Đời tôi (Tập 1) - Chương 05 - Phần 2

- Thế Chúa Trời là gì?
- Chúa Trời là một loại người. - Tôi trả lời không chút ngập ngừng.
Nhưng ông khách lắc đầu.
- Không, không, Chúa Trời không phải là người.
- Thế thì Chúa Trời là gì? - Đến lượt tôi vặn lại vì ngoài con người ra, tôi chỉ biết thú vật và cây cỏ.
Ông khách và cha mẹ tôi lúng túng đưa mắt và mỉm cười với nhau như cách người lớn vẫn làm khi lũ trẻ con đả động đến các vấn đề nan giải muôn thuở.
- Chúa Trời là một đấng tinh thần. - Ông khách nói.
Đến lượt tôi mỉm cười bối rối nhìn lên mặt người lớn xem họ có chế giễu tôi không.
Nhưng không, hoàn toàn không phải trò đùa. Không còn cách nào khác, tôi phải chấp nhận điều này. Tôi quen nhanh chóng với chuyện Chúa Trời là một đấng tinh thần thuần túy. Cũng như một kẻ mọi rợ, tôi liên hệ ý tưởng Chúa Trời với ý tưởng về tinh thần của chính tôi mà tôi gọi là linh hồn, tôi đã biết rằng, tinh thần tức hơi thở sẽ mất đi khi con người qua đời. Nhưng lúc đó tôi chưa biết đây là một học thuyết có tên là thuyết vật linh.
Vào kỳ nghỉ hè đầu tiên, khi tôi sắp sửa ngủ trên chiếc ghế dài trong phòng ăn, tôi bắt chuyện về Chúa Trời với D., một sinh viên đến chơi I-a-nốp-ca, anh cũng nghỉ trưa trên chiếc đi-văng. Thời đó, tôi bán tín bán nghi về sự hiện hữu của Chúa Trời. Tôi không chú ý đặc biệt đến vấn đề này, nhưng giá có một câu trả lời xác đáng thì cũng hay.
- Sau khi người ta chết, linh hồn biến đi đâu? - Tôi hỏi, đầu ngả trên gối.
- Thế nó biến đi đâu khi người ta ngủ? – D. trả lời.
- Nhưng mà những khi ấy... vẫn... - Tôi đáp lại, cố chống cơn buồn ngủ.
D. tiếp tục tấn công:
- Thế linh hồn một con ngựa biến đi đâu khi nó lăn quay ra chết?
Lời bác bỏ ấy khiến tôi thỏa mãn hoàn toàn và tôi chìm vào giấc ngủ thanh thản.
Trong gia đình Spen-xe, tuyệt đối không có tư tưởng tôn giáo, trừ một bà cô già nhưng không ai tính đến. Tuy nhiên, cha tôi muốn tôi biết Kinh Thánh trong nguyên bản, đó là một trong những điều tự đắc cơ bản của ông. Vì thế ở Ô-đét-xa, tôi có những tiết học riêng về Kinh Thánh với một cụ già rất thông thái. Những buổi học ấy chỉ kéo dài vài tháng, chúng không hề củng cố chút nào về đức tin trong tôi. Phát hiện trong lời nói của ông thầy một chút sắc thái lập lờ đối với văn bản chúng tôi đang nghiên cứu, tôi hỏi ông bằng sự thận trọng của nhà ngoại giao:
- Nếu chúng ta đặt giả thiết - như nhiều người nghĩ - rằng không có Chúa Trời thì thế giới xuất hiện như thế nào?
- Hừm… - Thầy trả lời. - Con có thể đặt câu hỏi này cho chính bản thân người đó.
Cụ già chỉ giảng giải bằng những lời vòng vo như thế. Tôi hiểu rằng người dạy đức tin cho tôi cũng chẳng tin vào Chúa Trời và vì thế, cuối cùng tôi hoàn toàn yên tâm.
Học sinh của trường Trung học Hiện đại thuộc nhiều dân tộc và tôn giáo khác nhau. Tùy theo từng tôn giáo, giáo lý “thánh hiền” được nhiều thầy giảng giải: một linh mục nhà thờ chính thống, một mục sư Tin Lành, một cha Thiên Chúa giáo và một giáo trưởng Do Thái.
Ông linh mục là cháu họ của vị tổng giám mục và như lời thiên hạ, ông được các bà sủng ái. Đó một thanh niên đẹp như trong tranh, có mái tóc vàng hoe giống chúa Kitô, nhưng hoàn toàn là kẻ thế tục với cặp kính gọng vàng, mái tóc bồng vàng chóe và trưng diện đến mức không ai chịu nổi. Trước giờ học giáo lý, các học sinh được chia ra từng nhóm, những kẻ không theo đạo chính thống bị đưa ra khỏi lớp, đôi khi ngay trước mặt ông linh mục. Đối với họ, ông ta có một vẻ mặt đặc biệt: ông khinh khỉnh nhìn những người đi ra, tuy có giảm đi chút ít bởi tấm lòng rộng lượng của chúa Kitô.
- Các anh đi đâu? - Ông hỏi một trong những người ra khỏi lớp.
- Chúng con theo Thiên chúa giáo người kia đáp.
- A! Thiên chúa giáo...
Ông linh mục lặp lại và đu đưa cái đầu.
- Tốt, tốt, tốt... Thế còn các anh kia?
- Chúng con là Do Thái.
- Do Thái, trẻ con Do Thái, ờ... ờ... ờ...
Một ông cha cố Ba Lan nhập vào đám học sinh Thiên Chúa giáo như một bóng đen, lúc nào ông cũng đi nép vào tường, ông đến rồi vụt biến đi chẳng ai nhận ra đến nỗi trong những năm đi học chưa bao giờ tôi thấy rõ khuôn mặt cạo nhẵn nhụi của ông. Một người tốt bụng tên là Di-e-ghen-man [Ziegelmann] dạy Kinh Thánh và lịch sử dân tộc Do Thái bằng tiếng Nga cho các học sinh Do Thái. Chẳng ai coi trọng những giờ học ấy.
Vấn đề dân tộc không bao giờ làm tôi bận tâm vì không dễ nhận ra nó trong đời sống thường nhật. Mặc dù những đạo luật đặc biệt ban bố năm 1881 khiến cha tôi không được mua đất - đó luôn là tham vọng của ông - và chỉ được thuê đất bằng tên người khác; nhưng tất cả những điều này đụng chạm đến tôi quá ít. Là con một địa chủ khá giả, tôi thuộc về giai cấp có lợi quyền hơn là những người bị áp bức.
Trong gia đình và ở trang trại, người ta dùng thứ tiếng Nga có lẫn tiếng U-cơ-rai-na. Khi tôi đăng ký vào trường học, một định lượng hạn chế (numerus clausus) mười phần trăm đối với người Do Thái khiến tôi mất một năm học, nhưng sau đó lúc nào tôi cũng thuộc số học sinh đứng đầu lớp và tôi không cảm thấy trực tiếp tác động của định lượng ấy. Các học sinh thuộc dân tộc thiểu số trong trường cũng không bị đàn áp ra mặt. Ở một mức độ nào đó, thành phần chủng tộc phong phú - chẳng những của các học sinh mà cả trong số giáo viên - cũng góp phần tạo nên điều này. Nhưng vẫn có thể cảm thấy một thứ chủ nghĩa sô-vanh tiềm ẩn và thỉnh thoảng nó nổ ra. Thầy giáo dạy sử Liu-bi-mốp khoái trá vặn hỏi một học sinh Ba Lan về việc những người theo đạo chính thống bị tổ tiên anh ta đàn áp như thế nào ở Bê-lô-rút-xia và Lít-va [Lithuanie]. Mích-ki-ê-vích [Mickiévitch], một cậu bé da nâu gầy gò, mặt mày tái mét, răng nghiến chặt đứng trước mặt thầy giáo và không nói một lời nào.
-Này, anh làm sao đấy? - Liu-bi-mốp thúc giục cậu ta với một vẻ thích thú trông thấy. - Sao anh lại im lặng?
Một học sinh không chịu được nữa nói:
- Mích-ki-ê-vích cũng là người Ba Lan và là người Công giáo.
- À, à thế à... - Liu-bi-mốp kéo dài giọng với một vẻ ngạc nhiên giả trá. - Ở trường này, không có những sự phân biệt như thế...
Tôi phản ứng gay gắt trước những điều giả dối đểu cáng của ông thầy dạy sử đối với các học sinh Ba Lan, sự gây gổ độc ác của lão Buốc-nang “người Pháp” với học sinh người Đức và cái lắc đầu của tay linh mục trẻ khi nhìn thấy “lũ trẻ con Do Thái”. Sự bất bình đẳng giữa các dân tộc hẳn đã là một trong những động lực ngấm ngầm khiến tôi chán ghét chế độ, nhưng lý do này hoàn toàn tan biến đi trong những bất công khác của xã hội và chẳng những không đóng vai trò cơ bản, sự bất bình đẳng ấy còn không có vai trò độc lập.
Ý thức về ưu thế của toàn thể đối với bộ phận, của quy luật đối với sự việc, của lý thuyết đối với kinh nghiệm cá nhân đã nảy sinh sớm trong tôi và lớn mạnh lên cùng với tháng năm. Thị thành đóng vai trò quyết định trong việc hình thành ý thức này, cái ý thức sau đó trở nên nền tảng thế giới quan của tôi. Khi bọn học sinh - đã học vật lý và khoa học tự nhiên - nói những điều mê tín về ngày thứ hai, cho đó là một ngày xấu, hoặc bảo điều bất hạnh sẽ tới nếu một cha cố qua đường trước mặt họ, tôi vô cùng phẫn nộ và coi đó là một xúc phạm đến tư tưởng. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để lôi kéo các bạn tôi ra khỏi những tín ngưỡng nhục nhã ấy.
Khi ở I-a-nốp-ca người ta phải vất vả lắm để tính diện tích một thửa ruộng có dạng hình thang, tôi dùng theo cách của Ơ-cơ-lít [Euklitde] và giải phăng bài toán trong vòng hai phút. Nhưng đáp số của tôi không phù hợp với kết quả “thực nghiệm” và người ta không tin tôi. Tôi chỉ cho họ sách giáo khoa hình học, tôi thề thốt về khoa học, tôi giận dữ, tôi hỗn hào nhưng không thuyết phục được ai và đành chịu thất vọng.
Tôi tranh cãi dữ dội với I-van Va-xi-li-ê-vích, người thợ máy của làng vì anh không từ bỏ hi vọng thiết kế một động cơ vĩnh cửu vào một lúc nào đó. Với anh, định luật bảo toàn năng lượng là thứ lý thuyết không mấy liên quan đến đối tượng anh tìm tòi.
- Sách là một chuyện, còn thực hành lại là chuyện khác... - Anh nói.
Tôi không hiểu được và không chịu được những người nhân danh sai lầm thông thường hoặc những mơ tưởng phi lý để từ bỏ các chân lý bất di, bất dịch.
Về sau này, ý thức rằng cái tổng quát có ưu thế trên cái cá biệt đã trở thành bộ phận không thể tách rời trong các công trình văn học và trong đường lối chính trị của tôi. Chủ nghĩa kinh nghiệm thiển cận, thái độ cúi đầu trước sự việc - đôi khi chỉ là một sự tưởng tượng, nhiều lúc bị suy diễn sai trái - đối với tôi thật đáng thù ghét. Tôi tìm các quy luật trên các sự kiện. Cố nhiên việc này lắm khi dẫn tôi đến những tổng quát hóa vội vàng, nhầm lẫn, nhất là trong những năm tôi còn trẻ, khi tôi còn thiếu các hiểu biết đầy đủ về khoa học và cuộc đời. Nhưng trong mọi lĩnh vực, tôi chỉ cảm thấy mình có khả năng tiến bộ và tung hoành nếu tôi nắm được trong tay sợi dây khái quát hóa. Chủ nghĩa xã hội cách mạng cấp tiến trở thành trục chính của đời sống tinh thần trong tôi, xuyên suốt cuộc đời, bắt nguồn chính từ sự thù nghịch tư tưởng với những thứ đấu tranh tầm thường bới lông tìm vết, với chủ nghĩa kinh nghiệm và nói chung, với tất cả những thứ không được hình thành trong một ý thức hệ, không được khái quát hóa trên phương diện lý thuyết.
Tôi thử nhìn lại bản thân mình thời đó. Không chút nghi ngờ, tôi là một cậu bé đầy tự phụ, sôi sục, có thể là khó gần. Khi đứa bé ấy vừa đi học, nó không có mấy ý thức về sự trội hơn đối với các bạn cùng lứa. Đúng là ở làng người ta đem nó ra khoe với khách đến chơi, nhưng tại đó nó không có ai để so sánh khả năng của mình. Còn lũ trẻ thành phố đôi khi về I-a-nốp-ca, chúng luôn có cái uy thế “bề trên” không thể với tới được của các học sinh trung học, đó là chưa kể đến lợi thế về tuổi tác khiến người ta chỉ có thể nhìn chúng từ dưới lên.
Ngược lại, trường học là một đấu trường cạnh tranh kịch liệt. Kể từ giây phút được đứng đầu lớp, bỏ xa đứa thứ nhì, chú bé người I-a-nốp-ca cảm thấy nó có khả năng hơn những kẻ khác. Lũ trẻ chơi với nó thừa nhận nó hơn bọn chúng. Điều này không thể không ảnh hưởng đến tính tình của nó. Các thầy giáo cũng rất hay khen ngợi nó; một vài thầy như ông Cơ-rư-gI-a-nốp-xki còn đưa nó lên vị trí rất cao. Nói chung các thầy đối xử với nó tốt nhưng dè chừng. Ở lũ học sinh thì có sự phân chia: nó có những bạn bè rất thân thiết nhưng cũng có những kẻ thù địch.
Nó không phải không biết tự phê bình, thậm chí còn đòi hỏi rất cao với bản thân. Nó chưa bằng lòng với kiến thức đã có và những nét chính trong tính khí nó, với thời gian, ý thức ấy càng trở nên mạnh mẽ. Nó giận dữ khi thấy mình chưa nói sự thực, nó luôn luôn trách mình khi chưa đọc những cuốn sách mà các bạn khác tự tin nhắc đến... Cố nhiên những điều này gắn liền với tính tự ái của nó. Ý tưởng muốn thành người giỏi hơn, thông minh hơn, hiểu biết hơn, không để cho nó yên. Nó suy nghĩ về số phận con người và đặc biệt, số phận nó nói riêng.
Một buổi tối, Môi-xây Phi-líp-pô-vích đi qua trước mặt tôi và trịnh trọng hỏi:
- Này cậu em, cậu có suy nghĩ về cuộc đời không?
Người bảo lãnh tôi thường dùng đến lối tu từ đùa cợt bằng một kiểu nói châm biếm như trên sân khấu. Nhưng lần này, câu hỏi ấy khiến tôi cảm thấy như bỏng rát cả cơ thể. Đúng, tôi đang suy nghĩ về cuộc đời; chỉ có điều tôi chưa biết định nghĩa tất cả những băn khoăn, day dứt của một cậu bé đứng trước tương lai bằng khái niệm ấy. Tôi có cảm tưởng người bảo lãnh của tôi đã thấu tỏ tất cả.
- Nào, thấy chưa, có phải là tôi đoán đúng không? - Anh nói bằng giọng khác hẳn, vỗ nhẹ vào lưng tôi và về phòng mình.
Trong gia đình Spen-xe có những chính kiến về chính trị không? Có, đó là những ý tưởng tự do chủ nghĩa ôn hòa; trong trường hợp Môi-xây Phi-líp-pô-vích, là cảm tình mơ hồ với chủ nghĩa xã hội pha chút sắc thái dân túy và tư tưởng Tôn-xtôi. Người ta hầu như không bao giờ nói chuyện chính trị, nhất là trước mặt tôi: có thể họ sợ tôi nói quá đi vài lời trước bạn bè và gây tai họa cho gia đình. Khi trong câu chuyện của người lớn, tình cờ ai đó nhắc đến những sự kiện liên quan đến phong trào cách mạng - ví dụ “chuyện này xảy ra vào năm A-lếch-xan-đơ-rơ Đệ nhị bị ám hại” thì điều đó như từ một quá khứ xa xôi, dường như người ta nói: “Vào năm Cô-lôm-bô [Colomb] tìm ra châu Mỹ.”.
Môi trường tôi sống xa lạ với chính trị. Trong những năm đi học, tôi không có những chính kiến chính trị và cũng không thấy nhu cầu cần phải có. Nhưng những khuynh hướng tự phát của tôi lại mang tính đối lập. Tôi thù ghét sâu sắc trước chế độ hiện hành, trước những bất công chuyên chế. Cái đó đến với tôi từ đâu? Từ thời đại A-lếch-xan-đơ-rơ Đệ tam, từ chế độ cảnh sát bạo hành, từ sự bóc lột của lũ địa chủ, những hà lạm của bọn viên chức, từ sự cự tuyệt quyền lợi cho các dân tộc thiểu số, những bất công trong trường, ngoài phố, từ những quan hệ mật thiết của tôi với nông dân, người ở, công nhân, từ những câu chuyện nghe được trong nhà xưởng, từ tinh thần nhân đạo bao trùm trong gia đình Spen-xe, từ thơ Nhê-cơ-ra-xốp và những cuốn sách khác, tóm lại, từ bầu không khí xã hội đương thời. Tôi phát hiện ra trong mình có cá tính phản kháng ấy do tiếp xúc với hai người bạn cùng lớp: Rốt-dê-vích [Rodzevitch] và Cô-lô-gơ-ri-vốp [Kologrivov].
Vơ-la-đi-mi-a [Vladimir] Rốt-dê-vích là con một đại tá, học giỏi thứ nhì trong lớp. Anh năn nỉ xin với bố mẹ cho phép mời tôi đến chơi nhà vào một ngày chủ nhật. Họ tiếp tôi khá lạnh nhạt nhưng cũng tử tế. Ông đại tá và bà vợ ít trò chuyện với tôi, dường như họ muốn thử tôi. Trong ba bốn giờ ở gia đình Rốt-dê-vích, có lẽ hai lần tôi vấp phải một cái gì đó xa lạ làm tôi lo ngại, thậm chí thù ghét: khi người ta đụng chạm đến vấn đề tôn giáo hoặc quyền lực. Cái giọng bảo thủ hiền từ ngự trị trong gia đình ấy làm tôi như bị thụi vào ngực. Vơ-la-đi-mi-a bị cha mẹ cấm không được gần tôi, thành thử quan hệ chúng tôi đứt đoạn. Sau cuộc cách mạng thứ nhất, ở Ô-đét-xa có một gã “trăm đen” rất nổi danh mang họ Rốt-dê-vích, hẳn là một thành viên của gia đình này.
Ấn tượng của tôi về Cô-lô-gơ-ri-vốp còn mạnh mẽ hơn. Anh được vào thẳng học kỳ hai, năm thứ hai. Đó là một chàng trai cao ráo và dị hình, khá kỳ quặc trong lớp. Anh chăm chỉ đến mức không thể tưởng tượng được. Hễ có thể là anh học thuộc lòng tất cả mọi thứ. Ngay trong tháng đầu đến trường, anh đã mụ đầu vì thế. Khi bị thầy giáo địa lý gọi lên bảng trả lời, chẳng chờ câu hỏi Cô-lô-gơ-ri-vốp đã tuôn ngay:
- Giê-xu Ki-tô [Jesus Christ] giáo giảng hòa bình...
Anh tưởng đang học giờ giáo lý Cơ đốc, giờ này liền sau giờ địa lý.
Một lần trò chuyện với Cô-lô-gơ-ri-vốp - anh khá nể tôi vì tôi đứng đầu lớp - tôi buông một câu phê bình ông hiệu trưởng hay một ai đó không nhớ nữa.
- Có thể nói như thế về thầy hiệu trưởng được không? - Cô-lô-gơ-ri-vốp hỏi với vẻ phật ý thành thật.
- Tại sao không? - Tôi hỏi lại, ngạc nhiên một cách thành thật không kém.
- Nhưng ông ấy là cấp trên của chúng ta. Và nếu cấp trên của cậu ra lệnh cho cậu đi bằng đầu thì nhiệm vụ của cậu là tuân lệnh chứ không được kêu ca.
Đây là những lời lẽ của anh ta. Câu tuyên bố đầy tính công thức ấy làm tôi ngạc nhiên. Lúc đó tôi không nghĩ ra rằng anh ta chỉ nói những điều đã được nghe nhiều lần trong cái gia đình phong kiến của anh. Và mặc dù chưa có chính kiến riêng nhưng tôi cảm thấy có những cái nhìn mà tôi không thể chấp nhận được, cũng như tôi không ăn nổi thức ăn thiu thối.
Đồng thời với mối căm thù mù quáng nhằm vào chế độ chính trị của nước Nga, tôi bắt đầu lý tưởng hóa ngoại quốc - Tây Âu và Mỹ - mà không nhận thấy. Căn cứ vào những nhận xét được bổ sung bằng trí tưởng tượng và những điều tản mạn, rải rác, tôi hình dung ra hình ảnh một nền văn hóa cao, bao trùm tất cả mọi người, không trừ ai. Sau này, tôi còn thêm vào đấy quan niệm về một chế độ dân chủ lý tưởng. Chủ nghĩa duy lý thời non trẻ của tôi bảo tôi rằng nếu chúng ta hiểu được cái gì đó thì tức thời ta cũng thực hiện được chúng. Vì thế tôi thấy thật vô lý chuyện châu Âu vẫn còn mê tín, giáo hội vẫn có một vai trò lớn và ở Mỹ người da đen vẫn bị khủng bố. Cái cách lý tưởng hóa được tiếp thu lúc nào không biết từ môi trường tiểu tư sản và tự do chủ nghĩa vẫn còn cho đến tận sau này, khi những tư tưởng cách mạng bắt đầu thâm nhập vào tôi. Trong những năm đó, hẳn tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu tôi đã biết - nếu tôi có thể biết - rằng nước Cộng hòa Đức do những người xã hội dân chủ nắm quyền cho phép những kẻ theo chủ nghĩa quân chủ cư trú, nhưng lại chối từ quyền tỵ nạn của những nhà cách mạng. Từ đó, may là tôi đã không ngạc nhiên trước nhiều điều. Cuộc sống loại trừ khỏi con người tôi chủ nghĩa duy lý và dạy tôi phép biện chứng. Có là Héc-man Muyn-le [Hermann Müüller] đi chăng nữa cũng không thể làm tôi ngạc nhiên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3