Đời tôi (Tập 1) - Chương 14 - Phần 1
CHƯƠNG XIV: 1905
Có thể nói cuộc đình công tháng mười đã nổ ra không theo một kế hoạch nào. Những người thợ in khởi đầu ở Mát-xcơ-va, nhưng làn sóng này dịu dần đi. Các đảng phái dự tính cuộc chiến quyết định sẽ nổ ra nhân dịp kỷ niệm ngày mùng chín (22) tháng giêng. Vì thế, tôi làm việc không vội vã tại nơi ẩn náu ở Phần Lan. Nhưng cuộc đình công đột xuất, tưởng như đã hấp hối ấy lại bất ngờ lan sang ngành đường sắt và từ đó nó không ngừng bước. Kể từ ngày mùng mười tháng mười, cuộc đình công diễn ra với những khẩu hiệu mang nội dung chính trị, khởi đầu từ Mát-xcơ-va và truyền đi toàn quốc. Thế giới chưa từng thấy một cuộc tổng đình công lớn như vậy. Tại nhiều tỉnh thành đã có những cuộc đụng độ ngoài đường phố với quân đội. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, những sự kiện tháng mười dừng lại ở tầm một cuộc đình công chính trị, chưa chuyển sang khởi nghĩa vũ trang. Dù vậy, chế độ chuyên chế hoang mang phải lùi bước. Bản Tuyên ngôn Lập hiến ngày mười bảy (30) tháng mười được ban bố. Nói đúng ra, chế độ Nga hoàng dù bị thương nhưng vẫn nắm trong tay bộ máy nhà nước. Đường lối của chính phủ - theo đánh giá của Vít-tê , hơn bao giờ hết, “là phối hợp của sự hèn hạ, mù quáng, quỷ quyệt và ngu xuẩn.” Và cách mạng đã thắng một trận đầu, chưa toàn vẹn nhưng đầy hứa hẹn.
Chi
tiết quan trọng nhất của cuộc cách mạng Nga năm năm 1905 cố nhiên nằm trong khẩu
hiệu:
“Cho chúng tôi ruộng đất” của nông dân.
Sau này Vít-tê viết như thế. Dĩ nhiên chúng ta có thể đồng ý với ông ở điểm
này. Nhưng Vít-tê lại viết tiếp:
Tôi không thấy Xô-viết của công nhân có
một tầm quan trọng nào đặc biệt. Và nó cũng không xứng đáng được như thế.
Điều này chỉ chứng tỏ kẻ xuất sắc nhất trong hàng ngũ quan lại cũng không hiểu nổi ý nghĩa các sự kiện, rằng đó là lời cảnh cáo cuối cùng gửi đến giai cấp thống trị. Vít-tê đã chết kịp thời để khỏi phải xét lại ý kiến mình về tầm quan trọng của Xô-viết công nhân.
Tôi về đến Pê-téc-bua khi cuộc đình công tháng mười lên đến cực điểm. Phong trào không ngừng lan rộng nhưng có nguy cơ thất bại mà không đem đến một kết quả gì vì nó không được một tổ chức quần chúng lãnh đạo. Tôi trở về từ Phần Lan với một kế hoạch bầu ra một hội đồng không đảng phái, cứ một ngàn công nhân lại cử một đại diện cho mình.
Đúng vào hôm tôi về, tôi được nhà báo Gioóc-đan-xki [Iordansky], sau này là đại sứ Liên Xô ở Ý, cho biết rằng những người men-sê-vích đã đưa ra khẩu hiệu: “Một hội đồng cách mạng thông qua bầu bán”, ở đó năm trăm công nhân có một đại diện. Tôi đồng tình với điều này. Các ủy viên Ban Trung ương bôn-sê-vích đang ở Pê-téc-bua lúc đó kiên quyết phản đối việc thành lập một hội đồng vô đảng phái bằng con đường bầu bán. Họ lo rằng hội đồng này sẽ cạnh tranh với họ. Những công nhân bôn-sê-vích hoàn toàn không e ngại như thế. Ngược lại, các lãnh đạo chủ chốt xử sự một cách bè phái đối với Xô-viết. Điều này diễn ra đến tận tháng mười một khi Lê-nin trở về nước Nga. Chúng ta có thể viết nên một chương sách đáng tham khảo về các phương pháp lãnh đạo của những người “Lê-nin-nít” khi Lê-nin vắng mặt. Lê-nin vượt xa các đồ đệ thân cận nhất của ông đến mức cạnh ông, họ cảm thấy chẳng phải lo lắng gì trong việc tự giải quyết những vấn đề về lý luận và chiến thuật. Họ đã bất lực một cách ghê gớm khi Lê-nin không ở bên họ trong những tình huống nguy kịch. Điều này xảy ra vào mùa thu năm 1905 và mùa xuân năm 1917. Trong hai dịp đó cũng như trong nhiều trường hợp khác, có tầm lịch sử nhỏ hơn, chỉ bằng trực giác, quần chúng của đảng đã cảm thấy đường lối đúng đắn, chính xác hơn nhiều so với các lãnh tụ nửa vời bị bỏ rơi. Lê-nin trở về nước quá muộn, đó là một lý do khiến nhóm bôn-sê-vích không chiếm được vị trí lãnh đạo trong các sự kiện của cuộc cách mạng đầu tiên.
Tôi đã kể chuyện N.I. Xê-đô-va bị một đội kỵ binh bắt tại cuộc mít-tinh ngày mùng một tháng năm trong rừng. Cô bị giam gần nửa năm trong tù rồi bị trục xuất và bị cảnh sát quản thúc ở Tờ-véc [Tver]. Khi bản Tuyên ngôn tháng mười được ban bố, cô trở về Pê-téc-bua. Dưới cái tên Vi-ken-chi-ép, chúng tôi thuê một buồng tại nhà một ông, sau này tôi mới biết là chuyên nghề đầu cơ ở Sở Giao dịch Chứng khoán. Công việc làm ăn của ông ta không chạy. Nhiều tay đầu cơ buộc phải sống tằn tiện tại gia. Sáng nào chúng tôi cũng mua tất cả các loại báo chí từ một cậu bé bán báo. Ông chủ nhà đôi khi cũng mượn vợ tôi báo, ông đọc và nghiến răng. Mỗi ngày ông một sa sút. Một lần, gần như nhào vào phòng chúng tôi, ông ta giận dữ vung vẩy tờ báo trong tay:
- Coi đây này! - Ông gầm lên và lấy ngón tay chỉ vào bài báo mới nhất của tôi mang tựa đề Chào anh chàng quét sân thành Pê-téc-bua. - Xem này, bây giờ chúng nó khuấy động cả lũ quét sân nữa. Tôi mà tóm được thằng tù khổ sai ấy, tôi sẽ bắn tan xác nó bằng cái này...
Rồi ông rút một khẩu súng lục khỏi túi và vung vẩy trên không. Ông có vẻ không minh mẫn và cần sự đồng cảm. Vợ tôi chạy đến tòa soạn báo cho tôi cái tin đáng sợ ấy. Cần phải tìm một chỗ trọ khác nhưng chúng tôi không có lấy một phút rỗi rãi, thành thử đành phó mặc mọi sự cho số phận. Chúng tôi sống như thế ở nhà ông đầu cơ tuyệt vọng đến ngày tôi bị bắt. May là cả chủ nhà lẫn cảnh binh đều không bao giờ biết ai là kẻ ẩn náu dưới cái tên Vi-ken-chi-ép. Sau khi tôi bị bắt, cảnh sát cũng chẳng buồn lục soát nơi tôi trọ.
Trong Xô-viết, tôi tham gia với bí danh I-a-nốp-xki để ghi nhớ cái làng nhỏ nơi tôi ra đời. Trên báo, tôi ký Trốt-xki dưới các bài viết. Tôi cộng tác liền một lúc với ba tờ báo. Cùng Pác-vút, chúng tôi đứng đầu tờ báo nhỏ Rút-xcai-a Ga-de-ta [Russkaia Gazeta] (Báo nước Nga) và biến nó thành cơ quan chiến đấu cho quần chúng. Trong vài ngày, số lượng ấn bản tăng từ ba mươi lên một trăm ngàn. Một tháng sau đã có nửa triệu người đặt mua. Nhưng kỹ thuật của chúng tôi không thể theo kịp mức độ hâm mô của người đọc đối với tờ báo. Cuối cùng, chúng tôi chỉ giải quyết được mâu thuẫn ấy bởi cuộc tập kích của nhà chức trách. Ngày mười ba tháng mười một, chúng tôi liên kết với những người men-sê-vích tung ra một tập san chính trị mới có tầm cỡ: tờ Na-tra-lô [Natchalo] (Buổi đầu) . Lượng báo tăng từng giờ. Vắng Lê-nin, tờ Nô-vai-a Giư-din [Novaia Jizn] (Đời mới) của những người bôn-sê-vích có vẻ tẻ nhạt. Ngược lại, Na-tra-lô vô cùng được ưa chuộng. Tôi nghĩ tập san này hơn bất kỳ tờ nào trong vòng nửa thế kỷ nay - xích gần nhất đến nguyên mẫu kinh điển của nó, tờ Die Neue Rheinische Zeitung (Báo mới trên sông Ranh) do Mác xuất bản năm 1848. Ca-mê-nhép - thành viên tòa soạn Nô-vai-a Giư-din - sau này kể với tôi chuyện khi đi tàu, anh quan sát cảnh những số báo mới được lưu hành như thế nào ở các ga. Những hàng người dài dằng dặc chờ tàu ở Pê-téc-bua. Mọi người chỉ ưa thích báo chí cách mạng.
- Na-tra-lô! Na-tra-lô! Na-tra-lô!
- Người
ta kêu trong hàng.
-Nô-vai-a Giư-din!
Rồi lại:
- Na-tra-lô! Na-tra-lô! Na-tra-lô!
Và
Ca-mê-nhép thú thực:
- Khi ấy tôi bực tức tự nhủ: rõ ràng những tay viết Na-tra-lô làm
khá hơn chúng ta...
Ngoài Rút-xcai-a Ga-de-ta vàNa-tra-lô, tôi còn viết các bài xã luận cho Id-vét-xchi-a [Izvestia] (Tin tức), cơ quan chính thức của Xô-viết. Tôi cũng thảo ra vô số lời kêu gọi, tuyên ngôn và quyết định. Năm mươi hai ngày tồn tại của Xô-viết đầu tiên đầy ắp công việc: Xô-viết, Ban Chấp hành Xô-viết, những cuộc mít- tinh lớn không ngừng và ba tờ báo. Bản thân tôi cũng không biết chúng tôi đã sống như thế nào trong cơn nước xoáy ấy. Nhưng trong quá khứ, có nhiều điều tưởng chừng không thể hiểu nổi bởi các hồi tưởng đã đánh mất dấu vết của sự hoạt động: người ta chỉ nhìn lại bản thân thuở nào từ bên ngoài. Và trong những ngày ấy chúng tôi đã hoạt động hết mình. Chẳng những quay tròn trong vòng xoáy, chúng tôi còn khuấy động chúng. Tất cả đều được làm vội vã nhưng không đến nỗi tồi, một vài việc thậm chí còn rất tốt là đằng khác. Phụ trách biên tập, bác sĩ Đờ-mi-tri Héc-den-sten [Dmitri Herzenstein] - một nhà dân chủ già - thỉnh thoảng đến thăm tòa soạn trong bộ áo khoác hoàn hảo màu đen có hai hàng khuy. Ông đứng giữa phòng và nhìn cái đống hỗn mang do chúng tôi tạo nên với vẻ thân mật trông thấy. Một năm sau ông phải ra hầu tòa vì tính cách mạng không kiềm chế của tờ báo mà ông vốn không có chút ảnh hưởng nào. Ông già ấy không chối bỏ chúng tôi. Ngược lại, nước mắt lưng tròng, ông kể cho các quan tòa nghe: khi làm công việc biên tập tờ báo được ưa chuộng nhất, chúng tôi chỉ ăn uống vội vàng thứ pa-tê khô cứng bọc trong giấy mà người gác đêm đem về từ hàng bánh mì gần nhà. Ông phải chịu một năm tù vì một cuộc cách mạng thất bại - thay cho hội di tản và pa-tê khô...
Sau này, Vít-tê viết trong hồi ký: “Năm 1905, đại đa số nước Nga dường như mất trí.”. Cái trí óc thủ cựu ấy sở dĩ thấy cuộc cách mạng như một thứ “chứng bệnh điên cuồng tập thể” vì cách mạng đã làm căng thẳng đến cực điểm sự điên rồ “bình thường” của các mâu thuẫn xã hội. Cũng như thế, khi người ta không muốn nhận ra bản thân mình trong một bức biếm họa táo bạo. Tuy nhiên sự tiến hóa hiện tại làm các mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn, mạnh mẽ hơn và sắc bén hơn, tăng cường chúng đến độ không chịu đựng nổi và hậu quả là nó tạo nên một tình thế trong đó tối đại đa số bị “mất trí”. Nhưng trong những trường hợp như thế, chính cái đa số điên rồ kia lại trói gô thiểu số sáng suốt trong tấm áo chẽn của người điên. Nhờ vậy mà lịch sử mới tiến triển được.
Hỗn mang cách mạng hoàn toàn không giống một cơn động đất hoặc một trận lụt. Trong cái hỗn độn của cách mạng, một trật tự mới lập tức hình thành, con người và tư tưởng phân chia theo những trục mới một cách tự nhiên. Cách mạng chỉ có vẻ điên cuồng ghê gớm với những kẻ bị nó lật đổ và quét đi. Với chúng tôi, cách mạng là yếu tố ruột thịt dù khá xáo động. Tất cả đều có thời cơ và vị trí của nó. Một số người còn thời gian để sống cuộc sống cá nhân, để yêu đương, để tìm thêm những mối quan hệ quen biết, thậm chí còn tới cả những nhà hát cách mạng. Pác-vút thích thú một vở kịch châm biếm mới đến mức anh mua liền năm chục vé buổi diễn hôm sau để mời bạn bè. Cần phải nói rõ là hôm trước anh mới lĩnh tiền nhuận bút cho các cuốn sách của mình. Khi bị bắt, cảnh sát tìm thấy trong túi Pác-vút năm chục vé xem hát. Chúng nặn óc hồi lâu để hiểu cho ra cái điều bí ẩn cách mạng ấy. Cảnh sát không biết rằng Pác-vút bao giờ cũng hào hiệp...
Xô-viết huy động những khối quần chúng khổng lồ. Tất cả công nhân, triệu người như một, đều đứng bên Xô-viết. Ở nông thôn nổ ra những cuộc bạo loạn. Điều này cũng xảy ra trong hàng ngũ quân đội trở về từ vùng Viễn Đông sau hòa ước Poóc-mút [Portsmouth]. Nhưng các lữ đoàn cấm vệ và lính Cô-dắc vẫn còn khá mạnh. Tất cả những yếu tố của một cuộc cách mạng thành công đã có, nhưng chưa chín muồi.
Ngày mười tám (31) tháng mười, một hôm sau khi bản Tuyên ngôn được ban bố, hàng vạn người tập trung trước trường Đại học Pê-téc-bua, họ còn hừng hực khí thế đấu tranh sau trận chiến và say sưa với thắng lợi ban đầu. Từ ban công, tôi nói với họ rằng thắng lợi nửa vời không phải là điều chắc chắn, rằng kẻ thù của chúng ta không thể dung hòa, rằng một cạm bẫy đang rình rập chúng ta; tôi xé tan bản Tuyên ngôn của Nga hoàng và tung các mảnh vụn vào gió. Nhưng mọi báo động chính trị như vậy chỉ tạo nên vài vết xước hời hợt trong tâm tưởng quần chúng. Quần chúng còn phải trải qua trường học của những sự kiện lớn lao.
Tôi
còn nhớ hai cảnh sinh hoạt của Xô-viết Pê-téc-bua liên quan đến dịp này.
Cảnh thứ nhất diễn ra ngày hai mươi chín tháng mười khi trong thành phố, người ta chỉ nói về
cuộc tàn sát mà bọn “trăm đen” đang chuẩn bị. Từ nhà máy, các đại biểu đến
thẳng phiên họp Xô-viết, họ lên diễn đàn và đệ trình những vũ khí mà giới công
nhân tự trang bị cho mình để chống lũ “trăm đen”. Họ vung vẩy những con dao
Phần Lan, những quả đấm sắt, dao găm, những chiếc roi bện bằng sợi thép, nhưng
vẫn vui vẻ và đùa cợt chứ chưa có vẻ lo âu gì. Dường như họ nghĩ rằng chỉ cần
sẳn sàng phản kháng là mọi vấn đề sẽ được giải quyết tức khắc. Đại đa số chưa ý
thức được đây là cuộc chiến sinh tử. Rồi những ngày tháng chạp sẽ dạy cho họ
hiểu điều đó.
Tối ngày mùng ba tháng chạp, Xô-viết Pê-téc-bua bị quân đội bao vây.
Tất cả các cửa ra vào đều bị đóng kín. Từ trên tầng cao nhất, nơi Ban Chấp hành
họp, tôi kêu to với hàng trăm đại biểu đang chen lấn ở dưới:
- Đừng tỏ ra chống đối, đừng trao vũ khí cho kẻ thù!
Ai nấy đều có những vũ khí bỏ túi, những khẩu súng lục. Và khi đó, trong phòng
họp bị các đội bộ binh, kỵ binh và pháo binh bao vây tứ bề, công nhân bắt đầu
đập phá vũ khí của họ. Những bàn tay khéo léo nện các khẩu Mau-dơ [Mauser] lên Brao-ninh
[Browning] và ngược lại. Đây không còn là trò đùa như ngày hai
mươi chín
tháng mười trước đó. Trong những tiếng chan chát, kọt kẹt và loảng xoảng của
kim loại bị đập vỡ, có cả tiếng nghiến răng của giai cấp vô sản. Lần đầu tiên
những người công nhân hiểu rằng họ phải cố gắng nhiều hơn, kịch liệt hơn mới
hòng lật đổ và đạp nát kẻ thù.
Thắng lợi nửa chừng của cuộc đình công tháng mười - bên cạnh những kết luận
mang tính chính trị của nó - đối với tôi còn có ý nghĩa lý luận vô giá. Không
phải phong trào đối lập của tư sản tự do, không phải những cuộc nổi dậy tự phát
của nông dân, không phải những hoạt động khủng bố của giới trí thức mà chính
cuộc đình công của giới thợ thuyền đã buộc chế độ Nga hoàng lần đầu tiên phải
quỳ gối. Quyền lãnh đạo cách mạng của giai cấp vô sản đã là một thực tế không
thể chối cãi. Tôi nghĩ lý thuyết về cách mạng thường trực vừa vượt qua thử
thách lớn đầu tiên. Rõ ràng cuộc cách mạng mở ra cho giai cấp vô sản triển vọng
giành chính quyền. Những năm tháng của thời kỳ phản động sắp tới không khiến
tôi rời bỏ quan điểm đó. Cũng từ đây tôi rút ra các kết luận cho cả phương Tây.
Nếu ở nước Nga giai cấp vô sản non trẻ còn mạnh như thế thì sức mạnh cách mạng
của họ tại những nước phát triển nhất còn đến mức nào?
Lu-na-trác-xki với phong cách thiếu chính xác và cẩu thả của anh, sau này đã
đánh giá quan niệm cách mạng của tôi như sau:
Đồng chí Trốt-xki (năm 1905) chủ trì quan điểm hai cuộc cách mạng (tư sản và xã hội) không trùng khớp với nhau nhưng lại móc nối với nhau khiến chúng ta được là nhân chứng của một cuộc cách mạng thường trực. Bộ phận Nga của nhân loại và cùng với họ, toàn thế giới đang bước vào giai đoạn cách mạng thông qua biến cố chính trị của giai cấp tư sản và họ không thể ra khỏi giai đoạn này trước chiến thắng của cách mạng xã hội. Không thể chối cãi, đồng chí Trốt-xki khi nêu ra những ý kiến như thế, đã tỏ ra vô cùng sáng suốt dù đồng chí ấy có nhầm chừng mười lăm năm năm.