Đời tôi (Tập 1) - Chương 19

CHƯƠNG XIX: PA-RI VÀ DIM-MÉC-VAN

Trên cương vị phóng viên chiến trường của tờKi-ép-xcai-a Mư-xli, tôi qua biên giới Pháp ngày mười chín tháng mười một năm 1914. Tôi càng sẵn sàng nhận lời mời của tờ báo vì nhiệm vụ này tạo cho tôi khả năng thấy được cuộc chiến ở khoảng cách gần hơn.

Quang cảnh Pa-ri thật buồn bã. Tối tối, các phố xá lại chìm trong bóng đêm. Những khinh khí cầu lơ lửng trên thành phố. Sau khi quân Đức bị chặn lại tại sông Mác-nơ [Marne], chiến tranh càng gay go và tàn bạo hơn. Trong cảnh hỗn mang không bờ bến đang xâu xé châu Âu, cạnh sự im lặng của quần chúng công nhân bị đảng Xã hội Dân chủ lường gạt và phản bội, bộ máy hủy diệt sống cuộc đời riêng. Nền văn minh tư bản lao mình vào cái vô nghĩa, cố chọc thủng bộ xương sọ dày của nhân loại.

Vào giây phút khi quân Đức tiến gần đến Pa-ri và những nhà tư sản yêu nước Pháp bắt đầu rời bỏ thủ đô, hai người Nga di cư ở đó cho ra đời một tờ nhật báo nhỏ bằng tiếng Nga. Tờ báo có nhiệm vụ giải thích cho kiều dân Nga lưu lạc tại Pa-ri hiểu rõ những sự kiện đang xảy ra và duy trì tinh thần đoàn kết quốc tế trong họ. Trước khi ấn hành số báo đầu, “quỹ” của nhà xuất bản có vừa vặn ba mươi phờ-răng. Không kẻ “tỉnh táo” nào tin việc có thể cho ra một tờ nhật báo với cái vốn ban đầu ấy. Và thực vậy: mặc dầu tòa soạn và các cộng tác viên làm việc không lương, mỗi tuần ít nhất một lần tờ báo lại qua một cơn khủng hoảng tưởng chừng không lối thoát.

Nhưng người ta vẫn luôn tìm thấy lối thoát. Các thợ in trung thành với tờ báo thà nhịn đói, các chủ nhiệm chạy khắp thành phố nhằm kiếm vài chục phờ-răng - và số báo tiếp theo lại ra đời. Cứ thế, dưới những đòn của sự thiếu hụt và kiểm duyệt - đôi khi biến đi để rồi lại hiện ra ngay dưới một tiêu đề khác - tờ báo sống được hai năm, tức là cho đến Cách mạng tháng hai năm 1917. Sau khi đến Pa-ri, tôi hăng hái cộng tác ngay với Na-sê Xlô-vơ [Naché Slovo] (Tiếng nói của chúng ta), lúc đó còn được gọi là Gô-lốt-xơ [Golos] (Tiếng nói). Đối với tôi, tờ nhật báo này cũng là công cụ chính để định hướng trong dòng thời cuộc. Những kinh nghiệm học được ở tờ Na-sê Xlô-vơ sau này cũng có ích khi tôi phải trực tiếp phụ trách công tác quân sự.

Gia đình tôi chỉ chuyển đến Pháp năm 1915. Chúng tôi cư trú ở Séc-rơ [Sèvres], trong một căn nhà nhỏ do một người bạn trẻ - họa sĩ người Ý Rơ-nê Pa-rét-xơ [René Parece] - nhường lại. Lũ trẻ bắt đầu đi học trong trường Séc-rơ. Mùa xuân thật tuyệt vời, cây cỏ đặc biệt dịu dàng và mơn trớn. Nhưng ngày càng nhiều phụ nữ vận đồ tang. Học sinh thành trẻ mồ côi. Hai đạo quân đào hố tự chôn m ình dưới lòng đất. Trên tờ báo của mình, Clê-măng-xô [Clémenceau] bắt đầu công kích Giô-phơ-rơ [Joffre]. Bọn phản động ngầm chuẩn bị đảo chính. Tin tức về chuyện đó lan truyền từ miệng này qua miệng khác. Trong một hai ngày liền, trên các trang của tờ Temps (Thời báo), người ta gọi nghị viện là “nơi tụ hội của những con lừa”, không hơn không kém. Tuy thế, chính tờ Temp này lại đòi hỏi thật nghiêm khắc việc các nhà xã hội phải tôn trọng khối thống nhất dân tộc.

Giô-rét không còn nữa. Tôi đến tiệm cà phê Croissant (Café du Croissant - quán cà phê Bánh sừng bò) nơi ông bị ám sát để muốn tìm lại dấu vết gì đó của ông. Tôi xa ông về chính trị. Nhưng không thể không cảm thấy sức cuốn hút của nhân vật kiệt xuất này. Thế giới nội tại của Giô-rét được tạo bởi những truyền thống dân tộc, những nguyên lý đạo đức siêu hình, tình thương kẻ khốn cùng và trí tưởng tượng thi sĩ. Đồng thời, ông có những nét quý phái rõ rệt, cũng như Bê-ben đơn giản là người bình dân về mặt tinh thần, đạo đức. Tuy nhiên, cả hai vượt hẳn lên trên cái di sản họ để lại.

Tôi được nghe Giô-rét trong các cuộc mít-tinh nhân dân ở Pa-ri trong các Đại hội Quốc tế và trong các phiên họp ủy ban. Và mỗi lần, tôi lại nghe ông như thể mới nghe lần đầu. Không trở thành khuôn sáo, về cơ bản không bao giờ ông lặp lại mình, luôn luôn tự phát hiện những cái mới về mình, lúc nào ông cũng huy động được những nguồn ẩn tinh thần. Bên cạnh sức mạnh oai nghiêm, nguyên sơ như một dòng thác, trong ông lại ẩn ngự nhiều vẻ dịu dàng, bừng sáng trên khuôn mặt như ánh sáng phản chiếu của nền văn hóa cao cả nhất. Ông xô những tảng đá, gầm như sấm, làm lung chuyển các nền móng, nhưng không bao giờ ông mũ ni che tai trước những kẻ khác, lúc nào ông cũng sẵn sàng, tỉnh táo lắng tai nghe mọi lời phản hồi, để rồi lập tức phản bác, bắt bẻ đối phương không thương xót, ông quét sạch các trở ngại đôi khi như trận cuồng phong, đôi khi lại độ lượng, mềm mại như một người thầy, một người anh lớn.

Giô-rét và Bê-ben là hai đối cực, đồng thời là hai đỉnh cao của Đệ nhị Quốc tế. Cả hai đều là những nhà dân tộc sâu sắc: Giô-rét với cái vốn tu từ học La Tinh nồng cháy, Bê-ben với cái khô khan của người theo đạo Tin Lành. Tôi yêu quý cả hai, nhưng theo cách khác nhau. Bê-ben tiêu phí đến cùng thể lực của mình, Giô-rét ngã xuống lúc tài hoa đang nở rộ, nhưng cả hai đều ra đi đúng lúc. Cái chết của họ dựng lên một cái mốc, đánh dấu sự kết thúc sứ mệnh lịch sử tiến bộ của Đệ nhị Quốc tế.

Đảng Xã hội Pháp ở trong trạng thái hoàn toàn phá sản về tinh thần, Không ai thay thế được vị trí Giô-rét. Vai-lăng [Vaillant], vị “chống quân phiệt” cựu trào nhả ra hàng ngày những bài báo sản sinh trong tinh thần sô-vanh cực đoan nhất. Tôi tình cờ gặp ông già ở Ủy ban Hành động, gồm những đại diện các chính đảng và công đoàn. Vai-lăng là cái bóng của chính mình - bóng của chủ nghĩa Blăng-ki [Blanqui] với truyền thống chiến tranh Xăng Quy-lốt [Sansculotte] thời Guy-lơ Ghét-xđơ Pô-en-ca-rê [Raymond Poincaré]]. Nước Pháp tiền chiến, đặc trưng bởi nhịp độ tăng dân số không đáng kể và những hình thức bảo thủ của đời sống kinh tế và tư tưởng, trong con mắt Vai-lăng là quốc gia duy nhất hoạt động và tiến bộ, là dân tộc được ân sủng và đi giải phóng, nước duy nhất mà các dân tộc khác chỉ cần tiếp xúc đã thức tỉnh về tinh thần. Chủ nghĩa xã hội của ông mang tính sô-vanh, chủ nghĩa sô-vanh của ông mang tính cứu thế.

Guy-lơ Ghét-xđơ [Jules Guesde] - lãnh tụ cánh Mác-xít của đảng Xã hội, kẻ tự tiêu hủy những trữ lực tột cùng trong cuộc chiến đấu dai dẳng suy kiệt chống những sùng bái trong nền dân chủ - chỉ đủ sức để đặt uy tín tinh thần chưa từng hoen ố của mình trước “bàn thờ” nền quốc phòng. Tất cả đều hỗn loạn. Mác-xen Xăng-ba [Marcel Sembat], tác giả cuốn sách Vua hay hòa bình là trợ lý của Ghét-xđơ trong chính phủ... Bri-ăng [Briand]. Pi-e Rơ-nô-đen [Pierre Renaudel] trở thành “thủ lĩnh” của đảng một thời gian. Bởi rốt cuộc cũng phải đặt ai đó vào vị trí bỏ trống của Giô-rét. Rơ-nô-đen cố rung lưỡi bắt chước vị lãnh tụ bị ám sát bằng động tác. Lông-ghê [Longuet] gắng theo kịp Rơ-nô-đen, nhưng điều ông ta gọi là cánh tả có phần khá ngượng ngập. Tất cả cách sử sự của ông khiến người ta nhớ lại Mác không phải chịu trách nhiệm về đàn cháu của mình. Phong trào Công đoàn Chính thống mà người đại diện là Giu-ô [Jouhaux] (chủ tịch “Confédération Générale”) kiệt sức trong vòng hai mươi tư giờ đồng hồ. Ông ta “phủ nhận” nhà nước trong thời bình để rồi quỳ gối trước nó trong chiến tranh. Tay hề cách mạng Éc-vê mới hôm qua còn là kẻ chống quân phiệt, nay lộn ngược chiếc áo vét và như một kẻ sô-vanh cực đoan, ông ta cũng vẫn là một tay hề tự mãn. Để diễu cợt thẳng thừng hơn những ý tưởng ngày hôm qua, tờ báo của ông ta vẫn ra với tựa đề La Guerre Sociale (Cuộc chiến tranh xã hội).

Nhìn chung, tất cả có vẻ như một hội giả trang tang tóc, một vũ hội hóa trang của thần chết. Bất giác tôi tự nhủ: không, dù sao chúng ta cũng được nặn bằng thứ chất liệu nghiêm chỉnh hơn - những sự kiện không làm chúng ta bất ngờ. Đã thấy trước được ít nhiều, ngay bây giờ chúng ta cũng tiên đoán được nhiều điều và chúng ta chuẩn bị cho nhiều tình huống. Biết bao lần chúng tôi đã nắm chặt tay khi tập đoàn Rơ-nô-đen, tập đoàn Éc-vê và những kẻ cùng loại cố kết thân từ xa với Các Líp-nếch! Cũng có một vài nhân tố đối lập tản mạn chỗ này, chỗ kia - trong đảng, trong các công đoàn , nhưng thực tế họ hầu như không có dấu hiệu hoạt động.

Trong s ố kiều dân Nga, chính trị gia kiệt xuất nhất tôi gặp ở Pa-ri chắc chắn là Mác-tốp, thủ lĩnh phe men-sê-vích, một trong những kẻ tài ba nhất tôi có dịp tiếp xúc trong đời. Điều bất hạnh của ông là ở chỗ số phận đã run rủi ông thành một chính trị gia trong một thời kỳ cách mạng mà không cho ông một trữ lượng nghị lực cần thiết. Kết cấu tinh thần của Mác-tốp thiếu sự cân bằng và điều đó thể hiện bi thảm mỗi lần những sự kiện lớn xảy ra. Tôi được quan sát Mác-tốp trong ba giai đoạn lịch sử: năm 1905, năm 1914 và năm 1917. Phản ứng đầu tiên của Mác-tốp trước các sự kiện hầu như lúc nào cũng mang màu sắc cách mạng. Nhưng Mác-tốp chưa kịp ghi lại những ý tưởng của mình thì mọi thứ hoài nghi đã tấn công ông từ mọi hướng. Trong kho tư tưởng phong phú, mềm dẻo và đa dạng của ông, thiếu một cái giá để tựa là nghị lực. Trong thư từ viết cho Ác-xen-rốt năm 1905, khi cuộc cách mạng thứ nhất đạt đến đỉnh cao, Mác-tốp cay đắng phàn nàn là ông không xếp đặt nổi các ý nghĩ của mình. Và quả thực, ông cũng không làm nổi việc đó đến tận lúc thời kỳ phản động quay trở lại. Đầu cuộc chiến, Mác-tốp lại kêu ca với Ác-xen-rốt rằng các sự kiện đẩy ông đến giới hạn của sự điên rồ. Cuối cùng vào năm 1917, ông bước một bước rụt rè về cánh tả nhưng trong phái của ông, ông nhường quyền lãnh đạo cho Xê-rê-te-li và Đan [Dan], nghĩa là hai nhân vật cùng lắm chỉ đến mắt cá chân ông, người thứ nhất về mặt trí tuệ và người thứ hai về mọi mặt.

Ngày mười bốn tháng mười năm 1914, Mác-tốp viết như sau cho Ác-xen-rốt:
Dường như chúng ta có thể thỏa thuận với Lê-nin mau lẹ hơn với Plê-kha-nốp. Hình như bây giờ Lê-nin chuẩn bị đóng vai trò chiến sĩ chống lại chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế.

Nhưng bầu không khí trên không kéo dài bao lâu ở Mác-tốp. Ông đã héo hon khi gặp tôi ở Pa-ri. Sự cộng tác của chúng tôi với Na-sê Xlô-vơ đã thành cuộc chiến quyết liệt từ những ngày đầu, kết cục Mác-tốp rút khỏi ban biên tập và thôi luôn cả vai trò cộng tác viên.

Sau khi đến Pa-ri ít lâu, tôi c ùng Mác-tốp đi tìm Mô-nát [Monatte], một biên tập viên của tờ La vie Ouvrière (Đời sống công nhân), cơ quan ngôn luận của công đoàn. Là cựu giáo viên, sau này Mô-nát làm thợ sửa lỗi trong nhà in và có dáng dấp một công nhân Pa-ri điển hình. Con người thông minh và có tính khí ấy không chấp nhận, dù chỉ trong một phút, việc hòa hoãn với chủ nghĩa quân phiệt và nhà nước tư sản. Được thôi, nhưng tìm chỗ thoát ở đâu? Về điểm này chúng tôi không nhất trí với nhau. Mô-nát “phủ nhận” nhà nước và đấu tranh chính trị. Sau khi chống đối thẳng thừng chủ nghĩa sô-vanh trong công đoàn, nhà nước thây kệ sự phủ nhận đó và buộc Mô-nát phải mặc quần đỏ.
Nhờ Mô-nát, tôi làm quen với nhà báo Rốt-xmê [Rosmer], anh cũng thuộc trường phái công đoàn vô chính phủ, nhưng như các sự kiện đã chứng tỏ - ngay từ hồi đó anh đã gần chủ nghĩa Mác-xít hơn nhiều so với đám theo Ghét-xđơ. Từ dạo ấy, chúng tôi duy trì một tình bạn thân thiết, trải qua mọi thử thách của chiến tranh, của cách mạng, của chính quyền Xô-viết và của sự thất bại của phe đối lập...

Cũng trong giới đó tôi làm quen với một số nhân vật của phong trào công nhân Pháp mà đến giờ tôi chưa hề biết: Me-rơ-hem [Merrheim], thư ký Liên đoàn Thợ luyện kim, một người thận trong, kín đáo và quỵ lụy, xét về mọi mặt anh kết thúc khá buồn thảm; nhà báo Ghin-bô [Guilbeaux], sau bị kết án tử hình vắng mặt vì tội danh “phản bội Tổ quốc” bịa đặt; “bố già” Buốc-đo-rông [Bourderon], thư ký Công đoàn Thợ đóng thùng; thầy giáo Lô-ri-ô [Loriot], người đi tìm lối thoát trên con đường chủ nghĩa xã hội cách mạng, và nhiều người khác nữa.

Hàng tu ần chúng tôi gặp nhau ở bến Gien-máp (Quai Jemappe), đôi khi chúng tôi tụ họp đông hơn ở Grông-giơ-ô Ben [Grongeaux Belles], trao đổi với nhau những tin tức moi được sau hậu trường về chiến tranh và hoạt động ngoại giao. Chúng tôi phê phán chủ nghĩa xã hội chính thức, cố gắng nắm bắt các dấu hiệu thức tỉnh của chủ nghĩa xã hội, làm vững niềm tin ở những kẻ còn do dự và chuẩn bị cho tương lai.

Ngày mùng bốn tháng tám năm 1915, tôi viết trên Na-sê Xlô-vơ:
Dù thế, chúng ta đứng trước ngày kỷ niệm đẫm máu này mà không hề nao núng về tinh thần hoặc bi quan về chính trị. Là những người cách mạng quốc tế, chúng ta đứng vững trong tai họa khủng khiếp nhất của thế giới, trên vị trí phân tích, phê phán và nhìn xa trông rộng của chúng ta. Chúng ta không chấp nhận bất kỳ một thứ mắt kính “quốc gia” nào mà các bộ tham mưu mời chào - chẳng những với giá rẻ mạt mà họ còn thưởng công cho chúng ta! Chúng ta vẫn tiếp tục nhìn nhận sự việc đúng như chúng có, tiếp tục gọi chúng bằng tên của chúng và dự kiến luận lý sự vận động kế tiếp của chúng.

Và bây giờ, sau mười ba năm, tôi chỉ có thể nhắc lại những lời như thế. Không ngày nào chúng tôi rời cái cảm giác chúng tôi đứng cao hơn tư tưởng chính trị chính thống - kể cả chủ nghĩa xã hội “ái quốc” và điều này không xuất phát từ lòng tự phụ vô cơ sở. Không có gì cá nhân trong cái cảm giác ấy, nó xuất phát từ lập trường nguyên lý của chúng tôi: chúng tôi đã chiếm lĩnh đỉnh cao. Quan điểm phê phán trước hết cho chúng tôi khả năng nhìn nhận rõ rệt hơn về triển vọng của chiến tranh. Như mọi người đều biết, cả hai bên tham chiến đều tính đến một thắng lợi nhanh chóng. Có thể kể ra vô số ví dụ của tinh thần lạc quan nhẹ dạ ấy:

Trong m ột thời gian, đồng nghiệp người Pháp của tôi có tinh thần lạc quan đến mức ông cuộc với tôi năm đồng bảng Anh, rằng chiến tranh sẽ kết thúc trước lễ Giáng sinh.

Biu-can-ơn viết như thế trong hồi ức của ông. Trong thâm tâm, bản thân Biu-can-ơn cũng cho rằng cuộc chiến sẽ kết thúc muộn nhất là vào lễ Phục sinh.
Từ mùa thu năm 1914, trái với mọi tiên đoán chính thức, ngày này qua ngày khác chúng tôi nhận định trên báo chí rằng chiến tranh còn kéo dài vô vọng và toàn châu Âu sẽ đổ nát khi ra khỏi cuộc chiến. Hàng chục lần, chúng tôi viết trên tờ Na-sê Xlô-vơ rằng sau chiến tranh - khi khói và hơi độc đã tan nước Pháp cùng lắm cũng chỉ thành một nước Bỉ lớn trên vũ đài quốc tế trong trường hợp Đồng minh chiến thắng. Chúng tôi tiên đoán chắc chắn sự chuyên chính tầm cỡ thế giới của Hoa Kỳ trong thời gian sắp tới. Chúng tôi viết có lẽ đã đến lần thứ một trăm vào ngày mùng năm tháng chín năm 1916:
Chủ nghĩa đế quốc đánh cuộc vào những kẻ mạnh trong cuộc chiến này; thế giới sẽ thuộc về họ.

Từ lâu gia đình tôi đã chuyển từ Sèvres về Pa-ri, tại khu phố nhỏ U-đơ-ri (Rue Oudry). Pa-ri ngày càng trống trải. Những chiếc đồng hồ ngoài phố thay nhau ngừng chạy. Không hiểu tại sao có rơm bẩn thò ra từ miệng con sư tử Ben-pho [Belfort]. Chiến tranh ngày càng chôn sâu bản thân nó dưới lòng đất. Cần phải ra khỏi chiến hào, ra khỏi hốc, khỏi sự đình đốn, bất động - đó là tiếng thét của lòng yêu nước. Di chuyển! Vận động! Sự điên rồ khủng khiếp của trận Véc-đoong [Verdun] xuất phát từ đây. Trong những ngày ấy, dãy dụa giữa đòn sấm sét của bộ máy kiểm duyệt thời chiến, tôi viết như sau trên tờ Na-sê Xlô-vơ:

Dù các trận đánh ở Véc-đoong có tầm quan trọng quân sự to lớn đến đâu đi nữa, tầm cỡ chính trị của chúng còn lớn hơn rất nhiều, không thể so sánh được. Ở Béc-lin và những nơi khác (sic) người ta muốn “vận động” thế thì họ sẽ nhận được nó. Các vị nghe rõ không? Ở Véc-đoong, người ta đã rèn ngày mai của chúng ta.

Mùa hạ năm 1915, nghị sĩ Ý Mô-ga-ri [Morgari] bí thư khuynh hướng xã hội trong nghị viện Rô-ma [Rome] đến Pa-ri. Đó là một người ngây thơ, ông có ý đồ kêu gọi các nhà xã hội Pháp và Anh tham gia một hội nghị quốc tế. Tại sân thượng tiệm cà phê nằm trên một đại lộ, cùng với Mô-ga-ri, chúng tôi gặp gỡ vài nghị sĩ xã hội, chẳng hiểu sao họ tự cho mình là “cánh tả”. Mọi thứ trôi qua dễ dàng chừng nào cuộc nói chuyện còn nằm trên khuôn khổ những lời lẽ hòa bình chủ nghĩa luyên thuyên và nhắc lại chung chung việc cần thiết phải gây dựng lại những quan hệ quốc tế. Nhưng khi Mô-ga-ri vừa đổi giọng thê thảm và bắt đầu nói về chuyện cần kiếm một số hộ chiếu giả để qua Thụy Sĩ - rõ ràng ông bị nóng mặt bởi khía cạnh “Các-bô-na-ri” của vấn đề - thì các ngài nghị sĩ đều thuỗn mặt. Một vị, tôi không nhớ là ai, vội vàng ra hiệu cho người bồi bàn và thanh toán hết mọi khoản của cuộc gặp mặt. Bóng ma Mô-li-e [Molière] hiện lên trên sân thượng ấy và tôi tin rằng hồn ma Ra-bơ-le [Rabelais] cũng đi cùng với ông. Cuộc gặp gỡ kết thúc ở đó. Trên đường về nhà chúng tôi cười rũ rượi với Mác-tốp, vừa vui vừa bực bội.

Mô-nát và Rốt-xmê đã bị động viên, họ không đến được chỗ chúng tôi. Tôi đến cuộc họp cùng Me-rơ-hem và Buốc-đo-rông, những người hòa bình chủ nghĩa rất ôn hòa. Không ai cần hộ chiếu giả vì chính phủ vẫn chưa bỏ đến tận cùng những phong tục thời bình, họ đã cấp giấy tờ hợp lệ cho tất cả chúng tôi.

Grim [Grimm], lãnh tụ xã hội ở Béc-nơ [Berne], gánh trách nhiệm tổ chức Hội nghị, vào thời ấy ông gắng sức vượt cao hơn bản tính thiển cận của đảng ông và bản thân. Grim chuẩn bị địa điểm cho Hội nghị tại một làng nhỏ mang tên Dim-méc-van [Zimmerwald] nằm trên cao giữa những quả núi, cách Béc-nơ mười ki-lômét. Các đại biểu chen chúc nhau trong bốn chiếc xe ngựa mui trần và đi lên núi. Người qua lại tò mò nhìn đoàn ngưòi kỳ lạ ấy. Các đại biểu tự bông đùa rằng nửa thế kỷ sau ngày Đệ nhất Quốc tế thành lập, nay lại có thể chất tất cả những người quốc tế lên bốn chiếc xe. Nhưng không có chút hoài nghi nào trong những lời lẽ khôi hài ấy. Sợi dây lịch sử hay bị đứt đoạn. Khi ấy cần nối chúng lại. Đó chính là điều chúng tôi đã làm ở Dim-méc-van.

Hội nghị (từ ngày mùng năm đến ngày mùng tám tháng chín năm 1915) diễn ra đầy giông bão. Cánh cách mạng do Lê-nin đứng đầu và nhóm hòa bình gồm đa số các đại biểu khó nhất trí với nhau trong một tuyên bố chung do tôi khởi thảo. Bản tuyên bố còn xa mới nói được tất cả những điều cần nói, tuy vậy nó vẫn là một bước tiến đáng kể. Lê-nin đứng về phía cực tả của Đại hội, trong nhiều vấn đề ông đứng một mình trong phe cánh tả ấy. Về hình thức, tôi không thuộc cánh tả ở Dim-méc-van dù tôi gần nó trong mọi vấn đề thiết yếu. Tại Dim-méc-van, Lê-nin làm căng mạnh chiếc lò xo hợp tác quốc tế sau này. Trong cái làng nhỏ miền núi Thụy Sĩ ấy, ông đã đặt những viên đá tảng đầu tiên của một Quốc tế cách mạng.

Trong bài phát biểu của mình, các đại biểu Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của Na-sê Xlô-vơ đối với họ: tờ báo thiết lập quan hệ tư tưởng giữa họ với phong trào quốc tế các nước khác. Ra-cốp-xki lưu ý Na-sê Xlô-vơ đã đóng vai trò quan trọng trong việc dự thảo đường lối chính trị quốc tế của các đảng Xã hội Dân chủ vùng Ban-căng. Đảng Ý cũng biết Na-sê Xlô-vơ qua những bài dịch của Ba-la-ba-nô-va [Balabanova]. Tuy nhiên, tờ báo được báo chí Đức nhắc đến nhiều nhất, kể cả báo chí chính thống: như Rơ-nô-đen tìm cách dựa vào Líp-nếch, Sây-đơ-man cũng rất muốn coi chúng tôi là đồng minh của họ.

Bản thân Líp-nếch không đến được Dim-méc-van. Ông đã trở thành tù binh của quân đội dòng họ Hô-hen-dô-léc-nơ trước khi là tù nhân trong nhà ngục. Líp-nếch gửi một lá thư đến Hội nghị trong đó ông cho biết chuyển biến dứt khoát của ông từ đường lối hòa bình sang đường lối cách mạng. Tên ông được nhắc tới nhiều lần trong Hội nghị, nó đã thực sự trở thành khái niệm trong cuộc đấu tranh làm tan nát chủ nghĩa xã hội quốc tế.

Từ Dim-méc-van, những người tham dự bị nghiêm cấm không được gửi đi bất kỳ bài viết nào về hội nghị, đề phòng chuyện những tiết lộ thông tin quá sớm trên báo chí sẽ gây khó khăn cho các đại biểu tại biên giới quê hương khi họ trở về nước. Vài ngày sau, cái tên Dim-méc-van - vốn chưa được ai biết đến đến vào lúc đó - lan tràn khắp thế giới. Điều này làm ông chủ khách sạn điếng người. Ông bác tốt bụng người Thụy Sĩ tuyên bố với Grim rằng ông hi vọng có thể nâng giá cơ ngơi của ông lên rất cao, vì thế ông sẵn lòng bỏ một khoản tiền nhất định vào quỹ tiền tệ của Đệ tam Quốc tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng chẳng mấy chốc ông ta đã thay đổi ý định.

Hội nghị Dim-méc-van đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào phản chiến tại nhiều nước. Những người Spáctakít ở Đức mở rộng hoạt động của họ. Ở Pháp, ủy ban phục hồi các quan hệ quốc tế được thành lập. Những công nhân thuộc các khu cư ngự của cộng đồng Nga ở Pa-ri siết chặt hàng ngũ quanh tờ Na-sê Xlô-vơ, cứu nó khỏi tình trạng thiếu thốn tài chính và mọi khó khăn khác. Mác-tốp trong giai đoạn đầu còn cộng sự hăng hái với báo, nay rời bỏ nó. Sau vài tháng, xét về căn bản, những bất đồng quan điểm thứ yếu còn phân cách tôi với Lê-nin ở Dim-méc-van đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Nhưng giữa chừng, những đám mây đen tụ họp trên đầu chúng tôi và ngày càng dày đặc trong năm 1916. Dưới dạng “thông báo”, tờ báo phản động Liberté (Tự do) đăng tải những bài kết tội chúng tôi là thân Đức. Càng ngày chúng tôi càng nhận được nhiều thư hăm dọa nặc danh. Những lời buộc tội và đe dọa hẳn xuất phát từ đại sứ quán Nga. Nhiều khuôn mặt đáng ngờ thường xuyên lẩn khuất quanh nhà in. Éc-vê đem cảnh sát ra để dọa nạt chúng tôi. Chủ tịch Ủy ban Phụ trách Kiều dân Nga, giáo sư Đu-rơ-khem [Durkheim] cho biết người ta bàn tán trong các giới thượng đỉnh về chuyện cấm tờ Na-sê Xlô-vơ và trục xuất chủ nhiệm của nó. Tuy nhiên sự việc ngày càng bị trì hoãn. Người ta không sinh sự nổi vì tôi không vi phạm pháp luật, không vi phạm cả những luật định độc đoán của mạng lưới kiểm duyệt. Cần phải có một cớ coi được. Cuối cùng họ cũng tìm ra, hay nói đúng hơn, cũng nặn ra được một lý do như thế.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3