Đời tôi (Tập 1) - Chương 13
CHƯƠNG XIII: TRỞ VỀ NƯỚC NGA
Mối quan hệ của tôi với phái thiểu số trong Đại hội II không được dài lâu. Ngay từ những tháng đầu, đã có hai đường lối hình thành trong phe thiểu số ấy. Tôi cho rằng phải chuẩn bị càng nhanh càng tốt sự hợp nhất với đa số. Tôi coi sự ly khai chỉ như một chuyển cảnh có tầm vóc lớn, thế thôi, không hơn không kém. Với một số người khác, chia cắt xảy ra ở Đại hội là khởi điểm theo hướng cơ hội chủ nghĩa. Đối với tôi, suốt năm 1904 chứa chất đầy những xung đột trên các vấn đề về chính trị và tổ chức với nhóm lãnh đạo men-sê-vích. Các vụ tranh chấp xoay quanh hai điểm chính: phải có thái độ như thế nào đối với phái tự do và những người bôn-sê-vích? Tôi đồng ý rằng cần kịch liệt chống lại những cố gắng của phái tự do nhằm chiếm sự ủng hộ của quần chúng, đồng thời, cũng vì lý do ấy, tôi đòi hỏi ngày càng kiên quyết sự hợp nhất giữa hai nhóm xã hội dân chủ. tháng chín năm 1904, tôi tuyên bố rời bỏ phái thiểu số một cách hình thức vì trong thực tế, tôi đã không thuộc về họ từ tháng tư. Trong thời kỳ này, tôi sống cách biệt đám dân di cư Nga vài tháng ở Muy-ních [Müünich], nơi được coi là thành phố dân chủ nhất và nghệ thuật nhất của nước Đức đương thời. Tôi biết khá đầy đủ về những người xã hội dân chủ xứ Ba-va-ri [Bavière], về các bảo tàng của thành phố và các nhà biếm họa Simplicissimus.
Ngay từ khi Đại hội đang họp ở Luân Đôn, một phong trào đình công mạnh mẽ làm sục sôi toàn miền Nam nước Nga. Những cuộc nổi dậy của nông dân ngày càng nhiều. Các trường đại học cũng náo động. Chiến tranh Nga - Nhật làm phong trào khựng lại một thời gian, nhưng thất bại quân sự của chế độ Nga hoàng tỏ ra là động lực khổng lồ cho cuộc cách mạng. Báo chí trở nên mạnh dạn hơn, những hành động khủng bố diễn ra dày đặc, phái tự do xôn xao, một chiến dịch tiệc tùng bắt đầu. Những vấn đề cơ bản của cách mạng được đặt ra rõ ràng. Đối với tôi, những gì trừu tượng đã thực sự trở nên có nội dung xã hội. Phái men-sê-vích, đặc biệt Da-xu-lích, ngày càng đặt hi vọng vào những người thuộc phái tự do.
Trước khi họp Đại hội, sau một phiên họp của tòa soạn, ở quán cà phê Lan-đôn-tơ [Landolt], Da-xu-lích bắt đầu phàn nàn bằng cái giọng dè dặt, năn nỉ đặc biệt mà chị thường có trong những dịp như thế, rằng chúng tôi công kích quá mạnh phái tư sản tự do. Đó là điểm nhạy cảm nhất của chị.
-
Hãy xem họ cố gắng như thế nào. - Chị nói và tránh cái nhìn của Lê-nin, mặc dù chị dành
chủ yếu câu chuyện này cho ông. Xtru-vê đòi hỏi những người tư sản tự do Nga
không đoạn tuyệt với chủ nghĩa xã hội, nếu không họ cũng phải chịu số phận khốn
khổ của chủ nghĩa tự do Đức; ông ta muốn họ noi gương bọn xã hội cấp tiến Pháp.
- Cần phải choảng đám ấy mạnh hơn nữa! - Lê-nin mỉm cười nói, như để trêu chọc Vê-ra
I-va-nốp-na.
- Ô kìa, hay thật đấy! - Chị kêu lên vẻ thất vọng hoàn toàn. - Họ lại gần
chúng ta, thế mà chúng ta lại choảng họ!
Tôi hoàn toàn đồng tình với Lê-nin về vấn đề này, một vấn đề ngày càng có tầm quan trọng quyết định với thời gian.
Mùa thu năm 1904 - thời kỳ xảy ra chiến dịch tiệc tùng, chẳng mấy chốc đi đến ngõ cụt của phái tự do - tôi tự đặt câu hỏi: “Tiếp tục như thế nào?”. Và cũng chính tôi tự trả lời: chỉ một cuộc tổng đình công mới có thể đưa ra lối thoát, tiếp tới là khởi nghĩa của giai cấp vô sản, dẫn đầu quần chúng nhân dân chống lại chủ nghĩa tự do. Quan điểm ấy càng làm sâu thêm vực thẳm giữa những người men-sê-vích và tôi.
Sáng sớm ngày hai mươi ba tháng giêng năm 1905, tôi trở về Giơ-ne-vơ sau chuyến đi diễn thuyết, mệt mỏi và đau nhừ người vì một đêm trằn trọc trên tàu hỏa. Một chú bé bán cho tôi tờ báo hôm trước. Người ta viết vào thời tương lai về một cuộc biểu tình của công nhân tại Cung điện Mùa đông. Tôi cho là cuộc biểu tình hẳn đã không xảy ra. Một hai giờ sau tôi đến tòa soạn Ích-cờ-ra. Mác-tốp hồi hộp đến cực độ.
-
Không xảy ra chứ? - Tôi hỏi.
- Không là thế nào? - Ông lao về phía tôi - Suốt đêm
chúng tôi thức trong tiệm cà phê để đọc những bản điện tín mới nhất. Thế ra anh
không biết gì à? Nhìn đây, coi đây này...
Ông
ấn vào tay tôi số báo trong ngày. Tôi lướt qua mươi dòng đầu của bài tường
thuật theo thể loại điện báo về “ngày chủ nhật đẫm máu”. Một làn sóng nóng bỏng
bao phủ lên óc khiến tôi ù tai.
Tôi không thể tiếp tục ở nước ngoài được nữa. Tôi không liên lạc với những
người bôn-sê-vích từ ngày Đại hội kết thúc. Tôi cũng đã đoạn tuyệt về mặt tổ
chức với những người men-sê-vích. Như thế tôi phải tự lo liệu cho mình. Các
sinh viên Nga kiếm cho tôi một hộ chiếu. Tôi đi Muy-ních cùng vợ tôi, cô ấy trở
lại nước ngoài vào mùa thu năm 1904. Pác-vút [Parvus] cho chúng tôi trọ tại nhà
anh. Ở đây, anh đọc bản thảo bài viết của tôi về các sự kiện trước ngày
mùng chín
tháng giêng và hết sức tán thưởng:
Các sự kiện đã hoàn toàn chứng thực dự
đoán này. Bây giờ không ai có thể phủ nhận tổng đình công là phương pháp đấu
tranh chủ yếu. Cuộc bãi công chính trị đầu tiên đã xảy ra ngày mùng chín
tháng giêng, dù nó còn phải núp dưới chiếc áo thầy tu. Chỉ cần nói thêm rằng
cách mạng Nga có thể đưa một chính phủ công nhân dân chủ lên nắm chính quyền.
Pác-vút
đã viết một lời tựa cho tập sách của tôi trong tinh thần như vậy.
Không chút nghi ngờ, Pác-vút là nhà Mác-xít lỗi lạc cuối thế kỷ trước và đầu
thế kỷ này. Anh hoàn toàn nắm được phương pháp luận Mác-xít, có tầm nhìn sâu
rộng, anh để ý mọi sự kiện quan trọng diễn ra trên vũ đài quốc tế; Pác-vút là
một cây bút xuất chúng với một tư duy vô cùng dũng cảm, một phong cách mạnh
dạn, gân guốc. Những công trình trước đây của anh đã giúp tôi hiểu các vấn đề
của cuộc cách mạng xã hội, nhờ anh tôi mới hình dung việc cướp chính quyền của
giai cấp vô sản không phải một mục tiêu xa vời lơ lửng trong khoảng không vũ
trụ mà là nhiệm vụ thực tiễn của thời đại chúng ta.
Tuy nhiên, lúc nào ở Pác-vút cũng có một cái gì đó thật vô độ và không bền
vững. Nhà cách mạng ấy bị ám ảnh bởi một ý tưởng hoàn toàn bất ngờ: anh muốn
làm giàu. Vào những năm tháng đó, hầu như Pác-vút cũng gắn ước mơ này vào quan
niệm cách mạng - xã hội của anh.
- Bộ máy đảng đã quá xương xẩu. - Anh phàn nàn. - Khó mà thấy
nổi cả những gì diễn ra trong đầu Bê-ben. Những người cách mạng Mác-xít chúng
ta cần một tờ nhật báo lớn, ra cùng một lúc bằng ba thứ tiếng thông dụng ở châu
Âu. Nhưng muốn được thế phải có tiền, thật nhiều tiền!
Thì ra trong cái đầu nặng nề, nhung nhúc những thịt như đầu chó bun-độc ấy, ý
tưởng làm cách mạng xã hội và làm giàu lại quyện vào nhau.
Pác-vút tìm cách mở ra ở Muy-ních một nhà xuất bản tư nhân, nhưng anh thất bại
khá thảm hại. Sau đó anh về Nga và tham gia cuộc cách mạng năm 1905. Mặc
dù có đầu óc sáng tạo và tài tình, anh chẳng bộc lộ chút gì những ưu điểm của
một lãnh tụ.
Thời kỳ suy tàn của Pác-vút bắt đầu sau thất bại của cách mạng năm 1905. Anh
chuyển từ Đức sang Viên rồi từ đó qua Côn-xtan-ti-nốp và chạm trán với Thế
chiến thứ nhất tại đây. Lập tức, Pác-vút làm giàu nhanh chóng do những vụ
chuyên chở gì đó cho quân đội. Đồng thời anh công khai tuyên bố bênh vực sứ
mạng tiến bộ của quân phiệt Đức, đoạn tuyệt vĩnh viễn với cánh tả và trở thành
kẻ khởi xướng phe cực hữu của đảng Xã hội Dân chủ Đức. Khỏi phải nói, tôi đoạn
tuyệt mọi quan hệ chính trị và cá nhân với anh kể từ Thế chiến.
Từ Muy-ních, tôi cùng Xê-đô-va đi tiếp đến Viên. Làn sóng những người di cư đã
chảy về Nga. Vích-to Át-le ngập cổ trong công việc: ông xoay sở tiền bạc, hộ
chiếu, địa chỉ cho những người di tản... Trong nhà ông, một thợ cắt tóc đã thay
đổi diện mạo của tôi, vốn dĩ rất quen thuộc với lũ mật thám Nga hoạt động ở
nước ngoài.
- Tôi vừa nhận được một bức điện tín của Ác-xen-rốt. - Át-le
thông báo với tôi - Bức điện báo tin Ga-pôn [Gapone] đã ra nước ngoài và
tự xưng là người xã hội dân chủ. Tiếc thật... Nếu y biến đi vĩnh viễn thì còn
để lại một sự tích đẹp. Làm dân di tản, y chỉ có thể là một thằng hề...
Và ông nói thêm, mắt ánh lên một tia lửa nhỏ làm dịu bớt sự châm biếm gay gắt:
- Anh biết không, loại người như thế thà là thứ tử vì đạo cho lịch sử thì hay
hơn làm đồng chí của chúng ta...
Ở Viên, tôi được tin đại công tước Xéc-gây [Serge] bị ám sát. Các sự kiện xảy
ra dồn dập. Báo chí xã hội dân chủ hướng về phía Đông. Vợ tôi về trước để kiếm
nhà ở và thiết lập những mối liên lạc bất hợp pháp ở Ki-ép. Tôi đến Ki-ép vào
tháng hai với hộ chiếu của một tay thiếu úy về hưu tên là Ác-bu-dốp [Arbouzov],
ở đó trong vòng mấy tuần tôi phải chuyển hết nhà này sang nhà khác. Thoạt đầu
tôi ở nhà một anh luật sư trẻ, anh này sợ cả cái bóng của mình, rồi sang nhà
một giáo sư trường Cao đẳng Kỹ thuật, cuối cùng đến nhà một góa phụ có tư tưởng
tự do. Một thời gian tôi còn phải ẩn náu trong một viện chữa mắt. Theo chỉ thị
của bác sĩ trưởng - ông biết những hoạt động của tôi - một chị y tá đưa tôi
loại thuốc nhỏ mắt vô hại và còn cho tôi ngâm chân làm tôi khá xấu hổ. Là kẻ
phiến loạn, tôi phải thận trọng gấp đôi: tôi thảo những bản tuyên ngôn một cách
giấu diếm để chị y tá khỏi thấy, chị có nhiệm vụ theo dõi ngặt nghèo, không cho
tôi làm mệt mắt. Đến giờ đi thăm bệnh nhân, ông giáo sư - sau khi đã tống được
một anh phụ tá ít tin cậy - nhào vào phòng tôi cùng một chị phụ tá mà ông tin
tưởng. Ông nhanh chóng khóa cửa bằng chìa và kéo màn cửa sổ, như thể đang khám
mắt cho tôi. Rồi cả ba người cùng cười, thận trọng nhưng vui vẻ.
- Anh có thuốc lá không? - Vị giáo sư hỏi.
- Tôi có.
- Quantum satis? - Ông lại hỏi.
- Quantum satis. - Tôi trả lời.
Và chúng tôi lại cùng cười. Thế là buổi khám kết thúc và tôi lại quay về với
những bản tuyên ngôn. Cách sống này làm tôi khá thích thú. Tôi chỉ cảm thấy hơi
khó xử trước mặt chị y tá già tốt bụng, chị chuẩn bị cho tôi ngâm chân rất chu
đáo.
Hồi đó ở Ki-ép có một nhà in bí mật nổi tiếng, nó vẫn tồn tại được nhiều năm
ngay dưới mũi tên tướng cảnh binh Nô-vít-xki [Novitsky] mặc dù những bại lộ
liên tiếp xảy ra xung quanh. Ở đây, vào mùa xuân năm 1905, người ta in ra những
bản tuyên ngôn của tôi. Nhưng những lời kêu gọi quan trọng hơn được giao cho
anh kỹ sư trẻ Cơ-ra-xin [Krassine], tôi làm quen với anh ở Ki-ép. Cơ-ra-xin là
thành viên Ban Trung ương đảng bôn-sê-vích và có một nhà in bí mật lớn, trang
bị đầy đủ ở vùng Cáp-ca-dơ [Caucasus]. Từ Ki-ép, tôi viết bài gửi cho nhà in
ấy, chúng được in đặc biệt tốt trong những hoàn cảnh bất hợp pháp.
Giống như cách mạng, đảng rất trẻ trong thời kỳ ấy. Trong cách đối xử với con
người cũng như trong việc giải quyết công việc, người ta thấy ngay sự non nớt
và bối rối. Cố nhiên Cơ-ra-xin cũng không hoàn toàn thoát khỏi những nhược điểm
ấy. Nhưng trong anh đã có cái cứng rắn, cương quyết của loại người “thừa hành”.
Anh làm việc xuất sắc trên cương vị kỹ sư, được mọi người đáng giá cao, phạm vi
kiến thức của anh rộng và phong phú hơn rất nhiều so với bất kỳ một thanh niên
cách mạng nào thời đó. Trong các khu công nhân, các xóm kỹ sư, các cung điện
của giới chủ nhà máy tự do tại Mát-xcơ-va, trong các nhóm văn học - đâu đâu Cơ-ra-xin
cũng có những mối quan hệ. Anh phối hợp rất khéo léo tất cả những thứ đó và
trước mặt anh, mọi khả năng thực tiễn - hoàn toàn không thể đạt tới với kẻ khác
- được mở ra. Năm 1905, trong khi vẫn thực hiện những công việc chung của đảng,
Cơ-ra-xin là người điều khiển các lĩnh vực nguy hiểm nhất: các nhóm chiến đấu,
mua sắm vũ khí, điều chế chất nổ... Dù có tầm nhìn rộng trong chính trị và
trong đời sống nói chung, Cơ-ra-xin là con người của những kết quả trực tiếp.
Sức mạnh của anh ở đó, đồng thời cũng là nhược điểm của anh. Sắp xếp tỉ mỉ các
lực lượng trong nhiều năm, tự huấn luyện về chính trị và biến kinh nghiệm thành
lý luận: không, Cơ-ra-xin không có năng khiếu về việc này. Khi cách mạng năm 1905 không
đem lại những mong mỏi mà nó từng hứa hẹn, kỹ thuật điện tử và công cuộc công
nghiệp hóa nói chung trở thành nhiệm vụ hàng đầu của Cơ-ra-xin. Trong lĩnh vực
này, Cơ-ra-xin cũng tỏ ra là một kẻ thừa hành tuyệt vời, một người đạt những
kết quả xuất sắc. Không thể nghi ngờ, những thành công lớn anh giành được trên
cương vị kỹ sư đem lại cho Cơ-ra-xin sự hài lòng cá nhân mà anh đã từng có khi
là nhà cách mạng. Thoạt tiên, anh đón nhận biến cố tháng mười với vẻ ngạc nhiên
và hiềm khích, coi đó như một hành động phiêu lưu nhuốm màu thất bại ngay từ
đầu. Trong một thời gian dài, anh không tin chúng tôi có thể tránh được sự tan
vỡ. Nhưng sau đó khả năng làm việc trên quy mô lớn lại lôi cuốn anh.
Đối với tôi, quan hệ với Cơ-ra-xin năm 1905 là một vật báu thực sự. Chúng tôi
hẹn gặp nhau ở Pê-téc-bua. Anh cũng cho tôi địa chỉ những chỗ hẹn bí mật. Chỗ
hẹn đầu tiên và quan trọng nhất tại Học viện Pháo binh mang tên hoàng thân Côn-xtan-chin
[Konstantin], nơi làm việc của bác sĩ trưởng A-lếch-xan-đơ-rơ A-lếch-xan-đơ-rô-vích
Lít-ken-xơ [Alexandre Alexandrovitch Litkens]. Số phận đã gắn tôi với gia đình
bác sĩ trong thời gian dài. Tại nhà bác sĩ Lít-ken-xơ trên đại lộ Da-ban-can-xki
[Zabalkansky] hay ngay trong tòa nhà Học viện, tôi đã lẩn trốn nhiều lần trong
những ngày và đêm bồn chồn năm 1905. Đôi khi, ngay trước mắt người gác cổng,
nhiều người lên nhà bác sĩ trưởng thăm tôi, đây là những kẻ mà cả thang gác lẫn
sân Học viện đều chưa từng thấy bao giờ. Nhưng đám lính có thiện cảm với bác sĩ
Lít-ken-xơ, không ai tố cáo và chúng tôi vượt qua tất cả. A-lếch-xan-đơ-rơ, đứa
con trai lớn mười tám tuổi của bác sĩ, khi ấy đã là thành viên của đảng; vài
tháng sau anh lãnh đạo phong trào nông dân ở vùng Ô-ri-ôn [Oriel] nhưng cuối
cùng anh ốm và mất vì thần kinh quá căng thẳng. Ép-gơ-ráp-phơ [Evgraf] - em
trai của A-lếch-xan-đơ-rơ - lúc ấy còn là học sinh trung học, sau này có vai
trò quan trọng trong cuộc nội chiến và trong công tác giáo dục của chính quyền
Xô-viết, nhưng rồi anh bị bọn cướp ám hại năm 1921 ở Cờ-rưm.
Về mặt công khai, tôi sống ở Pê-téc-bua bằng giấy tờ một địa chủ tên là Vi-ken-chi-ép
[Vikentiev]. Trong các nhóm cách mạng, tôi lại có tên Pi-ốt Pê-trô-vích [Pierre
Petrovitch]. Đứng về mặt tổ chức, tôi không thuộc một nhóm nào. Tôi tiếp tục
cộng tác với Cơ-ra-xin, anh được coi là một người bôn-sê-vích dễ dung hòa thời
đó. Điều này càng làm chúng tôi gần gũi nhau hơn và cũng vì quan điểm của tôi
lúc ấy. Nhưng cũng trong thời gian đó, tôi giữ mối liên lạc với một nhóm men-sê-vích
địa phương, đại diện rất tích cực cho xu hướng cách mạng. Dưới ảnh hưởng của
tôi, nhóm này có quan điểm tẩy chay Viện Đu-ma [Douma] đầu tiên, vì thế các
thành viên men-sê-vích xung đội với chính trung tâm của họ ở ngoài nước. Nhưng
chẳng bao lâu, nhóm men-se-vích bại lộ do một thành viên tích cực phản bội: gã Đô-brốt-xcốc
[Dobroskok], biệt danh “Nhi-cô-lai kính gọng vàng” tỏ ra là một tên khiêu khích nhà
nghề. Y biết tôi hiện đang ở Pê-téc-bua và còn trực tiếp quen tôi. Vợ tôi bị
bắt nhân một cuộc mít-tinh trong rừng ngày mùng một tháng năm. Tôi
buộc phải lẩn náu tạm thời. Lúc đó là mùa hè, tôi đi Phần Lan.
Ở đây tôi có thể thở phào đôi chút. Tôi tiếp tục công việc viết lách miệt mài,
xen lẫn những cuộc dạo chơi ngắn. Tôi ngấu nghiến báo chí, theo dõi sự hình
thành của các đảng phái, tôi sưu tầm những mảnh cắt từ báo và phân loại các sự
kiện. Trong giai đoạn này, tôi đưa ra phác họa cuối cùng về các lực lượng nội
tại của xã hội Nga và những triển vọng của cách mạng ở xứ này.
Hồi đó tôi viết:
Nước Nga đứng trước bậc thềm một cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Vấn đề ruộng đất là cơ sở cuộc cách mạng này. Giai cấp (hoặc đảng phái) nào lôi kéo được nông dân theo mình chống lại chế độ Nga hoàng và điền chủ quý tộc, giai cấp (hoặc đảng phái) ấy sẽ giành được chính quyền. Chủ nghĩa tự do và giới trí thức dân chủ không thể đạt kết quả này: thời điểm lịch sử của họ đã chấm dứt. Giai cấp vô sản đã chiếm được mặt tiền của cuộc cách mạng. Chỉ có đảng Xã hội Dân chủ - thông qua giới công nhân - mới lôi kéo được giai cấp nông dân. Điều này mở ra trước đảng Xã hội Dân chủ Nga triển vọng giành được chính quyền sớm hơn ở các quốc gia phương Tây. Nhiệm vụ trực tiếp của đảng Xã hội Dân chủ là hoàn thiện hóa cuộc cách mạng dân chủ. Nhưng một khi đã cướp được chính quyền, đảng của giai cấp vô sản không thể tự bằng lòng với việc thực hiện một chương trình dân chủ. Nó buộc phải thi hành những chính sách xã hội. Chặng đường đi được theo hướng này sẽ tùy thuộc không chỉ vào những tương quan lực lượng nội bộ mà còn phụ thuộc tình hình trên toàn thế giới. Như thế, đường lối chiến lược chủ yếu đòi hỏi đảng Xã hội Dân chủ phải đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa tự do để giành ảnh hưởng trong giai cấp nông dân và tự đặt cho mình mục tiêu giành chính quyền ngay trong thời kỳ cách mạng tư sản diễn ra.
Câu hỏi về triển vọng chung của cách mạng gắn bó mật thiết với các vấn đề chiến thuật. Khẩu hiệu chính trị chính của đảng là triệu tập Hội nghị Lập hiến. Nhưng cuộc đấu tranh cách mạng đặt ra câu hỏi: ai triệu tập, và triệu tập bằng cách nào thứ Hội nghị Lập hiến ấy? Triển vọng cho thấy cuộc khởi nghĩa nhân dân do giai cấp vô sản lãnh đạo sẽ tiến đến việc hình thành một chính phủ cách mạng lâm thời. Giai cấp vô sản giữ vai trò lãnh đạo trong cuộc cách mạng, điều này đảm bảo cho họ một vai trò quyết định trong Chính phủ Lâm thời.
Về vấn đề này, một cuộc tranh luận rộng rãi đã nổ ra trong các giới lãnh đạo thượng đỉnh của đảng, cũng như giữa tôi và Cơ-ra-xin. Tôi viết ra giấy những luận đề trong đó tôi chứng minh thắng lợi toàn diện của cách mạng trước chế độ Nga hoàng là sự thành lập chính quyền của giai cấp vô sản dựa trên nông dân, hoặc sẽ là sự giai cấp vô sản giành lấy chính quyền vào tay mình. Cơ-ra-xin hoảng sợ trước cách đặt vấn đề cương quyết như vậy. Anh chấp nhận khẩu hiệu về Chính phủ Lâm thời và chương trình dự kiến cho chính phủ ấy do tôi đặt ra, nhưng anh đòi chúng tôi đừng quyết định trước vấn đề về một đa số xã hội dân chủ trong chính phủ. Các luận điểm của tôi được in ở Pê-téc-bua dưới hình thức đó và Cơ-ra-xin nhận phần bảo vệ chúng tại Đại hội đảng toàn quốc họp vào tháng Năm ở nước ngoài. Nhưng Đại hội chung ấy đã không được tổ chức. Tuy nhiên, Cơ-ra-xin tham gia các cuộc tranh luận về Chính phủ Lâm thời ở Đại hội những người bôn-sê-vích và trình bày các luận điểm của tôi dưới dạng đề nghị bổ sung cho quyết định của Lê-nin. Chi tiết này thú vị về chính trị đến mức tôi buộc phải trích dẫn từ biên bản của Đại hội III:
Về dự thảo nghị quyết của đồng chí Lê-nin, Cơ-ra-xin nói: “Tôi thấy nhược điểm của nó ở chỗ không nhấn mạnh vấn đề Chính phủ Lâm thời và không vạch ra rõ ràng mối tương quan giữa Chính phủ Lâm thời và cuộc khởi nghĩa vũ trang. Trong thực tế, Chính phủ Lâm thời bắt nguồn từ khởi nghĩa nhân dân và là cơ quan riêng của cuộc khởi nghĩa ấy... Ngoài ra trong dự thảo nghị quyết, tôi thấy ý kiến sau cũng không đúng: Chính phủ Lâm thời chỉ xuất hiện sau thắng lợi cuối cùng của khởi nghĩa vũ trang và sau sự sụp đổ của chế độ chuyên chế. Không, chính phủ ấy xuất hiện ngay trong quá trình khởi nghĩa và tham gia tích cực nhất, đảm bảo cho khởi nghĩa thắng lợi nhờ ảnh hưởng về mặt tổ chức của nó. Nghĩ rằng những người xã hội dân chủ chỉ có thể tham gia trong Chính phủ Lâm thời kể từ khi chế độ chuyên chế hoàn toàn sụp đổ là ngây thơ: lúc kẻ khác đã móc được hạt dẻ khỏi vỏ thì chẳng còn ai nghĩ đến chuyện chia sẻ nó với chúng ta.”.
Những
điều kể trên hầu như lặp lại từng chữ sự diễn đạt trong đề luận của tôi.
Trong bản báo cáo thuyết trình, Lê-nin đề cập đến vấn đề này theo ý nghĩa lý
luận thuần túy. Ông chấp nhận quan điểm của Cơ-ra-xin với thiện cảm sâu sắc. Lê-nin
nói:
Về toàn cục, tôi đồng tình với ý kiến của đồng chí Cơ-ra-xin. Với tư cách một nhà lý luận, tất nhiên tôi chú ý đến khía cạnh lý thuyết của vấn đề. Tầm quan trọng của mục đích cuộc đấu tranh đã được đồng chí Cơ-ra-xin chỉ ra rất đúng đắn và tôi hoàn toàn đứng về phía đồng chí ấy. Không thể chiến đấu nếu chúng ta không tin vào khả năng chinh phục đỉnh cao, vốn là mục tiêu của cuộc chiến...
Dự thảo nghị quyết được chỉnh lý theo hướng này. Sẽ không thừa nếu chúng ta ghi nhận rằng trong cuộc luận chiến xảy ra những năm gần đây, hàng ngàn lần người ta đã lấy nghị quyết về Chính phủ Lâm thời của Đại hội III để chống lại “chủ nghĩa Trốt-kít”. Các “giáo sư đỏ” được đào luyện trong lò Xta-lin-nít không hề có chút khái niệm rằng trong khi tìm một hình mẫu của chủ nghĩa Lê-nin-nít nhằm chống lại tôi, họ đã trích dẫn chính những dòng do tôi viết ra.
Hoàn c ảnh sống của tôi ở Phần Lan hoàn toàn không gợi nhớ đến cuộc cách mạng thường trực: đồi núi, rừng thông, ao hồ, bầu không khí mùa thu trong suốt, vẻ tĩnh lặng. Cuối tháng chín, tôi còn tiến sâu hơn nữa vào lãnh thổ Phần Lan: tôi ở tại một nhà nghỉ cô quạnh có tên là “Rauha” nằm giữa rừng, bên bờ hồ. Rauha tiếng Phần Lan có nghĩa là yên tĩnh. Khu nhà nghỉ mênh mông ấy hoàn toàn hoang vắng vào cuối mùa. Một nhà văn Thụy Điển cùng một nữ diễn viên Anh đã sống những ngày cuối cùng ở đó, rồi họ ra đi không trả tiền. Ông chủ đuổi theo họ đến tận Hen-dinh-phô [Helsingfors]. Vợ ông ta bị bệnh nặng nằm liệt giường, bà nốc rượu sâm banh để trợ tim. Vả lại, tôi cũng không thấy bà bao giờ. Bà ta mất trong khi chồng đi vắng. Xác chết nằm ở buồng ngay phía trên phòng tôi. Anh bồi bàn chính đi Hen-dinh-phô tìm ông chủ. Chỉ còn độc một cậu bé phục vụ. Tuyết đầu mùa đến sớm và rơi dữ dội. Các cây thông được bao phủ bởi lớp vải liệm bằng tuyết. Nhà nghỉ trở nên thật hoang vu. Cậu bé ở tịt trong nhà bếp, đâu đó dưới tầng hầm. Bên trên phòng tôi là cái xác bà chủ. Tôi còn lại một mình. Tất cả những điều này quả thực là “rauha” - sự yên tĩnh lớn. Không một bóng người, không một âm thanh. Tôi chỉ viết lách và dạo chơi.
Một buổi tối, người đưa thư mang lại một xấp báo ở Pê-téc-bua. Tôi mở hết tờ này đến tờ khác - dường như một cơn bão dữ dội ùa vào cửa sổ đang mở. Cuộc đình công toàn quốc dâng lên, lan rộng và lan truyền từ thành phố này sang thành phố khác. Trong cái yên lặng của khách sạn, tiếng giấy báo sột soạt vang lên chẳng khác gì tiếng gầm của núi lở. Cách mạng đang tiến lên hết tốc lực. Tôi gọi chú bé để thanh toán tiền nong rồi thuê một chiếc xe và để lại nơi đây sự “yên tĩnh”, tôi đi về phía núi lở. Ngay tối hôm đó tôi đã đăng đàn ở Pê-téc-bua, trong đại giảng đường trường Cao đẳng Kỹ thuật.