Én Liệng Truông Mây - Hồi 11 - Phần 2

Hồng Liệt ngồi nghe thiền sư Phật chiếu thuyết giảng mà như người đi trong sương mù. Chàng bèn nói:

- Con có lẽ không có Phật duyên nên nghe thầy giảng mà như người đang mê ngủ. Thiện nghiệp, ác nghiệp gì đó con không biết, cả đời con chỉ biết lo tận sức mình giúp đỡ những kẻ khốn cùng. Còn kiếp sau ra sao con không cần biết đến.

- Lành thay, lành thay! Thí chủ làm vậy là nhờ có tâm lành. Tâm lành sẽ tạo ra nhiều thiện nghệp lực. Thí chủ đang hành đạo đó thôi.

Bạch Mai nói:

- Đinh sư huynh suốt đời làm kẻ trộm, trộm của cường hào, ác bá đem phân phát cho người nghèo. Sư huynh lại còn một mình nuôi hơn hai mươi đứa trẻ mồ côi nữa đó, thưa thầy.

Thiền sư chắp tay niệm Phật:

- A Di Đà Phật! Thí chủ làm như vậy thiện quả còn hơn cả bần tăng suốt đời đi tu. Lành thay!

Hồng Liệt chắp tay vái:

- Thầy dạy quá lời rồi.

Bạch Mai biết Văn Hiến đang nóng ruột về chuyện của thầy mình nên hỏi:

- Bạch thầy, chúng con nghe người quản sự bên Văn Miếu nói ngày vía đức Phu Tử năm ngoái thầy cùng đi với một vị nho hiệp sang dự lễ, người ấy còn ở đây không?

Phật Chiếu hỏi:

- Nữ thí chủ muốn hỏi tới Phong Trần nho hiệp phải không?

Văn Hiến vội đáp:

- Bạch thầy vâng ạ. Người còn ở đây không?

- Còn! Ba vị quen biết với ông ta à?

Văn Hiến nghe nói mừng rỡ nói nhanh:

- Dạ vâng! Con chính là đệ tử của người. Tám năm nay con tìm người khắp nơi, không ngờ người lại ở đây.

Phật Chiếu nhìn kỹ Văn Hiến tươi cười nói:

- Là thí chủ đây à? Ta vẫn nghe ông ấy nhắc đến thí chủ luôn. Ông nói nhận được thí chủ làm truyền nhân là một chuyện vui lớn nhất trong đời. Quả đúng thật! Thí chủ nghi biểu khác phàm, tương lai hẳn sẽ giúp ích lớn cho đời đấy.

Văn Hiến xúc động bùi ngùi:

- Lão nhân gia đã nói thế ư? Đệ tử thật hổ thẹn vì vẫn chưa làm được gì để báo đáp ơn người.

- Thí chủ không cần lo vội. Mọi sự vật đều phải có duyên mới thành. Thí chủ còn trẻ, tao ngộ về sau đâu đã biết được hết. Đợi đây nhé, bần tăng vào trong nói cho ông ta biết.

Văn Hiến đứng lên vái:

- Tạ ơn thầy!

Một lúc sau, một người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi, dáng tiên phong đạo cốt với chòm râu bạc trước ngực, từ sau hậu đường bước vào phòng. Văn Hiến vừa trông thấy ông đã vội kêu lớn:

- Sư phụ!

Rồi chạy lại quì xuống ôm chân vị nho hiệp nói trong thổn thức:

- Thầy có được an khang không? Thầy bỏ đi tám năm nay làm con thương nhớ vô cùng. Con tìm khắp nơi mà không gặp. Nhờ ơn trời phật cho con gặp lại thầy ở đây.

Nho hiệp cúi xuống đỡ Văn Hiến đứng lên, nhìn kỹ chàng một lúc, miệng nở nụ cười hiền hòa:

- Tám năm, con đã trưởng thành rồi. Thầy vui lắm. Hai vị bằng hữu này...

Văn Hiến bèn giới thiệu hai người với thầy mình. Hồng Liệt và Bạch Mai đồng cúi đầu chào:

- Chúng cháu xin ra mắt và vấn an bá bá.

Nho hiệp nói:

- Hai vị cốt cách thanh kỳ, hẳn là nhân kiệt trong thế gian. Con có những người bạn thế này thật là quí hóa.

Hồng Liệt cúi đầu nói:

- Bá bá đã quá khen bọn cháu rồi. Trương huynh đây mới thật là nhân kiệt trong đời này.

Bạch Mai tiếp lời:

- Bá bá đã đào tạo nên một người văn võ song toàn, bụng chứa kinh luân. Cháu thật là hâm mộ.

Văn Hiến cười nói:

- Hai người đừng tâng bốc tôi nữa có được không.

Bạch Mai nở nụ cười thật xinh:

- Là muội nói thật lòng đó. Thôi, bọn cháu ra ngoài dạo thăm cảnh chùa để bá bá và Trương huynh hàn huyên với nhau.

Văn Hiến nói:

- Cảm ơn Bạch muội!

Đợi Hồng Liệt và Bạch Mai đi khỏi, Văn Hiến thưa:

- Mời thầy ngồi. Tám năm qua thầy đã đi những đâu, sao không ghé qua Phú Xuân cho con gặp mặt?

Nho hiệp ngồi xuống ghế, Văn Hiến rót nước trà mời thầy. Nho hiệp uống ngụm trà xong đáp:

- Thầy đi nhiều nơi lắm. Ở Trung thổ mất năm năm, nhiều nhất là vùng Quảng Đông, Phúc Kiến để nghiên cứu võ học Nam Thiếu Lâm. Từ ngày hỏa thiêu Thiếu Lâm Tự ở Phúc Kiến, năm đại đệ tử của Hồng Mi lão tổ đã lập ra nhiều môn phái riêng biệt. Thầy quanh quẩn ở đó để nghiên cứu võ học của các phái đó.

- Thầy về nước lúc nào? Sao thầy lại vào tận nơi đây?

- Phật Chiếu thiền sư là bạn cũ của thầy lúc ông ta còn ở Thuận – Quảng. Thầy vào đây để cùng ông ta nghiên cứu một môn võ học. Việc đó thầy sẽ nói sau. Phần con, tám năm nay đã làm những gì? Công phu tiến triển đến đâu rồi?

Văn Hiến bèn kể lại tất cả những việc mà chàng đã gặp trong thời gian qua. Nho hiệp nghe chàng nhắc đến Thiên Ưng lão quỉ thì giật mình nói:

- Đụng tới lão này thì hơi phiền toái đó. Con chưa phải là đối thủ của ông ta. Cũng chưa biết ông ta có bỏ công tìm sang đây để trả thù cho đồ đệ không? Dù vậy để thầy truyền cho con thêm một ít võ công, may ra con có thể chống chọi được với “Thiên ưng trảo” của lão. Còn về chuyện hẹn gặp bọn Kim Cương Môn sắp tới con dự định thế nào?

- Con dự tính sẽ đấu cầm chừng, sau đó con sẽ để cho họ đánh bại.

- Lý do?

- Con muốn tạo cho họ sự kiêu ngạo mà lơi lỏng cảnh giác, hành động lỗ mãng, nóng vội và táo bạo hơn. Từ đó con sẽ tìm cách dò la mọi chuyện họ đã làm là nhằm mục đích gì. Nếu con đánh bại họ, chỉ e vì bỉ mặt, họ sẽ giết hết người này đến người khác để khiêu chiến, đồng thời họ sẽ cảnh giác hơn.

- Ý của con khá lắm! Bỏ cái sĩ diện cá nhân để đạt mục đích lớn. Tuy nhiên, Kim Cương quyền của Phùng Đạo Đức hết sức cương mãnh, học trò lớn của ông ta không thể coi thường được. Con chịu một quyền để giả bại không phải là chuyện đơn giản đâu.

Văn Hiến biết thầy lo cho mình nên trấn an:

- Chắc không đến nỗi nào đâu. Con sẽ dùng nhu lực cố hóa giải kình lực của Kim Cương quyền. Nếu không chịu trúng một đòn thật, e rằng khó qua mắt được bọn họ.

- Thầy sẽ cho con một chiếc áo giáp để hộ thân. Áo này được dệt bằng loại tơ vùng Tân Cương – Tây Tạng rất bền. Nó có thể giúp con chịu đựng một quyền mà vô hại. Ngay cả đao kiếm cũng không đâm thủng nó được.

- Con đội ơn thầy! Hôm phó ước, thầy có đến đó với con không?

- Thầy sẽ đến nhưng không nên để cho ai biết.

- Dạ, con biết!

- Ngày mai con trở lại, thầy sẽ bắt đầu truyền lại cho con những sở học mà thầy đã nghiên cứu trong tám năm qua. Đây hầu hết là các môn võ dùng để đối kháng với võ thuật Trung Hoa, đặc biệt của Thiếu Lâm tự.

Văn Hiến cảm động đến rơi lệ, chàng nhìn sư phụ bằng ánh mắt tràn ngập niềm yêu kính:

- Thầy cho con mọi thứ, trong khi con chẳng làm được tích sự gì để cho thầy vui. Con thật thấy hổ thẹn.

Nho hiệp đứng lên vỗ vỗ vai chàng an ủi:

- Con không nên thất vọng. Tương lai còn dài, khi thời chưa tới thì hãy trì chí tu thân, lúc thời cơ đến mới có đủ tâm cơ mà đoạt thời đạt thế. Đó là đạo tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của người quân tử.

- Dạ con nhớ!

Sực nhớ lại bức tranh Viên Viên Dung, chàng bèn hỏi:

- Thầy còn giữ bức tranh Viên Viên Dung lúc trước ở đây không?

- Còn, con hỏi nó làm gì?

Chàng bèn đem việc Lý Dung Dung kể lại cho nho hiệp nghe. Chàng nói:

- Cô ta rất muốn được nhìn thấy chân dung của Trần Viên Viên. Có lẽ họ có quan hệ gì với nhau không chừng. Cả tên Lý Văn Quang gì đó nữa.

- Hay lắm! Con cứ đưa cô ta đến đây. Hay để thầy họa thêm một phiên bản khác rồi con tặng cho cô ta thì hay hơn.

- Dạ. Nhưng hãy để sau cuộc hẹn.

Nho hiệp ra dấu cho Văn Hiến cùng nhau bước ra phía trước cửa chùa. Ông nhìn quang cảnh quanh chùa hỏi:

- Con thấy vùng đất này thế nào?

Văn Hiến đưa mắt nhìn xa xôi đáp:

- Vùng đất này sơn kỳ thủy tú. Trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức quả là những người có nhãn quan sâu rộng mới chọn nơi đây để dựng nên Văn Miếu. Con cho rằng miền đất này sẽ sản sinh ra nhiều bậc hiền tài có thể giúp vua chúa dựng nên nghiệp lớn. Đó là về mặt nhân sự, còn về mặt phong vật, miền nam trù phú này có thể dùng làm chỗ dựa cho bậc đế vương tranh hùng với thiên hạ. Về lâu dài, đây sẽ là chỗ dựa cho cả nước ta.

Nho hiệp nở nụ cười thỏa mãn:

- Nhận xét khá lắm! Nhưng có một nơi mà ta có thể dùng đến năm chữ “địa linh xuất nhân kiệt” đúng với nguyên nghĩa của nó.

- Đó là nơi nào, thưa thầy?

- Tây Sơn!

- Tây Sơn à? Con chỉ mới đến phủ Quy Nhơn chứ chưa lên đến miền trên đó. Nhưng con sẽ thăm qua cho biết.

Ánh mắt của vị nho hiệp sáng hẳn lên:

- Thế đất ở đó, núi sông như được trời đất sắp sẵn để sản sinh nhân kiệt. Năm ngoái thầy trở lại quan sát một lần nữa thì thấy linh khí ẩn hiện khắp núi sông trong vùng, đó là dấu hiệu anh hùng sắp xuất hiện và cũng là điềm trời cho biết đất nước sắp loạn ly. Con thấy tình hình đất nước mình hiện nay thế nào?

Văn Hiến thận trọng trả lời:

- Lòng người đang hoang mang vì lời sấm truyền quái ác. Phủ Chúa cũng vì thế mà có nhiều biến đổi. Nạn cường thần đang bắt đầu nhen nhúm. Con e là sẽ có biến loạn lớn.

- Đúng vậy! Tuy giang sơn chúng ta chia hai phủ Chúa, đánh giết nhau như hai đất nước riêng rẽ nhưng quan hệ máu thịt của đồng bào Việt tộc không bao giờ cắt đứt. Sự phân chia đó chỉ có tính tạm thời, rồi sẽ có một ngày thống nhất lại thôi. Đây là điều con phải ghi tạc trong lòng. Đàng Ngoài giờ đã tan nát, đồng bào đang lũ lượt bỏ trốn, mang theo sự đói khổ vào Đàng Trong. Nếu lòng trời ghét bỏ, chỉ cần một vài năm thiên tai hạn hán giáng xuống thì cả Đàng Trong cũng sẽ tan nát theo. Lời sấm không phải vô cớ mà xuất hiện trong dân gian. Nếu con có lòng với dân tộc thì sắp đến lúc con phải dấn thân rồi đó.

- Dạ! Có vài người bạn cũng khuyên con nên về giúp cho quan nội hữu Trương Văn Hạnh, con dự định sau chuyện ở Cù lao Phố sẽ bắt đầu.

Nho hiệp trầm ngâm:

- Đạo của người quân tử là lấy chữ trung làm đầu. Nhưng sự tồn vong của quốc gia, dân tộc, của hạnh phúc muôn dân mới là tối hậu. Chữ trung đem đặt sai chỗ sẽ trở thành ngu trung. Lẽ xuất xử sau này do con quyết định, thầy chỉ nói bấy nhiêu thôi.

Văn Hiến cúi đầu đáp:

- Con xin ghi nhớ lời thầy dạy. Thầy lại có ý định bỏ con đi nữa hay sao?

Nho hiệp nhìn chàng bằng ánh mắt ấm áp:

- Thầy đã không màng đến lợi danh, cả tên mình cũng không dùng đến. Sở học bình sinh đã có con tiếp nhận, thầy mãn nguyện lắm rồi. Mai này con phải tự lo lấy mọi việc.

Văn Hiến rưng rưng nước mắt:

- Dạ, con quyết không để sở học của thầy mai một vì con.

Lúc đó Hồng Liệt và Bạch Mai trở lại, vị nho hiệp nhìn ba người nói:

- Các con về đi, Hiến nhi mai trở lại gặp thầy.

Cả ba cúi đầu, Hồng Liệt và Bạch Mai đồng thanh nói:

- Chúng con chào bá bá!

Nho hiệp nhìn theo bóng ba đứa trẻ phóng ngựa khuất sau rừng cây, chợt buông tiếng thở dài lẩm bẩm một mình:

- Anh tài trong lớp trẻ xuất hiện khắp nơi. Đất nước này lại sắp rơi vào những tháng ngày tao loạn nữa rồi. Hà!

Có tiếng của Phật Chiếu thiền sư vang lên phía sau lưng:

- Lê huynh lại cảm thán cho tiền đồ của dân tộc nữa đó à?

Nho hiệp không quay lại, mắt dõi xa xăm đáp:

- Đất nước ta qua mấy ngàn năm lịch sử, việc thịnh suy, được mất vẫn mãi lặp đi lặp lại y một tiết điệu cũ. Nước nội loạn thì giặc ngoại xâm sẽ tràn vào. Vấn đề đối kháng Trung Hoa muôn đời vẫn là nỗi đau máu thịt. Nhà Thanh dưới thời Càn Long đang rất hùng mạnh, chỉ cần có một lý do nhỏ, họ sẽ không bỏ qua cơ hội xâm chiếm mảnh đất này đâu. Đàng Ngoài tan nát, Đàng Trong bắt đầu loạn lạc, nhà Lê còn đó cũng như không, sư bác nghĩ xem tiền đồ đất nước rồi sẽ ra sao?

Phật Chiếu bước đến đứng cạnh nho hiệp, mắt nhìn xuống dòng Đồng Nai đang lấp lánh ánh mặt trời ở phía trước đáp:

- Lê huynh rời bỏ hoàng tộc, suốt đời chu du khắp thiên hạ để mong tìm ra giải pháp thống nhất đất nước và dân tộc thành một khối. Tiếc rằng sự chia cắt hai miền đã quá lâu, giờ đây Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong cứ nghĩ rằng họ đang cai trị trên hai đất nước riêng biệt nên cố sống, cố chết để giữ lấy quyền lợi cho riêng mình. Chẳng thế mà đã có hơn bảy cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, máu con dân Việt tộc nhuộm đỏ sông Gianh. Thế cờ này nếu không có một vị minh quân kiệt xuất không thể giải được. Không khéo lại bị bọn Mãn Thanh kiếm cớ nhòm ngó sang, chừng đó đất nước này càng nát bét hơn.

Nho hiệp thở dài:

- Đúng vậy! Tiếc rằng chưa biết khi nào mới có một vị minh quân kiệt xuất như sư bác vừa nói ra đời. Có một điều đáng mừng là tuy đất nước chia đôi, hai chính quyền vì tư lợi mà thù địch nhau nhưng người dân cả hai miền hãy còn chảy chung một dòng máu Việt tộc.

- Lê huynh đi nhiều, xin cho biết rõ hơn.

- Người dân ở Đàng Ngoài khi khốn khó, đói khổ liền nghĩ ngay đến chuyện lánh vào Đàng Trong để nương tựa. Người dân Đàng Trong khi thấy đồng bào của mình vào đây lánh nạn đã tỏ một thái độ bao dung chứ không có sự thù hằn, ghét bỏ. Đó là điều rất đáng mừng.

- Nhưng dân Đàng Trong cũng chỉ là những người mới vào Nam khai mở đất đai của người Chiêm và Chân Lạp để lập nghiệp nên chưa lấy gì làm sung túc lắm, nay phải cưu mang những người anh em đói khổ nữa, e rằng họ cũng sẽ rách nát theo.

Nho hiệp dõi mắt nhìn xa hơn, đưa tay chỉ một vòng rộng lớn nói:

- Cho nên Chúa Nguyễn cần mở rộng và khai thác gấp vùng đất trù phú này. Tôi đã xuống tận vùng Mỹ Tho, Long Hồ... và thấy được rằng miền đồng bằng dọc hai bên sông Cửu Long là một kho lương thực rất lớn, có thể nuôi dân cả nước. Chỉ e việc mở mang này sẽ không nhanh bằng việc nội chính Đàng Trong đang dần suy sụp.

- Lúc nãy huynh đã nói nhân tài lớp trẻ xuất hiện nhiều, điều này không phải đáng mừng cho đất nước sao?

- Mừng thì có mừng, nhưng đó cũng là dấu hiệu của tao loạn. Cái nghịch lý ấy sư bác cũng biết mà.

- Không phải Lê huynh đang chờ đợi một cuộc tao loạn lớn để có thể thay đổi toàn triệt bộ mặt đất nước hiện nay sao?

Nho hiệp thở dài buồn bã:

- Vâng, chỉ có như thế đất nước mới mong có sự thống nhất trở lại, nhưng bù vào đó, người dân vô tội phải chịu đựng những mất mát, đau khổ một lần nữa. Không khéo lại rơi vào ách nô lệ của giặc ngoại bang như sư bác vừa nói.

Phật Chiếu chắp tay niệm Phật hiệu:

- A Di Đà Phật! Đức Phật từ bi xin phổ độ chúng sanh. Chúng ta sẽ phải làm gì?

Nho hiệp trầm ngâm:

- Vài cá nhân đơn lẻ như chúng ta thì làm được gì? Chỉ hi vọng khi việc đến, lòng mọi người đều hướng vọng, trông mong, thì sự đồng vọng đó hợp cùng khí thiêng sông núi, anh linh của tổ tiên sẽ hun đúc ra một vị anh hùng, một vì chân chúa.

- Học trò của Lê huynh thì sao?

- Hiến nhi chỉ có tài quân sư, phò tá chứ không phải là người có chí định bá đồ vương. Chỉ mong cơ duyên đưa đẩy cho nó gặp được chân chúa để phò.

- Lê huynh không tin vào hai họ Trịnh và Nguyễn?

- Không! Điềm trời đã báo, chưa biết chừng nào nhưng tôi đoán ngày sụp đổ của hai họ này sớm muộn gì cũng sẽ đến. Mà có nội biến thì sẽ có ngoại xâm.

- Cho nên Lê huynh bỏ công lặn lội ở Trung Quốc bao nhiêu năm để nghiên cứu võ học hầu sau này giúp lớp trẻ Đại Việt có đủ năng lực mà đối kháng với Trung Hoa?

- Đúng vậy! Nam Thiếu Lâm gặp nạn, nhưng cũng vì thế mà hiện nay ở miền nam Trung Quốc đã nảy sinh rất nhiều võ phái khác nhau. Cùng với phong trào phản Thanh phục Minh, sĩ phu khắp nước Trung Hoa không ngừng phát triển võ thuật. Có điều giờ đây nhà Thanh đã quá hùng mạnh, lớp sĩ phu đó cuối cùng cũng sẽ thuần phục Thanh triều. Do đó nếu có họa xâm lăng nước ta thì nền võ thuật đó sẽ góp một phần sức rất lớn cho giặc.

- Lê huynh định thế nào?

- Tôi đã phủi sạch việc đời, nhưng vì tiền đồ của dân tộc, công sức của tổ tiên nên bao năm nay tôi mới chịu khó bôn ba. Nay cũng đã sắp đến lúc nhắm mắt, tất cả chỉ còn biết trông cậy vào Hiến nhi, vào lớp trẻ. Tôi có ý nhờ sư bác truyền thụ môn nội công mà sư bác đã nghiên cứu cho Hiến nhi để sau này nó phổ biến lại trong dân gian, dùng đó làm nền tảng cho Việt võ đạo.

Phật Chiếu mỉm cười:

- Đây là kết quả của sự kết hợp công phu Thiền môn và Huyền công của Lê huynh chứ đâu phải riêng tôi. Việc truyền lại cho hiền đồ là lẽ tất nhiên rồi. Có điều Lê huynh giao toàn bộ trọng trách vào một người, không biết hiền đồ có thể đảm đương nổi không?

Nho hiệp thở dài:

- Tận nhân lực nhi tri thiên mạng. Chúng ta cứ tận hết sức mình.

- A Di Đà Phật! Lành thay! Lành thay!

Nho hiệp chợt hỏi:

- Sư bác nhìn thấy chàng thanh niên họ Đinh bạn của Hiến nhi thế nào?

- Tốt lắm! Căn tâm tốt, cốt cách tốt. Cũng là một nhân tài luyện võ.

- Sao sư bác không nghĩ đến chuyện truyền thụ sở học của mình cho chàng ta để hắn có thể giúp Hiến nhi một tay?

- Vậy thì phải hỏi sư phụ của chàng ta là ai và hắn có chịu học hay không.

- Ngày mai tôi sẽ bảo Hiến nhi hỏi.

***

Hôm sau, Bạch Mai biết Văn Hiến có nhiều việc riêng với thầy mình nên nàng nhờ chàng mang hộ số tiền cúng dường lên Long Thiền tự. Văn Hiến cảm ơn sự tế nhị của nàng, một mình lên ngựa phóng nhanh về chùa. Nho hiệp đưa cho chàng một tấm áo giáp màu đen bảo:

- Con mặc áo này để hộ thân. Nay còn cách ngày hẹn bảy hôm, con ở đây để thầy truyền lại những gì đã nghiên cứu được trong thời gian qua cho.

Văn Hiến đáp:

- Dạ!

Chờ Văn Hiến mặc áo xong, nho hiệp dẫn chàng ra phía sau chùa, nơi đó có một gian nhà khá rộng nằm ẩn kín dưới rừng cây rậm rất yên tịnh. Trước khi bắt đầu truyền thụ quyền thức, ông giảng giải:

- Người Trung Hoa to lớn hơn người Việt, võ Thiếu Lâm lại chủ về dương cương nên quyền pháp của họ vì thế rất dũng mãnh. Để đối phó với sự cương mãnh, chúng ta chủ yếu dùng nhu nhuyễn để chế thắng. Bộ quyền pháp này sẽ bổ sung thêm cho Miên quyền mà con đã học lúc trước nhưng cao thâm hơn một bậc, nó đòi hỏi người tập luyện phải đạt được tâm, ý hợp nhất, đó là chữ “định”. Sau đó tâm, ý và thân, tức quyền thức, cũng phải hợp nhất. Đạt được cả tâm, ý, thân hợp nhất tức là quyền pháp ở ngay nơi ý tưởng, tâm nghĩ thế nào quyền sẽ ra thế ấy. Chừng đó quyền pháp sẽ rất tùy tiện, không còn câu nệ tới chiêu thức đã học ban đầu. Nhà Phật gọi đó là cảnh giới vạn pháp giai không. Lý thuyết này cũng áp dụng cho binh khí. Con nghe kịp không?

- Dạ kịp. Đạt đến trình độ đó tức là đạt đến chữ “vô”. Vô chiêu, vô thức, vô bỉ, vô thử. Tâm động thế nào thì chiêu thức ra thế ấy.

Nho hiệp gật gù:

- Giỏi lắm! Nguyên tắc chính của Miên quyền là “tá lực đả lực”. Điều này con đã biết. Con còn phải biết thêm một điểm mấu chốt hết sức quan trọng nữa là: mọi chiêu thức đều có khởi đầu và kết thúc. Có nghĩa là giữa hai chiêu thức kế tiếp nhau bao giờ cũng có một khoảng trống, đó là yếu điểm của quyền thức. Ta có thể nhắm ngay vào những điểm khởi đầu hoặc kết thúc của chiêu thức mà chế thắng địch. Dù địch có lợi hại, nhanh chóng đến đâu nhưng nếu con đã đạt được chữ “định”, chữ “vô” rồi thì vào cái khoảnh khắc biến chiêu đó của địch cũng đủ để con thủ thắng.