Đời tôi (Tập 1) - Chương 21 - Phần 1
CHƯƠNG XXI: QUA TÂY BAN NHA
Hai viên thanh tra cảnh binh chờ tôi tại nhà ở khu phố nhỏ U-đơ-ri. Một người tầm vóc nhỏ, trông hơi già, người kia lực lưỡng, đầu hói, đen như hắc ín, tuổi chừng bốn mươi lăm. Bộ thường phục khá nực cười trên người họ và khi trả lời, họ bất giác đưa tay lên một cái lưỡi trai vô hình. Trong lúc tôi giã từ bạn bè và gia đình, hai ông cảnh sát quá lịch sự đứng nấp sau cánh cửa. Lúc ra đi, người nhiều tuổi hơn còn ngả mũ nhiều lần:
- Excusez, Madame!
Một tên mật thám đợi dưới cửa, y đã theo dõi tôi không mệt mỏi và điên cuồng trong hai tháng cuối. Thân thiện như không có gì xảy ra, hắn sửa lại tấm chăn len và đóng cửa xe sau khi tôi lên. Y giống như người thợ săn chuyên chở con thú đến cho người đặt hàng. Chúng tôi khởi hành.
Chuyến tàu tốc hành, toa hạng ba. Tôi vỡ ra rằng viên thanh tra cao tuổi hơn lại là một chuyên gia về địa lý: Tôm-xcơ [Tomsk], Ca-dan [Kazan], hội chợ Nhi-giơ-nhi-Nô-vơ-gô-rốt... - Ông biết hết. Ông ta biết tiếng Tây Ban Nha, quen thuộc đất nước chúng tôi đến. Người kia - anh chàng cao lớn ngăm đen - im lặng hồi lâu và cau có ngồi co quắp cạnh chúng tôi. Nhưng rồi anh cũng lên tiếng:
- Chủng tộc La Tinh dậm chân tại chỗ, nó đã bị các nòi giống khác vượt qua hết rồi. - Đột nhiên anh tuyên bố, trong khi cắt một lát thịt mỡ với bàn tay lông lá đeo những chiếc nhẫn lớn. - Bởi vì thưa ngài, có cái gì trong văn học? Đâu đâu cũng thấy suy đồi. Trong triết học cũng thế. Từ thời Đề-các-tơ [Descartes] và Pát-xcan [Pascal] đến nay, mọi sự đều ngừng trệ... Cái chủng tộc La Tinh dậm chân tại chỗ rồi.
Tôi
sửng sốt đợi nghe tiếp nhưng anh ta im lặng và nhai mẩu bánh mỳ kẹp thịt mỡ.
- Ít lâu trước đây các ông đã có Tôn-xtôi nhưng với chúng tôi, Íp-xen gần gũi
hơn là Tôn-xtôi. - Rồi anh ta lại yên lặng.
Ông già, phật ý vì cái dòng tri thức ấy, liền bắt đầu giảng giải tầm quan trọng
của tuyến đường sắt Xi-bê-ri. Sau đó, nhằm bổ sung v à giảm nhẹ những ý
kiến bi quan của bạn đồng nghiệp, ông ta nói thêm:
- Vâng, chúng tôi thiếu đầu óc sáng kiến. Ai nấy đều muốn thành viên chức. Điều
này thật đáng buồn nhưng không thể phủ nhận được.
Tôi nhẫn nhục nghe cả hai người, không phải không có chút tò mò.
- Theo dõi ư? - Bây giờ không làm nổi điều đó! Theo dõi chỉ thực sự
nếu nó vô hình, đúng không?
Phải nói thẳng ra: tàu điện ngầm giết chết sự theo dõi. Cần phải quy định cho
những kẻ bị theo dõi: đừng lên tàu điện ngầm! Có thế mới theo dõi được...
Và anh chàng da ngăm đen bật cười, sa sầm mặt. Ông già bồi thêm, gắng xoa
dịu:
- Nhiều khi chúng tôi theo dõi ai đó mà cũng chẳng biết tại sao lại phải theo
dõi...
- Cảnh sát chúng tôi là lũ người hoài nghi. - Anh chàng ngăm đen lại tuyên
bố, chẳng cần đầu đuôi gì. - Các ông có những ý tưởng của các ông. Nhưng
chúng tôi phải canh giữ những gì đang tồn tại. Cứ thử xem Đại Cách mạng
của chúng tôi. Là một trào lưu tư tưởng vĩ đại biết nhường nào! Vậy mà mười
bốn năm sau cuộc cách mạng ấy, nhân dân còn bất hạnh hơn bao giờ hết. Ông
đọc Ten-nơ [Taine] mà xem... Cảnh sát chúng tôi là những kẻ bảo thủ do
chức vụ. Chủ nghĩa hoài nghi là triết học duy nhất hợp với nghề nghiệp
chúng tôi. Xét đến cùng, chẳng ai chọn được đường đời cho mình. Làm gì có tự do
ý chí. Tất cả đều là tiền định trong tiến trình của sự vật...
Rồi anh ta ung dung nhấc chai rượu vang đỏ lên miệng. Sau đó, đóng nút chai,
anh tiếp lời:
- Ông Rơ-năng [Renan] bảo các tư tưởng mới mẻ bao giờ cũng đến quá sớm.
Quả
thực là như vậy. Giữa chừng, anh chàng da ngăm đen nhìn bàn tay tôi với vẻ nghi
ngờ vì tôi tình cờ đặt lên nắm xoay cánh cửa. Để y yên tâm, tôi lại thọc
tay vào túi.
Trong thời gian đó, ông già lại tấn công: ông nói về người Bát-xcơ [Basques],
về ngôn ngữ, phụ nữ,
đầu tóc của họ và nhiều thứ tương tự khác. Chúng tôi đến ga Henđay
[Hendaye].
- Nhà văn lãng mạn lớn của chúng tôi là Đê-ru-lét [Déroulède] đã sống ở đây.
Ông ấy chỉ cần được thấy những rặng núi nước Pháp. Một Đôn Ki-hô-tê [Don
Quijote] trong xó xỉnh Tây Ban Nha của ông. - Anh chàng
ngăm đen mỉm cười khoan dung nhưng kiên quyết. - Xin ông theo chúng tôi đến
phòng cảnh sát nhà ga.
Ở I-run, một cảnh sát Pháp hỏi tôi điều gì đó nhưng người áp giải ra hiệu với
anh ta và vội vã dẫn tôi đi qua các hành lang rối rắm của nhà
ga.
- C’est fait avec discrétion? N’est-ce pas? - Anh ngăm đen
hỏi. - Từ đây ông có thể đáp tàu điện đi Xanh Xê-bát-xchiêng [Saint
Sébastien]. Ông phải làm ra vẻ đi du lịch để tránh gây nghi ngờ cho cảch sát
Tây Ban Nha, họ cũng rất đa nghi. Và từ đây chúng ta không còn quen biết
nhau nữa, đúng không? Chúng tôi lạnh lẽo chia tay nhau.
Từ Xanh Xê-bát-xchiêng, nơi tôi có dịp ngắm biển và kinh hoàng vì giá cả đắt
đỏ, tôi đi Ma-đrít: tôi rơi vào một thành phố mà ở đó, tôi hoàn toàn không
quen biết ai và cũng chẳng ai biết tôi. Hơn nữa tôi không biết tiếng Tây
Ban Nha, ngay giữa sa mạc Xa-ha-ra hoặc pháo đài Pi-ốt - Pa-ven tôi cũng không
thể cô đơn hơn. Không còn cách lựa chọn nào khác, đành phải nhờ đến ngôn
ngữ của nghệ thuật. Hai năm nay, chiến tranh đã khiến tôi quên rằng nghệ
thuật vẫn tồn tại trên thế gian này. Với vẻ tham lam của kẻ lữ hành đói
khát, tôi ngấu nghiến những vật báu vô giá của bảo tàng Ma-đrít và như xưa, tôi
cảm thấy có cái gì “vĩnh cửu” trong nghệ thuật ấy. Những bức họa thiên tài
của Vê-la-quê-dơ [Vélasquez], Ri-bê-ra [Ribera] hay Bốt-sơ [Bosch] tràn trề
niềm vui cuộc đời ngây thơ. Người trông coi phòng tranh, một bác già cho tôi
mượn chiếc kính lúp để quan sát hình dáng những nông dân, những chú lừa và chó
nhỏ li ti trong tranh của Mi-en [Miel]. Không thể nào cảm thấy chiến tranh ở
đây. Tất cả đều vững vàng và nguyên xi tại chỗ. Những sắc màu sống cuộc đời
không chịu ai kiểm soát của chúng. Trong những cuộc dạo chơi bảo tàng, tôi ghi
lại như sau vào sổ tay:
Giữa chúng ta và những người xưa ấy - tôi không muốn coi thường hoặc hạ thấp họ - một nghệ thuật mới được dựng lên ngay từ trước chiến tranh, sâu kín hơn, cá nhân hơn, nhiều sắc thái, chủ quan hơn và căng thẳng hơn. Cuộc chiến chắc hẳn sẽ cuốn đi trong một thời gian dài những tâm trạng ấy và cung cách ấy, cùng với những say mê và đau khổ của quần chúng - nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là trở về những hình thức xưa, dù đẹp đến mấy: đến cái hoàn thiện của môn giải phẫu học và thực vật học, đến những cắp đùi kiểu Ru-ben-xơ (mặc dù sau cuộc chiến, những cặp đùi hẳn đóng một vai trò lớn trong nền nghệ thuật mới thèm khát cuộc sống). Khó đoán được, nhưng từ những cảm xúc vô song xuất phát từ trong lòng nhân loại văn minh, một nền nghệ thuật mới phải được ra đời.
Co
ro trong khách sạn, tôi đọc báo chí Tây Ban Nha với cuốn tự điển trong tay và
chờ hồi âm các thư gửi đi Thụy Sĩ và Ý. Tôi vẫn còn hi vọng đến được các xứ ấy.
Ngày thứ tư, tôi nhận được một lá thư từ Pa-ri trong đó có địa chỉ một người xã
hội Pháp tên là Ga-bi-ê [Gabier]. Ông đứng đầu một hãng bảo hiểm ở đây. Mặc dầu
có địa vị xã hội vững chắc, Ga-bi-ê kiên quyết phản đối đường lối vệ quốc của
đảng ông. Cũng từ ông, tôi được biết đảng Tây Ban Nha hoàn toàn chịu ảnh hưởng
chủ nghĩa xã hội quốc gia của Pháp. Chỉ ở Bác-xê-lô-na [Barcelone] nơi có những
người hoạt động công đoàn - mới có phe đối lập đáng kể. Chủ tịch đảng Xã hội, An-ghi-la-nô
[Anguillano] - người tôi muốn đến thăm - đang bị tù mười lăm ngày vì anh tuyên
bố thiếu lễ độ về một vị thánh công giáo nào đó. Vào thời xưa, hẳn An-ghi-la-nô
đã bị thiêu sống trên giàn lửa rồi.
Tôi vẫn đợi hồi âm từ Thụy Sĩ, tôi học vẹt những từ Tây Ban Nha, tôi trò chuyện
với Ga-bi-ê và thăm các bảo tàng. Ngày mùng chín tháng mười
một, trong một nhà trọ nhỏ mà Ga-bi-ê sắp đặt cho tôi, cô hầu phòng gọi tôi ra
hành lang với điệu bộ hoảng hốt. Ở đó có hai anh chàng vẻ bề ngoài khó nhầm
lẫn, không được nhã nhặn lắm, chúng mời tôi đi theo. Đến đâu ư? Cố nhiên là ra
sở cảnh sát Ma-đrít. Tại đó, tôi bị bắt ngồi trong một góc.
- Điều này có nghĩa là tôi bị bắt? - Tôi hỏi.
- Vâng, par una hora, dos horas.
Tôi ngồi liền tại chỗ trong tư thế ấy suốt bảy giờ đồng hồ. Chín giờ tối, người
ta đưa tôi lên tầng trên. Tôi đứng trước một đỉnh Ô-lim-pơ khá đông đảo.
- Tóm lại, tại sao các vị bắt tôi?
Câu hỏi đơn giản ấy hoàn toàn khiến cử tọa sững sờ. Lần lượt họ đưa ra các giả
thuyết khác nhau. Một vị viện dẫn những khó khăn nhất định do chính phủ Nga gây
ra trong việc cấp hộ chiếu cho người nước ngoài vào Nga.
- Nếu ông biết chúng tôi đã tốn bao nhiêu tiền của để truy nã những kẻ vô chính
phủ ở nước tôi. - Một vị khác nói như muốn gây thiện cảm với tôi.
- Nhưng xin quý vị thứ lỗi, tôi không thể đồng thời chịu trách nhiệm về cảnh
sát Nga và những người vô chính phủ Tây Ban Nha.
- Dĩ nhiên rồi, cố nhiên, chúng tôi chỉ nêu nó như một ví dụ thôi...
- Ông có tư tưởng gì? - Cuối cùng, vị thủ trưởng hỏi tôi sau hồi lâu suy
nghĩ.
Tôi trình bày các tư tưởng của tôi dưới dạng dễ hiểu.
- Nào, ông thấy đấy! - Người ta đáp.
Cuối cùng, qua người thông ngôn vị thủ trưởng tuyên bố: họ đề nghị tôi rời Tây
Ban Nha trong thời hạn ngắn nhất và cho đến khi ấy, tự do của tôi sẽ bị “hạn
chế đôi chút”.
- Tư tưởng của ông trop avancées đối với Tây Ban Nha. - Ông ta thành
thật thổ lộ qua người thông ngôn.
Nửa đêm, một nhân viên dẫn tôi đến nhà tù bằng xe ngựa. Đồ dùng cá nhân của tôi
trải qua sự lục soát không tránh khỏi ở trung tâm nhà tù hình sao năm cánh, gồm
năm tòa nhà ba tầng lớn. Những cầu thang đều bằng thép. Bầu không khí im lặng
đặc biệt buổi đêm của nhà tù đầy uế khí và ác mộng. Những bóng điện yếu ớt
ngoài hành lang. Mọi thứ đều quen thuộc với tôi, ở đâu cũng vậy. Tiếng ồn khi
cánh cửa bọc sắt hé mở. Một phòng lớn tranh tối tranh sáng, mùi nhà tù hôi
thối, kinh tởm, một chiếc giường khốn khổ. Tiếng ồn của cánh cửa bị sập lại. Đã
bao lần như thế rồi nhỉ, trong đời?
Tôi mở cửa thông hơi sau tấm lưới sắt. Một làn không khí mát rượi ùa vào. Để
nguyên bộ quần áo cài khuy đến tận cổ, tôi nằm dài trên giường và đắp bằng
chiếc áo choàng. Chỉ lúc đó tôi mới hiểu sự ngu xuẩn của những gì đã diễn ra.
Tôi ở Ma-đrít - và trong tù. Chẳng bao giờ tôi nghĩ đến điều này. I-dơ-vôn-xki
[Isvolsky] đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Bị giam ở Ma-đrít! Nằm dài
trên giường của “nhà tù kiểu mẫu” Ma-đrít, tôi phá lên cười từ tâm can. Cứ thế,
tôi cười cho đến khi ngủ thiếp đi.
Giờ đi dạo, tù thường phạm cho tôi biết trong cái nhà tù này có những phòng
phải trả tiền và những phòng khác không mất tiền. Phòng hạng nhất giá một
phẩy năm
pê-xê-ta [peseta] một ngày, phòng hạng nhì bảy
mươi lăm
xen-ti-mô [centimo]. Mọi người bị giam đều có quyền chuyển sang
phòng trả tiền, nhưng họ không được từ chối loại phòng không mất tiền. Phòng
tôi thuộc loại hạng nhất và phải trả tiền. Tôi lại cười rũ, rất thật lòng. Xét
cho cùng thì mọi thứ đều hợp lý. Làm sao có được bình đẳng trong nhà tù ở một
xã hội hoàn toàn xây dựng trên bất bình đẳng? Ngoài ra, tôi cũng được biết
những người ở phòng phải trả tiền được đi dạo một ngày hai lần, mỗi lần một
giờ, còn những kẻ khác chỉ được tổng cộng nửa giờ. Điều này cũng lại hợp lý. Lá
phổi của tên tham ô trả một phẩy năm phờ-răng
một ngày có quyền được hưởng nhiều không khí hơn của anh thợ bãi công, thở
không mất tiền.
Ngày thứ ba, tôi bị gọi đi đo người và người ta bảo tôi nhúng các ngón tay vào
mực in để lăn dấu lên phiếu lưu trữ. Tôi từ chối. Khi ấy người ta dùng “bạo lực”
nhưng với phép lịch sự tinh tế. Tôi nhìn về phía cửa sổ trong khi người quản tù
lễ phép bôi bẩn bàn tay tôi, ngón này tiếp ngón khác và ấn nó hàng chục lần lên
các loại phiếu và giấy tờ khác nhau - ban đầu tay phải rồi đến tay trái. Tiếp
đó, họ cho tôi ngồi và bảo tôi cởi giày. Tôi lại cự tuyệt và sự việc trở nên
khó khăn hơn. Các nhân viên quản trị lúng túng quay tròn quanh tôi. Cuối cùng,
đột ngột họ đưa tôi đi vì có người đến thăm: Ga-bi-ê và An-ghi-la-nô, anh mới
được thả ngày hôm qua từ một nhà tù khác. Hai người cho tôi hay là họ đã làm đủ
mọi việc để tôi được phóng thích. Ngoài hành lang tôi gặp cha tuyên úy. Cha bày
tỏ mối cảm tình Thiên Chúa giáo với tư tưởng hòa bình của tôi và nói thêm để an
ủi:
- Paciencia, paciencia!
Quả thực tôi cũng chả còn cách nào khác.
Sáng ngày mười hai, một nhân viên thông báo tôi phải đi Ca-đích ngay
tối hôm đó và hỏi tôi có muốn trả tiền vé không. Nhưng hoàn toàn không có ý đi Ca-đích,
thành thử tôi từ chối thẳng thừng việc trả tiền đi đường. Trả tiền phòng trong
nhà tù kiểu mẫu là đủ với tôi lắm rồi.
Thế là chiều hôm ấy tôi đi từ Ma-đrít đến Ca-đích. Vua Tây Ban Nha chịu mọi phí
tổn đi lại. Nhưng tại sao Ca-đích? Tôi xem lại bản đồ một lần nữa. Ca-đích ở
tận cùng bán đảo châu Âu về phía Tây Nam: từ Bê-rê-dốp tôi qua U-ran đến Pê-téc-bua
trên cỗ xe tuần lộc, từ đó đi đường vòng đến Áo, từ Áo ngang Thụy Sĩ qua Pháp,
từ Pháp sang Tây Ban Nha và cuối cùng, qua toàn bộ bán đảo I-bê-rích đến Ca-đích.
Hướng đi chung là từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Ở đây là tận cùng của lục địa, bắt
đầu đại dương. Paciencia!
Các nhân viên dẫn độ tôi hoàn toàn không giữ bí mật về lộ trình: ngược lại, họ
kể rất chi tiết về chuyện của tôi với bất kỳ ai muốn nghe, thêm nữa, theo khía
cạnh tốt nhất: tôi không làm bạc giả, chỉ là một caballero nhưng
có những tư tưởng không hợp lắm. Mọi người an ủi rằng khí hậu ở Ca-đích rất
tốt.
Tôi gạn hỏi những người áp tải:
- Làm sao các ông phát hiện ra tôi?
- Rất đơn giản: qua một bức điện từ Pa-ri...
Tôi cũng từng nghĩ như vậy. Văn phòng ở Ma-đrít nhận được một bức điện từ sở
cảnh sát Pa-ri: “Một tên vô chính phủ nguy hiểm tên là... vượt biên ở Xanh Xê-bát-xchiêng.
Y muốn lưu trú tại Ma-đrít.”. Thành thử người ta đã chờ đợi, đã lùng tìm và lo
lắng khi không thấy tôi suốt tuần lễ đầu. Cảnh sát Pháp rất “tế nhị” đưa tôi
qua biên giới, một trong hai viên cảnh binh - kẻ sùng bái Môn-te-nhơ
[Montaigne] và Rơ-năng - còn hỏi tôi “C’est fait avec discrétion? N’est-ce
pas?”, nhưng cùng lúc đó, cũng chính sở cảnh sát ấy lại
điện đến Ma-rít rằng một tên “vô chính phủ” nguy hiểm đã qua các
cửa I-run và Xanh Xê-bát-xchiêng.
Trong tất cả chuyện này, người đảm nhiệm vai trò chính là Bi-đê “Phô-pa” [Bidet “Fauxpas”],
chỉ huy cái gọi là “cảnh sát hành chính”. Y là linh hồn của việc theo dõi và
trục xuất tôi. Bi-dê nổi lên trong đám đồng nghiệp về sự lỗ mãng và quỷ quyệt
lạ thường. Y đã thử đàm đạo với tôi bằng một giọng mà các sĩ quan cảnh binh Nga
hoàng cũng không dám dùng. Đến cuối mọi cuộc nói chuyện, bao giờ tôi cũng sôi
máu và to tiếng. Ra khỏi phòng, tôi còn cảm thấy trên lưng cái nhìn căm ghét
của hắn.
Khi Ga-bi-ê đến thăm, tôi nói với ông chắc chắn Bi-đê “Phô-pa” là kẻ chuẩn bị
vụ bắt bớ tôi. Nhờ tôi, cái tục danh ấy được lan truyền trong báo chí Tây Ban
Nha.