Én Liệng Truông Mây - Hồi 04 - Phần 1

HỒI THỨ TƯ

Hoàng Kim Môn bán buôn hàng quốc cấm

Trại Ức Trai bày kế bắt gian thương.

*

Lại Dương Giang là con sông huyết mạch của huyện Bồng Sơn. Sông nhận nước từ hai nguồn An Lão và Kim Sơn đưa xuống đồng bằng, chảy qua thủ phủ Lại Khánh ở bờ nam, thị trấn Bồng Sơn ở bờ bắc, rồi như một dải bạc lớn lấp lánh đổ ra biển Đông tại cửa An Dũ. Cửa An Dũ tuy không sầm uất bằng cửa Hội An và cửa Nước Mặn nhưng thuyền bè luôn ra vào tấp nập, mang hàng vào huyện lỵ ở bến Lại Dương gần thị trấn Bồng Sơn và chở những mặt hàng sản xuất tại Bồng Sơn đi khắp nơi trong nước. Trên một cồn cát tại cửa biển, phủ Chúa Nguyễn cho thiết lập một trạm kiểm soát do quan tuần nha canh giữ cửa biển. Trên bờ lại có một trạm thuế do quan đồn thủ đứng đầu, đảm nhiệm việc thu thuế những chuyến tàu chở hàng ra vào huyện.

Đêm hôm đó, một đoàn tàu lớn gồm năm chiếc của một chủ buôn ở Gia Định mang hàng từ miền Nam ra bán và mua hàng đặc sản của Bồng Sơn vào lại Gia Định đang dừng tại trạm thu thuế để làm thủ tục xuất cảng. Viên đồn thủ cửa An Dũ bảo người đại diện đoàn tàu:

- Thuyền chủ cho tôi xem danh sách kê khai tất cả những mặt hàng mà đoàn tàu chở đi trong chuyến này. À, xin lỗi tôi phải xưng hô thế nào?

Người đại diện đoàn tàu tuổi trạc bốn mươi, điệu bộ có chút ngang tàng đáp:

- Tôi là Lại Thừa Ân. Đây là danh sách hàng hóa của chuyến hàng. Đồn thủ mới thuyên chuyển về đây phải không? Tôi gọi ông thế nào?

- Vâng, tôi mới được lệnh thuyên chuyển về đây. Ông cứ gọi Thủ Phong là được rồi.

Thủ Phong nói xong cầm tờ hóa đơn ghi danh mục hàng hóa đọc thật kỹ.

- Ở đây liệt kê toàn là những thứ nông lâm sản bình thường sản xuất ở Bồng Sơn này, không có gì quí giá cả. Có điều tôi là người mới nhận nhiệm vụ nên phải thi hành đúng theo luật pháp của phủ Chúa. Tôi xin phép được xuống thuyền kiểm tra qua hàng hóa để tính thuế.

Lại Thừa Ân nghe viên đồn thủ đòi kiểm tra hàng hóa thì thoáng giật mình. Hắn ta vội nói:

- Đồn thủ mới về nên không biết, hãng Diệp Sanh Ký chúng tôi đã buôn bán với địa phương này nhiều năm, hàng hóa kê khai đều đúng sự thật, chưa bao giờ trái phạm cả. Đồn thủ thông cảm bỏ qua việc kiểm tra, chúng tôi là những người biết điều phải quấy mà.

Trong khi nói, hắn nhấn mạnh ba chữ “Diệp Sanh Ký” như thể để thị uy với viên đồn thủ trẻ mới về này, ngay cả mấy từ “biết điều phải quấy” cũng là tiếng lóng của giới thương buôn tỏ ý rằng sẵn sàng đút lót cho quan chức cầm quyền. Thủ Phong nói với vẻ mặt tỉnh bơ:

- Tôi có nghe nói đến việc buôn bán lớn của Diệp Sanh Ký các ông với địa phương này, tôi còn có cả hàng chục cái hóa đơn thuế và danh mục hàng hóa các chuyến buôn trước đây của các ông nữa kìa, nhưng ông cũng nên biết luật pháp là luật pháp. Ông đưa tôi xuống thuyền kiểm tra đi.

Thấy nét mặt thản nhiên và cương quyết của viên đồn thủ trẻ, Thừa Ân toan nổi nóng nhưng kịp dằn lại bằng thái độ nhỏ nhẹ:

- Chúng tôi không khai gian đâu. Chúng tôi xin nộp tiền thuế cho chuyến hàng ngay bây giờ để xuất bến cho kịp con nước xuống. Mong đồn thủ thông cảm cho.

Hắn lấy từ trong túi ra hai túi tiền trao cho Thủ Phong:

- Đây là khoản tiền nộp thuế. Còn cái này là món quà làm quen của chúng tôi với ngài đồn thủ.

Đồn thủ Phong lắc đầu:

- Tôi đã nói khi chưa kiểm tra hàng hóa thì tôi không thể thu tiền thuế. Biết bao nhiêu mà thu? Còn món quà làm quen kia ông cất đi. Tôi làm việc cho phủ Chúa đã có bổng lộc của triều đình rồi. Tôi không quen nhận quà cáp. Đi!

Nói xong, chàng đứng lên bước ra khỏi phòng thuế và bảo bốn tên lính đang có mặt bên phòng đợi:

- Các anh theo tôi xuống kiểm tra các thuyền này!

Lại Thừa Ân thấy thế bèn chạy nhanh theo kéo tay áo của Thủ Phong:

- Đồn thủ thông cảm, tôi đã nói là chúng tôi cần phải xuất bến ngay cho kịp. Chúng ta ngồi lại nói chuyện phải quấy với nhau có được không?

Hắn dúi nhanh vào tay viên đồn thủ một túi vàng nhỏ. Chiếc túi khá nặng. Thủ Phong vẫn vờ như không, ra hiệu cho bọn lính xuống thuyền. Thừa Ân biết đã hết cách, hắn nhảy tới phía trước đứng chặn ngang lối xuống thuyền:

- Khoan đã! Diệp Sanh Ký từ lâu ra vào buôn bán ở đây chưa bao giờ bị khám xét cả! Đồn thủ muốn xét gì thì hãy đợi chúng tôi mời quan trên huyện xuống đây rồi mới được lên thuyền.

Thủ Phong mỉm cười:

- Diệp Sanh Ký các ông là ai mà không cho người thừa hành của triều đình xuống thuyền khám xét? Các ông cứ đi gọi quan huyện đến đây đi, còn việc khám xét là việc của trạm thuế, chúng tôi vẫn phải tiến hành. Mời ông tránh sang bên cho.

Đồn thủ Phong bước thẳng tới, đưa tay gạt Lại Thừa Ân sang một bên. Thừa Ân lúc này đã không còn nhịn được nữa, bản tính ngang ngược, kẻ cả của hắn nổi lên. Thấy thủ Phong đưa tay ra gạt, hắn chụp nhanh cánh tay chàng định bẻ quặt ra sau có ý trừng trị cho tên đồn thủ ngốc nghếch này một trận. Nhưng đòn của hắn chưa đến nơi thì thủ Phong đã vội thu tay về rồi nhanh chóng đổi thành thế Cầm nã chộp lại cánh tay hắn. Thừa Ân giật mình, hạ vội cánh tay xuống dưới để thoát khỏi cú chộp của thủ Phong. Sau đó, hắn lật ngang sống bàn tay, phạt ngang vào bụng chàng đồng thời tay trái điểm vào huyệt khúc trì ở khuỷu tay của chàng. Thủ Phong miệng vẫn điểm nụ cười, cong người hóp bụng vào để né cú phạt ngang của Thừa Ân, cùng lúc đó tay phải xoay nhanh thành một vòng tròn tránh khỏi đòn điểm huyệt, đồng thời, chém mạnh tay xuống huyệt kiên tỉnh trên vai phải của Thừa Ân. Động tác né tránh và lối ra đòn vừa thần tốc vừa đẹp mắt của thủ Phong khiến cho Thừa Ân không sao tránh kịp. Trúng cú chặt đó khiến cả cánh tay của Thừa Ân bị tê liệt, buông xuống xụi lơ. Hắn vô cùng kinh ngạc trước lối xuất thủ nhanh như sấm chớp của viên đồn thủ trẻ tuổi này. Từ khi học võ đến nay, lênh đênh sóng nước đó đây, từng trải rất nhiều trận đánh nhưng trước giờ hắn chưa lần nếm mùi thất bại. Và hắn không thể nào tin được có ngày lại có người đánh bại hắn một cách dễ dàng như vậy, mà người đó lại chỉ là một tên đồn thủ trẻ mặt còn búng ra sữa. Hắn đứng lặng im há hốc mồm. Thủ Phong miệng vẫn điểm nụ cười, nét mặt thản nhiên như không tiếp tục dẫn lính xuống thuyền khám xét.

Biết mình không phải là đối thủ của viên đồn thủ, Thừa Ân vội ra lệnh cho một tên thủ hạ:

- Ngươi đến Hoàng Kim Môn báo cho lão Trần Đại Chí ngay! Bảo hắn mau thu xếp cho ổn. Đi nhanh lên!

Sau khi lật tung tất cả hàng hóa trên năm chiếc thuyền, đồn thủ Phong liền cho niêm phong lại rồi ra lệnh kéo thuyền vào trong một cái đầm thiên nhiên được tạo bởi những cồn cát giữa cửa biển. Xong đâu đấy, chàng giao cho viên Tuần nha canh giữ, sau đó mời Lại Thừa Ân vào phòng làm việc. Chàng nói:

- Qua kiểm tra hiện vật, như ông đã thấy, Diệp Sanh Ký của các ông đã phạm tội khai man thuế lại cả gan buôn bán hàng quốc cấm. Ở đây, ngoài một số gỗ quí như giáng hương, trắc, cẩm lai mà các ông buôn lậu còn có rất nhiều gỗ giá tỵ dùng làm báng súng. Loại gỗ này rất hiếm, nó là hàng đặc sản của phủ Chúa dùng để trao đổi mậu dịch với các nước Tây phương. Các ông chẳng những khai thác lậu mà còn dám trốn cả thuế. Tội này nặng lắm đấy. Chưa kể còn có cả năm cặp ngà voi lớn và cả tạ trầm hương nữa.

Lại Thừa Ân ngồi nghe viên đồn thủ kê ra những tội lớn mà mặt hắn vẫn tỉnh bơ, lại còn tỏ vẻ khinh khỉnh xem thường. Thủ Phong nhìn thấy vẻ mặt đó tức giận mắng thầm: “Bọn ngươi chắc là ỷ vào thế lực quan địa phương ở đây nên tỏ ra xem thường tên Đồn thủ nhỏ bé này chứ gì? Ta mà không cho bọn ngươi vào tù thì ta không phải là Đoàn Phong! Đợi đấy!”. Lòng nghĩ vậy nhưng chàng vẫn giữ nét mặt thản nhiên nói tiếp:

- Tôi còn giữ đây mười cái hóa đơn thuế từ những chuyến buôn trước kia của Diệp Sanh Ký, cứ như tình hình chuyến này thì mười chuyến trước chắc là các ông cũng vi phạm y như thế. Hà, lần này Diệp Sanh Ký các ông phải đóng đủ tiền thuế cho mười một chuyến, cộng thêm tiền phạt. Đó là về hàng hóa, còn về nhân sự thì tạm thời tôi phải giữ các ông lại chờ quan trên xét xử.

Thừa Ân nghe nói đến việc giam giữ người thì giật thót mình la lớn:

- Ông nói sao? Ông định bắt giữ chúng tôi à?

Đoàn Phong đáp, giọng chắc nịch:

- Đúng, chiếu theo luật thuế hiện hành, hàng hóa khai man đều bị tịch thu, cho nên số gỗ, ngà voi và trầm hương này sẽ bị thu hồi để sung vào công quĩ. Và theo hình luật của Hình bộ, những kẻ phạm pháp như các ông ít nhất cũng phải đeo gông một năm.

Khuôn mặt Thừa Ân đỏ tía lên vì giận, hắn gân cổ cãi:

- Ta làm gì mà đeo gông một năm? Bất quá ta nộp đủ tiền thuế theo đơn thuế hiện hành cho ngươi là cùng chứ gì!

Đoàn Phong điềm nhiên:

- Trên thực tế nếu thu đủ thuế thì các ông phải nộp thuế cho chuyến hàng này là 1.800 quan. Vậy mà các ông khai gian trên giấy tờ để chỉ nộp 500 quan thôi. Chà! Các ông mua bán kiểu này hẳn là giàu có lớn rồi phải không? Hàng này là do Hoàng Kim Môn cung cấp cho các ông phải không?

Thừa Ân gắt giọng:

- Ở cái xứ này còn ai có thể cung cấp nổi hàng cho Diệp Sanh Ký chứ? Ngươi biết rồi còn hỏi làm gì?

Đoàn Phong vẫn từ tốn:

- Hắn là chủ mưu cung cấp hàng lậu. Nếu các ông đeo gông một năm thì hắn phải đeo lâu gấp đôi.

Lại Thừa Ân tức đến lộn ruột nhưng chẳng biết làm thế nào. Hắn rủa thầm: “Tổ bà thằng nhóc con ngu ngốc này, rồi mày xem tụi ông ngồi tù hay mày về nhà cắm câu cho biết!”

***

Cũng trong buổi sáng sớm ngày hôm đó, một đoàn thuyền buôn năm chiếc đang đậu tại cửa sông Đại Cổ Lũy ở Quảng Ngãi để làm thủ tục xuất bến. Viên đồn thủ cửa biển chăm chú đọc tờ hóa đơn kê khai hàng hóa trên năm chiếc tàu rồi ngẩng mặt lên hỏi người đại diện đoàn tàu buôn:

- Trong hóa đơn liệt kê toàn là hàng nông lâm sản, không có gì nặng lắm mà sao tôi thấy những chiếc thuyền của các ông khẳm sâu quá vậy? Còn hàng gì khác trên đó nữa không? Vàng chẳng hạn? Chỉ có vàng mới làm cho tàu khẳm sâu đến như thế. À, tôi gọi ông thế nào?

Người đại diện đoàn tàu cười nói:

- Tôi là Đồng Bách. Ngài đồn thủ khéo nói đùa quá. Chúng tôi ước gì có vàng để chở cho khẳm thuyền. Chẳng có gì khác trên thuyền ngoài số hàng đã kê khai đâu ạ. Thuyền khẳm có lẽ là do số đường phèn đó mà. Đường phèn Quảng Ngãi quả nhiên tốt thật, người dân Gia Định rất chuộng đường ở đây mang vào. Diệp Sanh Ký chúng tôi lâu nay làm ăn uy tín, không dám làm bậy đâu mà. Ngài đồn thủ mới thuyên chuyển về đây à? Xin lỗi chúng tôi phải gọi ông thế nào?

Viên đồn thủ đáp:

- Đồn thủ Hiến, hay thủ Hiến cũng được.

Đồng Bách cười vui vẻ:

- Hân hạnh được biết ngài. À, chúng tôi có món quà gọi là làm quen với vị tân đồn thủ. Xin đồn thủ nhận cho, gọi là chút đỉnh lấy thảo ấy mà.

Vừa nói hắn vừa lấy ra một túi bạc khá nặng để lên bàn rồi đẩy về phía viên đồn thủ, giọng xã giao:

- Ngài đồn thủ còn trẻ, tướng mạo lại nho nhã, sáng sủa thông minh, sao không ra tranh chiếm bảng vàng mà lại về chi cái xứ hẻo lánh này cho cực thân vậy? Còn đây là tiền đóng thuế cho chuyến hàng.

Hắn lấy thêm một túi bạc nữa đặt trên bàn. Thủ Hiến đẩy hai túi bạc trả lại cho Đồng Bách.

- Ở đời học tài thi phận mà. Thi rớt mãi cũng phải chui đi kiếm việc gì đó để nuôi thân chớ. Gởi lại ông cái này. Tôi một thân một mình, làm việc đã có bổng lộc của triều đình. Chuyện quà cáp tôi không quen. Còn tiền thuế đợi tôi kiểm tra hàng xong đã.

Đồng Bách cười cầu tài:

- Trước không quen, sau sẽ quen. Có gì đâu, chỉ là chút đỉnh cho dễ nói chuyện thôi mà.

Thủ Hiến vừa đứng lên vừa nói:

- Ông cất đi. Bây giờ tôi phải kiểm tra số hàng trên thuyền của ông để làm thủ tục thu thuế.

Nói xong chàng cầm sổ sách bước ra cửa. Đồng Bách hoảng kinh chạy lại nắm cổ tay viên đồn thủ trẻ:

- Khoan đã! Từ từ nói chuyện rồi mọi việc sẽ đâu vào đó mà. Diệp Sanh Ký chúng tôi buôn bán lâu nay với địa phương này chưa bao giờ để xảy ra rắc rối đến độ phải phiền đến đồn thủ khám xét cả. Ngồi lại nói chuyện phải quấy với nhau có phải là hay hơn không?

Đồng Bách kéo thủ Hiến lại, bàn tay hắn cứng như sắt nguội, tay kia hắn móc ra một túi tiền lớn hơn dúi vào tay chàng. Thủ Hiến giả vờ ngạc nhiên hỏi lớn:

- Này! Ông làm cái trò gì vậy? Tôi đã nói là tôi không quen nhận quà cáp gì ráo trọi. Ông buông tay tôi ra, tôi phải thi hành nhiệm vụ.

Dứt lời, chàng xoay tay dùng thế Cửu Chuyển Đơn Thần hất mạnh. Cả cánh tay của chàng mềm như bông gòn, trơn tuột như lươn vụt ra khỏi bàn tay sắt nguội của Đồng Bách một cách dễ dàng. Trước sự kinh ngạc của hắn, thủ Hiến ung dung bước ra cửa nói với mấy tên lính đang túc trực:

- Chúng ta xuống khám thuyền đi!

Đồng Bách vội chạy theo rào trước mặt họ, đưa tay cản đường:

- Khoan đã! Các ông muốn xét thì mời thượng cấp của các ông đến đây mà xét. Thuyền của Diệp Sanh Ký đâu phải hạng thường mà để bọn lính các ông xông lên vô cớ.

Thủ Hiến cười lớn:

- Diệp Sanh Ký các ông là ai mà không để cho bọn lính chúng tôi lên xét? Ông muốn mời thượng cấp nào thì mời đến đây đi! Chúng tôi phải thi hành nhiệm vụ của mình. Ông tránh ra cho.

Đồng Bách đứng nguyên tại chỗ gằn giọng:

- Tôi đã nói các ông hãy đợi thượng cấp của các ông đến đây rồi mới được quyền xét. Ông nghe chưa?

Thủ Hiến nạt lớn:

- Ông dám ngăn cản người phủ Chúa thi hành nhiệm vụ ư?

Chàng đưa tay đẩy Đồng Bách sang bên. Cú đẩy trông rất nhẹ nhàng nhưng đã khiến cho thân hình hộ pháp của Đồng Bách phải lui lại hai bước. Hắn thất kinh vội vàng trụ bộ đứng vững lại. Sau đó, hắn vừa xỉa thẳng ngón trỏ của mình vào mặt Thủ Hiến vừa quát:

- Ngươi đúng là trẻ người non dạ, chẳng biết điều tí nào. Ngươi dám động đến ta à?

Khi bàn tay của hắn đưa đến gần mặt thủ Hiến liền biến đòn thành cái tát thật nhanh vào mặt chàng. Hắn đinh ninh với cú đánh thần tốc này chắc chắn địch thủ phải trúng đòn. Hắn định dạy cho tên nhóc con trước mặt mình một bài học khôn khi ra đời làm việc. Ngờ đâu hắn xuất thủ đã nhanh mà thủ Hiến còn nhanh hơn. Như đoán biết trước được cách ra đòn của địch thủ, nhanh như chớp bàn tay của chàng chẳng khác nào con rắn uốn mềm quanh bàn tay của Đồng Bách rồi trườn tới. Bỗng nghe một tiếng “bốp!” vang lên. Chưa kịp nhận ra thủ Hiến xuất chiêu thế nào, mặt Đồng Bách đã bị trúng một cái tát nảy lửa. Hắn bật người ra sau loạng choạng mấy bước và cảm thấy vô cùng kinh ngạc vì mình là người ra tay trước mà lại bị đòn. Cú đánh thật ngoài sức tưởng tượng của hắn.

Vốn là tay lão luyện, Đồng Bách vội lướt tới, tay phải ra chiêu Mãnh Hổ Thôi Tâm đấm mạnh vào ngực thủ Hiến một cú như trời giáng. Trước đòn đánh sấm sét đó, chỉ thấy thủ Hiến đưa cánh tay uyển chuyển nương sát vào tay đối thủ rồi gạt ngang. Điều bất ngờ là trông động tác của thủ Hiến rất nhẹ nhàng nhưng cánh tay vũ bão của Đồng Bách lại bị gạt đi rất xa. Tiện đà, thủ Hiến tát thêm một cái nữa vào mặt Đồng Bách. Nhất thời khinh địch, Đồng Bách bị trúng liền hai cú tát nên mặt đã đỏ bừng lên như gấc chín. Hắn vừa kinh hãi vừa hổ thẹn la lớn:

- Miên quyền quả nhiên lợi hại! Khá lắm, đỡ tiếp đây!

Xông người tới trước, chân chuyển tấn Đại mã, song quyền của Đồng Bách sử dụng theo lối Trường kiều đồng thời đánh ra liên tục, tấn công khắp các bộ vị từ bụng lên tới mặt đối phương. Những cú đấm rít gió vù vù mang theo một kình lực khủng khiếp. Thủ Hiển nhìn chiêu thức của Đồng Bách đã nhận ra ngay hắn đang sử dụng quyền pháp của Nam Thiếu Lâm Trung Hoa. Biết hắn đang tức giận đến cực điểm nên mới ra đòn chí mạng như thế, chàng liền thi triển Miên quyền theo nguyên tắc “tứ lạng bát thiên cân” (bốn lạng đẩy ngàn cân), dùng nhu lực mượn sức của đối phương để giải tỏa lực của chính hắn. Tay chàng nhẹ nhàng xoay chuyển, gạt từng cú đấm một của Đồng Bách đồng thời chân bước thoái bộ rồi nhảy thoát ra sau. Tuy đỡ được hết được mấy đường quyền nhưng cánh tay của chàng cũng thấm đòn đau buốt. Chàng bèn nói lớn:

- Kim Cương quyền quả nhiên danh bất hư truyền! Anh bạn là người của Kim Cương Môn ở Giản Phố Châu à?

- Kiến thức khá lắm! Biết ta rồi thì cũng nên biết điều mà làm việc.

- Ta còn chưa ra tay mà. Ngươi chuẩn bị đi.

Đưa xấp giấy tờ cho tên lính, thủ Hiến dịch người tới, bàn tay phải mở rộng dùng cùi tay nhẹ nhàng nhắm vào cằm đối phương đánh tới, đồng thời tay trái xoay vòng vỗ luôn vào hông địch thủ. Đồng Bách biết cú đánh của Thủ Hiến tuy trông nhẹ nhàng nhưng hàm chứa một sức mạnh vô cùng lợi hại nên vội xuất cương quyền ra đỡ. Thủ Hiến di động thân ảnh nhẹ nhàng uyển chuyển quanh người Đồng Bách, hai tay một trầm một bổng, một hư một thực, một tả một hữu tấn công một cách liên hoàn, liên miên bất tận tạo thành một bức màn với hàng trăm bàn tay bao trùm các bộ vị trên người của hắn khiến hắn không biết đâu là cú đánh thật, đâu là ảnh giả của bàn tay. Đồng Bách vội định thần, chân bước theo cửu cung bộ pháp, cương quyền phóng ra vun vút vừa đỡ đòn vừa tấn công mạnh vào những bàn tay của thủ Hiến với dụng tâm dùng sức mạnh cương quyền chấn gãy bàn tay đối phương. Nhưng bàn tay của thủ Hiến như những con rắn tinh khôn uốn lượn theo những cú đấm của địch thủ, vừa gạt đòn vừa tấn công liên tục khiến Đồng Bách dù đã tung ra hằng trăm cú đấm mà không trúng đích được lần nào. Trái lại, vì dùng sức quá nhiều nên sau một lúc giao thủ, trên trán hắn đã lấm tấm những giọt mồ hôi, hơi thở bắt đầu nặng nhọc.