Đời tôi (Tập 1) - Chương 18
CHƯƠNG XVIII: KHỞI ĐẦU CUỘC CHIẾN TRANH
Trên các rào dậu và bờ tường thành Viên, xuất hiện hàng chữ: “Alle Serben mussen sterben!”. Câu này đã trở thành tiếng gọi tập hợp của lũ trẻ ngoài đường phố. Con trai thứ của chúng tôi, Xê-ri-ô-gia - lúc nào cũng sẵn sàng tinh thần kháng cự - đã tuyên bố trên bồn cỏ ở Xievering: “Hoch Serbien!”. Cậu bé về nhà với những vết thâm tím trên người và được kinh nghiệm đầu tiên về chính trị quốc tế.
Biu-can-ơn [Buchanan] - cựu đại sứ Anh ở Pê-téc-bua - trong hồi ký của ông đã hào hứng nói về “những ngày kỳ diệu đầu tháng tám” khi “nước Nga hoàn toàn biến đổi”. Chúng ta cũng tìm thấy sự khoái trá tương tự trong các hồi ký những vị lãnh đạo khác, mặc dù họ không hiện thân đầy đủ cho sự tự mãn thiển cận của giới cầm quyền như Biu-can-ơn. Tại mọi trung tâm châu Âu, những ngày đầu tháng tám đều “kỳ diệu”, tất cả các nước đều “biến đổi” để lao vào công cuộc tàn phá lẫn nhau.
Điều bất ngờ nhất là sự bùng nổ tinh thần yêu nước của quần chúng tại Áo-Hung. Thử hỏi cái gì đã thúc đẩy anh thợ đóng giày thành Viên, chàng Pốt-spe-xin [Pospesil] nửa Đức nửa Tiệp hoặc chị bán rau Phờ-rao Ma-rét [Frau Maresch] hay anh đánh xe Phờ-răng-cơ [Frankl], đi biểu tình trước Bộ Chiến tranh? Một tư tưởng quốc gia? Loại gì? Bản thân đế chế Áo-Hung chính là sự phủ nhận của tư tưởng quốc gia. Không, động lực nằm ở chỗ khác.
Rất nhiều người sống ở thế giới này và cuộc đời của họ ngày lại ngày, trôi qua đơn điệu không chút hi vọng. Xã hội đương thời dựa trên họ. Tiếng chuông báo động của tổng động viên tác động vào cuộc sống họ như một lời hứa hẹn. Gạt bỏ tất cả những gì quen thuộc và làm họ chán chường, họ đi vào cái mới và cái khác thường. Những biến đổi khó nhận ra hơn vẫn chờ họ. Tốt hay xấu hơn? Tốt hơn, hẳn là thế: đối với Pốt-spe-xin, làm gì có thứ tệ hơn cái anh đã có trong hoàn cảnh “bình thường”.
Tôi đã quanh quẩn trên các phố trung tâm thành Viên quen thuộc và quan sát đám đông lạ thường ở khu phố Ring (Vòng cung) choáng ngợp, với những hi vọng mới được nhen lên trong họ. Và những hi vọng ấy phải chăng đã biến thành hiện thực một phần? Vào thời khác, phải chăng những người phu khuôn vác ngoại thành, chị thợ giặt, anh thợ giày, người giúp việc và thợ học việc cũng cảm thấy như mình làm chủ được tình thế trong khu phố Ring? Chiến tranh đụng chạm đến mọi người, thành thử những kẻ bị áp bức, những người bị cuộc sống lừa gạt, khi ấy dường như bình đẳng với những người giàu, những kẻ mạnh. Xin đừng coi đấy là nghịch lý, nhưng trong không khí của đám quần chúng biểu tình ca ngợi chiến công của dòng họ Háp-sơ-bua, tôi nhận ra một số nét rất thân thuộc từ những ngày tháng mười năm 1905 ở Pê-téc-bua. Chiến tranh không phải vô ích, trong lịch sử nó thường là mẹ đẻ của cách mạng.
Vậy mà khác nhau biết bao nhiêu nói đúng hơn: đối lập nhau biết bao nhiêu thái độ của các giai cấp thống trị đối với chiến tranh và cách mạng. Biu-can-ơn thấy những ngày tháng tám ấy “kỳ diệu” và nước Nga đã thức tỉnh. Ngược lại, bá tước Vít-tê viết như sau về những ngày đau thương nhất của cách mạng năm 1905:
Tuyệt đại đa số ở nước Nga như mắc chứng điên cuồng.
Giống như cách mạng, chiến tranh cũng hoàn toàn làm trượt cuộc sống khỏi con đường ray quen thuộc. Nhưng cách mạng hướng những đòn của mình vào thể chế hiện hành. Ngược lại, chiến tranh trong thời gian đầu chỉ làm mạnh thêm chính quyền nhà nước, chỗ dựa bền vững duy nhất trong cảnh hỗn độn do nó gây ra cho đến khi bản thân cuộc chiến chưa làm đổ sụp chính quyền đó. Những hi vọng mà người ta đặt vào các phong trào xã hội và dân tộc ở Pra-ha hoặc Tơ-ri-ét-xtơ [Trieste], cũng như ở Vác-sa-va hoặc Ti-phơ-lít [Tiflis] - hoàn toàn không có cơ sở trong thời kỳ đầu của cuộc chiến.
Tháng
chín năm
1914, tôi viết thư gửi về Nga:
Việc động viên và tuyên chiến dường như
xóa hết mọi mâu thuẫn dân tộc và xã hội trong nước. Nhưng đó chỉ là một thời
hạn lịch sử, một thứ tạm hoãn trong chính trị. Các hối phiếu được chuyển sang
thời điểm khác, nhưng cuối cùng cũng phải được thanh toán đầy đủ.
Trong
nh ững dòng bị kiểm duyệt trên, cố nhiên không chỉ Áo-Hung mà nước Nga và trước
hết, nước Nga là đối tượng tôi suy nghĩ.
Các sự kiện chồng chất lên nhau. Chúng tôi nhận qua điện tín tin Giô-rét bị ám
sát. Báo chí chứa đầy những điều dối trá điên cuồng khiến sự ngờ vực và hi vọng
vẫn còn lại, ít nhất trong vòng vài giờ. Nhưng chẳng bao lâu khả năng ấy cũng
tan biến. Jaurés bị kẻ thù ám sát và bị chính đảng ông phản bội.
Theo nhận xét của tôi, các nhà lãnh đạo đảng Xã hội Dân chủ Áo có thái độ như
thế nào đối với chiến tranh? Một số vui ra mặt, họ bôi nhọ người Xéc-bi và
người Nga, không mấy phân biệt giữa chính phủ và nhân dân các nước ấy; về bản
chất, chủ yếu họ là những người quốc gia, văn hóa xã hội chỉ phủ lên họ một lớp
mỏng nhưng chẳng mấy chốc cũng bong khỏi họ. Tôi còn nhớ Han-xơ Đớt-trơ [Hans
Deustch] - sau này trở thành một thứ bộ trưởng Bộ Chiến tranh - đã nói rất chân
thành về tính chất không tránh khỏi và chức năng tẩy rửa của chiến tranh, bởi
cuối cùng nó sẽ giải thoát nước Áo khỏi “cơn ác mộng” Xéc-bi. Một số khác -
đứng đầu là Vích-to Át-le - nhìn nhận chiến tranh như một thứ tai họa ngoại lai
mà họ phải chịu đựng. Tuy nhiên thái độ bàng quan thụ động ấy chỉ nhằm che giấu
cánh quốc gia tích cực. Một số tư tưởng gia sâu sắc nhắc nhiều, một cách bóng
gió, đến chiến thắng của Đức năm 1871, từng làm chấn hưng nền công nghiệp Đức
và cùng với nó, cả phong trào xã hội dân chủ.
Ngày mùng một tháng tám, Đức tuyên chiến với nước Nga. Trước đó người Nga đã
bắt đầu rời khỏi Viên. Sáng ngày mùng ba tháng tám,
tôi đi Viên-xai-lơ [Wienzeile] để bàn bạc với các đại biểu xã hội về những việc
mà người Nga di cư như chúng tôi cần phải làm. Bị sức ì chi phối, trong phòng
làm việc, Phri-đrích Át-le [Friedrich Adler] vẫn tiếp tục lục tìm sách vở, giấy
tờ, chuẩn bị tem cho Đại hội Quốc tế Xã hội sẽ họp ở Viên. Nhưng dự kiến về Đại
hội thực ra đã thuộc về quá khứ... Những lực lượng mới đã xuất hiện trên vũ đài...
Ông già Át-le đề nghị tôi lập tức cùng ông đến ngọn nguồn trực tiếp, tức ông
phụ trách cảnh sát chính trị Gây-e [Geyer], để lấy tin tức. Ngồi trong xe, trên
đường đến sở cảnh sát, tôi chỉ cho Át-le thấy cuộc chiến đã tạo ra một bầu
không khí như ngày hội.
- Chỉ cái lũ không phải ra mặt trận mới mừng rỡ. - Ông trả lời
tôi ngay. - Ngoài ra, bây giờ tất cả những kẻ thần kinh không ổn định, tất cả
những thằng điên đều nhào ra đường phố: đây là thời cơ của chúng. Vụ ám sát Giô-rét
chỉ mới là khởi điểm. Cuộc chiến mở rộng cửa cho mọi bản năng, mọi biểu hiện
điên rồ...
Vốn là bác sĩ tâm thần trong chuyên ngành ban đầu của ông, Át-le thường tiếp
cận những sự kiện chính trị - “nhất là những sự kiện ở Áo”, ông nói mỉa mai -
theo quan đìểm tâm thần học. Lúc đó ông không hề nghĩ chính con trai ông sẽ
phạm một tội ác chính trị! Trong tạp chí Kampf do con trai ông
là Phri-đrích biên tập, trước khi xảy ra cuộc chiến ít lâu, tôi đã viết một bài
trong đó tôi vạch rõ tính chất vô nghĩa của khủng bố cá nhân. Đáng chú ý là ông
chủ nhiệm rất tán thành bài báo này. Hành động khủng bố của anh không gì khác
hơn là sự bột phát của kẻ cơ hội lúc tuyệt vọng. Sau khi tìm được lối thoát cho
nỗi thất vọng, Phri-đrích Át-le lại trở về con đường cũ xưa kia.
Gây-e đặt ra một giả thuyết thận trọng: sáng ngày mai, có thể có lệnh giam giữ
người Nga và người Xéc-bi.
- Như vậy ông khuyên tôi nên đi?
- Càng sớm càng tốt.
- Được thôi, ngày mai tôi sẽ cùng gia đình đi Thụy Sĩ.
- Hừm... Tôi muốn ông đi ngay hôm nay thì hơn.
Cuộc nói chuyện trên xảy ra vào ba giờ chiều, sáu giờ mười phút tối tôi đã ngồi
trên tàu hỏa đến Du-rích cùng toàn thể gia đình. Tôi để lại nơi này những mối
quan hệ suốt bảy năm, những sách vở, tài liệu lưu trữ, những công việc mới bắt
đầu, trong đó có một cuộc bút chiến với giáo sư Ma-sa-rích [Ma-saryk] về tương
lai nền văn hóa Nga.
Bức điện báo tin đảng Xã hội Dân chủ Đức đầu hàng khiến tôi bị chấn động mạnh
hơn là bản tuyên chiến, mặc dầu tôi chưa từng lý tưởng hóa một cách ngây thơ
chủ nghĩa xã hội Đức. Tôi đã viết năm 1905 và sau đó còn nhắc lại nhiều lần:
Các đảng Xã hội châu Âu đã dựng nên chủ
nghĩa bảo thủ của họ, tư tưởng này ngày càng mạnh khi chủ nghĩa xã hội càng
cuốn hút được nhiều quần chúng... Bởi thế đảng Xã hội Dân chủ, đến một thời
điểm nhất định, sẽ trở thành một trở ngại trực tiếp trong cuộc đụng độ giữa
công nhân và tư sản phản động. Nói cách khác, tư tưởng bảo thủ trong tuyên
truyền xã hội của đảng vô sản, một lúc nào đó, sẽ cản trở cuộc đấu tranh trực
tiếp của giai cấp vô sản để giành chính quyền.
Trong trường hợp có chiến tranh, tôi không trông chờ các nh à lãnh đạo chính thức của Quốc tế có khả năng đưa ra những sáng kiến cách mạng nghiêm chỉnh. Nhưng tôi cũng không tin đảng Xã hội Dân chủ lại có thể đơn giản bò sát đất trước chủ nghĩa quân phiệt quốc gia.
Khi tờ báoVorwảảrts (ấn hành ở Thụy Sĩ) tường thuật phiên họp ngày mùng bốn tháng tám của Rây-stác [Reichstag], không do dự, Lê-nin tuyên bố đó là một ấn bản giả mạo do Đại bản doanh Bộ Tham mưu Đức phát hành nhằm đánh lạc hướng và dọa dẫm kẻ thù. Dù có khả năng phán đoán, Lê-nin vẫn còn đặt niềm tin mãnh liệt vào đảng Xã hội Dân chủ Đức. Cùng lúc ấy, tờ Arbeiter Zeitung ở Viên đón mừng ngày đầu hàng của chủ nghĩa xã hội Đức là “ngày trọng đại của dân tộc Đức”. Đó là tuyệt đỉnh đối với Ao-xtéc-lít! Ao-xtéc-lít “của họ”! Tôi không coi số báoVorwảảrts là giả mạo: những kinh nghiệm trực tiếp đầu tiên nhận được ở Viên đã chuẩn bị cho tôi chờ đón sự việc tệ hại nhất. Vậy mà cuộc bỏ phiếu ngày 4 tháng tám vẫn là một trong những ấn tượng bi thảm nhất của đời tôi. “Ăng-ghen nói thế nào về điều này?”. Tôi tự hỏi. Câu trả lời thật rõ ràng. Và Bê-ben sẽ làm gì? Về điểm này, tôi đã không tìm thấy câu trả lời hoàn toàn sáng sủa. Nhưng Bê-ben không còn nữa. Thay thế ông, chúng ta thấy Ha-de, nhà dân chủ chất phác thiển cận, không chút hơi hướng lý luận và cách mạng. Trong tình huống nguy kịch, ông ta có thiên hướng tránh những quyết định không thể rút lại, tìm đến những biện pháp nửa vời và chờ đợi. Đấy là những sự kiện đã vượt quá sức ông. Và sau ông là những Sây-đơ-man [Scheidemann], Ê-béc [Ebert], Ven-xơ [Wels]...
Thụy Sĩ là tấm gương phản chiếu của Đức và Pháp nhưng dưới hình thức trung lập, nghĩa là cùn rỉ hơn và hoàn toàn bị thu nhỏ. Để tạo nên ấn tượng chung mạnh hơn, trong nghị viện Thụy Sĩ có hai nghị sĩ xã hội cùng tên, cùng họ: Giô-han Xi-gơ [Johann Sigg] ở Du-rích và Giăng Xi-gơ [Jean Sigg] ở Giơ-ne-vơ. Người đầu thân Đức cuồng nhiệt, người thứ hai thân Pháp còn cuồng nhiệt hơn. Đó là tấm gương phản chiếu của Quốc tế tại Thụy Sĩ.
Đến gần tháng thứ hai của cuộc chiến, trên đường phố Du-rích tôi chạm trán với ông già Môn-ken-bua [Molkenbuhr], ông tới đây để tác động dư luận. Trả lời câu hỏi: “Đảng của ông hình dung tiến trình Thế chiến như thế nào?”, thành viên kỳ cựu của Voóc-xtan [Vorstand] đáp:
-
Trong hai tháng sắp tới chúng ta sẽ kết liễu Pháp rồi quay lại phương Đông quật
ngã quân đội Nga hoàng; ba tháng nữa, nhiều lắm là bốn, chúng ta sẽ đem lại một
nền hòa bình bền vững cho châu Âu.
Tôi chép lại - đúng từng chữ một - câu trả lời ấy vào nhật ký, cố nhiên Môn-ken-bua
không phát biểu ý kiến cá nhân mình. Ông chỉ truyền lại ý kiến chính thức của
đảng Xã hội Dân chủ.
Cùng thời gian đó, đại sứ Pháp ở Pê-téc-bua cá cược với Biu-can-ơn năm đồng
bảng Anh rằng chiến tranh sẽ kết thúc trước lễ Giáng sinh. Không, những người “không
tưởng” chúng tôi biết điều này, điều khác chính xác hơn các nhà xã hội dân chủ
thực tiễn hay giới ngoại giao.
Thụy Sĩ - nơi tôi phải đợi chờ bên lề cuộc chiến - khiến tôi nhớ lại nhà trọ
Phần Lan ở Rauha, nơi tôi được tin về làn sóng cách mạng năm 1905. Cố nhiên ở
Thụy Sĩ người ta cũng tổng động viên quân đội và tại Ba-den [Basel] còn có thể
nghe thấy tiếng gầm của đại bác. Vậy mà các nhà trọ lớn ở Thụy Sĩ, nơi thừa
thãi pho-mát và thiếu khoai tây là nỗi lo lớn nhất, làm ta liên tưởng đến một
ốc đảo yên tĩnh bị vây bởi vòng lửa chiến tranh và tôi tự hỏi: có lẽ cũng không
còn lâu cái ngày tôi có thể rời ốc đảo Rauha “yên tĩnh” ở Thụy Sĩ này để gặp
lại công nhân thành Pê-téc-bua trong giảng đường Học viện Kỹ thuật. Nhưng cái
ngày ấy chỉ đến sau đó ba mươi ba tháng.
Nhu cầu ghi nhận những gì đang diễn ra khiến tôi phải viết nhật ký. Từ ngày mùng
chín
tháng tám, tôi đã viết:
Hoàn toàn hiển nhiên: không còn là những
lầm lỗi, những bước tiến của một số kẻ cơ hội, những lời tuyên bố vụng về trên
diễn đàn nghị viện, những cuộc bỏ phiếu cho ngân sách của phái xã hội dân chủ
đại công quốc Ba-đen [Baden], những thử nghiệm của nội các Pháp và cũng không
phải tư cách bội bạc của một số lãnh tụ; vấn đề là sự tan rã của Quốc tế trong
giai đoạn cần trách nhiệm cao nhất, so với nó mọi thứ trước đó chỉ là công cuộc
chuẩn bị.
Ngày
mười một
tháng tám, tôi viết trong nhật ký:
Chỉ có sự thức tỉnh của phong trào xã hội
cách mạng - phong trào này phải lập tức nắm lấy những hình thức dữ dội nhất -
mới có thể đặt nền móng cho một Quốc tế mới. Những năm tháng sắp tới sẽ là thời
kỳ cách mạng xã hội.
Tôi tham gia tích cực vào đời sống của đảng Xã hội Thụy Sĩ. Trong các tầng lớp dưới, đường lối quốc tế của đảng mang lại những cảm tình hầu như nhất trí. Tôi rời mỗi cuộc họp đảng với niềm tin được nhân lên gấp đôi về lập trường đúng đắn của mình. Điểm tựa đầu tiên của tôi, được tìm thấy trong “Liên minh Công nhân En-trắc [Eintracht]”, hoàn toàn mang tính quốc tế nếu xét về thành phần. Theo giao ước của tôi với ban lãnh đạo Liên minh, đầu tháng chín tôi thảo một dự thảo Tuyên ngôn chống chiến tranh và chống chủ nghĩa xã hội quốc gia. Ban lãnh đạo mời các lãnh tụ đảng đến dự một cuộc họp, tại đây tôi phát biểu bằng tiếng Đức để bảo vệ bản Tuyên ngôn. Nhưng các lãnh tụ không đến họp. Họ thấy quá mạo hiểm khi phải minh định lập trường trong một vấn đề nguy hiểm như thế, họ thà chờ đợi và hạn chế hoạt động trong khuôn khổ phê bình trong phòng kín những điều “thái quá” của chủ nghĩa sô-vanh Pháp và Đức. Nhưng phiên họp En-trắc hầu như nhất trí chấp nhận Tuyên ngôn, bản này vẫn thực sự thúc đẩy công luận trong đảng dù phải bỏ qua một số điểm nhỏ. Kể từ đầu cuộc chiến, có lẽ đây là tài liệu quốc tế đầu tiên do một tổ chức công nhân công bố.
Trong những ngày tháng đó, lần đầu tiên tôi chạm trán trực tiếp với Ra-đéc, anh từ Đức qua Thụy Sĩ vào đầu cuộc chiến. Trong đảng Đức anh ở cánh cực tả và tôi hi vọng tìm thấy ở anh một người cùng tư tưởng. Thực vậy, Ra-đéc tuyên bố về tầng lớp lãnh đạo của đảng Xã hội Dân chủ Đức với vẻ nghiêm khắc lạ lùng. Trong chuyện đó chúng tôi nhất trí với nhau. Nhưng qua các dịp trò chuyện, tôi ngạc nhiên nhận thấy anh không hề nghĩ đến khả năng nổ ra của một cuộc cách mạng vô sản trong chiến tranh và nói chung, trong một tương lai gần. Không, anh đáp, nhìn trong tổng thể, lực lượng sản xuất của toàn nhân loại vẫn chưa phát triển đầy đủ. Tôi đã phải nghe quá nhiều lần chuyện các lực lượng sản xuất của Nga vẫn chưa đủ để giai cấp công nhân giành chính quyền. Nhưng tôi không hề tưởng tượng một câu trả lời như vậy lại xuất phát từ một chính trị gia cách mạng của một nước tư bản hàng đầu. Sau khi tôi đi khỏi Du-rích ít lâu, Ra-đéc diễn thuyết một bài dài trong “Liên minh En-trắc”, anh chứng minh tràng giang đại hải rằng thế giới tư bản vẫn chưa được chuẩn bị cho một cuộc cách mạng xã hội.
Trong tập hồi ký của ông, nhà văn Thụy Sĩ Brúp-ba-khe [Brupbacher] thuật lại khá thú vị về bài diễn thuyết của Ra-đéc và nói chung, về ngã tư đường của những người xã hội Du-rích giai đoạn đầu chiến tranh. Đáng chú ý, Brúp-ba-khe lại cho rằng những ý kiến hồi đó của tôi là... hòa bình chủ nghĩa. Không thể đoán ra ông muốn nói gì. Quá trình tiến hóa của Brúp-ba-khe thời ấy được tập trung lại trong tựa đề cuốn sách của chính ông: Từ tiểu tư sản đến bôn-sê-vích. Tôi biết khá rõ về tư tưởng hồi ấy của Brúp-ba-khe để hoàn toàn chấp nhận nửa đầu của nhận định trên. Ngoài ra, tôi không muốn chịu bất kỳ trách nhiệm gì về nửa sau.
Khi các báo chí xã hội Đức và Pháp đưa ra bức tranh rõ ràng về thảm trạng chính trị và đạo đức của chủ nghĩa xã hội chính thức, tôi gạt cuốn hồi ký ra một bên để viết một bài về chiến tranh và Quốc tế. Dưới tác động cuộc nói chuyện đầu tiên với Ra-đéc, tôi viết cho cuốn sách nhỏ ấy một bài tựa trong đó tôi còn nhấn mạnh hơn: cuộc chiến hiện tại không phải gì khác ngoài sự nổi dậy của các lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn cầu chống lại một bên là chế độ tư hữu, bên kia là các biên giới quốc gia... Cũng như mọi cuốn sách khác, tập sách nhỏ mang tên Chiến tranh và Quốc tế của tôi có một số phận nhất định, trước tiên ở Thụy Sĩ rồi ở Đức và ở Pháp, sau này ở Mỹ và cuối cùng ở Liên bang Xô-viết. Thiết tưởng cần nói vài lời ở đây về tất cả những chuyện này.
Bản thảo tiếng Nga được dịch bởi một người Nga không thạo tiếng Đức lắm. Một giáo sư Du-rích tên là Ra-ga-dơ [Ragaz] nhận phần biên tập bản dịch ấy. Đây là dịp để tôi làm quen với nhân vật đặc biệt này. Là một con chiên ngoan đạo, thậm chí xét về học thức và nghề nghiệp, Ra-ga-dơ là một nhà thần học; đồng thời đứng ở nhánh cực tả của chủ nghĩa xã hội Thụy Sĩ, ông chấp nhận cả những phương pháp thái quá nhất cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh và tán thành cách mạng vô sản. Tôi rất cảm tình với Ra-ga-dơ vì ông và vợ ông tiếp cận những vấn đề chính trị hết sức nghiêm chỉnh, điều này khiến họ rất khác biệt với các viên chức xã hội dân chủ Áo, Đức, Thụy Sĩ và bao kẻ khác, những kẻ không biết một ý thức hệ tư tưởng nào.
Nếu tôi không nhầm, sau này Ra-ga-dơ buộc phải hy sinh bục giảng đại học cho các tư tưởng của mình. Trong giới của ông, điều này không nhỏ. Nhưng bên cạnh lòng kính trọng đối với con người đặc biệt này, qua các cuộc nói chuyện, tôi cảm thấy sự tồn tại - hầu như về mặt thực thể - của một tấm màng mong manh, nhưng hoàn toàn không thể chọc thủng giữa hai chúng tôi. Ông là người thần bí đến tận tâm can. Mặc dù không tìm cách áp đặt tín ngưỡng của mình cho người khác, thậm chí ông cũng không nói đến nó, nhưng trong mọi lời lẽ của ông, bản thân cuộc khởi nghĩa vũ trang cũng bị hơi lạnh của một thứ thế giới bên kia bao trùm, khiến tôi rùng mình khó chịu. Từ ngày bắt đầu biết suy tưởng, tôi trở thành nhà duy vật, trước tiên theo bản năng rồi sau đó bằng ý thức. Không những không cảm thấy sự thiếu vắng của những thế giới khác, nhưng tôi cũng không bao giờ duy trì được mối quan hệ tâm lý với những kẻ có thể thừa nhận cùng một lúc cả Đác-uyn lẫn Thánh ba ngôi.
Nhờ Ra-ga-dơ, bản tiếng Đức của cuốn sách được ấn hành tuyệt đẹp. Ngay từ tháng mười hai năm 1914, nó đã tìm được đường qua Áo và Đức, từ Thụy Sĩ. Trước tiên, những người cánh tả Thụy Sĩ - Phri-đrích Plát-ten [Friedrich Platten] và những kẻ khác - lo việc này. Viết cho các nước nói tiếng Đức, cuốn sách trước hết chĩa mũi dùi vào đảng Xã hội Dân chủ Đức, đảng lãnh đạo Đệ nhị Quốc tế. Tôi còn nhớ một nhà báo tên là Hen-man [Heilmann], cây vĩ cầm hàng đầu của giàn nhạc sô-vanh chủ nghĩa, gọi cuốn sách là “điên rồ, nhưng vẫn mạch lạc trong sự điên rồ ấy”. Không thể mong mỏi một lời khen nào hơn! Cố nhiên, không thiếu những lời ám chỉ cho rằng cuốn sách là một công cụ tuyên truyền khéo léo cho Liên minh.
Sau này ở Pháp, bất ngờ tôi đọc trong báo Pháp một mẩu tin qua điện tín từ Thụy Sĩ. Theo đó, một tòa án Đức xử tù vắng mặt tôi vì cuốn sách nhỏ viết tại Du-rích. Từ đó, tôi rút ra kết luận: cuốn sách đã trúng đích. Bằng bản án mà tôi không vội vàng tuân thủ, các quan tòa thuộc dòng họ Hô-hen-dô-léc-nơ đã giúp tôi một việc vô giá. Với những kẻ vu khống và mật thám của Liên minh, bản án của phiên tòa Đức lúc nào cũng là một khó khăn lớn khi họ cố chứng tỏ tôi thực chất là điệp viên của Đại bản doanh Đức.
Tất cả những điều này không ngăn trở nhà chức trách Pháp chặn lại cuốn sách của tôi ở biên giới vì nó mang “nguồn gốc Đức”. Để bảo vệ cuốn sách khỏi kiểm duyệt Pháp, một bài viết lập lờ xuất hiện trên tờ báo của Gu-xtáp Éc-vê [Gustave Hervé]. Tôi nhớ Sác-lơ Ráp-pô-pô [Charles Rappoport] viết bài ấy, ông khá nổi tiếng và cũng gần là một nhà Mác-xít. Ráp-pô-pô sản xuất khá nhiều trò chơi chữ, nhiều đến mức một người, nếu chỉ làm việc này suốt đời, cũng chỉ có thể làm ra ngần ấy.
Sau cách mạng tháng mười, một người làm nghề xuất bản ở Niu Oóc có sáng kiến cho in cuốn sách mỏng tiếng Đức của tôi dưới dạng một cuốn sách bìa dày kiểu Mỹ. Theo lời kể của anh, tổng thống Uyn-xơn [Wilson] đã điện thoại gọi anh mang bản in thử đến Nhà Trắng: đó là lúc tổng thống đang sáng chế mười bốn điểm của ông và theo lời những kẻ am tường, tổng thống không chịu nổi việc những người bôn- sê-vích lấy mất của ông mọi diễn đạt hay nhất. Trong vòng hai tháng cuốn sách được bán ở Mỹ với số lượng mười sáu ngàn bản. Nhưng rồi tiếp đến thời kỳ những cuộc hòa đàm ở Bờ-rét Li-tốp-xcơ. Báo chí Mỹ chống đối tôi dữ dội và cuốn sách lập tức biến mất khỏi thị trường.
Ở nước Cộng hòa Xô-viết, cuốn sách ấy được tái bản nhiều lần và trở thành tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu quan hệ giữa chủ nghĩa Mác-xít và chiến tranh. Nó chỉ bị biến mất khỏi “thị trường” của Quốc tế Cộng sản sau năm 1924, khi người ta phát hiện ra “chủ nghĩa Trốt-kít”. Cũng như thời trước cách mạng, hiện nay cuốn sách bị cấm đoán. Hóa ra sách vở quả thực cũng có một số phận nhất định.