Én Liệng Truông Mây - Hồi 03 - Phần 2

Ba người thấy Đoàn Phong nghi biểu khác phàm, như rồng như phượng trong loài người thì trong lòng nảy sinh ngay thiện cảm. Đinh Hồng Liệt cười ha hả nói:

- Khách sáo rồi. Thôi bỏ qua hết những lề thói hủ nho ấy đi. Xin Võ huynh một hồ rượu để chúng ta uống mừng ngày gặp mặt có được không?

Trần Kim Hùng vỗ tay tán thưởng:

- Đúng lắm! Một chung rượu bằng ba lời nói. Ngàn chung thì càng hay hơn nữa vì không cần nói lời nào cả.

Võ Trụ cười lớn:

- Ngàn chung thì không có đủ bây giờ nhưng vài vò thì có ngay. Quí vị hàn huyên đi, tôi trở lại ngay.

Đoàn Phong lên tiếng:

- Hôm qua tôi được nghe Võ huynh kể lại chuyện các vị đánh bọn cướp Tàu bảo vệ cây Ô Long đao mà lòng tiếc nuối vô cùng, chỉ ước sao có được sự may mắn tham gia trong trận chiến đó thì sảng khoái dường nào.

Đại Bằng nói:

- Nếu Phong huynh có lòng tương trợ thì vẫn còn dịp đấy. Chắc chắn chúng sẽ trở lại nhưng chưa biết khi nào. Đáng tiếc chúng tôi chưa dò ra được tung tích bọn chúng để nghĩ ra cách đối phó hữu hiệu hơn.

Đoàn Phong nói:

- Điều phải quan tâm và giải quyết trước tiên là sự an nguy của Trần gia. Họ là dòng dõi anh kiệt của nước nhà, không thể để xảy ra chuyện đáng tiếc.

Đại Bằng tán thành:

- Phong huynh nói đúng. Cho nên anh em tôi tạm thời ở lại Trần gia để bảo vệ họ. Tôi cũng đang tìm cách nhắn tin cho tam đệ của tôi vào, xem hắn có kế hoạch gì hay để đối phó với tình hình này không?

- Tam đệ của huynh có phải là Trại Ức Trai Trương Văn Hiến không?

Đại Bằng gật đầu:

- Chính là hắn!

- Tôi có nghe qua, Trương Văn Hiến huynh bụng chứa kinh luân, tài kiêm văn võ, lại túc trí đa mưu. Khâm phục đã lâu.

Võ Trụ trở lại phòng khách cùng năm người đệ tử. Họ bưng vào ba hũ rượu lớn, vài chiếc bát bằng sứ Gò Sành cùng mấy đĩa thức ăn còn bốc khói. Võ Trụ nói:

- Mời tất cả, chúng ta nâng ly uống mừng ngày hội ngộ.

Thanh khí tương đồng, cuộc rượu thật là tương đắc. Trần Đại Bằng lên tiếng hỏi:

- Nghe giọng nói của Phong huynh dường như là người Đàng Ngoài có đúng vậy chăng?

Đoàn Phong gật đầu:

- Vâng. Lúc trước tôi giúp hoàng thúc Lê Duy Mật nổi loạn nhằm giết tên bạo chúa Trịnh Giang nhưng thất bại vì có kẻ bán đứng. Nhạc phụ tôi vốn là chỗ tâm giao với Tôn Thất Dục thúc thúc nên vợ chồng tôi trốn vào Nam nương nhờ người đã được năm năm rồi.

Đại Bằng thở dài:

- Cuộc nổi loạn của Lê Duy Mật lúc ấy đã gây chấn động đến tận Đàng Trong này. Tiếc rằng nhà Lê dựng nghiệp đã hơn ba trăm năm, nay đã đến lúc suy vong nên mới khiến cho chúa Trịnh lộng hành tác quái. Phong huynh đệ vì dân trừ bạo thật đáng khâm phục. Có điều vạn vật đều có lúc thịnh lúc suy, lúc sinh lúc diệt, cho nên việc phục hưng nhà Lê e nan giải vô cùng.

- Bằng huynh nói đúng, tuy vậy, nhìn cảnh Trịnh Giang lộng hành, khắp nơi loạn lạc, bá tánh lầm than khiến kẻ có lòng ai ai cũng nghiến răng căm giận. Phong tôi tuy vô dụng và biết việc khó thành nhưng cũng không thể nhắm mắt làm ngơ.

Kim Hùng nâng bát rượu đang cầm trên tay nói:

- Đó mới là phong độ của người hiệp sĩ chân chính. Kim Hùng tôi xin kính Phong huynh một ly.

Nói xong hai tay đưa bát rượu cho Đoàn Phong. Đoàn Phong nâng bát uống cạn rồi nói:

- Đa tạ Hùng huynh!

Võ Trụ chợt nhớ ra điều gì nên quay sang hỏi Đại Bằng:

- Về việc lập bang Hành Khất và kế hoạch giúp cho Trần gia các bạn tính thế nào?

Đại Bằng đáp:

- Bang Hành Khất là việc lâu dài, tôi sẽ tiến hành từ từ. Còn việc bảo vệ Trần gia mới cấp bách và nan giải. Sau khi Võ huynh rời đi, chúng tôi phát hiện một bức thư hăm dọa, rằng bất kỳ người nào trong Trần gia đi quá khu vực Liên Trì thì sẽ bị giết, được nhét ở cổng.

Đoàn Phong nóng nảy hỏi:

- Chúng có thực hiện lời hăm dọa đó không?

Kim Hùng đỏ mặt giận dữ:

- Bọn chó má đó làm thật! Lúc đầu chúng tôi không tin nên để cho một gia nhân xuống chợ Trà Câu mua sắm và anh ta đã bị chúng chặt cánh tay trái cảnh cáo, bảo về nói với Trần gia rằng kể từ người thứ hai trái lệnh, chúng sẽ giết không tha.

Võ Trụ nghe nói giật mình:

- Có chuyện đó ư? Thật là quá quắt lắm! Bọn chúng dám ra mặt lộng hành đến thế sao?

Hồng Liệt trầm giọng:

- Đó là sự thật. Điều đáng lo là chúng ta hoàn toàn không biết bọn chúng là ai và núp ở xó nào.

Đoàn Phong lại hỏi:

- Sao chúng ta không cho người theo hộ tống bọn gia nhân đi chợ xem chúng có dám ra tay không?

Đại Bằng đáp:

- Có. Sau tôi đã đích thân đi theo hai gia nhân khác xuống chợ Trà Câu và trở về bình an, không thấy có kẻ nào cản trở cả. Nhưng...

- Nhưng thế nào?

Đại Bằng vẻ mặt buồn rầu:

- Có một tên gia nhân vì nhát gan, thấy tình cảnh Trần gia như thế sợ rằng sẽ bị liên lụy nên đã lén bỏ trốn. Sau đó, chúng tôi đã phát hiện xác hắn bên bờ hồ bị chặt đứt cánh tay trái và một kiếm xuyên tâm.

Võ Trụ nghe nói giận run:

- Chúng chặt cánh tay trái của người ở Trần gia là có ý trả thù tôi đã chặt cánh tay trái của tên Tư Đồ Nhị trong Dương Tử Tam Kiếm. Hà! Có lẽ không sớm thì muộn trang trại này cũng sẽ bị bọn chúng ghé thăm.

Đoàn Phong không dằn được tức giận, đập tay xuống bàn nói:

- Bằng mọi giá chúng ta phải giết sạch bọn khốn kiếp này! Tình hình như thế, dự tính của các bạn ra sao?

Đinh Hồng Liệt ủ rũ:

- Tạm thời ba chúng tôi đành phải ở lại Trần gia để bảo vệ họ. Mọi người trong Trần gia cũng không ai được ra ngoài. Cá nhân tôi hằng ngày sẽ đi dò la tin tức khắp nơi xem có tìm ra manh mối gì không. Sợ rằng bọn chúng đã biết mặt tôi nên việc dò thám hơi trở ngại.

Đại Bằng tiếp:

- Chúng tôi ghé vào đây theo lời hứa đến thăm Võ huynh nhân tiện báo tin này để Võ huynh đề phòng. Ngay chiều nay, chúng tôi phải trở lại Trần gia trang đề phòng bọn chúng tấn công bất ngờ.

Võ Trụ nói:

- Đa tạ các bạn. Đáng tiếc tôi đang có chút việc do Võ Vương chỉ định phải làm nếu không tôi nhất định đến đó giúp các bạn một tay.

- Võ huynh có việc thì cứ lo, tôi tin tam đệ sẽ có kế hoạch chu toàn cho việc này.

Đoàn Phong nói ngay:

- Chờ khi Trại Ức Trai vào, chúng tôi sẽ phụ trách việc dò tìm tông tích của bọn chúng.

Rồi quay sang Võ Trụ hỏi:

- Về nhóm người ở địa phương này tiếp tay cho giặc, các anh đã có cao kiến gì chưa?

Võ Trụ đáp:

- Về mặt tiền tài và thế lực ở cả hai phủ Quy Nhơn và Quảng Ngãi thì phải kể đến họ Cao ở đầm Hải Hạc và họ Trần của Hoàng Kim Môn ở Lại Khánh. Họ Cao tuy trong kinh doanh có nhiều mánh khóe nhưng chưa thấy họ làm điều gì mờ ám, phạm pháp. Chỉ có Hoàng Kim Môn của Trần Đại Chí là đáng ngờ. Đại Chí là người có nhiều tham vọng lại thừa ma mãnh để mua chuộc các quan chức địa phương. Hắn một tay nắm trọn nguồn thu mua, cung cấp muối ở hai phủ Quy Nhơn và Quảng Ngãi. Hắn thu mua của dân với giá bóp chẹt và bán ra với giá cắt cổ. Hắn còn độc quyền cả việc khai thác và mua bán gỗ quí. Phần lớn các việc mua bán của hắn đều lậu thuế vì có ăn chia với quan chức địa phương.

Đoàn Phong nghe xong trợn mắt ngạc nhiên:

- Lộng hành đến như thế sao?

- Hoàng Kim Môn ngoài chỗ dựa là thế lực chính quyền, hắn còn có rất nhiều thủ hạ đệ tử, phần đông đều là những tên ác đạo giang hồ. Ngoài ra, chúng còn hành sự rất tàn bạo nên chẳng ai dám ra mặt chống đối. Ở Quy Nhơn và Quảng Ngãi, Trần Đại Chí chẳng khác gì ông trời con.

Đoàn Phong hỏi tiếp:

- Ngoài hai mặt hàng đó, hắn còn kinh doanh gì khác nữa không?

- Những điều tôi biết là do khi còn ở trong thủy đội Đạm Thủy nghe anh em lính thủy họ kháo nhau. Sau này giải ngũ rồi tôi không để ý đến việc thiên hạ nữa nên không rõ lắm.

Đoàn Phong nói:

- Có lẽ chúng ta phải dò la từ đầu mối này.

Võ Trụ gật đầu tán thành:

- Tôi cũng nghĩ như thế.

Ba người nhóm Đại Bằng đứng lên:

- Chúng tôi phải trở về Liên Trì. Ta sẽ liên lạc với nhau sau.

Võ Trụ quay ra sau gọi lớn:

- Chí Hiếu, con ra chuồng ngựa dắt hai con Thiết Đởm và Hồng Câu ra trước sân đi.

Rồi quay lại nói:

- Xin tặng hai bạn hai con ngựa tốt để đi lại cho tiện. Chúng ta giữ liên lạc. Rảnh tay tôi sẽ ghé thăm các bạn.

Ba người họ vừa bước ra sân đã thấy Chí Hiếu và một tên sư đệ dắt hai con ngựa đứng chờ. Hai con ngựa khỏe mạnh hùng dũng, mới nhìn đã biết ngay là những con thiên lý mã. Kim Hùng cười:

- Anh cả, em chọn con Thiết Đởm. Bộ lông đen xám của nó rất hợp ý em. Cảm ơn Võ huynh thật nhiều.

Võ Trụ khẽ cười:

- Không có gì đâu. Bảo kiếm tặng tráng sĩ, chiến mã tặng anh hùng. Chúc các bạn thượng lộ bình an.

Đinh Hồng Liệt nói to:

- Giờ thử xem anh em họ Trần các anh có rượt kịp tôi không nhé? Thôi xin chào! Hẹn gặp lại!

Nói xong chàng tung mình lên con Bạch mã ra roi phóng đi như bay. Kim Hùng cũng phóng lên lưng con Thiết Đởm hét lớn “đi!”. Con ngựa chồm hai vó trước lên hí vang một tiếng rồi phóng đi như tên bắn đuổi theo con Bạch mã. Trần Đại Bằng lên ngựa, cúi đầu chào Võ Trụ và Đoàn Phong lần nữa rồi thúc chân vào bụng con Hồng Câu. Nó cất bốn vó chồm tới trước, đuổi theo hai con ngựa kia. Đoàn Phong nhìn theo bóng họ khuất sau đám bụi mờ, quay sang nói với Võ Trụ:

- Những con người đó quả ung dung tự tại, nghĩa khí ngất trời. Tôi thật hâm mộ.

Võ Trụ chợt thở dài:

- Họ là những anh hùng hiệp sĩ chân chính. Nhưng có điều nghịch lý là, một khi anh hùng xuất hiện cũng là dấu hiệu báo trước của một xã hội loạn lạc. Tôi e rằng sẽ còn nhiều điều phiền phức sắp xảy ra cho đất nước này.

Đoàn Phong đổi cách xưng hô cho thân mật hơn.

- Lời cao luận của Võ huynh thật chí lý. À, lúc sáng mới đến, tôi có gặp Trọng Hào bế một đứa bé trai, là con anh phải không? Anh cho tôi ra mắt chị nhà cho phải phép chứ?

- Thằng cu nhà tôi đó. Đoàn huynh vào trong ngồi chờ tôi một lát.

Nói rồi Võ Trụ trở vào trong, một lúc sau ông quay ra cùng với vợ. Trọng Hào bồng đứa bé trên tay theo sau.

- Đây là vợ tôi.

Rồi ông giới thiệu với vợ:

- Còn đây là Đoàn Phong, người bạn ta mới quen.

Đoàn Phong cúi chào:

- Xin ra mắt chị. Nhìn cháu trai của anh chị tôi thật ước sao mình cũng có được một thằng con như thế. Trông cháu nó kháu khỉnh quá!

Nguyễn thị cúi đầu đáp lễ:

- Xin chào Phong huynh. Nghe nhà tôi khen chị nhà đẹp như hoa và thánh thiện như tiên, tôi thật hâm mộ và mong có ngày được gặp mặt. Anh chị nếu sanh con sẽ là rồng là phượng, sao lại đi ao ước giống chú mọi đen nhà tôi?

Đoàn Phong mỉm cười:

- Anh Võ Trụ thật đã khéo tô vẽ thêm rồi.

Chú nhỏ Võ Văn Doan đang được Trọng Hào bế trên tay bỗng lên tiếng:

- Chào chú Phong. Chú có cây kiếm đẹp quá. Chú cho Doan đi.

Đoàn Phong nghe thằng bé liến thoắng bật cười ha hả:

- Cháu tên Doan hả? Doan còn nhỏ lắm chưa cầm được đâu. Đợi lớn lên chút nữa chú sẽ tặng Doan một thanh kiếm đẹp hơn thế nhé?

Thằng bé reo lên:

- A, chú Phong nhớ đó nhé! Mai mốt Doan lớn lên chú phải cho cháu cây kiếm thật đẹp đó.

Võ Trụ cười:

- Thằng bé này nói tía lia luôn miệng cả ngày. Có lúc Trọng Hào bực quá gọi nó là Lía đấy.

Sau đó, Võ Trụ kéo Đoàn Phong ra phía sau trại ngựa nói:

- Tôi còn mấy con thiên lý mã, tặng anh một con để làm quà. Anh thích con nào cứ chọn mà dùng.

Đoàn Phong mừng rỡ nói:

- Hay quá! Tôi thích con ngựa hồng có đốm trắng trên trán kia.

***

Trong khi ở trại ngựa dưới núi bọn trẻ tuổi bàn tán việc chém giết nhau thì tại phòng chế thuốc của Vô Danh thiền sư cuộc nói chuyện lại đượm mùi thoát tục. Lúc Võ Trụ và Đoàn Phong đi rồi, Tôn Thất Dục nói:

- Hôm trước ở kinh sư có duyên gặp được thiền sư nhưng không đủ thời gian để xin thụ giáo. Tôi có xem qua hai bức họa tuyệt tác của thiền sư ở chùa Thiên Mụ, nét họa như rồng bay phượng múa, sinh động như có linh hồn. Thật là tuyệt tác mà suốt đời tôi chưa được thấy bao giờ. Ngoài thiên phú về hội hoạ và thư họa, thiền sư còn có bí quyết nào giúp đạt đến tuyệt đỉnh nghệ thuật không, thưa thiền sư?

Vô Danh thiền sư mỉm cười:

- Thí chủ đã quá đề cao bần tăng rồi. Thí chủ cũng là bậc nổi danh chốn kinh sư về cầm kỳ thi họa và cả y bốc nữa, sao còn hỏi đố bần tăng làm gì?

- Tôi vốn có sở thích nghiên cứu về các môn đó nhưng chỉ đủ để cầu vui cho bản thân, chứ về nghệ thuật quả thật không đáng để nói đến hai chữ nổi danh. Việc tôi cầu học là thật lòng vì tình yêu nghệ thuật chứ không có ý hỏi đố thiền sư, xin ngài đừng hiểu lầm.

- Đã thế thì tôi xin hỏi, về thuật viết chữ có nhiều sách của nhiều trường phái khác nhau, thí chủ đã nghiên cứu qua những sách vở của trường phái nào?

- Tôi có nghiên cứu qua “Bút Trận Đồ” của Tiêu Hân và Vương Hữu Quân. “Bút Tủy Luận” của Ngu Thế Nam cũng như “Hoàng Đình Kinh” của Nhạc Nghị Luận...

- Thí chủ thu thập được gì qua những kinh điển ấy?

- Cũng chỉ tìm ra được cách thức cầm bút, phóng bút và lối viết riêng.

Thiền sư đứng lên, bước lại mở một ngăn tủ kê sát vách lấy ra một cuộn giấy, bút và nghiên mực đem bày trên bàn. Ông đích thân mài nghiên pha mực xong rồi nói:

- Thí chủ viết vài chữ cho bần tăng xem.

Tôn Thất Dục đưa tay cầm bút, ngưng thần một lúc rồi viết xuống bốn chữ “Ngũ Tuyệt thư sinh”. Chữ Ngũ được viết theo lối chữ Tiểu Triện đời Hán, chữ Tuyệt với lối viết chân phương của chữ Khải trong “Lan Đình Thiếp” của Vương Hy Chi, chữ Thư theo lối Hành thư của Lưu Bá Thăng và chữ Sinh theo lối phóng túng của Thảo hành. Nét bút có khi rất khuôn phép nhưng có khi lại tinh xảo và linh hoạt. Vô Danh thiền sư nhìn cách cầm bút, phóng bút và nét bút của Tôn Thất Dục gật đầu nói:

- Rất đẹp! Tôn thí chủ đã kết hợp rất khéo léo các thủ thuật của nhiều danh gia Trung Quốc để tạo ra nét bút riêng cho mình. Xét về kỹ thuật, sự tinh vi cũng như mỹ thuật, thí chủ đã đạt đến trình độ của bậc danh gia.Tuy nhiên trong nét bút còn thiếu cái thần. Tâm hồn của người viết chưa hiển lộ trong nét họa.

- Thiền sư nhận xét thật chính xác. Tôi tự biết mình chưa thể hiện được tinh thần của nét họa. Xin được nghe lời chỉ giáo.

- Về cái thần của nghệ thuật tự và họa, chúng ta có thể gom lại trong một câu “Ý tại bút tiên”. Trước khi cầm bút, phóng bút, ý và thần phải được chuẩn bị kỹ. Tâm và ý chưa chuẩn bị kỹ thì chưa thể phóng bút. Bởi vì tinh thần của nét bút nằm ở trong lòng người, cho nên tinh thần của người viết chưa an trú thì không thể truyền xuống tay để toát ra nét bút được. Kỹ thuật là điều cần thiết nhưng khi đã thành thạo rồi xin hãy quên nó đi. Làm được như thế nét bút sẽ không còn kiên cưỡng, gò bó nữa và cái thần trong tâm người viết mới được chảy tự do truyền vào nét họa.

Tôn Thất Dục nghe lời cao luận liền giật mình, ông vội cúi đầu nói:

- Nghe được một lời thâm cao còn hơn tìm học mấy chục năm trời. Thật là một bài học quí giá biết bao. Tôi như vừa nhìn thấy một chân trời mới trong nghệ thuật.

- Tâm của thí chủ thật sáng, vừa nghe đã thấu triệt. Bây giờ thí chủ viết lại bốn chữ này xem sao. Tôi đi pha lại bình trà.

Nói xong, thiền sư quay người ra phía sau đun nước pha trà. Tôn Thất Dục thong thả trải ra bàn tờ giấy mới, phóng bút viết thật nhanh bốn chữ “Ngũ Tuyệt thư sinh” lần nữa. Cũng theo các lối chữ cũ nhưng lần này bàn tay của ông có cảm giác thật nhẹ nhàng linh hoạt, không chút gò bó nắn nót. Bốn chữ mới viết ra, về hình thức chẳng khác gì so với bốn chữ trước nhưng nét chữ sống động như thật. Cái thần của ông đã hiện rõ trong nét chữ. Ông đứng ngắm bức tự họa của mình đến ngẩn ngơ.

Vô Danh thiền sư bưng bình trà trở lại nhìn bức tự họa, buột miệng khen:

- Diệu thủ! Thật là toàn mỹ, không thể hơn thế được nữa.

Tôn Thất Dục giật mình như vừa tỉnh lại sau cơn mê. Bỗng nhiên, ông sụp xuống trước mặt Vô Danh thiền sư lạy một lạy:

- Nửa chữ cũng là thầy, xin nhận một lạy này với tất cả lòng thành kính của tôi.

Vô Danh thiền sư mỉm cười đỡ Tôn Thất Dục đứng lên:

- Đừng hình thức quá. Người nghệ sĩ càng chú trọng đến hình thức chừng nào thì tinh thần nghệ thuật của họ càng bị giảm sút chừng đó. Phải để cho tâm hồn mình thật ung dung thoải mái dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

- Tôi xin ghi khắc lời của thiền sư vào tâm khảm. Xin cho nghe tiếp về cái vi diệu của âm thanh.

Nói xong, Tôn Thất Dục bưng bình trà rót ra chén mời thiền sư. Thiền sư nhận chén trà hớp chậm rãi vài ngụm:

- Về đại thể, âm thanh có hai loại: thanh hạ và thanh cao. Thanh hạ là do lòng người yên tĩnh, không cạnh tranh mà có được. Đó âm thanh của thiên nhiên, trời đất và của người thời thượng cổ, người ta gọi đó là tĩnh, là hòa. Đời sau, lòng người cấp bách háo sự, thích cạnh tranh cho nên tạo ra thanh cao, đó gọi là động, là bất hòa. Âm thanh quí ở hòa. Thanh có hòa thì mới có thể nhập vào tâm hồn con người và hòa với cái tiểu ngã của bản thân để trở về với đại ngã của vũ trụ. Do đó, thanh hạ là an, là hòa. Thanh cao là nguy, là loạn. Người xưa lấy âm nhạc để suy đoán ra vận nước, bởi vì âm thanh là tiếng lòng của nhân loại, là biểu tượng văn hóa và tâm hồn của một dân tộc. Lòng người động tức nước loạn, lòng người tĩnh nước sẽ an. Đó cũng chính là cái vi diệu của âm thanh. Khi người nghệ sĩ đưa được trạng thái tâm linh của mình vào tiếng đàn, họ sẽ tạo nên tuyệt khúc. Đó là điều vi diệu của âm nhạc. Cho nên nhạc và họa, tuy hình thức thể hiện khác nhau nhưng có cùng một cội nguồn là tiểu ngã và chung một tuyệt đích là đại ngã.

Nghe chỉ điểm, Tôn Thất Dục như người vừa bước ra khỏi làn sương mù, nét mặt ông trở nên rạng rỡ, miệng lẩm bẩm:

- Âm thanh là tiếng lòng của nhân loại, là biểu tượng văn hóa và tâm hồn của một dân tộc. Vậy văn hóa thuần Việt, tâm hồn thuần Việt được biểu hiện dưới dạng âm thanh nào, của nhạc khí nào?

- Tính chất của âm thanh vốn mơ hồ nên sự cảm nhận tùy thuộc vào tâm hồn của từng người. Riêng về nhạc khí thì có thể nói hầu hết các nhạc khí thông dụng trong nước ta không ít thì nhiều đều mang chung những sắc thái, mẫu mã của nhiều dân tộc khác. Thí chủ tâm sáng, trí sáng, lại có lòng với dân tộc sao không tìm ra một nhạc khí tạo nên một âm thanh đặc trưng cho tâm hồn của người Việt ta?

Tâm thần Tôn Thất Dục như vẫn còn trong trạng thái mơ màng nên miệng tiếp tục lẩm bẩm:

- Nhạc khí và âm thanh đặc trưng cho tâm hồn người Việt...

Bỗng ông hỏi nhanh:

- Xin cho một lời nhận định về tâm hồn người Việt ta?

Thiền sư đưa mắt nhìn ra dòng suối thong thả nói:

- Mềm dịu như nước, bao dung như đất, đơn giản, tròn trịa như giếng nước đầu làng nhưng chứa cả trời cao.

- Đó chẳng phải là Đạo sao?

- Phải! Đạo từ Không mà thành Một, từ Một mà thành vũ trụ vạn vật. Tâm hồn Việt như cái Một ấy, vô cùng đơn giản nhưng lại rất bao la[1].

[1] Về sau Tôn Thất Dục từ quan vui thú tiêu dao. Ông theo lời Vô Danh thiền sư sáng chế ra cây đàn Độc Huyền độc nhất vô nhị của người Việt

Nhìn thấy vẻ rạng rỡ trên nét mặt Tôn Thất Dục, thiền sư mỉm miệng cười.