Đời tôi (Tập 1) - Chương 12 - Phần 2
Những kế hoạch tổ chức của Lê-nin gây cho tôi chút hồ nghi. Nhưng còn xa tôi mới nghĩ rằng chính những vấn đề này sẽ làm nổ tung Đại hội đảng.
Tôi được sự ủy nhiệm của “Liên minh Xi-bê-ri” tổ chức có liên lạc mật thiết với tôi trong thời gian đi đày - cùng đại biểu Tu-la [Toula], bác sĩ U-li-a-nốp [Oulianov] (em ruột Lê-nin) đến Đại hội. Nhưng để tránh lưới mật thám, chúng tôi không đi từ Giơ-ne-vơ mà từ Ni-ông [Nion], một ga xép yên tĩnh sau đó, ở đây chuyến tàu tốc hành chỉ dừng có nửa phút. Đúng là dân tỉnh lẻ nước Nga, chúng tôi không đợi tàu ở bên lẽ ra phải đợi. Khi chuyến tốc hành đến, chúng tôi cắm cổ chạy qua các đường ray định leo bừa lên một toa. Nhưng chưa kịp đu lên thì tàu đã chuyển bánh. Ông trưởng ga thấy hai hành khách lao qua đường ray liền thổi còi báo động. Tàu dừng lại. Sau khi lên toa tàu, người soát vé lập tức cho chúng tôi hay: đây là lần đầu trong đời anh ta gặp phải những kẻ ngu si như chúng tôi, chúng tôi phải nộp phạt năm chục phờ-răng vì đã làm tàu dừng lại. Đến lượt mình, chúng tôi làm cho anh ta hiểu rằng bọn tôi không biết một câu tiếng Pháp nào. Thực ra điều này không hoàn toàn đúng, nhưng lại rất hợp lý: anh chàng soát vé béo tốt người Thụy Sĩ ấy la hét thêm chừng ba phút rồi để chúng tôi yên. Cách đối xử của anh cũng thật phải lẽ: chúng tôi đâu có năm chục phờ-răng để trả. Một lúc sau, khi đi kiểm tra vé, anh ta lại phàn nàn với mọi người chuyện hai ông khách phải nhặt từ đường tàu lên. Anh chàng bất hạnh ấy nào ngờ chúng tôi lên đường để thành lập một đảng.
Đại hội được khai mạc tại Maison du peuple, trụ sở Hội Công nhân Bruých-xen. Chúng tôi họp trong một nhà kho tương đối heo hút để tránh những cái nhìn nhòm ngó. Ở đó người ta chứa những kiện len và chúng tôi bị vô số rệp tấn công. Chúng tôi gọi chúng là “đạo quân của An-xen [Ansèle]” lên đường tấn công xã hội tư sản. Những phiên họp là cả một sự tra tấn thể xác thực sự. Và còn tồi tệ hơn: ngay từ những ngày đầu, các đại biểu nhận ra họ bị theo dõi. Tôi sử dụng hộ chiếu một người Bun-ga-ri không quen biết tên là Xa-mô-cốp-li-ép [Samokovliev]. Trong tuần lễ thứ hai, tôi cùng Da-xu-lích ra khỏi tiệm ăn nhỏ “Chim trĩ vàng”. Đêm đã khuya, D., một đại biểu Ô-đét-xa chặn đường và không nhìn chúng tôi, anh thì thầm:
- Một thằng mật thám đi theo các vị đấy, hãy chia tay nhau đi. Nó sẽ bám theo người đàn ông...
D. là một chuyên gia sành sỏi về môn theo dõi, ở mặt này, đôi mắt anh chính xác như một dụng cụ đo lường thiên văn. Anh thuê phòng ở tầng trên một ngôi nhà cạnh quán “Chim trĩ vàng” và biến cửa sổ của mình thành một đài quan sát.
Tôi tạm biệt Da-xu-lích và tiếp tục đi thẳng. Trong túi tôi có cái hộ chiếu Bun-ga-ri và năm phờ-răng.
Tên mật thám, một gã Phơ-la-măng [Flamand] cao gầy và mũi tẹt, theo sau tôi. Đã quá nửa đêm, phố xá hoàn toàn vắng lặng. Bất thình lình tôi quay lại:
- Thưa M’sieur, đây là phố gì?
Tên Phơ-la-măng giật mình lùi lại và dựa lưng vào tường.
- Tôi không biết...
Y chắc mẩm sẽ nhận được một phát súng lục.
Tôi tiếp tục đi thẳng trên đại lộ. Đâu đó một chiếc đồng hồ đánh chuông. Đến chỗ ngoặt đầu tiên, tôi rẽ vào một phố nhỏ và bắt đầu chạy thục mạng. Tên Phơ-la-măng rượt theo tôi. Thế là trong đêm khuya, hai người đàn ông không quen biết đuổi nhau trên đường phố Bruých-xen. Đến nay tôi vẩn còn nghe tiếng giày lộp cộp của họ.
Tôi chạy quanh ba cạnh một tòa nhà rồi lại dẫn tên Phơ-la-măng ra đại lộ. Cả hai đều mệt nhọc và giận dữ, chúng tôi lại đi bước một, vẻ ủ rũ. Tôi thấy hai ba chiếc xe ngựa ở đường. Nhưng lên một xe thì có ích gì vì tên mật thám sẽ nhảy ngay lên chiếc kia. Chúng tôi cứ tiếp tục đi. Đại lộ dài vô tận hình như cũng sắp kết thúc, chúng tôi đã ra phía ngoài thành phố. Có một chiếc xe ngựa duy nhất đứng cạnh một quán đêm nhỏ. Tôi nhảy đại vào trong xe.
- Đi ngay, nhanh lên! Tôi vội lắm!
- Đi đâu?
Tên mật thám dỏng tai nghe. Tôi nói tên một công viên cách nơi tôi ở chừng năm phút đi bộ.
- 100 sous!
- Thì cứ đi mà!
Người đánh xe nắm lấy dây cương. tên mật thám bổ nhào vào quán và trở ra với một người hầu bàn, y lấy ngón tay chỉ vào kẻ thù đang tẩu thoát.
Nửa giờ sau tôi đã ở trong phòng mình. Tôi thắp nến và chợt nhận ra một bức thư trên chiếc tủ nhỏ đầu giường. Trên bức thư có cái tên Bun-ga-ri của tôi. Ai có thể viết đến cái địa chỉ này nhỉ? Thì ra trong phong bì có một “giấy mời” với nội dung: “Sieur Samokowlieff hãy tới trình diện ở sở cảnh sát vào mười giờ sáng ngày mai, mang theo hộ chiếu.”. Như vậy, một tên mật thám khác tối hôm qua đã theo tôi về tận nhà và cuộc chạy đuổi ban đêm trên đại lộ chỉ là một thứ diễn tập vô tư của hai kẻ tham gia. Những đại biểu khác cũng nhận được “giấy mời” tương tự. Ai đến trình diện ở sở cảnh sát đều bị buộc phải rời khỏi Bỉ trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Tôi không đến đó mà qua thẳng Luân Đôn. Đại hội được chuyển sang đây.
Hác-tinh [Harting] người điều khiển mạng lưới mật vụ Nga ở Béc-lin hồi đó - viết báo cáo gửi ban chuyên trách cảnh binh hữu quan: “Cảnh sát thành phố Bruých-xen ngạc nhiên vì làn sóng người nước ngoài; họ ngờ có mười người hoạt động vô chính phủ.”. Đến lượt chính Hác-tinh làm cảnh sát Bruých-xen “ngạc nhiên”. Tên thật y là Héc-ken-man [Heckelmann], một tay khiêu khích năng nổ, bị tòa án Pháp kết án khổ sai vắng mặt. Sau đó, y thành tướng Ô-khơ-ra-na [Okhrana] của Nga hoàng rồi được thưởng Bắc đẩu Bội tinh với một tên giả. Nhưng Hác-tinh lại nhận được thông tin từ một agent provocateur khác, bác sĩ Gi-tô-mi-xki [Jitomirsky], tay này tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị Đại hội từ Béc-lin. Tất cả những điều này chỉ được phát hiện sau đó nhiều năm. Hình như chế độ Nga hoàng nắm trong tay mọi đầu mối. Tuy vậy, điều này cũng không cứu vãn nổi chúng...
Trong Đại hội, mâu thuẫn nội bộ của tòa soạn Ích-cờ-ra bộc lộ rõ rệt. Lập trường của những người “cứng rắn” và “mềm mỏng” bắt đầu được phác họa. Sự bất đồng nổ ra chủ yếu quanh điểm một của bản Điều lệ tổ chức: ai có thể coi là thành viên của đảng? Lê-nin muốn Điều lệ phải nói rõ ràng: đảng là một tổ chức bất hợp pháp. Nhưng Mác-tốp lại muốn bất kỳ ai hoạt động dưới sự chỉ đạo của tổ chức bất hợp pháp thì đều là thành viên của đảng. Trong thực tiễn, mâu thuẫn ấy không có tầm quan trọng trực tiếp vì theo ý kiến của cả đôi bên, chỉ thành viên các tổ chức bất hợp pháp mới có quyền bầu bán. Tuy nhiên, rõ ràng là có hai khuynh hướng trái ngược nhau. Lê-nin muốn quy định một cách chuẩn xác và nghiêm khắc những mối quan hệ trong nội bộ đảng. Mác-tốp thiên về những khái niệm mờ mịt hơn. Những phe cánh hình thành quanh vấn đề này sẽ quyết định tiến trình sắp tới của Đại hội và cả thành phần ban lãnh đạo.
Sau hậu trường, có một cuộc đấu tranh để giành giật từng đại biểu. Lê-nin dùng mọi cách để lôi kéo tôi đứng về phía ông. Cùng với Cơ-ra-xi-cốp [Krassikov], ông rủ tôi đi dạo rất lâu. Giữa đường cả hai đều cố gắng chứng minh cho tôi thấy con đường của tôi và Mác-tốp không đồng nhất vì Mác-tốp “mềm mỏng”. Cơ-ra-xi-cốp nêu đặc điểm từng thành viên của Ích-cờ-ra một cách tàn nhẫn đến mức Lê-nin phải nhăn mặt và tôi thì rùng mình. Trong mối quan hệ với tòa soạn, nói chung tôi vẫn là một thanh niên đa cảm. Buổi nói chuyện ấy đẩy tôi ra xa hơn là quyến rũ tôi lại gần. Những bất đồng ý kiến vẫn còn mơ hồ, mọi người mò mẫm ban đêm và hành động trong khoảng vô lường.
Mọi người quyết định triệu tập một cuộc họp các thành viên kỳ cựu của Ích-cờ-ra để đổ nước sạch vào cốc. Nhưng ngay việc lựa chọn một chủ tọa cũng gây ra những khó khăn.
- Tôi đề nghị cử chú nhỏ tuổi nhất. - Đớt-trơ nói, nhằm tìm một lối thoát cho tình thế.
Bằng cách ấy tôi đã thành chủ tọa của những người Ích-cờ-ra trong một phiên họp mà sự phân ly giữa bôn-sê-vích và men-sê-vích trở nên rõ rệt. Thần kinh của mọi người đều căng thẳng đến tột độ. Khi rời phiên họp, Lê-nin sập mạnh cánh cửa. Đây là lần duy nhất chính mắt tôi thấy ông mất tự chủ trong một vụ đụng độ thuộc nội bộ đảng.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Những mâu thuẫn bộc lộ ngay ra trong Đại hội. Lê-nin còn làm một thử nghiệm để thu hút tôi về phía những người “cứng rắn”. Ông phái người em, bác sĩ Đờ-mi-tri [Dmitri] và nữ đại biểu D. đến chỗ tôi. Cuộc trao đổi kéo dài nhiều giờ trong một công viên. Những phái viên muốn giữ tôi bằng mọi giá.
- Chúng tôi được lệnh kéo anh về bằng bất kỳ giá nào.
Cuối cùng, tôi thẳng thắn cự tuyệt và không theo họ.
Sự chia rẽ nổ ra bất ngờ đối với mọi người tham dự Đại hội. Bản thân Lê-nin người đấu tranh tích cực nhất - cũng không dự kiến và không muốn sự phân liệt ấy. Những sự kiện xảy ra vô cùng trầm trọng với cả hai phe. Sau Đại hội, Lê-nin ở trong trạng thái thần kinh rất tồi suốt mấy tuần liền.
Trong những ghi chép của Xê-đô-va, ta có thể đọc:
Từ Luân Đôn, hầu như ngày nào L.D. cũng viết thư. Những lá thư ngày càng đượm vẻ lo lắng và cuối cùng, lá thư kể về sự chia rẽ trong đội ngũ Ích-cờ-ra tuyệt vọng báo tin:Ích-cờ-ra không còn nữa, Ích-cờ-ra đã chết... Chúng tôi đau đớn trải qua sự phân liệt của Ích-cờ-ra. Chẳng bao lâu sau khi L.D. trở về từ Đại hội, tôi đi Pê-téc-bua mang theo những tư liệu của Đại hội, được chép bằng thứ chữ nhỏ ly ti trên giấy mỏng và nhét trong bìa cuốn tự điển La-rút-xơ[Larousse].
Tại sao trong Đại hội, tôi lại đứng về phía những người “mềm mỏng”?
Trong số các thành viên của tòa soạn, tôi thân nhất với Mác-tốp, Da-xu-lích và Ác-xen-rốt. Họ có ảnh hưởng vô cùng lớn và không thể chối cãi đối với tôi. Cho đến trước Đại hội, trong tòa soạn có những sắc thái dị biệt nhưng không có những bất đồng quan điểm rõ rệt. Tôi xa vời với Plê-kha-nốp nhất: sau những xung đột đầu tiên, chung quy cũng chỉ có tầm quan trọng thứ yếu, Plê-kha-nốp tiếp tục thù ghét tôi. Lê-nin đối xử với tôi tuyệt vời nhưng trong mắt tôi, giờ đây ông là người công kích một ban biên tập, một tòa soạn mà theo tôi rất thống nhất và mang cái tên Ích-cờ-ra mê hồn. Hành động muốn chia đôi ban biên tập của ông, tôi cho là bất kính.
Tập trung cách mạng là một nguyên tắc cứng nhắc, độc đoán và nghiêm khắc. Nhiều khi nó không thương tiếc cả một số người hoặc một số nhóm mà hôm qua còn chung ý kiến với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà trong từ ngữ của Lê-nin, ta hay gặp những cụm từ không thể dung hòa, không thể nhân nhượng. Chỉ có sự vươn lên của cách mạng, độc lập với mọi vấn đề cá nhân thấp hèn, mới có thể minh chứng cho sự không thể dung thứ ấy.
Năm 1903, Lê-nin mới chỉ nêu ý kiến đưa Ác-xen-rốt và Da-xu-lích ra khỏi tòa soạn Ích-cờ-ra. Tôi không chỉ kính trọng mà còn rất yêu quý họ. Lê-nin cũng đánh giá họ rất cao vì quá khứ của họ. Nhưng ông đi đến kết luận: càng ngày họ càng cản trở chúng tôi trên con đường đi đến tương lai. Là nhà tổ chức, ông quyết định loại trừ họ khỏi cương vị lãnh đạo. Đó là điều tôi không thể quy phục. Tất cả con người tôi chống lại sự loại trừ không thương tiếc những nhân vật cựu trào đã đi tới bậc thềm của đảng. Bất bình của tôi lúc đó dẫn tới sự đoạn tuyệt với Lê-nin trong Đại hội II. Tôi thấy cách xử sự của ông không thể chấp nhận được, nó khủng khiếp và bạo ngược, mặc dù về mặt chính trị cách cư xử ấy lại đúng và do đó, cần thiết cho tổ chức. Sự đoạn tuyệt với những nhân vật cựu trào bị mắc lại trong thời kỳ chuẩn bị, xét về mọi mặt là không thể tránh khỏi. Lê-nin hiểu điều đó trước ai hết. Ông còn cố gắng giữ lại Plê-kha-nốp, tách ông này khỏi Da-xu-lích và Ác-xen-rốt. Nhưng, như những sự kiện sắp tới chứng tỏ, cố gắng ấy cũng không đem lại kết quả nào.
Như vậy, sự đoạn tuyệt của tôi với Lê-nin diễn ra trên khía cạnh “đạo đức”, thậm chí cá nhân. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Tôi đối nghịch với ông về mặt chính trị, có điều việc này biểu hiện ra trong lĩnh vực tổ chức.
Tôi tự coi mình là tín đồ của chủ nghĩa tập trung. Nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa, trong giai đoạn đó tôi chưa hoàn toàn thấy hết việc đảng cách mạng cần một chủ trương tập trung không khoan nhượng và kiên quyết để dẫn dắt hàng triệu quần chúng vào cuộc chiến đấu chống xã hội cũ. Tuổi thiếu niên của tôi trôi qua trong bầu không khí ảm đạm thời phản động và kéo dài tiếp năm năm ở Ô-đét-xa. Lê-nin còn là thanh niên vào những năm tổ chức “Tự do Nhân dân” hoạt động. Những người trẻ hơn tôi vài tuổi đã được giáo dục trong những năm thịnh vượng của nền chính trị mới. Khi Đại hội diễn ra ở Luân Đôn năm 1903, một cuộc cách mạng trong mắt tôi vẫn là lý thuyết trừu tượng đến quá nửa. Tư tưởng tập trung của Lê-nin, đối với tôi, chưa được bắt nguồn từ một quan niệm cách mạng sáng sủa và được đắn đo một cách độc lập. Và nhu cầu phải tự mình hiểu được vấn đề rồi từ đó rút ra những kết luận cần thiết luôn là yêu cầu bức thiết nhất của đời sống tinh thần tôi.
Cạnh những bất đồng về nguyên tắc chỉ mới được phác thảo, xung đột nổ ra trong Đại hội lại càng nghiêm trọng thêm do những người cựu trào không thấu hiểu sự lớn mạnh và tầm quan trọng của Lê-nin. Trong và liền ngay sau Đại hội, Ác-xen-rốt và các thành viên khác của tòa soạn rất bất bình trước cách xử sự của Lê-nin và sự bất bình ấy đi kèm với nỗi ngạc nhiên:
- Sao ông ấy lại làm thế?
- Bởi ông ta cũng mới ra nước ngoài ít lâu thôi mà. - Những nhân vật cựu trào suy luận. - Ông ta đến để học hỏi và thái độ của ông ấy cũng là thái độ một học trò. Lòng tự tin này từ đâu ra? - Sao ông ấy lại làm tất cả những chuyện này?
- Nhưng Lê-nin dám làm và ông đã làm. Muốn vậy, ông phải thấy rõ việc những người cựu trào không có khả năng nắm trong tay sự lãnh đạo trực tiếp những tổ chức đang chiến đấu cho đội tiền phong vô sản giữa hoàn cảnh một cuộc cách mạng đang đến gần. Phe cựu trào đã nhầm, và không chỉ có họ nhầm: Lê-nin không còn đơn thuần là một chiến sĩ ưu tú, ông đã là một lãnh tụ, ông vươn lên hết mình để đạt mục đích và theo ý tôi, ông tự cảm thấy mình là một lãnh tụ vĩnh viễn; cạnh những người hơn tuổi, những bậc thầy, ông nhận thấy mình mạnh hơn và cần thiết hơn đối với đảng. Trong cái tập thể khá mù mờ quây tụ quanh tờ Ích-cờ-ra thời bấy giờ, Lê-nin là người duy nhất hình dung được hoàn toàn và triệt để về ngày mai với tất cả mọi nhiệm vụ gian nan, những xung đột tàn khốc cùng những nạn nhân không kể xiết của nó.
Ở Đại hội, Lê-nin chinh phục nhưng không hi vọng giữ được Plê-kha-nốp; đồng thời ông đánh mất Mác-tốp vĩnh viễn. Dường như Plê-kha-nốp cảm thấy một điều gì đó ở Đại hội này. Ít ra, ông đã nói như sau về Lê-nin với Ác-xen-rốt:
- Người ta nhào nặn ra những Rô-bét-xpi-e [Robespierre] từ thứ bột ấy đấy...
Bản thân Plê-kha-nốp đóng một vai trò không đáng ghen tị mấy trong Đại hội. Chỉ độc một lần, trong ủy ban dự thảo cương lĩnh của Đại hội, tôi được thấy và nghe ông nói với tất cả sức mạnh của ông. Plê-kha-nốp mang trong đầu một sơ đồ sáng sủa, đưọc hoàn thiện một cách khoa học của bản cương lĩnh. Tự tin ở mình, ở kiến thức của mình, ở sự hơn người của mình, mắt ánh lên một tia vui pha chút lửa mỉa mai, với bộ ria mép hoa râm và nhọn, cử chỉ hơi tuồng nhưng linh động và với những điệu bộ biểu cảm, trên cương vị chủ tọa, Plê-kha-nốp làm ngời sáng cuộc họp đông người như một cây pháo bông sống của kiến thức và sự sắc sảo.
Mác-tốp, lãnh tụ những người men-sê-vích, là một trong những gương mặt bi thảm nhất của phong trào cách mạng. Là một cây bút tài ba, một chính trị gia sáng tạo, một tư duy sâu sắc, ông cao hơn rất nhiều so với trào lưu tư tưởng mà ông dẫn đầu. Nhưng tư tưởng của Mác-tốp còn thiếu sự can đảm, sự sáng suốt của ông không được nghị lực hỗ trợ. Bản tính nhẫn nại không thay thế được những gì ông thiếu. Phản ứng đầu tiên của Mác-tốp trước mọi sự kiện bao giờ cũng biểu hiện một nhiệt tình cách mạng. Nhưng tư tưởng của ông đổ gục nhanh chóng vì thiếu nghị lực làm lò xo nâng đỡ. Quan hệ của chúng tôi không vượt qua được thử thách của những sự kiện lớn đầu tiên trong cuộc cách mạng đang đến.
Dù sao, Đại hội II cũng là một chặng đáng kể trong đời tôi, ít nhất vì nó làm tôi đoạn tuyệt với Lê-nin trong vài năm. Bây giờ khi nhìn lại quá khứ trong tổng thể, tôi không hối tiếc về điều đó. Tôi trở lại với Lê-nin chậm hơn nhiều so với người khác, nhưng tôi đi trên con đường riêng của tôi, trải qua và suy ngẫm những kinh nghiệm của cách mạng, của phản cách mạng và nội chiến. Nhờ những hoàn cảnh ấy, tôi trở lại với Lê-nin bền vững và nghiêm túc hơn so với các “môn đệ” của ông, những kẻ mà khi Lê-nin còn sống chỉ biết lặp đi lặp lại lời lẽ và cử chỉ của bậc thầy và sau khi ông mất, đã tỏ ra là những kẻ kế tục bất tài, những công cụ vô ý thức trong tay các lực lượng thù địch.