Én Liệng Truông Mây - Hồi 02 - Phần 1

HỒI THỨ HAI

Phố Hội An phát hiện âm mưu lớn

Ô Long đao đại chiến kiếm Ỷ Thiên.

*

Minh Giác thiền sư vào thành diện kiến Võ vương lúc đang thiết triều, có đông đủ bá quan ở đó. Thiền sư tâu:

- Tâu vương thượng, bần tăng có việc hệ trọng muốn trình lên vương thượng. Xin vương thượng đích thân ngự khán rồi quyết định cho.

Tâu xong ngài lấy phong thư của Vô Danh thiền sư trao cho người hầu cận dâng lên Võ vương. Võ vương đọc qua, nét mặt lộ rõ vẻ vui mừng:

- Hay lắm! Ta vừa xưng vương lại được kho vàng này thì đúng là lòng trời hướng đến vương quốc của ta rồi. Quan Ngoại tả hãy xem đây.

Võ vương trao bức thư cho Ngoại tả Trương Phúc Loan bảo:

- Quan ngoại tả hãy đọc lớn lên cho mọi người nghe đi. Hà! Thật là song hỉ lâm cung!

Phúc Loan cúi đầu:

- Thần tuân mạng!

Rồi giở thư ra đọc lớn:

“Muôn tâu Vương thượng,

Bần tăng là Vô Danh ở núi Bích Khê huyện Phù Ly phủ Quy Nhơn, đã có duyên cùng sư huynh Minh Giác diện kiến Vương thượng trong đại điển đăng quang. Nguyên vì tệ đồ có cơ may phát hiện ra một mỏ vàng trong vùng núi Kim Sơn, thuộc ranh giới huyện Phù Ly và Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn. Vì biết đây là tài sản quí giá của nước nhà nên bần tăng viết thư này trình lên Vương thượng, cúi mong Vương thượng mau chóng cử Khâm sai đến Phù Ly để tiếp quản kho báu quốc gia.

Cầu Vương thượng tuế tăng vạn tuế.

Vô Danh kính thư.”

Bá quan nghe xong ai nấy đều mừng rỡ, tất cả đồng quì xuống tung hô:

- Chúng thần xin chúc mừng vương thượng! Như vậy là trời đã thuận ý với việc xưng vương của vương thượng nên mới ban cho kho báu để vương nghiệp bền vững đời đời. Từ nay lời sấm hoang đường kia sẽ không còn đáng lo ngại nữa. Cầu vương thượng tuế tăng vạn tuế.

Võ vương cười hớn hở:

- Các khanh hãy bình thân. Ta có lời khen ngợi đến Vô Danh thiền sư và sư phụ Minh Giác. Các khanh hãy đề cử xem ai có thể làm khâm sai trong việc này?

Ngoại tả Trương Phúc Loan lên tiếng:

- Tâu Vương thượng, theo ý của hạ thần ta nên giao cho Bộ hình. Quan Thượng thư hình bộ Tôn Thất Dục xưa nay nổi tiếng chí công vô tư, đảm trách việc này là thích hợp nhất.

Nội hữu Trương Văn Hạnh cũng tâu:

- Tâu Vương thượng, lời đề nghị của quan ngoại tả thật hợp lý.

Võ vương phán:

- Tốt, ý các khanh giống ý ta. Vậy ta cử hoàng thúc Tôn Thất Dục làm khâm sai đi Phù Ly tiếp quản kho vàng. Hoàng thúc thu xếp ngày mai lên đường. Quan công bộ truyền lệnh của ta xuống địa phương để giúp cho khâm sai. Mọi việc không được sơ sót.

Tôn Thất Dục biết Trương Phúc Loan có ý mang đến cơ hội phát tài cho mình trong dịp này để cầu thân nên thầm cười trong lòng. Ông lên tiếng:

- Tâu Vương thượng, hạ thần xin tuân lệnh.

Rồi quay sang Trương Phúc Loan:

- Tạ ơn nhạc phụ đã đề cử.

Tôn Thất Dục là con trưởng của thiếu sư Luân Quốc công Tôn Thất Tứ, tức hoàng tử thứ tám của chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông học rộng tài cao, được triều đình nể trọng, hiện giữ chức Hình bộ thượng thư, tính ngay thẳng vô tư. Từ khi Chúa Võ lên ngôi, Phúc Loan đã tìm mọi cách mua chuộc lòng của Chúa, bày ra những trò ăn chơi và đẩy dần Chúa Võ đi vào con đường trụy lạc, truy hoan, trong khi đó ông ta tạo bè kết phái, tăng thêm vây cánh trong triều để củng cố thế lực cho mình. Thấy Tôn Thất Dục là người có nhiều uy tín, Phúc Loan gạ gẫm gả con gái út cho, Dục không chịu, Phúc Loan bèn nhờ Chúa Võ tứ hôn. Tôn Thất Dục đành phải cưới con gái của Phúc Loan.

***

Sáng hôm sau khi gặp sư Minh Giác, thầy trò Võ Trụ lên đường rời Phú Xuân trở về Phù Ly. Họ qua đò sông Hương từ sớm tinh mơ, phóng ngựa vượt đèo Hải Vân xuống đến sông Thu Bồn, Võ Trụ nói:

- Chúng ta ghé thăm phố Hội An một chuyến cho con mở rộng tầm mắt. Nơi này có đủ các mặt hàng trên thế giới, thầy muốn xem có gì lạ mua về tặng cho cô con làm quà, nhân tiện ghé thăm người bạn cũ.

- Hay quá! Con cũng sẽ mua cho em Doan một món quà mừng tuổi nó. Chắc sau này nó sẽ nghịch lắm, mới năm tuổi mà phá phách, miệng thì lém lỉnh như đứa trẻ lên mười. Nhiều lúc con và cô mệt đứ đừ vì nó.

- Bởi vậy nên con hay gọi nó là thằng Lía phải không?

- Dạ, con chỉ gọi yêu thế thôi, nếu thầy cô không thích thì con sẽ không gọi nữa.

- Không sao. Nó cũng tía lía thật đấy chứ.

Thầy trò Võ Trụ ghé Hội An khi trời đã ngả về chiều. Họ thả ngựa đi khắp nơi để ngắm phố phường. Doãn Trọng Hào than:

- Thầy xem, ở đây thật đông đúc, sầm uất. Không bù với quê mình thật nghèo nàn, cô tịch. Ước gì đất nước mình nơi đâu cũng phồn vinh giàu có như ở đây thì hay biết mấy.

- Đây là cửa ngõ chính để nước ta giao thương với nước ngoài, làm sao các nơi khác so bì được. Nhưng con phải nhớ mỗi nơi đều có giá trị riêng của nó. Tất cả những giá trị riêng đó góp lại mới thành cái chung cho cả một quốc gia, xã hội. Bởi vậy chúng ta sống ở nơi thôn dã thì lo việc của thôn dã, người khác ở nơi đô hội bán buôn thì lo việc của họ. Từng cá nhân làm tốt việc của mình sẽ giúp cho cả đất nước được giàu mạnh, trù phú và đa dạng.

Trọng Hào bẻn lẻn:

- Con chỉ là buột miệng so sánh thế thôi chứ không có ý chê quê mình.

Chợt nó reo lên:

- Thầy ơi, mình vào cửa hàng này thử xem. Có người Nhật ở đó. Kế bên lại có cửa hàng người Tây Dương nữa kìa.

Cả hai liền cột ngựa, bước vào cửa hàng Nhật. Ở đó bán kiếm và các đồ chạm trổ thủ công mỹ nghệ. Người bán hàng tuy là người Việt nhưng ăn mặc theo lối người Nhật, thấy khách vào anh ta bước đến chào theo lối chào Nhật Bản.

- Quí khách có cần chúng tôi giúp gì không?

Võ Trụ nói:

- Chúng tôi muốn mua vài thanh đoản kiếm. Nghe nói đoản kiếm của Nhật rất sắc bén.

Người bán hàng vội lấy hai thanh đoản kiếm ra đưa cho Võ Trụ và Trọng Hào rồi giải thích:

- Kiếm Nhật nổi tiếng trên thế giới về độ sắc bén nhờ chất lượng kim loại tốt. Người Nhật luyện kiếm rất công phu vì nó đã được nâng lên thành “đạo”. Vào thời Mạc Phủ ở thế kỷ 12, giới Samurai đã sử dụng kiếm với tinh thần “Kiếm còn người còn, kiếm mất người mất”. Đến giai đoạn thanh bình thời Edo đầu thế kỷ 17, khi Phật giáo và Thiền tông phát triển lớn mạnh ở Nhật, kiếm thuật được kết hợp với tinh thần thiền học, đưa tầng lớp Samurai Nhật và kiếm đến chỗ hoàn thiện hơn trong kĩ thuật sử dụng kiếm và tinh thần của người Samurai qua tư tưởng đạo. Kiếm đạo Nhật Bản ra đời từ đó. Thanh đoản kiếm quí khách đang cầm trên tay là vũ khí người Samurai dùng mổ bụng tự sát để bảo toàn danh dự kiếm sĩ của mình khi cần thiết.

Trọng Hào chăm chú nghe người bán hàng giảng giải về kiếm đạo Nhật tỏ vẻ khâm phục:

- Người kiếm sĩ Nhật thật là tuyệt diệu! Thầy ơi, con muốn mua năm thanh kiếm này cho con và các sư huynh.

- Được, con chọn kiếm đi. Chọn cho thầy một cây luôn.

- Vậy công tử muốn mua loại đoản kiếm Tanto dùng trong nghi thức Seppuku, nghi thức mổ bụng tự sát phải không? Đây, đây là những thanh kiếm vừa đẹp vừa sắc bén vô cùng.

Người bán hàng rút một thanh đoản kiếm ra khỏi bao, đưa lưỡi kiếm lên và nói:

- Công tử thử bứt một sợi tóc rồi thả tự do lên lưỡi kiếm xem.

Trọng Hào bứt một sợi tóc và thả lên lưỡi kiếm. Sợi tóc đứt làm hai rớt xuống. Nó kinh ngạc la lên:

- A! Quả là vô cùng sắc bén!

Võ Trụ gật gù:

- Con đã thích nó thì phải sống cho đúng với tinh thần của nó.

Trọng Hào nghiêm sắc mặt:

- Dạ, thưa thầy. Con sẽ sống như thế cho đến cuối đời.

Võ Trụ hỏi người bán hàng:

- Ở đây có bán kiếm Tàu và Việt không?

- Thưa không. Ông có thể ghé sang phố Phúc Kiến, ở đó có cửa hàng kiếm Kinh Kha. Họ có nhiều kiếm báu lắm.

Võ Trụ trả tiền xong cùng Trọng Hào dắt ngựa sang phố Phúc Kiến mua sáu thanh kiếm quí cho mình và năm đệ tử. Đêm đó họ ghé lại khách điếm Cao Lầu ở phố Phúc Kiến để nghỉ ngơi.

Cao Lầu là một khách sạn lớn, tuy không phải loại sang trọng nhưng phòng ốc rất tươm tất, sạch sẽ. Hai dãy phòng xây đối diện nhau cùng nhìn ra một cái sân nhỏ có trồng mấy luống hoa và những chậu cây cảnh. Cuối dãy phòng là chuồng ngựa, phía trước là một nhà lầu cao hai tầng. Tầng dưới bán đủ những món ăn bình dân còn tầng trên đặc biệt chỉ bán món cao lầu. Lúc thầy trò Võ Trụ bước lên lầu, thực khách rất đông, đủ mọi hạng người: Tây, Nhật, Tàu và người Việt. Họ đã ngồi chật kín các bàn, chỉ còn duy nhất một chiếc bàn trong góc phía bắc. Thầy trò Võ Trụ đến ngồi ở đó. Một người bồi bàn chạy đến hỏi:

- Hai vị dùng chi?

Võ Trụ trả lời:

- Đến đây tất nhiên là phải ăn cao lầu rồi. Cho hai tô, một bình mai quế lộ nhỏ và một chai rượu nếp trắng nhỏ.

Người bồi bàn tươi cười nói:

- Quí khách hình như lần đầu ghé quán này, vậy mà lại chọn món ăn và thức uống rất đúng cách. Chúng tôi sẽ mang ra liền.

Nói xong anh ta quay vô bếp. Trọng Hào hỏi:

- Thầy mới đến đây sao lại biết họ có những thức ăn thức uống này?

Võ Trụ mỉm cười:

- Lúc còn là lính thủy ở Đạm Thủy, thầy có ghé ra đây vài lần. Quán này có từ lâu lắm rồi, họ đặc biệt nấu món cao lầu ngon nhất Hội An.

- Sao lại gọi cao lầu? Có phải vì ngồi ăn trên lầu cao nên gọi thành tên không?

Võ Trụ gật đầu:

- Hình như cái tên cao lầu bắt nguồn từ thói quen này.

Anh bồi bàn mang đồ ăn và rượu bày trên bàn. Thật ra, cao lầu chỉ là một món mì gần giống với mì Quảng nhưng sợi lớn hơn và có màu vàng. Điểm đặc biệt của sợi mì cao lầu là phải được ngâm với tro của một loại cây chặt về từ cù lao Chàm ngoài khơi biển Hội An. Sợi mì thơm và dai, khi nhai nghe sựt sựt, thêm vào đó là những loại rau thơm tạo nên một hương vị đặc biệt mà những món ăn khác không thể có.

Chiếc bàn kế bên có ba người Hoa, một tên mặt lạnh như tiền, hai tên khác vẻ mặt hung dữ. Họ cùng ăn cao lầu với hai người Việt nữa và đang nói chuyện rất nhỏ bằng tiếng Việt lơ lớ. Võ Trụ vốn thính tai nhưng cũng không thể nào nghe ra họ đang bàn chuyện gì, nhưng nhìn cung cách có lẽ chuyện rất quan trọng và bí mật. Ăn uống xong hai thầy trò trở về phòng.

Trọng Hào đi đường mệt mỏi nên về đến khách sạn, vừa nằm xuống nó đã ngủ say. Võ Trụ cố nhắm mắt nhưng không sao ngủ được. Chuyện kho vàng khiến ông cứ nghĩ ngợi mông lung. Trong đêm khuya thanh tĩnh bỗng có tiếng quát khe khẽ của nhiều người đồng vang lên từ dãy phòng đối diện:

- Ai đó?

Ngay sau đó là tiếng chân chạy nhẹ trên mái nhà. Võ Trụ vội bật người dậy, hé cửa sổ nhìn ra ngoài thấy có bốn bóng đen đang lao vút về phía đông. Võ Trụ rút vội thanh kiếm, tung mình qua cửa sổ đuổi theo bốn người nọ. Họ chạy đến một rừng cây rậm rạp gần mé sông Thu Bồn thì ngừng lại nhìn quanh quất rồi chia nhau đi tìm. Võ Trụ phóng mình lên một cây cổ thụ rậm lá ẩn mình. Bỗng nghe một tên trong bọn lên tiếng, giọng lơ lớ:

- Anh bạn kia xuống đây đi, trốn trên đó làm gì nữa. Đừng buộc ta phải ra tay.

Khu rừng vẫn im lặng như tờ, chỉ có tiếng gió từ dưới sông thổi qua cành lá xào xạc.

Một tên khác lên tiếng:

- Khinh công người này nhanh thật, mới vừa thấy bóng hắn đó nhưng ra đến đây đã mất hút. Không biết hắn là ai?

Một tên khác nói:

- Khinh công như đại ca mà không theo kịp thì quả là cao thủ. Không lẽ lại là hắn?

Tên được gọi là đại ca cất giọng lạnh băng hỏi:

- Hắn là ai?

- Gần đây, suốt một dải đất ba phủ của dinh Quảng Nam bỗng xôn xao về một tên trộm mới xuất hiện. Khinh công của hắn có thể nói là độc bộ thiên hạ. Hắn chuyên ăn cắp của nhà giàu rồi chia cho nhà nghèo. Đặc biệt, hắn rất mê cổ vật, nhất là vũ khí như bảo kiếm, bảo đao. Hắn mà đã chú ý đến món nào thì hắn sẽ lấy bằng được. Giới giang hồ gọi hắn là Thần Thâu. Hắn có thể lấy đồ trong túi đại ca như lấy đồ trong túi của hắn vậy.

Tên đại ca khẽ “hừ” một tiếng:

- Hừ! Thiên hạ chỉ giỏi thổi phồng. Ta không tin hắn có thể sờ vào người ta mà ta chẳng hay biết gì.

Tên khác trong bọn vội chen vào:

- Tôi cũng có nghe qua tên này. Nếu hắn nhúng mũi vào thì việc này sẽ rắc rối to. Lý đại vương đã lệnh cho chúng ta phải lấy kỳ được cây Ô Long bảo đao và cuốn đao phổ đó. Nếu thất bại e rằng sẽ bị trị tội nặng. Đại ca phải suy tính mọi việc cho kỹ.

Võ Trụ nghe nói đến Ô Long bảo đao thì giật mình. Theo lời Vô Danh thiền sư kể, đó vốn là thanh đao quí giá nhất của Đại Việt mà bọn giặc Tàu lúc nào cũng có ý nhòm ngó. Thanh đao đã nhuốm không biết bao nhiêu máu của giặc xâm lược phương Bắc.

Chợt nghe tên đại ca “suỵt” một tiếng nhỏ.

- Ngươi có câm cái mõm thối ngươi lại đi không! Chuyện này sao lại tùy tiện nói ra như thế?

Tên nọ càu nhàu:

- Ở đây có ma nào đâu mà đại ca phải sợ. Đệ nghĩ tên đó đã nhúng mũi vào rồi thì ta phải ra tay càng sớm càng tốt, nếu không bọn Trần gia chạy trốn mất thì không biết chừng nào mới tìm lại được. Từ đây vào Quảng Ngãi đường xa hơn hai trăm dặm, chúng ta nên khởi hành sớm.

Một tên khác tiếp lời:

- Không phải lo. Chúng ta đã có thuyền, tuy mùa này gió nồm nhưng thuyền buồm của ta lớn lại có nhiều tay chèo nên từ Hội An vào cửa Cổ Lũy, sông Trà Khúc cũng chỉ mất chừng mười canh giờ là cùng. Bảo đảm trước khi trời sẩm tối ngày mốt là chúng ta đã có mặt ở Quảng Ngãi rồi.

Tên đại ca tỏ ra khó chịu bảo:

- Vừa từ Phúc Kiến sang chưa kịp đặt lưng xuống nghỉ đã gặp tên trộm chết tiệt kia phá đám. Thật tức chết! Ta mà bắt được thì ta sẽ chặt hai cái giò của nó đi, xem nó còn thi triển được môn khinh công, độc bộ thiên hạ gì gì đó nữa hay không.

Bọn chúng vừa nói chuyện vừa trở về khách sạn. Khu rừng yên tĩnh trở lại. Võ Trụ nằm im trên lùm cây chờ đợi thêm lúc nữa đã thấy từ trên tàng một cây cổ thụ khác một bóng người mảnh khảnh, nhẹ nhàng đáp xuống đất. Hắn cười ngạo nghễ nhìn về hướng bọn người Hoa mới bỏ đi nói:

- Bắt được ta hả, bọn ngươi chưa đủ tư cách đâu! Hì hì... Gặp ta thì bọn ngươi đừng hòng lấy được bảo đao của nước Đại Việt ta!

Võ Trụ nói vọng xuống:

- Bọn chúng không bắt được ngươi nhưng ta thì được. Hà hà...

Thần Thâu giật mình ngước lên:

- Ai đó? Xuống đây đi! Lén lút núp trên đó làm gì?

Võ Trụ muốn cho gã khinh công độc bộ thiên hạ kia biết tài khinh công của mình nên từ lùm cây, ông phóng người vút lên cao rồi lộn mấy vòng trên không mới tà tà đáp xuống trước mặt Thần Thâu. Những động tác tiếp nối điêu luyện nhẹ nhàng.

Thần Thâu vẫn đứng yên không nhúc nhích, ngợi khen:

- Khinh công tuyệt diệu!

Võ Trụ mỉm cười:

- Anh bạn có nghĩ rằng tôi đủ sức rượt theo anh bạn không?

Thần Thâu gật gù:

- Đủ, nhưng bắt được ta thì có lẽ chưa. Xin hỏi huynh quí danh là gì?

- Tôi suốt đời lẩn quẩn ở xó núi nên chỉ có cái tên quê mùa là Võ Trụ chứ làm gì có quí danh. Hiệp danh của anh bạn là Thần Thâu à?

- Ăn trộm thì gọi là tặc danh chứ hiệp danh cái nỗi gì? Anh khéo châm biếm quá! Tên tôi là Đinh Hồng Liệt. Thân thủ như anh thuộc loại hiếm có trong giang hồ đấy. Mà anh đã nghe chuyện rồi đó, có muốn giúp tôi một tay ngăn bọn giặc Tàu lại không?

- Bọn chúng là ai, thuộc tổ chức, bang phái nào vậy?

- Tôi chỉ nghe lén chúng nói chuyện nên chưa rõ lắm. Ba tên Tàu vừa từ Phúc Kiến sang, bọn chúng có biệt hiệu là Dương Tử Tam Kiếm, thuộc hạ của tên Lý đại vương nào đó không rõ. Còn hai tên người Việt hình như ở vùng này, bọn chúng mới họp nhau hôm nay để bàn chuyện cướp đao ở nhà họ Trần nào đó.

- Nghe bọn chúng nói ở Quảng Ngãi. Chúng ta làm thế nào để vào đó cho kịp tối ngày kia mà giúp nhà họ Trần đây? Vả lại Trần gia ở đâu, anh bạn có biết không?

Hồng Liệt đưa tay vò đầu.

- Tôi thấy bọn này lạ mặt, lại có vẻ khả nghi nên theo dõi chơi, vô tình phát hiện âm mưu của chúng. Nhà họ Trần ở đâu tôi nào biết. Chà! Khó thật, làm sao bây giờ nhỉ?

- Thì chúng ta cứ theo sát bọn chúng tất sẽ biết thôi.

- Bọn chúng có thuyền lớn, chúng ta lấy gì mà theo? Tôi chỉ trộm được mấy đồ vật nhỏ thôi chứ cả một chiếc tàu lớn thì sao có thể.

- Chuyện thuyền cứ để tôi lo. À mà này, sao chúng ta không chặn đường giết chúng cho xong chuyện, theo dõi đến nhà họ Trần chi cho rắc rối?

- Lúc nãy nghe chúng nói là còn phối hợp với một nhóm nào nữa ở Quảng Ngãi rồi mới cùng nhau ra tay. Bọn này chỉ là lực lượng tăng viện mà thôi.

- Như vậy là bọn chúng chuẩn bị rất chu đáo, đủ thấy việc cướp thanh đao đối với chúng rất quan trọng. Chúng ta chỉ có hai người, liệu có thể giúp gì được cho họ Trần kia không?

- Hai chúng ta không đủ sức nhưng nếu có thêm hai người nữa thì dư. Anh lo thuyền, tôi lo người hỗ trợ. Giờ tôi đi gọi thêm hai người bạn, nhân tiện lưu ý động tịnh của bọn chúng luôn. Hẹn sáng sớm ở Cửa Đại được không?

- Được! Anh cứ đưa người đến doanh trại thủy quân Cửa Đại sẽ gặp tôi.

- Anh bạn ở trong thủy đội Cửa Đại à?

- Không, tôi là phế binh của thủy đội ở đầm Đạm Thủy đã giải ngũ. Ở Cửa Đại tôi có người bạn thân giữ chức cai đội.

- Vậy thì hay quá rồi! À, nhưng anh không định kéo cả thủy đội đi bắt cướp đó chứ?

- Tôi không còn là lính nữa mà là người của giang hồ rồi. Tôi lấy tư cách người giang hồ xử chuyện giang hồ, anh an tâm đi. Tôi chỉ mượn chiếc thuyền và mấy tài công mà thôi, đến cửa Cổ Lũy tôi trả họ về. Được chưa?

- Tốt! Vậy hẹn sớm mai gặp lại.

Dứt lời Hồng Liệt liền tung người biến mất vào đêm tối. Võ Trụ nhìn theo lẩm bẩm:

- Người này còn trẻ, tuổi chừng độ hai hai, hai ba là cùng mà khinh công quả đúng là độc bộ thiên hạ. Ta không thể theo kịp.

Như có một sự kích thích vô hình, ông cũng băng mình chạy thật nhanh về khách sạn, theo lối cửa sổ lọt vào phòng. Trọng Hào vẫn còn đang say ngủ, Võ Trụ lay nó dậy. Trọng Hào giật mình mở mắt ngạc nhiên hỏi:

- Thầy không ngủ sao? Có việc gì vậy?

- Sáng mai con dắt theo con Huyết câu về Quảng Ngãi đợi thầy ở nhà trạm Ngãi Mỹ, nơi hôm trước chúng ta đã ghé lại ăn trưa đó. Nếu hai ngày sau mà chưa thấy thầy ghé lại thì con cứ về nhà đừng chờ nữa. Thầy sẽ về sau. Con nhớ không?

Trọng Hào nghe thầy dặn dò, nó lo lắng hỏi:

- Thầy có chuyện quan trọng phải làm ở đây à? Sao con không nghe thầy nói trước?

- Chuyện vừa phát sinh thôi. Thầy phải giúp người bạn mới quen một tay. Con đừng hỏi nữa. Giờ thầy phải đi ngay kẻo trễ. Con nhớ lời thầy dặn không?

- Dạ con nhớ. Thầy đi cẩn trọng.

Võ Trụ mang thêm cây đoản kiếm mới mua hồi chiều, tung mình ra cửa sổ rồi lao nhanh về hướng cửa biển Đại Chiêm tìm đến doanh trại thủy quân. Một người trong toán lính gác chặn lại hỏi:

- Ông là ai? Đêm khuya đến đồn lính làm gì?

Võ Trụ đáp:

- Tôi là bạn thân của cai đội Dương Bảo Long, vì có chút việc gấp nên nhờ anh thông báo giúp cho.

Tên lính gác nghe nói là bạn của cai đội Long nên đã đổi thái độ, tuy nhiên hắn vẫn hỏi vặn:

- Giờ đã nửa đêm, ngài cai đội chắc ngủ rồi, mai anh quay lại được không? Tôi chỉ sợ bị đánh thức giờ này ổng sẽ chửi toáng lên đấy.

- Không sao đâu. Anh cứ nói với cai đội Long là có Võ Trụ ở đầm Đạm Thủy đến thăm, có việc gấp muốn gặp.

Một tên lính nghe người lạ mặt xưng tên là tên Võ Trụ liền hỏi nhanh:

- Có phải anh là cai đội Trụ ở Đạm Thủy năm xưa cùng cai đội Long đánh tan bọn cướp biển Hắc Long người Hoa đấy không?

Võ Trụ gật đầu:

- Là tôi đây!

Tên lính lúc nãy reo lên:

- Là ông à? Thật xin lỗi vì tôi mới vào lính nên không biết. Chà, ngài cai đội Long lúc nào cũng khoe với bọn lính chúng tôi về chiến tích của ông ta cùng với cai đội Trụ năm xưa ngoài khơi Hoàng Sa. Được được, tôi sẽ vào báo ngay. Anh em mời cai đội Trụ vào nhà khách đi.

Hắn quay người chạy vào trong trại. Một lúc sau hắn trở lại với một người đàn ông khoảng hơn ba mươi tuổi, tướng cao lớn vạm vỡ. Vừa bước vào đến cửa ông ta đã reo lên bằng giọng miền ngoài:

- Trời ơi, quỉ thần nào rinh cậu quẳng ra đây giờ này vậy? Chà, gần tám năm rồi còn gì! A, thấy cậu hình như còn khỏe hơn trước kia trong lính nữa đó.

Ông ta chạy lại ôm chầm lấy Võ Trụ, nỗi vui mừng hiện rõ trên gương mặt hai người. Võ Trụ cũng ôm lấy bạn, vỗ lưng nói:

- Cậu là người khỏe mạnh lại có thuyền bè mà chẳng bao giờ ghé vào thăm bạn. Bổng lộc nhiều quá rồi quên anh em phải không?

Dương Bảo Long nắm tay Võ Trụ:

- Cậu thông cảm cho, tớ bận bịu đủ thứ chuyện cả. Mà ít nhất đám cưới cậu, tớ cũng đã vào dự rồi còn gì? À, có mụn con nối dõi nào chưa? Tớ thì đã hai cu một nỡm rồi đó.

- Vậy là cậu giỏi hơn tớ đấy. Tớ chỉ mới được một cu thôi.

Nói xong hai người cùng nhau cười ha hả. Họ là đôi bạn tác chiến sinh tử ngày xưa nên thân nhau như anh em. Bảo Long hỏi:

- Sao ghé lại tìm tớ giữa đêm khuya vậy? Có việc gì gấp phải không?

- Tớ có việc ra Phú Xuân, về ghé đây mua ít đồ dùng xong thì trời đã muộn. Định đến sáng mai mới ghé thăm cậu nhưng có tí chuyện bất ngờ nên phải ghé giờ này.

- Là chuyện gì vậy?

- Chuyện gấp của một người bạn vừa quen. Anh ta cần một chiếc thuyền tốt để vào cửa Cổ Lũy cho kịp tối ngày kia. Cậu giúp tớ nhé?

- Tưởng chuyện lớn chứ việc ấy khó gì! Cậu cứ nhận thuyền rồi đưa bạn đi, chừng nào trả lại cũng được.

Võ Trụ cười:

- Vào tới Cổ Lũy thì tớ trả thuyền lại cho anh em mang về chứ giữ làm gì mà chừng nào trả cũng được.

Bảo Long ngạc nhiên hỏi:

- Cậu cũng đi theo rồi về Phù Ly luôn à? Như vậy làm sao uống với tớ một trận được? Tớ nhớ mấy lần uống rượu đứ đừ với cậu lúc xưa quá.

- Muốn uống đứ đừ thì chờ dịp khác, lần này cứ đem một bình ra đây làm chút chút cho đỡ nhớ là được rồi.

Bảo Long cười ha hả rồi nói với một tên lính:

- Ngươi chạy đi lấy bình mai quế lộ ta cất trong tủ đem ra đây. Hỏi bọn nó coi còn gì nhắm không. Mang ra ngay nhé. Còn ngươi, đi bảo chuẩn bị cho ta một chiếc khinh thuyền mười tay chèo rồi đem ra cửa trại chờ đó cho ta.

Hai tên lính “dạ” một tiếng rồi đi ngay.

Quay sang Võ Trụ, Bảo Long nói:

- Ra đây, chúng ta ra ngồi trên sông uống rượu mới thú.