Đời tôi (Tập 1) - Chương 21 - Phần 2

Không đầy hai năm sau, nhờ số phận đặc biệt run rủi, tôi được mãn nguyện hết sức bất ngờ với ngài Bi-dê.
Mùa hè năm 1918, một lần tôi được gọi lên Bộ Dân ủy Quốc phòng và người ta cho tôi biết Bi-dê Bi-dê sấm sét - đang bị giam trong một nhà tù Xô-viết. Tôi không tin ở tai mình. Thì ra chính phủ Pháp gửi Bi-dê trong một phái bộ quân sự với mục đích làm do thám và tổ chức bạo loạn tại nước Nga Xô-viết. Và y đã vụng về để bị tóm. Không thể chờ một sự trả đũa lớn hơn từ nữ thần Nê-mê-di-đa [Némésis], nhất là nếu ta nói thêm rằng sau đó ít lâu, ngài bộ trưởng Nội vụ Man-vi - người đã ký quyết định trục xuất tôi khỏi Pháp - cũng bị nội các Clê-măng-xô tống khỏi nước này vì tội “âm mưu hòa bình chủ nghĩa”. Sự trùng lặp của các sự kiện? Cứ như nó được chuẩn bị cho một kịch bản phim!
Khi Bi-dê bị dẫn đến Bộ Dân ủy Quốc phòng, tôi không nhận ra y ta ngay. Tên sấm sét ấy chỉ còn là một kẻ phàm phu tục tử tầm thường và ỉu xìu. Tôi sửng sốt nhìn hắn.
- Mais oui, monsieur. - Y cúi đầu nói với tôi. - C’est moi.
Quả thật, đúng là Bi-dê.
- Nhưng sao lại thế này? Việc xảy ra thế nào?
Tôi thành thực ngạc nhiên. Bi-dê dang cánh tay như một nhà triết học và nói với lòng tin của một cảnh binh tĩnh tại:
- C’est la marche des événements.
Đúng thế! Một cách diễn đạt tuyệt vời. Trong ký ức tôi hiện ra anh chàng ngăm đen có tư tưởng định mệnh đã áp giải tôi đến Xanh Xê-bát-xchiêng: “Làm gì có tự do ý chí. Tất cả đều là tiền định trong tiến trình của sự vật...”.
- Nhưng này ông Bi-dê, ông không lịch sự gì mấy với tôi hồi ở Pa-ri!
- Dù buồn bã đến mấy tôi cũng phải thừa nhận điều này, thưa ngài dân ủy. Tôi hay nghĩ đến nó khi nằm trong nhà giam.
Và y nói thêm, vẻ ý tứ:
- Đôi khi con người cũng cần phải biết nhà tù nó thế nào, nhìn từ bên trong. Nhưng dù sao tôi vẫn hi vọng cách rằng sử sự của tôi ở Pa-ri sẽ không đem lại cho tôi những hậu quả tai hại.
Tôi trấn an hắn về điều này.
- Trở về Pa-ri, tôi sẽ không bao giờ làm lại nghề này nữa. - Y đảm bảo với tôi.
- Thật vậy ư, ông Bi-dê? On revient toujours à ses premièrs amours.
Tôi hay kể lại màn kịch này cho bạn bè đến nỗi tôi nhớ đoạn đối thoại như nó mới vừa xảy ra hôm qua. Sau này, Bi-dê được phóng thích nhân một cuộc trao đổi tù binh và tôi không biết gì thêm về số phận của y.
Nhưng từ Bộ Dân ủy Quốc phòng, chúng ta cần quay lại Ca-đích một thời gian.
Sau khi đã thảo luận với thống đốc thành phố, viên cảnh sát trưởng Ca-đích cho tôi biết tám giờ sáng ngày hôm sau tôi sẽ bị đưa đi La Ha-van [La Havane]. Dịp may tình cờ, có một chiếc tàu khởi hành đến đó.
- Đi đâu cơ?
- La Ha-van.
- La Ha-van?
- Phải, La Ha-van!
- Tôi không muốn tới đó!
- Nếu vậy, chúng tôi buộc lòng phải giữ ông dưới khoang tàu.
Ông thư ký phòng lãnh sự Đức, bạn của viên cảnh sát trưởng - ông ta tham dự câu chuyện với tư cách thông ngôn - khuyên tôi sich mit den Realitaten abzufinden.
Paciencia, paciencia! Thế này thì thật là quá quắt. Tôi lại tuyên bố rằng mọi việc không thể diễn ra như vậy. Cùng một đám mật thám, tôi chạy đến bưu điện qua các phố xá của thành phố tuyệt vời mà khi ấy tôi chẳng nhận ra mấy, tôi gửi những bức điện “urgente” (khẩn) cho Ga-bi-ê, An-ghi-la-nô, cho ông giám đốc Sở mật thám, cho ông bộ trưởng Nội vụ, cho ông thủ tướng Rô-ma-nô-nét [Romanones], cho báo chí tự do, cho các nghị sĩ cộng hòa, tôi huy động mọi lý lẽ có thể đưa vào khuôn khổ một bức điện. Rồi tôi gửi thư từ đi khắp mọi nơi có thể.
Tôi viết cho nghị sĩ Ý Sê-ra-ti [Serrati]:
Bạn thân mến, bạn thử tưởng tượng hiện nay bạn đang ở Tờ-véc, trong vòng kiểm soát của cảnh sát Nga và người ta muốn trục xuất bạn đi Tô-ki-ô [Tokio], nơi bạn không hề muốn đến... Trước ngày bị tống đi La Ha-van, tình trạng của tôi ở Ca-đích cũng gần như thế.

Rồi cùng với lũ mật thám, tôi lại chạy thật nhanh tới chỗ ông cảnh sát trưởng. Nhân nhượng trước những ép buộc của tôi, ông điện cho Ma-đrít - phí tổn do tôi chịu - rằng tôi thà ở tù tại Ca-đích để chờ một chuyến tàu đi Niu Oóc còn hơn là đi La Ha-van. Tôi không muốn đầu hàng. Thật là một ngày nóng bỏng!

Trong lúc đó, nghị sĩ cộng hòa Cát-xtrô-vi-đô [Castrovido] chất vấn chính phủ trong viện Cô-rơ-tét [Cortes] về việc tôi bị bắt và bị trục xuất. Một cuộc tranh luận nổ ra trên báo chí. Những tờ báo cánh tả công kích cảnh sát, nhưng với tư cách thân Pháp, họ lên án chủ nghĩa hòa bình của tôi. Những tờ cánh hữu thiện cảm với tính “thân Đức” (bởi không phải ngẫu nhiên mà tôi bị trục xuất khỏi Pháp!) nhưng lại ngại tư tưởng “vô chính phủ” của tôi. Trong cái khối hỗn tạp ấy, không ai hiểu được gì. Tuy nhiên, tôi được phép chờ ở Ca-đích chuyến tàu gần nhất đi Niu Oóc. Đó là một thắng lợi đáng kể!

Trong vài tuần tiếp đó, tôi chịu sự quản thúc của cảnh sát Ca-đích. Nhưng đây là thứ kiểm soát hòa bình và thân thiện, không như ở Pa-ri. Ở đó trong hai tháng cuối, tôi phải tiêu hao không biết bao nhiêu năng lượng để lánh lũ mật thám. Tôi lẩn tránh trong tắc-xi, tôi lẻn vào phòng chiếu bóng tối om, nhảy vào tàu điện ngầm trong giây phút chót hoặc bất ngờ tụt xuống toa xe ngay trước khi cửa toa đóng lại... Những tên mật thám cũng nhanh mắt, chúng nghĩ ra đủ mọi thứ mưu mẹo trong quá trình săn đuổi tôi: chúng chiếm đoạt xe cộ, đứng canh ngoài cửa rạp phim, đột nhập lên các toa tàu điện và tàu điện ngầm như những trái bom, khiến hành khách và người kiểm tra vé bất bình đến cao độ. Xét cho cùng, tất cả những thứ đó cũng chỉ là l’art pour l’art. Hoạt động chính trị của tôi hoàn toàn diễn ra trước mắt cảnh sát. Nhưng lũ chó săn hổn hển theo dấu chân tôi làm tôi khó chịu và khiến tinh thần thể thao sống dậy trong tôi.

Còn ở Ca-đích thì lại khác: tay mật thám tuyên bố bây giờ anh ta đi nhưng rồi sẽ trở lại vào một giờ nào đó và tôi phải kiên nhẫn ngồi chờ tại khách sạn. Mặt khác, anh ta cương quyết bảo vệ quyền lợi của tôi, giúp đỡ tôi khi mua bán và nhắc tôi từng cái ổ gà trên vỉa hè. Khi một bác bán hàng rong bán một tá tôm hùm luộc cho tôi với giá hai rê-an [real], tay mật thám giận dữ văng tục, vung vẩy tay hăm dọa và đến lúc người bán hàng đã ra khỏi quán cà phê, anh ta còn chạy theo và làm ầm lên trước cửa hiệu khiến mọi người bâu lại.

Cố không để mất thời gian, tôi nghiên cứu lịch sử Tây Ban Nha trong thư viện thành phố, tôi học thuộc làu cách chia động từ tiếng Tây Ban Nha và gia tăng vốn từ Anh ngữ nhằm chuẩn bị sang châu Mỹ. Ngày lại ngày trôi qua lúc nào không biết. Tối tối, tôi thường buồn rầu nhận thấy sắp tới ngày đi mà tôi vẫn chưa tiến bộ được bao nhiêu.

Tôi thường chỉ có một m ình ở thư viện, không kể những con mọt đã gặm nhấm nhiều pho sách văn học từ thế kỷ XVIII. Đôi khi, phải gắng sức mới đoán nổi tên một tác gia hoặc một dữ kiện ngày tháng.
Tôi tìm thấy trong sổ tay hồi đó của tôi ghi chú nhỏ sau đây:
Một sử gia của cách mạng Tây Ban Nha nói về những kẻ đầu cơ chính trị: năm phút trước thắng lợi của phong trào quần chúng, họ còn lên án nó là tội lỗi và rồ dại, nhưng sau đó họ lại tìm cách ngoi lên hàng đầu. Cũng sử gia ấy tiếp tục viết: những đức ông tài ba này xuất đầu lộ diện trong tất cả các cuộc cách mạng sắp tới và chúng là kẻ to mồm nhất. Người Tây Ban Nha gọi loại người mánh lới như chúng là panzistas, xuất phát từ chữ panse (bụng). Mọi người đều biết tên anh bạn cũ thân thiết của chúng ta - Xan-chô Pan-xa [Sancho Pansa] - cũng xuất phát từ đây. Cách gọi ấy thật khó dịch, nhưng khó khăn ở đây chỉ trên quan điểm ngôn ngữ học và không mang đặc tính chính trị. Đó là một điển hình quốc tế thực sự.

Sau năm 1917, tôi còn nhiều dịp để tin ở điều đó.
Cần chú ý là báo chí Ca-đích hoàn toàn không nói gì đến chiến tranh, cứ như thể nó không tồn tại. Khi trò chuyện, tôi lưu ý những người Tây Ban Nha rằng trong tờ El Diario de Cadiz, tờ báo địa phương được truyền bá rộng rãi nhất, không hề có những mẩu tin chiến sự. Người ta ngạc nhiên trả lời tôi:
- Không có lẽ? Vô lý! À, mà đúng thật!
Như vậy, chính họ cũng không nhận ra điều này. Nhưng rốt cục cuộc chiến xảy ra đâu đó ở phía bắc rặng Pi-rê-nê [Pyrénées]. Bản thân tôi cũng bắt đầu mất thói quen nghĩ đến chiến tranh.
Con tàu thủy đi Niu Oóc xuất phát từ Bác-xê-lô-na. Tôi xin phép đến thành phố này để gặp gia đình.
Ở Bác-xê-lô-na tôi lại có những khó khăn mới với cảnh sát, tôi lại phản kháng và đánh những bức điện. Lũ mật thám lại xuất hiện. Gia đình tôi đến Bác-xê-lô-na. Trong thời gian vừa rồi, mọi người cũng trải qua nhiều lo âu, khắc khoải ở Pa-ri. Nhưng nay mọi sự đã ổn thỏa. Chúng tôi đi thăm thành phố cùng với lũ mật thám. Các con trai tôi thích biển và hoa quả ngoài phố. Chúng tôi đã yên lòng với việc đi Mỹ. Mọi cố gắng, nài nỉ của tôi để được qua Ý đến Thụy Sĩ đều không đạt kết quả nào. Thật ra - nhờ sự chạy vạy của các nhà xã hội Ý và Thụy Sĩ - cuối cùng tôi cũng được cấp giấy phép nhưng khi ấy gia đình tôi đã ở trên con tàu hơi nước Tây Ban Nha rời cảng Bác-xê-lô-na ngày hai mươi lăm tháng chạp. Cố nhiên, sự chậm chễ nọ không hề vô tình. Trên phương diện này, I-dơ-vôn-xki đã khéo xếp đặt mọi sự.
Cánh cửa châu Âu khép lại với tôi ở Bác-xê-lô-na. Cảnh sát đưa tôi và gia đình lên chiếc tàu mang tên Môn-xê-rát [Monserrat] của một hãng “viễn dương” Tây Ban Nha. Con tàu này sẽ cập bến Niu Oóc sau mười bảy ngày. Mười bảy ngày hẳn là một thời hạn rất hấp dẫn vào thời Cô-lôm-bô, pho tượng ông vươn cao trên hải cảng Bác-xê-lô-na.
Biển cực kỳ dữ dội trong thời điểm tồi tệ nhất của năm. Con tàu làm mọi cách để nhắc chúng tôi: cuộc đời chẳng đáng bao nhiêu. Chiếc Môn-xê-rát là một đống sắt gỉ, không mấy thích hợp trong việc giao thông trên đại dương. Nhưng trong thời chiến, lá cờ trung lập Tây Ban Nha làm giảm đi nhiều nguy cơ bị đánh chìm. Vì thế, hãng tàu thủy này đòi giá cao, cho hành khách ở tồi tàn và nuôi họ còn tệ hơn.
Dân số trên tàu có thành phần rất hỗn tạp và nói chung không mấy hấp dẫn. Trên boong tầu, tôi thấy nhiều kẻ đào tẩu - đa số thuộc loại có máu mặt - từ nhiều nước khác nhau. Một họa sĩ mang những bức tranh, tài năng, gia đình và tài sản của mình rời xa tuyến lửa, với sự bảo trợ của người cha già. Một võ sĩ quyền Anh - đồng thời là nhà văn, anh em họ với Ót-xca Oai-đơ [Oscar Wilde] - tuyên bố thẳng thừng: anh thích đánh quai vỡ hàm các ngài yankees trong một môn thể thao cao quý hơn là giơ sườn ra trước lưỡi lê của người Đức. Nhà vô địch bi-a - một gentleman không chê vào đâu được - bất bình vì lệnh động viên tràn cả đến lứa tuổi ông. Và tất cả những điều này để làm gì? Cho sự giết chóc vô nghĩa ư? Không! Và ông nhấn mạnh cảm tình của mình với những tư tưởng Dim-méc-van. Những hành khách khác cũng tương tự như thế: lính đào ngũ, những tay phiêu lưu, đầu cơ hoặc những phần tử “bất hảo” bị tống khỏi châu Âu - có ai là người muốn vượt Đại Tây Dương vào mùa này trên một con rùa Tây Ban Nha ọp ẹp?
Còn khó hơn nếu ta muốn tìm hiểu tường tận đặc điểm của hành khách hạng ba. Họ chồng chất lên nhau, ít cử động, ít trò chuyện vì ít ăn, họ lãnh đạm bơi từ một sự khốn cùng độc địa và quá quen thuộc - đến một sự khốn cùng khác, hiện còn chưa được biết đến. Châu Mỹ phục vụ cho châu Âu đang tham chiến và cần thêm nhân công mới, miễn là họ không đem lại cho nó bệnh đau mắt hột, tư tưởng vô chính phủ và các thứ bệnh khác.
Con tàu đem lại cho các con tôi một trường quan sát vô tận. Mỗi bận, chúng lại phát hiện được một cái gì đó.
- Cha biết không, chú thợ đốt lò là người rất tốt. Một Republicain. - Bọn trẻ thường xuyên di chuyển từ nước này qua nước khác, thành thử chúng có một kiểu nói “quy ước” nào đó.
- Một người cộng hòa? Thế các con hiểu như thế nào về điều này.
- Chú giảng mọi thứ rất rõ cho bọn con: chú nói Alphonsorồi chú pằng pằng!
Thế thì quả thực đó là một người cộng hòa, tôi công nhận quan sát của các con tôi. Bọn trẻ đem đến cho anh đốt lò thứ nho khô Ma-ga-la và nhiều đồ ăn ngon khác. Chúng còn giới thiệu chúng tôi với nhau. Anh đốt lò cộng hòa chỉ chạc hai mươi tuổi và đã có những tư tưởng rất rõ ràng về vấn đề quân chủ.
Mùng một tháng giêng năm 1917. Trên tàu mọi người chúc nhau một năm mới tốt lành. Tôi đã đón hai năm chinh chiến ở đất Pháp, năm thứ ba trên đại dương. Thử hỏi năm 1917 sẽ đem đến những gì?
Ngày mười ba tháng giêng. Chủ nhật. Chúng tôi đến gần Niu Oóc. Mọi người tỉnh giấc lúc ba giờ. Ai nấy đứng lặng trên boong tàu. Trời tối. Lạnh. Gió. Mưa. Trên bờ, lố nhố những tòa nhà ẩm ướt.
Tân thế giới!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3