Én Liệng Truông Mây - Hồi 10 - Phần 1

HỒI THỨ MƯỜI

Thuyền buôn tấp nập về Giản Phố

Trăng rằm sóng sánh rượu mỹ nhân.

*

Đại Phố Châu hay Giản Phố Châu còn được gọi là Cù lao Phố vốn là một cồn đất nổi lên như con cù. Nó được bao bọc chung quanh bởi khúc sông lớn Phước Giang (sông Đồng Nai) ở phía tây nam và một nhánh nhỏ của nó là sông Sa Hà (Rạch Cát) ở phía tây bắc chạy vòng đến góc tây nam. Đoàn thuyền của Hữu Dụng và Âu Dương Long vào cửa Cần Giờ, ngược dòng Đồng Nai, qua Thất Kỳ Giang (Ngã bảy) để vào vùng đất Trấn Biên (Biên Hòa) và đến Giản Phố Châu. Giờ sắp đến Tết Trung Thu nên cả khu phố đã giăng đèn lồng khắp nơi.

Hơn nửa thế kỷ về trước, cồn đất này hãy còn là một bãi sa bồi hoang dại, cây cỏ um tùm, chỉ có một số ít người Việt và người Mạ sinh sống quanh ngôi chùa Đại Giác. Đến đầu năm 1679, hai bại tướng của nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đã dẫn hơn ba ngàn binh lính chạy sang cửa Tư Dung vào xin Chúa Nguyễn cho dung thân. Vì không thể để cho một lực lượng quân đội lớn như thế ở cạnh mình, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần thấy miền đất Đồng Nai mới chiếm được của Chân Lạp còn hoang vu lại rộng mênh mông đang thiếu người khai thác nên đã chấp thuận cho toán bại binh Minh Hương vào đó đồng thời cho họ được giữ nguyên chức vụ cũ của mình. Tổng binh Long Môn, Quảng Tây là Dương Ngạn Địch dẫn thủ hạ của mình vào nam, xuống tận Mỹ Tho sâu trong đất Miên và canh tác trên mảnh đất phì nhiêu bên lưu vực sông Cửu Long. Trần Thượng Xuyên đem thủ hạ thuộc ba châu Cao, Lôi, Liêm của mình vào trú ngụ tại vùng Bàng Lân (còn gọi là Bằng Lăng, vì vùng đất này có nhiều cây bằng lăng tím) ở Biên Hòa.

Khi phát hiện ra vùng cù lao rộng lớn, bao bọc bởi hai nhánh sông rất thuận tiện cho việc phát triển thương mại đường thủy, Trần Thượng Xuyên đưa toán thủ hạ của mình và một số cư dân Việt, những con cháu của nhóm người Việt mà Công nữ Ngọc Vạn đã mang theo năm 1620 khi về làm Hoàng hậu xứ Chân Lạp cùng người Mạ bản địa về khai thác. Sau khi vùng cù lao có được một bộ mặt khang trang, Trần Thượng Xuyên liên lạc với những nhà buôn lớn ở các vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, chiêu tập họ đến đây mở thương hiệu buôn bán. Chẳng bao lâu sau, vùng cù lao hoang dại đã trở thành một trung tâm thương mại sầm uất với phố xá mọc lên san sát. Sự phồn thịnh về thương mại đã kéo theo sự xuất hiện các dịch vụ vui chơi giải trí khác nên bên cạnh những hiệu buôn lớn, Giản Phố Châu còn có rất nhiều trà đình, tửu điếm nguy nga, tráng lệ.

Ba chiếc thuyền của Hữu Dụng cập vào bến ở phía tây nam cù lao. Khúc sông ở đây rộng và sâu, tiện lợi cho tàu lớn của ngoại quốc vào đậu. Hai chiếc thuyền của Âu Dương Long đi lên một khúc nữa rồi rẽ vào sông Sa Hà cập bến nơi bờ bắc cù lao. Trước lúc chia tay, Âu Dương Long ghé thuyền mình sát với thuyền Hữu Dụng và nói lớn:

- Cảm ơn sự trợ giúp của các bạn! Chúng ta sẽ gặp nhau trên phố chứ?

Hữu Dụng vui vẻ đáp:

- Vâng, chúng ta sẽ gặp lại!

Âu Dương Long vẫy tay chào tạm biệt. Ba chiếc thuyền của Hữu Dụng cập vào bến. Bọn người hầu thấy Bạch Mai trở về, mừng rỡ chạy đi báo với môn chủ Thần Quyền Môn Trần Đại Kỳ. Đại Kỳ nghe tin vội vã ra bến cảng để đón. Vừa thấy Bạch Mai, chàng ta đã nắm tay nàng mừng rỡ rồi ngước mặt lên trời khấn nhỏ:

- Tạ ơn trời phật từ bi phù hộ cho em con được bình an trở về.

Rồi chàng nói tiếp một tràng dài:

- Trời ơi, muội đi bấy lâu làm huynh lo lắng không ngày nào yên. Chuyến đi chắc là cực nhọc lắm phải không? Coi muội xanh xao thế này là đủ biết rồi. Thôi thôi, trở về bình an là tốt rồi. Muội phải nghỉ ngơi thật nhiều cho lại sức. Có tin gì của phụ thân và sư phụ không?

Bạch Mai giọng nũng nịu:

- Ca ca làm gì mà giống y như mẹ lúc xưa vậy? Muội lớn rồi mà, mới đi có mấy tháng mà ca ca làm như cả năm không bằng. Chuyện dài lắm để từ từ muội kể. Giờ muội giới thiệu với ca ca nhị sư huynh của muội.

Đại Kỳ ngạc nhiên hỏi:

- Nhị sư huynh à? Muội gặp được sư phụ rồi phải không? Người thế nào rồi?

- Đã nói từ từ muội sẽ kể lại cho nghe mà.

Rồi nàng kéo tay Đại Kỳ đi về phía Hồng Liệt và Văn Hiến đang đứng nói chuyện với Hữu Dụng gần bến tàu. Hồng Liệt thấy hai người vội cúi đầu chào:

- Tiểu đệ xin ra mắt đại sư huynh. Sư phụ nhắc về đại sư huynh nhiều lắm.

Đại Kỳ ôm chầm Hồng Liệt cười ha hả:

- Tốt, tốt! Không ngờ ta lại có được một người sư đệ dáng cách phong trần, uy phong lẫm liệt thế này. Sư phụ sao rồi? Người vẫn an khang chứ?

Hồng Liệt buồn bã nói:

- Sư phụ vừa tạ thế hai năm nay.

- Tạ thế hai năm rồi à?

Bạch Mai chen vào:

- Việc đó để từ từ chúng ta tâm sự. Ca ca, còn đây là Trại Ức Trai Trương Văn Hiến, bạn sinh tử của nhị sư huynh.

Đại Kỳ ôm quyền nói:

- Trương huynh nghi biểu khác phàm, hẳn là bậc tài trí trên đời ít ai sánh kịp. Hân hạnh!

Bạch Mai nói:

- Ca ca nhận xét không sai một mảy may nào. Trương huynh văn võ song toàn, lục thao đầy đủ. Đúng là không ai sánh kịp.

Văn Hiến mỉm cười xua tay:

- Huynh muội các vị đừng có dựa thế tại đất nhà ỷ đông hiếp ít nhé.

Đại Kỳ cười nói:

- Không đâu. Đó là trực giác tự nhiên của tôi khi nhìn thấy huynh thôi. Nay em tôi đã nói thế thì đúng là không thể sai đâu được. Thôi, chúng ta hãy vào trong nhà đàm đạo. Mọi người chắc đường xa mệt mỏi cả rồi phải không? Chú Hữu Dụng, chuyến này mọi việc êm xuôi chứ?

Hữu Dụng cười nhăn nhó:

- Chuyến này không may gặp bão lớn nên bị đắm mất một thuyền. Hàng bị thiếu rồi.

- Bị đắm một chiếc à? Hôm trước cháu có nghe nói về cơn bão này, không ngờ đoàn của chú lại gặp phải. Nhưng không sao, tất cả được bình an là quí rồi. Hàng hóa thiếu hụt thì chúng ta bù lại ở chuyến sau vậy. Chú vào nghỉ ngơi đã. Cứ để đó cho bọn nhỏ lo.

Đại Kỳ đưa tất cả vào trong đại sảnh. Thần Quyền Môn vừa là cơ sở kinh doanh vừa là võ đường của Trần gia. Vì họ Trần là người kiến lập vùng đất này nên cơ ngơi khá đồ sộ. Thương hiệu Thần Quyền Môn chiếm một diện tích lớn trên con lộ chính dọc theo bến cảng. Từ khi Trần Đại Định chết trong ngục ở Quảng Nam, Trần mẫu dẫn con là Đại Lực về Hà Tiên thì cơ nghiệp họ Trần thuộc cả về tay Trần Đại Kỳ. Chàng đã kết hợp võ gia truyền của họ Trần cùng với sở học đã thụ giáo từ Công Tôn Vũ mà lập ra Thần Quyền Môn, vừa để phát triển võ học hai nhà vừa để tăng cường nhân sự và sức mạnh để bảo vệ việc kinh doanh.

Trần Đại Kỳ ngoài ba mươi tuổi, vóc người tầm thước, mặt vuông, mày rậm, trông oai nghiêm lẫm liệt nhưng tính tình hoạt bát vui vẻ, trọng nghĩa khinh tài, giao du rất rộng, lại là con cháu của bậc công thần nên được mọi người, mọi giới ở Giản Phố ưa thích và kính trọng.

Bọn gia nhân mang trà nóng lên. Đại Kỳ nói:

- Trương huynh và Đinh sư đệ nên nghỉ ngơi cho lại sức sau chuyến đi xa. Tối nay vừa đúng Tết Trung Thu, ở đây rất náo nhiệt. Nếu hai người có hứng thú đi xem thì tôi sẽ đưa đi. Sau đó, chúng ta cùng ghé Thướng Nguyệt Lâu trên bờ sông uống rượu ngắm trăng rằm.

Văn Hiến đáp:

- Thế thì tuyệt lắm! Tôi cũng muốn xem sự phồn thịnh và náo nhiệt của vùng đất mới này.

Hữu Dụng đứng lên:

- Các người nói chuyện nhé. Tôi phải lo cho xong chuyến hàng đã.

Nói rồi ông trở ra bến tàu, Đại Kỳ hỏi với theo:

- Tối nay chú đi uống rượu với bọn này nhé?

- Để xem.

Lúc đó, Bạch Mai đã thay đổi y phục, từ trong nhà bước ra. Nàng vận một bộ xiêm y bằng lụa màu trắng, trông nàng tươi mát và xinh đẹp như đóa hoa mai trắng trong buổi sáng đầu xuân. Đại Kỳ cười ha hả:

- Chà! Sau một chuyến giang hồ trông muội đã phong trần, già dặn hơn rất nhiều. Nhưng lại đẹp ra đấy.

Bạch Mai chu môi nũng nịu:

- Ca ca chỉ giỏi cái tài ghẹo em gái mình. Không sợ Trương huynh và nhị sư huynh cười cho là mèo khen mèo dài đuôi hay sao?

- Có đuôi dài thì cứ nói dài đuôi chứ sao? Phải không Trương huynh?

Văn Hiến mỉm cười:

- Vâng. Trần huynh thật vui tính và cởi mở. Bạch muội an tâm, tôi đồng ý không hết có đâu lại cười.

Bầu không khí trong khách sảnh thật vui vẻ và thân mật. Hồng Liệt chợt cất cao giọng ngâm bài thơ trên sông Thu Bồn dạo nọ. Đại Kỳ nghe xong khen:

- Bài thơ hay quá! Là của ai viết cho ai vậy?

Hồng Liệt cười đáp:

- Của đồ gàn Văn Hiến ứng khẩu tặng Bạch muội đó.

Đại Kỳ vỗ tay đánh bốp:

- Tuyệt lắm! Em tôi xứng đáng được tặng bài thơ này lắm! Cảm ơn Trương huynh!

Bạch Mai thẹn đỏ mặt, nàng giãy nảy:

- Bây giờ ba người hợp nhau ăn hiếp muội phải không? Muội bỏ nhà đi giang hồ nữa cho mà coi.

Đại Kỳ vội xua tay nói:

- Thôi, thôi! Muội mà đi giang hồ lần nữa thì đại ca này chỉ có chết vì lo sợ mà thôi.

- Biết thế thì đừng ghẹo muội nữa.

- Được, được! Hai người đừng cười anh em chúng tôi nhé. Chúng tôi chỉ có hai anh em, đùa với nhau từ bé như thế đã quen rồi. Thôi muội ngồi xuống kể lại chuyến phiêu lưu giang hồ nghe đi. Thân phụ thế nào? Còn sư phụ vì sao mà mất? Còn di cốt của bá phụ nữa, có tìm được không?

Bạch Mai nhìn Hồng Liệt, chàng biết ý vội lấy bọc đựng bốn hòm cốt trên vai xuống trao cho nàng. Bạch Mai mở bọc ra, cẩn thận lấy từng chiếc hòm đặt lên bàn. Sắc mặt Đại Kỳ dần trở nên căng thẳng và ảm đạm. Bạch Mai xếp những chiếc hòm ngay ngắn trên bàn rồi mới từ từ kể lại đầu đuôi sự việc. Tuy chính tay mình nhặt từng nắm xương của những người thân và đã rơi không biết bao nhiêu lệ rồi nhưng khi kể lại, nàng vẫn không cầm được nước mắt. Nàng kể chuyện qua màn lệ sụt sùi. Đại Kỳ cũng không dằn được sự thương cảm mà cứ để cho nước mắt chảy ròng, dù biết mình đang ngồi trước mặt hai người bạn mới quen. Nghe xong, cố dằn cơn xúc động, chàng nói:

- Mai là ngày rằm, chiều nay chúng ta phải đến chùa Đại Giác thỉnh ngài trụ trì thiền sư Thành Đẳng Minh Lương về lập đàn cầu siêu cho năm vị bề trên của mình và làm lễ phát tang cho chúng ta. Còn di cốt của bá phụ và hai vị thúc thúc, chúng ta sẽ cho mang về Hà Tiên giao lại cho bá mẫu và anh Đại Lực.

Bạch Mai nói:

- Bây giờ ta tạm thời đưa bốn bộ quan cốt này vào nhà thờ tổ an vị trước đã. Đại tẩu đâu sao muội không thấy?

- Chị dâu muội về bên Trấn Biên thăm mẹ rồi. Mẹ nàng bỗng dưng khó ở trong người.

Đại Kỳ nói xong đứng lên vái bốn vái trước bốn hòm cốt rồi mang vào nhà thờ tổ. Văn Hiến hỏi:

- Tôi muốn thắp một nén hương để tỏ lòng tri ân với Thượng Công và Định Sách hầu được chăng?

Đại Kỳ tươi nét mặt đáp:

- Tất nhiên là được chứ! Xin mời hai vị theo tôi!

Tổ đường họ Trần rất lớn và uy nghiêm. Tất cả đều được làm bằng gỗ quí. Chính giữa là bàn thờ Thượng Công Trần Thượng Xuyên với bức tượng bằng gỗ lớn, được điêu khắc rất khéo, mới nhìn qua cứ tưởng như người thật đang ngồi. Bên phải là bàn thờ Định Sách hầu Trần Đại Định cùng với pho tượng gỗ nhỏ hơn. Bên trái là bàn thờ đặt bài vị hờ của Trần Đại Thành, vì Đại Kỳ chưa biết tin tức của thân phụ ra sao nên chưa làm bàn thờ chính thức. Phía bên vách phải có bàn thờ ngài Quan Thánh, còn bên vách trái là bàn thờ vị tổ sư Thần Quyền Môn. Đại Kỳ đặt hòm cốt của cha mình cạnh bài vị, ba hòm cốt kia thì đặt trên bàn thờ của Định Sách hầu. Lễ xong, mọi người trở ra khách sảnh. Đại Kỳ nói:

- Bây giờ Trương huynh và sư đệ nghỉ ngơi một chút đi đã. Chiều nay, chúng ta sẽ sang thăm chùa Đại Giác, sau đó đi dạo phố coi lễ rước đèn. Ngày kia, tôi sẽ cho đám đệ tử làm lễ ra mắt nhị sư thúc của chúng.

Chiều đến, anh em Đại Kỳ cùng Văn Hiến và Hồng Liệt đến chùa Đại Giác. Ngôi Đại Giác tự ban đầu do một vị thiền sư pháp danh là Giác Liễu lập nên vào khoảng năm 1665, sau đó truyền lại cho thiền sư Thành Đẳng Minh Lương thuộc phái thiền Lâm Tế ở chùa Vạn Đức – Hội An, Quảng Nam. Cổng tam quan của chùa quay lên hướng tây bắc nhìn ra sông Phước Giang. Mai là rằm tháng tám, giờ này đạo hữu trên cù lao đã tấp nập đổ về chùa để lo phụ giúp mọi việc chuẩn bị cho đại lễ. Đến trước cổng chùa, Đại Kỳ nói:

- Ngôi chùa này thuở ban sơ không lớn lắm, chỉ có vách ván mái ngói. Khi Giản Phố phát triển, Thượng Công tổ bá phụ đã giúp xây dựng thêm nên mới có bề thế khang trang như hôm nay.

Văn Hiến hỏi:

- Nghe nói đồng thời với thiền sư Thành Đẳng, còn có thiền sư Thành Nhạc dựng nên chùa Long Thiền gần núi Châu Thới và thiền sư Thành Trí dựng chùa Bửu Phong ở núi Bửu Long nữa phải không?

Bạch Mai đáp:

- Đúng vậy! Ngày xưa muội vẫn đi cùng mẹ đến lễ ở hai chùa đó. Mai mốt muội sẽ đưa hai huynh đi thăm.

Đại Kỳ nói:

- Hai người dạo cảnh chơi nhé. Anh em tôi phải vào trong ra mắt thiền sư trụ trì để lo việc trai đàn cầu siêu ngày mai.

Anh em Đại Kỳ đi rồi, Hồng Liệt nói:

- Anh em nhà họ Trần này thật là hòa thuận. Trông họ lúc nào cũng vui vẻ và vô tư lự.

Văn Hiến đồng tình:

- Bao nhiêu sản nghiệp xây dựng nên bởi Trần Thượng Công ở Giản Phố nay đều thuộc quyền sở hữu của họ. Với số sản nghiệp đó thì bảo họ còn tư lự về cái gì nữa?

- Ta thấy bản chất của họ rất tốt. Tài sản vật chất không tạo nên được bản chất con người đâu. Có khi còn trái lại nữa.

- Ngươi nhận xét đúng. Con cháu của một bậc trung lương mẫn cán như Trần Thượng Công phải có cái gì đó hơn người chứ.

- Đi qua các phố xá ngươi thấy đời sống và con người ở đây thế nào?

- Phố xá đông đúc, buôn bán sầm uất, không có bóng dáng của ăn mày. Trên khuôn mặt mọi người ai cũng nở một nụ cười tươi vui và thân ái. Ta cho rằng Thượng Công là một người vừa có tài vừa có đức, lại trung nghĩa. Có như thế nên dù đã qua mấy mươi năm cai trị khu vực này, con người vẫn còn lưu giữ được sắc thái sinh hoạt như hôm nay.

- Ta cũng có ý nghĩ giống như ngươi vậy. Đây quả là vùng đất lành.

- Ngươi định đưa bọn trẻ vào đây?

- Ta nghĩ nên như thế, tốt cho bọn trẻ hơn. Hãy đợi xem sư huynh và sư muội tính thế nào đã.

- Còn ngươi?

Hồng Liệt trầm ngâm:

- Ở đây ai cũng sung túc cả. Ta lại quen sống chung với những kẻ cơ hàn. Nếu bọn trẻ có vào đây thì sau khi giúp chúng làm quen với môi trường mới, ta cũng sẽ quay về ngoài đó.

- Ngươi lại muốn tái lập một trại mồ côi mới ở đó phải không?

- Nếu có sức, ta còn muốn lập ra hàng trăm cái trại như vậy nữa. Tiếc là sức ta có hạn.

- Hay lắm! Ta quen ngươi thật không uổng kiếp này. Anh Đại Bằng đang có ý thành lập bang Hành Khất, ngươi giúp anh ấy một tay là hợp lý nhất.

- Ừ.

Anh em Đại Kỳ đã ra đến nơi. Họ cùng nhau dạo qua các phố chính. Hai bên những con lộ lát đá trắng là những cửa hiệu, quán ăn, kỹ viện nối nhau san sát. Tiếng người mua bán nói cười rộn rã khắp nơi. Hoàng hôn chưa kịp tắt, những chiếc đèn lồng đã được thắp lên khắp nơi làm cho khu phố cảng thêm phần lung linh. Hồng Liệt tấm tắc khen:

- Chỉ mới vài chục năm mà Giản Phố sầm uất chẳng kém gì Hội An cả.

Đại Kỳ nói:

- Đáng tiếc tôi vì bận quá nhiều việc nên chưa có dịp ghé ra Hội An của các anh.

- Sư huynh nên đi một lần cho biết. Bạch muội đã nhìn thấy rồi đó.

Bạch Mai tiếp lời:

- Sầm uất thì có sầm uất thật, nhưng sinh hoạt ở Hội An có cái gì đó xô bồ và hỗn độn lắm.

Văn Hiến hỏi:

- Trần huynh, việc trao đổi với thương khách nước ngoài có thuận tiện không? Sự bất đồng ngôn ngữ làm sao giải quyết?

Đại Kỳ đáp:

- Giản Phố vốn được xây dựng bởi một nhóm người đã từng đồng cam cộng khổ. Thượng Công lại rất khoan hậu trong việc cai trị, vì vậy từ lâu sinh hoạt ở đây đã trở nên tự giác một cách tự nhiên. Việc trao đổi hàng hóa với các thương khách ở xa tới, trong hoặc ngoài nước, đều tiến hành trên cơ sở tin tưởng nhau. Khách hàng cập bến, trao cho hiệu buôn đơn đặt hàng xong là có thể tha hồ vui chơi giải trí. Chủ buôn cứ theo đơn hàng mà cung cấp và bốc dỡ hàng hóa lên, xuống tàu cho khách. Đến ngày đi cứ thanh toán tiền dựa trên hóa đơn vì không bên nào có ý gian lận bên nào cả. Việc đặt hàng của các cửa hiệu ở đây cũng trên cơ sở tín dụng đó. Cho nên vấn đề bất đồng ngôn ngữ tuy lúc đầu cũng có, nhưng giải quyết được. Lâu dần rồi mọi người cũng học hỏi được tiếng nói của nhau nên việc trao đổi càng thuận tiện hơn.

Văn Hiến vừa nghe vừa gật gù thán phục:

- Đó là hình thức của một xã hội mà chỉ có trong truyền thuyết như thời Nghiêu, Thuấn xa xưa.

Nét mặt Đại Kỳ bỗng trở nên nghiêm trọng:

- Bây giờ thì tình hình ở đây có khác hơn xưa rồi.

Văn Hiến ngạc nhiên hỏi:

- Sao vậy?

- Mười năm trở lại đây, từ ngày hãng Diệp Sanh Ký mở ra ở khu phố phía bắc cù lao, trên bờ Sa Hà thì việc bán buôn đã mất dần tính tự giác, thân thiện. Thay vào đó là sự cạnh tranh có tính bóp chẹt và tiêu diệt nhau.

- Họ là người thế nào?

- Họ là chi nhánh của một hãng buôn lớn ở Phúc Kiến rất mạnh vốn, mạnh người. Nghe nói, họ còn thao túng cả Hội An nữa.

Hồng Liệt xen vào:

- Điều đó đúng. Khu phố Phúc Kiến ở Hội An hầu như thuộc vào tay hãng này.

Văn Hiến hỏi:

- Kim Cương Môn là của họ à?

- Sao Trương huynh biết?

- Tôi có gặp qua họ. Đồng Bách là người thế nào trong Kim Cương Môn?

- Đồng Bách là tay có hạng trong Kim Cương Môn nhưng trên hắn còn vài người nữa đáng sợ hơn nhiều.

- Anh có gặp qua họ chưa?

- Biết mặt, nhưng chưa biết tài. Chỉ biết Đồng Bách là thủ hạ của họ.

- Tên chúng là gì?

- Họ là hai anh em họ Tạ. Anh là Tạ Tam, em là Tạ Tứ. Nhưng hai người này cũng không nguy hiểm bằng tên Hà Huy. Đó là một con người trầm mặc, ít nói nhưng bụng chứa lắm chước quỉ mưu ma. Cả ba tên này chỉ mới xuất hiện năm năm nay.

- Chính quyền Trấn Biên có mặt nơi đây không?

- Từ lúc Thượng Công tổ bá phụ được phong chức Tổng trấn, cho đến Định bá phụ nối nghiệp đều để cho cư dân ở Giản Phố sinh hoạt tự do trong tinh thần tự giác, tự trọng nên người không đặt một cơ quan hành chính hay quân sự nào ở đây cả. Cường Oai hầu Nguyễn Phúc Oai về sau thay thế Định bá phụ nhận chức Lưu thủ, ông ta cũng y theo lề lối cũ, không thay đổi gì cả.

Văn Hiến chặc lưỡi:

- Sinh hoạt của khu phố đã có thay đổi thì tổ chức hành chính cũng phải thay đổi theo. Lỏng lẻo quá chỉ kích thích thêm lòng tham cho những kẻ có dã tâm.

- Trương huynh nói đúng!

Ở cuối con phố chính có một đoàn múa lân đang biểu diễn, tiếng trống vang đì đùng khắp con phố. Trên một con phố ngang cũng có một đoàn múa đang diễn, đây là đoàn múa rồng. Cả hai đoàn đang tiến đến ngã tư của phố chính. Nơi đây có một quảng trường rất lớn dùng làm nơi tụ họp chung cho cả khu phố trong những ngày lễ lạc.

Đại Kỳ giải thích:

- Đoàn múa lân là của những người Việt sinh sống ở đây, còn đoàn múa rồng là của người Hoa. Họ sẽ gặp nhau ở quảng trường để cùng múa cho dân chúng chung vui, sau đó sẽ tỏa ra khắp các khu phố trải dài hơn năm dặm. Đó là thông lệ hàng năm. Chúng ta tới Thướng Nguyệt Lâu ngắm trăng đi, ở đây náo nhiệt quá.

Bốn người vừa nói chuyện vừa đi đến bờ sông. Dòng nước Đồng Nai đục ngầu những phù sa đang cuồn cuộn chảy. Giờ đang mùa mưa ở vùng thượng nguồn nên nước lũ tràn về, mặt nước dâng cao, dòng sông trông rộng đến ngút mắt. Mặt trời khuất nửa bóng ở phía tây, chiếu ánh sáng vàng vọt của một buổi chiều thu xuống mặt nước. Đại Kỳ hỏi:

- Hai người thấy cảnh vật ở đây thế nào?

Văn Hiến quay lại đáp ngay:

- Sông nước mênh mông, phù sa lớp lớp, đất đai màu mỡ, phì nhiêu. Chưa biết bên Trấn Biên thế nào chứ con người ở đây thật hòa ái, chân tình. Đây quả là nơi đất lành để chim muông về đậu.

- Thật chính xác! Mới thoáng qua mà Trương huynh đã có được một nhận xét tinh tế và sâu sắc như thế.