Nam Hải dị nhân - Chương 8 (Hết)

CHƯƠNG THỨ VIII: CÁC NGƯỜI CÓ DANH TIẾNG

NGÔ SOẠN

Ngô Soạn tự là Tử Văn, người huyện An Dũng, phủ Lạng Thương, có khí thái cương trực ghét kẻ gian phi, người ta thường khen là người có thẳng tính.

Cạnh làng ấy có một cái đền, xưa nay linh ứng lắm. Tự khi cuối nhà Hồ, quân Tàu sang xâm chiếm, ở xứ ấy làm nơi chiến trường. Có tên bộ tướng của Mộc Thạnh là Thôi Bách Hộ chết trận ở đấy thành ra yêu quái, dân gian lắm người khuynh gia bại sản để cầu cúng mà không yên.

Ngô Tử Văn thấy vậy tức lắm, tắm gội khấn trời mà đốt cái đền ấy. Tử Văn đốt xong trở về, nghe trong mình hơi khác, rồi thì rùng mình nhức đầu, nổi cơn sốt rét mà người thì mê mẫn bàng hoàng. Trông thấy một người to lớn lực lưỡng, đội mũ mặc áo, ra dáng người Tàu, tự xưng là Cư sĩ, bắt phải làm đền lại miếu khác, không có thì sinh vạ.

Tử Văn không nói làm sao, cứ ngồi nghiễm nhiên như không.

Người Tàu nói rằng:

- Phong đô (âm ti địa ngục) chẳng xa gì đâu, nếu không làm lại đền cho ta, ta sẽ lôi ngươi đến ngục ấy.

Nói đoạn đứng phắt đi ra.

Chiều hôm ấy Tử Văn lại thấy một người áo vải mũ thâm, cách điệu khoan hòa, đi từ từ vào trong thềm, chào nói rằng:

- Tôi là Cư sĩ đây, nghe ông làm được việc sướng quá nên tôi đến mừng.

Tử Văn ngạc nhiên nói rằng:

- Mới rồi người mặc áo khách, tự xưng là Cư sĩ, có phải là thần thổ địa này không? Sao bây giờ cụ lại xưng là Cư sĩ.

Ông cụ ấy nói rằng:

- Hắn là tướng bại trận ở bên Tàu, hồn nhờ gửi bên nước Nam ta, chiếm lấy đền miếu của tôi mạo tên họ tôi, gian giảo độc ác, trên thì man[cix] cả trời, dưới ngược với dân, phàm các sự yêu quái, là tự hắn cả, chớ không phải tôi làm điều gì. Tôi là Ngự sử thời vua Lý Nam đế, chết vì việc nước, được phong ở đây, giúp dân hộ chúng đã hơn nghìn năm nay, có điều gì hung dữ như nó đâu. Vì tôi hở cơ không giữ gìn, bị nó đánh đuổi đi, hiện tôi phải nương nhờ ở đền thần Tản Viên đã mấy năm nay rồi.

[cix] Dối gạt (BT).

Tử Văn nói:

- Nếu như thế sao không kêu với Thiên đình, mà chịu bỏ chức vị đi nhờ chỗ khác?

Ông già nói:

- Thế lực nó lai láng, khó lòng lay động được nó. Tôi muốn đi kêu, thì nó dùng trăm chiều ngăn trở tôi. Các thần từ[cx] bên cạnh, tham của đút lót, tranh nhau đi nhận cho nó, bụng tôi không tỏ giải được lên, cho nên phải nhịn nhục thế này.

[cx] Đền thờ thần (BT).

Tử Văn hỏi:

- Nó hung dữ thế, có hại được tôi không?

Ông già nói:

- Nó đang muốn cam tâm với ông, thế nào nó cũng kiện ở dưới âm ti. Tôi xin dò chuyện nó, lại bảo cho ông biết để mà tìm phương lo liệu, kẻo mà chết oan. Khi nào âm ti có tra hỏi, thì ông cứ lấy lời tôi làm chứng, nó có không chịu, thì xin hỏi đến đền Tản Viên, như thế thì không cãi được nữa.

Tử Văn vâng lời. Đến đêm, bệnh lại nặng thêm, mơ thấy hai tên quỉ sứ, bắt điệu đem đi đến một dinh phủ lớn, ngoài có tường sắt cao chừng vài mươi trượng. Hai tên quỉ sứ vào bẩm, rồi ra bảo rằng: “Tội anh nặng lắm, không có phép nào tha được”. Nói xong, vẫy tay xua sang mặt bắc. Mặt ấy, có con sông to, trên sông bắc một dịp cầu dài, ước hơn nghìn bộ, sông đen như mực, mùi tanh hôi, khí lạnh buốt đến tận xương. Hai bên cầu có vài vạn quân dạ xoa, mắt xanh tóc đỏ mặt mũi dữ dội. Hai tên quỉ sứ lấy trạc to trói Tử Văn, điệu ra đường ấy.

Tử Văn kêu to lên rằng:

- Tôi là người thẳng tính trên dương gian, có tội lỗi gì, xin bảo cho biết, không nên bắt oan uổng thế này.

Sực nghe trên điện có tiếng truyền rằng:

- Thằng ấy nó cứng cổ lắm, nếu không phân đoán cho rõ tội, thì sao nó chịu? Vậy thì hãy đem nó vào đây.

Hai tên quỉ sứ mới dẫn Tử Văn vào cửa phủ, thì đã thấy người áo khách đang kêu ở ngoài sân.

Diêm vương quở mắng Tử Văn rằng:

- Cư sĩ kia hắn là người trung thần đời trước, có công với nước. Thượng đế phong cho hắn được hưởng cúng tế ở một phương. Mày là thằng học trò, sao dám ngạo ngược mà đốt tiền của hắn? Thế là mày làm nên tội, còn cãi được nữa không?

Tử Văn kể rõ lại sự đầu đuôi như lời ông già nói trước, rạch ròi minh bạch, không lúng túng câu nào.

Người khách đứng nguyên đơn kêu rằng:

- Nó ở chốn vương phủ này, mà còn nỏ mồm cãi cọ, gây sự phao vu, huống chi một cái đền hoang của tôi, thì nó còn sợ gì mà chẳng đốt?

Tử Văn lại kêu rằng:

- Đại vương nếu không tin lời tôi, xin hỏi đến thần Tản Viên thì đủ biết hư thực. Tôi nhược bằng nói sai, xin cam chịu tội.

Người khách thấy viện chứng đã có ý sợ, mới quì xuống tâu rằng:

- Thư sinh kia thực là ngây dại, tội là đáng lắm, nhưng điện hạ[cxi] đã quở mắng nó, cũng đủ răn nó rồi, vậy xin ngài rộng dong cho nó, để tỏ cái lượng nhân từ của ngài, bất tất phải tra cứu cùng kiệt làm gì nữa.

[cxi] Cách khiêm xưng ngôi thứ nhất (BT).

Diêm vương nghe nói, biết ý, mới quát lên rằng:

- Nếu như thế thì tội tại mầy rồi đó, luật gian dối còn đủ cả đây, sao mày dám xuất nhập nhận tội?

Lập tức sai người đến núi Tản Viên xét hỏi tường tận, quả hợp hết cả lời Tử Văn.

Diêm vương giận lắm, bảo các phán quan rằng:

- Các ngươi chia giữ các tòa, mỗi người coi một việc, nên phải cầm lòng công bình, thưởng phạt cho đích đáng. Thế mà sao còn để cho bọn gian giảo nó khi trá được. Ấy là ở đây còn thế, huống chi dời Hán, Đường, bán quan mua tước, cái tệ còn nói làm sao cho xiết!

Lập tức sai lấy gông sắt đóng gông và lấy miếng gỗ tròn nhét vào miệng người khách, áp điệu vào ngục cửu u, mà Tử Văn thì sai tha cho về.

Diêm vương bảo với Cư sĩ rằng:

- Tử Văn kia nó có công trừ được hại cho dân, phàm các đồ cùng tế mồng năm ngày tết, ngươi nên xẻ một nửa mà chia cho hắn.

Tử Văn về đến nhà, thì chết đã hai ngày rồi mới hồi lại. Tử Văn kể chuyện ấy cho người làng biết, người làng mua gỗ chữa lại đền Cư sĩ. Mà ngôi mả của người khách, tự nhiên trụt đất, xương cốt bật cả lên trên.

Sau một tháng nữa, Tử Văn lại mơ thấy Cư sĩ bảo rằng:

- Lão phu được về miếu cũ, là công của ông cả, không biết lấy gì mà báo được ơn ấy. Hiện nay đền Tản Viên có khuyết một viên phán quan, tôi hết sức để bầu cử ông vào chức ấy. Diêm vương đã ưng cho rồi, xin đem việc ấy để báo cái ơn trước. Người ở đời xưa nay ai chẳng chết, nhưng chết mà tỏ được cái tiếng là hơn, vậy xin ông để lòng cho, nếu chậm nửa tháng nữa thì có người tranh mất đấy.

Tử Văn mừng rỡ nhận lời, dặn hết công việc cửa nhà, rồi tự nhiên vô bệnh mà mất.

Về sau, người huyện Đông Quan biết Tử Văn, một buổi sớm gặp khi mưa dầm, trông thấy quân quan trẩy đi đông lắm, mà có tiếng quát tháo dẹp đường để quan phán quan đi. Trông lên trên xe thì là Tử Văn. Tử Văn cũng chắp tay có ý chào hỏi, như không nói câu gì, cứ đi ào ào như gió.

Đến giờ con cháu nhà ấy vẫn còn sự tích truyền lại.

NHỊ KHANH

Từ Đạt người ở Khoái Châu (Hưng Yên), làm quan ở huyện Đông Quan. Gần đấy có quan Thiêm thư là Phùng Lập Ngôn. Hai người đi lại chơi bời với nhau thân thiết lắm. Phùng có con trai tên là Trọng Quì, Từ có con gái tên là Nhị Khanh, hai bên trai tài gái sắc, tốt lứa đẹp duyên, mới kết duyên Châu Trần với nhau.

Nhị Khanh tuy còn ít tuổi, nhưng về làm dâu nhà họ Phùng, hiền hậu hòa thuận, ai cũng khen là người nết na. Trọng Quì tính hay chơi bời, nàng kia khuyên ngăn mãi không được.

Năm sau, gặp khi ở tỉnh Nghệ lắm giặc cướp, triều đình cần một quan cai trị giỏi để bổ vào. Các đình thần ghét Phùng Lập Ngôn là người thẳng tính, có ý muốn hại ngầm, mới cử Lập Ngôn vào chức ấy.

Lập Ngôn sắp đáo lị[cxii], bảo với Nhị Khanh rằng:

- Đường đất xa xôi, ta không muốn cho con đi theo, vậy thì con hãy tạm ở nhà, đợi khi nào trời đất bình tĩnh, thì sẽ cho con về với chồng con.

[cxii] Ý nói lên tỉnh nhận nhiệm sở (BT).

Trọng Quì thấy vợ không đi, có ý ngần ngại, cũng muốn ở nhà, Nhị Khanh bảo rằng:

- Nay nghiêm đường[cxiii] vì nói thẳng mà người ta ghét, tuy cất vào chỗ quan sang, mà kỳ thực đưa vào nơi đất chết. Muôn dặm ba đào, hai thân mưa nắng, chàng không đi thì ai là kẻ sớm trưa hầu hạ? Vậy thì chàng phải đi theo, chớ có vì tôi mà bỏ mất đạo hiếu.

[cxiii] Cha (BT).

Trọng Quì bất đắc dĩ phải theo cha mẹ về Nghệ, để Nhị Khanh ở lại Đông Quan. Không được bao lâu, cha mẹ đẻ nàng Nhị Khanh mất cả. Nhị Khanh đem mả về táng ở phủ Khoái, rồi thì ở nương nhờ với người bà cô họ là Lưu thị.

Bấy giờ có người quan võ họ Bạch, nguyên là cháu ngoại Lưu thị, thấy nàng Nhị Khanh có nhan sắc, muốn lấy làm vợ, nói với Lưu thị để dỗ hỏi nàng Nhị Khanh.

Nhị Khanh nghe tình sợ hãi lắm, bảo riêng với người vú già rằng:

- Ta còn nhẫn nhục đến giờ, là vì vướng có chàng họ Phùng còn đó, nếu không còn thì ta chết theo rồi, chứ không khi nào ta mặc áo xiêm của chồng ta, mà đi làm đỏm cho người khác, mụ ở nhà ta đã lâu, nên nhớ ân tình chủ cũ, vào Nghệ hỏi thăm gọi về cho ta.

Người vú vâng lời. Bấy giờ đang lúc loạn lạc đường sá khó khăn, mụ ấy cố sức tìm vào đến Nghệ, hỏi thăm thì ai cũng nói rằng: “Quan Tuyên phủ Lập Ngôn đã mất rồi, gặp phải con trai chơi bời, cửa nhà sa sút mất cả”. Người vú đi đường, gặp Trọng Quì ở trong chợ. Trọng Quì đem về chỗ ở, thì chỉ còn một túp nhà tranh, bốn bề bỏ trống, mà đồ đạc chỉ có cái bàn cờ, bộ ấm chén uống rượu, và con gà chọi, con chó săn mà thôi.

Trọng Quì bảo người vú rằng:

- Ta vì đường sá xa xôi không sao về được, tuy ở chỗ này, nhưng lúc nào cũng nhớ đến nhà.

Người vú cũng nói cả chuyện đầu đuôi ở nhà. Trọng Quì mới định ngày về. Khi về đến nhà, hai vợ chồng li biệt lâu ngày, nay lại xum họp, ân ái biết là dường nào. Nhưng Trọng Quì đã quen thói chơi bời với người lái buôn là Đỗ Tam. Trọng Quì thì tham của nhà Đỗ Tam. Đỗ Tam thì tham nhan sắc của vợ Trọng Quì, mới rủ nhau rượu chè cờ bạc, định lừa lẫn nhau.

Trọng Quì đánh bạc thường thường hay được. Nhị Khanh can rằng:

- Lái buôn tính hay lừa lọc, chớ nên chơi bời với hắn nữa, bây giờ tuy được của nó, rồi sau cũng thua hết với nó mà thôi.

Trọng Quì không nghe. Một hôm, Đỗ Tam họp bạn đánh bạc, bỏ ra trăm vạn quan tiền. Trọng Quì muốn vay. Đỗ Tam bắt phải viết giấy lấy nàng Nhị Khanh làm cuộc. Trọng Quì quen mui hay được, tưởng chừng chẳng đến nỗi thua nào, mới viết giấy cam kết với Đỗ Tam. Uống rượu rồi đánh bạc, Trọng Quì thua luôn ba tiếng, hết sạch cả tiền, gọi vợ bảo rằng:

- Tôi vì nghèo ngặt, phải lụy đến nàng, nay đã trót lỡ thế này, dù hối lại cũng không kịp. Thôi nàng hãy ở lại đây với ông ấy, không mấy bữa tôi sẽ đem tiền đến chuộc.

Nhị Khanh biết thân không khỏi được về tay nó, mới nói rằng:

- Bỏ chỗ nghèo theo chỗ giàu, thiếp còn ngại gì, mà cũng là duyên trời tiền định, ví dù chàng mà có bụng yêu đến thiếp, thì thiếp cũng xin hầu hạ chăn đệm như ở với chồng trước. Nhưng thiếp hãy xin một chén rượu, để biệt chồng cũ, và về nhà từ giã với con một đôi lời.

Đỗ Tam mừng lắm, sai rót vài chén rượu đưa cho, uống rồi về nhà ôm hai con ra vỗ vào lưng mà bảo rằng:

- Cha con bạc tình, không nương tựa được vào đâu, thôi thì các con ở lại với cha con, mẹ không mặt mũi nào bỏ con mà đi với người khác nữa.

Nói rồi tự vẫn. Đỗ Tam chờ mãi không thấy đến, cho người gọi thì nàng ấy đã chết rồi. Trọng Quì thương tiếc vô cùng, tự bấy giờ mới ăn năn, chừa chơi bời, nhưng sinh kế mỗi ngày một kém, sớm tối nhờ người, nhân có người bạn cũ làm quan ở Qui Hóa, mới đem con sang đấy để nương nhờ. Đi đến nửa đường, mỏi mệt lắm, nghỉ ở dưới gốc cây bàng, bỗng nghe có tiếng trên không gọi rằng:

- Có phải chàng Phùng đấy không? Nếu chàng còn nhớ ân tình cũ, thì đến ngày ấy chờ tôi ở trong đền bà Trưng Vương, chớ coi u minh[cxiv] là khác.

[cxiv] Cõi âm, nơi người chết ở (BT).

Trọng Quì nghe rõ ràng tiếng nàng Nhị Khanh, ngẩng lên trông thì chỉ thấy đám mây đen bay về phương bắc. Trọng Quì nghĩ lấy làm lạ, y hẹn đến ngày vào đền. Khi đến nơi thì bóng chiều đã xế, phong cảnh đìu hiu, chỉ có tiếng chim kêu ríu rít trên cây cổ thụ, tình cảnh buồn rầu, muốn về thì trời đã tối, mới nằm nghỉ ở trong nhà tả mạc. Cuối canh ba nghe ti tỉ có tiếng khóc, trước còn xa sau đến gần, trông mập mờ thấy rõ mặt thì chính là nàng Nhị Khanh.

Nhị Khanh bảo Trọng Quì rằng:

- Từ khi thiếp mất đi, Thượng đế thương tình cho giữ riêng một đền, coi về việc tấu sở, không lúc nào rỗi mà thăm được chàng. Bữa trước nhân có việc đi làm mưa, xảy gặp chàng cho nên gọi mà hẹn, nếu không có dịp ấy thì không bao giờ được gặp nhau.

Trọng Quì hỏi:

- Nàng hẹn tôi đến đây có việc gì vậy?

Nhị Khanh nói:

- Thiếp thường được hầu cạnh Ngọc hoàng có nghe các tiên nói chuyện rằng: “Vận nhà Hồ đã hết, đến năm Bính tuất có việc binh đao, chết hại hơn 20 vạn người, ai mà không vun trồng cây đức, thì sợ mắc vào nạn ấy. Bao giờ có chân nhân họ Lê khởi lên thì mới yên”. Vậy chàng cố dạy hai con, phải vững lòng mà theo ông ấy, thì thiếp chết cũng được cái tiếng về sau.

Hai vợ chồng chuyện trò đến gần sáng mới biệt. Trọng Quì từ khi ấy hết sức dạy bảo hai con, cho đến lúc thành người. Đến khi vua Thái Tổ khởi nghĩa trong Lam Sơn, hai con mộ quân vào theo, về sau cùng làm đến Thị nội, bây giờ ở phủ Khoái, con cháu nhà ấy vẫn còn thịnh.

TẢ AO

Người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, tên là Nguyễn Đức Huyên (có bản nói là Hoàng Chỉ). Nhân tên làng, cho nên tục gọi là Tả Ao. Lúc còn trẻ nhà nghèo lắm, mẹ phải bệnh lòa mắt, Tả Ao mới theo người khách buôn ở phố Phù Thạch về Tàu, để lấy thuốc chữa mắt cho mẹ. Thầy thuốc khen là người có hiếu, mới dạy cho phép làm thuốc. Học thành nghề mới trở về, xảy có một thầy địa lý chính tông đau mắt, sai người mời thầy thuốc đến chữa, thầy thuốc già yếu không đi được, mới sai Tả Ao đi chữa thay. Thầy địa lý khỏi đau mắt, thấy Tả Ao có ý tứ khôn dễ dạy, và cảm cái ơn chữa khỏi cho mình, mới truyền cho Tả Ao phép làm địa lý, Tả Ao học hơn một năm đã giỏi. Thầy địa lý muốn thử xem sức học làm sao, đổ cát làm ra hình sông núi, rồi yểm 100 đồng tiền xuống dưới cát, và cho Tả Ao 100 cái kim sai tìm huyệt mà cắm kim vào lỗ đồng tiền.

Tả Ao ngắm xem các huyệt, cắm trúng 99 cái kim vào 99 lỗ đồng tiền, chỉ sai mất một cái cắm ra ngoài.

Thầy địa lý nói rằng:

- Nghề ta sang phương Nam mất rồi!

Mới cho Tả Ao một cái tróc long và các câu thần chú hô thần để cho về nước Nam. Tả Ao vâng lời từ về; về đến nhà thì mẹ vẫn còn mạnh, mới chữa thuốc cho mẹ khỏi lòa.

Một khi, đi qua núi Hồng Lĩnh, trông lên xem, thấy có kiểu đất “cửu long tranh châu”, mừng mà nói rằng:

- Huyệt đế vương ở đây rồi!

Lập tức nhổ ngôi mộ của cha, cất vào huyệt trên núi. Không bao lâu sinh được một đứa con trai. Người Tàu xem thiên văn, thấy các vì sao chầu cả về phương Nam, biết là người nước Nam được đất. Chính phủ Tàu truyền cho các nhà địa lý, ai để đất cho người An Nam, hoặc là dạy người An Nam, thì phải sang nước Nam dùng thuật mà phá đi, nếu không thì tru di cả ba họ.

Thầy địa lý trước, biết chắc là ông Tả Ao được đất mới sai con sang tìm đến nhà Tả Ao, lập mưu mà triệt đi.

Người ấy tìm đến nơi, vào chơi nhà mà bảo rằng:

- Từ khi đại huynh ở Tàu về, đã cất được ngôi tiên phần nào chưa?

Tả Ao nói thực cả chuyện trước. Con thầy Tàu mới dùng mẹo đào lấy ngôi mộ ấy, mà bắt đứa con của Tả Ao đem về Tàu.

Được ít lâu mẹ Tả Ao mất. Tả Ao tìm một ngôi đất ở ngoài bãi bể, kén ngày kén giờ để hạ huyệt. Đến giờ, sóng gió ầm ầm, người anh Tả Ao giữ áo quan của mẹ, không cho hạ xuống, một lát sóng gió yên thì ở đấy nổi lên thành bãi rồi.

Tả Ao than rằng:

- Đây là hàm rồng đây, cứ 500 năm mới há miệng ra một lần, mà há chỉ trong một lát mà thôi. Bây giờ đã ngậm lại rồi, còn táng làm sao được nữa. Trời không cho thì chỉ uổng mất công ta mà thôi.

Từ bấy giờ Tả Ao không chịu làm ăn gì cả, chỉ lang thanh đi làm đất cho người ta. Một bữa đi xem đất đến làng Bùi Sơn, huyện Hoằng Hóa, thấy có một huyệt đất hay, bèn bảo người ta rằng: “Có ngôi đất, táng giờ Dần đến giờ Mão thì phát, nếu ai táng ngôi ấy tất được của, hễ ai chịu nhường cho ta một phần chia mười, thì ta cho ngôi đất ấy”. Có một người xin táng, Tả Ao dặn đến sáng sớm mai thì cất. Táng xong mặt trời mới mọc. Người ấy vác cuốc ra rửa chân ngoài sông, thấy một người chết trôi, nhân thể có cuốc, mới vớt lên chôn cho xác ấy, thấy trong bọc người chết có hai túi bạc, mở ra đếm thì được 50 nén, mới biết Tả Ao là tài, biếu Tả Ao 5 nén, rồi Tả Ao đi.

Khi đến huyện Thanh Liêm lại tìm được một ngôi, bảo người ta rằng: “Đây có ngôi đất, chỉ táng trong một tháng thì phát quận công, nếu ai cho ta 100 quan tiền, thì ta táng cho”. Có một ông nhà giàu xin táng. Bấy giờ chúa Trịnh đang đánh nhau với nhà Mạc. Tướng nhà Mạc là Mạc Kinh Độ thua trận ở huyện Kim Bảng chạy trốn. Chúa Trịnh rao ai bắt được thì thưởng cho làm quận công một đời. Ông nhà giàu ấy táng được 20 ngày rồi. Bỗng một hôm thấy có một người vào nhà bảo rằng: “Ta là Mạc Kinh Độ đây, cho ta đánh một bữa chén, ta sẽ làm ơn mà cho đem nộp lấy thưởng”. Ông nhà giàu mừng rỡ, làm cơm thết đãi. Mạc Kinh Độ ăn uống xong, cho trói mình lại mà đem đến đồn Cầu Châu nộp cho chúa Trịnh. Chúa Trịnh lập tức thưởng cho làm quận công. Người ấy được thưởng tạ Tả Ao 100 quan tiền. Tả Ao chỉ lấy 3 quan để ăn đường, rồi đi chỗ khác.

Tự bấy giờ danh tiếng đồn khắp thiên hạ. Tả Ao đi chu du bốn phương, phàm 20 năm trời. Đi qua các huyện Gia Bình, Từ Liêm, Đông Ngạn, Siêu Loại, Gia Lâm, táng cho nhà nào cũng được, lớn thì làm đến Tiến sĩ, Thượng thư; nhỏ cũng làm nên giàu hùng trưởng. Kể ra nhiều lắm, không sao cho xiết.

Khi đi qua làng Thiên Mỗ, thấy có một ngôi đất to, muốn táng hộ cho nhà họ Trần. Vừa đặt tróc long xuống đất, tróc long đổ ba lượt. Tả Ao niệm phù chú gọi Thổ thần lên hỏi, thì Thổ thần nói rằng: “Đất này phát ba đời quốc sư đại vương, con cháu công hầu không bao giờ hết. Trời đã để đành cho nhà Nguyễn Qui Đức; còn nhà họ Trần kia ít hồng phúc, không kham nổi được đất này; nếu ông làm cưỡng của trời thì tất có vạ. Vả lại ông đi khắp thiên hạ, làm phúc cho người ta đã nhiều, mà không được ngôi nào để táng cho cha mẹ, ông nên nghĩ thế thì biết”. Vì thế, Tả Ao từ bấy giờ không dám khinh thường để mả cho ai nữa.

Tả Ao sinh được hai con trai, nhà thì nghèo mà làm đất không lấy tiền của ai, cho nên con cái thường không đủ bữa mà ăn. Khi đã già, tìm sẵn một ngôi đất sinh phần cho mình, ở xứ Đồng Khoai, gọi là cách “Nhất khuyển trục quần dương” (nghĩa là một con chó đuổi đàn dê). Nếu táng được ngôi ấy, thì chỉ ba ngày thành địa tiên. Đến lúc phải bệnh, sai hai con khiêng mình ra đấy, toan phân kim lấy rồi nằm xuống cho chôn; nhưng đến nửa đường thì đã gần chết, không kịp đến được chỗ kia, mới trỏ một cái gò bên cạnh đường, dặn con rằng: “Chỗ kia là ngôi huyết thực (nghĩa là được hưởng người ta cúng tế),bất đắc dĩ táng ngay ở đấy cũng xong”.

Nói xong thì mất, bấy giờ mới 65 tuổi. Hai con đem táng vào gò ấy, quả nhiên về sau làm phúc thần một làng.

Địa lý xưa nay ở nước Nam, không ai giỏi bằng ông Tả Ao, thế mà chỉ làm phúc cho người, đến mình thì không sao làm được, mà con cái vẫn nghèo khổ, thế mới biết rằng câu tục ngữ nói: “Tiên tích phúc nhi hậu tầm long”.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

NGUYỄN THỊ ĐIỂM

Thị Điểm người huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương[cxv], em gái ông Tiến sĩ Nguyễn Trác Luân. Lúc lên 5, 6 tuổi, học sách Hán Cao Tổ, anh có ra câu đối rằng:

“Bạch xà đương đạo; Quí bạt kiếm nhi trảm chi”.

[cxv] Đăng khoa lục cho là người Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tang thương lục cho là người Bắc Giang, chưa biết đích lời nào là phải.

Thị Điểm đối rằng:

“Hoàng long phụ chu; Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết”.[cxvi]

[cxvi] Hai câu dùng chữ sẵn mà chọi nhau từng chữ, cho nên tài.

Anh chịu câu ấy là tài, tự bấy giờ cho chuyên tập về nghề nghiên bút. Đến năm 15 tuổi, văn chương đã giỏi lắm. Một khi ngồi trước cửa sổ soi gương, anh ra câu đối rằng:

“Đối kinh họa mi; nhất điểm phiên thành lưỡng điểm”.[cxvii]

[cxvii] Nghĩa là soi gương vẽ lông mày, một nét hóa ra hai nét. Điểm là nét vẽ, lại là tên bà ấy, có ý một nàng Điểm hóa ra hai nàng Điểm nữa.

Thị Điểm ứng khẩu đối rằng:

“Lâm trì ngoạn nguyệt; chích luân chuyển tác song luân”.[cxviii]

[cxviii] Nghĩa là cạnh sông xem bóng trăng, một vừng giống như hai vừng. Luân là vừng trăng, vừa là tên anh. Có ý một ông Luân thành ra hai ông Luân nữa.

Thái học Sinh là Đặng Trần Côn nghe tiếng Thị Điểm hay chữ, đưa thơ đến có ý muốn ghẹo.

Thị Điểm xem thơ cười nói rằng:

- Trẻ thơ mới học, thơ từ chẳng bõ ngứa tai!

Đặng Trần Côn tức giận trở về, cố công đi học, mới thành danh sĩ.

Bấy giờ tiếng Thị Điểm lừng lẫy chốn kinh thành. Các học trò hay chữ ai cũng muốn trêu ghẹo. Một hôm có Nguyễn Huy Kỳ ở Thụy Nguyên, Trần Danh Tân ở Cổ Am, Nguyễn Bá Cư ở Cổ Đô, Võ Toại ở Thiên Lộc, bốn người ấy có tiếng hay chữ, người ta thường gọi là “Tràng an tứ hổ”(nghĩa là bốn con hổ ở chỗ Tràng an). Bốn người đến chơi tận nhà Thị Điểm, muốn thử làm thơ với nhau.

Thị Điểm ra câu đối rằng:

“Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang”.[cxix]

[cxix] Thiếu nữ một nghĩa là gió, một nghĩa là con gái nhỏ. Tân lang một nghĩa là cau, một nghĩa là rể mới. Câu này nghĩa là: Trước sân gió động cây cau và có thêm ý con gái nhỏ mời rể mới ăn trầu, cho nên khó đối.

Bốn người không đối được, phải xấu hổ trở về.

Lại một khi Thị Điểm đi thủng thẳng một mình, gặp quan Thượng thư là Nguyễn Công Hãng ở ngoài đường. Công Hãng bắt Thị Điểm vừa đi vừa ngâm một bài thơ: “Đi một mình”.

Thị Điểm ngâm ngay rằng:

“Đàm đạo cổ kim tâm phúc hữu”,[cxx]

“Chu toàn tả hữu cổ quăng thần”.[cxxi]

[cxx] Bàn bạc chuyện xưa nay, có người lòng ruột.

[cxxi] Chung quanh bên tả hữu, có bầy tôi chân tay.

Hai câu chững chạc, mà rõ là tình cảnh đi một mình.

Công Hãng khen hay, thưởng cho 10 quan tiền.

Trong thời Long Đức (đời vua Thần Tôn nhà Lê), có sứ Tàu sang phong vương. Hoàng thượng sai Thị Điểm đứng chực ở ngoài của Đoan môn. Thị Điểm có ý muốn trêu ghẹo sứ giả. Sứ giả nói đùa một câu rằng:

“An Nam nhất thốn thổ; bất tri kỉ nhân canh?”

Thị Điểm đối rằng:

“Bắc quốc đại trượng phu; giai do thử đồ xuất!”[cxxii]

[cxxii] Nghĩa là: Một tấc đất An Nam, chẳng biết mấy người cày; đại trượng phu Bắc quốc, đều do đường này ra (BT).

Sứ giả thẹn đỏ mặt rồi đi.

Thị Điểm kén chồng kỹ lắm, không ai lấy được. Ngoài 20 tuổi, mới lấy lẽ quan Thượng thư ở huyện Từ Liêm là Nguyễn Kiều. Hai vợ chồng quí trọng nhau như vàng.

Thị Điểm có làm ra bộ sách “Tục truyền kỳ” lưu truyền ở đời.[cxxiii]

[cxxiii] Nguyễn Thị Điểm tức Đoàn Thị Điểm, tương truyền là người đã diễn “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn ra chữ nôm (BT).

NAM HẢI DỊ NHÂN VĂN CỨNG CỎI LỜI ÍT Ý NHIỀU, LÀ MỘT TẬP VỀ TIỂU SỬ, VỀ SỰ NGHIỆP CÁC BẬC ANH HÙNG HÀO KIỆT CHÍ SĨ CAO NHÂN NƯỚC TA.

VŨ NGỌC PHAN

(Nhà văn hiện đại)

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Sienna – Kaitoukiddo1412 – H.y

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay