Ngõ Cây Bàng - Chương 08 - phần 3
Tất cả những đứa trẻ trong Ngõ Cây Bàng đều hiểu chúng phải làm gì khi thấy những xe bò chở nứa, lá và vôi gạch đến đổ trên bãi đất trước mấy cái hố dài ngoẵng trong ngõ số 10.
Trong khi đó, có những người công nhân ở đâu đến đem theo những cái xe đẩy nhỏ và những cái cuốc chim. Họ cuốc mặt đường lên, san chỗ cao xuống chỗ thấp. Rồi những cái ô-tô to tướng chở cát, đá to, đá nhỏ đến đổ ở đầu các ngõ. Cả con đường dài bộn bề, ngổn ngang những đất đá.
- Thưa thày, chúng em phải làm gì ạ? – Có tiếng hỏi.
- Công việc sẽ nhanh hay chậm tùy ở các em. Năm nay chúng ta sẽ khai giảng muộn. Trước khi vào học các em phải lao động và cô giáo Oanh sẽ giúp các em ôn tập, kiểm tra lại trình độ học tập của các em. Các em có ý kiến gì thì cứ nói.
Vọng không nói gì chỉ lặng yên ngồi nghe các bạn phát biểu. Nỗi buồn trong một lúc khuây đi giữa bạn bè quây quần và những việc làm mới mẻ chờ đón. Nhưng khi về đến nhà nhìn thấy chị đã để ảnh bố lên giường thờ và khói hương nghi ngút thì nó lại không cầm được nước mắt. Người đến chơi hỏi thăm ngồi chật trên cái giường và nói chuyện không ngớt. Họ nhắc lại những kỷ niệm với ông Ngoạn, nhắc lại những chuyện của gia đình. Nhiều nhà có người đi chưa về, nhiều nhà cũng có người đã hy sinh đã biết tin hoặc chưa biết tin. Ân vừa đun nước vừa nhăn nhó, mắt đỏ hoe.
- Mày làm sao thế?
- Sao mẹ mãi không về? Ngày mai em phải đi lao đổng ồi, em phải vào tổ đun nước và quét dọn vệ sinh, còn những bạn khác lớn hơn thì lao động như là cuốc như là khênh đá hoặc gánh, xúc. Thế còn chị, chị phải làm gì?
- Làm gì cũng được!
Vọng không phải chỉ nói mà làm thực sự. Sáng hôm sau, Vọng đến chỗ tập trung rất sớm với đôi quang sảo nhỏ.
- Gánh nhẹ thôi em nhé, không nên cố gắng quá sức, ảnh hưởng đến cột sống! – Cô giáo Oanh phụ trách nhóm những em gái nói. Nhưng rồi cô giữ quang của Vọng lại – Nhưng mà này, nhóm của em đâu, đủ chưa mà đã làm. Phải tập trung đủ cả mới làm chứ?
Vọng ngẩn người ra một lúc rồi đặt quang gánh xuống chạy ù về. Đầu tiên gọi Hồng. Nhà Hồng ở ngay mặt đường, gian đầu của dãy nhà mười gian. Đó là một ngôi nhà gạch lớn, mái bằng kiên cố. Nhà Hồng đông người nhưng không ai làm gì. Tất cả sống bằng tiền cho thuê nhà (cả dãy nhà mười gian là của gia đình Hồng) và cửa hàng tạp hóa. Cửa hàng bán đủ mọi mặt hàng, hàng khô, hàng ướt, hàng đắt tiền, hàng ít tiền, có cả vải lụa nhưng cũng có cả nước mắm, mỡ, nho khô và đậu, lạc, kim chỉ, sách vở học trò. Bà Ba Tần, mẹ Hồng ngồi trên sập gụ vừa ăn trầu bỏm bẻm vừa bán hàng. Ông Ba thì suốt ngày đi phố với cái xe đạp Pơ-giô bóng nhoáng sơn màu cánh trả, thấy ở đâu có hàng rẻ là mua mang về. Ông là cái bảng giá lên xuống hàng ngày để bà vợ bán buôn không phải hớ. Đám con ông năm sáu đứa suốt ngày thì thụt ra vào sau các quầy hàng lúc miếng đường phèn, lúc nắm nho khô, khi gói mứt, nắm lạc rang rúc tích như một bầy chuột. Những đứa con trai từ lúc còn bé tý đã mỗi đứa một xe đạp, còn những đứa con gái thì có hoa tai nhẫn vàng. Hồng có cả lập lắc. Ông vẫn nói với con và vợ: “Tao còn sồng thì chúng mày không phải lo nhưng ngộ nhỡ tao không may qua đời thì chúng nó cũng có cái vốn, cứ bán các thứ đi thì cũng mở được một cái cửa hàng nhỏ”. Bà Tần bảo Hồng:
- Mày phải tập bán hàng cho nó quen đi chứ.
Mỗi khi mẹ có việc bận phải đi vắng hoặc làm gì trong nhà là Hồng lại tót lên cái sập gụ ngồi bán hàng thay mẹ. Hồng cũng đong đếm, cân đo, nói thách một tý, bớt giá một tý, những lúc hứng lên Hồng cũng lấy một miếng trầu bỏm bẻm nhai, môi đỏ choét.
Lúc Vọng đến gọi thì Hồng đang cúi xuống đong nước mắm bán không ngẩng lên, Hồng hỏi:
- Mua gì đấy?
- Tớ đến gọi đằng ấy đi lao động. - Vọng vừa nói vừa nhìn bàn tay cầm duộc múc nước mắm dẻo quẹo của Hồng – ngón tay có cái nhẫn mặt đá đỏ óng ánh.
- Hôm nay tớ còn phải bán hàng, mẹ tớ đi lễ chùa đến tối mới về mà cửa hàng thì không thể nghỉ được - Hồng ngẩng lên trả lời Vọng.
- Cô giáo Oanh bảo tớ đến gọi đằng ấy, ai cũng phải làm mới có trường học. Các bạn đứa nào cũng đến cả rồi.
- Ngày trước đi học có phải làm gì đâu nhỉ! Tớ sẽ đóng tiền học nhiều hơn các đằng ấy cũng được chứ đi lao động thì tớ không đi được - Hồng nói và nhổ bã trầu trong miệng đi, bốc nho khổ ăn. - Đến đi học tớ còn bận chưa chắc đã đi được nữa là đi làm. Hay là đằng ấy cứ bảo tớ ốm cũng được. Còn phải đóng góp gì tớ sẽ có ngay. - Hồng nói và mở lọ kẹo bốc một nắm đưa cho Vọng. Vọng từ chối và hỏi:
- Thế đằng ấy định bỏ học à?
- Chưa biết thế nào. Chú tao đi kháng chiến mới về. Chú tao làm to lắm, già rồi lại không có con, chú tao nhận tao làm con nuôi… Nếu cứ bắt tớ làm nhiều thì tớ không học ở đây nữa, tớ lên ở với chú tớ. Ở đây thật là khổ, điện thì không có, nước máy cũng không, đi học lại phải làm trường mới có chỗ học. Mẹ tớ vẫn bảo lên phố mà ở, nhưng bố tớ thì không hiểu sao lại cứ thích ở đây, không chịu bán nhà lên phố ở.
Vọng quay đi, không muốn nghe những câu chuyện liên miên.
- Này, - Hồng gọi giật, - lại đây tớ bảo cái này đã… Đằng ấy hộ tớ, xem có… - Hồng nói và thò tay vào túi áo.
- Cái gì? - Vọng tròn mắt.
- Tớ nhờ cậu, hỏi xem có đứa nào làm thay hộ tớ, tớ cho nó tiền!
- Hứ! - Vọng kêu lên, không nói gì cả và bỏ đi. Vọng chạy đến nhà My. Ông bà Kẹo đã đi làm trên phố. Nhà vắng vẻ. Những cái bếp lò nguội lạnh. My đang nằm trên cái võng mắc giữa hai cây xoan trước cửa vừa đu bổng tít vừa nhai kẹo vừng. Vọng đến gần, giữ đầu võng lại.
- Mày đi đâu đấy, hả Vọng? – My hỏi.
- Cô giáo bảo tao đi gọi mày đến lao động, sao hôm qua họp biết rồi. hôm nay mày lại không đến? Bây giờ đi nhanh lên không muộn rồi!
- Mày nói với cô giáo tao ốm không làm được. – My nói và lại giơ chân đạp vào cây xoan, đu võng bổng lên. Cái võng gạt qua người Vọng làm nó lạng người đi suýt ngã. Vọng thấy mắt mình nóng bỏng.
- Mày có ốm đau gì đâu mà nói thế? Tao không nói dối hộ mày đâu! - Vọng gắt.
- Mày có phải bác sĩ đâu mà biết tao ốm hay không? Ốm hay không thì tao biết chứ? My nói và thản nhiên nhai kẹo coi như không có Vọng ở bên cạnh. Mùi va-ni thơm lừng.
- Tao sẽ mách cô giáo. - Vọng nói và đi ra.
- Cho mày mách! – My cười. Tiếng cười lanh lảnh đuổi theo Vọng ra đến tận đầu ngõ.
“Mình sẽ nói cho cô biết tất cả mọi sự”. Vọng nghĩ như thế, nhưng về đến chỗ làm khi cô giáo Oánh hỏi thì Vọng lại nói:
- Thưa cô, bạn Hồng bận bán hàng vì mẹ bạn ấy đi vắng, bạn My thì bảo là ốm. – Nói rồi Vọng lấy đôi quang sảo của mình đứng tiếp vào đoàn người đang hối hả gánh đất.
- Lại đây, em bé! – Anh thanh niên gọi và khi Vọng lại gần anh xúc vào sảo của Vọng mỗi bên một hòn đất.
- Thêm cho em mỗi bên một hòn đất nữa. - Vọng đề nghị.
- Em gánh thế thôi.
Vọng nhìn thấy trong sảo đất của các chị, người nào cũng gánh đầy, thế là nó tự cúi xuống và để thêm vào mỗi bên một hòn đất nữa, rồi Vọng bước đi, tay vung vẩy. Nhưng được một đoạn đã thấy nặng trĩu. Cái đòn gánh xiết lên vai nó bỏng rát. Nó đặt gánh xuống, ngồi nghỉ, lấy cái khăn mặt trong túi ra, gập tư lại, để lên vai, dưới lần vải áo rồi tiếp tục gánh.
- Eo ơi, con bánh kia gánh đất bằng cổ! - Một tiếng nói cất lên và nhiều tiếng cười tiếp theo.
- Sao lại thế? – Em nào mà trêu bạn như thế là không tốt, em ấy bé mà chịu khó lao động như thế là ngoan, là đáng khen chứ? – Này em, lại đây anh bảo, đi thẳng người lên và bỏ bớt mỗi bên một nửa đi. Đừng làm gì quá sức! Không nên sĩ diện! Anh Bảo, thày hiệu trưởng đi đến và đỡ cái gánh trên vai Vọng.
Mẹ về! Mẹ về đúng lúc đoạn đường trước cửa nhà đã trải đá xong. Vọng nhận ngay ra mẹ từ xa. Nó quẳng đôi quang gánh, chạy đến và ôm chầm lấy mẹ, nó cười nhưng nước mắt lại chảy xuống:
- Mẹ ơi, sao mẹ đi lâu thế? Ở nhà chẳng biết đi tìm mẹ ở đâu. Mẹ đi với ai cả n hà cũng không biết. Đêm nào con cũng ngủ mơ thấy mẹ. - Nó nói, tiếng nọ lấp tiếng kia, mắt nó nhìn mẹ, chăm chăm. Nó nhận thấy mẹ hơi gầy đi nhưng vui vẻ, như thế tức là mọi sự tốt đẹp, không có việc gì xấu xảy ra cho mẹ, còn việc mẹ gầy đi nhưng vui vẻ, như thế tức là mọi sự tốt đẹp, không có việc gì xấu xảy ra cho mẹ, còn việc mẹ gầy là do mẹ đi xa mệt, cái đó là tất nhiên rồi, mẹ chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là mẹ lại khỏe ngay thôi. Đừng nói với mẹ về bố, chị hạnh đã dặn rồi, Vọng nhớ như in khi mẹ hỏi ở nhà có việc gì xẩy ra không thì Vọng lắc đầu và cười vui vẻ. Mẹ đi nhanh vào trong nhà. Cái làn Vọng xách đỡ mẹ nặng trĩu bao nhiêu là hoa quả, bánh trái.
Mẹ vào nhà, ngồi nghỉ một tí rồi tíu tít chia quà, xếp dọn nhà cửa. Chưa bao giờ những đứa trẻ được nhiều quà đến như thế và cũng ít khi chúng thấy mệ vui đến thế. Mẹ đi vào trong bếp và để xuống dưới gậm bếp, cạnh đống củi một cái gói to rồi đi ra cửa, ngóng về phía ngõ chợ, dáng chờ đợi ai. Một lúc sau, mẹ vào nhà và bắt đầu nấu cơm. Mẹ bỏ thịt đậu và cá ra sào nấu mùi thơm lừng lên như nhà có cỗ. Vọng và Ân đến xin phép về nhà làm đỡ mẹ. Mẹ nói:
- Mấy hôm nữa, mẹ lên phố mua cho mỗi đứa một cái áo len và một cái cặp sách, chúng mày phải cố gắng mà học. Cái Vọng hỏi xem hộp mầu mười sáu ô bao nhiêu tiền, mẹ cho mà mua.
-Thôi, mẹ ạ, mẹ đã không có tiền thì mẹ đừng mua, bao giờ có hẵng hay, con còn học văn hóa đã. - Vọng nói và nó thấy thương mẹ vô cùng.
- Sao mẹ lại không có tiền, có nhiều tiền nữa là khác chứ, chỉ từ giờ đến tối là người ta đem tiền đến thôi. Bà bạn của mẹ ấy mà, bà ấy sẽ dẫn người đến lấy hàng là mẹ có tiền, trả hết công nợ rồi vẫn còn nhiều. Mẹ nói và lại nhìn ra cửa.
Bữa cơm ngào ngạt thơm và thịt cá đã nấu xong. Chiều đã xuống, mẹ dọn riêng cơm cho các con ăn trước, còn mẹ thì chờ, đi ra đi vào.
- Chị Hạnh sao đến giờ vẫn chưa về nhỉ?
- Hôm nay chị ấy phải nấu cơm cho những anh công nhân mắc đèn điện ăn, mẹ ạ!
- Nhà mình sắp có điện rồi à? - Mẹ ngơ ngác.
- Đường phố có trước các nhà có sau.
- Tưởng tối nay nhà mình có điện thì vui quá!
- Tối nay chưa có được đâu, mẹ ạ!
Vọng chạy ra cửa và đứng ngóng về phía trước, nó lây nỗi mong chờ của mẹ, nỗi mong chờ và cả niềm vui chan chứa với bao nhiêu hy vọng. Những màu sắc sặc sỡ hiện ra trước mắt nó. Trời ơi, chỉ vài ngày nữa nó sẽ có trong tay hộp màu mười sáu ô mà nó mơ ước! Lại cả áo len và cắp sách nữa! Lòng nó reo vui, chân nó nhảy lên và bụng nó no căng, nó muốn hát nhưng chưa thuộc bài hát mới nào còn những bài cũ thì nó không thích hát. Trời tối dần, nó lau bóng đèn rồi thắp lên và để trên bàn, rồi chạy ra ngoài. Bỗng nó sững người. Ngoài đường chan hòa ánh sáng. Thì ra trong lúc nó ngồi trong nhà ăn cơm nóng với thức ăn ngon thơm thì các anh công nhân đã nối xong những đường dây, hàn xong những mối hàn trên các đỉnh cột và bây giờ ánh áng đèn điện đã chan hòa trong Ngõ Cây Bàng. Ở mỗi cột đèn, người đứng vây quanh, người đọc báo, người đọc báo, người trò chuyện và và trẻ con ca hát, reo hò:
- Mẹ ơi, ra ngoài đường mà xem, điện sáng hơn là ánh trăng tằm, mẹ ạ! - Vọng gọi và chạy về. Mẹ đang ngồi trước bếp lửa, nét mặt lo âu nghĩ ngợi. Nghe tiếng Vọng, bà giật mình:
- Cái gì thế, bà ấy đến rồi à?
- Không có ai đến cả mẹ ạ, con nói là đã có điện ngoài đường.
- Hừ… - Mẹ thở dài và uể oải đứng dậy đi ra ngoài, nhưng không phải là để nhìn ngắm ánh điện và những vùng sáng xôn xao mà là để ngóng về phía đầu ngõ.
Chị Hạnh về. Rồi đến Hy. Đêm đã gần khuya. Một số nhà đã đóng cửa đi ngủ. Mẹ bồn chồn, chạy ra rồi lại chạy vào, nét mặt tự nhiên trở nên hốc hác, xạm đen. Hy bỏ cặp sách xuống, chạy đến nắm tay mẹ, nhìn vào mắt mẹ:
- Mẹ hãy nói thật cho con biết chuyện gì làm mẹ như thế này? mẹ chờ ai? Mẹ phải nói thật với con thì con mới biết cách giải quyết được. Dù sao thì mọi chuyện đã xẩy ra rồi, con không thể để mẹ lo lắng mãi như thế này được.
- Con ơi, cũng vì nhà mình nghèo quá, chứ mẹ đâu có muốn làm điều gì phức tạp để khổ cho các con, nhưng nhà mình… - Mẹ nói và rầu rĩ nhìn Hy.
- Vừa rồi mẹ đi với ai mẹ cũng giấu chúng con như thế là không nên vì nguy hiểm vô cùng. Nhỡ mẹ xẩy ra chuyện gì thì chúng con biết đi tìm đâu? Tình hình bây giờ rất phức tạ. mẹ biết đấy, chúng con bây giờ chỉ còn có mẹ, mẹ làm sao thì chúng con khó sống được, thế mà mẹ lại rất chủ quan…
Mẹ nhìn Hy, người con trai duy nhất của mẹ đã trưởng thành, nó cao lớn và chững chặc trước tuổi từ đôi mắt với những ánh điềm đạm và lặng lẽ. Bà cảm thấy Hy chính là chỗ dựa của đời bà. Bà ngồi im một lúc rồi bảo Hy:
- Con vào trong gậm bếp lấy cái gói giấy bạc mở ra xem trong đó có cái gì? – Bà nói và nhắm mắt lại, chờ đợi.
- Sao mạ lại lạ lùng như thế nhỉ? Sao lại khổ thế mới được chứ? – Hy lẩm bẩm và đi vào trong bếp – Chúng ta đang sống trong cuộc sống khác trước rồi, không nên làm điều gì ám muội để phải giấu diếm, lo sợ thế này…
- Hy, em không nên nói gì mẹ trong những lúc này, mẹ đã đau khổ và lo lắng nhiều rồi, phải thương mẹ - Hạnh bảo em.
Hy vào trong bếp, cầm cái gói giấy và mở tung trước ánh đèn: năm cái bánh nguội ngắt!
- Bóc bánh ra! - Mẹ đã đứng đó từ lúc nào, giọng lạc đi, mặt trắng ra như sáp.
Những tàu lá bị xé tung ra. Năm cái bánh tẻ đã thiu bốc mùi chua loét. Mẹ rú lên, ôm mặt chạy vào trong nhà, nằm lăn ra giường, hai chân dãy lên trong một nỗi đau khổ điên dại.
Những đứa trẻ ngồi quây quần bên mẹ, không ai hỏi gì và cũng không nói gì. Bà Ngoạn rên rỉ và bỗng ngồi lên, hai tay chống xuống giường, tự nhiên nom bà già hẳn đi hàng mấy tuổi.
- Mẹ gặp nó trên chuyến ô-tô ở chỗ đón anh Hy về, nó làm quen rồi rủ mẹ đi lên mạn ngược buôn hạt giống và thuốc lào. Nó bảo nó có người đặt mua, lãi gấp mười vốn. Nó bảo mẹ đưa tiền cho nó và ở ngoài tỉnh chờ nó đi mua hàng trong bản Mèo xa lắm. Mấy ngày sau nó mới ra, nó giấu diếm, nó bảo không được mở, cán bộ biết sẽ bắt. Thế là mẹ cứ ôm cái gói và suốt hai ngày trên tàu mẹ không dám mở. Tàu về gần đến Hà Nội, nó xuống trước bảo đi đón khách dặn mẹ về nhà trước chờ, làm cơm cho nó ăn với, có ngờ đâu, nó lừa mẹ như thế này!
- Thế nhà con mụ đó ở đâu?
- Nó bảo ở 15B phố Hàng Bông, mẹ chưa đến lần nào, không biết có phải không hay là lại địa chỉ ma.
- Thôi, mẹ ơi, của đi thay người, chúng con sẽ làm bù cho mẹ. Chúng con đã lớn rồi, mẹ không phải lo nữa. – Hy nói và đứng lên – Ngày mai con bắt đầu đi dạy học bổ túc buổi tối, có tiền thù lao, mẹ không phải lo tiền ăn học cho con nữa.
Hạnh lấy gói tiền của Khiết gửi về đặt vào tay mẹ:
- Con có ít tiền anh Khiết mới gửi về, mẹ cầm lấy tiêu tạm, anh Bảo đang xin việc làm hộ con, con đi làm thì mẹ không phải lo như trước nữa.
Nước mắt chảy ra trên khóe mắt nhăn nheo của mẹ, bà khóc và ôm chặt lấy bé Ân vào lòng:
- Mẹ già rồi mà con dại hơn đứa trẻ con, mẹ ân hận quá, mẹ làm khổ các con! Ngày mai mẹ sẽ đi tìm nó…
- Mẹ không bao giờ tìm thấy nó nữa đâu, mẹ đừng đi, uổng công vô ích. Với lại, nếu mẹ gặp được nó mà nó không nhận mẹ cũng chẳng làm gì được, có bằng chứng gì cơ chứ?
- Ừ, thôi mẹ không đi đâu nữa…
Mẹ nói thế nhưng hôm sau, trời chưa sáng mẹ đã thức dậy và đi lên phố.
- Mẹ ơi, mẹ đừng đi, con lo lắm. - Hạnh níu tay mẹ lại.
- Con cứ để mẹ đi cho khuây khỏa, chứ ở nhà thì mẹ khổ lắm. - Mẹ gỡ tay con ra và quay đi, giơ tay chùi nước mắt. - Mẹ đi xem có cái gì buôn bán được thì mẹ buôn.
- Thôi, mẹ ạ, đừng đi buôn nữa…
- Nhà mình còn nhiều khó khăn lắm, con ạ!
Một hôm, mẹ về, trời đã tối, vừa đến cửa mẹ đã cất tiếng gọi. Vọng và Ân cùng chạy ra và ôm vào nhà một bó gai màu vàng nhạt, mẹ nói:
- Mẹ sắp vào hợp tác xã rồi. Mẹ sẽ đóng cổ phần, hùn vốn để mua máy. Chúng bay đi học về xé gai giúp mẹ với nhé?
Hôm sau, mẹ thuê một cái xe xích-lô chở về nhà một cái máy nhỏ bằng gỗ. Tất cả máy bằng gỗ chỉ có cái ổ bi là bằng sắt. Cả nhà xúm lại xem mẹ gỡ gai và se gai. Tay mẹ đẩy sợi dây, chân mẹ đạp bàn đạp bằng gỗ. Tiếng kêu cành cạch, cành cạch nghe như tiếng ai gõ cửa. Sợi dây xoắn lại chạy vào trong ống, quấn lại quanh cái lõi gỗ. Một vòng, hai vòng… ống gai đầy, mẹ tháo ra guồng thành từng con dài. Cắt xơ xong, mẹ buộc lại thành từng con. Thế là xong!
- Gai để làm gì thế, hả mẹ? - Vọng hỏi và guồng gai ra giàng.
- Làm nhiều thứ lắm, để đóng đồ da và cả hàng quốc phòng nữa. - Mẹ nói, nét mặt thanh thản. Những lo ấu toan tính bận rộn trước đây làm u ám khuôn mặt mẹ như không còn nữa. Cũng có hôm, vừa làm mẹ vừa bắt Vọng đọc truyện cho mẹ nghe.
Nhà đầy gai. Những bó gai bẹ màu vàng sẫm cứng quèo còn cả vọng mẹ nhận ở ngoài hợp tác xã về đem phơi ra sân suốt đêm. Mưa bụi hay là sương ướt thấm. Những bẹ gai ẩm xìu. Anh Hy lấy vồ đập rập, Vọng và Ân xé gai ra thành những sợi nhỏ rồi búi lại thành từng búi. Gai để trên giường, dưới đất, ngoài sân, treo trong nhà. Màu gai vàng sáng làm cả căn nhà tươi hẳn lên. Tiếng máy gỗ kêu cành cạch nghe vui tai. Buổi tối, cả nhà ngồi quây quanh cái máy, mỗi người mỗi việc. Bà con hàng xóm đến chơi bảo:
- Nhà này trông cứ như một tổ sản xuất.
- Tổ sản xuất thật ấy chứ?
Bà sang xem mẹ làm gai và nhận một ít và nhà làm thử. Bà không có máy nên chỉ khi nào mẹ ngừng lằm bà mới xin ngồi vào tập thử một lúc.
- Bao giờ có tiền tôi sẽ xin vào hợp tác.
- Sao lại phải có tiền?
- Thì có tiền mới mua được máy, mới có cái làm chứ?
- Bà cứ ra hợp tá mà làm, ngoài đó có máy.
Thế là bà Đôi đã đi làm. Sáng đi, chiều tối về bà ôm theo một bó gai để gỡ. Bà không đi quét rác và kiếm củi lang thang khắp nơi nữa. Người bà như béo ra và không thấy bà buồn như trước nữa. Chỉ có khi nào ai nhắc đến thằng Thuấn thì nét mặt bà lại như đổi khác. Bà nhớ lại đêm cuối cùng nó trở về nhà để nhặt nhạnh vơ vét các thứ còn lại và ra đi.
- Con ơi, sao lại thế, hòa bình rồi, ai cũng về nhà, sao con lại bỏ mẹ con đi. – Bà túm lấy tay con, giữ lại.
- Mẹ có đi với tôi thì thu xếp nhanh lên, tôi không ở lại đâu.
- Tao không đi đâu sất, mày cũng không được đi đâu, mày không được bỏ mẹ! – Bà ôm lấy con và vừa nói vừa khóc.
- Bà có chôn sống tôi thì may ra tôi ở xứ này thôi, tôi đi đây, bao giờ có tiền tôi sẽ gửi về cho!
Nó nói và gạt mạnh tay. Bà ngã lăn ra đất. Bà chồm lên bò theo ra đến cửa thì đã không nhìn thấy Thuấn đâu nữa rồi. Sau đêm ấy bà sống vật vờ như người mất hồn. Nhiều ngày bà lang thang trên phố, nhìn vào các hiệu ăn, quầy rượu, nhưng chẳng ở đâu bà còn thấy Thuấn. Bà con hàng xóm an ủi, giúp đỡ bà.
Và, thế đấy, một năm sau bà đã là một xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp.