Đời tôi (Tập 1) - Chương 15 - Phần 1

CHƯƠNG XV: XÉT XỬ, LƯU ĐÀY, TRỐN THOÁT

Chu kỳ tù tội thứ hai của tôi bắt đầu. Tôi chịu đựng dễ hơn nhiều so với lần đầu, hơn nữa, những hoàn cảnh cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với tám năm về trước. Tôi bị giam một thời gian ngắn trong nhà tù Cờ-rét-xtư [Kresty] (Thánh giá) rồi trong pháo đài Pi-ốt - Pa-ven và cuối cùng, trong nhà giam sơ bộ. Trước khi chuyển chúng tôi đi Xi-bê-ri, tôi bị đẩy sang trại tạm giam. Tổng cộng tôi bị mười lăm tháng tù. Mỗi nhà tù đều có những đặc điểm buộc tôi phải thích nghi với chúng. Nhưng sẽ rất mệt mỏi nếu phải miêu tả tất cả và dù bề ngoài có khác nhau đi nữa, các nhà giam vẫn tương tự nhau. Tôi lại có thời gian chuyên tâm về khoa học và văn học một cách có phương pháp. Tôi chú ý đến các vấn đề lý luận của tô tức ruộng đất và lịch sử những quan hệ xã hội Nga. Tôi soạn thảo một công trình lớn về tô tức nhưng chưa kịp kết thúc, sau này bị thất lạc trong những năm đầu sau biến cố tháng mười. Đối với tôi, đó là tổn thất nặng nề nhất kể từ khi công trình về lịch sử hội Tam Điểm bị tiêu hủy. Kết quả những tìm tòi của tôi về lịch sử xã hội Nga là bài viết nhan đề Tổng kê và viễn ảnh, hồi đó là cơ sở hoàn chỉnh cho thuyết cách mạng thường trực.

Sau khi chuyển đến trại tạm giam, các trạng sư được quyền đến thăm chúng tôi. Quốc hội Đu-ma thứ nhất làm sôi động đời sống chính trị. Báo chí lại mạnh dạn lên. Các nhà xuất bản Mác-xít hoàn hồn. Các nhà báo chính luận chiến đấu lại có đất dụng võ. Trong tù tôi viết nhiều, các trạng sư để bản thảo trong cặp và mang trộm ra ngoài. Giai đoạn này tôi viết bài đả kích mang tựa đề Pi-ốt Xtru-vê trong chính trị. Tôi làm việc say sưa đến nỗi những cuộc đi dạo cũng làm tôi khó chịu. Bài đả kích ấy chĩa mũi dùi vào chủ nghĩa tự do, về thực chất nó biện hộ cho Xô-viết Pê-téc-bua, cho cuộc khởi nghĩa tháng chạp ở Mát-xcơ-va và nói chung, cho đường lối chính trị cách mạng, chống lại sự phê phán của chủ nghĩa cơ hội. Báo chí bôn-sê-vích đón chào bài viết với vẻ thân thiện rõ rệt. Những người men-sê-vích dường như lặng thinh. Bài báo được lan truyền hàng vạn bản trong vài tuần.

Đờ-mi-tri Xvéc-trơ-cốp, người bạn tù của tôi, sau này kể lại giai đoạn tù ấy trong cuốn Vào buổi bình minh cách mạng của anh:

Trốt-xki viết một mạch cuốn sách Nước Nga và cách mạng và chuyển từng phần ra khỏi nhà tù. Trong cuốn sách ấy, lần đầu tiên (không chính xác! - L.T.) anh nêu rõ ràng suy nghĩ cuộc cách mạng khởi sự ở Nga không thể dừng lại chừng nào nó chưa đạt được hệ thống xã hội chủ nghĩa. Lý thuyết (của Trốt-xki) về “cách mạng thường trực” hồi ấy người ta gọi ý tưởng trên bằng cái tên này - hầu như không được ai thừa nhận vào lúc đó. Tuy nhiên anh vẫn cương quyết trung thành với lập trường của mình và đã thấy - trong trạng thái nhiều nước trên thế giới - những biểu hiện sụp đổ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và khả năng đến gần tương đối của một cuộc cách mạng xã hội...

Xvéc-trơ-cốp tiếp tục:
Phòng giam của Trốt-xki chẳng mấy chốc biến thành một thư viện. Người ta gửi đến cho anh hầu như tất cả những cuốn sách ít nhiều đáng chú ý; anh đọc chúng và viết lách từ bình minh đến khuya. Tôi thấy khỏe lạ thường.” Anh nói với chúng tôi. Tôi ngồi làm việc và biết chắc chắn là không còn ai đến bắt tôi... Các vị thấy chứ, đấy là một cảm giác lạ thường trong biên giới nước Nga Xa hoàng...

Để nghỉ ngơi, tôi đọc các tác phẩm kinh điển văn học châu Âu. Nằm dài trên chiếc giường gỗ, tôi say sưa đọc chúng với vẻ khoái trá xác thịt như những tay sành ăn uống nhấm nháp thứ rượu vang hảo hạng hay hút điếu xì gà thơm. Đó là những giờ đẹp đẽ nhất. Có thể nhận ra bằng chứng việc đọc sách vở cổ điển trong toàn bộ những bài tôi viết hồi đó dưới dạng các đề từ, trích dẫn. Cũng trong thời gian ấy tôi làm quen với những “grands seigneurs” của nền tiểu thuyết Pháp. Nghệ thuật truyện ngắn trước hết là nghệ thuật của nước Pháp. Dù tôi thạo tiếng Đức hơn tiếng Pháp một chút - đặc biệt trong lĩnh vực thuật ngữ khoa học - nhưng tôi đọc các tác phẩm văn học Pháp dễ hơn Đức. Đến ngày hôm nay tôi vẫn giữ trọn vẹn tình yêu của mình với tiểu thuyết Pháp. Ngay cả dưới thời nội chiến - trong toa xe hỏa - tôi cũng dành thời gian để đọc các tác phẩm mới nhất của văn học Pháp.

Nói cho cùng, tôi không thể phàn nàn về những nhà tù của mình. Chúng là trường học tốt đối với tôi. Tôi rời cái phòng giam được bao bọc kín mít của pháo đài Pi-ốt - Pa-ven với một sự luyến tiếc nào đó: thật là nơi lý tưởng cho công việc trí tuệ, yên tĩnh, bình lặng và không bị ai quấy rầy.

Ngược lại, trại tạm giam chật ních những người và vô cùng náo động. Tôi có dịp gặp gỡ nhiều tử tù ở đó: các hành động khủng bố và làn sóng cướp bóc vũ trang lan tràn khắp nước. Nhờ Quốc hội Đu-ma thứ nhất, chế độ quản lý trong tù khá tự do. Các xà-lim không bị đóng vào ban ngày, chúng tôi được đi dạo chung. Chúng tôi mê mải chơi nhảy cừu hàng tiếng đồng hồ: bọn tử tù cũng nhảy và giơ lưng làm cừu cùng mọi người khác. Vợ tôi vào thăm tôi một tuần hai lần. Lính trực làm ngơ trước việc chúng tôi trao thư từ và bản thảo cho nhau. Một ông khá cao tuổi trong số họ đối xử đặc biệt tốt với chúng tôi. Tôi tặng ông một cuốn sách kèm ảnh và chữ ký theo yêu cầu của ông.

- Các con gái tôi đều là học sinh. - Ông thì thầm vẻ nhiệt tình và bí hiểm nháy mắt về phía tôi.

Vào những năm của chính quyền Xô-viết, tôi gặp lại ông và tôi đã làm mọi việc có thể để giúp ông trong thời kỳ cùng cực nhất.
Pác-vút đi dạo với ông già Đớt-trơ trong sân chơi. Tôi cũng hay nhập bọn với họ. Có một tấm ảnh chụp ba chúng tôi trong bếp nhà giam. Ông già Đớt-trơ không biết mệt mỏi này tìm cách vượt ngục cho cả nhóm, ông lôi kéo Pác-vút dễ dàng và kiên trì mời mọc tôi. Tôi phản đối vì bị lôi cuốn bởi tầm quan trọng chính trị của phiên tòa sắp mở. Nhưng Đớt-trơ để lộ cho quá nhiều người biết dự kiến của mình. Một giám thị tìm thấy bộ dụng cụ sửa khóa trong thư viện nhà tù, nơi trung tâm của chiến dịch. Thật ra lãnh đạo nhà tù muốn lấp liếm chuyện này vì họ ngờ bọn cảnh binh lén đưa bộ đồ nghề vào để thay đổi chế độ nhà tù. Tuy nhiên lần vượt ngục thứ tư của Đớt-trơ được tổ chức ở Xi-bê-ri chứ không phải từ nhà tù Pê-téc-bua.
Sự phân biệt giữa các khuynh hướng trong đảng lại diễn ra mạnh mẽ sau thất bại tháng chạp. Việc Đu-ma bị giải tán phản chiếu mọi vấn đề của cuộc cách mạng. Tôi viết một cuốn sách nhỏ mang tính chiến lược về các vấn đề này và được Lê-nin cho in tại một nhà xuất bản bôn-sê-vích. Những người men-sê-vích đã rút Lu-i trên toàn trận tuyến. Nhưng những mối quan hệ giữa các khuynh hướng trong nhà tù không quá gay gắt như bên ngoài. Điều này cho phép chúng tôi viết một công trình tập thể về Xô-viết Pê-téc-bua, có sự công tác của cả những người men-sê-vích.
Vụ án các đại biểu Xô-viết mở ra ngày mười chín tháng chín trong những tuần lễ “trăng mật” của các tòa án quân sự đặc biệt Xtô-lư-pin [Stolypine]. Sân của tòa Pháp đình và các phố lân cận biến thành một trại lính. Toàn bộ lực lượng cảnh binh Pê-téc-bua được huy động. Nhưng bản thân vụ xét xử diễn ra khá tự do: bọn phản động muốn làm tổn hại vĩnh viễn uy tín của Vít-tê bằng cách phơi trần “tư tưởng tự do” và sự yếu đuối của ông trước cách mạng. Khoảng bốn trăm nhân chứng được nêu tên, trong đó hơn hai trăm người đến hầu tòa và khai báo. Công nhân, nhà sản xuất, cảnh binh, kỹ sư, người ở, thường dân, nhà báo, nhân viên bưu điện và điện báo, cảnh sát trưởng, học sinh trung học, cố vấn thành phố, trẻ quét sân, nghị sĩ, bọn du côn, đại biểu, giáo sư và lính - tất cả diễu qua trước tòa án dưới hỏa lực chồng chéo của những câu hỏi phát ra từ bục diễn đàn và hàng ghế quan tòa, biện lý, bào chữa và bị cáo - nhất là từ phía bị cáo - họ đi từng bước, nhích từng tý một, tái hiện cả thời kỳ hoạt động của Xô-viết công nhân. Các bị cáo được thanh minh. Tôi nói về chỗ đứng của cuộc khởi nghĩa vũ trang trong cách mạng, thế là đạt được mục đích chính. Khi tòa án từ chối cho gọi nghị sĩ Lô-pu-khin [Lopoukhine] - ông này vào mùa thu năm 1905 đã mở ra một nhà in trong một ban ngành của cục cảnh sát, ủng hộ việc khủng bố - chúng tôi đình chỉ cuộc đối thoại và đòi trở lại nhà giam. Các trạng sư, nhân chứng và công chúng cũng theo bước chúng tôi rời phiên tòa. Quan tòa còn trơ lại với biện lý. Họ tuyên án trong lúc chúng tôi vắng mặt. Biên bản tốc ký của phiên tòa đặc biệt kéo dài một tháng này cho đến nay vẫn chưa được công bố, thậm chí tôi cho là cũng chưa tìm lại được. Tôi đã thuật lại các chi tiết chính yếu trong cuốn sách 1905 của mình.
Cả cha và mẹ tôi đều đến dự phiên tòa. Hai cụ có phản ứng khác nhau trước những gì thấy được. Hành động của tôi không còn có thể giải thích như một trò quá trớn con trẻ như thời tôi ở Nhi-cô-lai-ép, trong vườn của Sơ-vi-gốp-xki. Tôi đã là tổng biên tập nhiều tờ báo, là chủ tịch Xô-viết, là nhà văn có tên tuổi. Những điều này làm các cụ vị nể. Mẹ tôi trò chuyện với các trạng sư, cố lắng nghe và nghe mãi những điều tốt đẹp về tôi. Khi tôi nói, bà không hiểu hết nội dung và lặng lẽ khóc. Rồi mẹ tôi nức nở khi chừng hai chục trạng sư lần lượt đến bắt tay tôi. Trước đó, một trong số những trạng sư đề nghị tòa tạm ngưng do sự xúc động chung. Đó là A.S. Da-rút-nưi [Zaroudny], sau này là bộ trưởng Tư pháp trong nội các Kê-ren-xki và chính ông đã bỏ tù tôi vì tội phản quốc. Nhưng đây là chuyện của mười năm về sau...
Trong giờ giải lao, các cụ nhìn tôi vẻ hạnh phúc tràn trề. Mẹ tôi chắc mẩm chẳng những tôi sẽ được tha bổng mà người ta còn phải gắn cho tôi một huân chương gì đó. Tôi quả quyết với mẹ rằng bà phải chuẩn bị tư tưởng về việc tôi sẽ bị kết án khổ sai. Hoảng hốt và ngơ ngác, hết nhìn tôi lại nhìn các trạng sư, bà cố hiểu tại sao mọi sự lại như thế. Cha tôi mặt nhợt nhạt, lặng lẽ ngồi vừa sung sướng vừa rã rời.
Chúng tôi bị tước mọi quyền công dân và bị đày đi một nơi được quy định. Có thể coi đây là một bản án tương đối nhẹ, chúng tôi tưởng sẽ bị kết án khổ sai. Nhưng bị đày đi một nơi quy định hoàn toàn không giống loại câu lưu hành chính như tôi bị lần đầu. Đày ải kiểu này là vô thời hạn, mọi mưu toan trốn chạy bị phạt thêm ba năm khổ sai. Việc đánh bốn mươi lăm roi kèm theo hình phạt đã bị bãi bỏ trước đó hai ba năm.
Tôi viết cho vợ ngày mùng ba tháng giêng năm 1907:
Thế là bọn anh bị nhốt ở trại tạm giam được hai tuần nay. Thú thực anh chia tay xà-lim nhà giam tạm bợ này với nỗi bồn chồn căng thẳng. Anh đã quá quen với cái lỗ nhỏ mà trong đó anh có thể làm việc thả cửa. Ở trại tạm giam, như anh biết, bọn anh sẽ bị nhốt chung - còn gì mệt nhọc hơn nữa? Tiếp đó là những bẩn thỉu, bừa bộn và lộn xộn rất quen thuộc trên đường đi đày. Ai mà biết bao giờ bọn anh mới đến được chỗ chỉ định? Và ai đoán được khi nào bọn anh mới trở về từ nơi ấy? Chẳng phải cứ ngồi tịt trong xà-lim 462, đọc sách, viết và chờ đợi lại chẳng hay hơn sao? Người ta đột ngột chuyển bọn anh qua đây mà không hề báo trước. Họ phát quần áo tù nhân cho bọn anh tại cái sân rộng trước nhà giam. Bọn anh làm từ đầu đến cuối thủ tục ấy với vẻ tò mò của lũ học sinh. Thật ngộ nghĩnh khi thấy kẻ khác mặc quần xám, áo choàng nỉ xám và mũ xám. Tuy nhiên bọn anh không mang trên lưng con át rô cổ điển. Họ cho phép các anh giữ lại đồ lót và giày. Cả lũ rầu rĩ nhào vào phòng trong bộ quần áo mới...

Việc được giữ lại đôi giày có ý nghĩa to lớn với tôi: tôi giấu một chiếc hộ chiếu tuyệt vời trong đế giày và những đồng tiền vàng trong đôi gót cao.
Tất cả chúng tôi bị dẫn điệu đến một thị trấn mang tên Ốp-đốc-xcơ [Obdorsk], ngoài vòng cực khá xa. Đường sắt gần nhất cách Ốp-đốc-xcơ một ngàn năm trăm dặm, trạm bưu điện cách tám trăm dặm. Cứ hai tuần mới có thư và báo. Vào thời kỳ bùn lầy mùa xuân và thu, có khi tháng rưỡi, hai tháng liền hoàn toàn không có bưu chính.
Dọc đường, người ta áp dụng những biện pháp an ninh đặc biệt đối với chúng tôi. Đoàn áp tải từ Pê-téc-bua không thuộc diện đáng tin cậy. Và quả thật: viên hạ sĩ đứng canh trong toa chở tù, kiếm tuốt trần, anh đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ cách mạng mới nhất. Ở toa bên cạnh, một tiểu đội cảnh binh ngồi, họ bao quanh xe chúng tôi ở mỗi nhà ga. Đồng thời chính quyền nhà tù rất tử tế với chúng tôi. Cán cân cách mạng-phản cách mạng vẫn còn dao động, chưa thể biết ai sẽ thắng. Viên sĩ quan chỉ huy cả đoàn bắt đầu bằng việc cho chúng tôi xem quyết định của cấp trên cho phép không còng tay chúng tôi, dù pháp luật bắt buộc như vậy.
Ngày mười một tháng giêng, tôi viết như sau cho vợ về cuộc hành trình:
Nếu anh nói viên sĩ quan tỏ ra ân cần và lịch sự thì khỏi phải nói về lính tráng của y: gần như tất cả đều đọc bản tường thuật vụ xét xử các anh và họ bày tỏ nỗi đồng cảm nồng hậu nhất. Cho đến phút cuối những người lính không biết họ phải áp tải ai và áp tải đi đâu. Cứ dựa vào cung cách thận trọng mà người ta điều họ từ Mát-xcơ-va đến Pê-téc-bua, họ tưởng sẽ hộ tống những tử tù đến Sơ-lút-xen-bua [Schlüüsselbourg] để hành quyết. Trong sân trước nhà giam, anh nhận thấy đoàn áp tải rất xúc động và ân cần lạ lùng, dường như họ cũng có chút tâm thức tội lỗi. Chỉ khi lên tàu anh mới hay lý do. Họ mừng rỡ biết bao khi biết đoàn “đại biểu công nhân” do họ dẫn độ chỉ bị kết án đi đày thôi. Một số cảnh binh đi hộ tống không hề chúi mũi vào toa bọn anh. Họ chỉ gác vòng ngoài: bao quanh xe tại các trạm ga, đứng canh trước cửa và có vẻ như họ chỉ giám sát đám lính áp tải là chính.
Những lá thư viết dọc đường được đội áp tải ngầm thả vào các thùng thư.
Chúng tôi đi xe lửa đến Chiu-men [Tioumen], từ đó chuyển sang xe ngựa trượt. Mười bốn người đi đày mà có tới năm mươi hai lính hộ tống, chưa kể viên đại úy, một viên đội và một hạ sĩ quan. Chúng tôi có cả thảy bốn mươi hai xe trượt. Từ Chiu-men chúng tôi qua Tô-bôn-xcơ [Tobolsk] dọc sông Ô-bi [Obi].
Tôi viết về cho vợ:
Trong thời gian gần đây, mỗi ngày bọn anh vượt từ chín trăm đến một ngàn dặm về phía bắc, tức là ngót một vĩ độ. Do việc di chuyển liên tục ấy, sự suy giảm văn hóa - nếu có thể nói đến văn hóa ở đây - hiển hiện trước mắt bọn anh một cách gay gắt đến độ nhức mắt. Mỗi ngày, bọn anh tụt xuống thêm một bậc thang gần vương quốc lạnh lẽo và man rợ.

Sau khi đã vượt qua những vùng có bệnh dịch tả hoành hành, ngày mười tháng hai, ngày thứ ba mươi ba của cuộc hành trình, chúng tôi đến Bê-rê-dốp [Bérézov], nơi xưa kia bạn chiến đấu của Pi-ốt [Pierre] Đệ nhất, hoàng thân Mensicốp [Menchikov] đã sống thời đày ải. Người ta cho chúng tôi nghỉ hai hôm tại đây. Chúng tôi còn phải đi khoảng năm trăm dặm nữa mới đến Ốp-đốc-xcơ. Chúng tôi được dạo chơi tự do. Nhà chức trách không lo có ai bỏ trốn từ đó. Chỉ có độc nhất một con đường về dọc sông Ô-bi, theo đường dây điện báo: mọi kẻ trốn chạy đều bị tóm cổ ngay.

Ở Bê-rê-dốp có một nhân viên trắc địa bị đi đày tên là Rốt-scốp-xki [Rochkovsky]. Tôi tranh luận với anh về kế hoạch chạy trốn. Anh nói có thể thử bằng cách đi thẳng về hướng Tây dọc sông Xốt-xva [Sosva], phía núi U-ran [Oural]. Bằng một cỗ xe tuần lộc, có thể đến những phân xưởng hầm mỏ, cạnh nhà máy Bô-gốt-xlốp-xki [Bogoslovsky] có một đường sắt hẹp, lên tàu đi đến Cút-sva [Kouchva], nơi đó nối với đường sắt lớn Péc-mơ [Perm]. Từ đây có thể đi Péc-mơ, Vi-át-ca [Viatka], Vô-lốc-đa [Vologda], Pê-téc-bua, Hen-dinh-phô...

Tuy nhiên dọc sông Xốt-xva không có đường xá gì hết. Quá Bê-rê-dốp là xứ sở hoang dã và câm lặng vĩnh cửu. Hàng ngàn dặm không một đồn cảnh binh, không đâu có một quần cư của người Nga. Chỉ có rải rác những lều trại của dân Ốt-xchi-ắc [Ostiak] du mục. Nói gì đến điện báo! Ngay cả ngựa cũng không có, đi đường chỉ nhờ lũ tuần lộc. Cảnh binh không thể đuổi kịp. Nhưng có nguy cơ lạc trong hoang mạc, trong tuyết. Lúc ấy là tháng hai, thời kỳ của những trận bão tuyết...

Bác sĩ Phây-tơ [Feit] - một nhà cách mạng già, thành viên nhóm chúng tôi - dạy tôi cách giả đau thần kinh tọa, nhờ vậy tôi được ở lại thêm vài ngày tại Bê-rê-dốp. Tôi thực hiện thành công cái phần không đáng kể ấy của kế hoạch đã định. Ai cũng biết không thể kiểm tra được việc đau thần kinh tọa. Tôi được vào bệnh viện, ở đó nội quy hoàn toàn thoải mái. Tôi biến khỏi đây mấy tiếng liền mỗi khi thấy mình “khá hơn”. Thầy thuốc khuyến khích tôi đi dạo. Như đã nói, không ai lo tù trốn khỏi Bê-rê-dốp vào mùa này trong năm. Cần phải quyết định. Cuối cùng tôi đồng ý chọn hướng tây: thẳng tới núi U-ran.

Rốt-scốp-xki hỏi ý kiến một nông dân trong vùng có tục danh là “Chân dê”. Con người bé nhỏ, khô khan và thận trọng ấy trở thành người tổ chức vụ trốn chạy. Ông cộng tác hoàn toàn vô tư với chúng tôi. Khi vai trò bị lộ, “Chân dê” bị trừng phạt rất tàn nhẫn. Sau Cách mạng tháng mười khá lâu, “Chân dê” mới biết chính tôi là người được ông giúp đỡ mười năm trước. Mãi năm 1923, ông đến chỗ tôi tại Mát-xcơ-va và khiến tôi vô cùng mừng rỡ. Chúng tôi mặc trang phục đại lễ của Hồng quân cho ông, đưa ông đi nhiều nhà hát, biếu ông máy hát và vô số thứ quà khác. Sau đó ít lâu, ông già mất tại quê hương vùng cực Bắc của ông.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3