Đời tôi (Tập 1) - Chương 16 - Phần 2

Dĩ nhiên ông đùa nhưng đó không chỉ là một lời nói dí dỏm. Và đây là điều làm tôi ngược hẳn với Át-le trong giây phút sinh tử: tôi không tưởng tượng nổi hoạt động chính trị cũng như đời sống tinh thần nói chung lại có thể tồn tại khi không có một dự cảm lịch sử khoáng đạt. Vích-to Át-le trở thành một kẻ hoài nghi và như thế, ông chịu đựng và thích nghi với đủ mọi thứ, đặc biệt với chủ nghĩa quốc gia đang đục rỗng đảng Xã hội Dân chủ Áo.
Quan hệ của tôi với các lãnh tụ tối cao của đảng càng xấu đi nhiều thêm khi tôi công khai chống lại chủ nghĩa sô-vanh của đảng Xã hội Dân chủ Áo-Đức. Chuyện này xảy ra năm 1909. Trong những cuộc gặp gỡ với các nhà xã hội Ban-căng [Balkans] - nhất là những người Xéc-bi [Serbie], trong số họ có Đờ-mi-tri Tu-sô-vích [Dmitri Tousovitch], sau này là sĩ quan và hy sinh trong cuộc chiến vùng Ban-căng - nhiều lần tôi được nghe những lời bất bình về chuyện tất cả báo chí tư sản Xéc-bi đều trích dẫn một cách khoái trá độc địa những lời bài xích sặc mùi sô-vanh nhằm vào Xéc-bi của tờ Arbeiter Zeitung, coi đó là bằng chứng chứng tỏ tình đoàn kết công nhân quốc tế chỉ là chuyện hoang đường. Tôi viết một bài rất thận trọng và ôn hòa chống lại chủ nghĩa sô-vanh của Arbeiter Zeitung cho tờ Die Neue Zeit. Cao-xki cho in sau một hồi đắn đo ghê gớm. Ngay hôm sau, một người di tản Nga già có quan hệ rất thân thiết với tôi tên là X.L. Cli-a-trơ-cô [Kliatchko] cho biết tôi đã gây ra một sự bất bình rất lớn trong nội bộ giới lãnh đạo đảng. “Sao mà anh ta dám!...” Trong những cuộc trò chuyện riêng tư, Ót-tô Bao-e và những nhà Mác-xít Áo khác thống nhất rằng Lây-ne [Leitner] - biên tập viên mục quốc tế của báo - đã dám đi quá xa. Át-le cũng đồng tình với ý kiến này, dù không tán thành, nhưng ông cũng đành chịu đựng những khuynh hướng sô-vanh cực đoan. Nhưng trước sự can thiệp táo bạo của người ngoài, mọi lãnh tụ đều đồng tình và nhất trí. Sau này, vào một ngày thứ bảy, Ót-tô Bao-e đến gần bàn của tôi và Cli-a-trơ-cô trong một quán cà phê và xạc cho tôi một trận nên thân. Phải thú nhận là tôi khá bối rối khi nghe những lời xối xả ấy. Điều làm tôi sửng sốt không phải giọng lên lớp của Baoe mà chính là lý lẽ ông ta đưa ra.
- Những bài báo của Lây-ne thì có vai trò quái gì? - Ông ta cao giọng, vẻ hài hước. - Không hề tồn tại một chính sách ngoại giao nào đối với đế chế Áo-Hung. Chẳng có công nhân nào đọc các bài báo ấy đâu. Chúng hoàn toàn không có chút giá trị gì.
Tôi mở to mắt và lắng nghe. Hóa ra những con người ấy chẳng những không tin vào cách mạng, họ còn chẳng tin vào chiến tranh. Trong các tuyên ngôn ngày mùng tháng năm của họ, họ có đả động đến chiến tranh và cách mạng nhưng chẳng bao giờ coi đó là chuyện nghiêm túc. Họ hoàn toàn không nhận ra trong cái tổ kiến mà họ xúm vào như những kẻ rồ dại, đã xuất hiện một chiếc ủng lính không lồ. Sáu năm sau họ buộc lòng phải nhận ra: rõ ràng có một chính sách ngoại giao đối với Áo-Hung. Nhưng về phần mình, ngay từ khi cuộc chiến xảy ra, họ đã dùng cái cách ăn nói xấc xược mà Lây-ne và bọn sô-vanh cùng một giuộc đã dạy cho họ.
Ở Béc-lin có một thứ tinh thần khác ngự trị - có thể chẳng khá hơn bao nhiêu, nhưng khác. Tính chất quan lại nực cười của các viện sĩ Viên có vẻ nhẹ hơn, những mối quan hệ cũng đơn giản hơn. Ở đây chủ nghĩa quốc gia ít được thể hiện hơn, hoặc ít nhất chúng không có lý do để xuất hiện thường xuyên và ồn ào như ở Áo là quốc gia gồm nhiều chủng tộc khác nhau. Dường như tình cảm quốc gia đã hòa vào lòng tự hào của đảng: tại Đức có đảng Xã hội Dân chủ mạnh nhất, cây vĩ cầm số một của Quốc tế!
Đối với người Nga chúng tôi, đảng Xã hội Dân chủ Đức là người mẹ, người dạy dỗ, là tấm gương sống. Chúng tôi lý tưởng hóa nó từ xa. Những cái tên như Bê-ben và Cao-xki được đọc lên một cách thành kính. Mặc dù về mặt lý luận tôi đã có những dự cảm lo lắng kể trên đối với đảng Xã hội Dân chủ Đức, trong giai đoạn ấy tôi hoàn toàn sống dưới vòng luẩn quẩn của nó. Thực tế sau đây cũng góp một vai trò lớn về chuyện này: tôi cư trú ở Viên và thỉnh thoảng mới đi Béc-lin một chuyến, tôi so sánh hai thủ đô của xã hội dân chủ và tự nhủ một cách an ủi: “Không, Béc-lin không phải là Viên!”.
Tại Béc-lin, hai lần tôi có dịp đến thăm các cuộc gặp gỡ hàng tuần của cánh tả, được tổ chức vào ngày thứ sáu ở quán ăn Ren-gôn [Rheingold]. Nhân vật trung tâm của các dịp hội họp ấy là Phơ-ran-xơ Mê-rinh [Franz Mehring]. Các Líp-nếch cũng hay xuất hiện, lúc nào ông cũng đến muộn và ra về sớm nhất. Lần đầu tiên Hin-phéc-đinh đưa tôi đến đó. Khi ấy ông vẫn còn tự coi mình là người cánh tả dù ông thù ghét Rô-da Luých-xăm-bua với sự căm ghét mà Đa-xin-ski đã reo rắc ở Áo.
Tôi không giữ được gì trong trí nhớ của mình về những cuộc nói chuyện ở đây. Co mặt lại, Mê-rinh giật giật cái má - đó là tật của ông - ông châm biếm hỏi tôi: trong số những “tác phẩm bất tử” của ông, cuốn nào đã được dịch ra tiếng Nga.
Trong cuộc nói chuyện, Hin-phéc-đinh gọi những người cánh tả Đức là những nhà cách mạng.
- Thôi đi, chúng tôi mà là những nhà cách mạng ư? - Mê-rinh ngắt lời - Họ mới là những nhà cách mạng!
Và ông khẽ gật đầu về phía tôi.
Tôi biết Mê-rinh quá ít và quá nhiều lần được chứng kiến bọn thiển cận chế nhạo cách mạng Nga, thành thử không biết Mê-rinh đùa cợt hay ông nói nghiêm chỉnh. Nhưng hóa ra Mê-rinh nói nghiêm chỉnh và ông đã chứng tỏ điều này bằng cả phần đời còn lại của ông.
Tôi gặp Cao-xki lần đầu năm 1907. Pác-vút đưa tôi đến nhà ông. Tôi không khỏi xúc động khi leo lên bậc thang căn nhà gọn gàng, xinh xắn ở Phơ-rít-nao [Friedenau], cạnh Béc-lin. Một ông già nhỏ nhắn, vui vẻ có mái tóc bạc và cặp mắt trong xanh chào tôi bằng tiếng Nga. Cùng tất cà những điều tôi đã biết về ông, tôi thấy ông rất hấp dẫn. Đặc biệt lôi cuốn trong ông là vẻ thanh thản, không chút bận rộn vô ích mà sau này tôi mới hiểu ra, đó là nhờ uy tín không thể chối cãi và sự yên lặng nội tại của ông. Kẻ thù của Cao-xki gọi ông là “Giáo hoàng của Quốc tế”. Thông thường bạn bè cũng gọi ông như thế theo nghĩa yêu quý. Nhân dịp thượng thọ thất thập, bà mẹ già của Cao-xki - tác giả những tiểu thuyết có khuynh hướng xã hội mà bà luôn đề tặng “cho con và người thầy” nhận được lời chúc mừng của các nhà xã hội Ý, họ gọi bà là “alla mamma del papa”, nghĩa là bà mẹ của Giáo hoàng.
Cao-xki cho rằng sứ mệnh lý luận chủ yếu của ông là dung hòa tinh thần cải lương và cách mạng. Nhưng chính ông cũng được tạo ra, về mặt tư tưởng, trong thời kỳ cải lương. Đối với ông, thực tiễn chỉ là cải lương. Cách mạng là một viễn vọng lịch sử mù mịt. Cao-xki đón nhận chủ nghĩa Mác-xít như một hệ thống hoàn bị và truyền bá nó với tư cách bậc thầy. Việc phân tích những sự kiện lớn vượt quá khả năng của ông. Thời tàn lụi của ông đã bắt đầu từ cuộc cách mạng năm 1905. Buổi nói chuyện riêng với Cao-xki không bồi bổ thêm cho tôi được mấy. Tư duy ông góc cạnh, khô cằn, ít sáng tạo, thiếu cảm giác tâm lý; cách đánh giá của ông sơ lược, những lời bông đùa của ông nhàm chán. Những lý do này khiến Cao-xki trở thành một diễn giả rất yếu.
Tình bạn của ông với Rô-da Luých-xăm-bua trùng hợp với giai đoạn hoạt động sáng tạo xuất sắc nhất của ông. Nhưng ít lâu sau cách mạng năm 1905, những dấu hiệu lạnh nhạt đầu tiên xuất hiện trong mối quan hệ giữa hai người. Cao-xki rất có thiện cảm với cuộc cách mạng Nga và từ xa, ông bình phẩm nó không tồi. Nhưng con người ông chống lại sự du nhập các phương thức cách mạng vào Đức. Trước khi diễn ra cuộc biểu tình ở phố Công viên Trép-tốp [Treptow], tôi gặp Rô-da Luých-xăm-bua tại nhà Cao-xki đúng lúc chị đang tranh luận kịch liệt với chủ nhà. Dù họ vẫn xưng hô thân mật và trò chuyện với giọng bạn bè gần gũi, nhưng có thể thấy sự bất bình cố kìm nén từ những lời đối đáp ngắn gọn của Rô-da và sự bối rối nội tại từ những câu nói của Cao-xki, ông cố giấu diếm chúng bằng những lời bông đùa không kém phần bối rối. Chúng tôi cùng nhau tới nơi biểu tình: Rô-da, Cao-xki, vợ ông, Hin-phéc-đinh, Gu-xtáp Ếch-xten [Gustav Eckstein] (đã quá cố) và tôi. Những cuộc đụng độ kịch liệt vẫn tiếp diễn giữa đường: Cao-xki chỉ muốn đến như kẻ quan sát, còn Rô-da Luých-xăm-bua lại muốn tham gia cuộc biểu tình.
Mâu thuẫn đối kháng giữa hai người nổ ra công khai năm 1910 về vấn đề đấu tranh cho quyền bầu cử ở nước Phổ. Lúc ấy, Cao-xki khai triển triết học chiến lược ăn mòn đối phương (Ermattungsstarategie) để đối lập với chiến lược nhằm quật ngã kẻ thù (Niederwerfungsstrstegie). Đó là hai xu hướng không thể dung hòa. Con đường Cao-xki theo càng ngày càng thích nghi sâu sắc với chế độ hiện hành. Trong trường hợp đó, không phải xã hội tư bản mà chính lý tưởng cách mạng của quần chúng công nhân bị “ăn mòn”. Tất cả những kẻ tầm thường, mọi viên chức, mọi tên cơ hội đều ủng hộ Cao-xki. Ông dệt cho họ những tấm vải tư tưởng để họ che đậy vẻ trần truồng của họ.
Chiến tranh nổ ra, chiến lược của những chiến hào tiếp nối chiến lược ăn mòn về chính trị. Cao-xki thích nghi với chiến tranh cũng như với hòa bình thuở trước. Nhưng Rô-da chứng tỏ chị đã trung thành với lý tưởng như thế nào...
Tôi còn nhớ người ta tổ chức mừng thọ lục tuần cho Lê-đê-bua [Ledebour] ở nhà Cao-xki. Trong số khách mời có cả Ao-gút-xtơ Bê-ben [Auguste Bebel], lúc đó đã ngoài bảy mươi. Đây là giai đoạn đảng Xã hội Dân chủ Đức đạt đến đỉnh cao. Sự thống nhất trong chiến thuật dường như tuyệt đối. Các chiến sĩ kỳ cựu ghi nhận những thành công và tin tưởng hướng về tương lai. Lê-đê-bua - người được mừng thọ - vẽ những bức biếm họa ngộ nghĩnh giữa bữa ăn. Tại buổi lễ có tính nội bộ ấy, tôi được làm quen với Bê-ben và Giu-lia [Julia] của ông. Những kẻ có mặt, kể cả Cao-xki, nghe như muốn nuốt từng lời của ông già Ao-gút-xtơ. Chẳng cần nói là tôi cũng vậy.
Con người Bê-ben đại diện cho sự vươn lên chậm chạp nhưng bền bỉ của giai cấp mới. Dường như từ đầu đến chân, ông già khô khan này được đúc bởi một nghị lực lúc nào cũng vươn tới mục tiêu duy nhất, kiên trì nhưng không thể bẻ gãy. Trong cách suy nghĩ, trong những lời hùng biện, trong các bài viết và sách vở của ông, Bê-ben hoàn toàn không tiêu phí chút năng lượng tinh thần nào mà không nhằm đáp ứng những nhiệm vụ thực tiễn trực tiếp. Đó chính là vẻ đẹp đặc biệt của xúc cảm chính trị trong ông. Bê-ben đại diện cho một giai cấp tự học trong những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi, tiết kiệm từng phút một và ngấu nghiến tham lam những gì thực sự cần thiết. Quả là một gương mặt vô song! Bê-ben mất trong thời gian giữa cuộc chiến Ban-căng và Thế chiến thứ nhất, khi Đại hội hòa bình Bu-ca-rét [Bucarest] diễn ra. Tôi được tin này tại một nhà ga ở Plô-ét-sti [Ploesti] (Ru-ma-ni [Roumanie]) và không thể tin đó là sự thật: “Bê-ben qua đời. Đảng Xã hội Dân chủ sẽ ra sao?”. Tôi liền nhớ lại lời Lê-đê-bua về nội tình đảng Đức: “Hai mươi phần trăm cấp tiến, ba mươi phần trăm cơ hội, còn lại theo Bê-ben.”.
Người nối nghiệp được Bê-ben lựa chọn là Ha-de [Haase]. Không chút nghi ngờ, tinh thần lý tưởng của Ha-de đã lôi cuốn ông già: không phải thứ lý tưởng cách mạng rộng lớn, điều này Ha-de không có, mà là một thứ lý tưởng được diễn giải hẹp hơn, thường nhật hơn, cá nhân hơn, chẳng hạn vì lợi ích của đảng, anh sẵn sàng từ bỏ chức trạng sư khá giả ở Cô-ních-xơ-béc [Köönigsberg]. Những nhà cách mạng Nga hết sức sững sờ khi Bê-ben nhắc đến sự hy sinh không mấy anh dũng ấy trong bài diễn văn đọc tại đại hội đảng, hình như họp ở Giê-na [Iéna]; ông còn kiên trì đề cử Ha-de làm phó chủ tịch Ban Trung ương đảng.
Tôi biết Ha-de khá rõ. Sau một Parteitag (phiên họp đảng), chúng tôi đi một chuyến ngắn ở Đức, cùng nhau đến thành phố Nu-ren-béc [Nurenberg]. Hiền hậu và cẩn trọng trong các quan hệ cá nhân, nói cho cùng trong chính trị Ha-de vẫn là một kẻ tầm thường lương thiện, một nhà dân chủ hạn hẹp thiếu bản lĩnh cách mạng cũng như thiếu một chân trời rộng rãi về lý luận, bản chất ông là vậy. Xét về khuynh hướng triết học, ông tự coi - có phần lúng túng - là một môn đệ của Căng. Trong những tình huống nguy kịch, ông có thiên hướng tránh các quyết định không thể đảo ngược, tìm đến những phương sách nửa vời và chờ thời. Không có gì lạ nếu sau này đảng và những người xã hội độc lập chọn ông là người lãnh đạo.
Các Líp-nếch đại diện một mẫu người khác hẳn. Chúng tôi quen biết nhau trong nhiều năm, giữa những lần gặp gỡ lại có những khoảng trống lớn. Căn hộ của ông ở Béc-lin là đại bản doanh của những người Nga di cư. Khi cần phải lên tiếng phản đối việc cảnh sát Đức giúp đỡ chế độ Nga hoàng, đầu tiên chúng tôi tìm đến Líp-nếch và rồi ông đi gõ mọi cánh cửa và mọi cái đầu. Là nhà Mác-xít thông thái, tuy nhiên Líp-nếch không phải là một lý thuyết gia. Đó là một con người hành động. Bản tính cương quyết, đam mê và đầy tinh thần hy sinh, ông có trực giác chính trị, nhạy cảm với quần chúng và với các tình thế, vô cùng táo bạo và sẵn sàng khởi xướng. Đó là một nhà cách mạng. Chính vì thế, ông luôn thơ thẩn như một kẻ nửa xa lạ, nửa quen biết trong cái tòa nhà của đảng Xã hội Dân chủ Đức, nơi ngự trị một chế độ quan liêu nhẫn nhục, luôn sẵn sàng Lu-i bước. Biết bao kẻ tầm thường, có đầu óc dung tục đã khinh thường và chế nhạo Líp-nếch ngay trước mắt tôi.
Tại Đại hội đảng Xã hội Dân chủ họp đầu tháng chín năm 1911 tại Giê-na, theo đề nghị của Líp-nếch, lẽ ra tôi phải phát biểu về chính sách vũ lực mà chính phủ Nga hoàng áp dụng ở Phần Lan. Nhưng trước khi đăng đàn chúng tôi được biết qua điện tín tin Xtô-lư-pin bị ám sát ở Ki-ép. Bê-ben lập tức hỏi tôi dồn dập: vụ ám sát này có ý nghĩa gì? Đảng nào phải chịu trách nhiệm? Với bài phát biểu, liệu tôi có thu hút sự chú ý không hay ho gì cho tôi từ phía cảnh sát Đức không?
- Đồng chí sợ bài phát biểu của tôi sẽ gây nên những rắc rối nhất định nào đó? - Tôi thận trọng hỏi ông già vì nhớ lại sự việc xảy ra với Quen-sơ ở Xtút-gát.
- Vâng. - Bê-ben trả lời. - Thú thực tôi muốn anh đừng đăng đàn thì hơn.
- Nếu vậy, đồng chí đừng nghĩ đến nó nữa.
Bê-ben thở phào nhẹ nhõm.
Năm phút sau, Líp-nếch chạy đến chỗ tôi, rất băn khoăn.
- Có thực họ đề nghị anh đừng nói không? Và anh chấp thuận?
- Làm sao mà không chấp thuận được cơ chứ? - Tôi chống chế. - Vì ở đây Bê-ben là chủ nhà chứ không phải tôi.
Líp-nếch tuôn nỗi bất bình của ông trong một bài phát biểu, ông công kích kịch liệt chính phủ Nga hoàng, bất chấp các dấu hiệu nhắc nhở của Chủ tịch đoàn, họ lo những biến cố rắc rối như bị buộc tội phạm thượng chẳng hạn.
Mầm mống những gì diễn ra sau này nằm trong các mẩu chuyện nhỏ trên đây.
Khi các tổ chức công đoàn Tiệp phản đối ban lãnh đạo Đức, những nhà Mác-xít Áo - chống lại sự ly khai công đoàn - đã sử dụng một lý lẽ khá khéo léo dưới dạng chủ nghĩa quốc tế. Plê-kha-nốp phát biểu về vấn đề này tại Đại hội Quốc tế ở Cô-pe-nha-ghen [Kopenhague]. Như mọi người Nga, ông cũng ủng hộ hoàn toàn và không hạn chế lập trường của người Đức chống lại người Tiệp. Ông già Át-le người đề cử Plê-kha-nốp vào nhiệm vụ này - cho rằng trong một việc khó xử như thế, chọn một người Nga đóng vai trò chánh thẩm phán tố cáo chủ nghĩa sô-vanh Xla-vơ [Slaves], là hơn cả. Cố nhiên tôi không thể có gì chung với thứ chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi thiển cận khốn khổ của Nê-mét [Nemec], Su-cúp [Soukup] hoặc Smê-ran [Smeral], kẻ kiên trì tìm cách chứng tỏ cho tôi thấy cái lý của người Tiệp. Nhưng đồng thời, tôi hiểu quá sâu sắc đời sống nội tại của phong trào công nhân Áo nên không gán toàn bộ tội lỗi - hoặc chỉ tội lớn nhất - cho người Tiệp. Nhiều điều chứng tỏ rằng nhìn về toàn khối, đảng Tiệp cấp tiến hơn đảng Áo-Đức và những tên sô-vanh kiểu Nê-mét sử dụng khéo léo bất bình chính đáng của quần chúng công nhân Tiệp đối với lãnh đạo của Viên.
Trên đường từ Viên đến Đại hội Cô-pe-nha-ghen, tại một ga nơi tôi cần đổi tàu, hoàn toàn tình cờ tôi gặp Lê-nin từ Pa-ri đến. Chúng tôi phải chờ đợi gần một tiếng và do đó một cuộc trò chuyện kéo dài đã diễn ra, rất thân mật trong nửa đầu và kém phần thân thiện ở nửa sau. Tôi chứng minh rằng trong việc ly khai của các công đoàn Tiệp, trước hết ban lãnh đạo Viên phải chịu trách nhiệm: họ hết sức trang trọng kêu gọi thợ thuyền các nước - và cả thợ thuyền Tiệp đấu tranh, nhưng cùng lúc đó lại bắt tay với quân chủ trong hậu trường. Lê-nin rất thích thú lắng nghe. Ông có khả năng chú ý đặc biệt: hướng cái nhìn vào không gian xa vời, ông nghiêm khắc nhấn mạnh những gì cần thiết từ câu chuyện của người đối thoại.
Tuy nhiên, câu chuyện giữa chúng tôi có một tính chất khác hẳn khi tôi kể cho Lê-nin bài báo của tôi đăng trên tờ Vorwảảrts (Tiến lên) về đảng Xã hội Dân chủ Nga. Bài báo được viết nhân dịp Đại hội Cô-pe-nha-ghen và phê phán gay gắt cả hai phe men-sê-vích lẫn bôn-sê-vích. Trong bài này, điểm quan trọng nhất là vấn đề “trưng dụng”. Sau thất bại của một cuộc cách mạng, những cuộc trưng dụng bằng vũ khí và những vụ tấn công của bọn khủng bố có thể phá hoại cả một đảng cách mạng nhất. Đại hội Luân Đôn - qua số phiếu bầu của những người men-sê-vích, những người Ba Lan và một số người bôn-sê-vích đã cấm sự trưng dụng. Những câu hỏi vang lên từ các hàng ghế cử tọa: “Còn Lê-nin? Ông ta nói gì?” chỉ được đáp lại bằng nụ cười bí ẩn.
Sau Đại hội Luân Đôn, những cuộc trưng dụng vẫn tiếp diễn gây thiệt hại cho đảng. Tôi đã tập trung một đòn vào điểm đó trên tờ Vorwảảrts.
- Đồng chí viết thế à? - Lê-nin hỏi với giọng trách móc khi tôi nhắc lại theo trí nhớ những ý chính và những diễn đạt chủ yếu nhất của bài báo do sự khẩn khoản của ông.
- Có thể đánh điện ngăn không cho in được không?
- Không. - Tôi đáp. - Bài báo phải ra sáng nay. Vả lại, tại sao lại phải ngăn không cho in? Bài báo ấy đúng, như nó được viết ra.
Thực ra bài viết không đúng vì nó dựa trên cơ sở thống nhất đảng bằng sự hợp nhất của những người bôn-sê-vích và men-sê-vích - loại trừ những kẻ cực đoan - khi trong thực tiễn, đảng hình thành trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống phe men-sê-vích.
Trong cuộc họp riêng của phái đoàn Nga tham dự Đại hội Cô-pe-nha-ghen, Lê-nin muốn mọi người lên án bài báo của tôi. Đây là xung đột sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời chúng tôi. Ngoài ra hồi đó Lê-nin còn yếu, ông bị hành hạ bởi cơn đau răng khủng khiếp và phải quấn khăn trùm mặt.
Trong đoàn đại biểu, một bầu không khí thù địch xuất hiện đối với bài báo và tác giả của nó, những người men-sê-vích cũng bất mãn về nội dung chủ yếu chống lại họ của bài viết.
Tháng mười năm 1910, Ác-xen-rốt viết cho Mác-tốp:
Bài báo của anh ta (Trốt-xki) trong Die Neue Zeit mới đáng giận làm sao! Còn đáng giận hơn cả bài trong Vorwảảrts.

Lu-na-trác-xki kể lại:
Plê-kha-nốp - vốn hoàn toàn không ưa Trốt-xki - lợi dụng tình huống này và tổ chức một thứ phiên tòa. Tôi cho đó là điều bất công. Tôi bênh Trốt-xki khá tích cực và nói chung, với sự ủng hộ của Ri-a-da-nốp, tôi góp phần làm hỏng kế hoạch của Plê-kha-nốp...

Đa số các đại biểu chỉ biết bài báo qua lời kể lại của kẻ khác. Tôi đòi họ phải tìm hiểu bài viết. Di-nô-vi-ép cố chứng tỏ: không cần đọc bài báo mới lên án được nó. Đa số không đồng tình với ý kiến này. Hình như Ri-a-da-nốp đã đọc và dịch luôn bài viết ấy.

Theo những cuộc chuyện trò sơ bộ bên hành lang, ai nấy cứ tưởng bài báo là một thứ gì kinh khủng lắm, đến mức khi đọc nó người ta có cảm giác ngược hẳn: nó hoàn toàn vô hại. Tuyệt đại đa số đại biểu Nga khước từ việc lên án bài báo. Nhưng giờ đây, điều đó không ngăn cản tôi lên án bài viết của mình như một đánh giá sai lầm về chủ nghĩa bôn-sê-vích.

Về vấn đề các công đoàn Tiệp, tại Đại hội phái đoàn Nga ủng hộ nghị quyết ở Viên và chống lại nghị quyết ở Pra-ha [Prague]. Tôi đưa ra một đề nghị chỉnh lý nhưng không thành công. Rút cục bản thân tôi cũng không hoàn toàn thấy rõ phần “chỉnh lý” mà sau này chúng tôi cần thực hiện cho đường lối toàn diện của đảng Xã hội Dân chủ. Việc chỉnh lý lẽ ra là một cuộc “thánh chiến” chống lại đảng Xã hội Dân chủ. Nhưng chúng tôi chỉ bước vào con đường này vào năm 1914.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3