Đời tôi (Tập 1) - Chương 15 - Phần 2
Từ Bê-rê-dốp, chúng tôi phải xuất phát bằng một cỗ xe tuần lộc. Tất cả việc thành bại chỉ xung quanh vấn đề có tìm nổi người hướng đạo chịu mạo hiểm đi vào con đường nguy hiểm vào mùa này không? “Chân dê” tìm được một anh chàng người Dư-ri-an [Zyriane], khéo léo và giàu kinh nghiệm như đa số dân thuộc bộ tộc đó.
- Nhưng anh ta không say đấy chứ?
- Không say là thế nào? Y uống bí tỉ ấy chứ. Nhưng anh ta nói thạo tiếng Nga, tiếng Dư-ri-an và hai thổ ngữ Ốt-xchi-ắc ở hạ lưu và thượng lưu, những tiếng ấy hầu như không giống nhau. Không thể tìm đâu một người đánh xe như thế đâu: một tay láu cá đấy.
Chính cái tay láu cá ấy sau này đã phản bội “Chân dê”. Nhưng hắn giúp tôi tẩu thoát thành công. Thời điểm khởi hành được dự định vào đêm chủ nhật. Hôm ấy, nhà chức trách địa phương tổ chức một buổi biếu diễn sân khấu nghiệp dư. Tôi xuất đầu lộ diện ở trại lính, cũng là nơi dựng rạp hát. Rồi tại đó tôi gặp tay phụ trách cảnh binh tỉnh, tôi bảo với ông ta rằng tôi đã khá lên rất nhiều và có thể đi Ốp-đốc-xcơ vào những ngày gần nhất. Tất cả mưu mẹo này đều khá xấu xa nhưng tôi không thể bỏ qua.
Khi đồng hồ đánh mười hai tiếng, tôi lẻn đến sân nhà “Chân dê”. Một xe trượt tuyết nông dân đã sẵn sàng ở đó. Tôi nằm dài trong xe, lưng lót một áo lông. “Chân dê” phủ lên tôi một lớp rơm lạnh giá và đóng băng, ông buộc chéo lại và chúng tôi khởi hành. Bó rơm tan băng và những dòng suối nhỏ lạnh toát chảy ràn rụa trên mặt tôi.
Được vài dặm chúng tôi dừng lại. “Chân dê” mở dây thừng. Tôi bò ra khỏi đống rơm. Người đánh xe huýt sáo. Có những tiếng đáp lại, tiếc là đó là tiếng người say rượu. Anh chàng Dư-ri-an đã quá chén và anh ta còn mang theo bạn bè. Bước đầu như thế là bất lợi nhưng không còn cách lựa chọn nào khác. Tôi chuyển sang chiếc xe tuần lộc cùng gói hành lý nhỏ của mình. Tôi mặc trên người hai áo lông - một có lông bên trong, một đệm lông ngoài - một tất lông và ủng lông, mũ bọc lông hai lớp và đôi giày cũng vậy, tóm lại tôi có một bộ trang phục y hệt người Ốt-xchi-ắc. Trong gói hành lý tôi có vài chai rượu: thứ hàng trao đổi đáng tin cậy nhất trong hoang mạc tuyết phủ này.
Xvéc-trơ-cốp viết trong hồi ký:
Từ trên tháp cứu hỏa thành Bê-rê-dốp, có thể quan sát - ít nhất trong vòng một dặm
- mọi cử động trên nền tuyết trắng theo hướng ra ngoài thành phố hoặc ngược lại. Một giả thuyết có lý là cảnh sát sẽ tra hỏi nhân viên trực cứu hỏa xem có ai rời thành phố đêm đó không? Rốt-scốp-xki sắp xếp cho một người dân - cùng lúc đó - chở một con bê mới làm thịt đi về hướng Tô-bôn-xcơ. Sự việc ấy - ta có thể đoán biết - được ghi nhận và hai ngày sau khi cảnh sát phát hiện ra Trốt-xki đã bỏ trốn, họ liền đuổi theo con bê. Như vậy, cảnh sát mất thêm hai ngày nữa...
Nhưng mãi về sau tôi mới biết điều đó.
Chúng tôi theo con đường dọc sông Xốt-xva. Người đánh xe chọn lũ tuần lộc trong số một đàn vài trăm con. Thoạt đầu anh chàng say này ngủ gà ngủ gật nhiều lần, những lúc ấy lũ tuần lộc dừng lại. Tình thế thật hiểm nguy với cả hai chúng tôi. Cuối cùng anh ta không phản ứng chút nào khi tôi lay anh. Lúc ấy tôi tháo chiếc mũ khỏi đầu anh, tóc anh nhanh chóng bị phủ bởi một lớp sương tuyết và cái hũ rượu ấy tỉnh dần. Chúng tôi tiếp tục đi. Quả thực là một chuyến đi tuyệt vời trong sa mạc tuyết tinh nguyên, giữa vương quốc của những khóm thông và dấu chân thú vật. Lũ tuần lộc chạy rất hăng, chúng thè lưỡi thở hồng hộc: tru… tru… tru... Con đường mòn khá hẹp, lũ thú chạy chen chúc và tôi phải ngạc nhiên vì chúng không làm vướng nhau trong chuyển động. Những con vật kỳ diệu không hề biết đói, biết mệt. Trước khi chúng tôi lên đường, lũ tuần lộc đã nhịn đói một ngày và bây giờ cũng thế, chúng tôi còn đi ít nhất một ngày nữa mà chúng không được ăn. Anh chàng đánh xe giải thích rằng bây giờ chúng mới “lấy đà”. Chúng chạy đều đặn không biết mệt, từ tám đến mười dặm một giờ. Tự chúng kiếm ăn lấy. Chúng tôi buộc vào cổ lũ tuần lộc một thanh củi và thả chúng tự do. Sau đó chúng chọn một chỗ mà qua tuyết, chúng đánh hơi thấy mùi rêu. Lũ tuần lộc lấy móng đào thành một hố sâu rồi đằm gần hết thân mình trong đó và lao vào ăn. Đối với những con vật ấy, tôi có tình cảm giống như anh phi công đối với động cơ của anh ta khi đang bay ở độ cao vài trăm mét trên đại dương. Một trong ba con tuần lộc, con đầu, bị sái cẳng. Chúng tôi hoảng sợ biết mấy! Phải thay nó. Chúng tôi đi tìm lều trại của người Ốt-xchi-ắc. Những trại này rải rác cách nhau vài chục dặm. Người dẫn đường của tôi, chỉ nhờ những dấu hiệu nhỏ nhặt nhất, vẫn tìm ra một điểm cư ngụ du mục. Anh ta cảm thấy mùi khói từ nhiều dặm xa.
Chúng tôi mất hơn một ngày để thay tuần lộc. Nhưng bù lại, lúc bình minh tôi được chứng kiến một cảnh tượng tuyệt vời: ba người Ốt-xchi-ắc dùng dây thòng lọng bắt lũ tuần lộc trong đàn vài trăm con, có chó săn đuổi theo. Chúng tôi lại đi, khi qua rừng, lúc qua đầm lầy tuyết phủ. Có lúc chúng tôi vượt qua những cánh rừng mênh mông bị lửa thiêu trụi. Chúng tôi đun tuyết lấy nước và dùng nó nấu trà. Người dẫn đường của tôi ưa rượu hơn nhưng tôi cảnh giác kiểm soát và ngăn anh không vượt quá giới hạn.
Con đường bề ngoài có vẻ giống nhau, kỳ thực chúng thay đổi luôn. Cứ nhìn dáng những con tuần lộc thì biết. Bây giờ chúng tôi đi qua một khoảng trống: giữa những bụi cây phong và lòng sông. Chúng tôi đi rất khó nhọc. Gió xóa ngay trước mắt chúng tôi những vệt nước hẹp mà xe trượt để lại. Con tuần lộc thứ ba cứ mỗi phút lại chệch khỏi đường. Nó lún vào tuyết đến bụng hoặc hơn thế nữa, cố leo lên đường bằng vài cú nhảy chới với, ép con ở giữa và xô con dẫn đường sang một bên. Đoạn tiếp cuộc hành trình được mặt trời sưởi ấm nên càng khó đi, làm dây cương bị đứt hai lần: cứ mỗi lần chúng tôi dừng lại, đáy xe đóng băng dính chặt vào lòng đường và không thể lung lay được. Sau hai chặng đầu, lũ tuần lộc mệt mỏi trông thấy...
Nhưng rồi mặt trời lặn, đường đóng băng và chúng tôi lại rong ruổi dễ dàng hơn. Đường mềm, không lún là loại tốt nhất, theo người đánh xe. Lũ tuần lộc rảo chân êm ru và thoải mái kéo chiếc xe. Cuối cùng chúng tôi tháo dây cương con thứ ba và buộc nó sau xe vì không còn phải kéo nặng nữa, lũ tuần lộc hay chạy chệch có thể làm vỡ trục xe. Xe chúng tôi trượt đều đều, không tiếng động như một con thuyền trên mặt hồ phẳng như gương. Trong cảnh tranh tối tranh sáng dày đặc ấy, rừng như to lớn hơn. Tôi tuyệt đối không nhận ra đường và hầu như không cảm thấy chuyển động của xe. Những hàng cây như bị phù phép vù đi cạnh chúng tôi, những bụi cây biến mất trong nháy mắt, những gốc cây gãy đầy tuyết phủ, những cây phong lênh khênh gần như bay vụt cạnh xe. Tất cả đầy vẻ bí hiểm. Tru-trutru,... hơi thở đều đặn và vội vã của lũ tuần lộc vang lên trong bầu không khí tĩnh lặng như tờ của rừng buổi đêm.
Chuyến đi kéo dài một tuần. Chúng tôi đi được bảy trăm cây số và đến gần U-ran. Trên đường, càng ngày chúng tôi càng gặp nhiều đoàn người chờ xe trượt. Tôi tự xưng với mọi người là kỹ sư trong đoàn thám hiểm địa cực của bá tước Tôn [Toll]. Gần đến U-ran, chúng tôi gặp một ông, xưa đã tham gia đoàn thám hiểm ấy và biết thành phần của đoàn. Ông hỏi tôi dồn dập. May mà ông ta say rượu. Tôi tìm được lối thoát bằng chai rượu rum tôi mang theo người để phòng mọi hậu họa. Sau đó, mọi sự xảy ra đều tốt đẹp.
Ở vùng U-ran đã có thể đi lại bằng ngựa. Tại đấy tôi xưng là viên chức và đến được con đường sắt nhỏ cùng một viên thuế vụ đang đi kiểm tra trong vùng. Cảnh sát nhà ga thờ ơ nhìn tôi trút bỏ những chiếc áo lông của dân Ốt-xchi-ắc.
Trên con đường nối với đường sắt U-ran, tình hình tôi hoàn toàn chưa đảm bảo. Tại nhánh đường sắt này, mọi người “lạ mặt” đều bị để ý, người ta có thể bắt tôi tại bất kỳ một nhà ga nào theo điện tín gửi từ Tô-bôn-xcơ. Tôi sống trong nỗi hồi hộp thường xuyên. Nhưng hai mươi tư giờ sau, khi lên toa tàu ấm cúng ở Péc-mơ, tôi cảm thấy mình đã thắng cuộc.
Con tàu qua những ga mà cách đây ít lâu những cảnh binh, đội áp tải và chỉ huy cảnh binh đã đón tiếp chúng tôi long trọng đến mức nào. Nhưng lần này tôi đi theo hướng ngược lại với những tình cảm hoàn toàn khác. Những phút đầu trên toa tàu rộng và hầu như trống không, tôi thấy sao chật hẹp và ngột ngạt! Tôi ra đầu toa, ở đó gió lộng và tối tăm, tôi kêu to không tự chủ từ lồng ngực - tiếng reo của niềm vui và tự do!
Tại chỗ dừng đầu tiên, tôi đánh điện cho vợ tôi và bảo cô ra đón ở một đầu mối đường sắt. Vợ tôi không ngờ nhận được bức điện này hoặc ít nhất cũng không ngờ lại nhận được nhanh thế. Điều đó thật dễ hiểu. Đường về Bê-rê-dốp kéo dài hơn một tháng. Báo chí Pê-téc-bua mô tả rất chi tiết cuộc hành trình lên phương Bắc của chúng tôi. Những lá thư viết trên đường đi, giờ mới đến nơi. Ai nấy đều tưởng tôi còn trên đường đi Ốp-đốc-xcơ. Thế mà đường về chỉ mất mười một ngày. Rõ ràng là vợ tôi không thể ngờ tới cuộc gặp gỡ tại vùng lân cận Pê-téc-bua. Và như thế càng hay: chúng tôi vẫn cứ gặp nhau!
Thử xem N.I. Xê-đốp-va kể lại chuyện này như thế nào trong hồi ký của cô:
Nhận được bức điện ở Tê-ri-ô-ki [Térioki] - một thị trấn Phần Lan gần Pê-téc-bua, nơi tôi sống hoàn toàn lẻ loi với đứa con trai nhỏ - tôi không thể ngồi yên một chỗ vì cảm động và mừng vui. Cùng ngày tôi nhận được lá thư của L.T., anh viết dọc đường khi đi. Lá thư này - ngoài việc mô tả chuyến đi - còn dặn tôi đem cho anh sách vở và những vật dụng cần thiết ở phương Bắc, nếu sau này tôi đi Ốp-đốc-xcơ. Tất cả có vẻ như anh thay đổi ý định đột ngột và giờ đây anh lao trở về trên những con đường không thể theo dõi được và hẹn tôi ở một trạm ga nơi các tàu gặp nhau. Nhưng lạ thay, tên nhà ga biến mất khỏi bức điện. Sáng hôm sau tôi đến Pê-téc-bua và cố tìm trong sách chỉ dẫn tên nhà ga mà tôi phải mua vé. Tôi không dám hỏi han gì và lên đường mà thực chất cũng không biết phải xuống ở ga nào. Tôi mua vé đi Vi-át-ca và lên đường vào buổi tối. Toa tàu đầy những điền chủ vừa đi mua thực phẩm từ các cửa hiệu sang trọng tại Pê-téc-bua, họ về nhà để tổ chức vũ hội hóa trang. Cuộc nói chuyện chỉ xoay quanh bánh tráng, trứng cá muối, cá, rượu vang và những thứ tương tự; chúng làm tôi khó chịu - tôi lo lắng khi nghĩ đến điểm hẹn và khắc khoải vì ý nghĩ về những tai họa ngẫu nhiên có thể xảy ra... Tuy vậy trong thâm tâm tôi vẫn hi vọng sẽ gặp anh. Tôi vô cùng sốt ruột chờ buổi sáng khi chuyến tàu ngược lại vào ga Xa-mi-nô [Samino] - tôi mới biết tên ga dọc đường và sẽ ghi nhớ suốt đời. Hai đoàn tàu dừng lại, cả tàu tôi đi và chiếc ngược chiều. Tôi nhào ra ga: chẳng có ai! Tôi lại nhảy lên chiếc tàu kia, hoảng hốt tột độ, tôi chạy qua các toa: cũng không có ai. Cuối cùng tôi thấy chiếc áo lông của L.D. trong một toa - như vậy, anh ở đây, đúng là ở đây! Nhưng đâu? Tôi ào xuống tàu và lao ngay vào vòng tay L.D., anh vừa chạy ra từ nhà ga và cũng tìm tôi. L.D. giận dữ vì bức điện của anh bị đánh sai và anh định làm ầm ĩ ngay lập tức. Phải khó khăn lắm mới làm anh dịu đi. Khi đánh điện cho tôi, tất nhiên anh hiểu có thể không phải tôi mà lũ cảnh sát sẽ đón anh ở ga. Nhưng anh nghĩ có tôi anh sẽ dễ chịu hơn ở Pê-téc-bua và anh tin vào số phận may mắn của mình. Chúng tôi vào ngồi trong toa và cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình. Tôi ngạc nhiên về thái độ nhẹ nhõm và và hồ hởi của L.D., anh cười và nói to trên tàu cũng như ở các ga. Tôi lại muốn biến anh thành người vô hình, cất dấu anh thật kỹ bởi anh có nguy cơ bị tù khổ sai vì tội đào tẩu. Thế mà anh lại ngồi trong toa, ngay trước mắt mọi người và bảo tôi đây là phương sách tự vệ tốt nhất.
Từ nhà ga, chúng tôi đến thẳng Học viện Pháo binh, nơi ở của những người bạn tin cậy của chúng tôi. Chưa khi nào trong đời, tôi thấy những bộ mặt sửng sốt như lúc ấy trong gia đình Lít-ken-xơ. Tôi đứng đó - giữa phòng ăn lớn - tựa một bóng ma và ai nấy đều nín thở ngắm tôi. Sau khi chúng tôi ôm hôn mọi người, một lần nữa họ lại ngạc nhiên và không tin vào mắt mình. Cuối cùng, họ cũng phải thừa nhận: đúng là tôi. Đến giờ tôi còn cảm thấy những giây phút ấy mới hạnh phúc làm sao! Nhưng hiểm nguy vẫn tồn tại, còn xa tôi mới thoát được chúng. Bác sĩ là người đầu tiên nhắc nhở tôi điều đó. Thậm chí, trong một ý nghĩa nhất định, chỉ từ giờ những nguy hiểm mới thực sự bắt đầu. Chắc chắn người ta đã gửi những bức điện từ Bê-rê-dốp thông báo việc tôi mất tích. Ở Pê-téc-bua, rất nhiều người thuộc Xô-viết công nhân quen biết tôi. Vợ tôi và tôi quyết định đi Phần Lan, nơi các quyền tự do đạt được trong cách mạng vẫn được duy trì lâu hơn nhiều so với ở Pê-téc-bua. Điểm nguy hiểm nhất là nhà ga Phần Lan. Ngay trước lúc tàu sắp khởi hành, vài sĩ quan cảnh binh lên tàu và kiểm tra các toa. Vợ tôi ngồi đối diện cửa sổ, nhìn vào mắt cô tôi biết nguy cơ lớn thế nào. Chúng tôi căng thẳng thần kinh đến tột độ trong vòng một phút nhưng các cảnh binh hoàn toàn bình thản nhìn chúng tôi rồi đi tiếp. Họ không thể làm gì tốt hơn thế.
Cả Lê-nin và Mác-tốp đã rời Pê-téc-bua từ lâu và sống ở Phần Lan. Sự hòa nhập giữa các phe phái diễn ra ở Đại hội Xtốc-khôm [Stockholm] tháng tư năm 1906 đã lại bắt đầu nứt nẻ. Cách mạng tiếp tục thoái trào. Phái men-sê-vích đồng thanh hối tiếc những việc họ phạm phải năm 1905. Những người bôn-sê-vích không hối tiếc gì hết, họ đặt mục tiêu làm nổ ra một cuộc cách mạng mới. Tôi đến thăm Lê-nin và Mác-tốp ở các đô thị bên cạnh. Như mọi lần, phòng của Mác-tốp lộn xộn kinh khủng, tại góc nhà có một núi báo cao bằng đầu người. Khi nói chuyện, Mác-tốp thỉnh thoảng lại lao đầu vào đống ấy và lấy ra các bài báo ông cần. Bàn làm việc đầy những bản thảo lấm tấm tàn thuốc lá. Hai tròng kính cặp mũi cáu bẩn lủng lẳng trên cái mũi thon mảnh của ông. Như thường lệ, Mác-tốp có vô số ý tưởng thông minh và sắc sảo nhưng ông thiếu một ý tưởng quan trọng nhất: không biết sắp tới mình sẽ làm gì.
Như mọi lần, phòng của Lê-nin luôn có một trật tự hoàn hảo. Ông không hút thuốc. Những tờ báo cần thiết được đánh dấu và luôn có sẵn trong tầm tay. Và quan trọng nhất: khuôn mặt giản dị nhưng khác thường của ông ánh lên vẻ cứng rắn và lòng tự tin kiên nhẫn.
Chưa rõ cách mạng thực sự thoái trào hay chỉ tạm dừng bước đôi chút trước khi cất cánh. Nhưng dù thế này hay thế khác, cần phải chiến đấu chống bọn hoài nghi, phải xem lại về mặt lý luận những kinh nghiệm năm 1905, phải đào tạo cán bộ cho một phong trào mới hoặc một cuộc cách mạng tiếp theo. Lê-nin nói ông thích những bài viết trong tù của tôi nhưng trách tôi không rút được những kinh nghiệm cần thiết về mặt tổ chức, nghĩa là không đứng về phía bôn-sê-vích. Trong chuyện này ông có lý.
Khi giã từ, ông cho tôi một loạt địa chỉ ở Hen-dinh-phô, đối với tôi chúng thật vô giá. Những người quen Lê-nin mách cho tôi đã giúp tôi thu xếp cùng gia đình ở Óc-bi-ôn [Oglbion], một nơi thuận tiện gần Hen-dinh-phô. Sau chúng tôi, Lê-nin cũng sống ở đó một thời gian. Viên cảnh sát trưởng Hen-dinh-phô là một phần tử tích cực, tức là một người Phần Lan có tư tưởng cách mạng quốc gia. Ông hứa sẽ báo cho tôi biết nếu có hiểm nguy đe dọa từ Pê-téc-bua. Tôi ở Óc-bi-ôn vài tuần với vợ và đứa con trai, cháu sinh ra khi tôi đang trong tù. Tại đây, trong cô đơn, tôi viết về cuộc hành trình của mình trong cuốn sách nhỏ Đi và về.Bằng tiền nhuận bút nhận được, xuyên qua Xtốc-khôm tôi ra nước ngoài. Vợ và con tôi tạm thời phải ở lại Nga. Một chị tích cực trẻ người Phần Lan đưa tôi đến biên giới. Hồi ấy họ còn là bạn chúng tôi. Năm 1917 các phần tử tích cực thay lông đổi cánh thành phát-xít và là kẻ thù tệ hại của Cách mạng tháng mười.
Trên một tàu hơi nước Bắc Âu, tôi bắt đầu một chuyến di tản mới, lần này sẽ kéo dài mười năm.