiếng trả lời được. Người đánh xe mới đến làm việc ở gia đình tôi là một gã trẻ trung, cao ráo và tóc đỏ hung, anh ta nâng cái chăn lên và phát hiện ra chỗ “trú ẩn” của tôi. Chúng tôi lại yên vị trên chiếc xe trượt và tiếp tục đi. Nhưng khi ấy tôi bắt đầu phàn nàn về chuyện mình nổi gai ốc vì lạnh. Gã đánh xe trẻ có bộ râu hung đỏ quay lại hỏi, để lộ ra hàm răng trắng, khỏe:
- Nổi gai ốc à?
Tôi nhìn miệng anh ta và nói:
- Vâng, chú biết đấy, cứ như là có kiến bò...
Anh đánh xe bật cười:
- Không sao cả. - Anh nói. - Chúng ta sắp về đến nhà rồi!
Và anh ta quất con ngựa màu cà phê sữa.
Đêm hôm sau, cũng người đánh xe ấy biến mất cùng chú ngựa. Trang trại được báo động. Một đội kỵ binh chuẩn bị săn lùng, anh cả tôi dẫn đầu. Anh đóng yên cương cho con ngựa Mút-xơ [Mutz] và thề sẽ trừng trị nghiêm khắc tên ăn trộm kia.
- Trước hết hãy tóm cổ nó đã. - Cha tôi nói giọng rầu rĩ.
Sau hai ngày đêm, đoàn “kỵ sĩ” trở về. Anh tôi phàn nàn sương mù đã ngăn anh đuổi kịp thằng trộm ngựa. Thế ra anh chàng đẹp trai vui tính ấy lại là tên ăn trộm ngựa? Hắn có hàm răng trắng đẹp thế kia mà?
Bị cơn sốt hành hạ, tôi vật vã. Tay, chân và đầu khiến tôi vướng víu, chúng sưng lên như chạm vào tường, vào trần nhà; tôi không thoát khỏi nỗi đau đớn vì chúng đến từ bên trong. Họng tôi đau và người tôi nóng bỏng. Mẹ rồi cha tôi nhìn vào họng, họ liếc nhau lo lắng và quyết định đặt viên đá xanh lên chỗ đau.
- Tôi sợ nó bị bạch hầu. - Mẹ tôi nói.
- Nếu Li-ô-va bị bạch hầu thì nó đã “trương lên” từ lâu rồi. - I-van Va-xi-li-ê-vích đáp.
Tôi đoán mơ hồ “trương lên” tức là chết như em gái Rô-dô-trơ-ca [Rosotchka] của tôi. Nhưng tôi không tin điều đó có thể xảy ra với mình và bình thản nghe cuộc nói chuyện. Cuối cùng người ta quyết định đưa tôi đi Bô-bri-nhét. Mẹ tôi không hay theo những phong tục nhưng bà cũng không dám ra thành phố vào ngày thứ bảy. I-van Va-xi-li-ê-vích đi cùng tôi ra thành phố.
Chúng tôi đến nhà chị Ta-chi-a-na bé, trước là đày tớ của chúng tôi và bây giờ lấy chồng ở Bô-bri-nhét. Họ không có con, như thế không sợ bị lây lan. Bác sĩ Sa-tu-nốp-xki [Chatounovsky] khám họng tôi, đo nhiệt độ và theo thói quen của ông, ông tuyên bố chưa thể biết là bệnh gì. Chị chủ nhà Ta-nhi-a cho tôi một chai bia, bên trong có cả một nhà thờ bằng que và những tấm ván nhỏ. Tay và chân tôi đã hết khó chịu. Tôi trở nên khỏe hơn. Việc này xảy ra khi nào? Không lâu trước “công nguyên”.
Chuyện ấy xảy ra như thế này. Chú A-bram, một ông già ích kỷ, có thể đi qua trước mặt lũ trẻ con hàng tuần mà không nói với chúng một lời, một hôm trong lúc vui vẻ đã gọi tôi vào hỏi:
- Cháu nói ngay cho chú biết, thành thực vào; chúng ta đang ở năm nào? Không biết à? Năm 1885! Nhắc lại đi và nhớ lấy, sau này chú sẽ hỏi lại.
Như thế là sao? Tôi không hiểu được.
- Đúng năm nay là năm 1885. - Bà chị họ Ôn-ga [Olga] dịu dàng của tôi nói - và năm sau sẽ là 1886.
Tôi không tin vào điều đó. Nếu giả sử thời gian có một cái tên thì 1885 phải tồn tại vĩnh viễn, tức là rất, rất lâu, cũng như hòn đá lớn dùng làm bậc thềm ở cửa ra vào, như nhà cối xay và cuối cùng, như bản thân tôi chẳng hạn. Em gái chị Ôn-ga, Bê-chi-a [Betia] chẳng biết nên nghe ai. Cả ba chúng tôi đều cảm thấy băn khoăn khi bước chân vào một lĩnh vực mới mẻ, dường như ta bất thình lình mở toang cánh cửa một căn phòng tranh tối tranh sáng, không có chút đồ đạc nào và trong đó tiếng vọng lại rất dài. Cuối cùng tôi phải chịu đầu hàng. Mọi người đều bảo chị Ôn-ga có lý. Như vậy năm đầu tiên có đánh số mà tôi ý thức được là 1885. Nó đánh dấu sự kết thúc một khoảng thời gian không hình thù, giai đoạn tiền sử của đời tôi, của một thế giới hỗn mang: niên đại đời tôi được tính từ điểm thắt nút đó. Lúc ấy tôi lên sáu. Đối với nước Nga, đó là một năm mất mùa, khủng hoảng và diễn ra sự náo động lớn đầu tiên trong giới thợ thuyền. Nhưng với tôi, tôi chỉ ngạc nhên khi được biết mỗi năm lại có một cái tên không thể nắm bắt nổi. Tôi băn khoăn cố tìm ra mối quan hệ huyền bí giữa thời gian và những con số. Rồi năm tháng cứ nối tiếp nhau, ban đầu chậm chạp sau nhanh dần lên. Nhưng trong một thời gian dài, 1885 vẫn nổi bật lên như một năm “chị cả”, năm gốc. Nó đã mở đầu “kỷ nguyên” của tôi.
Một lần sự cố như sau xảy ra: trước bậc thềm, tôi ngồi lên thùng xe, nắm dây cương và đợi cha tôi. Lũ ngựa non liền cuốn tôi đi vượt quá nhà, vựa lúa, vườn rau, chúng ra khỏi đường, chạy xuyên cánh đồng đi về phía trang trại của Đem-bốp-xki. Sau lưng tôi nhiều tiếng kêu vọng tới. Trước mặt chúng tôi là một cái hào. Lũ ngựa chạy như điên. Chỉ khi đến ngay trước cái hào chúng mới bất thình lình quay ngang làm cho xe gần đổ và dừng lại. Người đánh xe chạy sau chúng tôi, sau anh là hai ba người công nhân, xa hơn nữa có cha tôi và cuối cùng là mẹ tôi đang kêu gào và chị tôi vò tay vẻ thất vọng. Khi tôi chạy lại chỗ mẹ tôi, bà vẫn còn kêu gào. Tôi không giấu được rằng cha tôi đã cho tôi hai cái bạt tai và ông thì nhợt nhạt như người sắp chết. Tôi cũng không mếch lòng vì sự việc đã xảy ra thật lạ lùng.
Có lẽ cũng vào năm đó tôi cùng cha đi Ê-li-da-vét-gơ-rát. Chúng tôi xuất hành từ rạng sáng và không vội vã. Ở Bô-bri-nhét người ta cho ngựa ăn; chiều tối chúng tôi đến Vơ-si-vai-a [Vchivaia], theo phép lịch sự chúng tôi gọi chệch là Sơ-vi-vai-a [Chvivaia]; chúng tôi đợi ở đó đến rạng đông bởi vùng ngoại vi thành phố luôn có bọn cướp hoành hành.
Không một thủ đô nào trên thế giới - kể cả Pa-ri lẫn Niu Oóc - lại gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ như Ê-li-da-vét-gơ-rát, thành phố với những vỉa hè, những mái nhà màu xanh lá cây, những ban công, những cửa hiệu, những viên cảnh sát và những khối cầu đỏ treo trên các sợi dây mỏng tại cửa ra vào các quầy hàng. Trong vài tiếng đồng hồ, tôi mở to mắt ngắm nhìn trực diện bộ mặt của nền văn minh.
Sau “công nguyên” một năm, tôi bắt đầu đi học. Một buổi sáng sau khi đã ngủ kỹ và tắm rửa qua loa (ở I-a-nốp-ca bao giờ người ta cũng tắm rửa vội vã), thưởng thức một ngày mới - trước hết là trà pha sữa và bánh mì bơ - tôi bước vào phòng ăn. Mẹ tôi ngồi trong đó với một người lạ mặt, thân hình mảnh khảnh, nụ cười nhợt nhạt và có vẻ khúm núm. Cả mẹ tôi lẫn người lạ mặt đều nhìn tôi khiến tôi thấy rõ họ đang nói chuyện về mình. Mẹ tôi gọi tôi:
- Li-ô-va, chào thầy đi con. Đây là thầy giáo của con.
Tôi nhìn thầy vẻ lo lắng nhưng không phải là không có chút tò mò. Thầy chào tôi với vẻ khả ái mà các thầy đều có trước đứa học sinh tương lai khi có sự hiện diện của bố mẹ nó.
Trước mặt tôi, mẹ chuyển câu chuyện sang phần công xá: với chừng ấy rúp và chừng ấy pút bột mì, thầy sẽ nhận dạy tôi môn tiếng Nga, số học và Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái cổ trong lớp học của thầy nơi quần cư. Khối lượng các kiến thức khoa học chỉ được xác định một cách khá mơ hồ vì mẹ tôi cũng chẳng biết được bao nhiêu về chúng. Trong chén trà sữa tôi đã cảm thấy mùi vị của sự biến đổi sắp xảy ra trong đời.
Chủ nhật sau, cha tôi dẫn tôi đến khu quần cư và cho tôi trọ tại nhà dì Ra-khen [Rakhel]. Trên chuyến xe ấy, chúng tôi cũng chở đến cho dì bột mì và đại mạch, vừng kê và mọi thứ thực phẩm khác.
Grô-mô-cơ-lây và I-a-nốp-ca cách nhau bốn dặm. Khu quần cư nằm hai bên sườn một thung lũng. Những người Do Thái ở một bên, còn người Đức ở bên kia. Hai bộ phận này rất khác biệt nhau. Trong khu người Đức, nhà cửa được chăm sóc tỉ mẩn, mái ngói hoặc mái lợp lau sậy; họ có những chú ngựa to khỏe, những chị bò cái lông láng bóng. Bên phía người Do Thái là những nhà gỗ nhỏ bé, đổ nát, mái sứt mẻ và đàn gia súc khốn khổ.
Có vẻ kỳ lạ là ngôi trường đầu tiên để lại cho tôi quá ít kỷ niệm. Tấm bảng đá đen, trên đó tôi viết những chữ cái đầu tiên của tiếng Nga; ngón tay trỏ gầy gò của thầy giáo tỳ xuống quản bút, buổi đọc đồng thanh Kinh Thánh; một thằng bé bị phạt vì tội ăn cắp - toàn những mẩu vụn mơ hồ, những vết mờ nhạt, không hình ảnh nào nổi bật trong số chúng. Có lẽ một ngoại lệ là hình ảnh vợ thầy giáo; một người đàn bà cao lớn, béo tốt, thỉnh thoảng lại can thiệp vào đời sống nhà trường một cách bất ngờ. Một hôm ngay trong giờ học, bà đến phàn nàn với chồng rằng thứ bột mới mua có mùi hôi; trong khi ông thầy giáo chìa cái mũi nhọn vào bàn tay chứa bột của bà, bà hất tất cả chỗ bột đó vào mặt ông và cho đó là trò đùa. Lũ con trai, con gái cười vang. Một mình thầy giáo đứng tiu nghỉu. Tôi thấy thương ông thầy đứng giữa lớp, mặt đầy bột.
Tôi sống ở nhà dì Ra-khen tốt bụng nhưng không chú ý mấy đến dì. Chú A-bram ngự trị tại căn nhà chính cùng cổng ra vào. Ông hoàn toàn không để ý đến các cháu trai, cháu gái. Tuy nhiên, có khi ông gọi tôi vào và thưởng cho một cái xương có cả tủy rồi nói:
- Cái xương này mười rúp chú cũng chẳng bán.
Ngôi nhà của chú gần như đầu khu quần cư. Phía đối diện là nhà của một người Do Thái cao, gầy và đen, bị coi là một tên trộm ngựa và bậc thầy của mọi việc mờ ám khác. Ông này có một đứa con gái và cô ta cũng bị nói xấu đủ điều. Cách nhà ấy không xa là nhà một người Do Thái trẻ, có râu cằm màu hung vàng rực. Anh làm nghề máy mũ lưỡi trai. Vợ anh ta có lần đi tìm gặp ông thanh tra chính phủ khi ông này đi kinh lý và đến nhà chú A-bram. Chị phàn nàn về việc con gái tên trộm ngựa đã quyến rũ chồng chị. Ông thanh tra có vẻ không giúp được chị mấy. Một hôm khi đi học về, tôi thấy một đám đông la hò, khạc nhổ, lôi kéo trên đường phố một cô gái trẻ, đó là con gái tên trộm ngựa. Cái cảnh như trong Kinh Thánh ấy mãi mãi đọng lại trong tâm trí tôi. Vài năm sau, chú A-bram lại lấy chính người phụ nữ ấy làm vợ. Hồi đó theo lời kể của những người trong chung cư, cha cô ta đã bị đày đi Xi-bê-ri như một phần tử bất hảo.
Ma-sa [Macha], chị vú nuôi xưa kia của tôi hiện là người hầu gái ở nhà chú A-bram. Tôi hay chạy đến tìm chị ở nhà bếp. Đối với tôi, chị là hiện thân của những mối quan hệ với I-a-nốp-ca. Nhưng chị còn những người khách khác, đôi khi họ rất nôn nóng, lúc ấy họ nhẹ nhàng đẩy tôi ra. Vào một buổi sáng đẹp trời, cùng với tất cả bọn trẻ con ở trong nhà, tôi được biết Ma-sa đã sinh ra một đứa bé. Với vẻ hồi hộp đầy thích thú, chúng tôi thì thầm về chuyện đó trong các góc nhà. Vài ngày sau mẹ tôi từ I-a-nốp-ca đến và bà xuống bếp thăm Ma-sa cùng đứa bé. Tôi cũng lon ton theo sau mẹ. Ma-sa đứng trong phòng, chùm một chiếc khăn lên mắt và một đứa bé nhỏ nhoi nằm nghiêng trên chiếc đi-văng rộng. Mẹ tôi nhìn Ma-sa rồi đứa bé. Bà im lặng và lắc cái đầu, vẻ chê trách. Ma-sa lặng lẽ nhìn chăm chăm xuống sàn rồi ngước lên ngắm đứa bé và nói:
- Bà thấy không, nó gối đầu lên cánh tay nhỏ như là người lớn ấy.
- Thế chị không tiếc là nó bỏ đi rồi à? - Mẹ tôi hỏi.
- Không, anh ấy quá cao sang đối với con. - Ma-sa trả lời, vẻ không thật lòng.
- Nói dối! Chị còn thương nó... - Mẹ tôi hòa giải đáp lại.
Một tuần sau đứa trẻ chết trong những hoàn cảnh cũng kỳ bí như khi nó ra đời.
Tôi thường đi từ trường về làng và hầu như tất cả những lần ấy, tôi ở lại chơi một tuần hoặc hơn. Tôi không thân với một người bạn cùng học nào vì không tôi biết nói tiếng Do Thái kiểu Đông Âu. Việc học hành chỉ kéo dài vài tháng, hẳn vì thế mà tôi ít có kỷ niệm về trường. Tuy nhiên thầy Su-phe [Schufer] ở Grô-mô-cơ-lây đã dạy tôi biết đọc và viết, tôi sử dụng lợi ích của hai môn này trong suốt cuộc đời về sau. Vì thế tôi nhớ đến người thầy đầu tiên với một lòng biết ơn.
Tôi bắt đầu đọc sách in. Tôi sao chép những bài thơ, bản thân tôi cũng làm thơ. Sau này tôi và người em họ Xê-nhi-a Gi-xki định ra một tạp chí. Nhưng con đường mới này đầy chông gai. Mới chỉ biết sơ qua về nghệ thuật viết lách, nó đã trở thành một sự cám dỗ nguy hiểm đối với tôi. Một lần khi còn lại một mình trong phòng ăn, tôi viết bằng chữ in những từ đặc biệt mà tôi đã nghe thấy trong nhà xưởng và nhà bếp, nhưng không được nói trong gia đình. Tôi biết làm như thế là không đúng nhưng những từ ấy lại quyến rũ tôi vì chúng bị cấm đoán. Tôi quyết định nhét mảnh giấy tai hại ấy vào một cái hộp diêm và tôi sẽ chôn sâu sau vựa lúa. Còn lâu mới hoàn thành được tác phẩm khi chị tôi bước vào phòng ăn và tò mò muốn xem tôi làm gì. Tôi giật tờ giấy khỏi bàn và nắm chặt. Mẹ tôi cũng bước vào ngay sau chị tôi. Họ đòi xem tờ giấy tôi viết. Xấu hổ quá tôi ném nó sau lưng chiếc đi-văng. Chị tôi muốn lấy nó ra nhưng tôi gào lên như điên: “Để em, để em tìm!”. Tôi trườn xuống dưới đi-văng và xé tờ giấy ra từng mảnh nhỏ. Sự thất vọng và nước mắt của tôi thật vô bờ.
Vào lễ Giáng sinh, chắc chắn là năm 1886 vì khi đó tôi đã biết viết, trong giờ uống trà buổi tối, một đám người hóa trang tràn vào phòng ăn. Mọi việc bất ngờ đến nỗi tôi kinh hoàng ngã sấp xuống chiếc ghế dài tôi đang ngồi. Mọi người trấn an tôi và tôi thích thú lắng nghe câu chuyện về ông vua Mích-sa [Mikcha]. Lần đầu tiên, một thế giới sân khấu kỳ ảo được mở ra trước mắt tôi. Tôi rất đỗi ngạc nhên khi biết người thủ vai chính là anh thợ Prô-khốp [Prokhov] của chúng tôi, một người lính mới giải ngũ.
Ngày hôm sau, tôi cầm giấy và bút chì lẻn vào buồng người ở sau khi họ vừa ăn xong bữa trưa và tôi cầu khẩn “ông vua” Mích-sa đọc lại cho tôi chép các đoạn độc thoại. Prô-khốp từ chối nhưng tôi bám vào người anh, tôi đòi, tôi xin và không cho anh một lối thoát nào. Cuối cùng chúng tôi ngồi bên cửa sổ và tựa vào thành cửa nham nhở, tôi bắt đầu ghi đoạn văn có vần của “vua” Mích-sa. Chưa đầy năm phút, cha tôi nhìn ra cửa thấy cảnh tượng ấy, ông nghiêm khắc nói với tôi:
- Li-ô-va, về phòng ngay, con!
Tôi khóc mãi đến tối, không ai dỗ được.
Tôi làm thơ, những dòng thơ thảm hại, có thể là chứa đựng sự say mê sớm phát triển đối với văn học, nhưng chắc chắn không hứa hẹn một tương lai thi sĩ. Chị tôi biết những bài thơ của tôi, mẹ tôi biết qua chị rồi cha tôi biết qua mẹ. Người ta bắt tôi đọc thơ trước mặt khách khứa. Tôi bị làm tình làm tội đến là khổ sở. Tôi từ chối. Mọi người tìm cách thuyết phục tôi, thoạt đầu dỗ dành rồi sau đó có phần gay gắt, cuối cùng hăm dọa. Tôi cũng hay chạy trốn. Nhưng người lớn biết cách duy trì những dự định của họ. Tim đập loạn xạ, nước mắt lưng tròng, tôi đọc thơ, giữa chừng cảm thấy xấu hổ vì những câu vay mượn hoặc lạc vần.
Nhưng dẫu sao đi nữa, tôi cũng đã nếm vào trái cây tri thức. Giờ này qua giờ khác, cuộc sống mở rộng trước mắt tôi. Trên chiếc đi-văng thủng ở phòng ăn, tôi đã bị những thế giới khác lôi cuốn. Việc đọc sách mở ra một giai đoạn mới trong đời tôi.