Én Liệng Truông Mây - Hồi 11 - Phần 1

HỒI THỨ MƯỜI MỘT

Chùa Long Thiền, thầy trò vui tái hợp

Thua lôi đài, Văn Hiến định mưu sâu

*

Văn Hiến định trở lại gian tửu đình gặp Hữu Dụng và Âu Dương Long thì cũng vừa lúc hai người lên đến bờ. Âu Dương Long cúi đầu chào, giọng lễ phép:

- Chào Trương công tử! Chúc ngủ ngon!

Văn Hiến ngạc nhiên hỏi:

- Bỗng dưng sao Âu Dương huynh khách sáo với tôi như thế?

Âu Dương Long nghiêm giọng đáp:

- Công tử giờ là bạn của công chúa, tôi phải giữ lễ.

Văn Hiến phá ra cười:

- Âu Dương huynh đùa với tôi rồi. Chúng tôi chỉ gặp nhau để nói lời tạ lỗi thôi. Huynh đừng khách sáo như vậy tôi không dám nhận đâu. Chúc ngủ ngon!

- Cảm ơn công tử!

Văn Hiến và Hữu Dụng cùng mỉm cười, chào Âu Dương Long rồi thả bộ trở về. Các tửu đình hầu hết đã trống, chỉ còn một số ít người vẫn ngồi ngắm trăng. Trong gian tửu đình lớn có một nhóm khá đông người đang nói cười coi bộ vui vẻ lắm. Sương và hơi nước phủ lờ mờ trên mặt sông, tuy vậy ánh trăng vẫn vằng vặc sáng, soi tỏ muôn vật. Hữu Dụng hỏi:

- Cuộc tao ngộ vui vẻ chứ?

- Dạ cũng khá thú vị.

- Nàng là công chúa thật à?

- Cháu không tiện hỏi nhiều, nhưng có lẽ nàng là hậu nhân của Trần Viên Viên.

- Và Lý Tự Thành?

- Có thể như vậy!

Hữu Dụng gật gật đầu:

- Thảo nào tôi có nghe nói về một người Lý vương gia nào đó.

Văn Hiến hỏi:

- Chú nghe ở đâu?

- Thì cũng từ các bạn hàng Trung Quốc.

Chợt có hai người từ trong đám đông của gian tửu đình lớn chạy nhanh lên bờ, cản Văn Hiến và Hữu Dụng lại. Một người nói:

- Chào thủ Hiến! Ngài mạnh giỏi chứ?

Văn Hiến giật mình nhìn người mới lên tiếng chào. Thì ra là Đồng Bách, một người nữa có lẽ là Lại Thừa Ân. Chàng nghĩ chắc bọn này nhận ra mình nên chặn đường gây sự để trả mối thù xưa. Sau một thoáng bỡ ngỡ, Văn Hiến tươi cười nói:

- Chào Đồng huynh! Cảm ơn, tôi vẫn khỏe. Vị này chắc là Thừa Ân huynh phải không? Xin chào! Thật tình cờ chúng ta lại gặp nhau ở đây. Đây là chú Hữu Dụng, chắc các người biết nhau chứ?

Đồng Bách đáp:

- Biết chứ, biết chứ! Thương thuyền Cao gia tới lui ở đây mấy mươi năm, người của Cao gia ai lại chẳng biết. Chú mạnh giỏi chứ chú Dụng?

Hữu Dụng cười đáp:

- Vẫn khỏe, cảm ơn Đồng huynh đệ.

Đồng Bách hỏi:

- Ngài thủ Hiến đi cùng với đoàn thuyền của Cao gia vào Giản Phố công cán hay chỉ là du ngoạn đó đây cho biết phong vật miền Nam?

Văn Hiến đáp:

- Nghe thiên hạ nói Giản Phố là nơi đất vàng, nước bạc, trù phú vô cùng nên tôi muốn vào thăm cho biết.

Đồng Bách cười nói:

- Như vậy thì thật là may! Chúng tôi cứ tưởng thủ Hiến vào đây theo dõi việc làm ăn của chúng tôi. Đồng Bách tôi vừa nghe được tin ngài thủ Hiến chỉ trong vài chiêu đã phế bỏ được võ công của Vô Tình công tử thì lấy làm khâm phục lắm. Cái tên Diệu Thủ Thư Sinh giờ đã vang dội khắp nơi rồi. Tôi thật hâm mộ vô cùng.

Văn Hiến nghe cách nói có vẻ châm chọc và cay cú của Đồng Bách thì biết hắn đang tìm cách gây sự nên vội nói:

- Đồng huynh quá lời rồi. Đồng huynh chặn đường chỉ để nói chuyện này hay còn việc gì khác nữa không?

- Hôm trước thất thủ dưới tay thủ Hiến, Đồng Bách tôi thật tâm phục khẩu phục. Khi nghe kể lại sự việc, nhị sư ca của tôi rất ngưỡng mộ, muốn được gặp mặt Thủ Hiến một lần. Nay tình cờ gặp đây, không biết Thủ Hiến có chịu cho một cái hẹn để nhị sư ca tôi có dịp diện kiến chăng?

- Nhị sư ca của Đồng huynh là ai?

- Chỉ là một kẻ vô danh. Anh ấy tên Tạ Tứ.

Văn Hiến suy nghĩ rất nhanh rồi đáp:

- Đồng huynh và Tạ huynh đã có lòng, Hiến tôi lẽ nào không đáp lễ? Đồng huynh muốn chúng ta gặp mặt lúc nào, ở đâu?

- Cảm ơn thủ Hiến đã nể tình. Đầu tháng chín là lễ kỷ niệm sáu mươi năm xây dựng miếu Quan Đế và năm năm khai sáng Kim Cương Môn ở Giản Phố, chúng ta gặp nhau ở đó được chăng?

- Được! Tôi sẽ đến. Chào Đồng huynh, chào Ân huynh.

Đồng Bách và Thừa Ân đồng thanh nói:

- Chào thủ Hiến, chào chú Dụng! Hẹn gặp lại!

Văn Hiến và Hữu Dụng chào hai người rồi tiếp tục thả bộ trở về. Hữu Dụng hỏi:

- Hình như họ đã biết cậu có mặt ở đây nên tính toán trước. Theo cậu thì tại sao họ không âm thầm ra tay mà lại hẹn thi tài ở miếu Quan Đế, trước mặt đông người?

- Họ không âm thầm ra tay thanh toán cháu vì họ vẫn nghĩ cháu là người của Hình bộ. Họ làm ăn lớn khắp nước cho nên không muốn ra mặt hành hung người trong quan chế. Việc họ chọn ngày lễ kỷ niệm thành lập đền và khai sáng Kim Cương Môn để thách đấu thì theo ý cháu, có lẽ họ muốn nhân cơ hội này tỏ rõ cho mọi người biết tài nghệ của Kim Cương Môn – những con cháu Hán tộc của đức Quan Đế.

- Vì sao?

- Họ bắt đầu giai đoạn chuyển từ sức mạnh tiền bạc sang vũ lực. Họ muốn đánh bại cháu trước mặt mọi người để vừa trả thù chuyện hôm trước, vừa thị uy thiên hạ.

- Có nghĩa là họ nhất định phải thắng? Cậu thấy thế nào?

- Trước sau gì cũng sẽ đụng nhau. Cứ thử cho biết họ có đủ ba đầu sáu tay hay không.

- Nói hay lắm! Tôi thật phục cậu về sự bình tĩnh, tự tin và gan dạ. Đó là ba yếu tố rất cần thiết cho một cuộc tỉ thí. Nó quyết định ba mươi phần trăm chiến thắng, còn lại là tài năng.

- Cảm ơn sự khích lệ của chú. Sắp tới sẽ còn nhiều chuyện gay go, hung hiểm lắm, không chừng mất mạng như chơi. Khi nào đoàn của chú trở về lại Quy Nhơn?

- Định cuối tháng này, nhưng tôi sẽ nấn ná vài hôm chờ xem cuộc vui này đã.

- Vui thì có vui đấy nhưng coi chừng chú phải thất vọng.

- Thắng bại là chuyện thường, cậu không phải lo.

Văn Hiến về đến Trần gia thì thấy Đại Kỳ và Hồng Liệt đang ngồi uống rượu trong ngôi đình nhỏ bên góc phải trước trang viện. Hồng Liệt hỏi:

- Ngươi đi uống rượu với chú Dụng à?

- Ừ! Hai người chưa nghỉ sao?

Đại Kỳ đáp:

- Chúng tôi có chút chuyện của môn phái phải bàn với nhau nên còn ngồi đây. Nhân tiện đợi Trương huynh về. Trương huynh gây hấn lớn với bọn Diệp Sanh Ký mà đi một mình ở Giản Phố thì khá là nguy hiểm đấy. Hai người đi uống rượu có gặp rắc rối gì không?

- Có, nhưng cũng không đến độ.

Hồng Liệt nói ngay:

- Ngồi xuống kể nghe đi.

Văn Hiến ngồi vào bàn. Đại Kỳ rót rượu ra chung, Văn Hiến uống cạn một hơi rồi nói:

- Ta gặp lại bạch y công chúa.

- Vậy sao? Nàng có tát cho ngươi vài cái tát nảy lửa nữa không?

- Không! Trái lại.

- Trái lại là sao?

- Trái lại là nàng mời ta uống rượu và cảm ơn ta.

Hồng Liệt háo hức giục:

- Kể đầu đuôi nghe đi.

Văn Hiến bèn kể lại cuộc gặp gỡ vừa rồi. Đại Kỳ cười nói:

- Trương huynh thật tốt số đào hoa. Đã có thể biến một nàng công chúa kiêu kỳ băng tuyết thành một cô gái thùy mị đa tình.

Văn Hiến cười nói:

- Trần huynh quá lời rồi. Chỉ là bèo nước gặp nhau, nhân cảnh trăng nước hữu tình nên tâm tình cởi mở một chút mà thôi, sao lại gán cho hai chữ đào hoa vào đó.

Hồng Liệt hỏi:

- Ngươi có nghĩ là nàng đang dùng mỹ nhân kế để tìm hiểu xem vì sao ngươi ba lần bốn lượt nhúng mũi vào chuyện làm ăn của Diệp Sanh Ký không?

Văn Hiến rót thêm rượu vào các chung:

- Lúc đầu ta cũng có ý nghĩ giống như ngươi vậy nhưng về sau ta thấy không đúng. Dường như nàng có một nỗi khổ riêng nào đó không thể giải tỏa được nên tâm tình mới không được bình ổn.

- Thật ư? Theo ngươi đó là chuyện gì?

- Ta làm sao biết được. Tuy nhiên ta nghĩ nỗi khổ tâm của nàng có liên quan đến Trần Viên Viên.

- Nàng nói mong còn gặp lại, ngươi có định gặp lại nàng không?

- Ta không biết. Sắp tới còn một việc khác lớn hơn cần phải lo.

Đại Kỳ hỏi:

- Việc lớn gì?

- Trên đường về tôi gặp lại Đồng Bách và Lại Thừa Ân. Họ nói nhị sư huynh của họ là Tạ Tứ muốn gặp tôi nên hẹn vào ngày lễ kỷ niệm sáu mươi năm khánh thành miếu Quan Đế và năm năm thành lập Kim Cương Môn ở Giản Phố để tỉ thí với nhau.

Hồng Liệt nóng nảy hỏi:

- Rồi ngươi nhận lời?

- Ngươi bảo ta từ chối à?

Đại Kỳ nói:

- Họ kỷ niệm ngày thành lập Kim Cương Môn mà hẹn gặp Trương huynh là họ có ý đả bại huynh để thị uy với thiên hạ đấy.

Văn Hiến gật đầu:

- Tôi biết!

Đại Kỳ nói tiếp:

- Tạ Tam và Tạ Tứ là hai đại đệ tử của Phùng Đạo Đức. Họ được chân truyền của Nam Thiếu Lâm, Trương huynh cần phải cẩn thận lắm mới được.

- Thì cứ tận sức mình. Nếu thua thì cũng là do công phu của mình còn kém người.

- Tôi tin bọn họ sẽ cho mời tất cả những nhân vật có vai vế ở Giản Phố đến dự. Tôi phải bàn với Trần An Hảo xem sắp tới chúng ta nên làm gì.

Hồng Liệt hỏi:

- Trần An Hảo là ai?

- Là con út của phó tướng Trần An Bình, người đã sang Đại Việt cùng với Trần Thượng Công. Ông ta kể như là người có uy tín nhất trong số những con cháu của những người có công khai sáng Giản Phố này đấy.

- Đúng là sư huynh nên kêu gọi họ đoàn kết lại thành một khối thì mới mong đủ lực chống chọi lại với bọn Diệp Sanh Ký.

- Được. Ngày mai, sau khi làm lễ cho bọn đệ tử ra mắt nhị sư thúc, tôi sẽ đi lo việc ấy.

Hồng Liệt chợt nói:

- À, đồ gàn. Lúc nãy sư huynh và Bạch muội cùng đồng ý việc đưa bọn trẻ vào đây sống, ngươi nghĩ sao?

Văn Hiến đáp:

- Đưa chúng vào đây thì tốt rồi nhưng có lẽ nên chờ xem diễn tiến tình hình ở đây biến động như thế nào đã. Tránh nguy hiểm cho bọn nhỏ.

- Ta cũng đã nói với Bạch muội như thế.

Đại Kỳ nói:

- Đã vậy thì hãy đợi thêm một thời gian nữa.

***

Hôm sau trong khi Đại Kỳ và những người được coi là đối lập với Kim Cương Môn họp bàn cách thống nhất lực lượng để đối phó bọn Diệp Sanh Ký, Văn Hiến rủ Hồng Liệt và Bạch Mai đi thăm chùa Long Thiền gần núi Châu Thới. Họ dùng ngựa ra đi từ sáng sớm, dạo qua vùng thủ phủ Trấn Biên lần nữa rồi theo quan lộ dọc sông Đồng Nai đi về hướng tây bắc.

Văn Hiến bỗng hỏi Bạch Mai:

- Nghe nói ở Trấn Biên có một ngôi Văn Miếu, Bạch muội biết nó ở đâu không?

Bạch Mai đáp:

- Nhà Văn Miếu nằm rất gần chùa Long Thiền, tại núi Long Sơn. Đó là nơi có ngôi trường rất lớn để cho mọi người ở Trấn Biên này đến học. Ca ca của muội cũng từng là môn sinh ở đó. Nếu Trương huynh muốn, chúng ta có thể đến thăm Văn Miếu trước rồi sang chùa Long Thiền sau cũng được.

- Vậy chúng ta đến đó thăm trước đi.

Bạch Mai cho ngựa rẽ sang con đường nhỏ, đi chừng dặm rưỡi đã có thể thấy thấp thoáng nóc ngôi Văn Miếu với mái cong ẩn hiện sau rừng cây xanh. Ngôi Văn Miếu được xây dựng vào ba mươi năm trước theo lối kiến trúc mang màu sắc Trung Hoa dùng để thờ Đức Khổng Tử. Bên cạnh là một ngôi nhà lớn làm trường học cho sĩ tử cả vùng Trấn Biên. Văn Hiến vốn là con của một nhà nho, sư phụ chàng cũng là một vị nho hiệp nên đối với Đức Khổng Tử chàng luôn có sự kính trọng đặc biệt. Sau khi thắp hương cho vị Vạn Thế Sư Biểu, chàng gặp người quản sự ở miếu để hỏi thăm về tình hình sinh hoạt ở đây. Người quản sự nói:

- Ngôi Văn Miếu này là do Chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan trấn thủ Nguyễn Phan Long và quan ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng vào năm Minh Vương thứ mười sáu (năm 1715) để cổ xúy và phát huy nền Nho học cho cả miền Nam.

- Sĩ tử ở đây có đông không, thưa chú?

- Sĩ tử khắp Trấn Biên về đây học rất đông. Đa phần là con cháu các quan địa phương và con cháu những nhà giàu có ở miền này. Hôm nay nhằm ngày trường đóng cửa nên vắng vẻ như thế đó. Ba vị từ xa đến à?

- Dạ vâng! Bọn cháu ở tận ngoài Thuận – Quảng.

- Ồ! Như vậy thì các vị gần đất kinh kỳ rồi. Nhà Văn Miếu ở Phú Xuân hẳn là lớn và khang trang hơn ở đây rất nhiều phải không?

- Dạ không ạ. Phú Xuân tuy là đất kinh đô nhưng lại chưa chính thức lập nhà Văn Miếu.

Người quản sự ngạc nhiên thốt lên:

- Thế à? Thế mới biết Chúa Minh thời đó đã rất coi trọng việc mở mang nền Nho học ở miền Nam này.

- Dạ. Có lẽ Chúa thấy vùng thương cảng Giản Phố trù phú này đã quy tụ được nghiều người Hoa đến sinh sống.

- Theo công tử thì tại sao ở Phú Xuân đến nay vẫn chưa chính thức lập nhà Văn Miếu?

- Theo cháu nghĩ có lẽ do ảnh hưởng quá lớn của Phật giáo trong phủ Chúa. Tuy Chúa Minh cổ xúy việc “Tam Giáo Đồng Lưu” nhưng dù sao hiện nay Phật giáo vẫn là Quốc giáo của chúng ta.

Người quản sự sau đó hướng dẫn ba người bọn họ đi thăm quang cảnh Văn Miếu. Ông chỉ tay về dòng sông Đồng Nai uốn lượn ở phía Nam giải thích:

- Vùng đất Văn Miếu này và ngôi chùa Long Thiền phía bên kia hồ Long Vân (còn gọi là hồ Long Ẩn) đều có địa thế rất tốt. Trước mặt cả hai đều có dòng Đồng Nai uốn lượn, quanh năm nước lai láng chảy. Ngôi Văn Miếu thì phía sau có núi Long Sơn làm chỗ dựa, còn chùa Long Thiền có núi Châu Thới làm hậu sơn trải dài như long mạch. Hồ Long Vân như miệng rồng còn ngọn Bửu Long bên kia ví như trái châu vậy.

Văn Hiến nghe người quản sự giải thích cảm khái nói:

- Chọn nơi này để xây Văn Miếu và chùa thật là hợp lý. Với thế đất này, hẳn miền Nam sau rồi sẽ phát triển rất tốt, nhân tài sản sinh rất nhiều. Đất đai phì nhiêu, kinh thương phồn thịnh, nhân tài đông đảo. Miền Nam sẽ là chỗ dựa cho cả nước, cháu nói có đúng không chú?

- Nhận xét của công tử rất giống với một vị túc nho, bạn của thầy Phật Chiếu trụ trì chùa Long Thiền.

- Có lẽ vì sự thật hiển nhiên như thế nên ý mọi người đều giống nhau. Vị túc nho đó danh tự là gì, thưa chú?

- Ông ta chỉ mỉm cười khi tôi hỏi đến danh tánh. Ông nói, ông là người thích ngao du đây đó không muốn lưu tên họ với đời.

Văn Hiến nghe người quản sự nói thì liên tưởng ngay đến thầy mình. Thầy chàng lúc nào cũng dùng câu nói này để trả lời mỗi khi chàng hỏi đến tên người. Chàng vừa mừng vừa hồi hộp hỏi nhanh:

- Vị túc nho ấy đến đây lúc nào? Chú có thể mô tả hình dáng của ông ta cho cháu biết được không?

Quản sự thấy thái độ của Văn Hiến, lấy làm lạ hỏi:

- Công tử biết vị túc nho ấy à? Ông ta đến đây cùng thầy Phật Chiếu vào ngày vía đức Phu Tử, hai mươi tám tháng tám năm ngoái.

Văn Hiến bồn chồn hỏi:

- Tận năm ngoái à? Gần đây người ấy không ghé nữa sao chú?

- Không thấy. Đó là một người có dáng dấp hết sức phong trần, tiêu sái. Tóc trắng, chòm râu bạc dài đến ngực, trán tròn thông thái. Nơi dái tai phải có...

Văn Hiến nói ngay:

- Có một nốt ruồi son lớn. Đúng không chú?

Quản sự ngạc nhiên:

- Đúng rồi! Sao công tử biết?

Văn Hiến rươm rướm nước mắt:

- Người là sư phụ của cháu. Tám năm nay người lãng tích thiên nhai, cháu chưa hề gặp lại mặt người.

Bạch Mai reo lên:

- Vậy sao? Chúng ta thử sang chùa Long Thiền hỏi thăm xem. Biết đâu sư phụ Trương huynh còn ở lại đó, hay ít nhất thầy Phật Chiếu cũng sẽ cho biết chút tin tức của người.

Quản sự nói:

- Đúng đó! Vài hôm nữa là ngày lễ vía đức Phu Tử. Có khi ông ta đang có mặt bên chùa để cùng với thầy Phật Chiếu sang dự lễ năm nay nữa không chừng.

Văn Hiến vội nói:

- Cảm ơn chú! Bọn cháu phải sang bên chùa ngay. Ngày lễ vía cháu sẽ trở lại thăm chú.

- Các vị cứ tự nhiên.

Ba người từ giã viên quản sự Văn Miếu rồi lập tức lên ngựa phóng nhanh đến chùa Long Thiền. Họ đi vòng theo hồ nước Long Ẩn chừng nửa dặm thì đến nơi. Ba người cột ngựa rồi vào bên trong khuôn viên. Ngôi chùa không lớn lắm, xây dựng đơn sơ, vách ván, cột gỗ và mái lá nhưng quang cảnh thật thanh tịnh trang nghiêm. Họ vào Phật đường thắp nhang, Bạch Mai lấy ra một thoi vàng khá lớn bỏ vào thùng công đức. Một nhà sư trẻ lo việc tiếp khách thấy vậy chắp tay vái:

- Mô Phật, tiểu tăng xin thay mặt nhà chùa cảm ơn chư vị thí chủ đã viếng tự và cúng dường. Sư phụ chúng tôi đang có ý định trùng tu lại chùa cho khang trang và rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu của thiện nam, tín nữ về lễ Phật ngày càng đông.

Bạch Mai chắp tay vái:

- Dạ, chỉ là chút lòng thành kính Phật để chùa hương khói thôi ạ. Khi nào thì chùa khởi công trùng tu ạ?

- Sư phụ dự tính quyên góp đủ kinh phí lúc nào thì sẽ tiến hành ngay lúc ấy. Có lẽ năm tới.

- Đệ tử không mang theo bên mình nhưng Trần gia của đệ tử xin góp năm trăm lạng vàng ròng để xây dựng chùa. Vài hôm nữa đệ tử sẽ mang đến.

Nhà sư trẻ mừng rỡ:

- Thật là quí hóa quá! Xin Đức Phật từ bi phù hộ cho Trần gia cô nương một nhà duyên phước tròn đầy. Mời các vị thí chủ vào trong, bần tăng sẽ thông báo với sư phụ về phúc duyên này.

Nói xong nhà sư đi trước đưa ba người sang phòng tri khách bên hông Phật đường.

- Mời ba vị thí chủ ngồi uống nước. Bần tăng đi mời sư phụ.

Nhà sư vào trong hậu đường, một lát sau đã thấy một vị hòa thượng tuổi ngoài sáu mươi, nét mặt từ bi như một vị Bồ tát bước vào. Ba người vội đứng lên vái chào. Vị sư già chắp tay nói:

- A Di Đà Phật! Bổn chùa thật hân hạnh đón tiếp ba vị thí chủ quang lâm. Nghe Từ Huệ nói lại Phật tâm phát nguyện cúng dường của ba vị thí chủ, bần đạo xin thay mặt bổn đạo khắp nơi cảm tạ ơn đức. Cầu đức Phật từ bi phù hộ cho ba vị được nhiều duyên lành.

Bạch Mai chắp tay vái:

- Mô Phật, xin thầy đừng bận tâm. Chỉ là một chút công quả dâng chùa mà thôi. Ngày mai tiểu nữ sẽ mang đến.

- Đa tạ phật tâm của nữ thí chủ. Trần gia của nữ thí chủ có phải là...

- Dạ, Trần gia của con là hậu nhân của Trần Thượng Công ạ.

Thiền sư nở nụ cười hiền từ:

- Ra là thế! Ngày xưa Trần mẫu vẫn khuyên bần đạo trùng tu chùa lại, người sẽ chu cấp kinh phí. Việc chưa kịp tiến hành thì tai họa đã giáng xuống cho Trần gia nên thôi. Từ khi Trần mẫu trở về Hà Tiên đến nay phúc thể có được an khang không?

- Dạ, cảm ơn sư phụ hỏi thăm. Bá mẫu vẫn an khang.

Thiền sư nhìn qua ba người một lượt rồi hỏi:

- Xin hỏi quí danh tánh của ba thí chủ?

Bạch Mai đáp:

- Vị này Trương Văn Hiến, còn vị này là Đinh Hồng Liệt. Tiểu nữ Trần Bạch Mai.

Thiền sư chắp tay nói:

- Nhà chùa hân hạnh đón tiếp ba vị thí chủ quang lâm.

Hồng Liệt chợt lên tiếng hỏi:

- Bạch thầy, Trần gia một đời ra sức giúp Chúa mở mang vùng đất hoang này thành một nơi trù phú, có thể nói công đức hết sức cao dày. Họ lại có nhiều thiện tâm cúng dường tam bảo mà lại gặp tai kiếp lớn như vậy là do đâu?

Phật Chiếu nhìn Hồng Liệt niệm Phật hiệu rồi đáp:

- A Di Đà Phật! Thí chủ hỏi một câu rất hay. Công đức tạo ra ở kiếp này sẽ để lại thiện nghiệp cho kiếp sau. Còn tai họa gặp phải ở kiếp này là do ác nghiệp mình đã tạo ra ở kiếp trước. Đó là nhân quả tuần hoàn mà Phật tổ đã dạy.

Hồng Liệt sinh ra vốn là đứa trẻ mồ côi khốn khó nên kiến thức của chàng rất ít. Mấy chữ nhân quả tuần hoàn, kiếp sau kiếp trước, chàng nghe thiên hạ nói đi nói lại nhiều lần nhưng vẫn mù tịt không biết là gì nên hỏi tiếp:

- Xin thầy giảng rõ hơn về kiếp trước và kiếp sau. Con thấy con người chết đi thân xác hóa thành cát bụi, cả xương khô rồi cũng thành đất, có để lại gì đâu mà nói có tiền kiếp hậu kiếp, báo ứng tuần hoàn?

- Thân xác của chúng sinh chỉ là sự kết hợp của đất, nước, gió, lửa. Phật gọi đó là thân tứ đại. Tứ đại nhờ đủ duyên nên kết hợp lại thành thân xác chúng sinh. Nhưng vạn vật đều ở trong quy luật “thành, trụ, hoại, không”, với sinh vật thì “sinh, lão, bệnh, tử”. Tứ đại nhờ đủ duyên nên thành, đó là sinh. Sinh rồi sẽ trưởng, rồi lão, đó là trụ. Trụ rồi thì sẽ bệnh, rồi tử, đó là hoại. Hoại là trở về với tứ đại, về không.

- Đã về không tức là hết, sao còn có quả báo tuần hoàn đến kiếp sau?

- Nói không là nói về thân. Con người là sự kết hợp của thân và tâm. Thân tứ đại về không nhưng cái tâm thì còn tồn tại. Tâm này chính là luồng năng lượng gọi là nghiệp lực, bao gồm thiện nghiệp lực và ác nghiệp lực, trôi chảy từ kiếp này sang kiếp khác. Người nào trong cuộc sống hiện tại tạo nhiều ác nghiệp thì khi chết đi, luồng nghiệp lực sẽ trì trệ, kiếp lai sinh sẽ gặp nhiều ác báo, trầm luân, trôi chảy mãi trong sinh tử luân hồi. Người nào hiện kiếp biết tu tâm, hành thiện thì dòng nghiệp lực sẽ nhẹ nhàng thanh thoát, kiếp lai sinh sẽ hưởng nhiều phúc lành. Những ai có thể xóa bỏ hết ác nghiệp thì được giải thoát khỏi luân hồi, về nơi cực lạc. Đó là cõi Niết Bàn.