Én Liệng Truông Mây - Hồi 10 - Phần 2

Thướng Nguyệt Lâu là một ngôi nhà thủy tạ rất lớn được cất trên mặt nước ven bờ sông Sa Hà, gần chỗ tiếp giáp với sông Đồng Nai ở phía tây nam cù lao. Khung cảnh nơi đây u tịch thanh nhàn, khác hẳn với cảnh náo nhiệt ở khu phố thị vừa rồi. Nối tiếp dọc bờ sông là những nhà thủy tạ nhỏ hơn có kiến trúc giống nhau, mỗi gian có hai tầng. Tầng trên lộ thiên để khách đến uống rượu thưởng trăng. Tầng dưới mở thoáng cả bốn mặt nhìn ra sông nước. Họ chọn gian thủy tạ ngoài cùng, gian này biệt lập hẳn với những gian khác, dành cho những khách sang trọng. Bọn phục vụ quán thấy có anh em Trần gia đưa khách đến thì hết sức cung kính tiếp đón. Chủ nhân Thướng Nguyệt Lâu đích thân chạy ra chào hỏi niềm nở:

- Trần gia và Trần tiểu thư hôm nay có nhã hứng đưa bạn hữu đi ngắm trăng Trung Thu à? Mời lên lầu! Tôi còn một vò Trạng nguyên hồng Thiệu Hưng đã hai mươi lăm năm. Trần gia có muốn dùng nó để đãi bạn không?

Đại Kỳ vui vẻ:

- Được, được! Tiên sinh mang lên cho tôi nhé.

Chủ quán tươi cười:

- Vâng, vâng! Tôi sẽ cho bọn trẻ mang lên ngay.

Phục vụ ở đây đều là những cô gái trẻ đẹp. Họ vận xiêm y rất sang trọng nhưng kín đáo, thanh lịch. Hai cô gái trẻ cúi chào khách rồi đưa cả bọn lên sân thượng. Sau khi mời khách ngồi xong, hai cô cúi đầu lễ phép hỏi:

- Trần đại gia và tiểu thư cùng quí khách muốn dùng gì ạ?

- Ngồi trên sông Đồng Nai thì phải ăn cá chép Đồng Nai. Trương huynh và sư đệ nói có phải không? Nấu kiểu nào thì tùy vào các cô, miễn ngon là được. Thêm một bát vi cá lớn.

- Dạ, Trần gia. Bọn cháu sẽ mang lên ngay.

Mặt trăng đã lên cao ở phía đông, ánh trăng vằng vặc sáng. Gió từ biển Đông thổi lên mang theo hơi nước mát lạnh khiến mọi người cảm thấy sảng khoái vô cùng. Văn Hiến nói:

- Trăng trên sông Đồng Nai tuyệt thật!

Bạch Mai mỉm cười:

- Trương huynh cảm tác một bài thơ đi.

- Thôi đi cô nương, đừng đùa tôi nữa. Nhưng trăng ở đây làm tôi chạnh nhớ đến mấy câu thơ của Lý Bạch.

- Trương huynh đọc lên nghe đi.

Văn Hiến ngước nhìn trăng ngâm nga:

Sàng tiền khán nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương

Đại Kỳ nói:

- Trương huynh tuy xa quê nhưng còn trên đất nước mình mà đã “tư cố hương” rồi ư? Còn chúng tôi thì sao?

Văn Hiến vội nói:

- Xin lỗi, chỉ là sự đối cảnh vô tình mà thôi.

- Không sao. Từ khi sang đây, Thượng Công chúng tôi đã nhất quyết coi mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình. Vả lại, quê hương thứ nhất của chúng tôi giờ lọt vào tay di địch Mãn Thanh rồi, chuyện tư cố hương lại càng nhạt nhẽo.

Mấy cô phục vụ đã mang rượu và thức ăn lên. Đại Kỳ nói:

- Các cô cứ để mặc chúng tôi.

Mấy cô phục vụ hiểu ý liền cúi đầu chào khách rồi trở xuống bên dưới. Đại Kỳ chiết rượu ra chiếc bình nhỏ, rót bốn chung mời:

- Chúng ta uống mừng ngày gặp mặt. Mừng sư đệ, mừng hiền muội trở về bình an.

Họ nâng chung uống cạn. Trạng nguyên hồng Thiệu Hưng lâu năm hương vị quả nhiên danh bất hư truyền. Bạch Mai hỏi Hồng Liệt:

- Sư huynh thấy hương vị của nó so với rượu Hồng Đào – Quảng Nam thế nào?

Hồng Liệt mỉm cười:

- Ngon hơn, hương vị đậm đà hơn nhiều.

Văn Hiến chợt quay lại câu chuyện lúc nãy:

- Ở đây chúng ta nói chuyện được không?

- Được! Gian nguyệt lâu này biệt lập, hơn nữa bọn Diệp Sanh Ký sinh hoạt chủ yếu bên bờ bắc Sa Hà, ít khi xuống đây chơi lắm.

- Trần huynh có biết chủ nhân của Diệp Sanh Ký là ai không?

Đại Kỳ rót rượu ra các chung, nâng lên mời mọi người uống cạn rồi khà một tiếng để thưởng thức hương vị của rượu. Xong chàng mới đáp:

- Tôi không chắc chắn lắm. Tôi đã cố dò xét nhưng cũng chỉ biết được mơ hồ đó là một người họ Lý tên Văn Quang. Có người còn cho rằng họ Lý này thuộc dòng dõi Sấm Vương Lý Tự Thành sót lại. Hắn ta giàu có thuộc loại phú gia địch quốc đấy.

Văn Hiến hơi chồm người tới trước:

- Như vậy họ là hậu duệ của Lý Tự Thành và Trần Viên Viên à?

- Nghe nói như vậy.

Văn Hiến gục gặc đầu:

- Thảo nào, thảo nào...

- Thảo nào thế nào?

- Chúng tôi có gặp qua một nàng bạch y công chúa. Nàng ta đẹp lắm, như Bạch muội đây vậy. Tôi cho rằng nàng còn đẹp hơn Trần Viên Viên mà mọi người đã ca tụng bấy lâu.

- Thế à? Gặp ở đâu?

Bạch Mai nghe Văn Hiến nói thì thấy mặt chợt nóng bừng. Sau một thoáng, Bạch Mai hồi phục lại vẻ tự nhiên liền nhoẻn miệng cười:

- Trương huynh không cần lịch sự với muội như thế đâu. Bọn muội gặp nàng ta ở quán ăn Cao Lầu ngoài Hội An. Trương huynh đã giao đấu phi tiêu bằng đũa với nàng, còn tặng nàng một chiếc đũa làm trâm cài tóc nữa. Hi hi...

Nói đến đây nàng không nín được cười mà bật ra thành tiếng. Đại Kỳ tỏ vẻ hào hứng hỏi:

- Vậy à? Rồi sao nữa?

Bạch Mai nói tiếp:

- Nàng ta từ Phúc Kiến sang Giản Phố. Hội An chỉ là nơi nàng dừng chân nghỉ mệt thôi. Chuyện ly kỳ hơn nữa là trong chuyến đi vào Giản Phố, thuyền của nàng và thuyền của bọn muội gặp bão phải cùng vào trú chung một nơi, rồi bị bọn cướp người Chiêm Thành bắt. Nếu không có nhị sư huynh và Trương huynh thì bọn muội đã bị chúng hại rồi.

Đại Kỳ khẩn trương hỏi gấp:

- Rồi sao nữa? Sao hôm qua muội không kể chuyện này cho huynh nghe?

- Muội sợ ca ca lo. Giờ thì kể rồi đó. Muội chỉ thấy ghét con người lạnh lùng và kiêu kỳ quá mức kia thôi.

- Nàng bạch y công chúa đó à?

- Chứ còn ai vào đây nữa! Nàng ta như chết đi được cứu sống lại mấy lần mà chẳng có lấy một tiếng cảm ơn nào. Cả một ánh mắt biểu lộ lòng biết ơn cũng không. Rõ là kiểu cách thái quá.

Văn Hiến mỉm cười:

- Bạch muội trách người ta làm gì. Hoạn nạn tương chiếu là việc tự nhiên thôi. Đâu cần nghe tiếng cảm ơn. Trần huynh nói họ Lý đó giàu có lắm phải không?

- Nghe các thương khách Quảng Đông và Phúc Kiến nói vậy.

- Trần huynh có nghe nói đến việc Lý Tự Thành trước khi rời bỏ kinh thành Bắc Kinh đã cho thu vét toàn bộ châu báu của Minh triều rồi giao cho ba bộ tướng chia nhau đem đi cất giấu không?

- Có! Trương huynh cho rằng Lý Văn Quang đã thu thập lại được số châu báu đó à?

- Tôi nghĩ vậy. Và hắn còn nghĩ rằng mình là vương là tướng như cha ông nên con gái hắn mới xưng là công chúa.

Hồng Liệt tán thành:

- Tôi cho điều đó là hợp lý.

Sau đó chàng bèn đem việc bọn Dương Tử Tam Kiếm từ Gia Định ra Quảng Ngãi định cướp Ô Long đao kể cho Đại Kỳ nghe. Cuối cùng chàng nói:

- Hắn lại có cả thanh Ỷ Thiên Trường Kiếm của Tào Tháo ngày xưa trong tay nữa. Điều này khiến hắn tăng thêm ý tưởng ngông cuồng, tự coi mình là vua chúa. Sư huynh có cho rằng tất cả những chuyện này đang ẩn chứa điều gì bên trong không?

Bạch Mai rót rượu vào các chung, Đại Kỳ nâng lên uống cạn rồi trầm ngâm một lúc đáp:

- Bành trướng thế lực, mưu đoạt bảo đao. Hắn định chiếm cứ nơi này làm chỗ dung thân khi hữu sự ư? Hắn thuộc nhóm Thiên Địa Hội đang âm mưu phản Thanh phục Minh? Hay hắn đang dự định khôi phục lại vương triều của tiền nhân hắn là Sấm Vương? Mà cũng có thể là hắn định dùng nơi này làm hậu phương để thực hiện một trong những mục đích đó?

Văn Hiến nói:

- Những vấn đề Trần huynh nêu ra đều hữu lý cả. Cá nhân tôi có thêm một ý nghĩ nữa là hắn đang có âm mưu độc chiếm thương cảng sầm uất này trước, sau đó mới bành trướng chiếm cả phần đất miền nam mà Chúa Nguyễn vừa lấy được từ tay người Chân Lạp do nơi đây tổ chức hành chính và binh bị còn chưa vững vàng.

Hồng Liệt nghe Văn Hiến nói thì vỗ tay đánh đét một tiếng tán thành:

- Hợp lý lắm! Giản Phố cách Trung Quốc quá xa. Thanh triều dưới thời Càn Long lại đang rất vững mạnh, Đài Loan đã mất, Trịnh Thành Công chết, tổng đà chủ Trần Vĩnh Hoa cũng đã chết, Thiên Địa hội thất bại hoàn toàn chỉ còn lén lút hoạt động lẻ tẻ trong vòng bí mật. Như vậy, vì chuyện phản Thanh phục Minh mà chiếm nơi này để làm hậu phương thì hơi vô lý, mà muốn tiêu diệt nhà Thanh để thiết lập lại vương triều của Sấm Vương ở Trung Hoa lại càng vô lý hơn. Cho nên với số của cải sẵn có, với dòng máu kiêu dũng của Sấm Vương, nhất định tên Lý Văn Quang này đang có ý đồ làm vương làm tướng ở miền đất béo bở còn trong vùng tranh chấp giữa Việt – Miên và những người Chân Lạp vong quốc này.

Đại Kỳ gật đầu:

- Ý kiến của cả hai người rất hợp lý. Trường hợp như vậy thì chúng ta phải làm gì?

Văn Hiến đáp:

- Trước hết phải tìm hiểu rõ ràng thực lực và ý đồ của chúng thì mới có thể hoạch định kế hoạch đối phó được. Về thực lực của họ, Trần huynh có sự đánh giá nào không?

Đại Kỳ nhỏ giọng:

- Tôi có người tâm phúc làm việc bên đó, là đệ tử hàng thứ ba của Kim Cương Môn. Hắn cho biết Kim Cương Môn đệ tử rất đông, có đến hơn trăm người và chúng luyện tập ráo riết lắm.

- Có biết ai là người sáng lập không?

- Người sáng lập là Phùng Đạo Đức, một trong năm đệ tử của Hồng Mi lão tổ Nam Thiếu Lâm. Khi vua Vĩnh Lịch của Mãn Thanh cho đốt chùa Nam Thiếu Lâm ở Phúc Kiến và tàn sát tăng chúng vào năm 1723, có năm đồ đệ giỏi nhất của ngài trụ trì Hồng Mi lão tổ là Chí Thiện thiền sư, Ngũ Mai lão ni, Bạch Mi đạo nhân, Phùng Đạo Đức và Miêu Hiển trốn thoát. Năm người này tản mác khắp nơi và lập nên nhiều môn phái khác nhau ở miền nam Trung Quốc. Chí Thiện lập ra Hồng Gia quyền, Bạch Mi lập ra Thiếu Lâm Bạch Mi, còn Kim Cương Môn là do Phùng Đạo Đức bí mật sáng lập.

- Sao lại phải bí mật sáng lập?

- Phùng Đạo Đức đã phản lại dân tộc, hùa theo làm chó săn cho Mãn Thanh. Hắn bí mật lập ra Kim Cương Môn là để giúp bọn Mãn Thanh chống lại các nhân sĩ và môn phái phản Thanh phục Minh.

- Như vậy không lẽ Lý Văn Quang cũng thuộc Kim Cương Môn?

- Điều này tôi không rõ. Có thể đúng, mà cũng có thể hắn chỉ chiêu tập đệ tử Kim Cương Môn để trợ lực cho hắn.

- Dù sao thì hắn cũng thân Mãn Thanh. Nếu không, làm gì Phùng Đạo Đức để cho đệ tử của mình theo giúp.

- Khả năng là như vậy. Và nếu đó là sự thật thì âm mưu của hắn đúng là có ý chiếm cứ miền Nam này như hai người đã nghi ngờ.

- Hắn có mặt ở đây không?

- Trước đây hình như hắn có đến Giản Phố vài lần nhưng tôi không lưu ý nên chưa gặp mặt. Hiện giờ thì không biết.

- Kim Cương Môn chính thức hoạt động và thu nhận đệ tử ở đây từ lúc nào?

- Khoảng năm năm trước.

Hồng Liệt hỏi:

- Để đối kháng với một lực lượng lớn như Kim Cương Môn, sư huynh dự tính thế nào? Thần Quyền Môn của chúng ta có đủ sức không?

- Thần Quyền Môn của chúng ta còn non yếu lắm. Do sư phụ ra đi sớm nên người chỉ có hai đệ tử là ta và Bạch muội thôi. Thần Quyền Môn là do ta mới sáng lập ra vài năm nay để duy trì võ thuật của người, đệ tử vừa ít lại vừa trẻ tuổi nên công phu chưa có là bao.

Hồng Liệt thở ra, tỏ vẻ lo lắng. Đại Kỳ tiếp:

- Nhưng con cháu của các bộ tướng của Thượng Công tổ bá phụ còn ở đây rất đông. Phần lớn họ đều có sở học gia truyền. Nếu ta tập hợp tất cả lại thì lực lượng cũng đáng kể.

- Sư huynh đã liên lạc với bọn họ chưa?

- Kể từ ngày Diệp Sanh Ký ra mặt lấn át các thương hiệu ở đây, chúng tôi cũng đã có vài cuộc họp bàn để liên kết đối phó. Có điều mọi người nghiêng về hướng dĩ hòa vi quí nhiều hơn nên lực lượng không thống nhất được.

- Như vậy không được! Sư huynh phải chỉ cho họ thấy rõ âm mưu của bọn Kim Cương Môn và ý đồ sâu xa của Lý Văn Quang. Thuyết phục họ liên kết nhau lại để tạo thành một lực lượng thống nhất mới mong có đủ sức mạnh chống lại sự lấn át của đối phương.

Bạch Mai lẳng lặng ngồi nghe ba người bàn chuyện, nàng châm thêm rượu vào ba chiếc chung. Văn Hiến gật đầu cảm ơn, chàng uống cạn chung rượu rồi nói:

- Đó là về mặt lực lượng đối kháng kiểu giang hồ. Chúng ta cần tìm hiểu thêm về âm mưu đích thực của bọn chúng. Nếu quả tình tên Lý Văn Quang có âm mưu nổi loạn muốn chiếm cứ mảnh đất này thì chúng ta phải nhờ tới chính quyền phủ Chúa. Có nghĩa là phải nhờ tới quan binh ở Trấn Biên này. Mối giao tình của Trần huynh với quan Lưu thủ Trấn Biên thế nào?

- Quan Lưu thủ Cường Oai hầu Nguyễn Phúc Oai là người rất thân tình với Định bá phụ nên mối giao tình giữa chúng tôi khá tốt. Tuy nhiên, quan cai đội Cẩn Thành hầu Nguyễn Cư Cẩn mới là người lo về mặt binh bị. Người này võ nghệ rất cao cường. Tất cả những vấn đề trị an, quan Lưu thủ đều trông cậy vào ông ta.

Bạch Mai bỗng chen vào:

- Như vậy chúng ta cần phải báo cho Cẩn Thành hầu biết sự việc này để ông ta lo chuẩn bị.

- Đành phải như thế thôi.

Mặt trăng đã khuất dần phía trời tây. Bạch Mai dốc cạn hũ rượu ra ba chung, ba chàng nâng lên uống cạn. Họ đứng dậy ra về. Rượu thật nồng nhưng những làn gió trên sông thổi đến liên tục đã làm dịu hơi men. Nhìn khung cảnh thanh bình, gió mát trăng thanh, Văn Hiến chợt cảm thán:

- Nếu con người biết an phận, vui sống cùng thiên nhiên thì hay biết bao!

***

Chiều hôm sau là buổi lễ cầu siêu do các thầy ở chùa Đại Giác được mời đến chấp sự. Văn Hiến nhân lúc rảnh rang bèn ra bến tàu kiếm Đặng Hữu Dụng. Vừa thấy Văn Hiến đến, Hữu Dụng liền nói:

- Trương công tử rảnh không, chúng ta đi tìm chỗ nào đó uống vài chung rượu cho vui?

- Cháu đang định ra đây mời chú đi uống rượu đây. Mình đi đâu?

- Có hai nơi rất đẹp, vừa uống rượu vừa ngắm trăng. Đó là Thướng Nguyệt Lâu ở bờ nam và Vọng Nguyệt Đình ở bờ bắc.

- Tối qua bọn cháu đã đến Thướng Nguyệt Lâu rồi, hôm nay mình đi Vọng Nguyệt Đình đi.

- Được! Đêm nay mặt trăng tròn nhất và lớn nhất trong năm. Trời lại quang không mây, ngắm trăng là tuyệt nhất. Giờ cũng còn sớm, chúng ta tản bộ dạo phố để công tử mở rộng tầm mắt. Không thua gì Hội An đâu.

Hai người bèn thả bộ trên đường phố lát đá trắng dọc bến sông đi ngược lên bờ bắc, sau đó lại đi dọc đường phố trên bờ Sa Hà về đông. Đây là hai đường phố chính của thương cảng Giản Phố. Đến khu phố trên bờ Sa Hà, Hữu Dụng đưa tay chỉ một dãy dài các thương hiệu trên đường nói:

- Từ đây thuộc khu vực buôn bán độc quyền của hãng Diệp Sanh Ký. Hãng này chỉ mới thành hình ở Giản Phố chừng mươi năm nay nhưng quy mô của họ rộng lớn vô cùng. Cậu nhìn xem, suốt một dải dài bến cảng, tàu buôn lớp lớp hàng trăm chiếc vừa là thuyền của họ vừa là thuyền thương khách. Hiện giờ có thể nói một phần tư tổng sản lượng mua bán ở Giản Phố là từ thương hiệu của họ.

- Làm cách nào mà họ có thể lớn mạnh nhanh đến mức độ đó hả chú?

- Họ nhiều tiền lắm. Nhiều thương hiệu quen của chúng tôi ngày xưa đã phải bán lại cơ sở cho họ. Họ ép chết dần các cơ sở nhỏ rồi bỏ tiền ra mua lại. Về khách đến mua, giá bán ra của họ bao giờ cũng thấp hơn so với bất cứ thương hiệu nào khác ở đây. Cứ như thế chỉ sau vài năm, nguyên một dải bến cảng Sa Hà đã lọt vào tay họ, từ thương hiệu đến khách hàng. Kìa, công tử thấy khu dinh thự đồ sộ kia không? Đại bản doanh của họ đấy.

Văn Hiến quan sát thật kỹ cách bố trí chung quanh ngôi nhà.

- Lớn thật! Tường cao, cổng gác. Chẳng khác gì phủ đệ của vương công. Ba chữ “KIM CƯƠNG MÔN” họ viết rõ to, chứng tỏ họ rất tự hào về nó. Mà chắc là cũng có ý vừa coi thường vừa thị uy với thiên hạ. Sao chú không buôn bán với họ?

- Trần gia là chỗ khách hàng quen thuộc của Cao gia từ ba bốn mươi năm nay. Dù bên Diệp Sanh Ký họ chào mời giá cả cao hơn nhưng chúng tôi không vì lợi mà bỏ bạn hàng cũ.

Gần cuối đường phố Sa Hà là chiếc cầu ván bắc qua sông để thông thương với khu vực Trấn Biên. Cầu rộng chừng một trượng (4m), xây dựng chắc chắn với rất nhiều chân gỗ lớn, hai bên có thành. Miền Nam là nơi sông nước chằng chịt nên ít người sử dụng ngựa làm phương tiện đi lại như miền ngoài kia. Họ chủ yếu dùng thuyền. Tuy vậy, xe ngựa và người cưỡi ngựa qua lại trên cầu cũng khá đông.

Qua khỏi phố Sa Hà là một khoảng trống thiên nhiên có bàn tay con người chăm sóc nên phong cảnh rất trau chuốt cầu kì. Một bên là sông nước, một bên là rừng cây thiên nhiên với nhiều loại hoa đủ màu sắc. Con đường dọc bờ sông cũng lát đá trắng như trong phố chính. Người ta đặt thêm những chiếc ghế đá cách khoảng để du khách tiện ngồi nghỉ chân. Đi một đoạn nữa thì đến Vọng Nguyệt Đình. Có một ngôi nhà thủy tạ lớn với kiến trúc theo lối Trung Hoa, dạng đình bát giác, mái cong màu xanh, cột trụ màu đỏ. Lúc ấy tửu khách đã ngồi chật các bàn, tiếng nói cười vang lên tới trên bờ. Kế tiếp là một dãy dài hàng mấy chục ngôi đình nhỏ hình thức giống đình bát giác lớn, được cất trên mặt sông. Giữa đình nhỏ có đặt một bàn và bốn chiếc ghế để cho khách ngồi lúc còn nắng hay khi trời mưa. Chung quanh là một hành lang rộng có thể để được bàn và ghế ngồi. Phía ngoài có một chiếc cầu nối ra mặt nước, cuối chiếc cầu là một sàn bát giác lộ thiên, có thành vịn để khách uống rượu ngắm trăng hay hóng gió. Những đình bát giác nhỏ này dành cho những khách có tiền vì giá phục vụ ở đây cao hơn so với ở trong ngôi đình lớn ở đầu dãy. Khung cảnh ở đây sang trọng và đẹp hơn bên Thướng Nguyệt Lâu, có lẽ vì nó mới được xây dựng và chủ nhân đầu tư có tính qui mô và nghệ thuật hơn.

Bóng hoàng hôn vừa buông xuống, các ngôi đình đã có khách đến uống rượu chờ trăng lên. Khách ở đây thuộc đủ hạng người, có người ngoại quốc vừa uống rượu vừa nói cười xí xô, có người địa phương và cả khách ở xa đến. Vì nơi đây thuộc bờ tây bắc Sa Hà, trên bờ lại có rừng cây nên lúc trăng vừa nhú, khách chưa thể thấy ngay được mà phải chờ một khắc sau mới nhìn thấy mặt trăng lên. Có lẽ do sự trông ngóng chờ đợi đó mà chủ nhân đặt cho nơi đây cái tên Vọng Nguyệt. Đình lớn nhỏ không đều nhau để cho khách đi nhiều hay ít người có thể chọn. Vào giờ này chỉ còn trống hai gian ở cuối cùng, Hữu Dụng và Văn Hiến định vào gian cuối nhưng cô phục vụ mặc y phục kiểu người Hoa cúi đầu thưa:

- Quí khách thông cảm cho, gian cuối đã có người đặt từ trước rồi ạ. Xin hai vị vào gian kế này vậy. Mong thứ lỗi.

Hữu Dụng vui vẻ nói:

- Không sao. Chúng tôi ngồi ở đâu cũng được.

Họ vào gian đình áp cuối. Cô phục vụ lễ phép hỏi:

- Quí khách dùng chi ạ?

Hữu Dụng hỏi Văn Hiến:

- Công tử muốn uống rượu gì?

- Tối qua đã uống Trạng nguyên hồng Thiệu Hưng. Đêm nay thử uống Phần tửu Sơn Tây xem sao.

Cô phục vụ nhoẻn miệng cười rất xinh:

- Công tử thật sành rượu Trung Hoa. Chúng em ở đây có Phần tửu nguyên gốc từ Sơn Tây mang đến. Rượu đã hơn mười lăm năm rồi đấy ạ.

- Cô có thể cho chúng tôi biết đặc điểm của loại Phần tửu này không?

- Dạ tất nhiên là được chứ ạ. Loại Phần tửu của chúng em ở đây được sản xuất đặc biệt bằng cao lương ở Hạnh Hoa thôn với nước suối Cam Tuyền. Chỉ có hai loại nguyên liệu này kết hợp lại mới có thể cho ra loại Phần tửu ngon nhất. Khác đi thì hương vị rượu sẽ kém rất nhiều ạ.

Tiếng nói thanh thanh, lơ lớ lai giọng Hoa của cô phục nghe ngồ ngộ. Cô lại có thói quen dùng tiếng ạ ở cuối câu thật dễ thương. Văn Hiến mỉm cười nói:

- Cảm ơn cô. Cho chúng tôi một bình Phần tửu và hai cân thịt nai nấu kiểu Cù lao Phố.

Cô gái tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên hỏi:

- Nai nấu kiểu Cù lao Phố là sao ạ?

- Là nấu kiểu nhà hàng ở Cù lao Phố. Kiểu Vọng Nguyệt Đình đó ạ.

Cô gái vỡ lẽ, che miệng cười, tiếng cười trong trẻo vui tai:

- Công tử khéo đùa thật. Vậy là công tử cho phép nhà bếp Vọng Nguyệt Đình muốn nấu sao tùy ý phải không ạ?

- Đúng rồi đó ạ.

- Công tử đừng có nhại em nữa được không ạ?

Nói xong cô e thẹn cúi đầu chào rồi thoăn thoắt đi về phía nhà hàng chính. Màn đêm buông xuống, mặt trăng đã lên phía bên kia ngọn cây, bầu trời có một màu đen nhạt vì hơi nước trên sông bốc lên. Chiếc đèn lồng treo trong gian đình đung đưa theo gió sông nhè nhẹ, phát ra những vùng sáng chập chờn. Lúc cô phục vụ mang rượu và thức ăn đến bày ra bàn xong thì trên bờ có một đoàn người cũng vừa đến, họ vào gian đình cuối cùng. Cô phục vụ nói:

- Quí khách thấy đó, họ là những người đã đặt chỗ từ trước. Giờ thì em an tâm là công tử không nghĩ em đã nói xạo rồi ạ.

Văn Hiến mỉm cười:

- Tôi nào dám nghĩ cô nói xạo. Họ có vẻ là những người quyền thế ở đây cô nhỉ? Coi cách tiền hô hậu ủng của họ thì đủ biết.

- Dạ. Có lẽ thế ạ. Em nghe họ có nhắc tới cô công chúa nào đó.

Văn Hiến và Hữu Dụng nhìn nhau. Chàng hỏi:

- Công chúa à? Của nước nào vậy?

- Dạ em không biết ạ. Mời quí khách thưởng thức rượu ngon và món nai nấu kiểu Vọng Nguyệt Đình ạ.

Cô nói xong nhoẻn miệng cười và cúi đầu chào rồi trở vô. Văn Hiến rót rượu ra chung:

- Mời chú! Uống mừng sức khỏe của chú và lần đến Cù lao Phố đầu tiên của cháu.