Đời tôi (Tập 1) - Chương 14 - Phần 2

Nhận xét về sai lầm mười lăm năm của tôi sau này được Ra-đéc nêu lại, nhưng không phải vì thế mà sâu sắc hơn. Năm 1905 mọi dự kiến và khẩu hiệu của chúng tôi đều được xây dựng trên thắng lợi - chứ không phải thất bại - của cách mạng. Lúc đó chúng tôi không thực hiện được nền cộng hòa, cũng không làm được cách mạng ruộng đất hoặc không đòi được quyền làm việc tám giờ một ngày. Như vậy phải chăng chúng tôi nhầm khi nêu ra những yêu sách nói trên? Thất bại của cách mạng khép lại mọi viễn cảnh, không chỉ những điều mà tôi đã xét đến về mặt lý luận. Vấn đề không ở chỗ thời hạn của cuộc cách mạng mà là sự phân tích những động lực thúc đẩy nội tại và tiên đoán các bước phát triển trên toàn cục của cuộc cách mạng.

Tôi có quan hệ thế nào với Lê-nin trong cuộc cách mạng 1905? Sau khi ông mất, lịch sử đích thực bị viết lại. Cả với năm 1905 người ta cũng thiết lập một cuộc đấu tay đôi giữa hai nguyên lý - cái tốt và cái xấu. Nhưng thực tế là thế nào? Lê-nin không hề tham gia trực tiếp vào công việc của Xô-viết, ông cũng không phát biểu ở đó. Chẳng cần phải nói rằng ông đã chăm chú theo dõi mỗi bước đi của Xô-viết, thông qua các đại biểu của phe bôn-sê-vích ông có ảnh hưởng đến đường lối chính trị của Xô-viết và ông đã làm sáng tỏ hoạt động của Xô-viết trong tờ báo của ông. Lê-nin không bất đồng với đường lối chính trị của Xô-viết trong bất cứ vấn đề nào. Cùng lúc đó, như các tư liệu đã chứng thực, tất cả các nghị quyết của Xô-viết - trừ vài quyết nghị tình cờ và ít quan trọng - đều do tôi thảo ra và đệ lên Ban Chấp hành, rồi chính tôi thay mặt Ban Chấp hành báo cáo trước Xô-viết. Khi hình thành một ủy ban liên hiệp các đại biểu bôn-sê-vích và men-sê-vích, lại vẫn tôi nhân danh ủy ban phát biểu trước Ban Chấp hành. Và giữa chừng không xảy ra bất kỳ một xung đột nào.

Trước khi tôi trở về từ Phần Lan, chủ tịch đầu tiên của Xô-viết là Khơ-rút-xta-lép [Khroustalev], một trạng sư trẻ tuổi. Anh là hiện tượng ngẫu nhiên của cách mạng, một thứ trung gian giữa Ga-pôn và những người xã hội dân chủ. Khơ-rút-xta-lép làm chủ tịch nhưng anh không chỉ đạo về chính trị. Sau khi anh bị bắt, một đoàn chủ tịch mới được bầu ra, đứng đầu là tôi.

Xvéc-trơ-cốp [Svertchkov], một thành viên khá xuất sắc của Xô-viết, hồi tưởng: Lãnh đạo tư tưởng của Xô-viết là L.D. Trốt-xki. Chủ tịch Xô-viết Nô-xa [Nosar]- Khơ-rút-xta-lép chỉ là một thứ bình phong, anh không thể tự quyết định trong bất kỳ một vấn đề nào mang tính lý thuyết. Tự ái một cách bệnh hoạn, Khơ-rút-xta-lép căm ghét L.D. Trốt-xki bởi anh ta thường xuyên phải xin ý kiến và chỉ dẫn từ Trốt-xki.

Lu-na-trác-xki kể lại trong hồi ký của mình:
Tôi còn nhớ ai đó nói trước mặt Lê-nin: “Ngôi sao Khơ-rút-xta-lép đã đến lúc tàn và Trốt-xki là người mạnh nhất hiện nay trong Xô-viết.”. Lê-nin dường như sa sầm nét mặt một khoảng khắc rồi ông nói: “Trốt-xki đã chiếm lĩnh tình thế bằng sức lao động không mệt mỏi và xuất sắc.”.

Quan hệ giữa hai tòa soạn hết sức thân mật. Không có cuộc luận chiến nào xảy ra giữa đôi bên. Tờ Nô-vai-a Giư-din của những người bôn-sê-vích viết như sau:

Số Na-tra-lô đầu tiên vừa ra đời. Chúc mừng người bạn chiến đấu của chúng ta. Xin nhắc trong số đầu tiên này có bài tường thuật xuất sắc về cuộc đình công tháng mười của tác giả Trốt-xki.

Người ta không viết như vậy khi đấu đá nhau. Nhưng cũng không hề có cuộc chiến nào. Trái lại, báo chí chúng tôi bảo vệ nhau, chống lại phê bình của phe tư sản. Sau khi Lê-nin trở về, tờ Nô-vai-a Giư-din bênh vực những bài viết của tôi về cách mạng thường trực. Các tờ báo - cũng như hai khuynh hướng - đều có mục tiêu hợp nhất. Ban Trung ương của những người bôn-sê-vích với sự tham gia của Lê-nin đã nhất trí tán thành một quyết định cho rằng sự phân liệt chỉ là kết quả của những điều kiện di tản và các sự kiện cách mạng đã khiến cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng không còn chỗ đứng. Đó cũng là đường lối mà tôi tán thành trong Na-tra-lô, cạnh sự phản kháng thụ động của Mác-tốp.

Dưới áp lực của quần chúng, ở giai đoạn đầu những người men-sê-vích trong Xô-viết cố gắng đứng về cánh tả. Trong hàng ngũ họ, biến chuyển chỉ xảy ra sau đòn đầu tiên của bọn phản động. Lãnh tụ của họ, Mác-tốp than vãn trong một lá thư gửi Ác-xen-rốt vào tháng hai năm 1906:

Đã hai tháng rồi... Tôi không thể kết thúc bất kỳ tác phẩm nào của mình... Có lẽ tôi đau thần kinh, có lẽ tôi quá suy nhược về tinh thần - nhưng tôi không thể làm chủ được tư duy của mình.

Mác-tốp không biết gọi tên căn bệnh của mình. Thế mà nó đã có một cái tên hoàn toàn rõ ràng: chủ nghĩa men-sê-vích. Trong thời cách mạng, chủ nghĩa cơ hội trước hết đồng nghĩa với sự hoảng loạn và tạo ra kết quả là con người “không làm chủ được tư duy” của mình.

Khi phái men-sê-vích công khai sám h ối và bắt đầu lên án đường lối chính trị của Xô-viết, tôi bảo vệ đường lối ấy, trước hết trong báo chí Nga rồi trong báo tiếng Đức và tạp chí Ba Lan của Rô-da Luých-xăm-bua [Rosa Luxembourg]. Từ cuộc đấu tranh cho những truyền thống và phương pháp của 1905, tôi đã cô đúc được một cuốn sách thoạt đầu mang tên Nước Nga trong cách mạng, sau đó được tái bản nhiều lần ở một số nước dưới cái tên 1905. Sau biến cố tháng mười, cuốn sách ấy trở thành giáo trình chính thức của đảng, không chỉ ở Nga mà trong nhiều đảng cộng sản phương Tây. Chỉ sau khi Lê-nin mất và bắt đầu một chiến dịch được chuẩn bị chu đáo nhằm chống lại tôi thì cuốn sách về năm 1905 mới bị đưa ra trước làn mưa đạn. Trước tiên những phê bình chỉ bó gọn dưới dạng vài nhận xét thiểu não và nhỏ mọn mang tính gây gổ, nhưng dần dà chúng mạnh dạn lên, mở rộng ra, hùng hổ lên, rối ren thêm đến mức láo xược và càng ồn ào nhằm át đi những lo lắng của chính chúng. Bằng cách như vậy, người ta đã tạo ra huyền thoại về chuyện đường lối của Lê-nin và Trốt-xki không đồng nhất trong cuộc cách mạng 1905.

Cách mạng năm 1905 là bước ngoặt trong đời sống của đất nước, đời sống của đảng và đời sống của cá nhân tôi. Tôi trở nên chín chắn hơn. Công tác cách mạng đầu tiên của tôi ở Nhi-cô-lai-ép là một thử nghiệm quê mùa, được thực hiện mò mẫm trong bóng tối. Tuy nhiên thử thách ấy không vô bổ. Về sau này có lẽ không bao giờ tôi còn dịp tiếp xúc gần gũi với những công nhân ở cơ sở như tại Nhi-cô-lai-ép. Khi ấy tôi hoàn toàn chưa “có tên tuổi” và không có gì phân biệt giữa họ và tôi. Những điển hình cơ bản của giai cấp vô sản Nga để lại dấu ấn vĩnh viễn trong tâm trí tôi. Sau này, trong thực tế tôi chỉ gặp các phiên bản khác nhau của những người công nhân ấy. Trong tù, hầu như tôi nghiên cứu các học thuyết cách mạng từ ABC. Hai năm rưỡi bị giam cầm, hai năm đi đày tạo cho tôi khả năng đặt nền móng cho những vấn đề lý thuyết cơ bản của thế giới quan cách mạng. Lần ra nước ngoài đầu tiên là trường học lớn về chính trị đối với tôi. Dưới sự hướng dẫn của các nhà cách mạng Mác-xít lỗi lạc, tôi học cách tiếp cận các sự kiện theo những triển vọng lịch sử lớn và gắn chúng với những quan hệ quốc tế. Vào cuối thời kỳ di tản, tôi tách rời cả hai nhóm bôn-sê-vích và men-sê-vích đang nắm vai trò lãnh đạo. Tôi trở lại nước Nga tháng hai năm 1905 trong khi các lãnh tụ di tản khác chỉ về vào tháng mười hoặc tháng mười một. Trong số những đồng chí ở Nga, không ai đáng để tôi học hỏi. Ngược lại, bản thân tôi ở vào vị trí một người thầy. Những sự kiện của cái năm bão táp ấy gần như nghẽn lại cùng nhau. Phải tìm được chỗ đứng tức khắc trong mọi vấn đề. Mực chưa kịp khô trên những bản tuyên ngôn, chúng tôi đã gửi thẳng đến nhà in. Những nền móng lý luận tìm được trong nhà tù và nơi lưu đày, giờ đây được áp dụng lần đầu tiên vào cuộc chiến đấu. Tôi cảm thấy vững vàng trước các sự kiện. Tôi hiểu cơ chế hoạt động của chúng - ít nhất tôi cảm thấy thế. Tôi hình dung ra tác động của chúng lên ý thức của công nhân và tôi dự kiến được ngày mai trong những đường nét lớn. Từ tháng hai đến tháng mười, tôi tham gia các sự kiện, chủ yếu thông qua viết lách. Nhưng vào tháng mười, đột nhiên tôi chìm vào làn sóng khổng lồ, đối với tôi là thử thách nghiêm trọng nhất. Phải quyết định ngay trong những tình huống nóng bỏng. Cũng cần ghi nhận rằng những quyết định ấy - bằng một cách nào đó - đã tự hình thành trong tôi, rất tự nhiên. Tôi không quan tâm đến việc những kẻ khác sẽ nói như thế nào, ít khi tôi có điều kiện thảo luận với ai - mọi chuyện đều phải làm rất vội vã. Sau này tôi ngạc nhiên và cảm thấy xa lạ khi Mác-tốp, người thông minh nhất trong số men-sê-vích, luôn luôn tỏ ra bị động và sững sờ trước mọi sự kiện lớn. Không nghĩ ngợi - tôi có quá ít thời gian để tự xét mình - tôi cảm thấy mình đã vượt qua những năm tháng học trò. Không phải theo nghĩa tôi đã ngừng học tập: không, bởi nhu cầu và lòng hăng say học hỏi của tôi vẫn tươi rói trong tôi đến cuối đời. Nhưng từ đây trở đi, không còn như một học sinh, tôi tiếp tục học hỏi trên tư cách một người thầy. Khi bị bắt lần thứ hai tôi đã hai mươi sáu tuổi. Và ông già Đớt-trơ cũng chứng thực sự trưởng thành của tôi: trong tù ông long trọng từ bỏ cách gọi “chàng trẻ tuổi” đối với tôi, từ đó ông gọi tôi bằng tên họ và phụ danh.

Trong cuốn sách Những hình bóng cách mạng mà tôi đã từng trích dẫn (hiện nay bị cấm đoán), Lu-na-trác-xki đánh giá như sau về vai trò của các lãnh tụ cách mạng đầu tiên:

Trong tầng lớp vô sản Pê-téc-bua, Trốt-xki vô cùng được ưa chuộng vào thời ông bị bắt, sự ưa chuộng ấy chỉ tăng lên do cách xử sự kiểu mẫu (?) và anh dũng (?) trước tòa án. Tôi cần phải nói rằng trong số những lãnh tụ xã hội dân chủ thời kỳ 1905-1906, mặc dầu còn trẻ, Trốt-xki hiển nhiên là người được chuẩn bị tốt nhất, ông là người mà những năm tháng di tản ít để lại dấu ấn hẹp hòi nhất, như tôi đã nói, vào thời ấy Lê-nin cũng bị hạn chế bởi điều này. Ông [Trốt-xki] thấy hơn ai hết thế nào là một cuộc chiến quyền lực. Và từ cuộc cách mạng ấy, ông là người được nhiều nhất trên phương diện tiếng tăm: xét về đại thể, cả Lê-nin lẫn Mác-tốp đều không được chút gì về khoản này. Plê-kha-nốp mất rất nhiều do những khuynh hướng tự do mà ông bộc lộ ra thời kỳ ấy. Ngược lại, từ thời điểm này Trốt-xki vươn lên vị trí hàng đầu.

Những dòng chữ viết năm 1923 càng có ý nghĩa khi hiện tại Lu-na-trác-xki đang viết đúng điều ngược lại - với một phong cách không mấy “kiểu mẫu” và cũng không mấy “anh dũng”.
Một sự nghiệp lớn không thể thiếu trực giác, nghĩa là không thể thiếu một tiềm thức có thể phát triển và tăng cường nhờ các công việc lý luận và thực hành, nhưng trước hết phải là thiên bẩm trong con người. Khả năng học hỏi lý thuyết, thói quen nghề nghiệp trong thực hành không thể thay thế nổi cái nhìn sắc sảo của nhà chính trị cho phép chúng ta nhận biết được mình trong một tình thế nhất định, khiến chúng ta đánh giá được nó trong toàn thể và tiên đoán được sự phát triển kế tiếp. Năng khiếu ấy có tầm quan trọng quyết định trong những giai đoạn chứa đựng những thúc đẩy bất ngờ, những chuyển biến dữ dội; nói cách khác, giữa hoàn cảnh cách mạng. Tôi thấy những sự kiện năm 1905 đã làm nẩy nở trong tôi cái trực giác cách mạng và cho phép tôi có thể dựa vào nó một cách chắc chắn trong thời gian về sau. Tôi cũng ghi lại ngay ở đây: sai lầm tôi phạm phải, dù quan trọng đến mấy đi nữa - vì có những sai lầm mang tầm quan trọng vô cùng lớn - luôn chỉ đụng chạm đến những vấn đề phụ trong tổ chức và chiến thuật, không bao giờ chúng mang tính thiết yếu hoặc chiến lược. Trong việc đánh giá toàn thể tình hình chính trị và những viễn cảnh cách mạng của nó, tôi có thể thanh thản khẳng định: tôi không phải tự chê trách mình bởi những sai lầm nghiêm trọng.
Trong đời sống nước Nga, cách mạng năm 1905 là cuộc tổng diễn tập của năm 1917. Riêng với cá nhân tôi nó cũng có ý nghĩa tương tự. Tôi đi vào các sự kiện năm 1917 một cách hoàn toàn cương quyết và tin tưởng vì với tôi chúng chỉ là tiếp nối và phát triển của sự nghiệp cách mạng bị ngắt quãng bởi việc các thành viên Xô-viết Pê-téc-bua bị bắt bớ ngày mùng ba tháng chạp năm 1905.
Những cuộc bắt bớ xảy ra hai ngày sau khi chúng tôi công bố bản Tuyên ngôn “tài chính”; nó đưa ra trước công luận khả năng vỡ nợ của chế độ Nga hoàng và cảnh cáo: các khoản nợ của dòng họ Rô-ma-nốp [Romanov] sẽ không được nhân dân thừa nhận một khi họ giành được thắng lợi.
Bản Tuyên ngôn của Xô-viết các đại biểu công nhân nói như sau:
Chế độ chuyên chế chưa bao giờ được nhân dân tín nhiệm và thừa nhận. Do đó, chúng tôi quyết định không cho phép việc trả các khoản nợ do chính phủ Nga hoàng vay mượn trong khi họ tuyên chiến công khai và thẳng thừng với cả dân tộc.
Vài tháng sau, Sở Giao dịch Chứng khoán Pa-ri đáp lại tuyên ngôn của chúng tôi bằng việc cho Nga hoàng tiếp tục vay bảy trăm năm mươi triệu phờ-răng. Báo chí phản động và tự do chế nhạo những lời đe dọa yếu ớt của Xô-viết nhằm vào các cơ quan tài chính Nga hoàng và các chủ ngân hàng châu Âu. Sau đó chúng cố quên bản tuyên ngôn. Nhưng tự nó sẽ gây tiếng vang. Phá sản về tài chính của Nga hoàng đã được chuẩn bị bằng cả quá khứ - nổ ra đồng thời với sự tan vỡ của quân đội. Sau khi Cách mạng tháng mười thành công, sắc lệnh ngày mùng mười tháng hai 1918 của Hội đồng Dân ủy tuyên bố hủy bỏ toàn bộ các món nợ của Nga hoàng. Sắc lệnh ấy đến nay vẫn còn hiệu lực. Những kẻ nói rằng Cách mạng tháng mười không chịu nhận bất kỳ một trách nhiệm nào, đã nhầm. Cách mạng thừa nhận mọi nghĩa vụ của bản thân. Những bổn phận mà cách mạng cam kết ngày mùng hai tháng chạp năm 1905 đã được thực hiện ngày mùng mười tháng hai năm 1918. Cách mạng có quyền nhắc nhở các chủ nợ của chế độ Nga hoàng: “Thưa các ngài, chúng tôi đã cảnh cáo trước và kịp thời cho các ngài!”.
Trên phương diện này cũng như ở tất cả các mặt khác, năm 1905 đã chuẩn bị cho năm 1917.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3