Đời tôi (Tập 1) - Chương 06
CHƯƠNG VI: SỰ CÔNG PHÁ
Sự phát triển chính trị nước Nga kể từ giữa thế kỷ trước phải được tính bằng những giai đoạn mười năm. Những năm sáu mươi, thời kỳ sau chiến tranh Cờ-rưm [Crimée] là thời đại ánh sáng, thế kỷ XVIII ngắn ngủi của chúng tôi. Trong thập kỷ tiếp theo, giới trí thức tìm cách rút ra các kết luận thực tiễn từ những ý tưởng khai sáng: mở đầu, họ đi về với nhân dân, tuyên truyền cách mạng và kết thúc bằng sự khủng bố. Những năm bảy mươi đi vào lịch sử chủ yếu như giai đoạn của đảng Tự do Nhân dân. Các phần tử ưu tú nhất của thế hệ này tự thiêu hủy mình trong ngọn lửa của những vụ nổ bom. Kẻ thù đứng vững trên mọi vị trí. Tiếp theo đó, những năm tám mươi là thập kỷ của sự sa sút, thất vọng, bi quan, của những tìm tòi tôn giáo và luân lý. Tuy nhiên, nấp dưới bóng phản động, các lực lượng tư bản vẫn âm ỉ hoạt động. Thập kỷ chín mươi đến cùng những cuộc đình công và tư tưởng Mác-xít. Sự trỗi dậy mới đạt tới đỉnh cao vào những năm đầu của thế kỷ chúng ta: năm 1905.
Thập kỷ tám mươi gắn liến với tên tuổi Pô-bê-đô-nốt-xép, Tổng quản Hội đồng Giáo hội Nga, đại diện kinh điển của chế độ chuyên chế và bất động toàn diện. Những người tự do chủ nghĩa coi ông ta như một kẻ quan liêu thuần túy, xa lạ với mọi sự trên đời. Nhưng không phải vậy. Pô-bê-đô-nốt-xép biết đánh giá một cách khôn ngoan hơn, nghiêm túc hơn các nhà tự do về những mâu thuẫn tiềm ẩn sâu kín trong đời sống nhân dân. Ông hiểu rằng nếu họ thả lỏng những chiếc ốc vít, áp lực từ dưới lên sẽ làm bật tung “cái vung” xã hội và tan tành tất cả mọi thứ vốn được Pô-bê-đô-nốt-xép và cả các nhà tự do coi là nền móng của văn minh và đạo đức. Bằng cách riêng của ông, Pô-bê-đô-nốt-xép nhìn nhận sâu sắc hơn những người tự do. Không phải lỗi của ông mà quá trình lịch sử tỏ ra mạnh hơn cái hệ thống Bi-dan-xơ [Byzance] vốn được bảo vệ hết lòng bởi vị quân sư của A-lếch-xan-đơ-rơ Đệ tam và Nhi-cô-lai Đệ nhị.
Trong những năm tám mươi đen tối, khi tất cả dường như đã tiêu tan đối với các nhà tự do chủ nghĩa, Pô-bê-đô-nốt-xép cảm thấy làn sóng âm ỉ và lòng đất chuyển rung dưới chân mình. Ông không yên lòng ngay cả trong những năm lặng lẽ nhất của triều đại A-lếch-xan-đơ-rơ Đệ tam. Ông viết cho những kẻ tâm phúc của mình:
Điều đó đã rất nặng nề, đang còn nặng nề và - phải nói một cách đắng cay - sẽ vẫn nặng nề. Linh hồn tôi không thoát khỏi cảm giác đè nén vì lúc nào tôi cũng nhìn thấy và cảm thấy tinh thần của thời đại như thế nào và những con người đã biến chuyển ra sao... So sánh hiện tại với quá khứ xa xăm, chúng ta cảm thấy đang sống trong một thế giới khác, trong đó mọi thứ đang trở về thời nguyên thủy hỗn mang và chúng ta bất lực trong cái trào lưu ấy.
Số phận cho Pô-bê-đô-nốt-xép sống được đến năm 1905, khi chính những sức mạnh trong lòng đất - vốn làm ông khiếp sợ - nổ bùng trên bề mặt và những vết nứt sâu đầu tiên làm thành một mạng lưới giăng phủ khắp nền móng và bức tường chính của tòa nhà cũ kỹ.
Năm 1891 được coi là năm chính thức của sự rạn nứt chính trị ở Nga, đáng nhớ bởi mùa màng thất bát và đói kém. Thập kỷ mới đẻ ra vấn đề công nhân, không chỉ ở nước Nga. Năm 1901, đảng Xã hội Đức thông qua bản cương lĩnh tại Éc-phuốc [Erfurt]. Giáo hoàng Lê-ôn [Léon] XIII đưa ra một thông cáo về tình hình giới thợ thuyền. Ghi-ôm [Guillaume] Đệ nhị cũng bận tâm đến những tư tưởng xã hội trong đó sự dốt nát lố lăng đi đôi với thứ lãng mạn quan liêu. Sự thân cận của Nga hoàng với nước Pháp thúc đẩy làn sóng tư bản đổ vào Nga. Vít-tê [Witte] được cử làm bộ trưởng Tài chính, đây là khởi đầu của kỷ nguyên bảo hộ công nghiệp. Chủ nghĩa tư bản phát triển bão táp đẻ ra cái “tinh thần thời đại” khiến Pô-bê-đô-nốt-xép dự cảm thấy nhiều điều nhọc nhằn, trăn trở.
Như hệ quả của những biến đổi chính trị, có thể thấy rõ sự năng động, chủ yếu trong giới trí thức. Những nhà Mác-xít trẻ tiến bước ngày một đông và cương quyết. Đồng thời, chủ nghĩa dân túy đã ngủ yên cũng bắt đầu thức tỉnh. Tác phẩm Mác-xít công khai đầu tiên ra đời năm 1893 dưới ngòi bút của Xtru-vê [Strouvé]. Hồi ấy tôi mới mười bốn tuổi và những vấn đề này còn xa lạ với tôi.
A-lếch-xan-đơ-rơ Đệ tam mất năm 1894. Như thường lệ trong những trường hợp tương tự, phái tự do đặt hi vọng vào người kế vị. Nhưng nhà vua mới đáp họ bằng một cái tát nảy lửa. Tiếp các đại biểu Demx-tvô [Zemstvo], vị Nga hoàng trẻ coi những hi vọng lập hiến của họ là “mơ tưởng vô nghĩa”. Tuyên bố này được đăng tải trên mọi báo chí. Người ta truyền miệng nhau rằng trong bản thảo bài diễn văn của Nga hoàng, đoạn trên được ghi là “mơ tưởng không có chỗ đứng”; nhưng do quá xúc động, nhà vua đã nói thô thiển hơn ý ngài muốn.
Lúc đó tôi mười lăm tuổi. Một cách tự phát, tôi đứng về phe “mơ tưởng vô nghĩa” mà không về phía Nga hoàng. Tôi tin tưởng mơ hồ rằng sự phát triển từng bước sẽ đưa nước Nga lạc hậu đến gần châu Âu tiền tiến. Ngoài ra, tôi không có những lý tưởng chính trị sâu xa hơn.
Về mặt chính trị, Ô-đét-xa là thành phố thương mại, ồn ào, nhiều màu sắc và có thành phần dân cư hỗn tạp, bị các trung tâm khác bỏ rất xa. Thời đó, tại Pê-téc-bua, Mát-xcơ-va, Ki-ép đã có khá nhiều nhóm xã hội hoạt động trong các trường học. Còn ở Ô-đét-xa thì vẫn chưa.
Phri-đrích Ăng-ghen [Friedrich Engels] mất năm 1895. Tại nhiều thành phố Nga người ta tưởng nhớ đến ông trong những buổi nói chuyện bí mật ở các câu lạc bộ sinh viên và học sinh. Tôi sắp được mười sáu tuổi nhưng chưa biết đến cả cái tên Ăng-ghen và có lẽ không nói nổi điểm nào cụ thể về Mác [Marx]; xét cho cùng tôi chưa biết gì về ông.
Thiên hướng chính trị của tôi trong nhà trường mang tính đối lập khá mù mịt, nhưng chỉ đến thế. Ở học đường vào thời tôi, không bao giờ người ta bàn về những vấn đề cách mạng. Người ta chỉ thì thào rằng trong phòng thể dục tư của ông Nô-vắc [Novak], một người Tiệp, có các nhóm hội họp gì đó, có cả những vụ bắt bớ và chính vì thế, Nô-vắc - cũng là thầy dạy thể dục ở trường tôi - đã bị đuổi khỏi trường và một sĩ quan thế chân ông.
Trong môi trường mà tôi Lu-i tới bởi quan hệ với gia đình Spen-xe, người ta bất bình với chế độ nhưng cho là không thể lay chuyển được nó. Những kẻ mạnh dạn nhất cùng lắm chỉ mơ tưởng đến một hiến pháp sau vài thập kỷ nữa. I-a-nốp-ca càng không đáng nhắc đến.
Khi
tốt nghiệp trường Trung học Hiện đại, tôi trở về làng với những tư tưởng dân
chủ mơ hồ của mình, cha tôi liền ôm đầu và tuyên bố ngay, vẻ gay gắt:
- Có ba trăm năm nữa cũng không được như thế...
Ông tin tưởng sắt đá rằng những cố gắng cải cách là vô ích và ông lo sợ cho con
trai mình.
Năm 1921, khi đã thoát khỏi hiểm họa Bạch vệ và Hồng quân, cha tôi đến gặp tôi
ở điện Cờ-rem-lin, tôi nói đùa với ông:
- Cha có nhớ không, cha bảo rằng chế độ Nga hoàng còn tồn tại đến ba trăm năm
nữa...
Ông già cười hóm hỉnh và trả lời tôi bằng tiếng U-cơ-rai-na:
- Lần này thì chân lý của con đã thắng rồi...
Trong giới trí thức đầu những năm chín mươi, các tư tưởng của Tôn-xtôi đang hấp
hối, chủ nghĩa Mác-xít ngày càng chiến thắng những ý tưởng dân túy. Tiếng vang
của cuộc đấu tranh tư tưởng này được phản ánh trên khắp các báo thuộc mọi
khuynh hướng. Đâu đâu người ta cũng nhắc đến những thanh niên tràn đầy niềm
tin, họ tự gọi mình là “duy vật”. Tôi chỉ nhận thấy điều đó lần đầu vào năm
1896.
Các vấn đề đạo đức cá nhân dính líu mật thiết đến ý thức hệ thụ động của những
năm tám mươi trượt qua tôi trong một giai đoạn mà “tu thân” đối với tôi như một
nhu cầu hữu cơ của sự trưởng thành tâm tưởng, hơn là sự định hướng trí tuệ.
Nhưng sự tu thân ấy rơi ngay vào vấn đề “thế giới quan”, điều này đưa tôi đến
một lựa chọn cơ bản: “Dân túy hay Mác-xít?”. Cuộc đấu tranh giữa các
khuynh hướng chỉ lôi cuốn tôi chậm vài năm so với biến chuyển tư tưởng chung
diễn ra trong nước. Khi tôi mới tìm hiểu các vấn đề cơ bản của kinh tế học và
tự đặt cho mình câu hỏi:
“Nước Nga có phải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa
không?” thì những nhà Mác-xít thế hệ trước đã tìm ra con đường đến với giới
công nhân và trở thành những người xã hội dân chủ.
Trên đường đến ngã tư đầu tiên của đời tôi, tôi vốn ít được chuẩn bị về chính
trị, dù đã là một thanh niên mười bảy tuổi. Quá nhiều vấn đề đột ngột đặt ra
trước mẳt tôi cùng một lúc, không hề theo thứ tự cần thiết. Tôi nhảy cóc từ vấn
đề này sang vấn đề khác. Chỉ một điều chắc chắn: một trữ lượng dồi dào những tư
tưởng phản kháng xã hội đã lắng đọng trong ý thức tôi. Chúng gồm có gì? Thiện
cảm với những kẻ bị áp bức và bất bình trước bất công. Có lẽ cảm giác cuối này
mạnh hơn cả. Từ thời thơ ấu, sự bất bình đẳng hết sức thô bỉ và phô trương giữa
con người xuất hiện trong mọi ấn tượng của tôi, sự bất công thường nhuốm màu
láo xược và không bao giờ bị trừng phạt, nhân phẩm luôn bị giày đạp. Chỉ cần
nghĩ dến việc nông dân bị trừng trị về thể xác. Tôi cảm nhận hết sức sâu sắc
những điều đó trước khi biết bất cứ một thứ lý thuyết gì và đây là cả một kho
ấn tượng với sức công phá lớn. Có lẽ chính vì thế, tôi do dự trong một thời
gian dài trước khi rút được những kết luận lớn mà lẽ ra tôi đã phải có từ những
quan sát thuộc giai đoạn đầu đời.
Nhưng sự tiến hóa của tôi còn có mặt khác nữa. Thời kỳ chuyển đổi thế hệ, lắm
khi cái đã chết lại cuốn theo cái đang sống. Điều này cũng xảy ra với thế hệ
những nhà cách mạng Nga mà tuổi niên thiếu được hình thành trong bầu không khí
ngột ngạt của thập niên tám mươi. Tuy có những triển vọng lớn do học thuyết mới
mở ra, trong thực tế, những nhà Mác-xít bị hạn chế bởi thứ tình cảm bảo thủ rơi
rớt từ năm 1880: họ bất lực trước những khởi xướng mới, họ rút Lu-i khi gặp
chướng ngại, họ đẩy cách mạng đến một tương lai vô định và họ có xu hướng coi
chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp tiến hóa của vài thế kỷ.
Trong một gia đình như gia đình Spen-xe, tiếng nói phê phán chính trị đúng ra
phải mạnh hơn nhiều nếu nó được vang lên sớm hơn hay muộn hơn vài năm. Nhưng
tôi đến chỗ họ vào những năm im ắng nhất. Hầu như trong gia đình không có những
cuộc nói chuyện về chính trị, người ta né tránh các vấn đề lớn. Ở nhà trường,
tình hình cũng tương tự. Dĩ nhiên tôi cũng ngấm bầu không khí ấy của những năm
tám mươi. Và sau này, khi tôi bắt đầu tự rèn luyện thành nguời cách mạng, đôi
khi tôi chợt nhận ra mình đã nghi ngờ tác động của quần chúng, tôi suy nghĩ một
cách sách vở, trừu tượng - và do đó - với tư tưởng hoài nghi về cách mạng. Tôi
phải chiến đấu với tất cả những điều này trong bản thân - bằng suy ngẫm, bằng
học hỏi sách vở, nhất là qua việc trau dồi kinh nghiệm - cho đến ngày tôi vượt
lên sức ỳ của tâm lý.
Tuy nhiên trong cái rủi cũng có cái may. Có thể chính hoàn cảnh khiến tôi phải
chiến thắng một cách có ý thức trong bản thân những tàn dư của thập kỷ tám
mươi, đã tạo điều kiện khiến tôi xem xét nghiêm túc hơn, cụ thể hơn và sâu sắc
hơn về các vấn đề cơ bản trong hành động của quần chúng. Chỉ có gì ta giành
được trong đấu tranh mới có tính lâu bền. Nhưng điều này đã thuộc về các chương
khác của cuốn tự thuật.
Vào năm thứ bảy, tôi không học ở Ô-đét-xa mà ở Nhi-cô-lai-ép. Đó là một thành
phố quê mùa, trình độ giáo dục của nhà trường cũng thấp hơn. Nhưng năm tôi học
ở đấy (1896) lại đánh dấu bước ngoặt của tuổi thiếu niên tôi. Một câu hỏi đặt
ra trong tôi: đâu là vị trí của tôi trong xã hội loài người? Tôi sống trong một
gia đình mà những đứa trẻ đã trưởng thành và đụng chạm ít nhiều đến các trào
lưu mới. Đáng chú ý là trong thời gian đầu, tôi cương quyết bác bỏ “những điều
không tưởng của chủ nghĩa xã hội”. Tôi làm bộ một kẻ hoài nghi đã trải qua tất
cả những điều đó. Tôi luôn phản ứng về các vấn đề chính trị với một giọng nhạo
báng vẻ bề trên. Bà chủ trọ nhìn tôi vẻ ngạc nhiên và còn nêu gương tôi với các
con bà - dù thực ra bà cũng không tin lắm vào lời mình - những anh này lớn tuổi
hơn tôi đôi chút và nghiêng về cánh tả. Về phần tôi, đó chỉ là một cuộc chiến không
cân sức cho sự độc lập bản thân. Tôi cố thoát khỏi ảnh hưởng cá nhân của những
nhà xã hội trẻ tuổi mà số phận đã đưa tôi đến với họ. Cuộc chiến đấu ấy chỉ kéo
dài vài tháng. Những tư tưởng thời thượng đã tỏ ra mạnh hơn, hơn nữa, tự đáy
lòng, tôi không mong gì hơn là quy thuận họ. Ngay sau những tháng đầu ở Nhi-cô-lai-ép,
cung cách cư xử của tôi đã thay đổi tận gốc rễ. Tôi từ bỏ vai trò bảo thủ và
mạnh mẽ lao sang cánh tả khiến một số bạn mới của tôi phải hoảng sợ.
- Thế này là thế nào? - Bà chủ trọ của tôi gạn hỏi. - Có lẽ tôi nhầm khi đưa
anh ra làm gương cho các con tôi.
Tôi bỏ bê việc học. Những kiến thức mang về từ Ô-đét-xa cũng
tạm đủ để tôi duy trì vị trí đứng đầu lớp chính thức, nhưng càng ngày tôi càng
nghỉ học nhiều. Một bận ông thanh tra đến nhà tôi xem vì sao tôi hay vắng mặt.
Tôi cảm thấy bị xúc phạm tột độ. Nhưng ông ta tỏ ra lịch sự, ông nhận thấy
trong gia đình tôi trọ cũng như ở phòng tôi, mọi thứ đều trật tự. Cuối cùng ông
lặng lẽ ra về. Dưới tấm đệm tôi nằm có vài cuốn sách bất hợp pháp.
Ngoài những thanh niên có cảm tình với chủ nghĩa Mác-xít, ở Nhi-cô-lai-ép lần
đầu tiên tôi gặp các cựu tù nhân bị lưu đày đang sống dưới sự quản thúc của
cảnh sát. Đó là những nhân vật hạng hai từ thời kỳ suy thoái của phong trào dân
túy. Những người xã hội dân chủ còn chưa được thả khỏi nơi tù đày: họ vẫn đang
bị gửi đi. Hai dòng chảy ngược làm thành những luồng xoáy ý thức hệ. Tôi cũng
quay cuồng trong đó một thời gian. Thế giới của những người dân túy bốc lên mùi
mốc. Chủ nghĩa Mác-xít làm tôi sợ vì cái “hẹp hòi” của nó. Bị sự sốt ruột hành
hạ, tôi cố gắng nắm bắt bản chất những hệ tư tưởng. Nhưng chúng không dễ đầu
hàng. Quanh tôi, tôi không thấy ai có thể là chỗ dựa chắc chắn. Và ngoài ra,
mỗi buổi nói chuyện mới lại làm tôi cay đắng, thất vọng đau đớn về sự kém cỏi
của mình.
Tôi làm quen và quan hệ bạn bè với một người làm vườn gốc Tiệp tên là Sơ-vi-gốp-xki
[Chvigovsky]. Lần đầu tiên, tôi gặp một công nhân thông thạo báo chí, đọc được
tiếng Đức, hiểu biết các tác phẩm cổ điển và tham gia một cách hoàn toàn tự tin
trong các cuộc tranh luận giữa những người Mác-xít và dân túy. Căn nhà vườn một
buồng của ông là nơi gặp gỡ của lũ học sinh vãng lai, những tù nhân cũ và một
số thanh niên địa phương. Qua Sơ-vi-gốp-xki có thể kiếm được các cuốn sách cấm.
Trong câu chuyện của các cựu tù nhân, tên một số nhà dân túy được nhắc đến: Giê-li-a-bốp
[Jéliabov], Pê-rốp-xcai-a [Perovskaia], Phi-gơ-ne [Figner], không phải như
những anh hùng trong huyền thoại mà như các nhân vật sống động mà nếu không
phải họ - những kẻ đang bị tù đày - thì các đồng sự cao tuổi hơn của họ đã có
cơ hội gặp gỡ. Tôi cảm thấy mình như một mắt xích nhỏ được gắn vào sợi dây lớn.
Tôi nhào vào sách vở, sợ rằng cả một đời cũng không đủ để chuẩn bị hành động.
Tôi đọc một cánh nóng nảy, vội vã và vô hệ thống. Sau những tài liệu bất hợp
pháp thời kỳ trước, tôi chuyển sang Luận lý của Giôn Xtua Min
[John Stuart Mill], rồi chìm vào Văn hóa nguyên thủy của Líp-pe
[Lipper] khi chưa đọc đến nửa cuốn Luận lý. Tôi coi thuyết vị lợi
của Ben-tam [Bentham] như đỉnh cao tư tưởng nhân loại. Sau vài tháng, tôi cảm
thấy mình hoàn toàn là đệ tử của Ben-tam. Cũng theo chiều hướng đó, tôi say mê
mỹ học hiện thực của Tréc-nư-sép-xki [Tchernychevsky]. Chưa ngốn xong Líp-pe,
tôi đã lao vào Lịch sử cách mạng Pháp của Mi-nhê
[Mignet]. Mỗi cuốn sách đều có cuộc sống riêng trong tôi, chúng không tìm được
chỗ đứng của mình trong một hệ thống. Tôi chiến đấu căng thẳng, đôi khi điên
cuồng để hệ thống hóa. Đồng thời tôi lại xa cách với chủ nghĩa Mác-xít một phần
vì nó đã tự tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh.
Cũng vào thời gian đó, tôi bắt đầu đọc báo, nhưng không như hồi ở Ô-đét-xa mà
trên phương diện chính trị. Có uy tín nhất là tờ báo mang tư tưởng tự do Rút-xki-ê
Vê-đô-mô-xchi [Rousskia Viédomosti] (Tin tức nước Nga) xuất bản ở Mát-xcơ-va.
Chúng tôi không chỉ đọc mà hầu như còn nghiên cứu tờ báo, từ những xã luận của
các giáo sư bất lực đến các bài phổ biến khoa học nhiều kỳ. Tờ báo tự hào nhất
với đội ngũ phóng viên ở nước ngoài, đặc biệt là tại Béc-lin.
Nhờ Rút-xki-ê Vê-đô-mô-xchi, lần đầu tôi có ý niệm về đời sống
chính trị Tây Âu, nhất là về những đảng phái nghị trường. Bây giờ khó tưởng
tượng được chúng tôi đã đọc những bài nói chuyện của Bê-ben [Bebel] và ngay cả
của Ơ-gien Rích-te [Eugen Richter] với vẻ hồi hộp như thế nào. Và đến nay, tôi
vẫn nhớ một câu nói mà Đa-xin-ski [Daszinski] ném vào mặt bọn cảnh binh đang
kéo vào tòa nhà quốc hội: “Tôi đại diện cho ba vạn công nhân và nông dân Ga-li-xi
[Galicie], kẻ nào dám động đến tôi?”. Hầu như chúng tôi nhìn thấy
bằng con mắt nội tâm của mình hình ảnh khổng lồ của nhà cách mạng xứ Ga-li-xi.
Viễn cảnh sân khấu của chế độ đại nghị, tiếc thay, đã huyễn hoặc chúng tôi một
cách tai ác. Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội Đức, bầu cử tổng thống ở Mỹ, xáo
trộn trong Rây-xrát [Reichsrat] (Áo), hoạt động của lũ bảo hoàng Pháp - tất cả
những điều này thu hút mạnh mẽ chúng tôi hơn nhiều so với số phận riêng của
chính mình.
Giữa lúc ấy, quan hệ giữa tôi với gia đình xấu đi. Cha tôi đi bán bột mì ở Nhi-cô-lai-ép,
không biết bằng cách nào, đã biết những mối quen biết mới của tôi. Cảm thấy
hiểm nguy sắp đến với tôi, song ông vẫn hi vọng ngăn ngừa tôi bằng sức mạnh của
uy quyền người cha. Chúng tôi có vài cuộc nói chuyện sóng gió. Tôi tỏ ra bất
trị khi bảo vệ sự tự lập và quyền lựa chọn đường đi cho chính mình. Cuối cùng,
tôi từ chối sự trợ giúp vật chất của gia đình, bỏ chỗ trọ học sinh và chuyển
đến ở cùng Sơ-vi-gốp-xki, lúc đó anh vừa thuê một cái vườn khác to hơn với căn
nhà gỗ rộng hơn. Ở đây, sáu người chúng tôi sống thành một “công xã”. Mỗi mùa
hè, quân số chúng tôi tăng thêm một, hai học sinh bị lao và cần bầu không khí
trong lành. Tôi bắt đầu mở lớp dạy. Chúng tôi sống khắc khổ, không có đồ trải
giường và ăn thứ xúp hổ lốn tồi tệ tự nấu. Mặc áo dài xanh, đội mũ rơm vành
tròn, chúng tôi ve vẩy chiếc gậy đen trong tay. Ở thành phố, người ta đồn đại
rằng chúng tôi thuộc một giáo phái bí mật nào đó. Chúng tôi đọc không theo một
hệ thống nào rồi tranh luận dữ dội, say sưa vạch ra tương lai và hạnh phúc theo
lối riêng của mình.
Ít lâu sau, chúng tôi lập một hội truyền bá những sách vở hữu ích trong quần
chúng. Chúng tôi thu nhập tiền quyên góp, mua những sách rẻ tiền nhưng không
biết cách phổ biến. Trong vườn của Sơ-vi-gốp-xki, có một công nhân làm thuê và
một thiếu niên học nghề làm việc. Chúng tôi bỏ sức truyền bá cho họ là chính.
Nhưng gã công nhân lại là một tên sen đầm trá hình, được cài vào làm việc ở
vườn để theo dõi chúng tôi. Tên hắn là Ki-rin Thô-rơ-giép-xki [Kirill
Tjorjevsky]. Thằng bé học nghề cũng do hắn đưa tới. Nó cuỗm của chúng tôi một
bọc to đựng sách phổ thông và đem về đồn cảnh sát. Khởi đầu của chúng tôi rõ
ràng là không may mắn. Nhưng lòng tin của chúng tôi vào thành công sắp tới thì
không gì lay chuyển được.
Tôi viết cho một tờ dân túy tại Ô-đét-xa một bài bút chiến chống tạp chí Mác-xít
đầu tiên ở địa phương. Bài báo gồm nhiều đề từ, trích dẫn và chỉ trích nanh
nọc, phần nội dung thì kém hơn nhiều. Tôi gửi bài báo qua bưu điện và một tuần
sau đích thân đi nhận hồi âm. Ông tổng biên tập nhìn tác giả - một chàng trai
có mớ tóc xù khổng lồ trên trán và mặt chưa gợn chút lông tơ nào - qua cặp kính
to sụ, vẻ thiện cảm. Bài báo không được đăng. Như thế chẳng ai mất gì cả và tôi
là kẻ mất ít nhất.
Khi ban lãnh đạo thư viện công cộng (được lựa chọn bằng bầu bán) muốn nâng niên
phí từ năm lên sáu rúp, chúng tôi thấy đó là ý đồ xa rời dân chủ và gióng
chuông báo động. Trong mấy tuần, chúng tôi không làm gì khác ngoài việc tổ chức
đại hội các hội viên thư viện. Chúng tôi dốc sạch túi, góp những đồng rúp và
nửa rúp và ghi tên những hội viên mới, cấp tiến hơn; trong số họ, nhiều người
chẳng những không có nổi sáu rúp mà còn chưa đủ hai mươi tuổi như điều lệ đòi
hỏi. Quyển sổ khiếu nại của thư viện bị chúng tôi biến thành tập hợp những bài
đả kích chua cay. Trong kỳ họp hàng năm, có hai phái đối chọi nhau: một bên gồm
các viên chức, giáo viên, các địa chủ tự do và sĩ quan hải quân; bên kia, chúng
tôi, đại diện phe dân chủ. Chúng tôi đã chiến thắng trên toàn trận tuyến: phục
hồi lệ phí năm rúp và bầu ra ban lãnh đạo mới.
Một lúc chạy theo nhiều mục tiêu, chúng tôi quyết định tổ chức một trường đại
học tự do trên cơ sở dạy lẫn nhau. Có khoảng hai chục thính giả. Tôi phụ trách
những bài giảng về khoa học xã hội. Nghe oách lắm. Tôi dốc toàn lực chuẩn bị
cho khóa học. Nhưng sau hai bài giảng khá thành công trên tổng thể, tôi cảm
thấy mình hoàn toàn cạn nguồn. Một người khác - phụ trách phần lịch sử cách
mạng Pháp - lúng túng ngay từ mấy câu đầu và hứa rằng sẽ giảng bằng bài viết.
Cố nhiên anh ta không giữ lời hứa. Sự nghiệp chúng tôi chấm dứt tại đó.
Tôi cùng anh chàng giảng viên thứ hai kia - là anh cả trong mấy anh em nhà Xô-cô-lốp-xki
[Sokolovsky] - quyết định viết một vở kịch. Vì mục đích ấy, chúng tôi còn rời
khỏi “công xã” một thời gian và thuê một buồng riêng; chúng tôi không cho ai
địa chỉ. Vở kịch của chúng tôi chứa đầy nội dung xã hội, được trình bày trên
nền cuộc đấu tranh giữa các thế hệ. Mặc dù cả hai tác giả vở kịch còn ngờ vực
chủ nghĩa Mác-xít, hình tượng nhà dân túy trong kịch có dáng vẻ một kẻ tàn tật
trong khi sự tươi trẻ, sục sôi và hi vọng lại là đặc tính của những nhà Mác-xít
trẻ. Mới biết ảnh hưởng của thời đại mạnh đến chừng nào! Đoạn lãng mạn được đặc
tả như sau: một nhà cách mạng thế hệ trước bị cuộc đời giày đạp lại mê một cô
gái Mác-xít, nhưng bị cô cho một bài độc thoại không thương tiếc về sự sụp đổ
của phong trào dân túy.
Chúng tôi bỏ nhiều công sức vào vở kịch. Đôi khi chúng tôi cùng viết, động viên
và sửa chữa cho nhau, thỉnh thoảng chúng tôi chia nhau công việc và mỗi người
trong ngày phải xong một cảnh hoặc một màn độc thoại. Phải nói rằng những cuộc
độc thoại như thế không hề thiếu trong vở kịch.
Tối tối Xô-cô-lốp-xki đi làm về, anh tha hồ thảo ra những lời than vãn của nhà
cách mạng thập kỷ bảy mươi với cuộc đời tan nát. Tôi cũng về từ mấy lớp dạy
thêm hay từ chỗ Sơ-vi-gốp-xki. Cô con gái bà chủ trọ mang ấm xa-mô-va ra. Xô-cô-lốp-xki
móc túi lôi bánh mì và xúc xích. Thế rồi, cách ly với bên ngoài bởi cái vỏ thép
kỳ bí, các nhà soạn kịch làm việc căng thẳng suốt phần còn lại của buổi tối.
Chúng tôi viết xong toàn bộ hồi một, không quên chêm vào một cảnh gây ấn tượng
trước khi màn hạ. Các hồi khác - còn bốn hồi nữa - mới chỉ được phác thảo.
Tuy nhiên càng đi sâu vào công việc, chúng tôi càng thấy nguội lạnh. Sau một
thời gian ngắn, chúng tôi đi đến quyết định rời bỏ cái phòng trọ bí mật và hoãn
phần kết của vở bi kịch. Tập bản thảo được Xô-cô-lốp-xki chuyển sang một nhà
khác. Sau này khi chúng tôi ngồi tù ở Ô-đét-xa, Xô-cô-lốp-xki nhờ thân nhân của
anh tìm tập bản thảo. Có lẽ anh thoáng nghĩ thời kỳ tù đày sẽ là dịp thích hợp
để hoàn thành vở kịch. Nhưng bản thảo đã biến mất không dấu tích. Khả năng lớn
nhất là những người cất giữ nó thấy đốt đi là tốt hơn cả, sau khi các tác giả
bất hạnh bị bắt. Tôi nhẹ nhõm hơn với ý nghĩ trên đường đời không bằng phẳng
của mình, tôi đã để mất những bản thảo quan trọng gấp bội phần.