Đời tôi (Tập 1) - Chương 11

CHƯƠNG XI: LƯU VONG LẦN THỨ NHẤT

Từ Du-rích, tôi qua Pa-ri đến Luân Đôn [London] vào mùa thu năm 1902 trong một buổi sớm mai, có lẽ vào tháng mười. Tôi làm điệu bộ như diễn viên kịch câm khiến một anh đánh xe hiểu được và chở tôi đến địa chỉ ghi trên giấy. Nơi ấy là nhà ở của Lê-nin. Từ trước đó, ở Du-rích người ta đã bảo tôi phải gõ cửa ba lần. Na-đe-giơ-đa Côn-xtan-chi-nốp-na [Nadejda Konstantinovna] mở cửa cho tôi, tôi nghĩ hẳn bà bị đánh thức khỏi giường ngủ. Lúc đó còn quá sớm và bất kỳ ai thông thạo những hành vi thuộc nếp sống văn minh hơn tôi chắc đã phải bình tâm đợi một hai giờ ở nhà ga chứ không đến gõ cửa người lạ vào lúc tinh mơ ấy. Nhưng trong tôi vẫn còn sự căng thẳng của chuyến tẩu thoát khỏi Véc-khô-len-xcơ. Cũng với cung cách man rợ ấy, tôi đã quấy rối Ác-xen-rốt ở Du-rích, có điều không phải lúc bình minh mà vào giữa đêm.

Lê-nin còn nằm trên giường và trên khuôn mặt ông, sự vồn vã pha lẫn vẻ ngạc nhiên có lý. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện đầu tiên của chúng tôi đã diễn ra trong cảnh như vậy. Vơ-la-đi-mi-a I-lích [Vladimir Ilitch] và Na-đe-giơ-đa Côn-xtan-chi-nốp-na đã biết về tôi thông qua lá thư của Cơ-le và họ đợi tôi. Tôi được tiếp đón bằng câu “Ngòi bút đã đến”.

Tôi lập tức tuôn ra những ấn tượng về nước Nga từ cái bọc ít ỏi: những mối liên lạc ở miền Nam rất yếu ớt, địa chỉ gặp gỡ tại Khác-cốp không tồn tại, tòa soạn báo I-u-giơ-nưi Ra-bô-tri [Ioujny Rabotchy] (Công nhân miền Nam) chống lại sự sát nhập, biên giới Áo nằm trong tay một anh học trò không muốn giúp đỡ những người thuộc phái Ích-cờ-ra. Những sự kiện trần trụi nói trên không khiến tôi vui thích mấy, nhưng lòng tin vào tương lai thì chan chứa.

Có lẽ vào buổi sáng ấy hoặc hôm sau, tôi đi dạo rất lâu với Lê-nin trong lòng Luân Đôn. Đứng trên cầu, ông chỉ cho tôi điện Oét-min-xtơ [Westminster] và những dinh thự đáng chú ý khác. Tôi không nhớ lời lẽ của ông nhưng ông nói với một sắc thái như sau: “Đây là Oét-min-xtơ trứ danh của chúng nó”. Chúng nó, cố nhiên không để nói người Anh mà ám chỉ giai cấp thống trị. Sắc thái hoàn toàn không nhấn mạnh xuất phát từ nội tâm ấy được diễn đạt chủ yếu qua giọng nói, bao giờ cũng thấy ở Lê-nin mỗi khi ông nói về những giá trị văn minh, những tiến bộ mới, những cuốn sách quý báu của Bảo tàng Anh quốc hay về hệ thống tin tức của nền báo chí lớn châu Âu; sau đó nhiều năm, về pháo binh Đức hoặc không lực Pháp: “Bọn chúng có khả năng và đã có, đã làm hoặc đã đạt được. Ôi lũ kẻ thù gớm ghiếc!”. Cái bóng vô hình của giai cấp thống trị trong mắt ông dường như trải khắp nền văn mình toàn nhân loại; ông luôn cảm nhận cái bóng ấy một cách chắc chắn, hiển nhiên như ánh sáng ban ngày.

Lần ấy có lẽ tôi không để ý mấy đến nghệ thuật kiến trúc của Luân Đôn. Từ Véc-khô-len-xcơ, tôi đi thẳng ra nước ngoài, đây lại là lần đầu tiên trong đời nên Viên, Pa-ri và Luân Đôn tương đối trùng lặp trong tôi. Vấn đề nhỏ nhất của tôi cũng lớn hơn những “chi tiết” của lâu đài Oét-min-xtơ. Vả lại, tất nhiên Lê-nin dẫn tôi dạo chơi lâu như thế cũng không phải vì điều đó. Mục đích của ông là làm quen và “sát hạch” tôi một cách vô hình. Và quả thực, kỳ thi đã được thực hiện trên tất cả những môn của “giáo trình”.

Tôi kể cho ông nghe về những cuộc tranh luận ở Xi-bê-ri, chủ yếu về vấn đề một tổ chức tập trung, tôi nói với ông về bản tường trình tôi viết về đề tài này, về cuộc xung đột kịch liệt giữa tôi và những người dân túy già tại Iếc-cút-xcơ trong thời gian tôi ở đó vài tuần; về ba cuốn vở của Ma-khai-xki và tất cả những thứ khác. Lê-nin tỏ ra biết lắng nghe.

- Thế về mặt lý luận, mọi sự đi đến đâu?

Tôi nói rằng ở trại tam giam Mát-xcơ-va, chúng tôi đã cùng nhau nghiên cứu cuốn sách nhan đề Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga của Lê-nin, rằng tại nơi lưu đày chúng tôi nghiền ngẫm Tư bản luận nhưng bị mắc lại ở tập hai. Chúng tôi chăm chú theo dõi cuộc tranh luận giữa Béc-xten và Cao-xki [Kautsky] qua những tư liệu gốc. Trong số chúng tôi, không ai đứng về phía Béc-xten. Trên lĩnh vực triết học, chúng tôi rất mê cuốn sách của Bốc-đa-nốp [Bogdanov], người thống nhất chủ nghĩa Mác-xít với môn tri thức luận của Mắc [Mach] và A-vê-na-ri-út [Avenarius]. Vào lúc đó, Lê-nin cũng nhận định rằng cuốn sách của Bốc-đa-nốp chứa đựng những ý tưởng không tồi.

- Tôi không phải là triết gia. - Ông nói, giọng pha chút băn khoăn. - Nhưng Plê-kha-nốp đang kịch liệt lên án triết học của Bốc-đa-nốp, coi nó như một dị bản trá hình của chủ nghĩa duy tâm.
Vài năm sau, Lê-nin nghiên cứu triết học của Mắc và A-vê-na-ri-út trong một công trình lớn, về căn bản ông đánh giá theo cách của Plê-kha-nốp.
Trong lúc nói chuyện, tôi hồi tưởng lại: những số liệu thống kê đồ sộ mà Lê-nin sử dụng trong cuốn sách của ông về chủ nghĩa tư bản Nga đã gây ấn tượng lớn cho những người bị đi đày.
- Nhưng có thể làm việc đó ngày một ngày hai đâu... - Vơ-la-đi-mi-a I-lích đáp, hơi bối rối.
Cố nhiên ông rất vui khi thấy các đồng chí thuộc thế hệ trẻ hơn đã đánh giá đúng công sức lao động khổng lồ mà ông đã đầu tư cho các tác phẩm chính phân tích kinh tế. Khi nói về công việc của tôi, câu chuyện chỉ bàn đến những điều đại cương. Chúng tôi dự tính tôi sẽ ở nước ngoài một thời gian nữa, tìm hiểu các tài liệu được ấn hành, quan sát đây đó rồi mọi thứ sẽ tính sau. Sau một thời gian, tôi định bí mật trở về nước Nga để tiếp tục làm công tác cách mạng.
Na-đe-giơ-đa Côn-xtan-chi-nốp-na dẫn tôi về chỗ ở cách đó vài góc phố, tòa nhà mà Da-xu-lích [Zassoulitch], Mác-tốp [Martov] và Blu-men-phen [Blumenfeld] (lãnh đạo nhà in báo Ích-cờ-ra) đã ở. Có một phòng trống dành cho tôi. Trong căn nhà, theo phong tục người Anh, các phòng ở không phân bố theo chiều ngang mà theo chiều dọc: phòng dưới cùng của bà chủ nhà, sau đó các phòng trên của người thuê. Ngoài ra, có một phòng chung nơi chúng tôi thường uống cà phê, hút thuốc và bàn tán những chuyện bất tận. Ở đó vô cùng lộn xộn, một phần bởi lỗi Da-xu-lích nhưng Mác-tốp cũng tham gia. Sau chuyến đến thăm đầu tiên, Plê-kha-nốp gọi phòng này là “sào huyệt”.
Giai đoạn ngắn ngủi ở Luân Đôn của đời tôi bắt đầu như thế. Tôi háo hức lao vào chồng báo Ích-cờ-ra vừa ấn hành và các tập san Da-ri-a [Zaria] (Bình minh) do cùng một tòa soạn in ra. Đó là những tài liệu xuất sắc, chiều sâu khoa học được phối hợp với nhiệt tình cách mạng. Tôi mê Ích-cờ-ra thẳng thừng, xấu hổ về sự kém cỏi của mình và đem hết sức để cố bù đắp càng nhanh càng tốt. Chẳng bao lâu tôi cộng tác với tờ báo, thoạt đầu viết những đoạn ghi chú ngắn rồi những bài về chính trị, thậm chí cả xã luận.
Cũng trong thời gian này tôi diễn thuyết ở Oai-tơ - Sa-pen [White - Chapel], ở đó tôi đọ sức với Trai-cốp-xki [Tchaikovsky], vị lão trượng của những kiều dân, và Tréc-kê-dốp [Tcherkézov], một nhân vật không mấy trẻ trung của phái vô chính phủ. Tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe những lập luận ấu trĩ mà các cụ già đáng kính này dùng để đả phá chủ nghĩa Mác-xít. Tôi nhớ tôi trở về nhà trong trạng thái vô cùng hưng phấn, hầu như không cảm thấy hè phố dưới đế giày mình.
Tôi liên lạc được với Oai-tơ - Sa-pen và nói chung, với thế giới bên ngoài nhờ A-lếch-xây-ép [Alexéiev], cư dân lâu đời ở Luân Đôn, một người Mác-xít di tản có quan hệ với tòa soạn Ích-cờ-ra. Ông giúp tôi quen với đời sống thường nhật ở Anh và nói chung, đối với tôi ông là nguồn gốc mọi kiến thức. A-lếch-xây-ép hết sức tôn kính Lê-nin:
- Tôi cho rằng… - Ông nói nhiều lần. - …đối với cách mạng thì Lê-nin quan trọng hơn Plê-kha-nốp.
Cố nhiên, tôi không kể lại điều này với Lê-nin nhưng tôi nói với Mác-tốp. Không thấy ông nói gì.
Một ngày chủ nhật, tôi đi cùng Lê-nin và Cơ-rúp-xca-i-a tới một nhà thờ ở Luân Đôn, tại đó có một cuộc mít-tinh lớn của những người xã hội dân chủ xen giữa các bài thánh ca. Diễn giả là một người thợ sắp chữ in từ Úc về, anh ta nói về cách mạng xã hội. Sau đó tất cả cử tọa đứng dậy và đồng thanh hát: “Lạy Chúa quyền năng tuyệt đối của chúng con, xin Người làm cho không còn vua chúa và bọn giàu có nữa.”. Tôi không tin vào mắt và tai của mình.
Khi chúng tôi ra khỏi nhà thờ, Lê-nin nói về điều này:
- Trong giai cấp vô sản Anh, những yếu tố cách mạng và xã hội sống cùng nhau một cách tản mạn, nhưng chúng lại kết hợp với chủ nghĩa bảo thủ, với tôn giáo và các thành kiến nên không thoát ra và khái quát hóa được.
Sau khi ra về từ nhà thờ xã hội dân chủ, chúng tôi ăn trưa trong căn phòng nhỏ một ngôi nhà hai gian. Như mọi lần, người ta lại bông đùa: tôi có tự tìm thấy đường về nhà không? Bởi lẽ tôi rất vụng về trong việc nhận biết đường phố; thiên về hệ thống hóa, tôi gọi nhược điểm ấy của mình là “sự đần độn về địa hình”. Sau này tôi tiến bộ đôi chút trên phương diện này nhưng mọi kết quả không tự đến một cách dễ dàng.
Những khái niệm ít ỏi về Anh ngữ tiếp thu được trong nhà tù Ô-đét-xa hầu như không tăng thêm trong thời gian tôi ở Luân Đôn. Các sự kiện ở Nga chiếm hết tâm trí tôi. Chủ nghĩa Mác-xít tại Anh không có gì đặc sắc. Trung tâm các tư tưởng xã hội dân chủ thời đó nằm ở Đức và chúng tôi theo dõi sát sao cuộc đấu tranh giữa phe Mác-xít chính thống và những kẻ xét lại.
Ở Luân Đôn cũng như ở Giơ-ne-vơ sau này, tôi gặp Da-xu-lích và Mác-tốp nhiều hơn Lê-nin. Chúng tôi sống chung một nhà ở Luân Đôn, còn tại Giơ-ne-vơ, chúng tôi thường cùng ăn tối trong những tiệm ăn nhỏ nên mỗi ngày tôi gặp Mác-tốp và Da-xu-lích nhiều lần. Ngược lại, Lê-nin sống cùng gia đình; ngoài những buổi họp chính thức, mọi lần hội kiến với ông đều mang tính quan trọng của một sự kiện nhỏ.
Những thói quen và sự thích thú lối sống giang hồ, lãng tử của Mác-tốp hoàn toàn xa lạ với Lê-nin. Ông biết rằng thời gian, mặc dù mang tính tương đối, là giá trị quan trọng nhất. Lê-nin dành nhiều thời giờ trong thư viện của Bảo tàng Anh quốc, ông nghiên cứu lý thuyết và thường viết những bài báo ở đó. Được ông giúp đỡ, tôi cũng có thể vào nơi thánh đường này. Tôi cảm thấy cơn đói không thể dập tắt, gần như tôi ngạt thở trong dòng chảy của sách vở. Nhưng chẳng bao lâu sau tôi phải quay trở về lục địa.
Sau những buổi “diễn thuyết thử nghiệm” của tôi ở Oai-tơ - Sa-pen, người ta cử tôi đi nói chuyện ở Bruých-xen [Bruxelles], Li-e-giơ [Liège] và Pa-ri. Tôi phải bảo vệ quan điểm duy vật lịch sử chống lại những phê bình của một trường phái Nga mang tên “trường phái chủ quan”. Lê-nin tỏ ra rất muốn biết đề tài này. Tôi đưa ông xem một dàn ý chi tiết; ông khuyên tôi nên viết thành một bài báo cho số Da-ri-a sắp tới. Nhưng tôi không đủ dũng cảm để xuất hiện bên cạnh Plê-kha-nốp và những vị khác với một bài báo mang hơi hướng lý thuyết.
Đang ở Pa-ri, tôi nhận được điện tín gọi về Luân Đôn. Số là phải đưa tôi một cách bất hợp pháp về Nga: ở đó người ta phàn nàn về những thất bại và tình trạng thiếu nhân sự, họ buộc tôi trở về. Nhưng tôi chưa kịp về tới Luân Đôn thì kế hoạch đã thay đổi. Đớt-trơ [Deutsch] lúc đó đang ở Luân Đôn và rất quý mến tôi, sau này kể với tôi rằng ông đã can thiệp để “bênh vực” tôi như thế nào. Ông chứng tỏ “chàng thanh niên ấy” (Đớt-trơ chỉ gọi tôi theo cách này) cần phải sống một thời gian ở nước ngoài để học tập và Lê-nin đồng tình với ông.
Hoạt động trong tổ chức Ích-cờ-ra ở Nga rất hấp dẫn; tuy nhiên tôi sẵn sàng chấp nhận ở nước ngoài thêm một thời gian nữa. Tôi trở lại Pa-ri, trái với ở Luân Đôn, tại đây có một khu quần cư lớn dành cho sinh viên Nga. Các đảng phái cách mạng chiến đấu với nhau kịch liệt để tranh dành ảnh hưởng trong đám sinh viên. Sau đây là một trang trong hồi ký của Na-ta-li-a I-va-nốp-na Xê-đô-va [Natalia Ivanovna Sédova] liên quan đến thời kỳ này:

Mùa thu 1902 có nhi ều buổi diễn thuyết trong khu người Nga ở Pa-ri. Nhóm Ích-cờ-ra (tôi thuộc nhóm này) đầu tiên gặp Mác-tốp, rồi Lê-nin. Cuộc đấu tranh chống phái kinh tế và xã hội cách mạng diễn ra. Một đồng chí trẻ đến nhóm của chúng tôi. Anh vừa trốn khỏi tù đày. Anh đến nhà Ê-ca-chê-ri-na Mi-khai-lốp-na A-lếch-xan-đơ-rô-va [Ecatherine Mikhailovna Alexandrova], một cựu thành viên đảng Tự do Nhân dân, nay về với Ích-cờ-ra. Lũ thanh niên chúng tôi rất mến chị A-lếch-xan-đơ-rô-va, thích nghe chị nói chuyện và chịu ảnh hưởng của chị. Khi người cộng tác viên trẻ tuổi của Ích-cờ-ra xuất hiện ở Pa-ri, A-lếch-xan-đơ-rô-va nhờ tôi tìm cho anh ấy một phòng trọ ở gần đó. Có một phòng trống trong căn nhà nơi tôi ở, giá thuê là mười hai phờ-răng một tháng, nhưng nó rất nhỏ, hẹp và tối như nhà ngục. Khi tôi mô tả cho chị A-lếch-xan-đơ-rô-va, chị ngắt lời:

- Được, được rồi, khỏi phải nhiều lời... Anh ấy ở đó là tốt, phải lấy căn phòng này...
Khi đồng chí trẻ (người ta không cho chúng tôi biết tên anh) đã dọn đến ở, A-lếch-xan-đơ-rô-va tra hỏi tôi:
- Này, anh ấy có chuẩn bị bài diễn thuyết không?
- Em không biết. - Tôi trả lời. - Hẳn là có. Đêm qua khi lên cầu thang, em nghe thấy anh ấy huýt sáo trên phòng...
- Bảo anh ấy hãy chuẩn bị cho cẩn thận thì hơn là huýt sáo.
Chị A-lếch-xan-đơ-rô-va rất lo lắng không biết buổi diễn thuyết của “anh ta” có thành công không? Nhưng sự lo ngại ấy trở nên không có cơ sở. Buổi diễn thuyết rất thành công, cả khu sinh viên hào hứng, người chiến sĩ trẻ tuổi của Ích-cờ-ravượt quá mọi sự mong đợi.
Tôi tìm hiểu Pa-ri kỹ càng hơn Luân Đôn nhiều. Trong việc này, cũng có ảnh hưởng của L.I. Xê-đô-va. Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng ở Pa-ri tôi mới bắt đầu đến gần thiên nhiên. Cũng ở đây tôi gặp nghệ thuật đích thực. Phát hiện ra nghệ thuật cũng khó khăn như việc tìm đến với thiên nhiên. Xin được trích đoạn từ những ghi chép sau này của Xê-đô-va:
Cảm tưởng chung về Pa-ri của anh: “Nó giống Ô-đét-xa nhưng Ô-đét-xa vẫn hơn.”. Cái kết luận trái với lương tri ấy có thể được giải thích như sau: đời sống chính trị hoàn toàn chiếm hết tâm trí L.D., anh chỉ nhận thấy mọi biểu hiện khác của cuộc sống khi sự việc buộc anh phải chú ý tới; khi ấy anh cảm thấy như bị quấy rối bởi một cái gì không thể tránh khỏi. Tôi không đồng tình với đánh giá của anh về Pa-ri và có phần chế nhạo anh.
Vâng, đúng thế. Tôi đi vào thủ đô của thế giới như một kẻ bướng bỉnh, bất kham. Thoạt đầu tôi “phủ nhận” Pa-ri, thậm chí còn tìm cách lờ tịt nó đi. Xét cho cùng, đây là cuộc đấu tranh để tự bảo vệ của một kẻ mọi rợ. Tôi cảm thấy để gần gũi được với Pa-ri và thực sự chấp nhận nó, tôi phải tiêu phí mình rất nhiều. Ngược lại tôi có lĩnh vực riêng của mình, một lĩnh vực có yêu cầu rất cao và không chấp nhận mọi sự cạnh tranh: cách mạng. Dần dà, khó nhọc lắm tôi mới làm quen được với nghệ thuật. Tôi giao chiến với điện Lu-vrơ [Louvre], với vườn Luých-xăm-bua [Luxembourg] và các buổi triển lãm. Tôi thấy Ru-ben-xơ [Rubens] quá no nê và tự mãn, còn Puy-vi đơ Sa-van [Puvis de CHa-vannes] quá khắc khổ và thiếu sắc màu. Những chân dung của Ca-ri-e [Carrière] làm tôi tức tối vì vẻ dở dang mờ ảo của chúng. Về điêu khắc và kiến trúc tôi cũng gặp phải tình trạng như vậy. Về căn bản, tôi chống lại nghệ thuật cũng như thời xưa tôi từng chống đối cách mạng rồi chống chủ nghĩa Mác-xít và sau này trong nhiều năm, tôi chống lại Lê-nin cùng các phương pháp của ông. Chẳng bao lâu, cuộc cách mạng năm 1905 sẽ làm gián đoạn quá trình thích nghi của tôi với châu Âu và nền nghệ thuật. Chỉ đến chuyến ra nước ngoài lần thứ hai, tôi mới gần gũi lại với nghệ thuật. Tôi chú ý, đọc và đôi khi còn viết nữa. Nhưng tôi không vượt quá giới hạn sự ham mê kiểu tài tử. Ở Pa-ri, tôi được nghe nói về Giô-rét [Jaurès]. Đó là thời kỳ nội các Van-đếch Rút-xô [Waldeck Rousseau]. Min-lơ-răng [Millerand] là bộ trưởng Pháp lý và Ga-li-phê [Galiffet] là bộ trưởng Bộ Chiến tranh. Tôi tham gia biểu tình trên đường phố của những người thuộc phái Ghét-đơ [Guesdes] và cùng với họ, tôi hăng hái la hét mọi thứ để thóa mạ Min-lơ-răng. Lúc đó Giô-rét chưa gây cho tôi ấn tượng mạnh. Tôi cảm thấy ông là một địch thủ quá trực tiếp. Phải vài năm sau tôi mới đánh giá được nhân vật đặc biệt ấy, điều này không làm giảm quan điểm của tôi về chủ nghĩa Giô-rét.
Các sinh viên Mác-xít yêu cầu Lê-nin làm ba cuộc nói chuyện về vấn đề nông nghiệp ở trường Cao học, vốn do những giáo sư bị cấm khỏi các trường đại học Nga tổ chức ở Pa-ri. Đội ngũ giáo sư có tư tưởng tự do đề nghị diễn giả bất kham cố tránh những cuộc tranh luận chừng nào hay chừng ấy. Nhưng Lê-nin từ chối mọi bó buộc liên quan đến vấn đề này và ông mở đầu bài thứ nhất như sau: chủ nghĩa Mác-xít là một học thuyết cách mạng, do đó xét về bản chất, nhất thiết phải có tranh luận.
Tôi còn nhớ Lê-nin rất hồi hộp trước buổi nói chuyện đầu tiên. Nhưng khi lên diễn đàn, ông lập tức làm chủ được bản thân, ít ra bề ngoài ông tỏ ra như vậy. Giáo sư Gam-ba-rốp [Gambarov] đến nghe Lê-nin nói, ông nói với Đớt-trơ cảm tưởng của mình bằng những từ sau đây: “Một giáo sư thực sự!”. Dường như ông cho đó là lời ca ngợi lớn nhất.
Chúng tôi quyết định đưa Lê-nin đi xem nhạc kịch và Xê-đô-va được giao việc tổ chức. Lê-nin đến nhà hát Opéra Comique (Ca hài kịch) với chiếc cặp vẫn hay mang khi diễn thuyết. Chúng tôi làm thành một nhóm trên tầng cao nhất của nhà hát: ngoài Lê-nin, Xê-đô-va và tôi, tôi nhớ hình như có cả Mác-tốp. Chuyến đi nhà hát ca kịch ấy gắn liền với một kỷ niệm không liên quan gì đến âm nhạc. Lê-nin mua một đôi giày ở Pa-ri nhưng quá chật. Tình cờ tôi cũng cần thay giày khẩn cấp. Lê-nin cho tôi đôi giày và thoạt tiên hình như nó vừa vặn với tôi. Trên quãng đường đến nhà hát vẫn chưa xảy ra sự cố gì. Nhưng ngay ở nhà hát “Opéra Comique”, tôi đã cảm thấy trục trặc. Trên đường về, tôi trải qua những cực hình thảm khốc và Lê-nin còn chế giễu tôi suốt buổi một cách không thương xót vì chính ông cũng bị đôi giày ấy hành hạ trong nhiều giờ. Từ Pa-ri, tôi đi diễn thuyết tại các khu sinh viên Nga ở Bruých-xen, Li-e-giơ, Thụy Sĩ và các thành phố Đức. Tại Hai-đen-béc [Heidelberg], tôi đến nghe ông già Cu-nô Phi-se [Cuno Fischer] nhưng không bị học thuyết Căng cuốn rũ. Triết học quy phạm xa lạ với tôi một cách hữu cơ. Có ai lại nằm trên ổ rơm khô khi cạnh đó có cỏ mềm thơm phức?... Hai-đen-béc nổi tiếng là “hang ổ” của những sinh viên duy tâm Nga. Trong số họ có Áp-xen-chi-ép [Avkxentiev], bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính thể tương lai của Kê-ren-xki [Kérensky]. Ở đó tôi đã phải chiến đấu dữ dội để bảo vệ thuyết duy vật biện chứng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3