Đời tôi (Tập 1) - Chương 16 - Phần 1
CHƯƠNG XVI: LƯU VONG LẦN THỨ HAI VÀ CHỦ NGHĨA X Ã HỘI ĐỨC
Đại hội đảng năm 1907 họp ở một nhà thờ theo xu hướng xã hội. Đại hội đông đúc, kéo dài, đầy sóng gió và hỗn độn. Tại Pê-téc-bua, Quốc hội Đu-ma thứ hai vẫn hội họp. Nhiệt tình cách mạng thuyên giảm nhưng người ta vẫn còn rất để ý đến nó, kể cả trong chính trường Anh. Những người tự do có tên tuổi mời các đại biểu danh tiếng nhất của Đại hội đến nhà để trưng với khách của họ. Tuy nhiên, thoái trào cách mạng bắt đầu và thể hiện bằng sự hẫng hụt của quỹ đảng. Không đủ tiền để kết thúc Đại hội, chưa nói gì đến việc đưa các đại biểu ra về. Khi cái tin buồn bã ấy được thông báo dưới vòm nhà thờ, cắt đứt cuộc tranh luận xung quanh vấn đề khởi nghĩa vũ trang, các đại biểu ngạc nhiên và lo lắng nhìn nhau. Làm gì bây giờ? Chẳng lẽ cứ ở mãi trong cái nhà thờ Luân Đôn? Nhưng rồi xuất hiện một lối thoát hoàn toàn bất ngờ. Một nhà tự do Anh bằng lòng cho cách mạng Nga mượn ba ngàn đồng bảng Anh, nếu tôi nhớ không nhầm, nhưng ông đòi hỏi tất cả các đại biểu của Đại hội phải ký nhận tờ “hối phiếu cách mạng”. Ông nhận được một tờ giấy chứa vài trăm chữ ký, viết bằng đủ các thứ chữ của mọi dân tộc ở Nga. Nhưng ông người Anh ấy còn phải đợi lâu mới được hoàn trả khoản tiền nợ. Trong những năm thuộc thời kỳ phản động và chiến tranh, đảng không dám nghĩ đến việc trả những món tiền như thế. Chỉ chính phủ Liên Xô mới thanh toán được món nợ của Đại hội Luân Đôn. Cách mạng thực hiện nghĩa vụ của mình, mặc dù thường có một sự chậm trễ nào đó.
Trong
những ngày đầu của Đại hội, một người có tầm vóc cao, xương xẩu, khuôn mặt
tròn, lưỡng quyền cao, đội chiếc mũ tròn chặn tôi ở phía
cuối nhà thờ.
- Tôi là người khâm phục ông. - Người ấy nói với nụ cười vồn vã.
- Khâm phục tôi? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
Số là ông này nói về bài báo đả kích chính trị tôi viết trong tù. Người nói
chuyện với tôi chính là Mác-xim [Maxim] Goóc-ki. Đây là lần đầu tiên tôi thấy
ông tận mắt.
- Tôi nghĩ không cần chứng tỏ nhiều về chuyện tôi cũng khâm phục ông. - Tôi đáp.
Hồi đó Goóc-ki gần với những người bôn-sê-vích. Cùng đi với ông có một nữ nghệ
sĩ rất nổi tiếng, bà An-đơ-rây-ê-va [Andrééva]. Chúng tôi cùng nhau đi dạo khắp
Luân Đôn.
- Ông thử tưởng tượng xem, chị ấy nói được tất cả các thứ tiếng. - Goóc-ki
nói và lắc đầu vẻ khâm phục về phía An-đơ-rây-ê-va.
Bản thân Goóc-ki chỉ biết tiếng Nga, nhưng ông nói mới hay làm sao!
Khi một người hành khất vừa khép cánh cửa chiếc xe ngựa của chúng tôi, Goóc-ki
quay về phía người phụ nữ, vẻ năn nỉ:
- Phải cho anh ta những đồng xu này thôi.
An-đơ-rây-ê-va đáp lại:
- Cho rồi, A-lê-sen-ca [Aléchenka] ạ, anh ta đã nhận rồi mà.
Ở Đại hội Luân Đôn, tôi có quan hệ gần gũi hơn với Rô-da Luých-xăm-bua, người
tôi đã quen năm 1904. Đó là một phụ nữ bé nhỏ, thanh mảnh có vẻ bề ngoài gần
như ốm yếu; chị có gương mặt quý phái, đôi mắt tuyệt vời và cái nhìn thông
minh. Rô-da chinh phục mọi người bởi tính tình và tư tưởng
cương nghị. Phong cách chắc nịch, chính xác, quyết liệt, mãi mãi phản ánh trí
tuệ anh dũng của chị. Đó là một con người đa dạng và giàu sắc thái. Cách mạng
và những đam mê, con người và nghệ thuật nhân loại, thiên nhiên cùng chim chóc
và cỏ cây đều có thể làm rung lên những dây tơ trong tâm hồn chị.
Chị viết cho Lu-i-da [Louise] Cao-xki:
Tôi cần một người tin rằng tôi quay cuồng trong cơn lốc của lịch sử thế giới
chỉ do một sự hiểu nhầm mà thôi, kỳ thực tôi sinh ra để chăn ngỗng.
Mối
quan hệ của tôi với Rô-da không đạt đến mức độ cá nhân thân thiết. Chúng tôi
gặp nhau quá ít, quá hiếm hoi. Tôi chỉ khâm phục chị từ xa và rất có thể thời
đó tôi chưa đánh giá chị đầy đủ.
Về vấn đề được gọi là “cách mạng thường trực”, Luých-xăm-bua cũng bảo vệ lập
trường về nguyên lý như tôi. Một hôm, trong cuộc nói chuyện ngoài hành lang,
giữa Lê-nin và chúng tôi nảy ra một cuộc tranh luận - nửa đùa cợt - về đề tài
này. Các đại biểu xúm lại thành nhóm, chen chúc quanh chúng tôi.
- Tất cả chỉ vì chị ấy nói tiếng Nga chưa thạo. - Lê-nin nói về Rô-da.
- Ngược lại, chị nói rất thạo ngôn ngữ chủ nghĩa Mác-xít tôi đáp.
Các đại biểu cười và chúng tôi cùng cười với họ.
Ở Đại hội, tôi lại có dịp trình bày lập trường của mình về vai trò của giai cấp
vô sản trong cách mạng tư sản và đặc biệt, quan hệ giữa họ với giai cấp nông
dân. Về vấn đề này, Lê-nin phát biểu trong lời tổng kết:
Quan điểm của Trốt-xki là giai cấp vô sản
và nông dân chung những quyền lợi, chung những lợi ích trong cuộc cách mạng
hiện nay...
Vì thế...
Ở đây, hiển nhiên có sự đồng thuận trong những vấn đề cơ bản của mối quan hệ
với các đảng tư sản.
Chỉ
cần nói ngần ấy về câu chuyện thêu dệt rằng năm 1905, dường như tôi đã “lờ đi”
giai cấp nông dân.
Cũng phải nói thêm là bài phát biểu của tôi tại Đại hội Luân Đôn năm 1907 - bây
giờ tôi vẫn thấy tuyệt đối đúng - đã được in lại nhiều lần sau Cách mạng tháng
mười như một hình mẫu về quan hệ của người bôn-sê-vích với giai cấp nông dân và
tư sản.
Từ Luân Đôn, tôi đi Béc-lin để gặp vợ tôi, cô phải đến từ Pê-téc-bua. Khi ấy,
cả Pác-vút cũng đã vượt ngục từ Xi-bê-ri. Ở Đrét-xđen [Dresden], anh giải quyết
việc in ấn cuốn Đi và về trong nhà in xã hội dân chủ của Ca-đen
[Kaden]. Tôi viết thêm một lời tựa về chính bản thân cuộc cách mạng cho cuốn
sách ngắn thuật lại vụ tẩu thoát của tôi. Trong vài tháng, bài tựa ấy được phát
triển thành một cuốn sách mang tựa đề Russland in der Revolution (Nước
Nga trong cách mạng).
Tôi cùng vợ tôi và Pác-vút đi bộ đến vùng Thụy Sĩ Xắc-xông (vùng nói tiếng
Đức). Lúc đó vào cuối mùa hè, thời tiết rất đẹp, những buổi sáng hơi lành lạnh,
chúng tôi uống sữa và hít thở không khí núi. Tôi cùng vợ tôi thử xuống thung
lũng bằng những con đường chưa có người đi nhưng việc này suýt làm tôi mất
mạng. Sau đó chúng tôi đến Tiệp, vào thành phố nhỏ Hít-sơ-béc [Hirschberg] -
nơi nghỉ mát của những viên chức nhỏ - và ở lại đó vài tuần.
Lúc tiền sắp cạn - chuyện này xảy ra khá đều đặn - Pác-vút hoặc tôi viết một
bài cho báo chí xã hội dân chủ. Ở Hít-sơ-béc, tôi viết một cuốn sách về đảng Xã
hội Dân chủ Đức cho nhà xuất bản bôn-sê-vích ở Pê-téc-bua. Trong cuốn này, tôi
trình bày lần thứ hai một suy nghĩ (lần đầu vào năm 1905): bộ máy khổng lồ của
đảng Xã hội Dân chủ Đức trong thời điểm xã hội tư bản khủng hoảng có thể trở
thành lực lượng chính yếu của trật tự bảo thủ. Nhưng vào thời ấy, bản thân tôi
cũng không ngờ giả thuyết lý luận ấy sẽ được chứng tỏ đến mức nào trong thực tế
về sau.
Chúng tôi chia tay nhau ở Hít-sơ-béc. Tôi đi dự Đại hội ở Xtút-gát [Stuttgart],
vợ tôi về Nga với con, còn Pác-vút đi Đức.
Tại Đại hội Quốc tế, người ta còn cảm thấy hơi thở của cách mạng Nga năm 1905, ai
nấy đều theo cánh tả. Nhưng đã có thể nhận ra sự vỡ mộng đối với các phương
pháp cách mạng. Người ta còn chú ý chút đỉnh đến các nhà cách mạng Nga nhưng
không khỏi mang chút châm biếm: “À, thế là các anh lại trở về với chúng tôi!”.
Tháng hai
năm 1905,
khi qua Viên để trở về Nga, tôi hỏi Vích-to Át-le: “Ông nghĩ gì
về sự tham gia của những người xã hội dân chủ vào Chính phủ Lâm thời trong
tương lai?”.
Át-le trả lời theo lối nói của ông:
- Các anh còn khối việc phải làm với chính phủ hiện tại, bận óc với
chính phủ tương lai làm quái gì!
Tại Xtút-gát tôi nhắc lại câu chuyện này với Át-le.
- Thú thực các anh đã gần với Chính phủ Lâm thời hơn là tôi tưởng.
Nhìn chung, Át-le rất có thiện cảm với tôi bởi xét đến cùng, quyền phổ thông
đầu phiếu ở Áo là một thắng lợi do Xô-viết các đại biểu công nhân Pê-téc-bua
dành được.
Quen-sơ [Quelch] - đại biểu Anh, người đã giúp tôi vào được Bảo tàng Anh quốc
năm 1902 - phát biểu không được lễ độ cho lắm tại Đại hội Xtút-gát, ông gọi
cuộc họp các nhà ngoại giao là hội nghị của bọn cướp. Điều này hiển
nhiên không làm hài lòng hoàng thân Buy-lốp [Büülow], vì thế dưới áp lực của Béc-lin,
chính quyền miền Vuốc-ten-béc [Wüürttenberg] đã trục xuất Quen-sơ. Bê-ben cảm
thấy không tự chủ được. Nhưng đảng không dám làm gì để chống lệnh trục xuất. Họ
không tổ chức nổi đến một cuộc biểu tình để phản đối. Đại hội Quốc tế xử sự như
một bầy học sinh: đứa to mồm bị tống khỏi lớp và lũ còn lại thì lặng thinh. Dù
con số đảng viên đảng Xã hội Dân chủ có lớn đến mấy, người ta thấy rõ sự yếu ớt
của nó.
Tháng mười năm 1907, tôi đã ở Viên. Chẳng bao lâu vợ tôi cũng đưa
con sang. Trong lúc chờ đợi một làn sóng cách mạng mới, chúng tôi dọn về vùng
ngoại ô thành phố ở Hút-ten-đoóc-phơ [Hüütteldorf]. Bảy năm sau chúng tôi rời
Viên không cùng với làn sóng cách mạng mà với một thứ khác, đã nhấn chìm cả
châu Âu trong bể máu.
Tại sao chúng tôi lại chọn Viên trong khi toàn thể người Nga di cư đều tập
trung ở Thụy Sĩ và Pa-ri? Bởi trong giai đoạn đó, đời sống chính trị Đức gần
với tôi nhất. Chúng tôi không định cư được ở Béc-lin vì luôn bị cảnh sát quấy
rầy. Thành thử chúng tôi chọn Viên. Nhưng trong vòng bảy năm ấy, tôi theo dõi
đời sống Đức còn chăm chú hơn đời sống Áo vì nó quá giống con sóc đang nhào lộn
trên chiếc bánh xe.
Tôi biết Vích-to Át-le từ năm 1902, ông được mọi người công nhận là lãnh tụ của
đảng. Giờ đây đã đến lúc tôi làm quen với môi trường trực tiếp của ông, cũng
như toàn bộ đảng của ông.
Mùa hè năm 1907, tôi làm quen với Hin-phéc-đinh [Hilferding] tại nhà Cao-xki.
Lúc đó Hin-phéc-đinh đang ở đỉnh cao cách mạng của mình, điều này không ngăn
cản ông căm ghét Rô-da Luých-xăm-bua và coi thường Các Líp-nếch [Karl
Liebknecht]. Nhưng như nhiều người khác, ông sẵn sàng có những kết luận cấp
tiến nhất về nước Nga. Ông khen các bài của tôi mà tờ Die Neue Zeit (Thời
mới) đã kịp dịch từ báo chí Nga trước khi tôi trốn ra nước ngoài và hoàn toàn
bất ngờ đối với tôi, ông đề nghị chúng tôi xưng hô “cậu”, “tớ” với nhau ngay
khi mới vào đầu câu chuyện. Nhờ vậy quan hệ giữa chúng tôi bề ngoài có vẻ gần
gũi. nhưng sự gần gũi ấy không có một cơ sở đạo đức hoặc chính trị nào.
Hồi đó, Hin-phéc-đinh coi thường sâu sắc đảng Xã hội Dân chủ Đức vốn ù lỳ và
thụ động, ông đối lập nó với hoạt động tích cực của người Áo. Tuy nhiên lời chỉ
trích ấy không vượt quá bốn bức tường. Một cách công khai, Hin-phéc-đinh vẫn là
một nhân viên bàn giấy ăn lương của đảng Đức, không hơn không kém. Những lần
qua Viên, Hin-phéc-đinh đến thăm tôi và tối tối ông lại đưa tôi đến quán cà phê
với những người bạn Mác-xít Áo của ông. Khi qua Béc-lin tôi cũng đến thăm Hin-phéc-đinh.
Một lần chúng tôi gặp gỡ Mắc Đô-nan [MacDonald] tại một quán cà phê Béc-lin. Ê-đua
Béc-xten làm phiên dịch, Hin-phéc-đinh hỏi và Mắc Đô-nan trả lời. Giờ đây tôi
không còn nhớ những câu hỏi và lời đáp vì chúng chẳng có gì đặc biệt ngoài sự
nhàm chán. Trong đầu, tôi tự hỏi: trong số ba người, ai là kẻ đi xa nhất khỏi
cái mà tôi thường hiểu là chủ nghĩa xã hội. Tôi không biết phải trả lời thế
nào.
Trong thời gian diễn ra cuộc hòa đàm ở Bờ-rét Li-tốp-xcơ, tôi nhận được một lá
thư của Hin-phéc-đinh. Không chờ điều gì long trời lở đất nhưng tôi vẫn tò mò
khi mở phong bì. Từ khi Cách mạng tháng mười diễn ra, đây là tiếng nói trực
tiếp đầu tiên từ phương Tây xã hội chủ nghĩa. Và tôi thấy gì? Hin-phéc-đinh đề
nghị chúng tôi thả tự do cho một tù nhân thuộc thứ “bác sĩ” rất đông đảo ở
Viên. Bức thư không hề có một chữ nào nói về cách mạng! Tuy
nhiên, Hin-phéc-đinh vẫn xưng “cậu”, “tớ” với tôi trong thư. Tôi nghĩ rằng mình
hoàn toàn không có một thứ ảo vọng gì về ông. Thế mà tôi vẫn không thể tin vào
mắt mình.
Tôi còn nhớ Lê-nin vồn vã hỏi:
- Người ta bảo đồng chí nhận được thư của Hin-phéc-đinh phải không?
- Vâng.
- Thế nào, ông ta viết gì?
- Xin thả một tù nhân đồng hương.
- Và ông ta nói gì về cách mạng?
- Chẳng nói một chút gì hết.
- Chẳng-nói-một-chút-gì-hết?
- Đúng vậy!
- Không thể thế được!
Lê-nin trợn mắt như muốn đâm xuyên qua người tôi.
Tôi hơn ông một điểm là tôi đã có thì giờ nghiền ngẫm cái suy nghĩ: đối với Hin-phéc-đinh,
Cách mạng tháng mười và tấn thảm kịch Bờ-rét chỉ là dịp để ông can thiệp giúp
một người quen. Tôi miễn cho bạn đọc khỏi phải biết hai ba từ mà Lê-nin buông
ra trong cơn kinh ngạc.
Nhờ Hin-phéc-đinh, tôi làm quen với các bạn của ông ở Viên: Ót-tô Bao-e [Otto
Bauer], Mắc Át-le [Max Adler] và Các Ren-ne [Karl Renner]. Đó là những người
rất thông thái, họ tỏ ra hiểu biết hơn tôi trong những lĩnh vực khác nhau. Tôi
thích thú, có thể nói tôn kính, theo dõi cuộc nói chuyện đầu tiên của họ ở quán
cà phê “Trung tâm”. Nhưng chẳng bao lâu, tôi đâm ra ngờ vực: họ không phải là
những nhà cách mạng. Hơn thế nữa, họ còn là những điển hình đối lập với mẫu
người cách mạng. Điều đó được thể hiện trong mọi thứ: trong cách tiếp cận vấn
đề, trong ý kiến về chính trị và đánh giá tâm lý, trong sự tự mãn - tự mãn chứ
không phải tự tin - thậm chí tôi còn phát hiện ra cái nhỏ mọn trong giọng nói
của họ.
Điều làm tôi sững sờ là các nhà Mác-xít thông thái ấy hoàn toàn bất lực trong
việc sử dụng phương pháp Mác-xít, khi những vấn đề chính trị lớn - đặc biệt là
những bước ngoặt cách mạng - xảy ra. Việc này được chứng thực lần đầu qua
trường hợp của Ren-ne. Chúng tôi ngồi đến khuya trong quán cà phê, lúc đó không
còn tàu điện đi về Hút-ten-đoóc-phơ nơi tôi ở, thành thử Ren-ne đề nghị tôi
nghỉ đêm ở nhà ông. Khi ấy chàng công chức có học thức và tài năng của dòng họ Háp-sơ-bua
[Habsbourg] này chưa hề nghĩ rằng số phận bất hạnh của đế chế Áo-Hung - mà anh
là trạng sư lịch sử - sẽ đưa anh ta lên chức Quốc trưởng Cộng hòa Áo. Trên
đường về nhà từ tiệm cà phê, chúng tôi trò chuyện về triển vọng phát triển của
nước Nga, nơi mà trong thời gian ấy, lực lượng phản cách mạng đã củng cố được
vị thế của nó. Ren-ne trầm ngâm về vấn đề này theo phép lịch sự và vẻ thờ ơ của
một người ngoại quốc có học vấn. Điều làm ông bận tâm hơn nhiều là nội các Áo
sắp tới của nam tước Béc [Beck]. Điểm cơ bản trong những ý kiến của ông về nước
Nga là Liên minh các địa chủ và giai cấp tư sản - nổi bật trong Hiến pháp của Xtô-lư-pin
sau vụ đảo chính ngày mùng ba tháng sáu năm 1907 hoàn
toàn tương ứng với sự phát triển của các lực lượng sản xuất trong nước, bởi vậy
Liên minh có mọi cơ may để tồn tại.
Tôi phản bác, theo ý tôi khối lãnh đạo của địa chủ và tư sản thúc đẩy một cuộc
cách mạng thứ hai, hẳn sẽ đưa giai cấp vô sản Nga lên nắm chính quyền. Tôi còn
nhớ cái nhìn thoáng qua ngạc nhiên và độ lượng của Ren-ne dưới ngọn đèn ga
ngoài phố. Chắc ông coi tiên đoán của tôi như một mớ lộn xộn xuất phát từ sự
dốt nát, giống như lời tiên tri thần bí kiểu Khải huyền mà
cách đây vài tháng, một người Áo đã đưa ra trong Đại hội Xã hội Quốc tế ở Xtút-gát;
lần ấy ông ta tiên đoán về ngày giờ của cuộc Thế chiến sắp tới.
- Anh nghĩ thế à? - Ren-ne hỏi. - Dĩ nhiên, có thể tôi không biết đầy đủ tình
hình ở Nga - ông nói thêm với vẻ lịch sự chết người.
Kéo dài câu chuyện là vô ích: chúng tôi không cùng chung một mảnh đất dưới
chân. Rõ ràng đối với tôi, con người ấy xa lạ với biện chứng cách mạng chẳng
khác gì vị hoàng đế Ai Cập bảo thủ nhất.
Các ấn tượng đầu tiên của tôi càng sâu hơn về sau này. Những con người ấy biết
rất nhiều và trong khuôn khổ thói quen nghề nghiệp về chính trị - họ có thể
viết những bài báo Mác-xít xuất sắc. Nhưng họ xa lạ đối với tôi. Tôi càng tin
điều này khi phạm vi quan hệ và quan sát của tôi được mở rộng. Lúc họ nói
chuyện với nhau, khi thì chủ nghĩa sô-vanh không che đậy, khi thì thói khoác
lác của những kẻ kiếm lời nhỏ mọn, khi thì nỗi kinh hoàng với cảnh sát, khi thì
sự thô thiển với phụ nữ được thể hiện chân thật hơn nhiều so với mọi bài viết
của họ. Tôi thảng thốt kêu lên trong lòng:
- Thế mà là một nhà cách mạng ư?
Ở đây, tôi không nói đến những công nhân, ở họ quả thật người ta có thể tìm thấy
những nét tiểu tư sản, dĩ nhiên đơn sơ và ngây thơ hơn. Không, tôi tiếp xúc với
tinh túy của chủ nghĩa Mác-xít Áo thời tiền chiến cũng như với những nghị sĩ,
những nhà văn và nhà báo. Qua những dịp gặp gỡ ấy, tôi hiểu dần ra rằng tâm lý
cá nhân có thể quấy trộn biết bao yếu tố khác nhau và có một khoảng không trống
rỗng ngần nào giữa sự hấp thụ thụ động một phần nhất định của hệ thống với sự
hóa thể tâm lý toàn bộ của chính nó và sự giáo dục nhân cách theo tinh thần của
hệ thống. Hình thể tâm lý người Mác-xít chỉ có thể hình thành ở giai đoạn có
những đảo lộn xã hội, khi cách mạng làm đổ vỡ các truyền thống và phong tục.
Ngược lại, nhà Mác-xít Áo nhiều khi chỉ là một kẻ nhỏ nhen, anh ta nghiên cứu
phần này, phần khác của chủ nghĩa Mác-xít như những kẻ khác học pháp lý và sống
trên lợi tức của tư bản. Ở Viên - một thành cổ của một đế chế đầy đẳng cấp, tự
phụ và hư danh - những viện sĩ của chủ nghĩa Mác-xít khoái trá tặng nhau các
danh hiệu Herr Doktor. Nhiều khi các công nhân
gọi họ là Genosse Herr Doktor.
Trong bảy năm ở Viên, tôi chưa có lấy một lần trò chuyện cởi mở với bất kỳ ai
trong số những chính trị gia thượng đỉnh ấy, dù là thành viên đảng Xã hội Dân
chủ Áo, tôi dự các cuộc hội họp, tôi tham gia những cuộc tuần hành, tôi cộng
tác làm sách báo và đôi khi diễn thuyết ngắn bằng tiếng Đức. Tôi cảm thấy những
nhà lãnh đạo xã hội dân chủ thật xa lạ, đồng thời - không mấy khó khăn - tôi
tìm được tiếng nói chung với các công nhân xã hội dân chủ trong các cuộc họp và
biểu tình ngày mùng một tháng năm.
Trong những điều kiện như thế, thư từ của Mác và Ăng-ghen đối với tôi là tập
sách không thể thiếu được và vô cùng gần gũi. Bởi lẽ tôi kiểm tra được ở đó -
trên đại thể và bằng cách chắc chắn nhất - không chỉ những tư tưởng mà toàn bộ
những đánh giá của tôi về thế giới. Các lãnh tụ ở Viên của đảng Xã hội Dân chủ
cũng dùng những khái niệm giống như tôi. Nhưng chỉ cần quay quanh trục chừng
dăm độ bất kỳ một công thức nào trong số đó là đủ để phủ một nội dung hoàn toàn
khác lên cùng một khái niệm.
Mối liên kết của chúng tôi chỉ là tạm thời, hời hợt và ảo tưởng. Thư từ giữa
Mác và Ăng-ghen không phải là phát hiện lý luận đối với tôi: đó là một phát
hiện tâm lý. Toutes Proportinos gardées - tôi nhận ra từ từng
trang sách, rằng tôi rất gần gũi với họ về tinh thần. Họ cũng gần với tôi trong
cách đánh giá con người. Tôi đoán được những điều họ chưa nói ra, tôi chia sẻ
với họ những cảm tình, những bất bình và những căm ghét. Mác và Ăng-ghen là
những người cách mạng đến tận xương tủy. Và trong khi ấy, ở họ lại không có
chút bóng hình nào của tư tưởng giáo phái và khổ hạnh. Cả hai - đặc biệt Ăng-ghen
- vào bất cứ giây phút nào đều có thể nói được về bản thân họ: không có gì
thuộc về con người lại xa lạ đối với họ. Nhưng nhân sinh quan cách mạng mà họ
thấu triệt từ tâm não luôn nâng họ vượt khỏi nhưng ngẫu nhiên của số phận và
những bất ngờ của con người. Sự ti tiện chẳng những không phù hợp với họ mà cả
với sự hiện diện của họ. Những thứ tầm thường không bám nổi vào đế giày của họ.
Những lời bình phẩm, thiện cảm, bông đùa của họ - dù bình thường nhất - bao giờ
cũng đượm không khí những đỉnh cao tâm hồn. Họ có thể nêu ý kiến chết người về
ai đó nhưng không bao giờ họ đơm đặt. Họ có thể thẳng tay nhưng không bao giờ
xảo trá. Những chói lọi bên ngoài, những chức tước, phẩm hàm, danh hiệu chỉ tạo
nên trong lòng họ phản ứng duy nhất: sự khinh bỉ thản nhiên. Những gì mà lũ
thiển cận và những bộ óc tầm thường coi là tinh thần quý tộc ở họ, thực chất là
ưu thế cách mạng của họ. Dấu hiệu chủ yếu của điều này là sự độc lập hữu cơ và
tuyệt đối với công luận trong mọi thời điểm và tình huống. Đọc thư từ của họ
tôi cảm thấy rõ ràng hơn khi đọc sách họ - rằng sợi dây chắc chắn gắn bó mật
thiết tôi với thế giới của Mác và Ăng-ghen khiến tôi không thể dung hòa với
những nhà Mác-xít Áo.
Những con người này huênh hoang về đầu óc thực tế và năng lực trong công việc,
nhưng ngay trong địa hạt đó họ cũng là những kẻ nhỏ mọn. Năm 1907, nhằm tăng
những khoản thu nhập, đảng quyết định mở một nhà máy bánh mì riêng. Đó là một
sự phiêu lưu lớn, nguy hiểm về nguyên tắc và vô vọng trong thực tiễn. Ngay từ
đầu tôi chống lại dự kiến ấy nhưng chỉ nhận được những nụ cười khoan dung vẻ bề
trên trong giới Mác-xít thành Viên. Gần hai thập kỷ sau, trải qua mọi bất hạnh
đủ kiểu, đảng Áo thua lỗ và đành nhượng lại cơ sở này cho tư nhân một cách nhục
nhã. Để cự lại sự bất mãn của những công nhân đã gánh chịu rất nhiều hy sinh vô
ích, Ót-tô Bao-e tìm cách chứng tỏ việc rời bỏ doanh nghiệp là cần thiết. Ông
ta nhắc lại cả những lời cảnh cáo mà tôi đưa ra ngay vào thời điểm công việc
bắt đầu. Nhưng Baoe không giải thích cho công nhân biết tại sao ông không thấy
trước những điều mà tôi thấy và tại sao ông không coi trọng những lời nhắc nhở
- hoàn toàn không phải kết quả của sự sáng suốt cá nhân tôi. Bởi tôi không căn
cứ vào tình hình chung của thị trường bột mì, vào trạng thái quần chúng đảng
viên mà vào hiện trạng của đảng vô sản trong xã hội tư bản. Điều này có vẻ đặc
sệt lý thuyết, thế mà tiêu chuẩn tôi nêu ra lại thực tế nhất. Những tiên đoán
của tôi trở thành sự thật, điều này chỉ chứng tỏ ưu thế của phương pháp Mác-xít
trước trường phái Mác-xít giả hiệu của Áo.
Về mọi mặt, Vích-to Át-le thuộc một cung bậc cao hơn rất nhiều so với các cộng
sự của ông. Nhưng từ lâu, ông đã trở thành một kẻ hoài nghi. Nhiệt huyết chiến
sĩ của ông bị tiêu hao trong những lận đận, long đong nhỏ mọn ở Áo. Không một
triển vọng nào biến thành hiện thực và đôi khi Át-le phản kháng quay lưng lại
với chúng:
- Tiên tri là một nghề bạc bẽo, nhất là ở Áo. - ông nói.
Đó là điệp khúc thường xuyên của ông những lúc trò chuyện.
Trong những cuộc nói chuyện bên hành lang Đại hội Xtút-gát, nói về tiên tri
kiểu Áo, ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần:
- Muốn nói gì tùy các vị! Về phần mình tôi cho là những tiên đoán chính trị dựa
trên Khải huyền còn dễ chịu hơn mọi lời tiên đoán trên cơ sở
duy vật lịch sử.