Én Liệng Truông Mây - Hồi 02 - Phần 2

Bảo Long kéo Võ Trụ ra chiếc cầu bắc nổi trên sông gần cửa biển Đại Chiêm. Vầng bán nguyệt cuối tháng treo lơ lửng, phả xuống ánh sáng mờ ảo, lung linh trên đầu những con sóng nhỏ. Mùa này, vì ban ngày trời nóng nên gió thổi từ biển vào đất liền, nhưng khi đêm xuống, nhiệt trong đất liền thoát đi nhanh hơn ngoài biển, do đó, về cuối đêm thì không khí ở đất liền mát hơn, tạo ra những con gió từ lục địa thổi ngược ra biển. Vùng cửa Đại Chiêm sông nước mênh mông nên tuy là mùa hạ nhưng ngọn gió đất liền vẫn mang cảm giác mát dịu. Võ Trụ nhìn cảnh sông nước lòng dâng trào cảm xúc. Ông nhớ lại một thời lênh đênh trên sóng nước đuổi bắt bọn cướp biển Tàu Ô rất đỗi hào hùng. Bảo Long nói:

- Thời gian qua thật nhanh! Mới đây mà cậu giải ngũ đã gần tám năm rồi. Bây giờ cuộc sống của cậu ra sao?

- Trại ngựa của tớ phát triển hơn đôi chút, cuộc sống như thế cũng tạm đủ rồi. Việc của tớ bây giờ là làm sao đào tạo cho thằng cu thành người hữu dụng sau này.

- Đó cũng là ước mơ của tớ. Lúc này đất nước thanh bình, làm lính cũng nhàn hạ nên đôi khi tớ phát chán muốn xin giải ngũ nhưng vì chưa biết phải làm gì để nuôi con, tớ đành cứ phải vác mãi cái lon cai đội kéo lê tháng ngày ở đây.

Võ Trụ bỗng thở dài:

- Mong cho đất nước thanh bình, đừng lộn xộn như lời sấm đang lưu truyền trong dân gian. Cậu có thấy gần đây người từ Đàng Ngoài vì loạn lạc đói khổ đã bỏ trốn vào đây ngày một nhiều không? Mầm tao loạn nó quỉ quái lắm, cứ lây lan như vết dầu loang vậy. Chưa biết chúng ta có giữ vững sự thanh bình no ấm này được mãi không.

Bảo Long cũng buông tiếng thở dài theo bạn:

- Điều ưu tư của cậu giống tớ lắm. Tớ cũng thấy lơ mơ bóng dáng của tao loạn trên phần đất chúng ta. Quân đội bây giờ bắt đầu có sự tranh giành, kết bè kết đảng. Chắc cũng sắp đến lúc tớ bị mất cái chỗ ngồi này rồi. Ờ, mà kệ bà nó, tới đâu hay tới đó, mình có lo lắng cũng chẳng thay đổi được gì. Có rượu rồi kìa, chúng ta cứ uống một bữa cho thỏa tình mong nhớ cái đã, mọi chuyện hãy phó mặc cho nhà Chúa họ lo.

Tên lính lúc nãy đã mang rượu và thức ăn ra. Đời lính thủy nếu cần có món nhắm dã chiến thì lúc nào cũng sẵn sàng. Chỉ cần nổi lửa lên nướng vài con cá tươi là đã có ngay thức nhắm tuyệt hảo. Hai người bạn lâu ngày gặp lại có biết bao điều hàn huyên tâm sự. Chuyện thì còn đầy nhưng bình rượu lại cạn dần theo bóng vầng trăng đang từ từ khuất sau đỉnh núi phía tây. Xa xa nhịp mõ trên vọng gác điểm sang canh năm. Vừa lúc ấy, từ ngoài cổng có tiếng của người lính gác chặn hỏi những người lạ mặt. Võ Trụ nói với Bảo Long:

- Mấy người bạn của tớ đã đến rồi. Chúng ta ra ngoài xem. Khi nào có dịp tớ sẽ ghé đây thăm cậu lâu hơn, giờ thì chúng ta chia tay. Tớ phải đưa bọn họ đi ngay nếu không sẽ lỡ việc.

- Cậu cứ đi đi, hôm nào nghỉ phép tớ sẽ dong buồm vào Phù Ly thăm cậu.

Họ ra đến cổng đã thấy Đinh Hồng Liệt và hai người lạ mặt trạc tuổi Võ Trụ đứng chờ. Bảo Long cười ha hả nói:

- Không ngờ hôm nay ở nơi hẻo lánh này lại được hân hạnh đón tiếp nhiều anh hùng hiệp sĩ ghé thăm thế này. Dương Bảo Long tôi rất hân hạnh được làm quen với ba vị hiệp sĩ.

Đinh Hồng Liệt cúi đầu chào:

- Danh tiếng cai đội Long ở cửa Đại Chiêm vang dội như sóng biển Đông, đến nay mới hân hạnh được gặp mặt. Tôi là Đinh Hồng Liệt, còn đây là hai người bạn của tôi, Trần Đại Bằng và Trần Kim Hùng ở Phong Điền.

Võ Trụ nhận thấy cả hai người này đều có phong thái đường đường của một bậc chính nhân, lòng nảy sinh ngay hảo cảm liền cúi đầu chào. Đinh Hồng Liệt giới thiệu với anh em họ Trần:

- Còn đây là Võ Trụ, trước là cai đội ở đầm Đạm Thủy. Tôi vừa tình cờ quen được lúc đầu hôm này.

Trần Kim Hùng nói:

- Bốn biển là anh em cả. Chúng ta phải lên đường ngay kẻo không kịp. Chuyện hàn huyên xin hẹn khi khác vậy.

Bảo Long vẻ tò mò hỏi:

- Các vị có việc gì mà gấp và bí mật quá vậy, tôi có thể giúp gì được không?

Đinh Hồng Liệt đáp lời:

- Cảm ơn cai đội Long, anh đã giúp chúng tôi chiếc thuyền là đủ rồi. Chuyện giang hồ xin để bọn giang hồ chúng tôi lo liệu.

Xong quay sang Võ Trụ nói:

- Bọn chúng đã biến mất tăm mất tích rồi. Chúng ta đành phải vào đó rồi liệu bề xoay xở vậy.

Bảo Long đưa mọi người ra chiếc thuyền đã chuẩn bị sẵn ở cửa sông. Cửa biển Đại Chiêm rộng mênh mông, hai bên là bãi cát trải dài ngút mắt. Tháng này đang mùa gió nồm nhưng vừa tảng sáng trời đứng gió. Mười thủy thủ tay chèo vững chãi, con thuyền lướt nhanh trên biển, mũi thuyền xé sóng làm nước bắn lên tung tóe.

Cửa Cổ Lũy còn gọi là Chiêm Lũy Lịch Môn, nơi sông Trà Khúc đổ ra biển Đông. Đây là cửa khẩu chính của Vương quốc Chăm xưa, trước khi vua Chiêm nhường vùng đất Quảng Nam và Quảng Ngãi này cho nhà Hồ của nước ta. Thuyền cập bến đò Trà Khúc, Võ Trụ thưởng cho anh em thủy thủ một số tiền rồi bảo họ trở về. Bốn người cùng rời bến, ghé lại trạm Ngãi Mỹ thuê bốn con ngựa vào phủ lỵ tìm quán Sông Trà để ăn uống nghỉ chân. Trần Kim Hùng hỏi:

- Giờ ta phải làm thế nào để biết nơi ở của Trần gia?

Đinh Hồng Liệt nói:

- Mọi người chia nhau quan sát động tịnh ở vùng này, không chừng bọn chúng sẽ đến đây. Phần tôi sẽ đi kiểm tra vòng ngoài, khoảng giờ Thân chúng ta gặp lại ở đây. Tôi tin chúng ta sẽ tìm ra chút manh mối trước đêm nay.

Võ Trụ đề nghị:

- Tôi xin chịu trách nhiệm khu vực bến sông. Tôi sẽ nhờ anh em ở thủy trại trên bến lưu tâm hộ chúng ta.

Mọi người gật đầu đồng ý. Ăn uống xong họ chia tay mỗi người một hướng. Võ Trụ trên đường trở lại bến sông Trà Khúc đã ghé trạm Ngãi Mỹ. Vừa kịp lúc đó Trọng Hào cũng đến nơi. Ông bảo đệ tử:

- Con nghỉ ngơi rồi sáng mai lên đường về nhà ngay, đừng chờ thầy nữa. Xong việc ở đây thầy sẽ về. Thầy lấy luôn con Bạch mã của con nhé. Con mua của nhà trạm con ngựa khác mà về.

Trọng Hào lo lắng hỏi:

- Hình như thầy đang có việc gì gấp và nguy hiểm lắm thì phải. Cho con theo giúp một tay với. Để thầy đi một mình, con lo quá.

Võ Trụ vỗ vai Trọng Hào.

- Con an tâm mà về. Thầy có ba người bạn nữa, họ đều là đệ nhất cao thủ cả.

Dặn xong ông phóng lên mình con Huyết câu, dắt theo con Bạch mã chạy về hướng bắc trở lại bến sông Trà. Vốn ở trong thủy quân nhiều năm, quen biết khá nhiều các cai, đội trưởng và cách thức sinh hoạt trong những trại lính nên ông dễ dàng tìm đến doanh trại đóng ở bờ nam sông Trà và gặp người chánh suất đội ở đó. Võ Trụ chào hỏi viên chánh xuất đội, tự giới thiệu sơ về mình xong hỏi:

- Từ sáng đến giờ đội trưởng có thấy một toán năm người gồm ba người Hoa và hai người Việt xuống bến ở đây không?

Viên chánh suất đội đáp:

- Bến sông này là cửa ngõ đường thủy chính của phủ Quảng Ngãi nên tàu bè và người lên xuống tấp nập, tôi không để ý lắm. Thật xin lỗi ngài cai đội.

- Không sao, mong đội trưởng thông báo cho anh em ở đây lưu tâm hộ tôi, nếu thấy những người này xuất hiện ở đâu thì thông báo giùm. Chúng tôi đang ở quán ăn Sông Trà trong phủ lỵ. Việc khẩn thiết, xin ông cố gắng giúp cho.

- Ngài cai đội an tâm, chúng tôi sẽ lưu ý việc này.

- Ông ở đây lâu năm có biết một gia trang họ Trần nào quanh khu vực này không?

- Ở vùng bắc thượng lưu sông Vệ và núi Định Cương có một trang trại họ Trần chuyên sản xuất đường phèn và đường cát cung cấp cho cả phủ Quảng Ngãi này nên ở đây ai cũng biết tiếng. Nghe nói Trần gia là người từ phía Bắc vào đây lập nghiệp lâu đời lắm rồi, đời nào cũng ra ơn làm phước cứu giúp những người khốn khó trong vùng. Người dân ở đây gọi gia trang của họ là Thiên Phước theo hiệu sản xuất đường phèn mà họ làm. Không biết họ Trần này có phải là người mà cai đội cần tìm không?

- Còn họ Trần nào có sinh hoạt đặc biệt nữa không?

- Lúc trước tôi có nghe một người bạn ở Mộ Hoa kể về một nhà họ Trần ở gần Liên Trì và núi Long Cốt. Họ Trần ở đó là bá hộ chuyên về nghề nông. Ruộng đất ở vùng Liên Chiểu quanh Liên Trì hầu hết là của họ. Tuy bao nhiêu đời là nhà nông nhưng nghe đâu họ rất giỏi võ nghệ. Có năm bọn rợ Man đói, xuống đồng cướp thóc lúa và đồ vật đã bị nhà họ Trần đánh cho một trận tan tành, chúng sợ vỡ mật nên suốt bao nhiêu năm nay không dám xuống vùng Mộ Hoa cướp phá nữa.

Võ Trụ nghe nói cả mừng:

- Cảm ơn đội trưởng. Từ phủ lỵ đến đó bao xa?

- Khoảng sáu mươi dặm.

- Thật cảm ơn những tin tức quí báu của đội trưởng. Từ giờ đến giờ Thân nếu có tin về bọn người đó xin ông báo ngay giùm cho tôi.

- Cai đội đừng bận tâm.

Võ Trụ cúi chào rồi phi mình lên ngựa rít lên khe khẽ “đi”. Con Huyết câu tung cao bốn vó phóng như bay về quán Sông Trà, con Bạch mã cũng hí vang một tiếng tung vó phóng theo. Ngồi uống chưa hết vài li trà thì ba người bạn mới quen của ông cũng lần lượt trở lại. Đại Bằng lên tiếng hỏi trước:

- Các vị có phát hiện được manh mối gì không? Tôi hỏi thăm quanh phố thì được mọi người cho biết có hai nhà họ Trần, một ở bờ bắc sông Vệ sản xuất đường, còn một là bá hộ nhà nông ở Liên Trì. Tôi nghĩ có khả năng là một trong hai nhà đó.

Võ Trụ nói:

- Người đội trưởng ở bến đò Trà Khúc cũng cho tôi biết về hai nhà này. Ông còn nói họ Trần ở Liên Trì rất giỏi võ, tôi cho rằng đó là nơi mình cần tìm.

Kim Hùng tay phải đấm nhẹ vào lòng tay trái mấy cái tỏ vẻ nóng nảy:

- Hai nơi đó đều có vẻ là nơi mình cần tìm. Bây giờ phải quyết định nhanh đi nếu không sẽ không đến kịp vì hai nơi đó đều cách đây năm sáu mươi dặm chứ đâu ít.

Đại Bằng đưa ý kiến:

- Để an toàn, chúng ta chia ra mỗi nhóm hai người đi đến hai nơi rồi gặp gia chủ trình bày sự thật về tai họa sắp đến. Nếu bên nào chủ nhà không thừa nhận thì hai người ở đó tức tốc sang bên kia tiếp viện. Mọi người nghĩ sao?

Hồng Liệt tán thành:

- Ý kiến hay! Chúng ta lên đường ngay kẻo trễ. Hai anh em các người đi một nơi, tôi và Võ Trụ huynh đi một nơi. Giờ tôi tung đồng tiền, nếu sấp thì chúng tôi đi Liên Trì còn ngửa thì sông Vệ.

Nói xong, anh ta lấy ra một đồng tiền thảy lên cao. Sấp. Hồng Liệt nhìn Võ Trụ:

- Đi, sáu mươi dặm đường ít nhất cũng phải mất hai canh giờ. Hi vọng chúng ta đến kịp.

Võ Trụ cười:

- Không phải lo, anh bạn lấy con Bạch mã kia mà đi. Tiếc là chỉ có hai con ngựa tốt, huynh đệ họ Trần chịu khó đi chậm hơn một chút vậy.

Huyết câu và Bạch mã quả là loài thiên lí mã, chúng phóng nhanh như hai mũi tên bắn. Chiều tối đường vắng người đi, không có gì cản vó nên hai con ngựa càng thi sức phi nhanh hơn. Cuối giờ Dậu, họ đã đến chợ Trà Câu. Hồng Liệt dừng lại hỏi thăm đường đến nhà bá hộ Trần. Một người dân ở chợ chỉ tay về hướng tây nói:

- Cứ đi theo con đường này, chừng dặm rưỡi là đến ao sen. Nhà Trần bá hộ ở bờ nam ao sen, cửa quay về hướng bắc nhìn ra hồ.

Hồng Liệt cảm ơn rồi hai người tiếp tục lên đường. Họ đi chừng một dặm đã ngửi thấy trong gió thoảng mùi hoa sen thơm lừng. Cả hai cùng hít một hơi dài làn không khí trong lành thơm tho này để giải bớt cơn mệt nhọc vì trải qua quãng đường xa. Bờ nam ao sen là một dãy nhà nhiều gian, chính giữa có một gian lớn, trước cổng treo mấy chiếc đèn lồng.

Nghe tiếng bước chân ngựa ngoài nhà, bên trong hàng rào mấy con chó cất tiếng sủa vang. Một người từ trong gian nhà lớn vội bước ra hè, mắt nhìn lom lom vào bóng tối phía ngoài cổng. Một lúc sau, người đó lên tiếng:

- Ai ngoài cổng đó? Có việc gì cần giúp đỡ phải không? Chờ một chút tôi bảo bọn nhỏ mở cổng cho.

Xong người đó quay về hướng căn nhà phía tây gọi lớn:

- Nguyên Huy à, ra mở cổng coi ai cần gì thì giúp đỡ cho họ. Đuổi bọn chó ra sau hết đi.

Trong gian nhà phía tây vang lên tiếng dạ ran rồi có tiếng mở cửa. Một thanh niên bước xuống bậc thềm dẫn ra sân, tiến về phía cổng. Vừa đi anh ta vừa nói:

- Chờ tôi một chút nhé, để tôi đuổi lũ chó ra sau đã, không chúng sủa nhức cả óc.

Anh ta la mấy con chó và đuổi chúng ra phía sau nhà. Võ Trụ cùng Đinh Hồng Liệt nhảy xuống ngựa đứng chờ. Võ Trụ nói nhỏ:

- Nhà này thật tử tế. Đêm tối có người đến cửa quấy rầy mà chẳng phiền trách gì, lại còn có ý muốn giúp đỡ. Chắc là họ đã quá quen với những việc thế này rồi.

Người thanh niên mở cổng. Anh ta ngạc nhiên khi nhìn thấy hai người lạ mặt và hai con ngựa to lớn. Sững một lúc anh ta mới hỏi:

- Hai vị từ đâu đến, tìm chúng tôi có việc gì chăng?

Võ Trụ nói:

- Xin lỗi đã quấy rầy lúc đêm hôm. Nhưng chúng tôi có việc gấp rất quan trọng muốn gặp Trần gia chủ, mong anh bạn trẻ thông báo ngay cho. Anh là Trần công tử à?

Người thanh niên gật đầu:

- Vâng, tôi là Trần Nguyên Huy. Mời hai vị vào trong sân chờ, tôi đi báo với cha tôi ngay.

Nguyên Huy né sang một bên nhường lối cho hai người khách dắt ngựa vào sân. Xong anh đóng cổng lại và bước nhanh đến gian nhà lớn. Anh nói lớn vào trong:

- Thưa cha, ngoài này có hai người khách lạ từ xa đến muốn tìm cha có việc gấp gì đó. Mời cha ra nói chuyện.

Cánh cửa mở, căn phòng sáng choang vì mấy ngọn nến vừa được thắp lên. Người đàn ông lúc nãy bước ra sân.

- Chào hai vị! Đêm hôm tăm tối nên không thể tiếp đón chu đáo được. Mời hai vị vào trong phòng nói chuyện. Huy, con lo cỏ cho ngựa ăn.

Nói rồi, ông quay lưng đi trước vào phòng, thái độ hết sức tự nhiên, không chút khách sáo hay lo sợ trước những người lạ mặt có mang theo vũ khí. Căn phòng rộng rãi, giữa phòng là bộ tràng kỷ khảm xà cừ rất khéo. Phía trong, đặt giữa tường là trang thờ Phật và bàn thờ tổ tiên được thiết kế rất trang nghiêm. Chủ nhà mời khách ngồi, rót ba chung trà nóng mời rồi hỏi:

- Xin lỗi, hai vị là ai, từ xa đến tìm chúng tôi vào đêm tối thế này chắc có việc gì hệ trọng lắm phải không?

Võ Trụ cúi đầu chào:

- Xin lỗi vì tội đường đột, tôi tên Võ Trụ ở Bích Khê, còn đây là Đinh Hồng Liệt ở sông Hàn. Chúng tôi vội vã đến đây giờ này quả thật vì có một việc rất gấp muốn thưa chuyện cùng gia chủ của Trần gia. Ông đây là...

Người đàn ông nói:

- Tôi là Trần Nguyên Hào, là gia chủ ở đây. Chẳng hay hai vị có việc gì muốn bàn?

Võ Trụ vừa kể sơ tình hình vừa theo dõi nét mặt của Nguyên Hào. Cuối cùng ông nói:

- Việc này hết sức hệ trọng vì thanh bảo đao của Đại Việt không thể để lọt vào tay bọn giặc Tàu, mong Trần gia chủ xác nhận nhanh cho để chúng tôi còn có kế hoạch ra đi hay ở lại mà giúp gia chủ chống bọn địch.

Trần Nguyên Hào thoáng chút kinh ngạc. Ông nhìn hai người lạ mặt tỏ vẻ do dự hỏi:

- Theo cách nói của hai vị thì việc này rất nghiêm trọng. Làm sao tôi có thể thừa nhận ngay một bí mật như thế với hai người lạ mặt mà tôi chưa hề biết chút gì. Hai ông nghĩ có đúng không?

Đinh Hồng Liệt nghiêm sắc mặt nói:

- Đúng thì có đúng nhưng việc hết sức quan trọng lại không còn nhiều thời gian, nếu ông phủ nhận chúng tôi sẽ tức tốc ra đi để tiếp viện bên kia.

- Nếu vậy hai ông nên đi ngay đi. Tôi phủ nhận điều đó. Mời uống chén nước cho đỡ khát đã rồi hãy lên đường.

Nguyên Hào thản nhiên với tay châm thêm trà vào tách của hai người khách. Võ Trụ uống cạn chung trà, đứng dậy đưa tay vén áo lên để hở một vết sẹo lớn ngay giữa bụng nói:

- Tôi là Võ Trụ, trước kia đã từng tiêu diệt bọn cướp Hắc Long người Tàu. Vết thương chí mạng này do đó mà có. Một đời tôi căm thù nhất là bọn giặc Tàu. Vì vậy khi nghe được âm mưu của chúng, tôi lặn lội đến đây mong góp chút sức mọn giữ gìn báu vật của quốc gia. Nếu ông đã nghi ngại thì chúng tôi xin đi ngay, có điều lần này ra tay, bọn chúng ngoài ba tên cao thủ từ Phúc Kiến sang còn có một nhóm người ở địa phương này. Với lực lượng đó, nếu gia trang này quả đúng có tàng chứa bảo đao thì tôi e con gà, con chó cũng khó đường sống sót. Xin lỗi đã quấy rầy.

Võ Trụ vừa dứt lời thì Hồng Liệt cũng đứng lên theo. Họ cúi đầu chào định quay bước ra sân. Lúc ấy, Nguyên Hào mới chậm rãi hỏi:

- Anh là Võ Trụ à? Có phải là cai đội Trụ ở Đạm Thủy từng cùng với cai đội Long ở Hội An đánh tan bọn cướp biển Hắc Long khoảng mười năm trước không?

Võ Trụ cười đáp:

- Tôi đã nói rồi. Đúng là chúng tôi. Chiếc thuyền từ Hội An chở chúng tôi vào đây là của cai đội Long cho mượn đấy.

Nguyên Hào nét mặt trở nên vui vẻ đứng lên nói:

- Nếu thật thế thì hai vị hẵng ngồi xuống đã. Xin lỗi vì việc quan trọng nên tôi không dám nhận bừa. Nay đã biết hai vị là ai nên tôi xin thú thật vậy. Phải, thanh Ô Long bảo đao là vật gia truyền của họ Trần chúng tôi. Từ khi cao cao tổ Trần Nguyên Hãn bị bức tử phải trầm mình xuống bến Sơn Đông, đám con cháu chúng tôi tản mác khắp nơi và quyết ý không bao giờ ra làm quan nữa, chỉ mong sống đời dân dã. Việc bảo đao tôi giữ rất kín, không hiểu do đâu lại lọt ra bên ngoài mà đến tận tai bọn Tàu như thế, thật lạ!

Hồng Liệt nói:

- Tin tức lọt đến tai bọn Tàu là do nhóm người ở xứ này, chưa biết là ai. Nhưng bọn Tàu này đang thi hành mệnh lệnh của tên Lý đại vương nào đó, hình như bọn chúng đang âm thầm thực hiện âm mưu mờ ám trên đất nước chúng ta.

Nguyên Hào nói:

- Nếu bọn chúng đã biết bí mật và đến cướp thì chúng ta đành liều mạng chống cự chứ biết sao hơn?

Võ Trụ xen vào:

- Đành vậy, nhưng Trần huynh nên cho gia quyến lánh đi nơi khác để tránh tai họa và chúng ta cũng rảnh tay chiến đấu.

Trần Nguyên Hào vội đứng lên bước ra cửa gọi lớn:

- Huy, Hoàng, hai con mau qua đây!

Có tiếng “dạ” từ bên kia và thoáng chốc hai người thanh niên đã bước vào. Họ cúi đầu chào khách:

- Chúng cháu xin ra mắt hai vị thúc thúc. Thưa cha, có điều gì sai bảo?

Trần Nguyên Hào trầm giọng bảo:

- Nguyên Huy cho gọi hết những người trong nhà bảo họ lập tức chạy lên núi Long Cốt tạm trú qua đêm nay, không một ai được ở lại. Đi ngay đi, không ai được hỏi han gì cả. Tuyệt đối giữ im lặng đừng để dân trong làng biết. Nguyên Hoàng chạy đi gọi mấy chú đến đây, bảo mang theo vũ khí và nói họ cho tất cả người nhà lên núi Long Cốt gấp không được chậm trễ. Đi nhanh lên!

Hai chàng thanh niên ngạc nhiên, toan hỏi thì Nguyên Hào đã gắt:

- Đi ngay đi! Bảo họ làm càng nhanh, càng yên lặng càng tốt.

Nghe vậy, hai thanh niên sợ hãi “dạ” một tiếng rồi hối hả chạy đi.

Trần Nguyên Hào thở dài, chậm rãi bước đến bàn thờ tổ thắp nén hương lạy bốn lạy xong lâm râm khấn:

- Xin chư tổ hãy phù hộ cho con cháu để bảo đao không bị thất lạc sang tay giặc cướp. Đêm nay vì sự chẳng đặng nên con mới đành đại khai sát giới.

Ông lạy thêm bốn lạy nữa rồi bước đến một pho tượng bằng gỗ, hai tay đặt vào đế tượng xoay một vòng. Bức vách sau bàn thờ mở ra, bên trong là một hộc gỗ đứng có dựng một thanh đao. Ông đưa hai tay nâng thanh đao lên một cách thận trọng và cung kính rồi lấy một gói vải nhỏ vừa vặn một quyển sách cất vào người. Sau đó ông xoay pho tượng về vị trí cũ, bức vách từ từ khép lại. Ông đặt thanh đao trên bàn nói với hai người khách:

- Đây là thanh bảo đao lưu truyền gần hai ngàn năm của dân Lạc Việt ta, dòng họ tôi may mắn lưu giữ nó bao lâu nay, không hề đụng đến kể từ sau ngày chiến thắng quân Minh. Nay lại phải dùng đến, e rằng đất nước lại sắp đến hồi nguy biến.

Ông trang trọng rút thanh đao ra khỏi vỏ. Võ Trụ và Đinh Hồng Liệt ngưng thần chú mục vào thanh đao huyền thoại của nước nhà. Thanh đao đen tuyền một màu từ cán đến lưỡi, có vẻ rất nặng nhưng lại tỏ ra không sắc bén lắm. Dù thế thanh đao vẫn toát lên một sự cương mãnh uy nghi. Trên cán đao có chạm nổi hình một con rồng đang bay lượn sống động tinh vi, bên dưới con rồng có hai chữ viết theo lối chữ Việt thời cổ. Trần Nguyên Hào cầm thanh đao trong tay nói:

- Hai chữ này là “Âu Lạc” được viết theo lối cổ tự của dân Âu Lạc ta ngày xưa. Tương truyền thanh đao màu đen này và thanh kiếm màu đỏ được các vua Hỏa ở thế kỷ mười lăm của dân tộc Êđê và các sắc tộc ở Tây Nguyên sùng bái coi như là linh vật của núi rừng. Đây là hai báu vật tượng trưng cho ý chí tự cường và sức mạnh đấu tranh của con Rồng cháu Tiên.

Võ Trụ nói:

- Tôi có nghe qua truyền thuyết về thanh đao này nhưng chưa rõ lắm.

Nguyên Hào tiếp lời:

- Đao này đã có từ thời An Dương Vương do Cao Lỗ rèn trong một năm trời bằng một thứ kim loại đen rất cứng và sắc bén. Đao luyện xong được mang ra sử dụng trong cuộc chiến tranh với Triệu Đà. Sau, Cao Lỗ bị thất sủng nên mang đao bỏ đi. Thành Cổ Loa vỡ, đao thất lạc truyền đến tay Mai Hắc Đế và được dùng để đánh đuổi giặc nhà Đường. Sau Mai Hắc Đế bị quân Đường phản công, ông thất thủ rồi mất vì bệnh. Con ông là Mai Thiếu Đế nối nghiệp, tiếp tục kháng chiến nhưng chỉ được một năm cũng tan rã. Thanh Ô Long bảo đao thất lạc lần nữa, về sau lọt vào tay cao cao tằng tổ nhà tôi là thượng tướng Trần Quang Khải. Ngài đã dùng nó trong công cuộc đánh bại quân Nguyên. Sau đó, bảo đao truyền đến tay cao cao tổ Trần Nguyên Hãn và lại một lần nữa thấm máu kẻ thù là giặc nhà Minh. Vì tổ Nguyên Hãn bị vua Lê Lợi nghi ngờ nên phải tuẫn tiết trên bến sông Sơn Đông, con cháu chúng tôi chạy trốn khắp nơi, tôi được phép giữ thanh đao từ đó đến nay.