Đời tôi (Tập 1) - Chương 17 - Phần 1
CHƯƠNG XVII: CHUẨN BỊ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG MỚI
Trong những năm của thời kỳ phản động, công việc của tôi phần lớn là viết những bài diễn giải về cách mạng năm 1905 và đặt cơ sở lý luận cho con đường dẫn đến cuộc cách mạng thứ hai.
Trước khi ra nước ngoài ít lâu, tôi đi thăm các khu người Nga di cư và các quần cư sinh viên để trình bày với họ hai bài thuyết trình: một bài về Số phận của cách mạng Nga (trong tình trạng chính trị hiện nay), bài kia có nhan đề Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội (những triển vọng xã hội - cách mạng). Bài thứ nhất chứng tỏ kinh nghiệm năm 1905 đã khẳng định triển vọng của cách mạng Nga, xét về mặt cách mạng thường trực. Bài thứ hai nối liền cách mạng Nga với cách mạng thế giới.
Tháng mười năm 1908, tôi bắt đầu xuất bản ở Viên một tờ báo Nga mang tựa đề Práp-đa [Pravda] (Sự thật) dành cho đông đảo quần chúng công nhân. Tờ báo được đưa vào nước Nga bằng đường buôn lậu, qua biên giới Ga-li-xi hoặc biển Hắc Hải. Tồn tại trong vòng ba năm rưỡi, ra nhiều nhất là hai số mỗi tháng, nhưng việc xuất bản đòi hỏi công sức lao động lớn và tỉ mỉ. Việc giao dịch thư từ bí mật với nước Nga chiếm mất nhiều thời giờ. Hơn nữa, tôi còn có quan hệ chặt chẽ với liên minh bất hợp pháp của những thủy thủ Hắc Hải và giúp họ ấn hành một tờ báo.
Cộng tác viên chính của tôi ở tờ Práp-đa là A-đôn-phơ Giô-phê [Adolf Joffé], sau này trở thành nhà ngoại giao Xô-viết nổi tiếng. Tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ những ngày ở Viên. Giô-phê là một người rất đáng quý về mặt tư tưởng, anh hiền hậu và hết lòng vì công việc. Giô-phê dồn hết sức lực và tiền tài để ấn hành tờ Práp-đa. Anh chữa chạy bệnh đau thần kinh theo phương pháp phân tâm học ở chỗ An-phrết Át-le [Alfred Adler], một bác sĩ nổi tiếng ở Viên, khởi đầu như một môn đệ của giáo sư Phơ-roi-đơ [Freud] nhưng sau chống lại sư phụ và sáng lập trường phái riêng của ông về tâm lý cá nhân. Qua Giô-phê, tôi được biết các vấn đề của khoa phân tâm học, tôi thấy chúng vô cùng hấp dẫn mặc dù trên phương diện này, còn khá nhiều điều mỏng manh và mông lung, mở đường cho trí tưởng tượng và sự diễn giải độc đoán.
Một cộng sự khác của tôi là anh sinh viên Xcô-bê-lép [Skobélev], sau này là bộ trưởng Bộ Lao động trong nội các Kê-ren-xki. Năm 1917 chúng tôi đã nhìn nhau chằm chằm như những kẻ thù. Trong một thời gian, thư ký tòa soạn tờ báo là Vích-to Cốp [Victor Kopp], hiện nay là đại sứ Liên Xô tại Thụy Sĩ.
Giô-phê
về Nga để giải quyết những vụ việc liên quan đến tờ Práp-đa ở
Viên. Anh bị bắt ở Ô-đét-xa, ngồi tù một thời gian dài rồi bị đi đày ở Xi-bê-ri
và chỉ được tự do nhờ Cách mạng tháng hai năm 1917.
Giô-phê là một trong những chiến sĩ tích cực nhất của biến cố tháng mười. Chỉ
có thể cảm phục lòng can đảm cá nhân của con người đang lâm trọng bệnh ấy. Giờ
đây, tôi vẫn như thấy trước mắt bóng hình lừng lững như gấu của anh trên một
cánh đồng bị đạn tạc cày xéo gần thành Pê-téc-bua vào mùa thu năm 1919. Trong
bộ trang phục chải chuốt theo lối ngoại giao, nụ cười mềm mại trên khuôn mặt
bình thản, tay cầm chiếc ba-toong, dường như dạo chơi trên Unter den Linder, Giô-phê
thích thú ngắm nhìn đạn nổ rất gần chúng tôi, không rảo bước và cũng không đi
chậm lại. Đó là một diễn giả giỏi giang, chín chắn và nhiệt thành; anh viết
cũng cừ như thế. Trong mọi việc anh luôn để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất,
đây là đức tính còn rất thiếu ở nhiều nhà cách mạng. Lê-nin đánh giá cao công
tác ngoại giao của Giô-phê. Trong nhiều năm liền, tôi có quan hệ mật thiết với
anh hơn bất kỳ ai khác. Ở anh, không thể đo nổi lòng tận tâm trong tình bạn
cũng như sự trung thành trong tư tưởng.
Giô-phê kết thúc đời mình một cách bi thảm. Những căn bệnh di truyền làm cơ thể
anh mòn mỏi. Anh cũng đau khổ không kém trước chiến dịch mạ lị vô liêm sỉ của bọn
kế nghiệp nhằm vào những người Mác-xít. Không chống nổi bệnh tật và vì thế,
không theo đuổi được cuộc đấu tranh chính trị, Giô-phê tự vẫn vào mùa thu năm
1927. Bức thư anh viết cho tôi trước khi chết bị lũ tay sai của Xta-lin đánh
cắp từ chiếc tủ con bên giường ngủ của anh. Những dòng chữ nhằm kêu gọi sự chú
ý của bè bạn bị I-a-rốt-xláp-xki [Iaroslavsky] và một số kẻ có tinh thần đồi
bại tương tự cắt khỏi văn bản, bị xuyên tạc và báo cáo lại một cách dối trá.
Nhưng điều đó không ngăn trở tên tuổi Giô-phê được ghi lại vĩnh viễn trong cuốn
sách cách mạng như một trong những tên tuổi vinh quang nhất.
Trong những ngày đen tối nhất, vô vọng nhất của thời kỳ thoái trào, Giô-phê và
tôi vững vàng chờ đợi cuộc cách mạng mới, đúng như nó sẽ diễn ra vào năm 1917.
Xvéc-trơ-cốp, trong những năm ấy là người men-sê-vích và hiện nay là Xta-lin-nít,
viết như sau trong hồi ký về tờPráp-đa ở Viên:
Trong tờ báo này, anh Trốt-xki kiên trì
và ngoan cố bảo vệ ý tưởng về một cuộc cách mạng “thường trực” của Nga, nghĩa
là anh cố chứng tỏ một khi cách mạng đã nổ ra, nó không thể dừng lại trước khi
chế độ tư bản bị lật đổ và hệ thống xã hội chủ nghĩa lan ra trên khắp thế giới.
Người ta chế nhạo anh, buộc tội anh là lãng mạn, cả những người bôn-sê-vích và men-sê-vích
đều cho là anh phạm phải bảy điều cấm nhưng anh vẫn kiên trì và giữ vững quan
điểm của mình, không hề bối rối trước những đợt tấn công.
Năm 1909, tôi nêu đặc điểm những quan hệ cách mạng giữa giai cấp vô sản và nông dân trong tờ tạp chí Ba Lan của Rô-da Luých-xăm-bua như sau:
Sự đần độn bản địa là thứ tai ương lịch sử của các phong trào nông dân. Những làn sóng đầu tiên của cách mạng năm 1905 đã phá vỡ sự hạn hẹp về chính trị của thứ nông dân nổi dậy trong làng mình để chống lại lãnh chúa và giành lại đất đai, nhưng khi mặc áo lính anh ta lại bắn vào công nhân. Cần phải khảo sát tất cả các sự kiện của cách mạng như một loạt bài học tàn nhẫn mà nhờ đó lịch sử đã đưa vào đầu nông dân ý tưởng về mối quan hệ giữa nhu cầu sở hữu ruộng đất địa phương và vấn đề trung tâm của chính quyền nhà nước.
Nhắc đến ví dụ về nước Phần Lan, ở đó đảng Xã hội Dân chủ có tác động to lớn tại nông thôn nhờ lập trường về vấn đề những người sản xuất nhỏ, tôi kết luận:
Ảnh hưởng của đảng ta trong quần chúng nông dân còn lớn đến đâu khi sau này đảng lãnh đạo một phong trào mới - rộng hơn gấp bội phần - của cả quần chúng thành thị lẫn nông thôn! Dĩ nhiên chỉ trong trường hợp chúng ta không tự hạ vũ khí, không e sợ trước những bả cám dỗ của quyền lực chính trị mà làn sóng mới chắc chắn sẽ đưa chúng ta tới.
Chỉ
cần nói từng ấy về chuyện “bỏ qua giai cấp nông dân” hoặc “bỏ qua vấn đề ruộng
đất” mà người ta kết tội tôi.
Ngày mùng bốn
tháng chạp năm 1909, khi cách mạng có vẻ như bị đè bẹp vĩnh viễn
và vô vọng, tôi viết như sau trên tờ Práp-đa:
Ngay từ bây giờ, qua những đám mây đen của thế lực phản động đang bao phủ, chúng ta vẫn thấy ánh sáng thắng lợi của một tháng mười mới.
Thời ấy, không chỉ phái tự do mà cả những người men-sê-vích cũng chế giễu những lời nói trên, họ chỉ thấy trong đó những khẩu hiệu tuyên truyền chẳng chứa đựng một nội dung nào. Giáo sư Mi-liu-cốp [Millioukov] - kẻ có thể tự hào về việc phát minh ra khái niệm “chủ nghĩa Trốt-kít” phản bác lại tôi:
Ý tưởng về chuyên chính vô sản là hoàn toàn ấu trĩ và không ai ở châu Âu sẽ ủng hộ nó một cách nghiêm chỉnh.
Tuy
nhiên, những sự kiện xảy ra trong năm 1917 đã làm lay chuyển tận gốc vẻ tự tin
đáng khâm phục của vị giáo sư tự do chủ nghĩa kia.
Trong những năm thoái trào tôi nghiên cứu các vấn đề về tình hình chung của
công-thương nghiệp trên phạm vi toàn cầu cũng như quốc gia. Lợi ích cách mạng
đã dẫn dắt tôi theo hướng này: tôi muốn tìm hiểu phụ thuộc tương hỗ giữa những
dao động công-thương nghiệp với các giai đoạn của phong trào cộng nhân và cuộc
đấu tranh cách mạng. Ở trường hợp này - cũng như trong các vấn đề cùng loại -
tôi cố tránh nhất việc thiết lập một mối quan hệ máy móc giữa chính trị và kinh
tế. Các phản ứng qua lại cần được suy ra từ cả quá trình với tất cả mọi phức
tạp của nó.
Khi tôi còn ở thị trấn Hít-sơ-béc, một vùng nhỏ ở Tiệp thì tại thị trường chứng
khoán Niu Oóc nổ ra ngày thứ sáu đen tối. Hôm ấy báo trước một cuộc
khủng hoảng tầm cỡ thế giới, một cuộc khủng hoảng sẽ có ảnh
hưởng không thể tránh khỏi đến nước Nga đang bị cuộc chiến Nga – Nhật
và cuộc cách mạng sau đó lay chuyển. Những hậu quả của cuộc khủng hoảng đó là
gì?
Trong đảng, phải nói thêm là ở cả hai phía, ý kiến bao trùm là khủng hoảng sẽ
làm tăng cuộc đấu tranh cách mạng. Tôi theo một quan điểm khác. Sau thời kỳ
những cuộc chiến lớn và những thất bại lớn, khủng hoảng không nâng giai cấp
công nhân lên mà đè nó xuống, cướp đi niềm tin, sức lực của nó và phân hóa nó
về mặt chính trị. Chỉ một cuộc chấn hưng mới trong công nghiệp - trong những
trường hợp như thế này - mới có thể siết chặt đội ngũ vô sản, nâng nó dậy, trả
lại niềm tin cho nó và khiến nó có khả năng trong cuộc chiến tiếp tục.
Nhận định ấy bị phê phán và không gây được tin tưởng. Hơn thế nữa, các kinh tế
gia chính thống của đảng còn phát triển một ý tưởng: hoàn toàn không thể có
chấn hưng công nghiệp trong hệ thống phản cách mạng.
Ngược với họ, tôi xuất phát từ luận cứ cho một bước tiến mới trong kinh tế là
không thể tránh khỏi. Điều này sẽ gây nên một làn sóng đình công mới, do đó
cuộc khủng hoảng kinh tế mới có thể thúc đẩy cuộc đấu tranh cách mạng.
Dự kiến này đã hoàn toàn được chứng minh. Chấn hưng công nghiệp diễn ra năm
1910, độc lập với thời kỳ phản cách mạng. Nó gây nên những cuộc bãi công. Năm
1912 người ta xả súng vào công nhân các mỏ vàng dọc sông Lê-na, tạo nên tiếng
vang dữ dội trong toàn quốc. Năm 1914, khi cuộc khủng hoảng đã là một thực tế
hiển nhiên, một lần nữa Pê-téc-bua lại trở thành chiến trường của các chiến lũy
công nhân. Pô-en-ca-rê [Poincaré] cũng là một nhân chứng của điều này khi ông
đến thăm Nga hoàng vào đêm trước của cuộc chiến.
Kinh nghiệm lý luận và thực tiễn ấy có giá trị không gì sánh nổi đối với tôi
sau này. Tại Đại hội lần thứ ba Quốc tế Cộng sản, đại đa số các đại biểu đã
chống lại tôi khi tôi bảo lưu ý kiến rằng một cuộc chấn hưng kinh tế ở châu Âu
sau chiến tranh là điều không thể tránh khỏi và sẽ là điều kiện đầu tiên cho
những khủng hoảng cách mạng tiếp tục. Gần đây tôi lại phải trách cứ Đại hội lần
thứ sáu Quốc tế Cộng sản vì Đại hội này không hiểu chút nào sự thay đổi hiện
trạng kinh tế và chính trị ở Trung Quốc, người ta đã sai lầm khi tính đến
chuyện sau những thất bại nặng nề của cách mạng, cách mạng vẫn tiếp tục phát
triển do cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước ngày càng trầm trọng hơn.
Tự thân sự biện chứng của quá trình ấy chẳng phải là quá phức tạp. Nhưng nêu nó
ra trong những nét tổng quát thì dễ hơn là tìm thấy nó ở mọi lúc, trên cơ sở
những sự kiện sống động. Về vấn đề này, cho đến nay tôi vẫn vấp phải những
thành kiến dai dẳng nhất, dẫn đến những sai lầm thô thiển và những hậu quả rất
nặng nề trong chính trị.
Trong việc đánh giá số phận sắp tới của chủ nghĩa men-sê-vích và những nhiệm vụ
tổ chức của đảng, tờ Práp-đa còn xa mới đạt được sự chính xác
của Lê-nin. Tôi vẫn luôn hi vọng một cuộc cách mạng mới sẽ buộc những người men-sê-vích
đi vào con đường cách mạng như điều đã xảy ra vào năm 1905. Tôi chưa đánh giá
đầy đủ tầm quan trọng của sự lựa chọn tư tưởng ban đầu, cũng như bản lĩnh chính
trị cần được rèn luyện. Trong những vấn đề phát triển nội bộ đảng, tôi sai lầm
khi chủ trương một thuyết định mệnh xã hội - cách
mạng.
Đây là một lập trường lệch lạc. Nhưng nó vẫn còn cao hơn rất nhiều so với cái
thứ định mệnh quan liêu không chút
nền tảng tư tưởng, vốn đặc trưng cho đại đa số những kẻ phê phán tôi hiện nay
trong Quốc tế Cộng sản.
Năm 1912, khi người ta nhận thấy rõ ràng có một sự chấn hưng mới trong chính
trị, tôi thử triệu tập một cuộc họp thống nhất với sự tham gia của các đại diện
mọi phe phái thuộc đảng Xã hội Dân chủ Nga. Thời kỳ đó, không phải tôi là người
duy nhất hi vọng lập lại sự thống nhất trong đảng Xã hội Dân chủ Nga. Rô-da Luých-xăm-bua
là một bằng chứng. Chị viết như sau vào hè năm 1911:
Dù thế nào đi nữa, sự thống nhất của đảng
còn có thể cứu vãn được nếu người ta buộc cả hai phái phải triệu tập một cuộc họp chung.
Tháng
tám năm 1911, chị
nhắc lại ý kiến này:
Cách duy nhất để cứu vãn sự thống nhất là
thực hiện một cuộc họp gồm những người được cử từ Nga đến vì ở Nga ai nấy đều
muốn có hòa bình và thống nhất, họ đại diện cho lực lượng duy nhất bắt được các
chú gà trống ngoài nước thấy ra lẽ phải.
Trong giới bôn-sê-vích, khuynh hướng hòa giải rất mạnh vào thời kỳ này, vì thế tôi không mất hi vọng điều đó sẽ khiến Lê-nin cũng tham gia cuộc họp chung. Nhưng Lê-nin chống lại sự hợp nhất bằng toàn bộ sức lực của ông. Toàn bộ quá trình sau này của những sự kiện chứng tỏ ông có lý. Cuộc họp được tổ chức tháng tám năm 1912 ở Viên, không có sự tham gia của nhiều người bôn-sê-vích. Về mặt hình thức, tôi rơi vào “một khối” với những người men-sê-vích và một số nhóm bôn-sê-vích ly khai. Khối này không có cơ sở chính trị, tôi bất đồng ý kiến với phe men-sê-vích trong tất cả mọi vấn đế thiết yếu. Cuộc đấu tranh chống lại họ lại tiếp tục ngay sau ngày cuộc họp bế mạc. Hàng ngày, những xung đột trầm trọng mới lại diễn ra từ sự đối lập sâu sắc giữa hai khuynh hướng: khuynh hướng cách mạng xã hội và khuynh hướng cải lương dân chủ.
Ngày
mùng bốn
tháng năm,
trước Hội nghị ít lâu, Ác-xen-rốt viết như sau:
Từ lá thư của Trốt-xki, tôi nhận ra một
thực tế vô cùng nghiêm trọng đối với tôi: sự thực anh ấy hoàn toàn không có ý
tiến lại gần chúng ta và các bạn chúng ta ở Nga một cách nghiêm chỉnh... vì lợi
ích một cuộc đấu tranh chung chống kẻ thù.
Quả
thực tôi không hề và cũng không thể có ý định liên kết với những người men-sê-vích
để chống lại phe bôn-sê-vích.
Sau cuộc họp, Mác-tốp phàn nàn trong một lá thư gửi Ác-xen-rốt:
... Trốt-xki làm sống lại những tập tục
xấu nhất của chủ nghĩa cá nhân trong văn học của Lê-nin và Plê-kha-nốp.
Những thư từ giữa Ác-xen-rốt và Mác-tốp mới được công bố cách đây vài năm chứng tỏ cả hai đều thù ghét tôi lắm. Nhưng dù giữa họ và tôi có một vực thẳm, bản thân tôi không bao giờ có tình cảm tương tự đối với họ. Ngay bây giờ, tôi vẫn hồi tưởng lại một cách biết ơn vì bao điều tôi đã đạt được nhờ họ trong những năm tháng thời thanh niên.
Tình tiết “Khối tháng tám” được nghi trong sách giáo khoa “chống Trốt-kít” thời những kẻ kế nghiệp. Đối với những người còn mới mẻ và những kẻ không biết gì, người ta thuật lại quá khứ như thể chủ nghĩa bôn-sê-vích lập tức được ra đời với toàn thể quân trang, quân dụng trong phòng thí nghiệm lịch sử. Sự thực lịch sử cuộc đấu tranh giữa bôn-sê-vích và men-sê-vích cũng chính là lịch sử những cố gắng hợp nhất không ngừng. Khi Lê-nin về Nga năm 1917, ông còn cố gắng thêm một lần cuối cùng để điều đình với những người men-sê-vích theo chủ nghĩa quốc tế. Tháng năm khi tôi từ Mỹ về, đa số các tổ chức xã hội dân chủ ở các tỉnh đã bao gồm những người bôn-sê-vích và men-sê-vích thống nhất. Trong Hội nghị của đảng tổ chức tháng ba năm 1917 vài ngày trước khi Lê-nin về - Xta-lin đăng đàn ủng hộ sự hợp nhất với đảng của Xê-rê-te-li [Tsérételli]. Ngay cả sau khi Cách mạng tháng mười thắng lợi, Di-nô-vi-ép, Ca-mê-nhép, Rư-cốp, Lu-na-trác-xki và vài chục người khác còn đấu tranh hăng hái cho một chính phủ liên hợp với những người xã hội cách mạng và men-sê-vích. Và cũng chính những con người ấy ngày nay cố gắng duy trì đời sống tư tưởng của họ bằng cách loan truyền những chuyện hoang đường kinh khủng về Hội nghị Hợp nhất ở Viên năm 1912!
Tờ Ki-ép-xcai-a Mư-xli [Kievskaia Mysl] (Tư tưởng Ki-ép) đề nghị tôi làm phóng viên chiến trường ở Ban-căng. Đề nghị ấy càng hợp thời hơn vì Hội nghị tháng tám đã tỏ rõ sự thất bại từ trong trứng nước. Tôi cảm thấy nhu cầu phải bứt khỏi công việc của đám di cư Nga, ít ra là trong một thời gian ngắn. Trong vài tháng sống ở bán đảo Ban-căng vào thời kỳ chiến tranh, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều.