Ngõ Cây Bàng - Chương 08 - phần 1

- VỌNG ơi, Vọng! - Chị Hạnh gọi. Không nghe tiếng thưa, chị đẩy củi vào bếp rồi đi lên nhà, lại bên giường em, mở màn. Một đôi mắt đen tròn mở to nhìn Hạnh.

- Mày thức sao chị gọi không thưa? - Hạnh trách em.

- Em có nghe thấy gì đâu. - Vọng đáp và vùng dậy - Chị ơi, tiếng trống ếch đấy phải không?

- Ừ, các em thiếu nhi đang tập để chuẩn bị đón bộ đội về Thủ đô.

- Hòa bình rồi hả chị?

- Ừ, hòa bình rồi. - Dậy mau ăn cơm rồi có đi xem thì đi.

Vọng lay em, hai đứa nhảy xuống đất, mở tung các cánh cửa. Trời chưa sáng nhưng ngoài đường đã lao xao tiếng người đi, tiếng xe kéo, tiếng cười nói tiếng chân bước rậm rịch. Ở cửa mỗi nhà treo một lá cờ đỏ sao vàng. Màu đỏ nối vào nhau, những ngôi sao như cũng kết lại với nhau làm cả cái ngõ dài như bừng lên trong một thứ ánh sáng mới. Khuôn mặt những người đi dưới đường ửng hồng như xoa phấn.

- Chị Hạnh ơi, mẹ sắp về chưa? – Ân bỗng hỏi.

- Không biết lúc nào mẹ về.

Mẹ đi từ tối hôm qua. Mẹ đi đón anh Hy.

Ba chị em đang ăn cơm thì Hồng và My dắt nhau đến. Vọng và Ân ngây người: Hai đứa như ở trong tranh hiện ra: Áo lụa thêu hoa kim tuyến óng ánh trông như có dán giấy bạc. Quần nhiễu trắng sột soạt. Tóc chải bồng, buộc nơ đỏ, nơ xanh, tay mỗi đứa đeo một cái vòng bằng vàng trạm, cổ đeo chuỗi hạt ngọc chai xanh. Mùi nước hoa thơm ngát tỏ ra từ tóc, từ quần áo từ đôi giày cao gót…

“Chết mình rồi, mình làm gì có quần áo đẹp như thế này?” Vọng lo lắng nghĩ. Nó đứng lên rồi lại ngồi xuống. Chiếc áo cánh nó đang mặc đã vá vai và cái túi đã rách xã một bên. Cái áo Ân mặc cũng đã cũ kỹ nhầu nhò. Chị Hạnh cũng thế. Cái áo nâu chị đang mặc cũng vá vai. Còn cái Hồng và cái Mỹ đi vào làm cả nhà thơm ngát và sáng bừng lên.

- Ai sắm sửa quần áo cho các em thế?

- Mẹ, bố… - My đáp.

- Áo này em có từ trước. - Hồng nói.

- Ngày hôm nay ta mặc đẹp là tốt nhưng khi còn bé thì nên ăn mặc như còn bé. Chị thấy các em không nên đeo vòng với hạt như thế này, đôi giày cũng thế, nó không hợp với lứa tuổi các em…

Hồng và My đưa mắt nhìn nhau. Khuôn mặt Hồng đỏ rựng lên, nó cấu vào tay My, My tháo chiếc vòng đeo tay bỏ vào túi. Hồng kéo tay nó đứng lên:

- Chúng mình về nhà cất rồi lại sang.

Chúng muốn đi nhanh nhưng đôi giày cao gót cứ trượt bên nọ trẹo bên kia nên chúng đành lò dò đi từng bước một. Vọng đờ người nhìn các bạn. Chúng như đôi bướm nhiều màu vừa vờn đến đã bay đi.

- Chị ơi, thế chúng em mặc cái gì? - Vọng hỏi và nét mặt nó ỉu xìu không còn vẻ tươi tắn như trước nữa. Ân thì phụng phịu, vai lắc qua lắc lại.

- Chị đã chuẩn bị cho các em! - Chị Hạnh nói và đứng lên mở hòm lấy ra hai cái áo sơ mi trắng tuy đã cũ nhưng chị đã giặt rất sạch và gấp thành nếp. Quần bằng vải chéo go tuy đã hơi ngắn nhưng cũng còn mới.

- Thế còn dép?

Chị Hạnh cúi xuống kéo ở trong gậm giường ra hai đôi dép cao su đã rút quai chặt chẽ. Hai đứa mặc quần áo đi dép và chải tóc. Trong cái gương soi chúng thấy mình xinh xắn chững chạc, sạch sẽ khắc hẳn mọi ngày. Không hiểu chị Hạnh đã chuẩn bị từ lúc nào mà chu đáo thế! Chúng lại thấy vui nhìn chị với vẻ biết ơn.

Mặc áo quần xong, hai đứa ra đứng cửa đợi Hồng và My nhưng chúng không đến.

- Chị Hạnh ơi, đi với chúng em đi! - Vọng níu tay chị.

- Chị không đi được, chị phải ở nhà, chị phải làm một số việc và… Chị Hạnh nói và hơi lúng túng.

- Chị ở nhà đợi mẹ và anh Hy à? – Ân hỏi.

- Ừ…

Vọng không tin là chị Hạnh phải ở nhà đợi mẹ. Mà chị đợi một người khác. Anh Khiết! Chị đợi anh Khiết! Trong túi áo chị mặc có cái thư của anh. Trong thư có câu “Anh sẽ về vào ngày Thủ đô giải phóng. Hãy chờ anh, em nhé!”. Chị đã đọc cái thư đó không biết bao nhiêu lần, tờ giấy đã nát nhầu nhưng không lúc nào chị rời nó. Trông kia, cứ thỉnh thoảng chị lại phải nhìn ra ngoài đường và cứ thấy một người nào mặc quần áo bộ đội đi qua chị lại giật cả mình. Ôi, anh Khiết sẽ về! Anh Hy cũng về, cả mẹ và biết đâu không cả bố nữa! Nhà ta sẽ đông vui vô cùng! Nhà ta sẽ không còn khổ sở như trước nữa! Vọng nghĩ và thấy người lâng lâng như có cánh bay. Nó nắm tay Ân chạy vù ra ngoài đường quên cả chào chị Hạnh đang đứng ngẩn ra nhìn theo. Thoáng cái, hai đứa đã lẫn mất vào dòng người như nước chảy cuồn cuộn.

Bờ Hồ đây rồi! Nhưng không thấy bờ, cũng chẳng thấy hồ và nước đâu! Chỉ có người và người, những đám đông sặc sỡ đủ màu đứng chen nhau chật ních dưới những gốc cây mẹ, cây liễu. Nếu không có những cây si và cái dáng cong cong của cầu Thê Húc phía sau thì không ai có thể nghĩ đó là bờ hồ Hoàn Kiếm.

Vọng và Ân khó nhọc lắm mới tìm được chỗ đứng trên đống đá trước cầu Thê Húc. Tiếng hoan hô, tiếng reo hò mỗi lúc một nổi lên vang dội. Dưới lòng đường những đoàn quân đang diễu qua. Những gương mặt xạm nắng, những bộ quần áo mới tinh, những bộ quần áo bạc màu, những súng và lưỡi lê tuốt trần trên những cố xe to lớn đi qua trong tiếng hát hành khúc. Vọng nhìn thấy những gương mặt hiền lành, những dáng dấp vừa lạ vừa quen, những bàn tay vẫy.

- Hoan hô! Hoan hô! – Nó reo lên và vỗ tay khi nhìn thấy những khẩu pháo màu cỏ úa kéo qua.

Bên cạnh Vọng, mọi người vừa reo hò vừa tung cờ, tung hoa, vung khăn, vung nón lên - Vẫy chào. Nó chỉ có hai bàn tay không, hai bàn tay nhỏ bé chai rám, nó giơ lên vẫy rối rít.

- Anh Bích kia kìa! Anh Bích nhà ta kia kìa! Ối giời ơi, sao mà nó chóng lớn thế? - Một người mẹ đứng cạnh hai cô con gái chăm chú nhìn hàng quân bỗng kêu lên và vừa vẫy, vừa nói, vừa vươn người ra phía trước. Hai cô gái cuống lên, nhìn theo tay mẹ chỉ nhưng không nhận ra anh mình giữa rừng người trung trùng súng đạn và lưỡi lê sáng ngời.

- Hay mẹ nhầm? Một cô hỏi.

- Nhầm thế nào được? Kia thôi!

Một cô rướn người lên, gọi to:

- Anh Bích ơi! Mẹ với em ở đây cơ mà!

Không có tiếng ai đáp lại, cũng chẳng có ai nhìn tới. Mà cho dù có đúng là anh Bích thật thì anh ta cũng chẳng thể nghe thấy được tiếng gọi của cô gái. Cô gái gào lên một lần nữa rồi quay lại trách mẹ:

- Mẹ chẳng bao con sớm!

- Nào tao có kịp gì đâu, đúng lúc nó đi qua, nhìn thấy cái mắt nó tao mới giật mình: Chết đúng thằng Bích nhà mình rồi! Tao mới chỉ nghĩ như thế là nó đã đi qua rồi.

- Con giai của bà à? - Một người đứng cạnh hỏi.

- Vâng, con gái của tôi đấy! Cháu đi gần bốn năm rồi. Ngày tản cư cháu nó ra ngoài hậu phương người bé quắt bé queo, mặt thì xanh rớt, trói gà không chặt, thế mà bây giờ nom nó phải đến nắm sáu mươi cân. Cháu nó đánh cả trận Điện Biên nữa đấy, bà ạ!

- Quý hóa quá!

- Nó viết thư về bảo nó bị thương ở đồi A1, ôi chao ôi, mẹ cả đời chỉ quanh quaanrowr Hà Nội có đi đến đâu mà biết được A1, A2? – Bà mẹ nhìn thấy con, mừng quá nói chuyện liên miên. Bỗng như chợt nhớ ra điều gì bà vùng quay ra – Thôi, tôi phải về, tôi phải dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm để thằng bé nó có cái mà ăn!

Trong khi người mẹ quay quả ra về thì một chị khác lại kêu lên và xô đến chỗ của bà:

- Anh Phúc ơi, ơ kìa, anh Phúc, con đây này, anh Phúc ơi!

Chị bế con lên tay rồi chỉ anh bộ đội đang ngồi lầm lỳ bên mâm pháo:

- Con gọi bố đi, kìa! Bố kia kìa!

- Bố, ơi bố! - Thằng bé gọi, cuống lên.

- Anh Phúc ơi, anh Phúc! Đây kia mà! - Chị gọi và cầm cái mũ của con giơ lên vẫy rối rít. Một cành hoa nhỏ thằng bé đang cầm, chị gỡ lấy, ném ra. Anh bộ đợi vẫn nhìn vào đám đông, chỗ này, chỗ khác. Có biết bao nhiêu tiếng gọi và bàn tay vẫy. Bao nhiêu là mũ nón, cờ hoa, làm sao anh nhận được ra vợ và con. Thỉnh thoảng cũng có những sự may mắn đặc biệt có những người thân nhận ra nhau giữa bao nhiêu gương mặt, nụ cười, giọng nói. Họ ôm nhau, nắm tay nhau và cười nói miên man. Họ hẹn hò, thăm hỏi vội vã vài câu rồi lại ra đi.

Đoàn quân vẫn đi qua, trùng trùng điệp điệp.

- Anh Hy! Anh Hy kia rồi, chị Vọng ơi! – Cái Ân bỗng hét lên và tung người nhảy vào giữa đám đông. Nó không ngã vì cả một lớp người như một tấm lưới dầy giữ nó lại. Nó lách, nó nhoài và chỉ một lúc sau nó đã ở dưới lòng đường, nhào vào một anh bộ đội đang ngồi trên xe. Anh bộ đội quay nhìn nó và cười:

- Không phải anh Hy rồi! Anh Hy đi qua rồi! – Nó kêu lên và chạy tới trước. Một người giữ nó lại:

- Em không được chạy lung tung như thế. Ở đây ai cũng có người nhà cả. Em cứ về nhà em, thế nào rồi anh em cũng về nhà thôi.

Ân quay ra, mặt đỏ rậng. Vọng lau nước mắt cho nó.

- Làm sao mà mày phải khóc?

- Em tức lắm! Em nhận ra đúng là anh Hy mà! Anh ấy cũng nhận ra em, anh ấy nháy mắt với em và anh ấy cười y như anh ấy nói với em: “Cái Ân đấy à?”. Thế mà lúc em chạy đến nơi lại hóa ra người khác, chắc là xe của anh ấy đi qua rồi!

- Mày chỉ nói phét! Tao chẳng thấy ai là anh Hy cả.

- Để rồi xem! Anh Hy mà đi bộ đội qua đây chị mất cho em cái gì?

- Một chúc cái kẹo nhé?

- Ừ, một chục kẹo kéo!

Hai đứa cùng cười rồi lại đứng trên đống đá nhìn những đoàn quân. Nắng đang lên. Nắng tràn trên các đường phố, mái nhà và các mái dầu. Nắng đỏ. Chưa bao giờ những đứa trẻ Hà Nội thấy nắng đỏ và đẹp như thế.

*

* *

Nawgs vào đầy trong hai mắt Hạnh. Đầu tiên cũng là một thứ nắng ấm áp và dịu dàng tươi cười với bao nhiêu hy vọng và niềm vui gặp gỡ. Nhưng rồi, nắng cứ gắt lên dần và chói trong mắt Hạnh. Ấy thế nhưng Hạnh vẫn cứ phải nhìn vào nắng giống như bị nắng thôi miên, giống như có một sức hút lạ kỳ từ những dòng nắng tháng mười vàng ánh. Một khuôn mặt, một nụ cười, một bàn tay quen thuộc ở đâu đó cứ hiện ra và giơ lên vẫy gọi chị. Chị đã mấy lần, chạy lao ra cửa. Nhưng chỉ có hoa nắng với những người không quen biết.

Cho đến lúc Vọng và Ân đi phố về, chạy bổ vào nhà và ôm chầm lấy chị thì chị mới biết là ngày đã hết và nắng đã tắt trên những ngọn bàng.

- Chị ơi, mẹ với anh Hy chưa về, hả chị?

- Chưa ai về cả.

Hạnh đáp và đi vào bếp thổi cơm. Lửa lại đỏ trong con mắt Hạnh “Có phải đâu ai cũng về ngày đầu tiên, còn bao nhiêu công việc và những khó khăn, cản trở, bao chặng đường xa, làm sao lại buồn, buồn vô lý quá!”. Hạnh nghĩ nhưng trong lòng vẫn cứ thấy buồn và như có một linh tính gì đó làm chị cảm thấy lo ngại. Nhìn vào ngọn đèn và cái hoa của nó chị như cũng thấy có điều gì. Lá thư viết từ một làng ngoại ô Hà Nội, nơi anh ấy đóng quân, từ đó về đến đây chẳng mấy đoạn đường… Hạnh nghĩ vơ vẩn và thở dài.

Có tiếng gọi ngoài cửa. Hai đứa bé đã lên giường vội chạy lao ra:

- Mẹ! Mẹ đã về!

Mẹ đi nhanh vào trong nhà và lại giường ngồi duỗi dài hai chân. Ba chị em gỡ trên người mẹ ba-lô, túi dết, làn túi… Chuối, gạo, cam và khoai, khoai lang, khoai sọ và cả một cái dọ con có đôi gà chiếp chiếp…

- Mẹ ơi, Hy đâu, mẹ! - Chị Hạnh hỏi và đưa cho mẹ cốc nước.

- Bà thật trẻ con! Họ bảo mẹ như thế, thằng Hy đã mười sáu mười bảy tuổi rồi chứ đâu còn bé bỏng gì nữa mà gửi nó đâu nó ở đấy đợi mẹ đến đón. Bà đưa nó về đây hôm trước thì hôm sau nó cùng với anh em bè bạn ra ngay ngoài vùng tự do đi kháng chiến rồi!

- Đấy, em nói đúng không, anh ấy đi bộ đội rồi!

Cái Ân reo lên, Vọng cũng reo lên ôm lấy người mẹ. Chúng ngửi thấy ở người mẹ bốc lên bao nhiêu thứ mùi: mùi bụi, mùi mồ hôi, mùi nắng và mùi cỏ khô… giống y như những ngày trước đây mỗi buổi mẹ đi chợ về. Nhưng khuôn mặt mẹ, đôi mắt mẹ lại không giống những ngày hôm ấy. Nét mặt mẹ hôm nay sao thơ thới, nhẹ nhàng.

- Các con ăn quà đi! Quà của các bác, các cô chú ấy gửi cho đấy!

Vọng bẻ chuối. Vị ngọt thơm đọng lại trên đầu lưỡi làm Vọng lại nhớ đến những quả chuối nát dầm, buốt ruột hôm nào mẹ về chợ.

Chị Hạnh ăn chuối, nét mặt thờ thẫn nhìn ra ngoài cửa.

Một bóng người chờn vờn qua lại trước cửa, tiếng xích xe đạp kêu xè xè. Rồi bỗng một tiếng gọi nhỏ:

- Hạnh ơi!

Chị Hạnh đứng lên, chạy ra. Chị đứng sững một lúc bên cửa rồi quay vào. Bàn tay người đó giơ ra níu áo chị Hạnh giật mạnh. Nghe tiếng vải rách và tiếng thở dài.

- Ai thế, con? - Mẹ hỏi.

- Thằng San. - Chị Hạnh đáp và nét mặt chị như tối hẳn lại.

- Nó bảo chuyện gì?

- Con không biết. Nhưng con không muốn nói chuyện với nó.

- Thì bảo anh ta vào nhà…

San chỉ đợi có thế và hắn dựng xe nghiêng người đi vào nhà, miệng cười rộng:

- Con chào Bác! Anh chào các em!

- Mời anh ngồi chơi… - Bà Ngoạn nói và kéo ghế.

- Tôi tưởng là anh đã đi rồi, thế mà hãy còn đây!

- Dạ! Con đi ngay thế nào được ạ! Mỗi chốc có phải là dứt bỏ ngay sao được, một đêm nằm, một năm ở… Con có câu chuyện muốn nói với Hạnh. Dù sao chăng nữa, con vẫn nhớ tình nghĩa giữa cha con với hai bác nhà đây. Cha con tuy mất đi đột ngột nhưng trước đó cũng đã dặn dò là hai gia đình nhà ta trước đây cũng đã có hứa hẹn, giao ước. Nay con đến để trước là thăm bác, sau là thưa chuyện với bác về việc riêng của con và Hạnh. Vừa qua do hoàn cảnh chiến tranh, mọi chuyện khó khăn và dễ hiểu lầm nhau. Con tuy ít có điều kiện qua lại nhà vì bận công việc nhưng nay con thấy thật chẳng còn có gì đáng ân hận hơn là nếu như không nhanh chóng xây dựng lại gia đình. Tuy con cũng quen biết dăm ba bạn gái nhưng cuối cùng đối với con cũng chẳng ai hơn được Hạnh. Và chắc rằng rồi Hạnh cũng thấy chẳng người nào thương yêu Hạnh bằng con… - San nói trôi chảy, trơn tru…

- Việc hạnh húc trăm năm là việc riêng, tôi tuy là mẹ nhưng chẳng thể ép buộc con cái, anh nên nói chuyện đó với Hạnh thì hơn. - Mẹ ngắt lời và đứng lên bỏ đi vào trong bếp. - Hạnh ơi, ra có anh San đến chơi.

Mẹ gọi nhưng không nghe tiếng thưa. Hạnh đã đi sang hàng xóm từ lúc nào. San đứng lên rồi lại ngồi xuống.

- Tôi đã chán tất cả mọi mong muốn. Chiến tranh, mất mát, đổ vỡ, tôi bây giờ như con thuyền tìm về nương nhờ bến cũ… - San lẩm bẩm nói và tựa vào tường, đầu nghoẹo sang một bên. – Nhưng bến cũ đâu rồi!

Vọng ngồi ngây ra nhìn San, mùi rượu từ miệng nó bay ra làm cả hai đứa cùng cảm thấy nhức đầu.

- Nếu em yêu ta, ta sẽ cùng em ra đi, làm lại cuộc đời ở nơi đất lạ. Em ơi, chỉ có em thôi, ta đã tìm thấy ở nơi đôi mắt đen thăm thẳm của em sự yên tĩnh vô cùng - Thằng San nói nghe như hát cải lương.

Vọng đứng lên và bỗng rừng mình, người lạnh toát: Một ống tay áo của San trống rỗng.

Vọng và Ân ù té chạy ra ngoài.

Trong nhà, phút chốc không còn ai. Ngọn đèn hoe lên một vừng sáng vàng yếu ớt. San đứng sững trừng trừng nhìn vào khoảng trống một lúc rồi quay ra, thất thểu bước đi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3