Đời tôi (Tập 1) - Chương 04 - Phần 1
CHƯƠNG IV: SÁCH VÀ NHỮNG XUNG ĐỘT ĐẦU TIÊN
Thiên nhiên và con người chiếm ít chỗ trong đời sống tinh thần hàng ngày của tôi so với sách vở và tư tưởng, không chỉ vào những năm còn đi học mà cả sau này, trong thời thanh niên của tôi. Mặc dầu được sinh ra ở nông thôn, tôi không nhậy cảm lắm với thiên nhiên. Tôi chỉ phát triển khả năng để ý và thấu hiểu tự nhiên vào thời sau này, khi tôi đã để lại sau lưng không chỉ thời niên thiếu mà cả những năm đầu của thời thanh niên. Một thời kỳ dài, con người đi qua ý thức của tôi như những chiếc bóng tình cờ. Tôi tự tìm hiểu bản thân và sách vở và trong đó, tôi lại kiếm tìm bản thân và tương lai của mình.
Tôi bắt đầu đọc sách từ năm 1887, hồi Môi-xây Phi-líp-pô-vích đến I-a-nốp-ca: anh mang theo một chồng sách, trong số đó có cả những cuốn giọng điệu rất dân dã của Tôn-xtôi [Tolstoi]. Trong thời gian đầu, chúi vào sách không phải là một công việc nhẹ nhàng gì, thậm chí còn mệt nhọc là khác. Mỗi cuốn sách mới đem lại những trở ngại mới: những từ ngữ lạ lẫm, những tình cảnh sống khó hiểu và sự bấp bênh phân chia thực tại và hư ảo. Trong đa số trường hợp tôi không có ai để hỏi. Những khi ấy tôi thường lạc lối, tôi bỏ cuộc rồi lại bắt đầu từ đầu, niềm vui mơ hồ của sự hiểu biết trộn lẫn với nỗi sợ hãi những thứ mới lạ. Có thể so sánh việc đọc sách của tôi thời ấy như một chuyến đi xe ngựa buổi đêm trong thảo nguyên: ta nghe thấy tiếng bánh xe nghiến, tiếng người thì thào, những đống củi ven đường xuất hiện từ bóng tối; dường như mọi thứ đều quen thuộc, cùng lúc ấy, ta không biết điều gì đang xảy ra, ai đi và mang vác cái gì, ta không biết cả chính mình đang đi đâu, tiến hoặc lùi. Và không có ai giải thích cho bạn, theo kiểu của bác Gri-gô-ri, rằng “đó là những nông dân chở ngũ cốc cho chúng ta”.
Ở Ô-đét-xa có nh iều sách vở hơn hẳn và tôi được hướng dẫn một cách chăm chú và ân cần. Tôi bắt đầu ngấu nghiến sách vở. Chỉ có thể tách tôi khỏi chúng khi mọi người bắt tôi đi dạo. Khi đi chơi, tôi sống lại những gì đã đọc và vội vã muốn biết phần tiếp theo. Cứ tối tối, tôi xin thêm mười lăm phút nữa, hoặc ít ra dăm phút, để đọc hết một chương. Tối nào cũng xảy ra những cuộc cãi cọ lặt vặt về chuyện đó.
Sự ham muốn được thấy, được biết, được chiếm lĩnh nảy sinh và tìm thấy lối thoát trong quá trình tiếp thu không mệt mỏi những trang sách in; bàn tay và đôi môi con trẻ của tôi lúc nào cũng vươn về ly rượu của sáng tạo văn học. Những điều thú vị, cảm động, niềm vui, nỗi buồn mà sau này cuộc sống sẽ giành cho tôi đều đã chứa đựng trong những cảm xúc khi tôi đọc sách, như mối liên tưởng hứa hẹn nào đó, như một bức phác thảo rụt rè và nhẹ nhàng bởi cây bút chì hoặc màu nước.
Trong những năm đầu tôi trọ học ở Ô-đét-xa, các buổi đọc sách chung ban đêm là những giờ, hay đúng hơn là những nửa giờ đẹp nhất trong ngày, khi tôi đã làm xong bài tập về nhà và chưa đi ngủ. Môi-xây Phi-líp-pô-vích là người đọc, anh hay đọc Pút-sơ-kin [Pouchkine] hoặc Nhê-cơ-ra-xốp [Nékrassov] và thường đọc Nhê-cơ-ra-xốp hơn. Nhưng cứ đến giờ đã định là chị Phan-ni Xô-lô-mô-nốp-na luôn lên tiếng:
-
Li-ô-vút-sca [Liovouchka], đến giờ đi ngủ rồi đấy.
Tôi nhìn chị van vỉ.
- Này cậu bé, phải đi ngủ thôi. - Môi-xây Phi-líp-pô-vích nói.
-Thêm năm phút nữa mà! -
Tôi
van nài và người ta cho thêm năm phút. Sau đó tôi hôn từ biệt anh chị
và đi ngủ với cảm giác rằng tôi có thể nghe anh đọc suốt đêm, nhưng vừa đặt đầu
xuống gối là tôi đã ngủ ngay.
Xô-phi-a [Sófhia], một nữ sinh lớp tám trường Trung học Cổ điển, bà con xa của tôi, tình cờ đến trọ tại gia đình Spen-xe vài tuần để tránh cơn dịch sốt phát ban ở nhà cô. Đó là một cô gái rất có năng khiếu và đọc nhiều, dù cô hơi thiếu bản sắc và cá tính. Cô tàn tạ rất nhanh. Tôi hâm mộ cô, cứ mỗi ngày lại tìm thấy ở cô những kiến thức và phẩm chất mới và thường xuyên cảm thấy sự kém cỏi của mình. Tôi chép lại cho cô chương trình thi và giúp cô vô số những việc lặt vặt. Sau bữa trưa, khi người lớn đi ngủ, chúng tôi đọc cho nhau nghe rồi dự định cùng làm chung một tập thơ châm biếm với nhan đề Du lịch lên cung trăng. Trong công việc này tôi thường xuyên để mất nhịp thơ. Vừa gợi ra được một ý nhỏ nào đó, người chị cùng cộng tác với tôi liền nắm bắt lấy, phát triển nhanh đề tài và đưa ra hàng loạt khả năng khác; cô tìm vần rất dễ dàng và hầu như cuốn tôi theo. Khi thời gian sáu tuần tránh bệnh dịch đã trôi qua và Xô-phi-a trở về nhà, tôi cảm thấy mình đã lớn.
Trong số những người quen biết xuất sắc của gia đình, có Xéc-gây I-va-nô-vích Xư-trép-xki [Serguei Ivanovitch Sytchovsky], một nhà báo già lãng mạn, một học giả và nhà bình luận nổi tiếng ở miền Nam về Sếch-xpia [Shakespeare]. Đó là một người có tài nhưng hỏng vì rượu chè. Vì quá chén, ông luôn có mặc cảm tội lỗi đối với mọi người, kể cả với con trẻ. Ông quen Phan-ni Xô-lô-mô-nốp-na từ thời còn trẻ và thân mật gọi cô là Pha-ni-út-sca [Faniouchka]. Ngay từ buổi đầu, Xéc-gây I-va-nô-vích rất quý tôi. Sau khi gạn hỏi tôi về những gì xảy ra trong trường, ông giao cho tôi một đề tài: so sánh hai bài thơ Nhà thơ và người buôn sách của Pút-sơ-kin và Nhà thơ và người công dân của Nhê-cơ-ra-xốp. Tôi lạnh toát cả người. Tôi chưa đọc tác phẩm thứ hai trong hai tác phẩm kể trên và Xư-trép-xki làm tôi rất sợ vì tư cách nhà văn của ông. Hai từ ấy đối với tôi là một tiếng vang dội từ một đỉnh cao xa vời.
-
Chúng ta sẽ đọc ngay hai bài thơ này. - Xéc-gây I-va-nô-vích nói
và bắt đầu đọc với giọng tuyệt vời.
- Cháu hiểu chứ? Thế thì bắt đầu đi!
Tôi được đưa vào phòng, người ta trao cho tôi tác phẩm của Pút-sơ-kin và Nhê-cơ-ra-xốp
cùng giấy và mực.
-
Nhưng em không thể làm được. - Tôi thì thào vào tai chị Phan-ni Xô-lô-mô-nốp-na một
cách ảo não.
- Em viết gì bây giờ.
- Đừng hồi hộp. - Chị trả lời và vuốt ve tóc tôi. - Em hiểu thế
nào thì cứ viết như thế, đơn giản thôi mà. Chị có đôi tay nhẹ nhàng và giọng
nói dịu dàng. Tôi tự trấn tĩnh lại một chút, nghĩa là tìm cách vượt lên được
tính tự ái bản thân đang bị khiếp đảm và bắt đầu viết.
Gần một giờ sau, mọi người bắt tôi nộp bài. Tôi cầm tờ giấy lớn đầy chữ viết và trao nó vào tay nhà văn với một nỗi run rẩy chưa từng biết đến trong nhà trường. Xéc-gây I-va-nô-vích im lặng đọc lướt qua vài dòng rồi quay lại phía tôi, mắt ông tỏa ra những tia lửa, ông kêu lên:
- Này,
thử nghe cậu ta viết... Thế mới thực là một chàng trai cừ khôi chứ!
Và ông đọc to:
- “Nhà thơ sống cùng với thiên nhiên thân yêu mà mỗi âm thanh vui hay buồn đều
có tiếng dội trong tim anh...”.
Xéc-gây I-va-nô-vích giơ ngón tay lên:
- Tuyệt vời quá... “mà mỗi âm thanh”, các vị nghe chứ, “vui hay buồn,
đều có tiếng dội trong tim anh”...
Và những câu nói ấy ghi sâu vào trái tim tôi, khiến tôi nhớ suốt đời...
Bữa trưa Xéc-gây I-va-nô-vích đùa cợt nhiều, ông hồi tưởng, kể chuyện, hứng
khởi vì ly vốt-ca luôn được chuẩn bị sẵn cho ông. Thỉnh thoảng ông lại nhìn
tôi từ góc bàn phía bên kia và kêu lên:
- Cậu viết cừ quá, phải ôm hôn cậu mới được.
Ông dùng khăn mặt lau chùi cẩn thận bộ ria và đôi môi rồi đứng dậy khỏi ghế và
loay hoay đi
vòng
quanh bàn. Tôi ngồi đợi như đợi một tai họa, một tai họa vui mừng nhưng vẫn cứ
là một tai họa.
- Đứng dậy cậu, Li-ô-vô-trơ-ca [Liovotchka], đến trước ông ấy đi. - Môi-xây Phi-líp-pô-vích
thì thào với tôi.
Sau bữa trưa, Xéc-gây I-va-nô-vích đọc thuộc lòng bài thơ châm biếm Giấc
mơ của Pô-pốp [Popov].
Tôi quan sát hết sức chăm chú bộ ria xám bạc mà những lời hài hước được tuôn ra
từ đó. Tình trạng nửa say, nửa tỉnh của nhà văn không làm uy tín của ông
bị suy suyển chút nào trong mắt tôi. Lũ trẻ con rất có khả năng trừu tượng hóa
mọi việc.
Đôi khi trước lúc hoàng hôn, tôi đi dạo với Môi-xây Phi-líp-pô-vích và nếu anh
đang vui vẻ, chúng tôi nói về đủ thứ chuyện khác nhau. Một lần, anh kể cho
tôi nội dung vở nhạc kịch Phau-xtơ [Faust] mà anh rất
thích. Tôi nghe như muốn nuốt lấy lời của anh và mơ ước được xem vở ấy một lần
trên sân khấu. Cứ theo giọng người kể, tôi cảm thấy chúng tôi đang đến gần
một đoạn rắc rối. Tôi cổ vũ cho người kể và sợ không được biết đoạn tiếp
sau của câu chuyện. Nhưng Môi-xây Phi-líp-pô-vích tự làm chủ được mình và
anh tiếp tục như sau: “Và thế rồi... Grét-chen [Gretchen] có một đứa con
trước ngày cưới...”.
Khi qua được điểm kịch tính ấy, cả hai chúng tôi đều cảm thấy dễ chịu hơn và
câu chuyện kết thúc không mấy khó khăn.
Lần khác tôi phải nằm với một miếng gạc trên họng. Để an ủi, người ta cho tôi
đọc Ô-li-vơ Tuýt-xtơ [Oliver Twist] của Đích-ken
[Dickens]. Câu nói đầu tiên của ông bác sĩ trong nhà hộ sinh - nhận xét
rằng người phụ nữ không đeo nhẫn trên tay - khiến tôi thấy ngỡ ngàng:
- Thế nghĩa là thế nào? - Tôi hỏi Môi-xây Phi-líp-pô-vích. - Sao lại có chuyện
cái nhẫn ở đây?
Anh
trả lời với giọng ngập ngừng:
- Thế này, cậu ạ... Khi người ta chưa có gia đình thì không có nhẫn.
Tôi lại nhớ đến Grét-kin. Và số phận của Ô-li-vơ Tuýt-xtơ tỏa ra trong suy
tưởng của tôi từ chiếc nhẫn, chiếc nhẫn không có ấy. Thế giới những mối
quan hệ con người thuộc phạm vi cấm đoán tràn vào ý thức của tôi qua sách
vở, và còn rất nhiều điều tôi nghe được tình cờ, thường là những lời thô tục,
khiếm nhã, giờ đây được khái quát hóa, được làm đẹp và nâng lên một mức độ
cao hơn trong văn học. Vào thời gian ấy, tác phẩm mới ra đời của Tôn-xtôi mang
tên Sức mạnh của bóng tối làm sôi động dư luận. Người ta
nói đến nó với nhiều ngụ ý và bình luận cuốn sách một cách sa đà. Pô-bê-đô-nốt-xép [Pobiédonotsev]
xin A-lếch-xan-đơ-rơ Đệ tam cấm trình diễn vở này trên sân khấu. Tôi biết Môi-xây Phi-líp-pô-vích
và Phan-ni Xô-lô-mô-nốp-na - sau khi đã bắt tôi đi ngủ - cùng nhau đọc vở bi
kịch ấy ở phòng bên.
Tôi chỉ nghe tiếng thì thầm đều đều.
- Thế em có được đọc không? - Tôi gạn hỏi.
- Không, chú bồ câu của tôi ạ, còn quá sớm đối với em. - Họ trả lời
tôi bằng một giọng cương quyết khiến tôi không dám nài nỉ thêm.
Tuy nhiên tôi nhận thấy cuốn sách mỏng mới tinh này xuất hiện trên một ngăn
sách quen thuộc.
Thừa lúc người lớn đi vắng, tôi vẫn cứ đọc vở kịch ấy của Tôn-xtôi. Nó tác động
đến tôi ít hơn nhiều so với điều những người nuôi dạy tôi lo ngại. Những
đoạn bi thảm nhất - như đoạn đứa bé bị bóp cổ hay chuyện những mẩu xương
bị vỡ vụn ra như thế nào - không cho tôi một cảm giác thực tế khủng khiếp, tôi
chỉ coi chúng như một hư cấu sách vở, một ý tưởng sân khấu, tóm lại tôi hoàn
toàn không hiểu bản chất của câu chuyện.
Trong vụ nghỉ hè, trên nóc tủ, ngay dưới trần nhà và giữa đám giấy cũ, tôi tìm
thấy một quyển sách do anh cả tôi đem về từ Ê-li-da-vét-gơ-rát. Mở ra tôi
thấy một vẻ gì lạ thường và bí hiểm trong đó. Đây là biên bản tòa án về
việc một cô gái nhỏ bị giết sau khi bị hãm hiếp. Cuốn sách đầy ắp những nhận
xét về y tế và pháp lý, tôi đọc nó trong trạng thái hoàn toàn hoảng sợ,
như một kẻ lạc vào rừng trong đêm tối, đụng đầu vào những cây cối hình thù
ma quái lờ mờ dưới ánh trăng và không tìm nổi đường ra. Nhưng ấn tượng ấy
đã tan đi rất nhanh. Tâm lý con người, đặc biệt là tâm lý trẻ em có những đệm,
những phanh hãm, những lối thoát, những bộ phận giảm tốc, đó là một hệ
thống lớn được thiết lập hoàn thiện để phòng ngừa những va chạm quá đột
ngột hoặc quá sớm.
Tôi đến nhà hát lớn lần đầu tiên khi học lớp dự bị. Đó là một điều khó tưởng
tượng và không thể diễn tả nổi. Người ta cho tôi đi xem một vở kịch tiếng U-cơ-rai-na
mang tựa đề Na-da Xtô-đô-li-a [Nazar Stodolia], tôi cùng
đi với ông khán trường Gri-gô-ri Khô-lốt [Gregory Kholod]. Lần ấy, mặt tôi tái
nhợt - sau này ông Gri-gô-ri kể lại điều đó với Phan-ni Xô-lô-mô-nốp-na -
và tôi cảm thấy đau khổ vì không đủ sức chứa được hết niềm vui tràn ngập
trong lòng. Trong giờ giải lao giữa các hồi, tôi không nhúc nhích khỏi
chỗ ngồi để khỏi bỏ qua chút gì, lạy Chúa lòng lành! Buổi biểu diễn kết
thúc bằng một vở hí kịch Anh bạn cùng nhà thổi kèn lệnh. Căng
thẳng của vở bi kịch được giải tỏa bằng những trận cười thỏa thuê. Tôi cựa
quậy người trên ghế ngồi, ngoảnh đầu về phía sau rồi lại căng mắt lên sân
khấu.
Về nhà tôi kể lại vở Anh bạn cùng nhà thổi kèn lệnh và thêm
vào câu chuyện các chi tiết mới để gây nên những tràng cười như tôi vừa
mới trải qua. Và tôi buồn rầu nhận thấy mình không đạt được mục đích.
- Thế cậu không thích vở Na-da Xtô-đô-li-a phải không? - Môi-xây
Phi-líp-pô-vích hỏi tôi. Tôi cảm thấy sự trách móc trong những câu nói ấy; nhớ
lại những đau khổ của Na-da, tôi đáp:
- Sao lại không? Vở kịch thật tuyệt vời.
Trước ngày lên năm thứ ba, tôi sống một thời gian ngắn gần Ô-đét-xa ở nhà chú
tôi, một kỹ sư. Một bữa, tôi được xem một buổi biểu diễn nghiệp dư trong
đó anh Cơ-ru-gơ-li-a-cốp [Krougliakov], học sinh trường tôi thủ vai người
đày tớ. Đó là một cậu bé yếu phổi, mặt đầy những vết hoe, có cặp mắt rất thông
minh nhưng rất ốm yếu. Tôi rất quyến luyến anh và vật nài anh tổ chức
chung một buổi biểu diễn với tôi. Cuối cùng chúng tôi chọn Người
hiệp sĩ keo kiệt của Pút-sơ-kin. Tôi đóng vai người con, còn Cơ-ru-gơ-li-a-cốp
đóng vai người cha. Tôi hoàn toàn tuân thủ sự hướng dẫn của anh và bỏ ra
nhiều ngày liền để học thuộc lòng các khổ thơ Pút-sơ-kin. Thật là một
trạng thái đầy hồi hộp và xúc động tuyệt vời! Nhưng chẳng bao lâu tất cả đều sụp
đổ: cha mẹ Cơ-ru-gơ-li-a-cốp cấm anh diễn kịch, viện lý do anh không được khỏe.
Sau ngày tựu trường anh chỉ có mặt ở trường vài tuần đầu. Mỗi lần tôi đợi
anh ở cổng trường để nói chuyện với anh về văn học trên quãng đường về
nhà. Nhưng ít lâu sau, Cơ-ru-gơ-li-a-cốp vắng mặt hoàn toàn. Tôi biết anh ốm,
vài tháng sau được tin anh chết vì bệnh lao.
Ma lực của sân khấu chiếm lĩnh tôi trong nhiều năm. Sau đó tôi mê nhạc kịch Ý
mà thành phố Ô-đét-xa rất tự hào. Đang còn học năm thứ sáu, tôi đã dạy tư
nhằm mục đích kiếm tiền để đi xem hát. Trong nhiều tháng liền, tôi thầm
yêu trộm nhớ một giọng nữ cao có cái tên bí ẩn là Giu-dép-pi-na Uy-ghét [Giuseppina
Huguette] và tôi tưởng như nàng từ trên trời lượn xuống sân khấu nhà hát kịch Ô-đét-xa
chỉ trong một quãng thời gian ngắn.
Tôi không được phép đọc báo chí, nhưng về khoản này chế độ cũng không nghiêm
khắc lắm. Và dần dần, đôi khi cũng phải nhường bước, tôi được quyền đọc
báo, chủ yếu là những tờ ra từng kỳ. Báo chí Ô-đét-xa nói nhiều nhất về
sân khấu, đặc biệt là về nhạc kịch và dư luận công chúng dường như chỉ va
chạm nhau trong sự sùng bái sân khấu. Chỉ trong lĩnh vực đó, các báo chí
được phép bày tỏ chút ít sự say mê của mình.
Trong thời gian này, một ngôi sao viết báo giải trí từng kỳ tên là Đô-rô-sê-vích
Dorochévitch] đang lên như diều. Một thời gian ngắn, Đô-rô-sê-vích trở
thành người chủ của những suy tưởng mặc dầu ông chỉ viết về những chuyện
nhỏ nhặt, nhiều khi còn vô nghĩa. Nhưng rõ ràng ông có tài và dưới hình thức
mạnh dạn của những tin tức xét ra là vô hại, dường như ông đã đục một lỗ
thông hơi cho cái thành phố Ô-đét-xa bị bế quan tỏa cảng bởi Dê-li-ô-nưi
Đệ nhị. Tôi sốt ruột vồ lấy tờ báo buổi sáng, lục tìm chữ ký của Đô-rô-sê-vích.
Các bài báo của nhà văn này đã làm say mê những ông bố có tư tưởng tự do và cả
những đứa con chưa có ý tưởng cực đoan.
Ngay từ những năm đầu, tôi đã ham mê viết văn; sự ham mê ấy theo đuổi tôi, khi
yếu, khi mạnh, nhưng tóm lại nó ngày càng lớn lên. Thế giới các nhà văn,
nhà báo, nghệ sĩ luôn luôn là thứ hấp dẫn nhất đối với tôi, tôi biết lối
vào thế giới đó chỉ mở ra với một số ít người ưu tú.
Lên năm thứ hai, chúng tôi quyết định ra một tờ tạp chí. Về việc đó rất nhiều
lần tôi hỏi ý kiến Môi-xây Phi-líp-pô-vích, anh còn đặt tên cho tờ tạp chí
là Cáp-li-a [Kaplia] (Giọt nước), ngụ ý lớp thứ hai trường
Trung học Hiện đại Xanh Pôn đóng góp giọt nước nhỏ bé này vào đại dương văn
học. Nhân dịp ấy tôi làm một bài thơ mang tính cưong lĩnh. Đa số thơ và truyện
ngắn là của tôi. Một trong những cây vẽ của chúng tôi trang trí tờ bìa rất rườm
rà. Ai đó đề nghị giới thiệu tờ tạp chí cho ông Cơ-rư-gI-a-nốp-xki. Anh I. trọ
học ở nhà thầy giáo đảm nhận việc này. Anh đã thực hiện nhiệm vụ một cách xuất
sắc: rời khỏi ghế, anh lại bàn thầy giáo, quả quyết đặt tờ Cáp-li-a lên
bàn, cúi chào lễ phép và trở về chỗ ngồi bằng những bước chân mạnh mẽ. Cả
lớp nín thở và im phăng phắc.
Ông Cơ-rư-gI-a-nốp-xki nhìn tờ bìa, nhăn đôi lông mày cùng râu mép và râu cằm
rồi bắt đầu đọc tác phẩm của chúng tôi. Một sự im lặng bao tr ùm cả lớp
học, chỉ có tiếng lào xào khe khẽ của các trang giấy tờ tạp chí.
Rồi thầy Cơ-rư-gI-a-nốp-xki đứng lên bục và đọc bằng một giọng trầm lắng
bài Giọt nưóc nhỏ trong trẻo của tôi.
- Có hay không? - Thầy hỏi.
- Thưa hay ạ! - Tiếng trả lời khá đồng thanh.
- Hay thì cũng hay đấy. - Thầy Cơ-rư-gI-a-nốp-xki nói. - Nhưng tác giả
của nó không biết thi pháp. Nào, hãy thử xem, anh có biết thế nào là một
âm tiết không?
Quay về phía tôi, ông đoán ra ngay tôi dưới cái bút danh khá lộ liễu. Tôi thú
thật với thầy là tôi không biết.
- Vậy thì tôi sẽ nói cho các anh nghe về chuyện này.
Và thế là để dành phần ngữ pháp và cú pháp vào các buổi khác - ông giảng giải
cho lũ học sinh lớp hai về những bí ẩn của âm luật học. Cuối cùng ông nói:
- Về phần tờ tạp chí, tốt hơn cả là đừng làm tạp chí, cũng chẳng cần đến “đại
dương văn học”, chỉ nên là một cuốn vở bài tập...
Bởi vì trong thực tế, người ta cấm ra tạp chí trong nhà trường. Nhưng giải pháp
lại đến từ một phía khác. Đời học sinh êm đềm của tôi đột ngột bị cắt đứt,
tôi bị đuổi khỏi trường Trung học Hiện đại Xanh Pôn.
Từ thuở thơ ấu ban đầu, tôi đã có nhiều cuộc xung đột xuất phát từ “mảnh đất của cuộc chiến chống lại sự chà đạp luật pháp”, như cách nói của một luật gia. Tôi thường xuyên gắn bó hay đoạn tuyệt với bạn bè trên cơ sở ấy. Sẽ quá dài nếu điểm qua tất cả các tình huống, nhưng trong nhà trường tôi đã có hai vụ nghiêm trọng.
Xung đột trầm trọng nhất của tôi xảy ra với ông Buốc-nang khi tôi học lớp hai, chúng tôi gọi ông là “người Pháp” tuy ông là người Thụy Sĩ. Trong nhà trường, tiếng Đức được dạy trên một tầm gần như tiếng Nga. Nhưng với tiếng Pháp thì mọi thứ trở nên khá khó khăn. Đại đa số học sinh mới được làm quen với thứ tiếng này lần đầu trong nhà trường, đặc biệt, tiếng Pháp là ngoại ngữ khó đối đối với học sinh Đức, con cái những kiều dân. Buốc-nang sát phạt ghê gớm những học sinh này. Nạn nhân đầu bảng của ông là Vác-ke, một kẻ quả thực học rất kém. Nhưng một hôm, số đông - thậm chí tất cả mọi người đều có ý kiến là Buốc-nang không công bằng khi cho Vác-ke điểm “1”. Hơn thế nữa, vào hôm đó Buốc-nang cũng đặc biệt khát máu vì ông ta đã nuốt một liều gấp đôi số kẹo chữa bệnh tiêu hóa.
-
Cho ông ấy một bản hợp tấu đi! - Lũ học sinh thì thào, nháy
mắt nhìn nhau và lấy cùi tay huých nhau. Tôi cũng thuộc số ấy, không phải những
đứa cuối, thậm chí còn thuộc loại đầu tiên đề xuất ra.
Trước đó, đã nhiều lần chúng tôi tổ chức những bản “hợp tấu” như thế, nhất là
với ông giáo dạy vẽ mà chúng tôi thù ghét vì bản tính ngu xuẩn đến độc ác của
ông ta.
Một bản “hợp tấu” là như thế này: khi thầy giáo đi ra cửa, cả lớp tiễn thầy
bằng một tiếng ầm ì to, nhưng không đứa nào hé môi để không bắt được quả tang
thủ phạm. Đã hai lần chúng tôi tiễn Buốc-nang như thế, nhưng rất khẽ, chỉ thì
thào thôi vì chúng tôi sợ ông. Nhưng lần này chúng tôi táo tợn ra mặt. Ông “người
Pháp” vừa cắp nách cuốn sổ đầu bài của lớp thì một tiếng hú vang lên từ góc
trái và lan thành một làn sóng đậm đặc đến chiếc ghế băng gần cửa ra vào.
Tôi cũng làm hết sức mình. Buốc-nang đã ra đến thềm cửa, ông quay ngoắt trở lại
và nhào vào giữa lớp, đứng đối diện với lũ trẻ thù địch, mặt mày tái nhợt, mắt
tóe lửa nhưng lặng thinh không nói gì. Bọn trẻ ngồi ở bàn liền lấy lại ngay vẻ
mặt vô tội nhất, đặc biệt là những đứa ngồi ở bàn đầu. Lũ ở cuối lớp làm bộ lục
lọi cặp như chẳng có việc gì xảy ra. Buốc-nang dừng lại nửa phút rồi quay ra
cửa, giận dữ tới mức tà áo căng ra như cánh buồm. Lúc đó một tiếng hú đồng
thanh tiễn ông “người Pháp”, theo ông rất xa dọc hành lang.
Đầu giờ học hôm sau Buốc-nang, Sva-nê-bắc và ông chủ nhiệm May-e [Mayer] cùng
đến lớp. Chúng tôi gọi May-e là “con cừu” vì ông có đôi mắt lồi, cái trán dô ra
bướng bỉnh và trí óc đần độn. Sva-nê-bắc nói lời khai mào, cẩn thận cố tránh
những hiểm hóc của lối chia động từ và biến thể tiếng Nga, Buốc-nang hầm hè trả
thù, còn May-e trợn tròn mắt dò xét lũ học sinh từng đứa một, ông gọi tên những
thằng nghịch nhất và nói với chúng:
- Này, chắc chắn là có mày vào đấy!...
Một số chối, lũ còn lại im lặng. Như thế, mười hoặc mười lăm cậu bị phạt “nhịn
bữa trưa”: phải lưu lại lớp một hai giờ. Những đứa khác được thả ra, tôi cũng ở
trong số ấy, mặc dầu khi điểm danh tôi thấy dường như Buốc-nang nhìn tôi soi
mói. Tôi không làm gì để được thả nhưng cũng không tự đi đầu thú. Ra khỏi lớp,
tôi còn có ý tiếc rẻ vì giá ở lại cùng chúng bạn thì vui hơn.
Sáng hôm sau, trên đường đi đến trường và đã gần như quên hết câu chuyện bữa
trước, tôi gặp ở cổng trường một cậu bạn cùng lớp thuộc nhóm bị phạt:
- Này nghe đây. - Anh nói với tôi. - Tai họa đấy,
hôm qua Đa-nhi-lốp [Danilov] mách lẻo cậu với May-e rồi, May-e đã cho mời Buốc-nang,
cả ông hiệu trưởng cũng đến. Họ gạn hỏi xem cậu có phải là đầu trò không.
Lòng dũng cảm của tôi như biến đâu mất. Vừa đúng lúc đó, thầy chủ nhiệm Pi-ốt
Páp-lô-vích xuất hiện:
- Đến chỗ ông hiệu trưởng đi.
Việc ông chủ nhiệm đứng chờ tôi trước cửa và nói với một giọng như thế chẳng
báo hiệu điều gì tốt lành.
Hỏi đường những người trực cửa, tôi đến một hành lang chưa từng biết, tại đó có
phòng của hiệu trưởng và tôi dừng lại trước cửa. Khi ông hiệu trưởng đi qua
cạnh tôi, ông nhìn tôi một cách ý nghĩa và lắc đầu. Tôi đứng đờ người, dở sống
dở chết. Ông hiệu trưởng lại ra khỏi phòng và chỉ nói: “Tốt, tốt”. Tôi cảm thấy
chẳng tốt chút nào.