Ngõ Cây Bàng - Chương 08 - phần 2

Chị Liêm đang chải tóc, nghe tiếng xe đạp dựng vào cửa tường người yêu đến chị không quay ra, nói:

- Bảo đấy à? Em sắ phải đi họp rồi, đã dặn, quên hay sao mà lại đến?

Không nghe tiếng trả lời mà lại nghe tiếng khóa xe lách cách, chị lại tiếp:

- Đã đến thì cứ ở lại đây, đọc báo, chờ em họp một lúc thôi. Hôm nay họp những chị em tiểu thương, cũng nhanh thôi, anh ạ!

- Anh có việc cần nói với em vài câu rồi anh phải đi ngay - Tiếng khàn khàn đáp lại và mùi thuốc là khét lẹt.

Liêm giật mình quay ra, kêu lên:

- Ối! Ông San!

San giơ một ngón tay đặt lên môi và suỵt một cái:

- Bình tĩnh! Anh chỉ xin em mười phút… - San từ từ đi vào trong nhà sau khi cẩn thận khép cửa lại. Liêm nhìn quanh và đi đến gần cái ghế đẩu. Kia nữa, cái mắc áo, như thế là thừa đủ cho chị tự vệ. Nhưng có lẽ không cần, chỉ một tiếng kêu là chung quanh sẽ ập đến, và lại hắn chẳng thể làm gì được chị với một ống tay áo rỗng như thế kia. Hắn đến đây để làm gì nhỉ? Ừ, thì cứ để yên xem hắn nói gì. Chị ngồi xuống ghế, mắt lại phát hiện thêm cái phích để trên bàn đang đựng đầy nước sôi – cũng là một vũ khí lợi hại.

- Em đừng sợ anh, anh đến đây với thiện ý chứ không phải ác ý. Tất nhiên, trước khi đến đây, anh cũng đã hiểu em là người như thế nào. Cũng chẳng phải bây giờ anh mới hiểu mà ngay từ ngày em bị bắt giam. Nếu em biết được rằng anh đã đến tận nơi để nói với người coi giữ em là cứ thả em ra, có anh bảo lãnh, cho nên em mới được về trước ngày hòa bình…

- Thôi đi, tôi không phải là trẻ con đâu mà ông nói chuyện tiếu lâm thế!

- Sao em lại chế giễu lòng thành thực của anh? Tôi nghiệp quá! Anh thương em, anh yêu em, anh mới làm tất cả mọi thứ để có ngày hôm nay. Anh đến đây tìm em để cùng em bàn tính chuyện lâu dài. Em biết đấy, đường tình ái của anh cũng chẳng thuận buồm xuôi gió gì, bởi lẽ anh đã quá tin người cho nên đã bị người lừa dối chua cay…

- Lại ca cải lương nữa rồi! Tôi phải đi họp, xin lỗi ông – Liêm nói và giơ tay xem đồng hồ.

- Còn lúc nào nữa, em ới! Anh sắp phải đi xa rồi. Anh muốn biết ý em thế nào, liệu chúng ta có cùng hội cùng thuyền được không?

- Này, thôi đi ông. Ông có thể đi được rồi đấy! Tôi với ông là hai người khác nhau. Ông đã đe dọa, khủng bố và bỏ tù tôi chỉ vì tôi đấu tranh cho một đứa bé bị chết oan! Bây giờ tình thế đảo ngược rồi, tôi chỉ kêu lên một tiếng là người ta ập đến xích tay ông đi ngay. Nhưng ông là kẻ tàn tật, tôi không nỡ làm như thế. Ông nên biết điều rút đi thì hơn, không nên để xẩy ra điều đáng tiếc! - Vừa nói Liêm vừa giơ tay đẩy San ra cửa.

- À, nếu thế thì thôi… Hừ… Tôi cứ tưởng rằng…

San lúng túng nói rồi lật đật dắt xe đi ra.

Hai hôm sau, chị Liêm bắt đầu đứng bán ở quầy rau mậu dịch. Mỗi khi đứng ở quầy bán hàng, nhác thấy ai đi qua có cái dáng nho nhỏ lệch lệch thì chị lại giật mình tưởng San đến, thế là chị vội đứng thẳng lên và cầm lấy nắm quả cân, chuẩn bị đối phó.

Nhưng sự thực San đã đi xa rồi. Sau đêm ấy, người trong Ngõ Cây Bàng không ai còn nhìn thấy hắn ở đâu nữa.

Có tiếng gõ vào cánh cửa, lúc ấy trời vừa sáng, Vọng còn đang ngái ngủ trên giường, nghe tiếng nói rất trẻ cất lên:

- Có ai ở nhà không đấy ạ?

Vọng vùng dậy, chạy ra.

Một cô gái nhỏ nhắn mặc áo sơ-mi màu trứng sáo tóc tết sam, tay cầm túi, nhẹ nhàng đi vào trong nhà.

- Chào chị ạ! - Vọng chào và nhìn quanh.

- Ở nhà chỉ có một mình em thôi à?

- Chị hỏi mẹ em hay chị em?

- Chị hỏi em - Chị nói rồi ngồi xuống ghế - Em cho chị biết ở trong nhà ta có bao nhiêu em đang ở tuổi đi học, đã học đến đâu rồi? - Chị vừa nói vừa giở sổ lấy cái bút máy ra ghi.

- Ở nhà em có em, em gái em, còn anh em đi vắng chưa về…

- Em nói chậm cho chị ghi danh sách nhé.

- Để làm gì, hả chị?

- Để chuẩn bị mở trường lớp cho các em đi học.

- Mở trường học ạ! - Vọng reo lên - Trường ở đâu, hả chị? - Vọng hỏi và ngôi nhà hình lục lăng của lão Cai Thực lại hiện ra hình ảnh cuối cùng: những tia chớp lóe và những tiếng nổ Vọng như còn nghe tiếng thở hào hển của bà Vú Êm chạy trong ngõ nhỏ. Mồ hôi, đêm đó trời lạnh mà người hai bà cháu mồ hôi đầm đìa…

- Trường sẽ xây. Trong ngõ của chúng ta sẽ xây trường và làm đường. Công việc nhiều, mọi người cùng phải tham gia, người lớn làm việc lớn, các em nhỏ làm việc nhỏ, em cố gắng tham gia nhé?

- Vâng ạ! - Vọng đáp và thấy người lâng lâng như thật như mơ. Hình ảnh trường học cũ và lão Cai Thực lại hiện ra với cái ba-toong và con chó Lài có cái lưỡi thè đỏ rực. Hình ảnh lão Chưởng bạ với cái áo dạ đến bốn mùa trùm lên tận đầu với tiếng ho sù sụ, những bãi nước bọt dính đờm vàng khè nhổ quanh lớp, lại hiện ra với những đòn trừng phạt học sinh: bắt úp mặt vào tường, đeo bảng đúng cuối lớp, chụm năm đầu ngón tay lại để thày vụt thước kẻ lên, cũng có khi cái thước kẻ lao vút vào đầu buốt tận óc… Tất cả đã qua rồi, vĩnh viễn qua rồi…

“Em sẽ cố gắng làm mọi việc để được đi học, cô giáo ạ” - Vọng muốn nói như thế nhưng không sao nói được nên lời.

Bên ngoài, gió lào xào. Lại một mùa thu nữa đang đến. Những chiếc lá bàng thoảng lúc lại rơi xuống. Nhưng Vọng không nghe thấy được vì tiếng nó rơi bị lấp đi trong bao nhiêu tiếng độngc ủa cuộc sống mới những ngày đầu… Leng keng! Leng keng! - Tiếng chuông của một cái xe nào kêu lên lanh lảnh làm Vọng giật mình, quay ra. Một bà cụ già đẩy cái xe có hai bánh sắt trên để một cái thùng sắt vuông to có cái chuông ở phía sau mỗi lúc bà đẩy xe cái chuông lại kêu lên. Bà quét rác và lá khô trên đường đổ vào trong thùng sắt.

- Cháu đấy à? - Một tiếng hỏi nhỏ và khàn cất lên sau cái khẩu trang. Vọng ngẩng lên và reo to:

- Bà Vú Êm! Bà Vú Êm!

- Bà đi làm thử thôi, tự bà nhận làm việc này. Bà nghĩ nếu không làm gì cứ ngồi chơi thì buồn lắm. Các anh ấy bảo bà sẽ đi giữ trẻ nhưng còn phải chờ tổ chức nhà trẻ.

Vọng đi cạnh bà Vú Êm và cái xe.

- Cháu ơi, bà vừa được tin thằng con trai của bà rồi. Nó đi chủ lực, các anh ấy bảo thế, chỉ một ít lâu nữa là nó về thôi, cháu ạ!

Vọng nhớ đến cái bếp lò than đỏ rực đêm nào và những vụ bắt bớ, bắn giết sau đó, khi lão Cai Thực bị chết.

- Bà ơi, bây giờ bà ở đâu?

- Bà vẫn ở tạm nhà chị Phẩm, bao giờ thằng con trai bà về, sẽ có nhà cháu ạ! Họ bảo sẽ chia chính cái nhà Cai Thực cho những người nghèo ở, bà đã bỏ bao nhiêu công sức, bao nhiêu năm làm cho cái nhà ấy… Các anh ấy bảo thế, cháu ạ. Nhưng bà nghĩ bà ở đâu cũng được, miễn là có chỗ ở. Còn cái nhà to mát như thế nên để các cháu học…

Bà Vú Êm nói rồi lại đẩy xe đi, cái chuông lắc lên những tiếng kêu vui vẻ, giòn giã.

*

* *

Em thương,

Nhẽ ra anh về thăm em từ đầu tháng này nhưng mắc công việc đột xuất nên lại đợi khi khác. Chắc em mong chờ và giận anh lắm. Anh biết nhưng mong em thông cảm cho anh. Anh đâu muốn như thế mà do công tác cách mạng yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề chẳng thể bỏ cho ai. Chắc em cũng bận nhiều công việc lắm. Anh ở xa chẳng giúp được em điều gì, nhiều lúc thấy buồn lắm. Mong em cố gắng vượt qua mọi khó khăn để đi lên nhé. Cùng với thư này anh gửi về em một ít tiền nhỏ anh dành dụm được để em tiêu vặt. Anh đã có địa chỉ, em gửi thư cho anh nhé? Nhớ em. Khiết.

Hạnh để những tờ tiền trên bàn tay và nhìn ngắm mãi như thể lần đầu tiên trong đời chị nhìn thấy những đồng tiền. Vẫn là những tờ giấy quen thuộc, mòn nhẵn và rách nát mà chị nhìn thấy hàng ngày giờ sao trở nên mới lạ, đẹp đẽ và thiêng liêng, cao quý. Chị nâng nó trên tay và chị ấp nó vào trong quyển sổ rồi cất vào giữa những chiếc ao và những cục băng phiến. Còn những lá thư chị để trong túi áo và thỉnh thoảng, những lúc không có ai, chị lại đem ra đọc. Mỗi lần đọc lại chị lại như tìm thấy trong những chữ bao ý nghĩa, tình cảm và thấy người ấm áp hẳn lên. Số tiền nhỏ bé chẳng đáng là bao nhưng chị lại thấy mình trở nên giàu có. Mùa đông đã đến. Mọi công việc đang mở ra bận rộn: người ta lát đá dải đường, đặt cột điện, mắc đèn, xây trường học và các em học sinh lần lượt đến trường. Hy đã về và đã đi học lớp mười, chuẩn bị thi đại học. Cuộc sống dần dần đi vào nề nếp. Một buổi sáng, khi Hạnh đang ngồi xếp lại mấy cái thư vào trong cặp, cạnh gói tiền thì thấy có người vào nhà, bước chân ngập ngừng, do dự. Hạnh ngẩng lên:

- Anh hỏi ai ạ?

- Chị không nhận ra tôi à? Chà, chắc là tôi thay đổi nhiều quá rồi, chắc thế! Người thanh niên nói và dừng lại không bước thêm nữa, nụ cười cũng như ngừng lại và trên khuôn mặt thoáng vẻ bối rối - Chị Hạnh nhiều việc nên quên, còn tôi vẫn nhớ đến cái đêm cháu Phác, con chị Phẩm bị chết và chị Hạnh đã ra đi như thế nào…

- A! Tôi nhớ ra rồi, đêm đó anh mặc cái ao nâu, anh là anh Bảo, đã có lần anh ở trong hầm nhà tôi… - Hạnh kêu lên và đứng vụt dậy – Anh về đây bao giờ mà sao không đến chơi? Trông anh khác qua…

- Tôi về ngay từ hôm đầu và đến đây mấy lần nhưng không gặp chị chỉ gặp bác gái và các em. Hôm trước, Khiết có nhờ tôi chuyển hộ lá thư chắc chị đã nhận được? - Bảo nói và nhìn thẳng vào mắt Hạnh, đôi mắt anh có thứ ánh sáng hơi lạ, cứ ngời ngợi lên. “Anh cán bộ bí mật này hơi lạ! Không biết rằng trước đây mình đã gặp anh ta ở đâu mà cứ ngờ ngờ mãi. Bây giờ chắc có thể hỏi được rồi.

- Anh Bảo ạ, hôm ấy, gặp anh tôi thấy quen quen mà không sao nhận ra được anh là ai, hình như trước đó tôi đã gặp anh ở đâu rồi thì phải.

- Chưa gặp bao giờ đâu chị ạ, nhưng biết thì đã biết, có lẽ tiếng nói của tôi làm chị có cảm giác đã gặp tôi. – Anh Bảo nói và cười rồi không để Hạnh phải mời, anh ngồi xuống ghế và tự rót nước uống.

- Tiếng anh nói ở đâu nhỉ? - Hạnh ngẩng lên và khuôn mặt chị lúc này sao ngơ ngác và xinh xắn đến thế.

- Bao giờ cũng bắt đầu bằng ba tiếng gõ cửa, Hạnh không nhớ sao? Ba tiếng gõ cửa và ngọn đèn trong nhà Hạnh tắt phụt đi. Rồi có lần Hạnh còn mở cửa nhìn theo tôi. Trong đêm tối, nhưng tôi biết Hạnh cũng có thể nhận được một cái gì ở tôi nhưng tôi không vì thế mà đạp xe nhanh để lẩn tránh vì tôi tin Hạnh, Hạnh không phải là người phản phúc…

- Trời ơi, ra người bí mật đêm đêm vẫn đến bỏ tài liệu truyền đơn vào nhà em là anh đấy! Ô, lạ quá nhỉ, thảo nào, gặp anh em cứ ngờ ngợ… - Hạnh reo lên và chạy đến gần Bảo – Sao anh không nói với em ngay để em phải nghĩ mãi không ra? Thế hồi đó anh làm gì, ở đâu?

- Hồi đó tôi dạy học.

- Thế còn bây giờ?

- Bây giờ tôi trở lại nghề dạy học của mình.

- Bây giờ anh dạy trường nào?

- Tôi đã nhận công tác ở đây ngay từ ngày đầu, Hạnh không biết sao? Cô phụ trách thiếu niên không nghe các em nói gì? - Lại đến lượt Bảo ngạc nhiên trố mắt nhìn Hạnh.

- À, có! Em có nghe chúng nó nhắc đến một ông hiệu trưởng nào đó tên là Bảo mới về hiền lắm, em cứ tưởng là ai, không ngờ anh! Ô, nhiều chuyện lạ thật! Vui quá! Thế thì thày hiệu trưởng hôm nay phải ở lại đây ăn cơm với các em học sinh nhé! Nghe nói lớp bổ túc sắp mở, anh ghi tên cho em đi học với!

- Nhất định rồi! Hôm nay tôi đến đây vừa để thăm Hạnh vừa để nói với cô về chuyện đó. Hạnh chịu trách nhiệm về công tác bổ túc nhé!

- Vâng, để em xem thế nào đã.

- Khiết đã về nhà chưa? - Bảo chợt hỏi cắt ngang câu chuyện.

- Anh ấy chỉ viết thư chứ chưa về lần nào, không hiểu tại sao, trong khi bao nhiêu người khác đều đã về cả rồi. – Hạnh thở dài.

- Cậu ấy được trưng dụng vào đoàn Cải cách ruộng đất, có thể bận chưa về được. Thành ra, các bạn chưa cho anh em ăn kẹo. - Bảo nói và lại cười, nhìn khuôn mặt đỏ lên của Hạnh – Bao giờ đấy?

- Đã định gì đâu, thế còn anh? - Hạnh ngước nhìn Bảo.

- Tôi thì hoàn toàn theo ý của Liêm.

- À… Liêm… Chị ấy bí mật quá! - Hạnh reo lên…

- Đã ra đâu vào đâu… mọi việc cứ tạm để đấy. Hạnh cố gắng công tác và thu xếp đi làm cho ổn đã, tôi cũng nói với Liêm như thế. Ơ, bác đi đâu lâu nhỉ, hôm qua tôi đến cũng không thấy?

- Mẹ em đi với một bà bạn lên mạn ngược, chẳng hiểu buôn bán gì mà đi những mấy ngày chưa thấy về, cả nhà đang lo quá.

- Đi với ai thế?

- Một người, mẹ em mới quen trong lần về quê đón thằng Hy ra, không phải người vùng này, anh ạ! - Vẻ lo lắng hiện lên trên nét mặt Hạnh khi nhắc đến mẹ.

- Chắc tàu xe đông nên về chậm đấy thôi chứ chẳng có chuyện gì đâu. Hạnh ạ! Bác cũng già rồi, có lẽ rồi cũng phải kiếm một công việc gì làm ở nhà nhẹ nhàng phù hợp với tuổi chứ đi chợ mãi thế không được đâu.

- Em cũng muốn thế nhưng trước mắt chưa tìm được công việc gì cho mẹ em và cả cho em nữa, anh xem, có thể giúp em được không?

- Tôi sẽ cố, nhưng những việc như đứng máy và làm công nhân liệu Hạnh có làm được không?

- Việc gì em cũng làm được cả miễn rằng công việc đó đừng có nay làm mai thôi.

- Bây giờ làm gì có như vậy. Nhưng dù có đi làm Hạnh vẫn phải đi học thêm nhé. Phải học bằng bất cứ giá nào tôi cũng nói với Liêm như thế… - Bảo đứng lên – Thôi bây giờ tôi phải có việc, khi khác gặp nói chuyện thêm. - Bảo nói rồi đi nhanh ra ngoài.

Vọng chạy về nhà như một cơn gió lốc, lao vào người chị:

- Chị ơi, mẹ về chưa?

- Chưa thấy.

- Sao mẹ đi lâu thế nhỉ? - Mặt Vọng sịu xuống, đôi môi cong cong gần như mếu.

- Trước khi đi mẹ có nói gì với mày không.

- Mẹ bảo em ở nhà ngoan, nghe lời anh chị về mẹ mua cho một hộp mầu mười sáu ô.

- Hộp màu mười sáu ô để làm gì?

- Để em tập vẽ. Chả là… ngày trước em có một cái ống… - Vọng vắn tắt kể lại chuyện cái ống cho chị nghe. Mặt Hạnh nhăn nhó và vẻ bực bội càng hiện lên:

- Thế thì tao chịu mẹ! Mẹ chẳng nói gì với tao cả, mà đi với ai cơ chứ! Thế lúc mẹ đi mày có biết không?

- Bà béo đến rủ mẹ, mỗi người xách một cái làn. Bà ta mặc một cái quần trông cứ như là giấy bóng ấy. Còn mẹ thì mặc cái quần cũ đã vá hai miếng. Bà ta bảo: Đi chuyến này về bác may lấy mấy cái quần thế này mà mặc tội gì mặc quần vá như thế? Em thấy mẹ cười. Trong lúc ngồi chờ mẹ xếp dọn bà ta ăn trầu…

- Điều ấy quan trọng gì, cái chính tao muốn biết bà ta tên gì, làm gì, ở đâu, rủ mẹ đi đâu, làm gì… Còn bà ta ăn mặc như thế nào thì mặc kệ bà ấy. - Hạnh nói to như quát và một nỗi giận dỗi vô cớ làm người Hạnh run lên. Vọng tưởng như chị có thể đánh mình, may sao, vừa lúc đó có một người đi đến:

- 247 có thư! - Một tiếng nói khàn khàn.

- Lại thư nữa, tao chán thư lắm rồi, người chẳng thấy đâu chỉ thư với từ mãi! - Chị Hạnh nói và đứng nguyên chỗ cũ không buồn chạy ra cửa. Vọng phải chạy ra nhận cái phong bì to nặng trĩu với quyển sổ: ký vào đi, ai là bà Ngoạn?

- Cháu là con, mẹ cháu đi vắng. - Vọng đáp và ký vào quyển sổ rồi bóc nhanh cái phong bì - Chị Hạnh ơi, thư của bố, gửi từ xa lắm về, chị ơi, chị xem này!

Chị Hạnh như bừng tỉnh, chị chạy lao ra cửa, giằng lá thư trên tay Vọng. Chị đọc hết tờ giấy này đến tờ giấy khác rồi chị buông tay, ôm mặt khóc nức nở. Những tờ giấy rơi xuống bay tản mát khắp nhà. Vọng nhặt tất cả những tờ giấy lại và chạy đến gần chị. Hạnh giơ tay ôm em vào lòng:

- Em ơi, như thế là bố không còn nữa. Bố đã hy sinh trước khi hòa bình có hai ngày.

Vọng bỗng thấy đất dưới chân mình như trôi đi. Hình ảnh bố hiện ra trước mắt nó chưa bao giờ rõ ràng đến thế. Một người đàn ông cao gầy từ khi bị đuổi không được dạy học hay đi ngoài phố hết nơi này đến nơi khác hết ngày này sang ngày khác, mùa xuân rồi mùa hè. Đôi giày vải cũ mòn và rách mũi dẫm mai trên mặt đường nắng cháy bỏng. Mệt mỏi, đói khát và nỗi thất vọng chán nản đã làm cho bố không sao nhắc chân lên được. Bố đứng tựa lưng vào cột đèn giữa đường rong nắng trưa tháng sáu bỏng rát. Bố thấy nhựa đường như trôi dưới chân, như bố đang đứng trên một dòng sông đen.

- Ê, ê, đứng làm gì lâu thế, lão kia? Một tên cảnh sát có hàng ria mép cong như ria mép con sén tóc đi đến gần tay vung vẩy cái dùi cui. Bố giật mình, đứng thẳng lên và đáp:

- Tôi mệt, đứng nghỉ chân.

- Sao lại nghỉ ở đây? Đây không phải là chỗ nghỉ. Đi! – Tên cảnh sát quát lên.

Bố bước đi. Nỗi bực tức đã dắt bố đi nhanh về nhà. Vừa nhìn thấy bố, Vọng kêu lên:

- Ô, sao bố lại đi đất thế kia? Giày của bố đâu?

Bố nhìn xuống chân, lúc ấy bố mới nhận ra chân mình đi đất. Nhựa đường dưới nắng trưa tháng sáu đã giữ đôi giày rách của bố lại rồi! Sau đận ấy ít lâu bố đi không về nữa. Mẹ mong chờ, cả nhà mong chờ và hy vọng một ngày nào đó bố trở về. Bây giờ thì bố không bao giờ về nữa. Không bao giờ còn bố nữa để mà mong chờ!... Nước mắt Vọng chảy xuống và cả người Vọng như cũng đổ xuống.

- Vọng ơi! Đi đến trường học, mày! - Tiếng gọi nâng đỡ Vọng dậy. Vọng ngồi lên và nhìn ra. Nó thấy Hồng giữa những quầng xanh đỏ. – Tao không đi đâu, hôm nay tao nghỉ học. - Vọng nói và giụi mắt.

- Không được thế, em phải đi. - Chị hạnh nói và đưa cho em cái khăn mặt – Dù bố không còn nữa như em phải học tốt.

Vọng thất thểu đi đến trường. Trong cái nhà trẻ cũ nhỏ lợp lá, trẻ con ngồi vòng trong vòng ngoài, chật ních.

- Thày ạ! Thày ạ! - Tiếng chào nhao nhao lên..

Thày hiệu trưởng bước vào. Vọng trố mắt, kêu lên:

- Anh Bảo!

- Thế này thì chật chội quá, chúng ta còn phải thở nữa chứ? – Đôi mắt dài và sáng, thày hiệu trưởng vừa nói vừa cười và gật đầu chào tất cả học sinh bằng ánh mắt đầm ấm.

- Các em thấy không, chúng ta học như thế này thì quá chật chội. Như thế này thì chỉ ngồi chơi nghe kể chuyện là được thôi, chứ còn học thì cả thày và trò đều chịu! Vì thế cho nên, hôm nay, chúng ta khai trường bằng việc chuẩn bị khởi công xây trường mới. Các em có muốn học trường mới không?

- Có ạ! Có ạ! - Tiếng đáp ào lên như sóng.

- Thế thì các em phải cố gắng đóng góp sức mình vào công việc chung người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3