Đời tôi (Tập 1) - Chương 17 - Phần 2

Tôi đến vùng Đông Nam tháng chín năm 1912: tôi thấy cuộc chiến không những có thể xảy ra mà còn không tránh khỏi. Nhưng khi thấy những đoàn dài lính dự bị đi trên đường phố Bê-ô-gơ-rát [Belgrade], khi nhìn tận mắt từ đây sẽ không còn đường quay trở lại, rằng quả thật chiến tranh sẽ xảy ra trong những ngày tới, khi được biết một vài người tôi quen thân đã vác súng ra biên giới và họ sẽ là những người đầu tiên chém giết và bị chém giết, khi ấy, cuộc chiến tranh mà tôi hình dung quá nhẹ nhàng trong tâm tưởng và trong các bài báo bỗng trở nên vô lý và không thể nào tin được. Dường như tôi thấy những bóng ma khi tôi ngắm nhìn binh lính ra mặt trận - trung đoàn bộ binh 18 - trong bộ quân phục rằn ri, đi giày bện và những nhành lá xanh cài trên mũ. Chiếc giày bện và cành lá nhỏ trên đầu hợp cùng mọi quân trang đầy đủ để sẵn sàng giao chiến khiến người lính giống như một vật hy sinh. Và trong cái điên cuồng của chiến tranh, vào giờ phút ấy, không gì làm cháy bỏng tâm tưởng tôi như những cành lá xanh và những đôi giày nông dân ấy.

Thế hệ hiện nay đã quá xa cách những tập quán và tâm trạng của cuộc chiến năm 1912! Từ hồi đó, tôi đã nhận thấy quan điểm đạo lý và nhân đạo về quá trình lịch sử là một cách nhìn cằn cỗi nhất. Nhưng tôi không đề cập đến những lời giải thích, đây là những cảm nghĩ của tôi. Tâm hồn tôi thấm nhuần trực tiếp cảm xúc bi thảm không nói ra được của lịch sử: sự bất lực trước số phận, nỗi đau cháy lòng cho đám người thiêu thân ấy.

Lời tuyên chiến được vang lên hai ba ngày sau. Tôi viết:
Ở Nga các bạn biết và tin ngay vào những điều này; nhưng tại đây, ngay chiến trường, tôi không tin nổi. Phối hợp những sự việc rất trung bình, rất thường nhật, rất người - như những chú gà, những điếu thuốc, những đứa trẻ chân đất thò lò mũi dãi với hiện trạng bi thảm khó tưởng tượng của chiến tranh, điều này hoàn toàn khó hiểu đối với tôi. Tôi biết lời tuyên chiến đã được đưa ra, tôi biết cuộc chiến đã bắt đầu nhưng tôi vẫn chưa quen để tin vào những điều này.

Thế mà tôi vẫn phải tin, tin thực sự và lâu dài.
Những năm 1912 - 1913 đã giúp tôi gần gũi các nước Xéc-bi, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni và... cuộc chiến tranh. Đây là sự chuẩn bị quan trọng về nhiều mặt, không những cho năm 1914 mà cả cho năm 1917. Trong các bài báo tôi mở cuộc chiến chống sự dối trá của chủ nghĩa thân Xla-vơ và nói chung, chống chủ nghĩa sô-vanh, chống những ảo tưởng của cuộc chiến, chống những phương pháp đánh lạc hướng dư luận được tổ chức có khoa học.
Tòa soạn báo Ki-ép-xcai-a Mư-xli tương đối có bản lĩnh khi họ cho in một bài của tôi trong đó tôi thuật lại những hành động tàn bạo, thú vật của người Bun-ga-ri đối với các thương binh và tù binh Thổ Nhĩ Kỳ, rồi tôi tố cáo âm mưu câm lặng của báo chí Nga.
Bài báo này làm dấy lên một cơn bão bất bình từ phía báo chí tự do Nga. Ngày ba mươi tháng giêng năm 1913, qua báo chí, tôi đặt một câu hỏi “ngoài nghị viện” cho Mi-liu-cốp về những hành động tàn ác của người Xla-vơ đối với người Thổ Nhĩ Kỳ. Bị dồn vào chân tường, Mi-liu-cốp - kẻ bảo vệ chí cốt nước Bun-ga-ri chính thống - đáp lại bằng những lời ấp úng thảm hại. Cuộc bút chiến kéo dài nhiều tuần kèm theo những ám chỉ không tránh khỏi của báo chí chính phủ: sau biệt danh An-ti-đơ Ốt-tô không phải một gã di cư tầm thường mà là một điệp viên Áo-Hung ẩn náu.
Trong một tháng sống ở Ru-ma-ni, tôi gắn bó với Đô-bru-ghê-a-nu Ghê-rê-a [Dobrougeanu-Gherea] và củng cố vĩnh viễn tình bằng hữu với Ra-cốp-xki, người tôi đã quen từ năm 1903.
Một nhà cách mạng Nga thuộc “thế hệ 1870” dừng lại Ru-ma-ni khi đi qua nước này vào đúng đêm trước của cuộc chiến Nga - Thổ; tình thế buộc anh ở lại đó. Vài năm sau, dưới cái tên Ghê-rê-a, đồng hương của chúng tôi có một ảnh hưởng lớn, trước tiên tới giới trí thức Ru-ma-ni và sau đó tới các công nhân tiến bộ. Phê bình văn học dựa trên cơ sở xã hội là lĩnh vực chính để Ghê-rê-a rèn luyện ý thức cho những nhóm tiên phong của giới trí thức Ru-ma-ni. Xuất phát từ những vấn đề mỹ học và đạo đức cá nhân, anh đã đưa họ đến chủ nghĩa xã hội khoa học. Thời thanh niên, đại đa số các nhà chính trị thuộc hầu hết các đảng phái Ru-ma-ni đều đã qua một trường học ngắn hạn về chủ nghĩa Mác-xít dưới sự dìu dắt của Ghê-rê-a. Nhưng điều này hoàn toàn không ngăn cản họ theo đuổi một đường lối chính trị ăn cướp, phản động lúc trưởng thành.
Người bạn khác của tôi, Khơ-rít-xchi-an Ra-cốp-xki là một trong những gương mặt quốc tế nhất của phong trào châu Âu. Là người gốc Bun-ga-ri - ra đời tại thành phố Cô-ten [Kotel], trái tim Bun-ga-ri - nhưng anh mang quốc tịch Ru-ma-ni bởi sự thất thường của tấm bản đồ Ban-căng; là một thầy thuốc được đào tạo theo trường Pháp nhưng theo những mối quan hệ, cảm tình và sự nghiệp văn chương, anh lại là người Nga. Ra-cốp-xki nói được tất cả các thứ tiếng của bán đảo Ban-căng, ngoài ra anh biết thêm bốn thứ tiếng châu Âu; trong những giai đoạn khác nhau anh đã tích cực tham gia nội bộ bốn đảng Xã hội - Bun-ga-ri, Nga, Pháp và Ru-ma-ni - rồi trở thành một nhà lãnh đạo Liên bang Xô-viết, một trong những sáng lập viên Quốc tế Cộng sản, chủ tịch Hội đồng Dân ủy U-cơ-rai-na, đại diện ngoại giao của Liên Xô ở Anh và Pháp; sau nữa, anh cũng chia sẻ số phận của phe đối lập cánh tả. Những đặc tính cá nhân của Ra-cốp-xki - cái nhìn rộng rãi mang tầm quốc tế và tâm hồn cao thượng sâu xa - khiến Xta-lin, con người có những đặc điểm hoàn toàn trái ngược, đặc biệt căm ghét anh.
Năm 1913, Ra-cốp-xki là người tổ chức và lãnh đạo đảng Xã hội Ru-ma-ni, sau này gia nhập Quốc tế Cộng sản. Đảng ngày càng lớn mạnh. Ra-cốp-xki biên tập tờ nhật báo của đảng và cấp vốn cho tờ báo. Bên bờ Hắc Hải, không xa Man-ga-li-a là mấy, Ra-cốp-xki thừa hưởng một trang trại nhỏ mà tiền thu hoạch được anh dùng để trợ cấp cho đảng Xã hội Ru-ma-ni cùng rất nhiều đảng phái và các nhân vật cách mạng nước ngoài khác. Mỗi tuần Ra-cốp-xki ở Bu-ca-rét ba ngày, anh viết báo, viết bài, chủ trì các phiên họp của Ban Trung ương, nói chuyện trong các cuộc mít-tinh lớn và các đoàn biểu tình ngoài phố. Sau đó anh đáp tàu hỏa về bờ Hắc Hải, mang về trang trại dây, đinh và một số dụng cụ khác. Anh đi xe ra đồng, kiểm tra công việc của chiếc máy kéo mới và chạy theo nó trên những luống cày, vẫn trong bộ áo choàng thành thị. Ngay hôm sau Ra-cốp-xki đã phải hối hả trở về để kịp tham dự một cuộc mít-tinh hoặc một phiên họp. Tôi theo anh trong các chuyến đi và khâm phục nghị lực sục sôi không biết mệt mỏi, tinh thần luôn sảng khoái và mối quan tâm tế nhị đối với những kẻ bình thường. Trên các đường phố Man-ga-li-a, chỉ trong vòng một phần tư giờ đồng hồ, Ra-cốp-xki chuyển từ tiếng Ru-ma-ni qua tiếng Thổ, từ tiếng Thổ qua tiếng Bun-ga-ri, sau đó sang tiếng Đức và tiếng Pháp khi nói chuyện với những người nhập cư, những đại diện thương nghiệp, rồi cuối cùng lại đàm đạo tiếng Nga với một kẻ thuộc một trong vô số các xcốp-ét [skoptsy] Nga sống tại vùng phụ cận. Anh nói chuyện như một điền chủ, một bác sĩ, một người Bun-ga-ri, một công dân Ru-ma-ni và thông thường nhất, như một người xã hội. Trước mắt tôi, anh là một kỳ quan sống đi qua các phố phường của cái thành phố nhỏ xa xôi, vô tư, lười biếng bên bờ biển. Nhưng khi màn đêm tới, Ra-cốp-xki lại theo con tàu đến chiến trường. Và cả ở Bu-ca-rét, Xô-phi-a [Sofia], Pa-ri, Pê-téc-bua hoặc Khác-cốp, anh đều cảm thấy thoải mái và vững vàng.

Những năm tôi ra nước ngoài lần thứ hai cũng là thời kỳ tôi cộng tác với báo chí dân chủ Nga. Tôi xuất hiện trên tờ Ki-ép-xcai-a Mư-xli với bài báo dài về tạp chí Simplicissimus ở Muy-ních; tờ này đã lôi cuốn tôi một thời gian đến mức tôi chăm chú xem tất cả các số kể từ đầu, khi những bức vẽ của T.T. Hây-ne [Heine] vẫn còn thấm đượm một giác quan xã hội mạnh mẽ.

Cùng thời gian đó tôi còn có dịp tìm hiểu kỹ hơn về văn học hiện đại Đức. Tôi viết cả một bài báo lớn mang nội dung phê bình xã hội về Vê-đê-kin-đơ [Wedekind] vì ở nước Nga, song song với thoái trào cách mạng, người ta càng quan tâm đến ông.

Ki-ép-xcai-a Mư-xli là tờ báo cấp tiến mang màu sắc Mác-xít phổ biến nhất ở miền Nam nước Nga. Một tờ báo như thế chỉ có thể tồn tại ở Ki-ép, nơi đời sống công nghiệp còn chậm tiến, các mâu thuẫn xã hội chưa phát triển và giới trí thức còn mang nhiều truyền thống của chủ nghĩa cấp tiến.Mutatis mutandis, có thể nói tờ báo cấp tiến này xuất hiện ở Ki-ép cũng bởi những lý do đã làm tờ Simplicissimusvxuất hiện ở Muy-ních. Tôi đụng đến những đề tài đủ loại, đôi khi rất mạo hiểm xét trên bình diện kiểm duyệt. Những bài báo không dài lắm nhiều khi lại là kết quả của công cuộc chuẩn bị vô cùng rộng rãi. Cố nhiên trong một tờ báo xuất bản hợp pháp và vô đảng phái, tôi không thể nói tất cả những điều tôi muốn. Nhưng chưa bao giờ tôi viết những thứ tôi không muốn. Các bài tôi viết cho tờ Ki-ép-xcai-a Mư-xli được Nhà xuất bản Quốc gia Xô-viết in lại thành nhiều tập. Tôi không phải chối bỏ chút gì về những điều tôi đã viết. Có lẽ sẽ không thừa nếu nhắc lại rằng tôi đã cộng tác với báo chí tư sản với sự đồng tình chính thức của Ban Trung ương, trong đó đa số đứng về phe Lê-nin.

Tôi đã nhắc đến chuyện ngay sau khi tới Áo, chúng tôi liền dọn đến ở ngoại ô. Vợ tôi viết: Tôi thích Hút-ten-đoóc-phơ. Căn hộ ở đây tốt hơn tôi mong muốn vì các nhà nghỉ thường được thuê vào mùa xuân, còn chúng tôi lại thuê trong thời gian thu đông. Qua cửa sổ có thể thấy những đỉnh núi nhuộm màu thu đỏ sẫm. Không phải rẽ ra phố, có thể ra cánh đồng qua một cửa có song thưa ngoài vườn. Vào những ngày chủ nhật mùa đông, dân thành Viên đi dạo về phía núi trên chiếc xe con và ván trượt tuyết, họ đội mũ màu sặc sỡ và mặc áo nịt len. Đến tháng Tư chúng tôi phải rời bỏ nơi này vì giá thuê nhà tăng gấp đôi; trong vườn và cả ở ngoài, hoa tím đã nở, mùi hương luồn qua những cánh cửa sổ để mở và làm căn phòng ngào ngạt hương thơm. Xê-ri-ô-gia [Sérioja] sinh ra ở đây. Chúng tôi buộc phải dọn đến Xi-ê-vê-rinh [Sievering], một nơi bình dân hơn. Những đứa trẻ nói tiếng Nga và đồng thời cả tiếng Đức. Ở vườn trẻ và nhà trường chúng phải nói tiếng Đức, thành thử ở nhà khi chơi với nhau chúng vẫn tiếp tục trò chuyện bằng thứ tiếng này, nhưng hễ tôi hoặc cha chúng gọi, lập tức chúng chuyển sang tiếng Nga. Nếu chúng tôi nói với lũ trẻ bằng tiếng Đức, chúng cảm thấy bối rối và đáp lại bằng tiếng Nga. Trong những năm cuối chúng còn học được cả cách nói của thành Viên và chúng nói hết sức thành thạo.

Bọn trẻ đến chơi gia đình Cli-a-trơ-cô, ở đó tất cả mọi người - ông chủ nhà, bà vợ và lũ con đã lớn - đều rất quan tâm đến chúng. Họ chỉ cho lũ trẻ nhiều điều thú vị và tặng chúng những món quà tuyệt vời.

Các con chúng tôi cũng quý Ri-a-da-nốp, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Mác. Ri-a-da-nốp hồi đó sống ở Viên, những động tác táo bạo của anh trong môn thể dục đã tác động mạnh vào trí tưởng tượng các con tôi. Chúng thích anh vì cả bản tính ầm ĩ nữa. Một lần người ta cắt tóc cho đứa bé và tôi cũng ngồi ở đó. Xê-ri-ô-gia vẫy tôi lại và thì thầm vào tai:

- Con muốn họ cắt cho con giống như chú Ri-a-da-nốp.

Nó mê cái đầu to trọc lốc của Ri-a-da-nốp, không như của những kẻ khác mà đẹp hơn nhiều.
Khi chúng tôi đăng ký cho Li-ô-vích [Liovik] đi học ở trường, vấn đề về môn giáo lý được đặt ra. Theo luật pháp Áo đương thời, cho đến mười bốn tuổi, trẻ con phải được giáo dục theo tín ngưỡng của cha chúng. Vì trong lý lịch của chúng tôi không có ghi nhận gì về tôn giáo, chúng tôi chọn cho Li-ô-vích đạo Tin Lành vì đó là thứ tôn giáo nhẹ hơn cả đối với đôi vai và tâm hồn một đứa trẻ.
Giáo lý của Lu-thơ được một cô giáo dạy trong trường, nhưng sau những giờ chính quy. Li-ô-vích thích các giờ học ấy, cứ nhìn mắt cháu thì biết, nhưng nó thấy không cần thiết phải trình bày dài dòng về điều này ở nhà. Một tối tôi nghe thấy nó thì thầm gì đó trên giường.
- Đây là một bài kinh, mẹ biết đấy, có những câu rất đẹp như là thơ vậy. - Cháu trả lời câu hỏi của tôi.
Ngay khi ra nước ngoài lần đầu, cha mẹ tôi cũng đến thăm tôi. Họ từng qua chỗ tôi tại Pa-ri và Viên cùng cháu gái đầu của tôi, lâu nay vẫn sống cùng ông bà ở làng quê. Cha mẹ tôi đến Béc-lin năm 1910. Khi ấy họ đã hoàn toàn làm lành với số phận tôi. Lý lẽ cứng cỏi cuối cùng có lẽ là việc cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản bằng tiếng Đức.
Mẹ tôi ốm nặng, bà bị nấm tia. Trong mười năm cuối đời, bà chịu đựng bệnh tật như thêm một gánh nặng nữa, nhưng vẫn làm việc không ngừng. Tại Béc-lin, các bác sĩ phẫu thuật lấy đi một thận của bà. Lúc đó bà sáu mươi tuổi. Trong những tháng đầu sau khi mổ, sức khỏe bà hầu như bình thường. Trường hợp này gây nên sự chú ý khá rộng rãi trong giới y học. Nhưng chẳng bao lâu, căn bệnh lại tái diễn và cướp bà đi trong vòng vài tháng. Mẹ tôi mất ở I-a-nốp-ca, nơi bà đã sống cả cuộc đời bận bịu và nuôi dạy con cái. Chương lớn của đời tôi trong thời kỳ lưu trú ở Viên sẽ không đầy đủ nếu không nói về những người bạn gần gũi nhất ở đây: ông già di cư X. L. Cli-a-trơ-cô và gia đình ông. Lịch sử toàn bộ chuyến ra nước ngoài lần thứ hai của tôi gắn bó mật thiết với gia đình này, một tổ ấm của những mối quan hệ rộng rãi ở châu Âu, một trung tâm thực sự của những chính kiến chính trị đa dạng và nói chung, của những hoạt động trí óc; ở đây mọi người chơi nhạc và nói bốn thứ tiếng châu Âu. Cái chết vào tháng tư năm 1914 của ông chủ gia đình Xê-mi-ôn Lơ-vô-vích [Sémion Lvovitch] khiến tôi và vợ tôi buồn vô hạn.
Viết về người em rất tài năng của mình, Lép Tôn-xtôi cho rằng Xéc-gây [Serge] chỉ thiếu một vài khuyết điểm nhỏ để trở thành nghệ sĩ lớn. Cũng có thể nói như thế về Xê-mi-ôn Lơ-vô-vích: ông có đủ mọi nhân tố để trở thành chính trị gia lỗi lạc, trừ những khuyết điểm cần thiết. Trong gia đình Cli-a-trơ-cô, mọi người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ và tiếp đón thân tình chúng tôi, tất nhiên chúng tôi thường xuyên cần thiết cả hai thứ đó.
Nhuận bút tờ Ki-ép-xcai-a Mư-xli trả cho tôi lẽ ra đủ cho cuộc sống thanh đạm của chúng tôi. Nhưng có những tháng mà công việc cho tờ Práp-đa khiến tôi không viết nổi một dòng có thù lao. Những khi ấy khủng hoảng nổ ra. Vợ tôi biết rất rõ con đường đến hiệu cầm đồ, còn tôi cũng nhiều lần phải bán lại những cuốn sách tôi mua được trong thời kỳ sung túc hơn cho bọn buôn sách. Có khi đồ đạc nghèo nàn của chúng tôi bị lấy làm vật bảo đảm cho tiền thuê nhà. Chúng tôi nuôi hai con nhỏ và không được ai giúp đỡ. Cuộc sống đè nặng gấp đôi lên vai vợ tôi. Dù vậy cô vẫn tìm được sức lực và thì giờ giúp tôi trong công tác cách mạng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3