Én Liệng Truông Mây - Hồi 11 - Phần 3

Văn Hiến nghe thầy giảng đến đây thì hai mắt chàng sáng hẳn lên:

- Thưa thầy, như vậy Miên quyền của chúng ta càng liên tục như những vòng tròn không dứt thì càng không có sở hở để địch thủ tấn công?

- Đúng vậy. Như nước chảy không biết đâu là điểm khởi đầu và đâu là điểm cuối, liên miên bất tận. Được như thế thì quyền của địch thủ có đánh vào cũng ví như lấy tay chặt xuống dòng nước, nước rẽ ra rồi lập tức khép lại.

- Như vậy chúng ta cần phải đạt cho được các yếu tính: mềm như nước, vững như sơn, nhanh như báo và mạnh như hổ?

- Đúng vậy. Mềm mà không nhu nhược, vững mà không bất động, nhanh mà không sơ hở, mạnh mà không khô cứng. Nhu mà không nhược thì sẽ bền, vững mà không bất động thì sẽ chắc, nhanh mà không hở thì sẽ bén, mạnh mà không cứng thì không gì bẻ gãy được.

- Trường hợp người ngộ tính không cao, họ lại là số đông thì phải làm thế nào, thưa thầy?

- Võ thuật Trung Quốc lúc này đang ở vào tình trạng trăm hoa đua nở, môn phái rất nhiều, quyền thuật trở nên thiên hình vạn trạng. Trông về lượng thì rầm rộ, oai phong nhưng về tinh đã bị giảm sút rất nhiều. Các môn phái tranh nhau hơn thua ở chiêu thức, chú trọng võ thuật mà rời xa võ đạo. Trường hợp áp dụng cho số đông thì con cần nhớ mấy điều căn bản này: lớn thì sẽ nặng và mạnh nhưng chậm, nhỏ thì sẽ nhẹ và yếu nhưng lẹ. Như vậy Việt võ đạo phải dựa trên căn bản, động và lẹ, ngắn và hiểm, lấy thủ làm công, chặn ở chỗ khởi đầu, đánh ở chỗ chấm dứt.

- Dạ, con đã hiểu.

- Bây giờ thầy bắt đầu dạy các chiêu thức trong pho quyền mới. Con chú ý theo dõi.

Văn Hiến dạ một tiếng rồi ngưng thần theo dõi từng động tác của thầy. Lần đầu, nho hiệp múa chậm từng chiêu thức một để Văn Hiến dễ ghi nhớ, đến lần thứ hai rồi lần thứ ba, Văn Hiến thấy tất cả các chiêu thức bây giờ đã biến mất, đôi tay của thầy di chuyển liên tục thành những vòng tròn như một nét vẽ không dứt. Nho hiệp đi xong bài quyền, dừng tay lại hỏi:

- Con nhận ra được điều gì?

- Những chiêu thức thầy đánh lần đầu đã từ từ biến mất trong lần thứ hai và hoàn toàn biến mất ở lần thứ ba. Lần thứ tư thì chỉ còn là hai tay vẽ những vòng tròn không dứt chứ không còn chiêu thức nữa, hay nói đúng ra là cả bài quyền chỉ còn lại một chiêu.

Nét mặt của nho hiệp rạng rỡ hẳn lên, ông vui vẻ nói:

- Giỏi lắm! Con tự tập luyện đi.

Văn Hiến ngộ tính rất cao, chỉ sau hai ngày luyện tập chàng đã thấu triệt yếu chỉ của quyền pháp. Nho hiệp thấy chàng đã lĩnh hội được bèn đem tất cả những chiêu thức đã nghiên cứu được từ Hồng Gia quyền, Bạch Mi quyền và Kim Cương quyền, Thiếu Lâm chính tông bắc phái, cũng như Võ Đang nhu quyền, vừa chiết chiêu với chàng vừa giảng giải cách phá thế. Chiều ngày thứ sáu kể từ lúc chàng lên Long Thiền tự, sau khi chàng hoàn tất buổi tập, nho hiệp bảo:

- Hôm nay con trở về Trần gia đi. Ngày mốt giao đấu thầy sẽ có mặt ở đó để lược trận. Nên giữ kín việc này, thầy không muốn lộ diện trừ trường hợp bất khả kháng.

- Dạ con hiểu. Bài quyền thầy vừa dạy con tên gọi là gì?

- Thầy không định đặt tên cho nó, nhưng nếu con thích thì hãy cho nó một cái tên.

- Con thấy tinh yếu của bài quyền nằm ở những vòng tròn liên tục, vậy ta cho nó cái tên “Viên Viên Miên Chưởng” được không?

- Nghe được lắm. À, con mang phiên bản bức Viên Viên Dung về cho cô gái đó. Thầy vừa hoàn tất xong. Còn đây là những kiếm phổ, đao phổ... của thập bát ban võ nghệ thầy đã bỏ công nghiên cứu bao nhiêu năm soạn thành. Con giữ lấy để sau này phổ biến lại cho các đời sau.

Văn Hiến nhận các cuốn sách võ học và bức họa rồi theo thầy ra từ giã thiền sư Phật Chiếu. Nho hiệp nói:

- Sư Phật Chiếu có ý định truyền sở học của mình lại cho người bạn của con, con hỏi thăm xem anh ta có đồng ý không? Sư phụ anh ta là ai?

- Dạ là Thần quyền vô ảnh Công Tôn Vũ.

Nho hiệp ngạc nhiên:

- Là Công Tôn Vũ à? Người này là một chí sĩ phản Thanh phục Minh, nhân tài số một của Hoa Sơn phái. Ông ta hiện giờ ở đâu?

- Dạ, đã chết hai năm trước ngoài cửa Hàn.

- Vậy ư? Thật đáng tiếc!

Chàng bèn đem chuyện Trần Đại Định và Công Tôn Vũ kể lại cho nho hiệp và Phật Chiếu nghe. Phật Chiếu than:

- A Di Đà Phật! Thật là tội nghiệt! Một đấng trung lương lại gặp cảnh trớ trêu đến độ bỏ thây xứ người. Cũng may còn có Cai cơ Nguyễn Phúc Triêm giúp đỡ, Trần gia một nhà bao nhiêu mạng mới còn sống sót. Cho nên người ta thường nói “Cửa công là chỗ dễ tu hành” thật đúng.

Văn Hiến hỏi:

- Câu nói đó nghĩa thế nào sư bá?

Phật Chiếu đáp:

- Người làm quan, chỉ cần chấp bút phê vài chữ là có thể giết chết hoặc cứu sống bao nhiêu người. Cho nên công quả của một vị quan thanh liêm, chính trực còn cao dày gấp mấy lần những người đi tu ở chùa như bần tăng.

Nho hiệp nói:

- Con phải ghi nhớ câu nói này để mai sau làm phước cứu người. Thôi con đi đi, nhớ hỏi vị bằng hữu của con việc đó nhé.

Văn Hiến đáp:

- Dạ, đệ tử sẽ hỏi hắn.

Chàng từ giã thầy và thiền sư Phật Chiếu xong lên ngựa phóng về Giản Phố. Chỉ sáu ngày ngắn ngủi bên thầy, nội lực và tinh thần chàng rất sung mãn, võ công tiến triển vượt bậc. Chàng cảm thấy rất vui nhưng chợt nghĩ đến việc thầy lại sắp ra đi, lần này có lẽ là vĩnh viễn thì lòng chùng xuống bởi một nỗi buồn vô hạn. Chàng mồ côi sớm, may gặp sư phụ yêu thương dạy dỗ nên người vì thế từ lâu chàng đã coi người như cha của mình. Giờ nghe ý thầy muốn lánh xa cõi đời mãi mãi mà lòng không khỏi đau buồn, chàng tự nhủ: “Bằng mọi giá mình phải đem sở học bình sinh của thầy truyền lại cho dân Việt để khỏi phụ lòng kỳ vọng và ước muốn của ân sư.”

***

Sau năm năm khai sáng ra vùng Giản Phố, Thượng Công Trần Thượng Xuyên xây miếu Quan Đế để dùng làm nơi thờ phụng, cầu đảo của những người Hoa theo chân ông đến đây lập nghiệp. Miếu được xây trên một vùng đất rộng, mặt trước của miếu nhìn ra dòng sông Đồng Nai gần hải cảng chính của Giản Phố. Nơi đây còn có hai nhà hội quán của người Quảng Đông và Triều Châu. Cách miếu không xa, cư dân Giản Phố và Trấn Biên cũng lập một miếu thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh để nhớ ơn người đã thiết lập chủ quyền chính thức cho vùng Trấn Biên và Phiên Trấn, sáp nhập cả hai vùng đất của Chân Lạp này vào lãnh thổ Đại Việt cuối những năm 1690.

Mấy hôm nay hãng buôn Diệp Sanh Ký và Kim Cương Môn chuẩn bị cho ngày lễ kỷ niệm sáu mươi năm xây dựng miếu và năm năm thành lập Kim Cương Môn ở Giản Phố rất tất bật, chu đáo. Họ lập một sàn đấu võ trước cửa miếu. Một dãy khán đài tạm bằng gỗ được dựng lên ở bên phải, đặt sẵn hai mươi chiếc ghế để cho quan khách bên Trấn Biên và đại diện các thương hiệu lớn ở Giản Phố đến tham dự. Hai mặt còn lại để sẵn gần trăm chiếc ghế nhỏ và những băng ghế dài dành cho khán giả.

Khi bọn người bên Thần Quyền Môn của Trần Đại Kỳ đến nơi, các dãy băng ghế dài đã chật kín khán giả. Hàng ghế trên khán đài còn trống vì những nhân vật chủ yếu của Giản Phố còn đang ở trong miếu làm lễ. Đại Kỳ cũng bước vào trong miếu. Một người thanh niên mặc đồ võ sĩ bước đến chào rồi đưa số người đi theo Đại Kỳ đến hàng ghế đầu ở phía bắc, đối diện với khán đài. Những võ sĩ đang làm việc ở đây đều mặc võ phục màu đen, trên ngực áo mang phù hiệu một nắm đấm có lóe những tia hào quang màu vàng, đó là đồng phục của Kim Cương Môn. Hữu Dụng ngồi ngoài cùng, Bạch Mai ngồi giữa Văn Hiến và Hồng Liệt. Một lát sau quan khách từ trong miếu lần lượt đi ra, một số võ sĩ hướng dẫn họ đến những chiếc ghế trên khán đài. Bạch Mai nhìn qua số người ngồi trên khán đài rồi cúi mặt xuống nói nhỏ với ba người:

- Người ngồi ở giữa dáng bệ vệ là quan Lưu thủ Cường Oai hầu. Người mặt võ phục triều đình, nét mặt cương nghị với hàm râu thiết là cai đội Cẩn Thành hầu, tiếp đến là Trần An Hảo, con út của tướng quân Trần An Bình, rồi đến ca ca, còn lại là những chủ thương hiệu lớn. Người đàn ông có ánh mắt sắc như dao, mặc đồ sang trọng như một vị vương gia ngồi bên trái quan Lưu thủ là ai muội chưa từng gặp. Không lẽ ông ta là vị đại vương gì đó của bọn họ? Chắc ông ta mới đến. Kế bên ông ta là nàng công chúa kiêu kỳ của Trương huynh.

Nói đến đó Bạch Mai mỉm cười rồi thì thào tiếp:

- Nàng đang nhìn về phía chúng ta kìa! Ông già tóc rối bù với chiếc mũi khoằm kia muội cũng chưa gặp qua. Thôi phải rồi, có lẽ lão là Thiên Ưng lão quỉ cũng nên. Lão nhận được tin tên đồ đệ bị phế võ công nhanh đến thế sao? Phen này rắc rối to rồi đó Trương huynh.

Nàng liếc nhìn Văn Hiến, thấy chàng vẫn điềm nhiên như không, trong lòng thầm bội phục. Rồi nàng nói thêm:

- Kế đó là Hà Huy, con người này mắt suốt ngày lim dim, miệng không bao giờ mở. Ca ca nói hắn điều khiển mọi việc của Diệp Sanh Ký ở đây. Cạnh hắn là Tạ Tam, kế nữa là Tạ Tứ, địch thủ của Trương huynh sắp tới. Coi kìa, hắn chốc chốc lại liếc xéo sang trông chừng nàng công chúa, cứ như sợ nàng biến mất không bằng. Trông hắn cũng bảnh trai đó chứ? Chỉ tiếc là đôi mắt hơi nhỏ và cặp lông mày rậm khiến khuôn mặt hắn có vẻ hung dữ, đầy sát khí. Người ngồi cuối cùng là Diệp Hồng Sanh, hắn có lẽ là sư đệ của Tạ Tứ. Hãy nhìn nắm đấm trên ngực áo choàng của ba tên này, có đến năm tia sáng lóe lên, đó là dấu hiệu đệ tử hàng thứ nhất của Kim Cương Môn. Bốn tia lóe là hàng thứ hai, tên Đồng Bách đứng bên dưới kia chỉ có bốn tia thôi. Rồi cứ thế mà giảm xuống dần. Hàng năm Kim Cương Môn có tổ chức những kỳ khảo hạch để thăng cấp cho đệ tử. Ở Giản Phố, các đệ tử đều do anh em họ Tạ và họ Diệp truyền thụ võ công.

Hồng Liệt nói:

- Họ tổ chức môn phái có qui củ như thế là tốt đó chứ. Môn đồ lại rất đông, so với chúng ta họ mạnh hơn hẳn.

Văn Hiến nói đỡ cho Bạch Mai:

- Võ thuật quí tinh chứ không quí đa. Trần huynh mới thu nhận đệ tử có năm năm mà đào tạo được một số người có công phu cũng khá lắm. Về lâu dài, chúng ta sẽ không kém họ đâu.

Lúc ấy một người trung niên mặc lễ phục kiểu người Hoa bước lên sàn đấu, hướng về khán đài cúi đầu chào quan khách xong quay xuống bên dưới chào khán giả chung quanh. Ông nói lớn:

- Kính chào quí quan khách, chào tất cả bà con Giản Phố và các nơi đã về dự buổi lễ mừng sáu mươi năm xây dựng miếu Quan Đế hôm nay. Từ khi miếu được ngài Thượng Công xây dựng, đức Quan Đế đã hiển linh phù hộ cho vùng Giản Phố của chúng ta từ một cù lao hoang dại trở thành một thương cảng sầm uất nhất nhì toàn cõi Đại Việt. Vì cư dân ngày một đông, Giản Phố ngày một phát triển lớn, hôm nay có mặt ngài Lưu thủ và quan Cai đội, Lý vương gia có hảo tâm muốn tặng cho miếu một ngàn lạng vàng để làm kinh phí tu sửa lại miếu lớn hơn, khang trang hơn để đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của mọi người. Chúng tôi xin thay mặt những cư dân Giản Phố cảm tạ tấm lòng quảng đại của Lý vương gia. Xin phép mời Lý vương gia đứng lên để mọi người cùng biết.

Lý vương gia đứng lên, quay sang chào quan Lưu thủ và Cai đội xong thì hướng xuống bên dưới chào khán giả chung quanh. Mọi người vỗ tay đồng thanh nói:

- Chúng tôi xin đa tạ tấm lòng quảng đại của Lý vương gia!

Người phát ngôn lại nói lớn:

- Xin mời đại diện của miếu lên nhận số ngân lượng từ Lý vương gia!

Bốn tên võ sĩ khiêng hai chiếc rương đỏ rất đẹp lên đài. Bốn người đàn ông mặc đồ lễ trong ban đại diện của miếu bước lên đón nhận, cúi đầu chào Lý vương gia và quan Lưu thủ xong tám người xuống lại bên dưới. Người phát ngôn trịnh trọng nói tiếp:

- Thưa quí quan khách và bà con, hôm nay, ngoài kỷ niệm sáu mươi năm xây dựng miếu Quan Đế còn là kỷ niệm đệ ngũ chu niên, ngày thành lập Kim Cương Môn tại Giản Phố. Chúng tôi xin mời vị quyền chưởng môn Tạ Tam có đôi lời về môn phái của mình.

Tạ Tam đứng lên, rời khán đài bước đến sàn đấu. Ông cúi đầu chào Lý vương gia và mọi người bên khán đài xong quay xuống khán giả ôm quyền nói:

- Thưa bà con, Kim Cương Môn thành lập chi nhánh ở Giản Phố không ngoài việc giúp môn sinh rèn luyện thân thể, phổ biến kỹ thuật chiến đấu cho mọi người để phòng khi hữu sự mà còn có thể noi gương Thượng Công lúc xưa giúp dân giúp nước giữ vững cõi bờ. “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm”, câu nói này có lẽ ai ai cũng biết, cho nên Kim Cương Môn chúng tôi cũng chỉ là một chi phái của Nam Thiếu Lâm – Trung Quốc. Tuy đã thành lập ở Giản Phố được năm năm nhưng đây là lần ra mắt chính thức đầu tiên của môn phái chúng tôi, chỉ sợ làm trò múa rìu qua mắt thợ nên rất mong quí bằng hữu bên Thần Quyền Môn, trên tinh thần nghiên cứu võ học chỉ điểm thêm cho.

Hắn nói xong ôm quyền hướng về phía Trần Đại Kỳ và Trần An Hảo cúi chào. Hai người họ cũng cúi đầu chào lại. Bỗng có tiếng nói từ dãy ghế khán giả vang lên:

- Hay lắm! Giản Phố chúng ta có hai võ đường mà từ lâu ai cũng biết tiếng đó là Thần Quyền Môn và Kim Cương Môn. Hôm nay nhân dịp ra mắt, mọi người đông đủ sao hai bên không biểu diễn vài màn võ thuật để bà con Giản Phố chúng ta được mở rộng tầm mắt?

Tức thì sau đó có rất nhiều tiếng ủng hộ nhao nhao lên khắp nơi:

- Đúng rồi! Đúng rồi! Biểu diễn hay tỉ thí gì cũng được! Để mọi người được thưởng thức tài nghệ của hai bên.

Tạ Tam ôm quyền nhìn xuống khán giả nói:

- Việc biểu diễn chúng tôi nhất định sẽ có, còn việc tỉ thí chúng tôi không dám quyết. Còn chờ ý kiến của Trần môn chủ.

Đám đông la lớn:

- Trần gia, ông đồng ý đi! Chỉ là nghiên cứu võ học với nhau thôi mà. Hãy cho bà con chúng tôi thưởng thức tài nghệ của hai bên đi.

Trần An Hảo đưa mắt nhìn Đại Kỳ. Chàng mỉm cười không nói gì. Cách nói của Tạ Tam vừa bày tỏ tinh thần thân hữu vừa hàm ý kiêu ngạo khiến Hồng Liệt cau mày:

- Tên này ăn nói rất khéo. Hắn có vẻ tự phụ thái quá về xuất xứ Thiếu Lâm của hắn.

Văn Hiến nói:

- Tự phụ là nhược điểm của người luyện võ. Ngươi đừng bận tâm.

Lại nghe Tạ Tam nói lớn:

- Bà con đừng vội. Cho chúng tôi cống hiến một vài màn mua vui trước đã.

Rồi hắn cúi đầu chào mọi người trở về khán đài đồng thời đưa tay ra dấu cho bọn đệ tử. Một lát sau đã nghe tiếng trống múa lân nổi lên từ bên hội quán Triều Châu vang lại. Đoàn lân do toán võ sĩ Kim Cương Môn biểu diễn những pha rất ngoạn mục, mọi người hoan hô vang dội khắp nơi. Sau khi đoàn lân trở về hội quán, đến lượt các võ sinh hạng hai tia lóe, ba tia lóe và bốn tia lóe lên biểu diễn đủ các môn quyền cước và thập bát ban võ nghệ. Khán giả vỗ tay tán thưởng từng chập một. Các màn biểu diễn vừa xong bỗng có tiếng người la lớn:

- Đến phần tỉ thí đi! Mời Thần Quyền Môn cử người lên đài đi!

Mọi người nhốn nháo lên tiếng ủng hộ đề nghị đó. Trần Đại Kỳ đứng lên ôm quyền nói lớn:

- Bà con nghe tôi nói đây! Việc tỉ thí dù chỉ là để nghiên cứu võ học với nhau nhưng cũng phải tổ chức đường hoàng, hai bên phải thông báo cho nhau trước để có sự thống nhất trong thi đấu. Cho nên, để đáp lại sự yêu cầu của bà con, chúng tôi hứa sẽ tổ chức thi tài vào một ngày nào đó thuận tiện hơn. Xin bà con hiểu cho.

Trần Đại Kỳ vốn rất được lòng mọi người ở Giản Phố nên khi nghe chàng phân trần như vậy mọi người cũng thôi thúc giục chuyện thi đấu. Chợt thấy Đồng Bách bước lên sàn đấu cúi chào quan khách, sau đó hướng xuống khán giả ôm quyền nói:

- Thưa bà con, Trần gia nói đúng. Việc thi tài phải được tổ chức chu đáo để tránh làm tổn thương hòa khí của hai bên. Chúng ta cùng là cư dân Giản Phố cả mà. Hôm nay để bà con có dịp mở rộng tầm mắt, chúng tôi xin giới thiệu một người bạn của chúng tôi, vị đồn thủ ở cửa Đại Cổ Lũy ngoài Quảng Ngãi, người mà trước đây chúng tôi vì vô tình đã có lần giao thủ và đã bị thảm bại dưới tay ông ta. May mắn cho bà con, hôm nay vị đồn thủ này lại có mặt ở Giản Phố và đã nhận lời mời của nhị sư huynh Tạ Tứ của chúng tôi đến đây để gặp mặt. Chúng tôi xin mời vị đồn thủ có biệt danh lẫy lừng Thuận – Quảng, Diệu Thủ Thư Sinh Trương Văn Hiến.

Bạch Mai nghe Đồng Bách ca ngợi tài năng của Văn Hiến thì mỉm cười nói:

- Hắn tâng bốc tài nghệ của huynh là có dụng ý, nếu Tạ Tứ bại sẽ đỡ ê mặt, còn thắng thì Kim Cương Môn của hắn chứng tỏ được tài nghệ hơn đời. Trương huynh cho chúng bẽ mặt một phen đi.

Văn Hiến mỉm cười đứng lên và thong thả bước đến sàn đấu. Nghe Đồng Bách miêu tả nhân vật đồn thủ Diệu Thủ Thư Sinh tiếng tăm vang dội Thuận – Quảng, mọi người cứ đinh ninh trong bụng ắt phải là một người ba đầu sáu tay, nào ngờ khi thấy Văn Hiến bước lên sàn đấu thì tất cả đều chưng hửng. Có người nói:

- Người này là một nho sinh, giống con mọt sách hơn. Chàng ta giỏi thuộc sách vở thánh hiền chứ làm sao hạ nổi Kim Cương thủ Đồng Bách? Tôi thật không tin một người như thế lại có biệt danh Diệu Thủ Thư Sinh!

Một người khác cãi:

- Chân nhân thường không lộ tướng. Bạn cứ chờ xem, đừng vội đánh giá.

Văn Hiến đứng trên đài ôm quyền thi lễ với quan khách và khán giả rồi quay sang chào Đồng Bách:

- Đồng huynh đã quá lời rồi. Chỉ vì công vụ nên tôi mới lỡ tay, đâu dám coi Đồng huynh là thủ hạ bại tướng. Tôi lên đây chỉ vì nể lời mời của Tạ Tứ huynh, nếu chối từ e không phải phép.

Trên hàng ghế quan khách, lão già có chiếc mũi khoằm khi nghe Đồng Bách giới thiệu tên Diệu Thủ Thư Sinh thì sắc mặt bỗng trở nên giận dữ. Lúc thấy Văn Hiến bước lên sàn đấu thì râu tóc lão dựng đứng cả lên như một tổ quạ, mắt lão long lên, lớn giọng gắt gỏng:

- Thằng nhãi con này mà có thể phế bỏ võ công của đồ đệ ta sao? Ta sẽ moi tim ngươi!

Nói xong lão vỗ ghế đứng dậy. Hà Huy ngồi kế bên vội kéo tay lão lại nói nhỏ:

- Chúng ta đã thỏa thuận rồi mà. Hãy đợi sau màn này rồi lão huynh muốn moi tim hay mổ óc hắn, làm gì cũng được. Giờ xin lão huynh bớt giận, đừng phá vỡ chương trình của vương gia.

Bạch y công chúa ngồi bên cạnh nghe lão Thiên Ưng đòi moi tim Văn Hiến thì lo sợ vô cùng. Nàng biết tính tình lão này nóng nảy kiêu ngạo lại ra tay tàn độc, xưa nay lão đã nói thì quyết làm cho bằng được, không ai cản nổi. Nàng đưa ánh mắt lo âu nhìn Văn Hiến, cũng vừa ngay lúc chàng nhìn về phía nàng. Bốn ánh mắt gặp nhau, cả hai đã nhận được những điều muốn nói. Văn Hiến có ý bảo rằng mọi việc không có gì đáng lo. Nhìn thấy ánh mắt đó, công chúa mỉm cười bằng mắt đáp trả. Những tia mắt trao đổi kín đáo đó tuy thoáng qua thật nhanh nhưng cũng không thoát khỏi sự quan sát của Tạ Tứ. Lúc đầu, bọn Kim Cương Môn muốn Tạ Tứ đấu với Văn Hiến chỉ là để phô trương võ thuật bản môn và trả mối thù đã phá hoại việc làm ăn của họ. Nhưng từ lúc nghe bọn đệ tử bàn tán chuyện công chúa uống rượu thân mật dưới trăng cùng Văn Hiến thì máu ghen nổi lên trong lòng Tạ Tứ. Hắn thầm hứa sẽ cho tên khốn kiếp kia một trận thừa sống thiếu chết mới hả dạ. Từ lâu hắn vẫn luôn ôm mộng thầm yêu nàng công chúa kiều diễm vô song này nhưng nàng chưa hề nhìn hắn bằng nửa con mắt. Hôm nay lại chứng kiến cảnh hai người đưa mắt tình tứ như thế, máu trong người hắn bỗng sôi lên sùng sục. Hắn đứng lên nói với lão Thiên Ưng:

- Lão nhân gia hãy để cho tiểu bối lãnh giáo với hắn ta trước đã.

Xong hắn không đợi Đồng Bách lên tiếng giới thiệu mình mà cúi đầu chào vị vương gia rồi nhún chân nhảy vọt lên sàn đấu. Tấm áo choàng của hắn bay phần phật trong gió. Hắn đáp xuống sàn đài một cách nhẹ nhàng, vô cùng đẹp mắt. Mọi người vỗ tay tán thưởng:

- Thân pháp tuyệt đẹp!

Bạch Mai nói nhỏ với Hồng Liệt:

- Mọi người chưa thấy thân thủ của sư huynh, nếu họ thấy chắc họ sẽ khen bể cả trời luôn.

Hồng Liệt đưa ngón tay lên miệng:

- Sụyt! Hắn là tay đáng gờm đó. Nhìn ánh mắt đầy sát khí như đang muốn ăn tươi nuốt sống tên đồ gàn kìa, chắc là hắn ăn phải dấm chua rồi.