Đời tôi (Tập 1) - Chương 10

CHƯƠNG X: TRỐN THOÁT LẦN THỨ NHẤT

Mùa thu sắp đến và như chúng tôi đã dự tính, đường xá xấu đến nỗi không thể đi lại được. Để đẩy nhanh việc chạy trốn, chúng tôi quyết định làm hai mẻ cùng một lúc. Một nông dân bạn tôi nhận đưa tôi cùng cô E. G. - nữ dịch giả các tác phẩm của Mác - trốn khỏi vùng Véc-khô-len-xcơ. Ban đêm trên một cánh đồng, anh dấu chúng tôi trong xe ngựa và phủ bằng chiếu và cỏ khô như một thứ hàng chuyên chở. Đồng thời, để có lợi thế hai ngày trước cảnh sát, chúng tôi đặt tại nhà một người gỗ vào chăn, làm ra vẻ tôi bị ốm. Người đánh xe đưa chúng tôi đi theo kiểu Xi-bê-ri, tức là với tốc độ gần hai chục dặm một giờ. Lưng tôi chịu xóc bởi mọi hốc rãnh và tôi đếm từng tiếng kêu rên cố nén lại của người bạn gái đồng hành. Chúng tôi thay ngựa hai lần dọc đường. Gần đến đường sắt, tôi chia tay cô bạn đồng hành để giảm những sai lầm hoặc hiểm nguy cho cả đôi bên. Tôi lên tàu hỏa ngồi và không có sự cố đặc biệt gì xảy ra; ở đó có một va-li đựng quần áo lót có hồ bột, vài chiếc cà-vạt cùng vài thứ khác của nền văn minh - do các bạn tôi tại Iếc-cút-xcơ mang đến. Tôi có trong tay một cuốn của Hô-me-rơ [Homère] do Gơ-ni-ê-đích [Gniéditch] dịch ra tiếng Nga dưới thể thơ lục ngôn. Trong túi có một hộ chiếu mang tên Trốt-xki do tôi đã ghi một cách ngẫu nhiên, không ngờ người ta sẽ gọi tôi suốt đời bằng cái tên ấy.

Tôi đi về phía Tây theo đường sắt Xi-bê-ri. Các cảnh binh nhà ga thờ ơ diễu qua cạnh tôi. Những phụ nữ Xi-bê-ri đẫy đà mang gà, lợn quay, sữa đóng chai và hàng núi bánh mì ròn ra ga bán. Mỗi ga có vẻ như một cuộc triển lãm về kinh tế vùng Xi-bê-ri. Trong suốt chuyến đi, cả toa tàu uống nước chè và nhai loại bánh mới rẻ tiền. Tôi đọc những vần thơ lục ngôn và mơ màng về nước ngoài. Cuối cùng chuyến tẩu thoát thực ra cũng chẳng có gì lãng mạn. Nó chìm trong những buổi uống trà bất tận.

Tôi dừng lại một thời gian ở Xa-ma-ra [Samara], tổng hành dinh trong nước của tờ Ích-cờ-ra. Đứng đầu bộ tham mưu ấy là Crgiư-gI-a-nốp-xki [Krjijanovsky], hiện nay là chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Mang bí danh “Cơ-le” [Khler] (Lanh lợi), anh và vợ anh là bạn của Lê-nin trong đảng Xã hội Dân chủ ở Pê-téc-bua trong thời gian 1894-1895 và cả lúc họ bị đi đày ở Xi-bê-ri. Liền ngay sau khi cách mạng 1905 bị dập tắt, Cơ-le cùng hàng ngàn chiến sĩ khác rời bỏ đảng và trên cương vị kỹ sư, anh chiếm một vị trí rất có uy tín trong giới công nghệ. Những đảng viên hoạt động bất hợp pháp phàn nàn chuyện anh từ chối giúp đỡ cả những việc mà trước kia phe tự do chủ nghĩa từng giúp họ. Sau mười, mười hai năm gián đoạn, Crgiư-gI-a-nốp-xki tái nhập đảng, lúc đó đã giành được chính quyền. Đó là con đường một số lớn trí thức đã đi theo, ngày nay họ là chỗ dựa của Xta-lin.

Ở Xa-ma-ra, có thể nói tôi chính thức gia nhập tổ chức Ích-cờ-ra dưới một bí danh Cơ-le đã đặt cho tôi: “Pi-ê-rô” (Ngòi bút). Điều này chứng tỏ người ta đã thừa nhận những thành công trong thời làm báo của tôi ở Xi-bê-ri. Tổ chức Ích-cờ-ra bắt đầu bằng việc gây dựng lại đảng. Đại hội lần thứ nhất họp tháng ba năm 1898 ở Min-xcơ không thành công trong việc thành lập một tổ chức đảng tập trung. Những vụ bắt bớ hàng loạt làm tan vỡ bộ máy non trẻ, chưa có cơ sở cần thiết trong nước. Sau việc này, phong trào cách mạng phát triển trong những tụ điểm tách biệt và tương đối mang tính cục bộ địa phương. Đồng thời, trình độ tư tưởng xuống dốc. Trong cuộc đấu tranh để giành quần chúng, những người xã hội dân chủ đẩy các khẩu hiệu chính trị vào hậu trường. Một khuynh hướng mang tên “kinh tế” được hình thành và lớn mạnh nhờ sự phát triển mạnh mẽ trong thương mại, công nghiệp cũng như phong trào đình công. Đến tận cùng thế kỷ trước, một cuộc khủng hoảng rõ rệt nổ ra làm trầm trọng thêm toàn bộ những mâu thuẫn trong nước và thúc đẩy cao trào chính trị. Ích-cờ-ra tiến hành một cuộc chiến đấu quyết liệt với những đại diện tỉnh lẻ của phe “kinh tế”, nhằm lập ra một đảng cách mạng tập trung. Bộ Tổng tham mưu của Ích-cờ-ra nằm ở nước ngoài, điều này đảm bảo sự ổn định tư tưởng của tổ chức. Tổ chức này thống nhất những nhà cách mạng được gọi là “chuyên nghiệp”, gắn bó chặt chẽ họ bởi sự thống nhất của lý thuyết và công tác thực tiễn. Thời đó, đa số các chiến sĩ của Ích-cờ-ra thuộc tầng lớp trí thức. Họ đấu tranh để nắm uy thế trong các ủy ban xã hội dân chủ địa phương và chuẩn bị một đại hội đảng đủ sức đảm bảo thắng lợi những tư tưởng và phương pháp của Ích-cờ-ra. Đây là một phác thảo, một “bản nháp” của tổ chức cách mạng - vừa phát triển, tôi luyện, tấn công và phòng thủ, vừa gắn bó ngày càng mật thiết hơn với quần chúng công nhân, ngày càng đặt ra những nhiệm vụ nặng nề hơn - mười lăm năm sau sẽ lật đổ giai cấp tư sản và giành chính quyền.

Theo lệnh văn phòng bộ chỉ huy tại Xa-ma-ra, tôi đi Khác-cốp, Pôn-ta-va và Ki-ép để gặp gỡ vài nhà cách mạng đã gia nhập Ích-cờ-ra hoặc còn ở diện phải thuyết phục. Tôi trở về Xa-ma-ra với kết quả khá nghèo nàn: ở miền Nam các mối liên lạc còn yếu, tại Khác-cốp địa chỉ liên lạc bí mật không tồn tại, còn ở Pôn-ta-va tôi rơi vào thứ chủ nghĩa yêu nước cục bộ. Không thể làm được gì bằng những chuyến đi đột ngột như thế, phải làm việc nghiêm túc hơn.

Tuy nhiên, Lê-nin người có quan hệ liên lạc thư từ rất sống động với ban chỉ huy ở Xa-ma-ra - giục tôi ra nước ngoài. Cơ-le đưa tiền đi đường kèm những chỉ dẫn cần thiết để tôi có thể vượt biên giới Áo, đoạn gần Ca-mê-nhét Pô-đôn-xcơ [Kamenetz Podolsk].

Một loạt chuyện phiêu lưu mang tính hài hước hơn là bi thảm bắt đầu ngay từ nhà ga Xa-ma-ra. Để lũ cảnh binh không chú ý tới, tôi quyết định chỉ lên tàu vào phút chót. Một sinh viên tên là Xô-lô-vi-ốp [Soloviov] có nhiệm vụ mang chiếc va-li lên tàu, chiếm một chỗ và chờ đợi tôi; hiện nay anh là một lãnh tụ Công đoàn Dầu lửa. Tôi dạo chơi bình thản trên cánh đồng khá xa nhà ga, thỉnh thoảng liếc nhìn đồng hồ. Đột nhiên, tôi chợt nghe tiếng chuông thứ hai. Tôi nhận ra là người ta báo nhầm thời điểm xuất phát và mở hết tốc lực chạy về phía nhà ga. Đến lúc ấy, Xô-lô-vi-ốp vẫn nghiêm túc chờ tôi trên toa nhưng khi vừa có tín hiệu tàu chuyển bánh, anh xách va-li nhảy xuống và liền bị các nhân viên nhà ga cùng lũ cảnh binh bao vây. Việc xuất hiện một kẻ chạy đến đứt hơi sau khi tàu đã chuyển bánh (là tôi) thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Đám cảnh binh dọa làm biên bản phạt Xô-lô-vi-ốp, nhưng rồi họ quên khuấy đi giữa những tràng nhạo báng cay nghiệt đổ lên đầu chúng tôi.

Tôi đến v ùng biên giới một cách may mắn. Ở ga cuối, một cảnh sát đòi xem hộ chiếu của tôi. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thứ giấy tờ chính tay tôi làm lấy lại được anh ta cho là hoàn toàn hợp pháp.
Công việc tổ chức cú vượt biên bất hợp pháp nằm trong tay một học sinh trung học, ngày nay là một nhà hóa học lỗi lạc, đứng đầu một viện khoa học của nước Cộng hòa Xô-viết. Chàng học sinh tự nhận mình là người xã hội cách mạng. Biết tôi thuộc tổ chức Ích-cờ-ra, đột nhiên anh lên giọng đe dọa và buộc tội:
- Anh có biết trong mấy số cuối này, tờ Ích-cờ-ra mở một cuộc đả kích nhục nhã chống lại chủ nghĩa khủng bố không?
Tôi định sa vào cuộc tranh luận mang tính lý thuyết thì anh ta giận dữ bồi thêm:
- Tôi cóc đưa anh qua biên giới nữa!
Kết luận này làm tôi choáng váng nhưng nó hoàn toàn hợp lý. Mười lăm năm sau, với vũ khí trong tay, chúng tôi phải lật đổ chính quyền của tập đoàn xã hội cách mạng. Nhưng trong giây phút này, vấn đề nhỏ nhất của tôi cũng lớn hơn mọi triển vọng lịch sử. Tôi cố chứng tỏ không thể trừng phạt tôi vì một bài báo của tờ Ích-cờ-ra và cuối cùng tôi tuyên bố sẽ không nhúc nhích trước khi có một người dẫn đường.
Chàng học sinh dịu giọng:
- Thôi được, nhưng đến đấy anh hãy nói với họ đây là lần cuối cùng!
Đêm hôm ấy, anh ta cho tôi ở trong căn nhà trống của một người làm nghề chào hàng, sống độc thân và đến hôm sau mới về. Tôi nhớ lờ mờ là phải trườn qua cửa sổ mới vào được căn nhà bị chủ nhân khóa trái.
Trong đêm, tôi bừng tỉnh bởi một luồng sáng bất thình lình. Một người lạ mặt nhỏ bé đội mũ cứng vành cúi xuống nhìn tôi, một tay cầm ngọn nến, tay kia cầm gậy. Một chiếc bóng khổng lồ đội mũ vành cứng cũng bò lại phía tôi từ trần nhà.
- Anh là ai? - Tôi hỏi vẻ tức tối.
- Thế mới kỳ chứ! - Người lạ mặt đáp, giọng buồn thảm. - Nằm trên giường người ta mà lại hỏi người ta là ai!
Tôi cố thanh minh với anh ta là lẽ ra ngày mai anh mới về, nhưng không thành công.
- Tôi biết rõ khi nào tôi phải về! - Anh ta phản bác và phải công nhận anh có lý.
Tình thế trở nên rắc rối.
- Tôi hiểu ra rồi. - Ông chủ nhà kêu lên, vẫn không ngừng chiếu đèn vào mặt tôi. - Lại một thủ thuật nữa của A-lếch-xan-đơ-rơ đây mà. Thôi được, ngày mai tôi sẽ xử cho anh ta vài câu!
Tôi vui mừng ủng hộ ý kiến may mắn ấy, rằng anh chàng A-lếch-xan-đơ-rơ xa xôi kia là lý do của mọi sự hiểu nhầm.
Phần còn lại của đêm tôi ở lại nhà anh chào hàng và được anh thân thiện mời trà.
Sáng hôm sau, cậu học sinh trung học thanh minh ầm ỹ với ông chủ nhà rồi giao tôi cho những kẻ buôn lậu ở thị trấn nhỏ mang tên Brô-đi [Brody].
Suốt ngày tôi nằm trên đệm rơm của một nông dân U-cơ-rai-na làm nghề phơi ngũ cốc; anh cho tôi ăn dưa hấu.
Đêm, dưới trời mưa tầm tã, chúng tôi khởi hành qua biên giới. Chúng tôi chập choạng, lang thang khá lâu trong màn đêm, bị vấp ngã luôn luôn.
- Này, leo lên lưng tôi đi! - Anh dẫn đường nói. - Trước mặt ta có nước đấy...
Tôi phản đối. Anh chàng U-cơ-rai-na vật nài:
- Không thể qua bờ bên kia mà ướt như chuột lột được!
Tôi phải để cho anh cõng, tuy vậy giày cũng ngấm đầy nước.
Chừng mười lăm phút sau, chúng tôi đã sấy khô trong căn nhà gỗ một người Do Thái thuộc lãnh thổ Áo của thị trấn Brô-đi. Chủ nhà cam đoan với tôi rằng người dẫn đường cố tình đưa tôi đến chỗ nước sâu để vòi thêm nhiều tiền. Về phần mình, anh chàng U-cơ-rai-na chia tay tôi rất vui vẻ và còn dặn tôi phải cảnh giác với người Do Thái, bao giờ cũng lấy đắt gấp ba kẻ khác. Khoản tiền dự trữ của tôi quả nhiên cạn đi nhanh chóng. Tôi còn phải đi tám cây số trong đêm mới đến nhà ga gần nhất. Khó khăn và nguy hiểm nhất là quãng đường một hai cây số dọc biên giới, chúng tôi phải theo một đường nhỏ bị mưa xói mòn trước khi gặp đường quốc lộ. Một công nhân Do Thái già chở tôi trên chiếc xe ngựa hai bánh.
- Không chóng thì chầy tôi cũng phải bỏ xác ở đây. - Ông ta lầu bầu.
- Sao thế?
- Lũ lính gọi dừng lại và nếu cậu không trả lời là chúng bắn liền. Ngọn đèn canh đêm của chúng nó kia kìa. Còn may là đêm nay khá an toàn.
Quả thực màn đêm thật an toàn: một đêm thu tối tăm mù mịt, mưa không ngừng quất vào mặt và bùn vỗ bập bềnh dưới móng ngựa. Xe chúng tôi leo lên một quả đồi, bánh xe cứ trượt đi; ông già động viên con ngựa bằng tiếng thì thầm khản đặc cố nén trong họng. Bánh xe lún sâu trong bùn, chiếc xe nhẹ nghiêng dần về một phía và thình lình đổ nhào. Bùn tháng mười sâu và lạnh buốt. Tôi ngã sóng xoài, ngập đến nửa người và tai hại nhất là mất cặp kính cặp mũi trong bùn. Nhưng kinh hoàng hơn cả là đúng vào giây phút xe đổ, một tiếng kêu vang lên ở đâu đó, ngay gần chúng tôi, một tiếng than tuyệt vọng, một lời kêu cứu, tiếng thét huyền bí cầu xin trời và trong màn đêm đen đặc, khó biết được cái tiếng bí ẩn, đầy tính biểu đạt nhưng vẫn không phải tiếng của của con người, tiếng đó phát ra từ đâu.
- Nó làm hại chúng ta rồi, nói thật với cậu đấy. - Ông già lắp bắp bởi tuyệt vọng. - Nó làm hại ta...
- Nhưng là cái gì vậy? - tôi nín thở hỏi.
- Một con gà trống, trời đánh thánh vật nó, con gà trống bà chủ giao tôi đem đến đồ tể để làm lông vào ngày thứ bảy.
Những tiếng kêu rợn tóc gáy bây giờ vang lên theo một chu kỳ thời gian đều đặn.
- Nó làm hại chúng ta, đồn gác chỉ cách đây hai trăm bước, lũ lính sẽ nhào ra ngay bây giờ...
- Vặn cổ nó đi! - Tôi thì thào giận dữ.
- Cổ ai cơ?
- Con gà trống ấy!
- Nhưng tìm nó ở đâu bây giờ? Nó bị cái gì đè lên rồi...
Cả hai chúng tôi bò, trượt trong đêm tối, hai tay mò mẫm trong bùn; trên đầu chúng tôi mưa vẫn rơi như roi quất. Chúng tôi nguyền rủa con gà trống và số phận của chúng tôi. Cuối cùng, ông già lôi được nạn nhân khốn khổ bị vùi dưới chăn của tôi. Con vật biết ơn im lặng ngay. Chúng tôi chung sức dựng chiếc xe dậy và tiếp tục cuộc hành trình. Đến ga, tôi mất đến ba tiếng đồng hồ để hong và tắm rửa trước khi tàu đến.
Sau khi đổi tiền, tôi mới biết mình không còn đủ tiền để đến đích, tức là đến Du-rích [Züürich], nơi tôi phải có mặt ở chỗ Ác-xen-rốt [Akselrod]. Tôi lấy một vé đến Viên: ở đó rồi sẽ hay.
Điểm làm tôi lạ nhất ở Viên là mặc dầu đã học tiếng Đức trong trường, tại đây tôi không hiểu ai và đa số người qua lại cũng không hiểu tôi. Tuy nhiên, tôi cũng giải thích được cho một ông già đội mũ cát-két rằng tôi muốn đến tòa soạn báo Arbeiter-Zeitung. Tôi quyết định phải giải thích cho chính Vích-to Át-le [Victor Adler] người đứng đầu đảng Xã hội Dân chủ Áo - biết rằng những lợi ích của cách mạng Nga đòi hỏi tôi phải đi Du-rích tức khắc. Ông già dẫn đường hứa sẽ đưa tôi đến nơi yêu cầu. Chúng tôi đi suốt một tiếng. Thì ra tòa soạn báo đã chuyển đi hai năm nay rồi. Chúng tôi lại đi tiếp nửa giờ nữa. Ở đó, người gác cổng tuyên bố: không phải giờ tiếp khách! Tôi không còn tiền để trả công người dẫn đường, tôi đang đói và quan trọng nhất là tôi phải đến Du-rích. Lúc đó, một vị cao lớn - bề ngoài không mấy thân thiện - đi xuống cầu thang. Tôi hỏi ông về Át-le...
- Anh biết hôm nay là thứ mấy không? - Ông hỏi vẻ nghiêm khắc.
Tôi chẳng hay biết gì. Qua một quãng đường dài trên tàu hỏa, xe ngựa, trong nhà anh làm nghề chào hàng, trong vựa rơm chàng U-cơ-rai-na, trong cuộc chiến đấu ban đêm với chú gà trống, tôi đã đánh mất khái niệm về thời gian.
- Hôm nay là chủ nhật. - Ông cao lớn nói, tách bạch từng âm tiết và tỏ ý muốn đi tiếp.
- Chẳng sao cả - tôi nói. - Tôi cần gặp Át-le.
Khi ấy người nói chuyện với tôi đáp lại bằng giọng một đại đội trưởng đương chỉ huy giữa chiến trận khốc liệt:
- Không thể gặp bác sĩ Át-le vào ngày chủ nhật, anh hiểu chứ?
- Nhưng tôi có chuyện cần kíp lắm! - Tôi cố nài nỉ.
- Cho dù việc của anh có cần kíp gấp mười lần thế này đi nữa cũng không được, hiểu không?
Ông ta chính là Phờ-rít Ao-xté-clít [Fritz Austerlitz], người làm cả tòa soạn báo khiếp đảm vì cái giọng nói “sấm sét”, như văn hào Uy-gô từng mô tả.
- Cho dù anh đến báo tin Nga hoàng các anh bị giết, anh nghe rõ chưa? Và rằng cách mạng nổ ra ở chỗ các anh, biết chửa? Thì điều này cũng không cho anh quyền quấy rầy buổi nghỉ ngơi ngày chủ nhật của bác sĩ!
Ao-xtéc-lít quả thật làm tôi vị nể bởi giọng nói ầm ầm như sóng cuộn. Tuy nhiên tôi cảm thấy ông nói những điều ngu xuẩn. Không thể đặt buổi nghỉ ngơi ngày chủ nhật đứng trên lợi ích cách mạng! Tôi quyết định sẽ không lùi bước. Tôi cần phải đến Du-rích. Ban biên tập tờ Ích-cờ-ra đang chờ tôi. Ngoài ra, tôi vượt ngục từ Xi-bê-ri về đây, lẽ ra điều này phải được người ta coi trọng chứ. Đứng ở chân cầu thang, tôi chặn đường người đối thoại đáng sợ. Cuối cùng, tôi cũng đạt được điều mong muốn: Ao-xtéc-lít cho tôi địa chỉ mà tôi khao khát. Tôi đến nhà Át-le cùng người dẫn đường cũ.
Một người thấp, lưng còng gần như gù, mí mắt phồng lên trên khuôn mặt mệt nhọc ra mở cửa cho tôi. Ở Viên, lúc đó đang diễn ra kỳ bầu cử vào Lan-tác [Landtag]; ngày hôm trước Át-le đã phát biểu trong nhiều cuộc họp và ban đêm ông còn ngồi viết những bài báo và lời hiệu triệu. Con dâu ông cho tôi biết tất cả những điều này sau đó mười lăm phút.
- Xin bác sĩ thứ lỗi vì tôi đã quấy rầy buổi nghỉ ngơi ngày chủ nhật của ông...
- Tiếp đi, cứ nói tiếp đi! - Át-le nói, vẻ cứng rắn nhưng với một giọng không làm người ta sợ mà còn có ý động viên. Trí tuệ toát ra từ mọi nếp nhăn trên mặt ông.
- Tôi là người Nga...
- Không phải nói điều này, chừng ấy thời gian đủ để tôi đoán ra rồi...
Trong khi bác sĩ nhanh chóng tìm hiểu tôi bằng ánh mắt, tôi kể lại cho ông nghe cuộc nói chuyện ở thềm cửa tòa soạn báo.
- Thế à? Người ta nói vậy với anh à? Ai nhỉ? Một người cao lớn? Và còn hét lên nữa? Đúng rồi, Ao-xtéc-lít đấy. Anh bảo ông ta hét lên à? Chỉ có thể là Ao-xtéc-lít thôi! Đừng quá quan tâm đến chuyện đó. Nếu anh mang tin cách mạng từ nước Nga qua, anh có thể bấm chuông nhà tôi ngay cả ban đêm. Ca-chi-a [Katia]! Ca-chi-a! - Đột nhiên ông kêu lên.
Cô con dâu ông bước vào. Đó là một người Nga.
- Nào, bây giờ công việc của anh sẽ thuận lợi đấy. - Ông nói rồi từ giã chúng tôi.
Cuộc hành trình tiếp tục của tôi đã được đảm bảo.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3