Én Liệng Truông Mây - Hồi 07 - Phần 1

HỒI THỨ BẢY

Quán Cao Lầu, bạch y công chúa chuốc thảm bại

Sông Thu Bồn, Trương Văn Hiến đối cảnh đề thơ

*

Phố Hội An, một địa danh, một hải cảng sầm uất bậc nhất của đất Đàng Trong kể từ ngàn xưa, thời còn thuộc đế quốc Chiêm Thành. Ngày trước đất này là kinh đô Sinhapura hay “Kinh thành Sư Tử” của vương quốc Chămpa từ khoảng thế kỉ thứ sáu đến thế kỉ thứ bảy. Sinhapura là kinh đô của tiểu quốc Avamarati, một trong năm tiểu quốc của vương quốc Chămpa ở Trà Kiệu, trên bờ nam thượng nguồn sông Thu Bồn, dùng cửa Đại Chiêm ở phố Hội An làm thủy lộ chính. Đến khi các đời chúa Nguyễn vào Nam mở mang đất nước tới tận Hà Tiên thì Hội An trở thành cửa ngõ chính để mở rộng giao thương với các nước Á, Âu. Nhân dân trong nước dù đi đường thủy hay đường bộ đều đổ dồn về Hội An cho nên ở đây không thiếu món gì.

Hội An nằm trên bờ bắc sông Thu Bồn, dùng cửa biển Đại Chiêm thông ra biển Đông. Phía nam sông Thu Bồn có đầm Trà Nhiêu sâu và rộng được dùng làm bến cảng để thuyền buôn khắp nơi vào đây buôn bán, trao đổi hàng hóa. Thuyền buôn tấp nập, tàu ghe đi lại như mắc cửi.

Vào những ngày đầu mở cửa ở thế kỷ 17, người Nhật Bản đã có mối giao thương mạnh mẽ với Đàng Trong ở phố Hội An. Dọc theo đường phố chính trên bờ bắc sông Thu Bồn, họ đã xây dựng một khu phố Nhật Bản với hàng trăm thương hiệu. Họ góp công xây dựng đường sá và bắc những chiếc cầu hai tầng qua các rạch nhỏ trong khu vực với lối kiến trúc đặc thù của Nhật. Những cư dân Việt gọi khu phố Nhật này là “Phố Cầu Nhật Bản”. Về sau, với chính sách bế quan tỏa cảng của Nhật dưới thời Mạc phủ Tokugawa, thêm vào đó là sự cấm đoán của các Chúa Nguyễn đối với những người Thiên Chúa giáo Nhật đã khiến cho khu phố Nhật giảm dần sự phồn thịnh, nhường chỗ cho người Trung Hoa, đặc biệt là những người Minh Hương bị đàn áp bởi Thanh triều.

Người Trung Hoa giỏi buôn bán lại có tính tương trợ người đồng hương cao nên Hội An ngày nay có bốn dãy phố chính dọc theo bờ sông thì đại đa số chủ hiệu ở đấy là người Hoa, sau mới đến người Việt. Người Hoa qui tụ với nhau lập thành bốn khu phố Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam nhưng phồn thịnh nhất là phố Phúc Kiến. Các thương thuyền Âu châu trước tiên là Bồ Đào Nha, sau đó là Hà Lan bắt đầu vào đây buôn bán và mở cửa hàng từ những năm cuối đời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1614). Đến cuối đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần thì có thêm người Anh Cát Lợi và người Pháp Lang Sa vào buôn bán ở đây.

Với sự phát triển đó, Hội An không chỉ là nơi tập trung những mặt hàng nội địa để bán cho nước ngoài mà còn là nơi thu mua hàng hoá nước ngoài rồi phân phối đi khắp nước. Bên cạnh sự giao lưu thương mại, Hội An còn là nơi giao lưu giữa các nền văn hóa như Âu châu, Trung Đông, Ấn Độ, Á châu... và bản địa. Sự trộn lẫn giữa các sắc da cùng sự giao thoa các nền văn hóa vì còn khá mới mẻ nên bộ mặt của Hội An có rất nhiều sự khác biệt trong sinh hoạt tinh thần. Và trong quá trình trộn lẫn đó không khỏi nảy sinh những xung đột về quyền lợi, có khi dẫn đến tinh thần tự ái dân tộc phải dùng đến vũ lực, đổ máu, chết chóc. Chưa kể đất lành chim đậu, chim hiền về đậu ắt cú quạ cũng tụ tập theo. Thương khách nhiều thì đạo tặc cũng lắm. Tất cả những sự lộn xộn trên đã khiến chính quyền phủ Chúa phải điên đầu nhức óc trong việc giữ gìn trật tự trị an cho khu phố cảng.

Khi ba người vào đến Hội An, Hồng Liệt tìm một tên ăn mày và nhờ hắn đi gọi ba tên ăn mày hôm trước đến quán Cao Lầu gặp chàng. Quán khá đông, đủ loại thực khách, tiếng nói chuyện râm ran khắp phòng. Khi họ bước lên lầu thì tiếng nói chuyện bỗng ngưng bặt, mọi con mắt đều đổ dồn về phía Bạch Mai. Sau đó có tiếng bàn tán xầm xì. Hồng Liệt liếc sang Bạch Mai nói nhỏ:

- Họ đang khen sư tỷ đấy.

Bạch Mai hai má ửng đỏ nguýt chàng một cái. Họ ngồi vào chiếc bàn trong góc cạnh cầu thang. Hồng Liệt hỏi:

- Sư tỷ ăn cao lầu nhé? Lại một món đặc sản của quê hương đệ nữa đấy.

Bạch Mai mỉm cười:

- Tất nhiên rồi! Không biết khi hai anh vào trong ấy thì tôi phải đãi món gì cho xứng đáng đây nhỉ?

Lúc đó, tên ăn mày hôm trước ở dinh Quảng Nam cùng hai tên khác có lẽ là người ở đây đã bước lên lầu. Hồng Liệt liền gọi chúng đến ngồi vào bàn rồi gọi cao lầu cho bọn chúng. Chàng hỏi:

- Tin tức thế nào?

Tên lớn nhất trong bọn nói:

- Theo lời của những anh em ở đây thì ba tên này đã xuất hiện ở cửa hiệu Diệp Sanh Ký trong phố Phúc Kiến nhưng bảy hôm trước đã rời Hội An về Phúc Kiến trên một chuyến tàu buôn rồi.

Hồng Liệt nói:

- Các em giỏi lắm! Có gì lạ ở đây trong thời gian qua không?

Tên ăn mày ở Hội An đáp:

- Dạ không. À, mà có đấy. Có một chiếc thuyền thật đẹp, thật sang trọng chở một nàng công chúa cũng hết sức xinh đẹp vừa cập bến hôm kia.

Hồng Liệt mỉm cười hỏi:

- Chú mày đang kể chuyện thần thoại đó à?

Tên nọ khẳng định:

- Bọn em nói thật đấy! Thuyền còn đậu ở ngoài bến, anh cả không tin thì ra coi.

- Tin. Nhưng thế thì có gì là lạ?

- Dạ có chứ! Nàng công chúa ấy tuy xinh đẹp nhưng rất kiêu kỳ. Lại còn bọn cận vệ nữa, hách dịch chẳng kém gì bọn túc vệ quân của Quốc Chúa. Hôm kia, khi họ rời thuyền và đi ngựa từ bến cảng sang phố Phúc Kiến, lúc ngang qua cầu Nhật Bản, bọn em bu lại xem thì đã bị bọn cận vệ tóm cổ quăng xuống sông. Chúng còn mắng bọn em là đám ăn mày dơ dáy này nọ, hãy cút xéo ngay đừng làm bẩn mắt công chúa của bọn chúng.

Bạch Mai hỏi:

- Hống hách thế à?

Tên thứ hai trong bọn nói:

- Dạ, bọn em tức lắm. Lúc ấy có một tên thủy thủ người Anh đứng gần đó thấy vậy liền xông ra nói xí xa xí xố gì đó rồi ra tay đánh tên cận vệ. Không may hắn bị tên cận vệ đó đấm cho một quyền, máu mồm máu mũi hộc ra lai láng. Hai bên xông vào đánh nhau túi bụi thì có hai kiếm sĩ người Nhật trong một cửa hiệu Nhật Bản gần đó thấy vậy đã nhảy vào góp phần đánh bọn cận vệ. Thế là một trận đánh kinh hồn xảy ra. Tên thủy thủ người Anh đánh không lại bọn cận vệ bèn rút súng hỏa điêu ngắn ra bắn một tên cận vệ khiến hắn ngã xuống tại chỗ. Khi lực lượng phòng thủ khu phố kéo đến dàn xếp thì tên thủy thủ người Anh đã bị đâm một nhát rất sâu vào bụng, còn hai người Nhật, một bị chặt đứt một tay trái, một bị đâm lòi ruột. Riêng bọn cận vệ có ba tên bị thương rất nặng, tên bị bắn không biết có sống nổi không.

Hồng Liệt hỏi:

- Rồi sao nữa?

Tên ăn mày kể tiếp:

- Chỉ thấy nàng công chúa ấy ngồi trên mình ngựa xem trận đánh mà nét mặt tỉnh bơ và lạnh như tiền. Lúc mọi chuyện đã được dàn xếp xong, nàng mắng bọn thuộc hạ vô dụng khiến mấy tên cận vệ còn lại sợ hãi cúi đầu xin công chúa thứ tội mãi. Rồi bọn họ kéo nhau về khách sạn Tuyền Châu gần hội quán Phúc Kiến ở đằng kia.

Hắn nói xong đưa tay chỉ về hướng cuối phố. Hồng Liệt gật gù:

- Như thế càng hay! Sự xung đột của bọn Nhật và bọn Tàu lại càng sâu sắc hơn. Sẽ còn nhiều chuyện vui nữa trong thời gian tới.

- Anh cả muốn có chuyện vui thì chờ ngày mai là có ngay rồi.

Văn Hiến hỏi:

- Ngày mai có gì mà vui?

- Mai là lễ hội Long Chu. Cả phố Hội An sẽ rất nhộn nhịp.

Bạch Mai hỏi:

- Long Chu là lễ hội gì?

Hồng Liệt đáp:

- Long Chu là lễ hội tống khứ ôn thần, dịch bệnh của người dân xứ Quảng, đặc biệt là người dân ở Hội An này. Long Chu là thuyền rồng được làm bằng tre, lợp giấy màu có chở hình nộm âm binh thiên tướng trên đó. Hàng năm cứ đến rằm tháng giêng (thượng nguyên) và rằm tháng bảy (trung nguyên) thì người dân ở đây làm thuyền rồng và rước đi khắp nơi để bà con trong vùng gởi những thứ họ tin là của ôn thần, dịch bệnh lên thuyền. Sau đó, họ cùng nhau rước ra sông đốt rồi thả trôi ra biển. Làm như thế họ tin là đã tống khứ các loại ôn dịch ra khỏi nhà và khu phố họ đang sống.

Tên ăn mày chen vào:

- Bọn em nghĩ ngày mai thế nào cũng sẽ có đánh nhau giữa người Hoa và người Nhật nữa cho mà xem.

Văn Hiến hỏi:

- Em chỉ đoán thôi hay là đã có thông tin gì về vụ đánh nhau ngày mai?

Hắn đáp:

- Dạ, sau trận đánh hôm ở cầu Nhật Bản, bọn em nghe ngóng thêm thì biết được cả hai bên đều có ý muốn trả thù. Em tin là ngày mai, trong lúc mọi người rước Long Chu quanh phố thể nào cũng có chuyện lớn xảy ra.

- Giữa bọn người của công chúa đó và Diệp Sanh Ký có liên quan gì nhau không?

- Dạ chắc là có. Bọn em thấy ông chủ Diệp Sanh Ký hôm đó có ghé sang khách sạn Tuyền Châu và chiều hôm qua đám vệ sĩ lại hộ tống nàng công chúa sang cửa hiệu Diệp Sanh Ký.

Bạch Mai nói:

- Thế lực bọn Diệp Sanh Ký ở Giản Phố Châu rất lớn. Chúng còn có ý định giết chết dần các thương hiệu khác để độc chiếm thị trường. Chúng tôi gặp không ít khó khăn với chúng.

Hồng Liệt chen vào:

- Thế à? Đã đến mức xung đột bằng võ lực chưa?

Bạch Mai mím môi:

- Đại ca và một số thương hiệu khác biết họ mạnh vốn, mạnh người cho nên chủ trương hòa hoãn và có ý nhờ đến chính quyền ở Trấn Biên can thiệp khi cần, bởi vậy giữa chúng tôi vẫn chưa xảy ra xung đột vũ lực.

Văn Hiến hỏi:

- Kim Cương Môn là của họ à?

- Vâng. Đó lực lượng nồng cốt của Diệp Sanh Ký. Họ có nhiều cao thủ lắm.

- Cường Oai hầu Nguyễn Phúc Oai cai trị vùng Trấn Biên thế nào?

- Cường Oai hầu nhân từ quá nên trong việc cai trị có chút lỏng lẻo. Cũng vì thế mà bọn Diệp Sanh Ký và Kim Cương Môn mới lộng hành đến như thế.

Văn Hiến chợt quay sang nói với Hồng Liệt:

- Không chừng nàng công chúa này có liên quan đến tên Lý đại vương gì đó cũng nên. Có thể họ là thủ lĩnh của Diệp Sanh Ký và Kim Cương Môn.

- Ta nghĩ như vậy.

Văn Hiến hỏi mấy tên ăn mày:

- Bọn em có biết chiếc thuyền chở nàng công chúa đến từ đâu không?

- Dạ, hình như từ ở Phúc Kiến bên Tàu qua. Nghe nói họ chỉ dừng chân ở đây vài hôm để công chúa nghỉ mệt rồi đi tiếp vào Gia Định.

Lúc ấy, nhà hàng đã đem thức ăn và một bình Mai Quế Lộ ra. Hồng Liệt nói:

- Các em giỏi lắm! Nào ăn đi, sư tỷ ăn thử món cao lầu này xem hương vị thế nào.

Chàng đưa tay rót rượu cho mọi người. Bọn ăn mày đói lắm nhưng vì ngồi trong nhà hàng, trước mặt vị sư tỷ đẹp như tiên của anh cả nên bọn chúng cố ăn từ từ cho phải phép. Bạch Mai ăn thử hai miếng rồi nói:

- Ngon thật! Trông thì giống mì tàu, mì quảng nhưng hương vị lại khác xa. Thú vị thật!

Bọn ăn mày ăn xong liền đứng lên chào mọi người:

- Anh cả có dặn dò gì bọn em nữa không?

Hồng Liệt nói:

- Anh sẽ đi xa một thời gian, ở nhà lưu ý bọn Diệp Sanh Ký cho anh. Thôi các em đi đi, khi nào cần anh lại liên lạc.

Cả ba dạ ran rồi bước lại chỗ cầu thang định xuống lầu nhưng chợt giật mình lùi lại vì dưới cầu thang lúc ấy đang có hai tên người Hoa mặc đồ vệ sĩ bước lên. Đó là hai tên mà bọn chúng đã nhìn thấy hôm trước. Một tên áo đen bước về phía quầy, miệng la lớn:

- Chủ quán đâu, mau dọn ngay một bàn lớn ngay cửa sổ cho ta! Trải khăn trắng lên tất cả bàn ghế. Nhanh lên!

Tên còn lại vừa nhìn thấy mấy tên ăn mày liền quát lên, giọng tức giận:

- Lại gặp bọn bẩn thỉu các ngươi ở đây nữa à? Các ngươi muốn tự nhảy xuống lầu hay đợi ta ném xuống?

Tên ăn mày lớn tuổi nhất thấy có anh cả mình ở đây nên yên tâm hỏi lại:

- Tại sao ta phải nhảy xuống lầu? Quán này đâu có đề bảng cấm ăn mày lên ăn? Cầu thang này cũng đâu có treo biển cấm ăn mày đi xuống?

Tên vệ sĩ nghe hỏi nổi nóng liền đưa tay toan tát vào mặt tên ăn mày hỗn láo. Nhưng tay hắn vừa vung ra nửa chừng thì từ trong góc phòng một chiếc đũa tre bay nhanh đến điểm đúng ngay huyệt khúc trì nơi khuỷu tay của hắn. Cánh tay hắn đang đà đi rất mạnh mà phải đột ngột dừng lại rồi buông thõng xuống, đồng thời chiếc đũa tre cũng rơi theo. Ba tên ăn mày vội chạy ra sau lưng Văn Hiến đứng. Tên vệ sĩ bị đánh lén kinh ngạc đưa mắt nhìn về phía chiếc bàn trong góc phòng. Ở đó có hai người thanh niên và một thiếu nữ đẹp như hoa đang ngồi thản nhiên nói chuyện. Cánh tay phải của hắn sau phút tê điếng đã hoạt động bình thường trở lại vì lực đạo phóng ra chỉ vừa đủ để cản cú tát của hắn mà thôi. Hắn không hiểu rằng đó là việc hết sức khó làm mà lại nghĩ rằng người đánh lén mình chỉ là một kẻ tấm thường. Hắn bước đến gần chiếc bàn hất hàm hỏi:

- Trong bọn ngươi, ai đã đánh lén ta?

Văn Hiến ngồi mé ngoài, nghe hỏi ngẩng mặt lên:

- Đây là quán ăn, ai có tiền thì lên ăn. Anh bạn lấy quyền gì mà đuổi mấy người ăn mày này? Lại còn bắt chúng nhảy qua cửa sổ, không cho đi xuống bằng cầu thang. Anh bạn có thấy là mình quá đáng lắm không?

Tên vệ sĩ hất mặt về phía cầu thang:

- Công chúa của ta sắp đi lên, để bọn ăn mày dơ dáy này đi xuống sẽ làm hôi thối cầu thang và bẩn mắt người. Đó là lý do bọn chúng phải nhảy qua cửa sổ cút xéo, ngươi rõ chưa?

Văn Hiến cười lớn:

- Ngay cả đại công chúa Ngọc Huyên của Võ vương khi đi vào dân gian cũng chưa bao giờ giở giọng phách lối đến như vậy. Công chúa của anh bạn là ai mà có hành động coi thường thiên hạ đến thế?

Tên vệ sĩ định lên tiếng trả lời thì ngay lúc đó, nơi cầu thang xuất hiện một tên công tử ăn mặc sang trọng và sặc sỡ bước lên. Tuổi của hắn chừng hăm hai, hăm ba, khuôn mặt trắng trẻo trông rất bảnh trai tuy có phần gian xảo và thâm hiểm. Hắn bước lên lầu xong vội nghiêng mình ôm quyền đứng nép sang một bên. Lát sau đã thấy một cô gái chừng hai mươi tuổi, xinh đẹp tuyệt trần, y phục trên người toàn một màu trắng tinh khiết. Trên đầu nàng, mái tóc đen như nhung được bới cao và cài bởi ba chiếc trâm vàng có khảm những viên ngọc bích lấp lánh càng làm tăng thêm vẻ quí phái và kiêu kỳ. Nàng xuất hiện mang theo một mùi hương thoang thoảng tỏa ra khắp gian lầu. Tất cả thực khách đang yên lặng theo dõi câu chuyện giữa chàng thư sinh và tên vệ sĩ bỗng ồ lên kinh ngạc trước sắc đẹp của bạch y nữ tử. Nàng quả thật là trang tuyệt sắc giai nhân! Nét đẹp vừa lộng lẫy kiêu kỳ, vừa quyến rũ lại vừa lạnh lùng. Nếu đem nàng so sánh với những bức danh họa “Ngũ Đại Mỹ Nhân” của Đại Việt thì thật chẳng thua kém chút nào, nhiều khi lại có phần hơn.

Thực khách trên lầu sau tiếng ồ kinh ngạc thì bỗng im phăng phắc, không ai dám thở mạnh vì sợ kinh động đến nàng. Trong thâm tâm họ đều cho rằng bọn vệ sĩ không cho ba tên ăn mày kia xuất hiện chung quanh nàng cũng có cái lý lẽ của nó. Cái lý lẽ của sự tôn sùng vẻ đẹp, một vẻ đẹp tuyệt bích của tạo hóa đã ban tặng riêng cho một mỹ nhân. Họ kín đáo liếc nhìn cả hai cô gái áo trắng như để so sánh xem trong hai nàng, ai đẹp hơn ai.

Chàng thanh niên ăn mặc bảnh bao sau khi đón cô gái xinh đẹp bước lên lầu thì vội khúm núm mời nàng đến chiếc bàn đã được phủ khăn trắng tinh. Hắn ta đưa tay sửa lại chiếc khăn trắng phủ trên ghế rồi đứng sang một bên.

- Mời công chúa!

Thái độ chiều chuộng và phục tùng của hắn trông thật lố bịch. Nàng công chúa vẫn giữ nét lạnh lùng, lặng lẽ ngồi xuống, mắt vô tình hướng về phía góc phòng nơi chiếc bàn của bọn Văn Hiến. Hai tên vệ sĩ đi theo sau nàng cùng tên đã hét chủ quầy dọn bàn đứng ngay ngắn phía sau ghế của nàng như ba pho tượng. Tên vệ sĩ đang tranh luận với Văn Hiến đứng yên tại chỗ cúi đầu đón công chúa. Khi hắn thấy công chúa ngồi hướng mặt về phía mình thì hoảng sợ vô cùng, hắn vội vàng nhìn ba tên ăn mày nói nhanh, giọng giận giữ:

- Bọn chúng bay có xéo ngay lập tức hay không?

Vừa nói, hắn vừa chồm người tới giơ tay phải định tóm cổ tên ăn mày gần nhất. Văn Hiến đang cầm chiếc đũa trong tay trái liền đưa lên, động tác hết sức thong thả nhưng đầu đũa lại nhắm đúng ngay vào huyệt lao cung giữa lòng bàn tay tên vệ sĩ. Hắn giật mình vội xoay bàn tay, biến cú chụp thành cương đao chặt chéo vào cổ tay Văn Hiến. Chàng xoay ngoặt cổ tay nửa vòng, đầu đũa trên tay lại nhắm đúng vào huyệt nội quan nơi cổ tay tên vệ sĩ. Chàng cố tình trêu chọc tên này cho bõ ghét nên không điểm trúng vào tay địch thủ mà chỉ xoay đầu đũa chờ sẵn để bàn tay hắn đánh tới. Nếu hắn không dừng tay hoặc biến thế thì ngay lập tức sẽ bị điểm trúng huyệt đạo trên tay. Tên vệ sĩ lại một phen giật mình, hắn vội vàng hạ cánh tay xuống một tấc, bàn tay vẫn giữ thế cương đao xỉa thật nhanh vào mặt của Văn Hiến, đồng thời tay trái chặt mạnh vào huyệt thái dương bên phải của chàng. Đòn đánh của hắn ở cả hai tay đều rất nhanh và ác độc, trong một cự ly gần như thế, mọi người đều nghĩ chắc là chàng thư sinh mảnh khảnh này không thế nào tránh né được, trừ phi chàng ta phải ngã ngửa người ra phía sau.

Nhưng còn nhanh hơn cả ý nghĩ của mọi người, Văn Hiến vẫn ngồi yên, xoay tay thật lẹ. Mọi người không nhận ra chàng đã xuất chiêu thế nào mà cả hai tay của tên vệ sĩ đang đà đánh bỗng nhiên dừng lại rồi rơi xuống tự do. Thì ra Văn Hiến thấy tên vệ sĩ xuất đòn thâm độc nên đã nhanh chóng dùng đầu đũa điểm vào hai huyệt ngũ lý ở khuỷu tay của hắn. Tất cả những diễn biến đó đều không thoát khỏi ánh mắt lạnh lùng của nàng bạch y công chúa nhưng chỉ thấy nàng khẽ cau mày mà không nói gì. Tên công tử bảnh bao nhận ra cái cau mày của nàng vội đứng thẳng người lên, bước tới chỗ tên vệ sĩ và đưa tay tát cho hắn một cú như trời giáng, giọng hách dịch:

- Tránh ra! Ngươi định bêu xấu công chúa lần nữa hả?

Thái độ lúc nãy trước mặt nàng công chúa khúm núm bao nhiêu thì bây giờ với tên vệ sĩ, gã công tử trở nên hách dịch bấy nhiêu. Tên vệ sĩ bị cú tát tuôn máu mồm, hắn ôm má:

- Dạ, công tử.

Rồi hắn lui ra sau cúi đầu đứng im, vẻ sợ hãi hiện rõ trên nét mặt. Gã công tử nhìn Văn Hiến hất hàm:

- Ngươi là ai mà dám ra tay đánh người của công chúa?

Văn Hiến nhìn hắn mỉm cười:

- Ta có đánh hắn đâu. Là tự hắn đưa tay vào đầu đũa của ta đấy chứ.

Hắn trừng mắt:

- Ngươi lại dám đùa bỡn cả với bổn công tử ư?

Chưa dứt câu nói thì bàn tay phải của hắn đã biến cương trảo vươn ra như móng chim ưng chộp vào vai Văn Hiến. Nhìn thấy bàn tay địch thủ, Văn Hiến nhận ra ngay hắn đang sử dụng “Ưng Trảo công”, một môn võ rất hiểm độc của võ thuật Trung Hoa nên chàng không dám xem thường. Chiếc đũa đang cầm trên tay trái của Văn Hiến nhanh chóng điểm vào lòng bàn tay địch thủ. Gã công tử đã đoán trước được ý định đó nên thủ trảo của hắn chưa đến nơi thì cổ tay đã xoay ngang, năm ngón tay như vuốt chim ưng chụp nhanh vào bàn tay cầm đũa của Văn Hiến. Văn Hiến vội hạ cánh tay xuống, đưa đầu đũa đâm xéo lên mu bàn tay của địch. Gã công tử cũng hạ nhanh tay xuống, xoay ngược ưng trảo chụp vào cổ tay đối phương. Động tác của hắn tuy nhanh nhưng đầu đũa trên tay của Văn Hiến còn nhanh hơn một bậc. Bất kể ưng trảo của địch thủ xoay chuyển thế nào thì đầu đũa của chàng cũng tìm đúng hai huyệt nội quan và ngoại quan nơi cổ tay của địch mà điểm vào.

Gã công tử ngay từ đầu đã muốn ra đòn độc hạ nhanh địch thủ để lấy điểm với công chúa nhưng qua hơn mười chiêu mà hắn vẫn chưa đụng được đến sợi lông tay của địch thủ. Điều đó khiến hắn vừa thẹn vừa giận. Hắn thét lên một tiếng rồi cả hai tay xuất chiêu cùng một lúc, mười ngón tay như mười vuốt chim ưng chộp lia lịa vào khắp các bộ vị thượng bàn của địch thủ. Tay phải Văn Hiến cũng bốc nhanh chiếc đũa khác rồi dùng hai đầu đũa trên hai tay điểm vào cổ tay đối phương. Hai người một đứng một ngồi, kẻ chộp người điểm hơn bốn mươi chiêu liên tiếp mà chưa phân thắng bại. Thực khách lúc này nín thở theo dõi trận đấu nên cả gian lầu im phăng phắc, chỉ còn nghe tiếng gió vù vù phát ra từ những cú chộp của gã công tử. Mặt hắn lúc đầu đỏ lên vì giận, sau một lúc giao đấu đã từ từ chuyển sang màu tím biểu hiện sự tức tối đến cực độ. Trong khi Văn Hiến vẫn bình thản, hai tay nhẹ nhàng nhưng mau lẹ và chính xác, ngăn chặn các thế công của địch thủ.