Đời tôi (Tập 1) - Chương 08
CHƯƠNG VIII: NHỮNG NHÀ TÙ ĐẦU TIÊN CỦA TÔI
Tháng giêng 1898, trong lần cảnh sát cất vó hàng loạt, tôi bị bắt không phải ở Nhi-cô-lai-ép mà trong trang trại của một đại điền chủ tên là Xô-cốp-nhích [Sokovnike], nơi Sơ-vi-gốp-xki xin vào làm vườn. Tôi ghé qua đó trên đường từ I-a-nốp-ca đi Nhi-cô-lai-ép, mang theo chiếc cặp lớn chứa đầy bản thảo, hình vẽ, thư từ và nhiều tư liệu bất hợp pháp khác. Sơ-vi-gốp-xki giấu qua đêm những tài liệu nguy hiểm ấy vào một cái hố đựng bắp cải và đến bình minh, khi sắp đi trồng cây, anh mới lôi nó ra đưa cho tôi vì tôi muốn làm việc. Đúng lúc đó cảnh sát ập tới. Sơ-vi-gốp-xki còn kịp ném cái cặp ra sau một bể nước bên lối ra vào. Anh cũng kịp nói thầm với bà quản gia - bà cho chúng tôi ăn trưa dưới sự giám sát của lũ cảnh binh - rằng hãy đem cái gói đi và giấu càng kỹ càng tốt. Bà già thấy tốt hơn cả là đem chôn chiếc cặp trong vườn, dưới đống tuyết. Chúng tôi chắc mẩm những tài liệu ấy sẽ không lọt vào tay kẻ địch. Nhưng mùa xuân đến, tuyết tan, cỏ mọc cao lên để lộ chềnh ềnh chiếc cặp. Chúng tôi thì ngồi tù. Mùa hạ, người ta làm cỏ trong vườn của điền chủ. Hai đứa nhỏ, con của một công nhân, chơi ở vườn phát hiện ra chiếc cặp, chúng đem lại cho bố; người này mang đến nộp nhà chủ. Hoảng sợ, ông điền chủ có đầu óc tự do này liền đi Nhi-cô-lai-ép và trao mớ giấy tờ cho một đại tá cảnh binh. Bản thảo viết tay được dùng làm bằng chứng để tố giác nhiều người.
Cái nhà tù cũ kỹ ở Nhi-cô-lai-ép hoàn toàn không thích hợp cho việc giam giữ tù chính trị, nhất là chúng tôi lại quá đông. Tôi cùng bị giam một buồng với anh thợ đóng sách trẻ I-a-vích [Iavitch]. Căn phòng rất lớn, có thể chứa ba chục người, không có chút đồ đạc gì và chỉ được sưởi tí chút. Ở cửa ra vào, có một “con mắt” lớn hình chữ nhật mở ra hành lang thông trực tiếp ra sân. Lúc ấy là thời kỳ băng giá lạnh lẽo tháng giêng. Ban đêm, người ta quẳng cho chúng tôi một cái đệm rơm trải sàn, đến sáu giờ sáng lại cất đi. Tỉnh giấc và mặc quần áo là cả một cực hình. Mặc áo choàng, đội mũ và đi giày cao su, tôi ngồi sát I-a-vích, lưng dựa vào chiếc lò sưởi âm ấm, chúng tôi mơ màng và ngủ gà ngủ gật một hai tiếng. Có lẽ đó là lúc dễ chịu nhất trong ngày. Chúng tôi không bị gọi đi lấy khẩu cung. Chạy từ góc này sang góc khác cho ấm người, chúng tôi triền miên theo những kỷ niệm, phỏng đoán và hi vọng. Tôi bắt đầu dạy I-a-vích học. Cứ như thế được ba tuần rồi thì có sự thay đổi. Người ta bắt tôi mang cả đồ đạc lên văn phòng nhà tù và tôi bị giao cho hai tên cảnh binh cao lớn. Tôi bị chuyển đi nhà tù Khéc-xôn bằng xe ngựa. Nhà tù Khéc-xôn còn cũ kỹ hơn nhà tù Nhi-cô-lai-ép. Xà-lim rộng nhưng cửa sổ lại hẹp, bị che bởi một tấm lưới nặng nề làm ánh sáng rất khó lọt qua. Tôi cô đơn vô cùng. Không được đi dạo, không có láng giềng. Không thấy gì vì cửa sổ bị bít kín vào mùa đông. Tôi không được nhận quà từ bên ngoài. Tôi không có trà, không có đường. Mỗi ngày, tôi được nhận khẩu phần ăn của tù nhân một lần, vào buổi trưa: món xúp. Bánh mì đen rắc muối dùng cho cả bữa sáng và bữa trưa. Tôi độc thoại rất lâu rằng mình có quyền tăng khẩu phần buổi sáng lấn vào phần buổi chiều không? Những lý do tôi tìm ra vào buổi sáng đã trở nên vô lý và tội lỗi khi chiều tới. Đến giờ ăn tối, tôi căm thù kẻ ăn sáng. Tôi không có quần áo lót để thay. Ba tháng liền tôi chỉ có độc một chiếc quần lót ấy. Tôi không có xà phòng. Rận, rệp nhà tù ăn tươi nuốt sống tôi. Tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ đi chéo trong phòng một ngàn một trăm mười một bước. Khi đó, tôi sắp được mười chín tuổi. Tôi sống trong sự cô độc tuyệt đối đến mức sau này, dù trải qua hai tá nhà tù, tôi không thấy ở đâu như thế. Tôi không có lấy một quyển sách, một cây bút chì, một tờ giấy. Xà-lim không được thông gió. Rằng không khí trong đó như thế nào, tôi có thể đánh giá được qua những cái nhăn mũi của tên trại phó nhà giam, thỉnh thoảng đến gặp tôi. Tôi gặm nhấm mẩu bánh mì trại giam, đi lại theo đường chéo của buồng và làm thơ. Tôi biến khúc hát Cái dùi cui của những người dân túy thành khúc hát vô sản Cái máy. Tôi còn soạn một bài ca cách mạng theo điệu Ca-ma-rin-xcai-a. Những vần thơ ấy chất lượng khá trung bình nhưng sau đó lại rất phổ biến: cho đến nay chúng vẫn được xuất hiện trong các tập nhạc. Có điều, đôi khi cái khắc khoải của cảnh cô đơn làm tôi mòn mỏi. Lúc đó, con số một ngàn một trăm mười một bước chân đưọc tôi đếm một cách cứng cỏi hơn hẳn trên đế giày mòn vẹt. Cuối tháng thứ ba, khi bánh mì nhà tù, đệm rơm và chấy rận đã trở thành những yếu tố không thể tách rời trong đời sống của tôi, bình thường như ngày và đêm, vào một buổi tối, các giám thị đem đến xà-lim một đống tướng những đồ vật từ một thế giới khác trong mộng tưởng: quần áo lót sạch, chăn, gối, bánh mì trắng, trà, đường, thịt giăm bông, đồ hộp, táo, cam, đúng thế, những quả cam màu sắc thật tươi... Cho đến nay, sau ba mươi mốt năm, tôi vẫn xúc động khi nhắc lại tên những vật kỳ diệu trên và chợt nhận thấy mình đã quên không kể đến một lọ mứt, bánh xà phòng và chiếc lược.
- Mẹ anh mang đến đấy. - Tên trại phó bảo.
Và
dù trong thời đó tôi không mấy hiểu tâm hồn con người, nhưng nghe giọng y, tôi
hiểu ngay là y đã ăn hối lộ.
Ít lâu sau, tôi được chuyển bằng tàu thủy về Ô-đét-xa và bị giam trong xà-lim
cá nhân tại một nhà tù mới xây vài năm theo kỹ thuật tối tân nhất. Sau khi đã ở
Nhi-cô-lai-ép và Khéc-xôn, xà-lim riêng tại Ô-đét-xa là nơi lý tưởng. Chúng tôi
đánh moóc-xơ [morse], gửi thư và “điện thoại” cho nhau bằng cách gào qua cửa
sổ - tóm lại, sự liên lạc hầu như liên tục. Tôi “gõ” những vần thơ của tôi
làm hồi ở Khéc-xôn cho các bạn hàng xóm, để đáp lại họ báo tin tức cho tôi. Qua
cửa sổ, tôi được Sơ-vi-gốp-xki cho biết gói giấy của tôi đã lọt vào tay cảnh
binh, nhờ thế tôi dễ dàng làm hỏng kế hoạch của đại tá Đrem-liu-ga
[Dremliouga], ông này muốn nhử tôi vào bẫy. Phải nói rằng trong giai đoạn ấy,
chúng tôi còn chưa theo chiến thuật về sau này, là từ chối trả lời mọi câu hỏi
khi bị khảo cung.
Nhà tù chật ních những người bị bắt sau thất bại toàn diện của phong trào mùa
xuân tại nước Nga. Ngày 1 tháng Ba 1898, trong khi tôi bị giam ở nhà tù Khéc-xôn,
Đại hội thành lập đảng Xã hội Dân chủ được tổ chức tại Min-xcơ
[Minsk]. Chỉ có chín người tham gia. Hầu như ngay lập tức, họ bị chìm vào làn
sóng bắt bớ. Vài tháng sau không còn ai nhắc tới Đại hội này. Nhưng những hệ
quả của nó về sau có ảnh hưởng đến lịch sử nhân loại... Bản Tuyên ngôn được
thông qua vẽ ra viễn cảnh sau đây của cuộc đấu tranh chính trị:
Càng đi
về phía Đông châu Âu, giai cấp tư sản càng hèn hạ và khốn nạn trên phương diện
chính trị, do đó những nhiệm vụ văn hóa và chính trị mà giai cấp vô sản phải
gánh vác lại càng to lớn hơn.
Về phương diện lịch sử, có cái gì chua chát trong việc tác giả bản tuyên ngôn - Pi-ốt Xtru-vê, nhân vật rất được nhiều người biết đến - sau đó lại trở thành lãnh tụ phong trào tự do, và cuối cùng là nhà báo của trào lưu phản động, tôn sùng giáo hội và chủ nghĩa quân chủ.
Trong những tháng đầu ở nhà tù Ô-đét-xa, tôi không nhận được sách vở từ bên ngoài và buộc phải bằng lòng với lượng sách của thư viện nhà tù, phần lớn gồm những tạp chí tôn giáo và lịch sử có nội dung bảo thủ, được ấn hành từ nhiều năm. Tôi nghiền ngẫm chúng với sự thèm khát không nguôi. Tôi làm quen với mọi giáo phái và dị giáo thời cổ đại và hiện đại, những ưu đãi đặc biệt đối với sự tôn thờ chính giáo, những lý lẽ tốt nhất để chống đạo Thiên Chúa, Tin Lành, tư tưởng Tôn-xtôi và học thuyết Đác-uyn. Tinh thần Cơ đốc - tôi đọc trong tờ Pra-vô-xláp-nôi-ê Ô-bô-dơ-rê-ni-ê [Pravoslavnoié Obozrenié] (Tạp chí Chính giáo) - yêu những môn khoa học thực sự và trong số đó, các môn khoa học tự nhiên, như những bà con tinh thần của đức tin. Câu chuyện con lừa của Balaam biết tranh luận với nhà tiên tri là điều kỳ diệu không thể bác bỏ, ngay cả theo quan điểm khoa học: “Bởi vì có cả những con vẹt, thậm chí hoàng yến biết nói nữa cơ mà.” Lý lẽ này của tổng giám mục Nhi-ca-nô [Nikanor] làm tôi bận tâm trong nhiều ngày; đôi khi trong cơn mơ tôi cũng thấy nó. Các bài nghiên cứu về ma vương hoặc ác quỷ, về những chúa tể của chúng, về quỷ Sa-tăng và cõi âm đen tối - với sự ngu xuẩn được pháp điển hóa hàng thiên niên kỷ - luôn làm tôi ngạc nhiên và gây nỗi hào hứng cho tư duy trẻ trung, duy lý của tôi. Những công trình tràng giang đại hải về thiên đường, về bài trí bên trong và vị trí của nó đều được kết thúc bằng nhận xét đượm vẻ buồn bã: “Chưa có những dữ kiện chính xác về địa điểm của thiên đường”. Tôi tự thầm nhắc câu nói này khi ăn trưa, lúc uống trà và đi dạo. Như vậy người ta không có số liệu gì vĩ độ địa lý của cõi thiên đường cực lạc. Mỗi khi có dịp, tôi luôn tranh luận về thần học với hạ sĩ cảnh binh Mích-lin [Mikline]. Đó là là một kẻ keo kiệt, dối trá và độc ác, nhưng vô cùng thành thạo kinh truyện và sùng đạo tuyệt đối. Leo thật nhanh trên những bậc thang sắt, tay vung vẩy chùm chìa khóa, ông ta lẩm nhẩm các bài hát nhà thờ. Tìm cách gây ấn tượng với tôi, Mích-lin nói:
-
Chỉ vì một cách gọi thôi, lẽ ra phải nói là “Đức mẹ của Chúa”, tên dị giáo A-ri-út
[Arius] lại gọi là “mẹ của Kitô” nên y đã bị vỡ bụng đấy.
- Thế tại sao tất cả những tên dị giáo bây giờ lại bình an vô sự?
- Bây giờ, bây giờ... thời thế đã đổi khác rồi. - Mích-lin đáp, vẻ phật ý.
Theo yêu cầu của tôi, chị tôi từ làng lên thăm mang cho tôi bốn cuốn Phúc
Âm bằng tiếng nước ngoài. Dựa vào những kiến thức thu nhận được trong
nhà trường về tiếng Đức và Pháp, tôi đọc và đối chiếu từng dòng một cuốn sách
ấy bằng cả tiếng Anh và Ý. Trong vài tháng tôi tiến bộ đáng kể. Cũng phải nói
rằng năng khiếu về ngôn ngữ của tôi khá bình thường. Cho đến giờ tôi vẫn không
biết hoàn hảo một ngôn ngữ nào mặc dầu tôi đã sống dài hạn ở nhiều nước châu Âu
khác nhau.
Trong thời gian gặp mặt, tù nhân bị lùa vào những chiếc chuồng hẹp bằng gỗ,
ngăn cách những người đến thăm bởi hai lớp lưới sắt. Khi vào thăm lần đầu, cha
tôi tưởng tôi phải sống trong cái cũi chật hẹp ấy suốt thời gian bị cầm tù. Cảm
giác rùng mình khiến ông không nói nên lời. Ông chỉ mấp máy đôi môi trắng bệch
và lặng thinh trước những câu hỏi của tôi. Không bao giờ tôi quên gương mặt ông
lúc ấy. Khi mẹ tôi đến, bà đã được cha tôi báo trước nên tỏ vẻ bình tĩnh hơn.
Tiếng vọng những sự kiện tầm cỡ thế giới chỉ đến với chúng tôi như những mảnh
vụn rời rạc. Cuộc chiến ở Nam Phi không tác động mấy đến chúng tôi. Chúng tôi
vẫn là dân tỉnh lẻ thực thụ theo đúng nghĩa của từ này. Chúng tôi giải thích
cuộc chiến tranh giữa người Anh và Bô-e [Boers] như thắng lợi tất yếu của tư
bản lớn đối với tư bản nhỏ. Vụ Đơ-rây-phuýt [Dreyfus], đạt đến đỉnh cao vào lúc
bấy giờ, thỉnh thoảnh thu hút chúng tôi bằng tính bi kịch của nó. Một lần chúng
tôi nhận được tin vịt là ở Pháp có đảo chính và nền quân chủ được tái thiết.
Cảm giác nhục nhã không gì rửa nổi khiến chúng tôi rầu rĩ. Lũ cảnh binh lo lắng
chạy dọc các hành lang và cầu thang sắt để chấm dứt sự đập phá và kêu la. Chúng
tưởng chúng tôi bất bình vì bữa ăn trưa quá tệ. Nhưng không, đó là sự phản đối
kịch liệt âm mưu phục hồi nền quân chủ Pháp của cánh tù nhân chính trị.
Những bài báo về hội Tam Điểm đăng trên các tạp chí thần học khiến tôi chú ý.
Trào lưu kỳ lạ ấy xuất phát từ đâu? Chủ nghĩa Mác-xít giải thích hiện tượng này
ra sao? - tôi tự hỏi. Trong một thời gian khá dài, tôi chống lại chủ nghĩa duy
vật lịch sử (tôi dựa vào lý thuyết đa nhân tố lịch sử, lý thuyết này như đã
biết - đến nay vẫn là chiều hướng phổ biến nhất của khoa học xã hội). Con người
gọi những mặt khác nhau của các hoạt động xã hội của họ là những nhân tố, họ
gán cho khái niệm ấy một tính siêu xã hội và giải thích một
cách mê muội những hoạt động xã hội của chính mình như sản phẩm của tác động
tương hỗ của những lực độc lập ấy. Các nhân tố ấy đến từ đâu, chúng phát triển
trong những điều kiện nào từ xã hội nhân loại nguyên thủy? Chủ nghĩa triết trung
chính thức hầu như không đụng chạm đến vấn đề này. Trong buồng giam, tôi hào
hứng đọc hai tiểu luận nổi tiếng của An-tô-ni-ô La-bri-ô-la [Antonio Labriola],
học giả Mác-xít già người Ý, theo xu hướng Hê-ghen [Hégel]. Hai bản này lọt vào
nhà tù bằng tiếng Pháp. La-bri-ô-la thuộc số ít những nhà văn thuộc hệ La Tinh
nắm vững duy vật Mác-xít, trong phương diện triết học lịch sử chứ không phải
trong lĩnh vực chính trị mà ông vốn tù mù. Dưới vẻ hào hoa tài tử, bài viết của
ông chứa nhiều điểm sâu sắc thực sự. La-bri-ô-la thanh toán một cách tuyệt vời
chủ thuyết đa nhân tố lịch sử chất chứa trên đỉnh Ô-lim-pơ [Olympe] của lịch sử
và ngự trị số kiếp chúng ta từ những đỉnh cao vời vợi. Và dù đã ba chục năm
trôi qua kể từ ngày tôi đọc các tiểu luận của ông, trình tự tư tưởng khái quát
của ông khắc sâu trong ký ức tôi cũng như điệp khúc: “Tư tưởng không rơi từ
trên trời xuống”. Sau những bài viết ấy, các lý thuyết gia Nga về tính đa dạng
của những nhân tố - như Láp-rốp [Lavrov], Mi-khai-lốp-xki [Mikhailovsky], Ca-rê-i-ép
[Karéiev] và nhiều người khác - đều yếu ớt trong mắt tôi. Rất lâu về sau, tôi
vẫn không tài nào hiểu nổi những nhà Mác-xít đã bị ảnh hưởng bởi cuốn sách cằn
cỗi mang tựa đề Kinh tế và luật pháp của giáo sư người Đức Stam-le
[Stammler], một trong vô số cố gắng để mở một lối cho dòng chảy tự nhiên và
lịch sử từ con vi trùng a-míp đến thời chúng ta - vượt qua những vòng khép kín
của các phạm trù vĩnh cửu - thực tế chỉ là những phiên bản còn đọng lại trong
não bộ mấy nhà thông thái rởm.
Chính vào thời đó tôi bắt đầu chú ý đến vấn đề hội Tam Điểm. Trong nhiều tháng
trời, tôi hăng hái đọc những sách vở liên quan đến hội này, do họ hàng và bạn
bè mang từ thành phố lên. Tại sao, vì cớ gì mà từ đầu thế kỷ XVII, những thương
gia, nghệ sĩ, chủ ngân hàng, viên chức và trạng sư lại quyết định tự gọi mình
là “thợ nề”, lặp lại nghi thức phường hội thời Trung cổ? Thử hỏi cái hội giả
trang kỳ lạ ấy bắt nguồn từ đâu? Bức tranh dần dần sáng tỏ. Phường hội thời xưa
không chỉ là một nhóm sản xuất, nó còn là một tổ chức mang tính đạo đức và
phong tục riêng. Từ mọi phía, nó quyết định đời sống của dân thị thành, đặc
biệt là phường hội những thợ bán thủ công, bán nghệ sĩ thuộc ngành xây dựng.
Việc nền kinh tế theo kiểu phường hội bị giải thể đánh dấu sự khủng hoảng tinh
thần của một xã hội vừa thoát khỏi thời Trung cổ. Đạo đức mới hình thành chậm
hơn rất nhiều so với sự sụp đổ của đạo đức cũ. Từ đó, nảy ra sự cố gắng -
thường thấy trong lịch sử nhân loại - nhằm giữ lại những hình thức kỷ luật đạo
đức mà tiến trình lịch sử (trong trường hợp này là những cơ sở phường hội của
sản xuất) đã đào thải từ lâu. Cuối cùng, hội Tam Điểm hành động trở thành một
thứ Tam Điểm tư biện. Nhưng như điều thường thấy ở các trường hợp tương tự,
những hình thức đạo đức và phong tục lạc hậu mà con người cố giữ lại cho mình -
chính vì tính hình thức của chúng - đã chứa đựng một nội dung mới và khác hẳn
dưới tác động đời sống. Trong một số xu hướng của hội Tam Điểm, có thể nhận
thấy trực tiếp những nhân tố phong kiến phản động khá mạnh, chẳng hạn trong hệ
thống nghi thức kiểu Tô Cách Lan. Tuy vậy vào thế kỷ XVIII, ở nhiều nước, các
dạng của hội Tam Điểm được bổ sung bằng sự khai sáng tác chiến, nội dung của
học thuyết khai sáng từng đóng vai trò tiền cách mạng; cánh tả của họ tiến đến
phong trào Các-bô-na-ri [Karbonari] (ở Ý). Vua Lu-i [Louis] XVI và bác sĩ Ghi-ô-tanh
[Guillotine] (người sáng chế ra chiếc máy chém) cũng là hội viên Tam Điểm. Ở
miền Nam nước Đức, hội Tam Điểm bắt đầu mang tính cách mạng công khai; trong
cung của nữ hoàng Ca-tê-ri-na [Catherine] Đệ nhị, nó trở thành biểu hiện giả
dối của hệ thống tôn ti trật tự quý tộc và viên chức. Vị nữ hoàng hội viên Tam
Điểm ấy đã đày ông Nô-vi-cốp [Novikov] đi Xi-bê-ri, ông này cũng là một hội viên
Tam Điểm.
Nếu ngày nay, vào thời kỳ hàng may sẵn trở nên rẻ tiền và hầu như không còn ai
nghĩ đến việc dùng chiếc áo rơ-đanh-gốt [redingote] của ông nội mình thì trong
lĩnh vực tư tưởng, áo rơ-đanh-gốt và váy kri-nô-lin [krinoline] vẫn được sử
dụng rộng rãi. Trữ lượng tư tưởng được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ
khác, dù gối và chăn bà nội đã bốc mùi chua mốc. Kể cả những kẻ buộc phải thay
đổi quan niệm cũng thường nhồi nhét các ý đồ của mình trong những hình thức cũ.
Cách mạng diễn ra trong kỹ thuật sản xuất có tác động lớn hơn nhiều so với cuộc
cách mạng trong tư tưởng chúng ta; ở đó, người ta vẫn luôn thích vá víu và khâu
lộn quần áo hơn là may một chiếc mới. Bởi thế, những tín đồ tiểu tư sản Pháp
của thể chế đại nghị - cố gắng chống lại lực ly tán của những hoàn cảnh đương
thời bằng cái vẻ giả mạo nào đó của mối quan hệ đạo đức giữa con người - thấy
không còn gì hơn là chui vào một chiếc tạp dề trắng và tự vũ trang bằng cái
com-pa hoặc sợi dây dọi. Như thế, thực ra họ không có ý xây dựng một tòa nhà
mới mà chỉ muốn đi vào một tòa nhà cũ kỹ của nghị viện hoặc chính phủ.
Vì ở trong nhà tù, cứ mỗi lần phát vở mới người ta lại thu cuốn cũ đã viết đầy,
tôi dùng quyển vở một ngàn trang có đánh số để nghiên cứu vấn đề Tam Điểm.
Trong đó tôi chép bằng chữ rất nhỏ những đoạn trích từ vô số sách vở và xen vào
cách nhìn nhận của tôi về hội Tam Điểm và quan niệm duy vật lịch sử.
Việc này làm tôi mất tổng cộng gần một năm. Tôi hoàn chỉnh một số chương, chép
lại vào những cuốn vở được đưa lậu từ ngoài vào và gửi chúng cho bạn bè tại các
phòng giam khác để họ đọc. Chúng tôi có một hệ thống rất phức tạp gọi là “điện
thoại” để làm việc này. Nếu phòng giam của người nhận tài liệu không xa tôi
lắm, anh ta sẽ lấy một vật nặng buộc vào một sợi dây, thò tay hết sức qua song
sắt và lẳng nó đi. Trước đó, chúng tôi đã thảo luận cách chuyển giao bằng cách
gõ báo hiệu; khi ấy tôi cũng luồn một cái chổi ra ngoài, càng xa càng tốt. Khi
vật nặng quấn được vào quanh chổi, tôi kéo nó vào phòng và buộc bản thảo vào
đầu sợi dây. Nếu người nhận ở xa hơn thì phải truyền qua hàng loạt những “ga
trung gian”, dĩ nhiên điều này làm cho mọi việc phức tạp lên nhiều.
Vào cuối thời gian ngồi tù ở Ô-đét-xa, quyển vở dày của tôi - được hạ sĩ cảnh
binh U-xốp [Oussov] xác nhận và ký tên chứng thực - đã trở thành một kho tàng
thực sự mang tính uyên bác lịch sử và có chiều sâu triết học. Không biết ngày
nay có thể đem nó ra in ở dạng như đã được viết không? Cùng một lúc, quá nhiều
loại kiến thức thuộc đủ mọi lĩnh vực đổ xuống đầu tôi từ các thời kỳ và các
quốc gia khác nhau. Tôi sợ mình muốn nói quá nhiều thứ một lúc trong tác phẩm
đầu tay của mình. Nhưng tôi cho rằng những suy nghĩ và kết luận chính đều đúng.
Vào hồi đó tôi đã cảm thấy mình đứng khá vững trên đôi chân và cảm giác ấy càng
mạnh khi công việc càng tiến triển. Ngày nay tôi dám đánh đổi tất cả để tìm lại
cuốn vở lớn ấy! Nó theo tôi suốt cả thời gian đi đày; thật ra lúc đó tôi thôi
không nghiên cứu lịch sử hội Tam Điểm nữa và chuyển sang học hỏi hệ thống kinh
tế của Mác. Khi tôi trốn ra nước ngoài, A-lếch-xan-đơ-ra Lơ-vốp-na chuyển cho
tôi quyển vở từ nơi lưu đày nhân dịp cha mẹ tôi đến thăm tôi ở Pa-ri năm 1903.
Cuốn vở ấy cùng một ít bản thảo, thư từ tôi viết trong lúc di tản đã nằm lại Giơ-ne-vơ
[Genève] khi tôi về lại Nga một cách bất hợp pháp; sau đó nó thuộc kho lưu trữ
của tờ Ích-cờ-ra [Iskra] (Tia lửa): nơi đó trở thành nhà mồ
trước thời hạn của cuốn vở. Sau khi trốn khỏi Xi-bê-ri ra nước ngoài, tôi cố
tìm lại tác phẩm của mình nhưng vô hiệu. Hẳn là bà chủ nhà người Thụy Sĩ được
giao phó việc giữ gìn các bản thảo đã dùng quyển vở này để nhóm lò hoặc vào
những nhu cầu khẩn thiết khác. Tôi không tránh khỏi việc buông một lời trách
móc với người phụ nữ khả kính này.
Nghiên cứu phong trào hội Tam Điểm trong tù với lượng sách vở rất hạn chế trong
tầm tay là điều bổ ích đối với tôi. Thời đó tôi hoàn toàn không biết đến những
tài liệu Mác-xít cơ bản. Các tiểu luận của An-tô-ni-ô La-bri-ô-la là những bài
đả kích mang tính triết học và như thế, chúng đòi hỏi những kiến thức mà tôi
chưa có và đành phải thay thế bằng các phỏng đoán. Sau khi từ giã những thử
nghiệm của La-bri-ô-la, tôi có một mớ giả thuyết trong đầu. Công trình về hội
Tam Điểm là thử thách cho những giả thuyết ấy. Tôi không phát hiện được gì mới.
Những kết luận mang tính phương pháp luận của tôi đều đã được tìm thấy từ lâu
và còn được áp dụng trong thực tiễn. Nhưng tôi tự lần mò và tiến đến chúng,
trong một chừng mực nào đó, nhờ vào sức của chính mình. Tôi cho rằng điều này
có tác động đến toàn bộ sự phát triển tư tưởng của tôi sau này. Về sau, tôi tìm
thấy trong các công trình của Mác, Ăng-ghen, Plê-kha-nốp [Plékhanov], Mê-rinh
[Mehring] sự xác nhận những điều mà lúc trong tù, tôi mới chỉ coi là ý kiến cá
nhân, còn cần phải lý giải và kiểm tra lại. Ngay từ đầu, tôi không chấp nhận
duy vật lịch sử dưới hình thức giáo điều, bắt buộc. Lần đầu tiên, biện chứng
đến với tôi không bằng những định nghĩa trừu tượng mà như một thứ lò xo sống
động, tôi tìm thấy ngay trong quá trình lịch sử bởi vì tôi gắng sức để hiểu nó.
Vào thời gian ấy, những cơn sóng bắt đầu dâng lên cao khắp đất nước. Trong hoàn
cảnh này, biện chứng lịch sử cũng thỏa sức hoạt động, nhưng nó đã đi vào thực
tế và trên một quy mô rộng lớn. Phong trào sinh viên, học sinh chuyển thành
những cuộc biểu tình. Kỵ binh Cô-dắc [Cosaques] đàn áp sinh viên bằng roi ngựa.
Những người mang tư tưởng tự do bất bình vì con cái họ bị hành hạ. Đảng Xã hội
Dân chủ vững mạnh lên, ngày càng hòa nhập vào phong trào công nhân. Hoạt động
cách mạng thôi không còn là đặc quyền của các nhóm trí thức. Số công nhân bị
cầm tù ngày càng tăng. Trong nhà tù, dù có phải chen chúc chật chội, vẫn còn dễ
thở hơn. Vào cuối năm thứ hai, chúng tôi nhận bản án về vụ “Liên minh Công nhân
miền Nam nước Nga”: bốn bị cáo chính bị đày bốn năm ở Đông Xi-bê-ri. Chúng tôi
còn phải ở lại hơn sáu tháng trong nhà tạm giam Mát-xcơ-va. Thời kỳ ấy đi đôi
với việc nghiên cứu lý thuyết cao độ của tôi. Ở đây, lần đầu tôi nghe nói đến
Lê-nin và cũng tại đây, tôi đọc cuốn sách vừa mới xuất bản của ông về sự phát
triển của chủ nghĩa tư bản Nga. Cũng tại đây, tôi viết và chuyển ra ngoài cuốn
sách mỏng về phong trào công nhân Nhi-cô-lai-ép, được in tại Giơ-ne-vơ
sau đó ít lâu. Chúng tôi bị chuyển đi từ trại giam Mát-xcơ-va vào mùa hè. Dọc
đường chúng tôi dừng lại nhiều lần ở những nhà tù khác. Chúng tôi chỉ đến nơi
lưu đày được ấn định vào mùa thu năm 1900.