Ngõ Cây Bàng - Chương 07 - phần 4
- Đứng lại! Đứng lại! – Hai tên cảnh sát mặc quần áo vàng giơ dùi cui ra cản đám ma lại. - Muốnsống thì phải giải tán ngay! Sao lại tụ tập làm rối loạn trật tự, trị an thế này?
Không ai trả lời và đám ma vẫn cứ tiếp tục đi.
Chị Phẩm vừa đi vừa khóc vừa gào:
- Ối Phác ơi là Phác ơi! Con đi đâu con bỏ anh bỏ em…
Những đứa anh đi đằng sau quan tài cũng khóc theo:
- Ối em ơi là em ơi! Làm sao em chết, em ơi!
Những người đi đường dừng lại hỏi han. Hạnh, Liêm, bà Đôi thay nhau kể. Nhiều người ứa nước mắt đứng xếp vào hàng đi theo một đoạn.
- Giải tán! - Một tên cảnh sát khác hét lên.
- Con người ta chết, người ta chôn sao lại cấm? Chị Liêm xông lên trước, hỏi. – Con các anh chết, các anh có khóc không?
- Làm loạn! Bắt con này! - Một tên nói và xông vào giữ chặt tay chị Liêm, nhưng chị Hạnh và mấy người phía sau ùa tới giằng tay chị Liêm ra giật lại:
- Không được bắt người lương thiện!
Ông Trắm xông ra cản, bàn tay ông nắm chặt lấy cái dùi cui vừa định quật vào đám đông:
- Các ông là trai tráng, các ông làm việc lớn sao lại đi dính vào cái đám ma này? Con người ta chết, người ta thương tiếc chôn cát, có gì mà các ông phải bận tâm?
Tiếng chị Phẩm khóc thảm thiết:
- Ai giết con tôi? Con ơi!
Thằng cảnh sát khó nhọc lắm mới giằng lại được cái dùi cui trong tay ông Trắm, nó quay đi. Đám ma lại tiếp tục.
Từ phía ga Hàng Cỏ, một chiếc ô-tô màu lửa vùn vụt chạy lại. Trên xe chở một cái thùng lớn hơi dẹt có vòi phun. Chạy tới trước đám đông, chiếc xe dừng lại và vòi nước xì xì phun.
Những người đi đưa ma rạt sang bên vệ đường, quần áo ướt đẫm. Mấy đứa trẻ khóc ré lên. Nhiều tiếng la ó, chửi bới của những người đi đường. Những người đi đưa mà tản tác, chỉ còn lại mấy mẹ con chị Phẩm và những người khiêng đòn. Cái thùng đã hết nước, vòi phung cuộn lại chạy về phía ô Chợ Dừa. Đám ma vẫn tiếp tục đi theo hướng đã định.
Những người đưa ma đã nối nhau thành một hàng dài, người nào quần áo cũng ướt cứ y như họ vừa đi qua một cơn mưa lớn. Thêm nhiều người quần áo khô mới nhập vào. Họ đi dọc theo đường tàu điện qua sở hoa xa, thêm những người mặc quần áo thợ của đoạn đầu máy xe lửa, xuôi xuống phía Bảy Mẫu, Ngã Tư Vọng…
Một tên cảnh sát đi xe máy phóng vụt qua khỏi đám ma, nó bỗng dưng quay lại, giơ tay ném vào đoàn người một cái gì đen tròn.
- Nằm xuống! Nó ném lựu đạn đấy! - Hạnh hét lên.
Mọi người ngồi thụp xuống. Một tiếng nổ nghe “chát”. Mọi người đứng vội lên. Nhưng vừa đứng lên thì họ lại giơ tay ôm mặt, lảo đảo. Nhiều người giơ tay bịt lấy mắt. Nước mắt chảy giàn giụa. Hạnh thấy mồm cháy khét, mũi như bốc lửa, má rát như bị ném cát, ném ớt, cổ họng khé lại.
- Nó ném lựu đạn cay đấy! Bà con bình tĩnh, áp mặt lên chỗ áo ướt là khỏi ngay! - Hạnh nói và ủ vạt áo ướt lên mặt.
Đoàn người dừng một lúc rồi lại tiếp tục lên đường.
*
* *
Đêm. Cái bốt ở Ngã Tư Vọng cứ một chốc lại có tiếng súng bắn. Tiếng đạn quét ràn rạt về phía Trung Tự, Ô Chợ Dừa và Ô Cầu Rền.
Trong Ngõ Cây Bàng đèn tắt ngấm và im lặng như tờ. Ngoài đường, tiếng giày đinh nện đều đều, có lúc chạy rộn lên, tiếng lính đấm cửa một nhà nào đó và tiếng hét:
- Mở cửa ra! Mở cửa ra!
Trong chái bếp tối om và vo ve tiếng muỗi kêu, Khiết cầm bàn tay Hạnh đặt lên tay mình. Họ im lặng một lúc rất lâu. Có biết bao nhiêu điều cần nói nhưng lại chẳng nói được gì.
- Em chờ anh nhớ! - Khiết nói và giữ chặt tay Hạnh.
- Em sẽ chờ! - Tiếng Hạnh thoảng qua như hơi gió thổi.
- Ngày chiến thắng sẽ không lâu nữa đâu, em! Ta đang chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ. Các chiến trường sẽ nổ súng phối hợp. Vừa rồi sân bay Gia Lâm, Cát Bi đã bị phá hủy, chặn đứng đường hàng không chi viện của chúng nó. Nhân dân từ khu Bốn đến Việt Bắc, Tây Bắc sẽ đi tiếp tế cho chiến dịch. Tình hình khẩn trương và phấn khởi lắm. Em ở lại phải cẩn thận. Kẻ thù càng thua đau càng xảo quyệt và nguy hiểm. Đừng hy sinh vô ích. Chờ anh đến ngày chiến thắng, anh sẽ đưa em về thăm quê anh. Anh chỉ còn có mẹ. Mẹ anh ở với em gái anh. Anh nói chuyện với em rồi đấy, chắc mẹ anh sẽ vui lắm khi gặp em. Em có bằng lòng khi anh về, chúng ta sẽ cưới ngay không?
- Bao giờ đến ngày đó hẵng hay, anh ạ! - Hạnh ngượng ngùng. Trong bóng tối hai má Hạnh nóng ra lên.
- Không. Em phải bằng lòng thì anh đi mới vui…
- Ừ! Bằng lòng… Bằng lòng…
Hai bàn tay họ nắm chặt nhau hơn, rồi buông ra. Hạnh chạm vào quai ba-lô và cái túi gạo nhỏ, cả nắm cơm nóng hổi. Khiết đặt tay lên vai Hạnh, anh nghe thấy những hơi thở dồn dập và nhịp tim đập gấp.
- Khi nào chúng mình cưới nhau, em sẽ có con ngay, có một đứa con trai thật giống anh, nhé? - Khiết thì thầm.
- Giời ơi, ai lại sắp lên đường đi chiến đấu lại nói những chuyện ấy thế? - Hạnh kêu lên ngượng ngừng. Hạnh phúc, niềm sung sướng tự hào cùng một lúc bừng cháy trong người chị.
- Em có bằng lòng như thế không? Nói đi cho anh vui? - Khiết nhũng nhẵng.
- Ừ bằng lòng rồi! Quá lắm!
Hạnh nói và cảm thấy người run bắn lên khi nghe nóng ra trên má mình mùi thuốc lá quen thuộc. Chị giơ tay đẩy anh ra. Bàn tay Hạnh quờ tìm và buông thõng xuống. Khiết đã đi xa rồi. Khiết đã đi thực rồi! Có những bước chân rất nhẹ chạy ở đâu đó, dưới mặt đất hay trên bờ tường gạch đổ, giữa những ngõ hẹp hay dưới các mái nhà. Hạnh chỉ cảm thấy chứ không nhìn thấy. Anh ấy đã đi. Các anh ấy đang đi. Các anh ấy đang ở gần và đang đi xa.
Chiến dịch sắp mở rồi.
Hạnh ngồi lặng đi. Đầu óc bỗng nhiên như trống rỗng. Một dòng nước mắt từ từ chảy xuống.
*
* *
Vọng ngẩng nhìn anh Bảo và đáp khẽ:
- Em làm được ạ!
- Thế thì tốt lắm! – Anh Bảo giơ tay xoa đầu Vọng - Những gì anh dặn nhớ kỹ chưa?
- Em nhớ rồi ạ!
- Phải thật bình tĩnh. Có bình tĩnh thì mới làm được việc, mới biết cách đối phó với những việc xẩy ra không đúng dự đoán của mình.
- Vâng, em nhớ.
- Đêm nay là đêm toàn thành Hà Nội có nhiều hoạt động cảnh báo bọn tay sai bán nước và lấy thành tích chào mừng những chiến sĩ trên đường ra mặt trận. Ở vùng này, Cai Thực là một tên mật thám gian ác, nó nắm đây để theo dõi những hoạt động cách mạng và đàn áp phong trào. Bao nhiêu cơ sở bị vỡ và nhiều anh chị bị bắt. Chúng đã bắt chị Liêm trong lúc chị ấy đang bán hàng. Thằng San giả vờ đi lại nhà này chính là để theo dõi gia đình ta cho nên các anh cần thiết phải trừng trị bọn này. Ngày hôm qua, thằng con rể lão Cai Thực lại đến, cuộc thăm viếng ấy mục đích là mang những hòm đạn và vũ khí đến nhà Cai Thực. Nhưng mà này anh hỏi thật, em đã thật “quen” và “thân” với nó chưa? – Anh Bảo nói và nháy mắt cười. Vọng nhận thấy đôi mắt anh thật là sáng. Nước da xanh tái vì ít ra ngoài ánh nắng. Có những ngày Vọng biết anh toàn ở dưới hầm. Anh là người vùng khác đến đây và Vọng thấy hình như anh phải trốn tránh rất ghê vì bọn chúng sục sạo tìm kiếm anh. Vọng biết như vậy vì có lần Vọng nhìn thấy chúng treo ảnh anh trong phòng thông tin với dòng chữ: Ai phát hiện hoặc bắt được tên này sẽ được thưởng…
Trời nhập nhoạng, gà bắt đầu lên chuồng. Anh Bảo ra khỏi hầm. Các nhà trong ngõ đã lên đèn, không khí những ngày áp tết tràn vào trong các ngõ nhỏ: Tiếng vo gạo nếp, màu xanh óng ả của những tàu lá dong. Thoáng trong gió, mùi bánh chưng nhà ai nấu sớm.
Chị Hạnh đang ngồi là những tờ giấy bằng cái chai. Trời lạnh mà mồ hôi chị thấm ra cả áo. Đó là những tờ giấy cuối cùng chị được chia. Nó lồng phồng, nhăn nhúm, chị là đi để cho các em đóng sách học, chị nghĩ thế và làm mải miết.
- Mai chị không đi làm giấy nữa à? – Ân hỏi.
- Không. Hết việc rồi! Chị Hạnh đáp và lại tiếp tục là. Hai bàn tay thờ thẫn, vì mệt nhọc vì nhớ thương hay là vì lo âu? Bảo đi đến đứng sau lưng lúc nào chị cũng không biết.
- Chị Hạnh lên phố về đấy à? Tình hình trên đó thế nào?
- Nhộn nhạo lắm. Cảnh sát đi đầy đường. Nhiều xe chở lính và súng đạn. Ga chật ních… Vẫn chưa gặp được chị Liêm. Nghe nói nó đánh chị ấy đau lắm. Không biết chị ấy có chịu đựng được không?
- Có một điều lạ là tôi vừa chuyển nhà thì chúng nó đến khám, hay là lộ rồi? Tôi lo cho Liêm lắm… - Bảo nói và thở dài.
- Quà gửi vào không biết có đến tay chị ấy không?
- Tôi định hỏi ý kiến Hạnh một việc. - Bảo ngồi xuống cạnh Hạnh, giơ tay cầm cái chai trong tay chị và miết lên tờ giấy. - Hạnh ở đây rõ tình hình hơn tôi. Hạnh quyết định.
- Việc gì thế, anh? - Hạnh ngước mắt lên bắt gặp ánh mắt sáng trong của Bảo, lại cúi xuống. – Anh cứ nói.
- Tôi định chuyển chỗ ở. Tôi ở đây thì rất tốt nhưng sớm muộn sẽ phiền cho gia đình, bởi vì nhà ta cũng bị chúng tình nghi rồi. Tôi định chuyển sang nhà bà Đôi, Hạnh thấy thế nào?
- Bà Đôi, mẹ thằng Thuấn? Hạnh kêu lên và ngơ ngác nhìn Bảo - Mạo hiểm quá đấy!
- Không mạo hiểm đâu, Hạnh ạ! Trong tình hình này có lẽ ở nhà bà ta là an toàn nhất vì ta đánh vào yếu tố bất ngờ nhất của địch. Bà Đôi theo ta và sẵn sàng giúp đỡ ta. Bà ta lại có con theo địch. Bọn chúng sẽ không bao giờ nhằm vào nhà ấy mà lục soát. Chỉ có một cái nguy hiểm là thằng Thuấn, nếu nó biết thì mình sẽ chết, nhưng thằng Thuấn rất ít khi về nhà và tình hình này có khi nó đã bị xua ra trận rồi.
- Ý đó cũng hay. Nhưng để tôi thăm dò thêm xem sao đã nhé!
- Đêm nay tôi phải chuyển rồi, ngày mai chúng sẽ làm căng đấy, Hạnh ạ!
- Có lẽ tôi phải sang gặp bà Đôi. - Hạnh nói và bỏ những tờ giấy xuống, đứng dậy đi ngay.
Lúc ấy, Vọng đang đứng trước cửa nhà Cai Thực. Đèn trong nhà nó thắp sáng choang. Màu vôi mới làm cả khu nhà nổi bật lên giữa những lùm cây xanh. Cai Thực cho học trò nghỉ tết sớm lấy cớ là sửa sang trường sở. Nó thuê người đi đến tận làng hoa Quảng Bá, Ngọc Hà mua về những cây hoa và cây quất lớn quả chi chít sáng rực cả một vùng đem trồng ngoài vườn, dọc hành lang trước nhà. Vợ nó thuế hẳn bốn người gói bánh chưng và bác một bếp lò lớn luộc suốt ngày đem. Người ta thầm thì với nhau rằng nhà nó gói bánh không phải chỉ cho nhà nó ăn mà còn cho những người khác nữa. Việt Nam hay là Tây? Không ai biết, chỉ thấy xe về chở bánh đi. Những người trong Ngõ Cây Bàng nhìn theo những chiếc bánh vuông góc cao thành luộc chín rền mà lá vẫn xanh nguyên, sao tiếc rẻ và căm tức đến thế!
Vọng đang quanh quẩn bên ngoài thì thấy bà Vú Êm lễ mễ bê một cái sọt đi ra. Vọng vội bám theo:
- Bà ơi, bà làm gì thế, hả bà?
- Bà đi đổ rác.
- Bà đưa cháu đổ đỡ cho. - Vọng nói và nắm lấy quai sọt kéo ra vệ hồ, lật nghiêng, đổ xuống. Trong sọt toàn những cuống lá rong và xỉ than.
- Nhà bà gói nhiều bánh chưng nhỉ? - Vọng hỏi.
- Ừ, gói ngày, nấu đêm.
- Ai nấu bánh đêm nay, hả bà?
- Bà chứ còn ai?
- Thế những người gói bánh không phải ở lại nấu bánh, hả hả?
- Không. Gói xong, họ về.
- Thế còn ông bà Cai Thực, cậu Đôn?
- Ông Cai vừa đi phố về, đang đánh tổ tôm.
Bà Vú Êm nói và kéo cái sọt đi vào. Một lúc sau lại thấy bà kéo sọt đi ra. Trong sọt đầy vỏ cam, bã mía và xỉ than.
- Nhà bà ăn nhiều cam nhiều mía nhỉ! Thích quá!
- Những người đánh tổ tôm ăn chứ bà đâu được ăn.
- Đánh cả đêm, hả bà?
- Cũng có khi cả đêm, có khi dăm ba ván. Nào bà! biết đâu! – Bà Vú Êm vừa nói vừa ngáp.
- Bà buồn ngủ lắm, hả bà? - Để đêm nay, cháu đến cháu trông bếp cho bà ngủ nhé? - Vọng nói và vuốt vuốt tay áo bà Vú Êm. Bà cảm độn, mắt chớp chớp.
- Không được đâu, cháu ạ! Ông bà ấy cấm ngặt không cho người lạ mặt vào trong nhà. Bà đổ rác xong là đóng khóa cổng ngõ. Không biết có chuyện gì mà ông ấy vừa thuê người chăng dây thép gai và cắm mảnh chai lên tường, cháu không nhìn thấy à?
- Cháu nhìn thấy nhưng cháu thương bà, cháu muốn làm giúp bà…
- Bà cũng quý cháu lắm nhưng không được đâu cháu ạ! – Bà Vú Êm nói và giơ tay vuốt tóc Vọng. – Cháu đã ăn cơm chưa? Thôi, cháu về nhá, bà vào không có ông bà ấy thấy đi lâu lại mắng.
- Bà già thế mà ông ấy cũng mắng bà à?
- Bà già nhưng bà là người làm, làm không nên họ cũng mắng…
Bà Vú Êm kéo sọt đi vào. Vọng nhìn thấy con chó Lài lấp ló, lượn lờ ở gần cổng. Vọng tắc lưỡi gọi nó. Nó sủa rầm lên và lồng lộn định lao ra. Bà Vú Êm vội vã đóng cổng lại.
*
* *
Vọng quay về, ăn thêm ít cơm rồi dọn dẹp giường đi ngủ. Cái Ân nhèo nhẽo:
- Sao hôm nay chị ngủ sớm thế, chị Vọng?
- Tao mệt. - Vọng nói và cố vùi đầu vào giấc ngủ.
Chị Hạnh về rồi mẹ về. Mùi bánh chưng bay ra từ người mẹ và bay vào trong giấc ngủ của những đứa con.
Vọng đang ngủ say thì có một bàn tay lay lay người Vọng. Vọng ngồi nhỏm dậy, nhảy xuống đất, vừa dụi mắt vừa lần tường đi ra ngoài.
Nhà Cai Thực tối om. Phía sau nhà, qua lỗ hổng tường hoa. Vọng nhìn thấy ánh lửa bếp lò than đỏ rực và cái lưng cong cong của bà Vú Êm, đầu bà gục xuống hai bàn tay vòng trên gối. Không trông thấy con chó Lài đâu. Nó ngủ trong ổ hay là nằm ở trên nhà. Làm sao biết được nó đang ở đâu?
“Khi nào em nghe thấy tiếng chuông đồng hồ trong nhà nó gõ một tiếng thì bắt đầu nhé. Còn nếu có tình hình gì đặc biệt thì anh sẽ báo hiệu bằng tiếng chim chích chòe!”. Vọng nhớ lời dặn ấy như một điều thiêng liêng. Nó lắng nghe. Trong nhà lão Cai Thực vọng ra tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ quả lắc.
Vọng đi quanh, người lẫn vào trong bóng tối của bờ rào rậm. Nó lần đến bên cạnh bể nước phía sau nhà - một cái hố nhỏ thông từ cống ra ngoài, chỗ để bà Vú Êm quét nước rác. Quét xong, bà thường chận một mê rổ và hòn gạch lên trên để con chó không chui ra ngoài. Những hôm nhà Cai Thực có việc đóng khóa cổng ngõ, con Lài thường lấy mỗm cắn cái mê rổ kéo để sang một bên, chui ra ngoài. “Mình có chui được qua cái rãnh này không? Rãnh này bẩn lắm nhưng không sợ, chỉ cần một chậu nước là lại sách ngay thôi”. Vọng nghĩ rồi ngồi xuống, thò tay gạt cái mê rổ ra và thoáng cái. Vọng đã chui qua. Nó đứng lên, nép vào bể nước. Bàn chân nó đá vào cái chậu men vỡ đựng đầy vỏ trứng để ở dưới đất làm thành một tiếng kêu khô khốc. Bà Vú Êm ngẩng lên quay nhìn ra ngoài và dụi mắt. Nhưng bà làm sao nhìn được ra Vọng giữa những ống máng và cái tường bể đầy rêu xanh. Mắt bà chỉ thấy ánh lửa đỏ rực và những tàn than nhảy nhót.
- Gớm, chuột bọ quấy quắc! – Bà lẩm bẩm, ném thêm than vào lò rồi lại gục đầu xuống hai cánh tay và ngủ tiếp.
Vọng vẫn đứng im, mắt nhìn chăm chăm vào cái lưng cúi cong của bà Vú Êm và cái bếp than. Người nó chợt thấy ấm. Hơi than tỏa ra tận ngoài sân làm cho những ngón chân của nó run lên. Sương xuống. Mái tóc Vọng ẩm xìu và hai bàn chân nó tê cứng như có xấp nước đá.
Vọng chờ đợi, thở rất nhỏ. Chung quanh im ắng quá. Bỗng Vọng rợn người. Có tiếng chó thở hừng hực và một cái bóng đen lớn vờn đến.
“Thôi chết! Con Lài! Làm thế nào bây giờ? - Vọng cuống quíu. Vừa lúc trước Vọng mong được nhìn thấy nó nhưng khi nó đến thì Vọng lại sợ quá.
“Em đã thật thân với nó chưa?” “Thật!”. Vọng đã trả lời như thế nhưng đến bây giờ Vọng mới thấy là giữa người và chó có một khoảng cách không bao giờ nối gần lại được. “Ngộ nhỡ nó lao vào người mình mà cắn thì sao? Mình sẽ nhanh chóng chuồn ra ngoài bằng cái lỗ hổng kia, nhưng còn việc anh Bảo giao?”. Vọng ép người vào tường bể và bóng đêm. Bóng đêm và cái tường rêu che chở, ấp ủ lấy nó. Nhưng hai con mắt đỏ như hai cục than hồng của con Lài vẫn chiếu thẳng vào nó và tiếng gừ gừ nổi lên mỗi lúc một to hơn.
- Tô Tô Tô. – Bà Vú Êm bỗng đứng lên và quay ra gọi con chó. Bà vừa gọi vừa đến đứng trước mặt Vọng.
- Bà ơi, bà giúp cháu! - Vọng thì thầm.
- Chó chạy! – Bà Vú Êm đuổi con chó. Con chó chạy ra phía sau.
- Bà ơi, cháu phải… - Vọng níu tay bà Vú Êm nói lào phào trong tiếng thở.
Bà Vú Êm đứng im lìm như một hòn đá, như một gốc cây. Lúc sau bà bỗng giơ tay:
- Đâu? Đưa đây!
Vọng giật mình sờ tay vào túi. Cái bọc anh Bảo đưa vẫn còn đây, Vọng tuồn vào tay bà Vú Êm. Vừa lúc đó thì cái chuông đồng hồ ở nhà trên dạo một hồi nhạc rồi buống một tiếng giòn và khô. Vọng đẩy tay bà và Vú Êm. Vú Êm nghe ngóng và đi vòng ra phía sau, vừa đi vừa gọi:
- Tô Tô Tô…
Con chó hừng hực từ phía sau chạy đến, cái bóng nó chờn vờn trước ánh lửa đỏ rực. Bà Vú Êm ném cái gói ra. Con chó chạy lại. Nó ngửi ngửi rồi há mõm ngoạm lấy miếng thịt, cắn chặt chạy tít ra phía sau.
Bà Vú Êm đứng thần ra một lúc rồi múc nước đổ vào bếp than. Than nổ lộp độp, hơi nước bốc lên như một cái đầu tàu hỏa. Bếp tắt. Ánh sáng rừng rực từ lò than bốc ra không còn nữa. Bà Vú Êm lại gọi:
- Tô Tô Tô…
Không thấy con chó chạy lại. Bà ném một hòn gạch cũng không nghe nó sủa hoặc chạy tới. Bà đi đến gần Vọng vừa lúc đó Vọng nghe thấy tiếng chân người chạy phía ngoài tường và những bóng đen như những cái lá rơi nhẹ từ những bức tường, mái nhà, ngọn cây xuống đất, lao vun vút vào trong nhà Cai Thực.
- Thôi thế là xong! Bây giờ mình làm gì nhỉ?
Chân Vọng ríu lại, nó ôm lấy bà Vú Êm.
- Bà ơi, đi ra đằng nào, hả bà?
- Bà cũng không nở nhà này được nữa. Ở đây khổ nhục lắm rồi. Cháu đợi bà, bà đi với cháu. – Bà Vú Êm nắm tay Vọng, run run nói - Để bà vào nhà lấy bọc quần áo. À thôi, vài cái quần áo rách cũng chẳng làm gì! Đi thôi, cháu ơi!
Bà Vú Êm dắt Vọng ra ngoài vườn. Ở đó, có một chỗ hổng mà chỉ có mình bà biết. Bà nắm chặt tay Vọng và thoáng cái, hai bà cháu biến mất trong bóng đêm đang bắt đầu rạng sáng.