Đời tôi (Tập 1) - Chương 07
CHƯƠNG VII: TỔ CHỨC CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN
Mùa thu năm 1896, tôi vẫn trở về thăm làng. Nhưng đây chỉ là một sự hòa hoãn ngắn với gia đình. Cha tôi muốn tôi thành kỹ sư. Còn tôi vẫn do dự không biết chọn gì: toán học thuần túy mà tôi cảm thấy rất hấp dẫn hay cách mạng, thứ đang dần dần xâm chiếm tôi. Cứ mỗi lần đụng đến vấn đề này là cãi lộn gay gắt lại diễn ra trong gia đình. Mọi người sa sầm mặt, ai nấy đau khổ, chị cả tôi khóc thầm và không ai biết điều gì sẽ tới. Chú tôi, vốn là kỹ sư và chủ một nhà máy ở Ô-đét-xa, đến chơi và rủ tôi về nhà ông một thời gian. Âu cũng là lối thoát tạm thời, giúp tôi khỏi ngõ cụt.
Tôi ở nhà chú mấy tuần. Chúng tôi tranh luận về lợi nhuận và giá trị thặng dư. Chú tôi có khả năng chiếm lĩnh lợi nhuận hơn là giải thích chúng. Tôi trì hoãn việc đăng ký vào khoa toán trường đại học. Tôi ở Ô-đét-xa và tìm kiếm một cái gì đó. Tìm gì ư? Trước tiên tôi tìm chính mình. Ngẫu nhiên, tôi làm quen với những người công nhân, tôi tìm sách vở bất hợp pháp, tôi dạy học và diễn thuyết bí mật cho các học sinh một trường dạy nghề, tôi tranh luận với những người Mác-xít và cố gắng không đầu hàng. Tôi đáp chiếc tàu mùa thu cuối cùng trở về Nhi-cô-lai-ép và lại đến ở trong vườn của Sơ-vi-gốp-xki.
Quá khứ lại tiếp diễn. Chúng tôi thảo luận những số mới nhất của các tạp chí cấp tiến, tranh luận về học thuyết Đác-uyn [Darwin], bốc cháy trong sức nóng của sự chờ đợi và chuẩn bị một cái gì đó mơ hồ, vô định. Điều gì thúc đẩy trực tiếp chúng tôi vào công việc tuyên truyền cách mạng? Khó trả lời câu hỏi ấy. Sự thúc đẩy đến từ bên trong. Ở môi trường trí thức mà tôi Lu-i tới, không ai gánh vác công tác cách mạng thực sự. Chúng tôi nhận thức được rằng giữa những cuộc đàm thoại bất tận bên bàn trà và một tổ chức cách mạng, có cả một vực sâu thực sự. Chúng tôi biết mối liên lạc với công nhân đòi hỏi mội cuộc bạo phản lớn, từ này được nhắc đến một cách trang trọng, gần như kỳ bí. Chúng tôi không nghi ngờ rằng trước sau chúng tôi sẽ đi từ những buổi trà đến bạo phản, nhưng không ai nói đến chuyện điều này sẽ xảy ra như thế nào trong thực tế. Để bào chữa cho sự trì hoãn ấy, chúng tôi thường nói với nhau: “Còn phải chuẩn bị đã...”. Và điều này cũng không xa sự thực là bao.
Nhưng có một cái gì đó di chuyển trong không gian và đột ngột đưa chúng tôi vào con đường cách mạng. Chuyển biến này không xảy ra trực tiếp ở Nhi-cô-lai-ép mà trong khắp đất nước, trước hết tại các thủ đô, nhưng có tiếng vang đến cả chỗ chúng tôi.
Năm 1896, những cuộc đình công vang dội của khối thợ dệt nổ ra ở Pê-téc-bua. Giới trí thức phấn khích. Sinh viên đại học mạnh dạn hơn khi cảm thấy sự thức tỉnh của những trữ lượng quần chúng hùng hậu. Các kỳ nghỉ hè, Giáng sinh và Phục sinh, nhiều học sinh về Nhi-cô-lai-ép mang theo tiếng vọng của cuộc đấu tranh diễn ra tại Pê-téc-bua, Mát-xcơ-va và Ki-ép. Một số bị đuổi khỏi trường đại học; những học sinh trung học ngày hôm qua trở về với vầng hào quang của người chiến sĩ.
Tháng hai 1897, một nữ sinh đại học tên là Vé-trô-va [Vétrova] tự thiêu trong pháo đài Pi-ốt - Pa-ven [Pierre - Paul]. Tấn thảm kịch chưa bao giờ được giải tỏa này làm chấn động tất cả chúng tôi. Những cuộc bắt bớ và đày ải ngày càng tăng.
Những
cuộc biểu tình do vụ Vé-trô-va gây ra là tiền đề cho hoạt động cách mạng đầu
tiên của tôi. Chuyện xảy ra như sau:
Tôi đi dạo phố với Gri-gô-ri Xô-cô-lốp-xki, người trẻ nhất trong “công xã”
chúng tôi. Anh chừng trạc tuổi tôi.
- Chúng ta cũng nên bắt đầu thôi chứ. - Tôi nói với
anh.
- Phải bắt đầu thôi. - Xô-cô-lốp-xki đáp.
- Nhưng bằng cách nào?
- Thì thế, bằng cách nào?
- Phải tìm gặp giới công nhân, đừng chờ ai cả, đừng hỏi han ai mà phải tìm anh
em công nhân và bắt tay vào việc.
- Tôi nghĩ rằng có thể tìm được họ. - Xô-cô-lốp-xki nói. - Ngày
xưa tôi có quen một ông bảo vệ trong công viên thành phố, thành viên một giáo phái
đọc Kinh Thánh gì đó. Tôi sẽ đến chỗ ông ấy.
Trong ngày hôm đó Xô-cô-lốp-xki đến chỗ ông ta ở công viên. Đã từ lâu ông không
làm việc ở đây, nhưng có một chị thay thế ông, chị này quen một người cũng
thuộc giáo phái nói trên. Qua người quen của chị phụ nữ mà chúng tôi không quen
biết này, cùng ngày ấy, Xô-cô-lốp-xki làm quen với mấy công nhân, trong số đó
có anh thợ điện I-van An-đrê-ê-vích Mu-khin [Ivan Andréiévitch Moukhine], chẳng
bao lâu sau sẽ là nhân vật chính của tổ chức.
Xô-cô-lốp-xki trở về từ cuộc tìm kiếm, mắt ngời sáng:
- Thế mới là người chứ! Những con người thực sự!
Ngày hôm sau, nhóm chúng tôi gồm năm, sáu người tập trung trong một quán rượu.
Cái máy hát gầm rú trên đầu chúng tôi, chúng tôi nói chuyện giữa âm thanh ầm ĩ
để không ai nghe được.
Mu-khin, người mảnh khảnh, râu cằm nhọn, nheo cặp mắt trái thông minh nhìn
khuôn mặt không râu ria của tôi với vẻ thân mật nhưng dò xét; giữa những khúc
nghỉ tinh quái, anh giảng giải rành rọt:
- Với tôi, trong chuyện này, sách Phúc Âm như một điểm tựa.
Tôi bắt đầu bằng đạo và sẽ chuyển sang đời. Cách đây mấy bữa, tôi đã vạch ra
chân lý cho bọn Stun-đít [Stundistes] bằng những hạt đậu...
- Hạt đậu á? Như thế nào?
- Rất giản đơn: tôi đặt một hạt đậu lên bàn đó là Nga hoàng - rồi tôi đặt nhiều
hạt khác vòng quanh đó là những bộ trưởng, giám mục, tướng tá, xa hơn nữa là lũ
quí tộc, thương nhân, đống hạt đậu này là đám thường dân. Rồi tôi hỏi: Nga
hoàng ở đâu? Thính giả chỉ hạt đậu ở giữa. Các bộ trưởng ở đâu? Anh ta chỉ, rồi
lặp lại những lời đáp hệt như tôi vừa nói với anh. Bây giờ hãy để ý đây, xem
này!
- I-van An-đrê-ê-vích nói, anh nheo mắt trái và dừng một lúc. - Rồi tôi xáo
trộn đống đậu. Thử tìm xem, đâu là Nga hoàng? Đâu là các bộ trưởng? Làm sao mà
biết được, anh ta trả lời. Bây giờ không thể tìm ra họ nữa rồi. Thì chính thế,
tôi đáp, đúng là không thể tìm ra họ nữa. Chỉ cần xáo trộn tất cả những hạt
đậu.
Hào hứng, tôi thấy rực cả người khi nghe I-van An-đrê-ê-vích nói. Phải như thế,
vậy mà chúng tôi cứ suy đi tính lại, mò mẫm và chờ đợi. Máy hát cứ gào rú - thế
là có bạo loạn, I-van An-đrê-ê-vích lật đổ cơ chế giai cấp nhờ
những hạt đậu. Vậy là tìm ra cách tuyên truyền cách mạng.
- Có điều xáo trộn chúng bằng cách nào? Vấn đề là ở chỗ đó. - Mu-khin
nói với giọng khác hẳn, anh nghiêm khắc nhìn tôi vẻ dò xét. Đây là chuyện khác,
chẳng phải là đống hạt đậu nữa rồi, phải không?
Bây giờ thì anh chờ một câu trả lời từ tôi.
Từ hôm đó, chúng tôi ngập đầu trong công việc. Chúng tôi không có những người
kỳ cựu dẫn dắt, không đủ kinh nghiệm cá nhân, nhưng chưa bao giờ chúng tôi
chững lại hoặc bối rối. Tất cả tuần tự nối đuôi nhau một cách tự nhiên như
trong cuộc nói chuyện với Mu-khin ở quán rượu.
Đời sống kinh tế Nga cuối thế kỷ trước nhanh chóng chuyển về hướng đông nam. Ở miền
Nam, những nhà máy khổng lồ lần lượt mọc lên. Tại Nhi-cô-lai-ép cũng có hai nhà
máy, trong thành phố này, vào năm 1897, có tám ngàn công nhân nhà máy và gần
hai ngàn thợ thủ công. Trình độ văn hóa của công nhân cũng như lương bổng của
họ tương đối cao, trong số họ không mấy ai mù chữ. Trong một chừng mực nào đó,
các giáo phái thế chỗ những tổ chức cách mạng, họ đấu tranh có hiệu quả với
giáo hội chính thống. Chưa từng biết những cuộc bạo động lớn, giới sen đầm ở Nhi-cô-lai-ép
còn thiêm thiếp trong giấc ngủ yên lành. Tình trạng ấy vô cùng may mắn cho
chúng tôi. Nếu cảnh binh kiểm soát cẩn trọng hơn, hẳn chúng tôi đã bị bắt ngay
từ những tuần đầu. Nhưng chúng tôi là những kẻ đi đầu và có mọi thuận lợi vì
thế. Lũ cảnh binh chỉ tỉnh dậy sau khi chúng tôi làm rung động công nhân ở Nhi-cô-lai-ép.
Khi làm quen với Mu-khin và các bè bạn của anh, tôi tự xưng là Lơ-vốp [Lvov].
Sự dối trá đầu tiên của tôi trong thời bạo loạn không dễ dàng đối với tôi. Tôi
thấy khó xử khi phải “đánh lừa” những người mà tôi đã gặp gỡ vì một chính nghĩa
lớn lao và tốt đẹp như thế. Nhưng cái bí danh Lơ-vốp chẳng bao lâu đã gắn chặt
với tôi và tôi cũng quen nó.
Những công nhân tràn đến chỗ chúng tôi, dường như họ đã chờ chúng tôi từ lâu
trong các nhà máy. Mỗi người kéo đến một anh bạn, một số đưa cả vợ đến, nhiều
công nhân già gia nhập nhóm chúng tôi cùng con cái của họ. Chúng tôi không đi
tìm công nhân, chính họ đi tìm chúng tôi. Là những lãnh đạo trẻ và thiếu kinh
nghiệm, chẳng bao lâu chúng tôi đuối hơi trong cái phong trào do chúng tôi dấy
lên. Mỗi lời nói của chúng tôi đều có tiếng vọng. Trong các buổi học hay nói
chuyện bất hợp pháp được tổ chức ở nhà, trong rừng, bên bờ sông, thường thường
có từ hai mươi đến hai nhăm người tham dự, đôi khi hơn. Họ đa số là thợ bậc
cao, có lương bổng không tồi. Trong nhà máy đóng tàu ở Nhi-cô-lai-ép, hồi ấy
người ta đã làm tám tiếng một ngày. Những công nhân này không bận tâm đến việc
đình công, họ tìm những mối quan hệ xã hội công bằng. Một số trong họ tự coi
mình thuộc phái Báp-tít [Baptistes], Stun-đít hay Cơ đốc giáo, nhưng trong chuyện
này không có tinh thần giáo điều của giáo phái: đơn giản, những công nhân ấy
chỉ xa rời giáo hội chính thống, với họ, theo Báp-tít là một
đoạn ngắn trên con đường cách mạng. Những tuần đầu nói chuyện với họ, một số
còn dùng những công thức thường thấy trong giáo phái và so sánh hiện tại với
thời nguyên thủy của Thiên chúa giáo. Nhưng chẳng bao lâu, hầu như tất cả bọn
họ đều vứt bỏ lối nói dài dòng mà đám công nhân trẻ thường ra mặt chế giễu.
Cho đến nay tôi vẫn nhìn thấy những công nhân tuyệt diệu nhất bằng cặp mắt tâm
hồn mình, như thể họ còn sống. Cô-rốt-cốp [Korotkov], anh thợ mộc chạm thơ lên
gỗ, hay đội chiếc mũ cứng, trùm đùa cợt; đã từ lâu anh xa rời mọi thứ thần bí.
- Tôi là một người duy ný. - Trịnh trọng
nói, anh hiểu từ ấy là “duy lý”.
Và khi Ta-rát Xa-vê-lê-vích [Tarass Savéliévitch], môn đệ lâu đời của Phúc
Âm, người đã có cháu chắt, kể đến lần thứ một trăm chuyện những con chiên
Thiên Chúa giáo đầu tiên cũng hội họp bí mật như chúng tôi, Cô-rốt-cốp liền
ngắt lời:
- Chuyện Chúa Trời của ông chỉ đáng giá thế này đây!
Rồi anh giật mũ khỏi đầu, giận dữ ném vào bụi cây. Lát sau, anh lại đi tìm mũ.
Việc xảy ra trong rừng, trên một mảnh đất cát pha.
Bị lôi cuốn bởi những tình cảm mới, nhiều công nhân bắt đầu làm thơ. Cô-rốt-cốp
viết một bản “hành khúc vô sản” bắt đầu bằng câu: “Chúng ta là những an-pha và ô-me-ga,
là khởi đầu và kết thúc...”. Nhét-xchê-ren-cô [Nestérenko] - cũng là thợ mộc
làm sườn nhà, tham gia câu lạc bộ của A-lếch-xan-đơ-ra Lơ-vốp-na
Xô-cô-lốp-xcai-a [Alexandra Lvovna Sokolovskaia] cùng con trai - soạn một bài
mang hơi hướng dân ca U-cơ-rai-na về Các Mác. Rồi họ đồng ca hát bài ấy. Nhưng
bản thân Nhét-xchê-ren-cô đã kết thúc thảm hại: hắn liên lạc với cảnh sát và tố
giác cả tổ chức.
Anh thợ phụ Ê-phi-mốp [Efimov] là một thanh niên mắt xanh, tóc vàng, người to
lớn. Xuất thân từ một gia đình sĩ quan, sống trong đám cặn bã của thành phố,
anh biết đọc và viết, hơn nữa, còn đọc nhiều. Tôi tìm ra anh trong một quán ăn
nghèo khó giữa những kẻ lang thang. Ê-phi-mốp làm công nhân bốc vác ở bến cảng,
anh không rượu chè, không hút sách, khá giữ gìn ý tứ và lịch sự, nhưng ở anh có
cái gì đó bí mật khiến anh có vẻ ủ dột, dù chỉ mới hai mốt tuổi.
Ít lâu sau Ê-phi-mốp kể với tôi chuyện anh làm quen một tổ chức “Na-rô-đô-vôn-xư” [Norodovoltsy]
(Tự do Nhân dân) gì đó và đề nghị đưa chúng tôi bắt liên lạc với họ.
Ba đứa chúng tôi - tôi, Mu-khin và Ê-phi-mốp - uống trà trong cái quán “Nước
Nga” ồn ào, nghe tiếng gào điếc tai của chiếc máy hát và chờ đợi. Cuối cùng, Ê-phi-mốp
đưa mắt chỉ cho chúng tôi một người to lớn, vạm vỡ, có bộ râu của kẻ lái buôn: “Ông
ta đấy!”.
Người này uống trà rất lâu ở một bàn riêng, rồi khoác chiếc áo lên người và làm
dấu bằng một động tác máy móc về phía những bức tranh thánh.
- Thì ra một nhà cách mạng là thế đấy! - Mu-khin sững sờ.
Ông thành viên đảng Tự do Nhân dân tránh tiếp xúc với chúng tôi, qua Ê-phi-mốp,
ông ta chuyển đến chúng tôi một lời giải thích mơ hồ gì đó. Câu chuyện này vĩnh
viễn không có lời giải đáp. Về phần Ê-phi-mốp, chẳng bao lâu anh tính nợ với
cuộc đời: anh tự tử bằng hơi ngạt. Có thể anh chàng khổng lồ mắt xanh này chỉ
đơn thuần là trò chơi trong tay một tên cảnh sát chó săn nào đó, nhưng cũng có
thể còn tệ hơn...
Mu-khin là thợ điện, anh thiết lập trong nhà một hệ thống báo động phức tạp đề
phòng trường hợp cảnh sát ập tới. Anh hai mươi bảy tuổi, đôi lúc ho ra máu, rất
khôn ngoan trong cuộc sống và gần như là một cụ già trong mắt tôi. Suốt đời anh
là người cách mạng. Sau lần thứ nhất bị đi đày, anh phải vào tù, rồi lại đi
đày. Tôi gặp lại anh ở Khác-cốp sau hai mươi ba năm xa cách, trong kỳ họp của
đảng Cộng sản U-cơ-rai-na. Chúng tôi ngồi hồi lâu trong một góc, nhắc lại quá
khứ, ôn lại một số biến cố và kể cho nhau nghe những điều biết được về những
người đã hoạt động với chúng tôi trong buổi bình minh cách mạng. Trong kỳ họp
này, Mu-khin được bầu vào Ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản U-cơ-rai-na.
Bằng cả đời mình, anh xứng đáng với sự lựa chọn ấy. Nhưng sau đó ít lâu, anh
nằm liệt giường và không bao giờ đứng dậy nữa.
Sau khi quen biết nhau, Mu-khin giúp tôi làm quen với mội người bạn, cũng thuộc
một giáo phái nào đó. Anh tên là Ba-ben-cô [Babenko], có một ngôi nhà riêng và
những cây táo trong vườn. Đi cà nhắc, cử chỉ chậm chạp, lúc nào cũng tỉnh táo, Ba-ben-cô
dạy cho tôi cách uống trà với táo, thay chanh.
Ba-ben-cô bị bắt cùng nhiều người khác, ngồi tù khá lâu rồi trở về Nhi-cô-lai-ép.
Số phận bắt chúng tôi xa nhau hoàn toàn. Năm 1925, tình cờ tôi đọc trong một tờ
báo nào đó mẩu tin Ba-ben-cô, cựu thành viên “Liên minh Công nhân miền Nam nước
Nga” đang sống ở tỉnh Cu-ban [Kouban]. Lúc ấy anh không đi lại được. Tôi xin
được cho ông già đi chữa bệnh ở Ét-xen-tu-ki [Essentouki], vào năm 1925 việc
này không còn đơn giản nữa. Rồi anh khỏi chân. Tôi đến thăm anh ở viện điều
dưỡng. Anh không biết Trốt-xki và Lơ-vốp chỉ là một! Chúng tôi lại uống trà với
táo và gợi lại quá khứ. Chẳng biết anh ngạc nhiên đến độ nào khi ít lâu sau,
anh nghe tin Trốt-xki là một tên “phản cách mạng”!
Xung quanh tôi có rất nhiều gương mặt đáng chú ý, không thể kể ra được hết. Đó
là một tập thể tuyệt vời, trẻ trung và có học thức: tất cả mọi người đều học
trường Kỹ thuật Hàng hải. Họ hiểu ngay khi mới nói đến nửa lời, như vậy việc
tuyên truyền cách mạng đơn giản hơn nhiều so với chúng tôi tưởng. Chúng tôi
ngạc nhiên và ngây ngất vì hiệu quả công việc. Qua những mẩu chuyện được nghe
về công tác cách mạng, chúng tôi biết thông thường chỉ thuyết phục được vài
công nhân. Nếu mỗi nhà cách mạng lôi kéo nổi hai, ba người thì đó đã là một
thành công đáng kể. Thế mà ở chỗ chúng tôi, trong thực tế, con số những người
gia nhập hoặc muốn gia nhập đoàn thể là vô hạn. Chỉ thiếu sách vở tuyên truyền
và người lãnh đạo. Các giảng viên của nhóm giằng từ tay nhau bản viết tay duy
nhất, đã nhàu nát của cuốn Tuyên ngôn đảng Cộng sản (Mác và Ăng-ghen);
bản này do nhiều người chép lại, thiếu khá nhiều và đầy lỗi.
Chẳng bao lâu chúng tôi cũng bắt đầu sản xuất sách vở. Đây chính là khởi đầu sự
nghiệp văn chương của tôi và gần như trùng với bước đầu hoạt động cách mạng của
tôi. Tôi viết các bản tuyên ngôn, những bài báo rồi chép lại bằng chữ in cho
máy in. Thời ấy chúng tôi không hề biết trên thế giới đã có máy chữ. Tôi vẽ
những chữ cái rất cẩn thận, coi chuyện sao cho một công nhân hầu như không biết
đọc và viết cũng nhẩm ra được - không mấy khó khăn lắm - bản tuyên bố lấy từ
máy ra là vấn đề danh dự. Mỗi trang giấy đòi hỏi ít nhất hai giờ làm việc. Có
khi tôi gù lưng cả tuần với công việc và chỉ ngừng những khi cần họp hành và
bàn bạc công việc của tổ. Nhưng vui biết bao khi được biết ở các nhà máy, công
xưởng, người ta đọc như chết đói, chuyền tay và tranh cãi sôi nổi như thế nào
những tờ truyền đơn bí mật in chữ tím. Họ hình dung tác giả những tờ báo như
một nhân vật mạnh mẽ và huyền bí, anh ta xông xáo vào mọi nhà máy, biết những
gì xảy ra trong các phân xưởng, và đáp lại các sự kiện sau hai mươi tư giờ đồng
hồ bằng những tờ truyền đơn mới.
Lúc đầu, chúng tôi đun chảy loại mực dùng để in và in những bản tuyên bố ở nhà,
ngay trong phòng chúng tôi. Một người đứng gác ngoài sân. Diêm và dầu hỏa luôn
được đặt gần lò sưởi để mở, phòng khi nguy hiểm, chúng tôi có thể thiêu hủy mọi
bằng chứng. Tất cả những điều này đều vô cùng ngây thơ. Nhưng cảnh sát Nhi-cô-lai-ép
cũng chẳng giàu kinh nghiệm hơn chúng tôi là mấy.
Sau này, cơ sở in của chúng tôi được chuyển tới căn hộ của một công nhân đứng
tuổi, ông bị mù vì tai nạn lao động. Không chút ngần ngại, ông giao căn nhà ông
cho chúng tôi.
- Đối với người mù, đâu chẳng là nhà tù? - Ông nói thản nhiên với nụ
cười châm biếm.
Dần dà chúng tôi chất đống ở nhà ông một lượng đáng kể gli-xê-rin, giê-la-tin
và giấy. Chúng tôi làm việc ban đêm. Căn phòng thấp, tồi tàn, thật sự có vẻ
cùng khổ. Chúng tôi nấu món hổ lốn cách mạng trong một cái chảo gang rồi rót nó
lên tấm sắt tây. Ông mù cử động chắc chắn hơn chúng tôi trong căn phòng tối và
giúp chúng tôi. Một công nhân trẻ và một nữ công nhân nhìn nhau vẻ tôn kính mỗi
lần tôi nhấc khỏi máy tờ báo mới vừa in xong.
Nếu ai đó nhìn từ trên xuống với con mắt “có lý trí” vào đám thanh niên đi lại
trong cảnh tranh tối tranh sáng, quanh chiếc máy in khốn khổ, hẳn người ấy thấy
thật lố bịch biết bao cái ý nghĩ của chúng tôi muốn lật đổ một chế độ lớn mạnh
đã tồn tại bao thế kỷ nay. Thế mà ý đồ đó được thực hiện trong thời hạn một thế
hệ: từ những đêm ấy đến 1905 chỉ có tám năm, và đến 1917 cũng chỉ gần hai chục
năm.
Tôi cho rằng tuyên truyền bằng miệng ít đem lại niềm vui như tuyên truyền bằng
viết. Kiến thức của tôi còn hổng và tôi chưa biết cách trình bày một cách thích
đáng. Hầu như chúng tôi không có những bài diễn văn theo đúng nghĩa của nó. Chỉ
độc một lần, tôi phải phát biểu một bài gì đó trong rừng vào dịp mùng
một
tháng năm.
Tôi bối rối vô cùng. Mỗi lời lẽ của tôi, trước khi rời khỏi cổ họng, đều có vẻ
giả tạo một cách quá đáng. Nhưng thỉnh thoảng, những cuộc nói chuyện trong câu
lạc bộ cũng không đến nỗi thất bại. Về toàn cục, công tác cách mạng tiến tới
hết tốc lực. Tôi duy trì và phát triển những mối quan hệ của mình với Ô-đét-xa.
Buổi tối tôi ra cảng Nhi-cô-lai-ép, mua một vé hạng ba giá một rúp, nằm trên
boong tàu thủy, càng gần ống khói càng tốt, gối trên chiếc áo vét-tông, tôi đắp
lên người cái áo choàng. Sáng thức dậy ở Ô-đét-xa, tôi đi đến những địa chỉ
quen biết. Đêm hôm sau tôi lại ở trên tàu. Bằng cách đó tôi không mất thời giờ
đi lại vô ích.
Quan hệ của tôi với Ô-đét-xa phát triển một cách bất ngờ. Bên cửa thư viện công
cộng, tôi làm quen với một công nhân đeo kính: chúng tôi nhìn nhau dò hỏi và
đoán xem kẻ kia là ai. Anh là An-be Pô-li-ắc [Albert Poliak], công nhân sắp
chữ, người tổ chức ra nhà in trung ương của đảng, nổi tiếng sau này. Mối quen
biết này mở ra mội giai đoạn mới trong đời sống của tổ chức chúng tôi. Vài ngày
sau, tôi mang về Nhi-cô-lai-ép một va-li đầy sách vở bất hợp pháp in ở nước
ngoài. Đó là những cuốn sách tuyên truyền mỏng, mới tinh, bìa màu tươi tắn.
Chúng tôi mở va-li nhiều lần để chiêm ngưỡng kho báu ấy. Sách vở được phân phát
nhanh chóng và làm tăng hẳn uy tín chúng tôi trong giới công nhân.
Trong một cuộc nói chuyện tình cờ với Poliắc, tôi được biết kỹ thuật viên Sren-den
[Schrenzel] thường tự xưng là kỹ sư và quanh quẩn bên chúng tôi từ lâu nay - là
một tên khiêu khích già đời. Ngu xuẩn và hay quấy rối, Sren-den luôn đội một
cái mũ cát-két có phù hiệu. Tự bản năng, chúng tôi ngờ vực hắn nhưng hắn có
biết việc này khác về một số người. Tôi mời Sren-den đến nhà Mu-khin. Ở đây,
tôi vạch ra mọi chi tiết của đời y từ gốc đến ngọn mà không cần nêu tên y khiến
y sợ đến phát cuồng. Chúng tôi dọa thủ tiêu y nếu y giao nộp chúng tôi. Lời
cảnh cáo ấy hẳn có hiệu quả vì chúng tôi được yên trong vòng ba tháng. Ngược lại,
sau khi chúng tôi bị bắt, Sren-den khai chồng chất, hết điều khủng khiếp này
đến điều khủng khiếp khác.
Chúng tôi đặt cho tổ chức của mình cái tên “Liên minh Công nhân miền Nam nước
Nga”, hi vọng kết hợp với những thành phố khác. Tôi thảo điều lệ Liên minh
trong tinh thần đảng Xã hội Dân chủ. Chính quyền cố chống lại chúng tôi bằng
những cuộc nói chuyện trong các nhà máy. Nhưng ngay hôm sau chúng tôi đáp lại
bằng một bản tuyên bố. Cuộc đấu tay đôi ấy khiến cho không chỉ giới thợ thuyền
mà cả những tầng lớp rộng rãi trong dân cư thành phố phải hồi hộp. Cuối cùng,
cả thành phố nói về những người cách mạng rải truyền đơn tràn ngập trong các
nhà máy. Tên chúng tôi được thì thầm mọi ngả. Nhưng cảnh sát vẫn chần chừ,
chúng không tin “mấy thằng nhãi ở nhà tay làm vườn” có thể làm một chiến dịch
như vậy và cho rằng đằng sau chúng tôi là những nhà lãnh đạo kinh nghiệm hơn.
Chắc chúng nghi đó là những cựu tù nhân đi đày về. Nhờ thế, chúng tôi lại được
lợi thêm hai ba tháng. Nhưng cuối cùng, rõ ràng lũ mật thám dò được ra tung
tích chúng tôi, và sở cảnh binh lần lượt biết hết các tổ của chúng tôi. Chúng
tôi quyết định tự phân tán và rời Nhi-cô-lai-ép vài tuần để đánh lạc hướng cảnh
sát. Tôi phải về chỗ cha mẹ ở làng, Xô-cô-lốp-xcai-a và em trai đi Ê-ca-che-ri-nốt-xláp
v.v... Đồng thời, chúng tôi đi đến một quyết định cứng rắn: trong trường hợp
bắt bớ hàng loạt diễn ra, chúng tôi sẽ không ẩn náu mà để bị bắt giữ để bọn
cảnh binh không thể nói với công nhân: “Thấy chưa, lãnh đạo của các anh đã bỏ
rơi các anh rồi đó!”
Trước khi tôi đi, Nhét-xchê-ren-cô đòi tôi phải giao tận tay anh một nắm tuyên
ngôn. Anh ta định thời điểm gặp gỡ rất muộn tại một nơi sau nghĩa trang. Tuyết
dày bao phủ khắp nơi, trăng sáng. Khoảng đất sau nghĩa trang hoàn toàn hoang
vắng. Tôi gặp Nhét-xchê-ren-cô ở chỗ hẹn. Nhưng đúng lúc tôi giao cho anh ta bó
giấy rút từ chiếc áo dài, một người rời khỏi bức tường nghĩa trang, đi ngang
qua sát chúng tôi và dùng khuỷu tay huých vào Nhét-xchê-ren-cô.
- Ai vậy? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Tôi không biết. - Nhét-xchê-ren-cô đáp, mắt nhìn theo bóng người
vừa đi khỏi.
Hắn đã có quan hệ với cảnh binh từ dạo ấy, thế mà tôi không hề nghi ngờ chút
nào.
Những cuộc bắt bớ hàng loạt xảy ra ngày 28 tháng giêng 1898. Tổng cộng hơn hai
trăm người bị “nhòm ngó” tới. Cuộc đàn áp bắt đầu. Một trong số những người bị
bắt, anh lính Xô-cô-lốp [Sokolov] sợ hãi đến mức định tự tử bằng cách nhảy từ
hành lang tầng một của nhà tù xuống, nhưng anh thoát chết, chỉ bị giập xương
trầm trọng. Một người bị giam khác, anh Lê-van-đốp-xki [Lévandovsky] bị bọn
cảnh binh hành hạ đến phát điên. Còn nhiều nạn nhân khác.
Nhiều người bị bắt do ngẫu nhiên. Một số người được chúng tôi tin tưởng lại bỏ
rơi, thậm chí phản bội chúng tôi. Và ngược lại, những người lâu nay không được
ai biết đến, lại tỏ ra có ý chí mạnh mẽ. Vì một lý do gì đó, một thợ tiện người
Đức chừng năm mươi tuổi, anh Ao-gút-xtơ Đô-nơ [August Dorn] bị bắt và giam giữ
lâu. Anh chỉ đảo qua chỗ chúng tôi ở câu lạc bộ một hai lần. Đô-nơ cư xử thật
tuyệt vời, anh làm ầm ĩ nhà tù bằng những bài hát Đức, thực ra không phải lúc
nào cũng nghiêm chỉnh. Anh bông đùa bằng thứ tiếng Nga rất tồi và giữ tinh thần
cho đám thanh niên. Tại nơi tạm giam những người bị đi đày ở Mát-xcơ-va, chúng
tôi ngồi cùng một phòng, Đô-nơ gọi cái ấm xa-mô-va đến chỗ anh và kết thúc màn
đối thoại như sau:
- Này ấm, mày không muốn đến đây thì Đô-nơ phải đến chỗ mày vậy!
Mặc dầu cảnh ấy lặp lại ngày này qua ngày khác, ai nấy đều phá lên cười thật
lòng.
Tổ chức ở Nhi-cô-lai-ép bị một đòn nặng nề nhưng không tan vỡ. Chẳng mấy chốc
chúng tôi được những người khác thay thế. Những nhà cách mạng và cả bọn cảnh
binh đều trở nên có kinh nghiệm hơn.