Én Liệng Truông Mây - Hồi 11 - Phần 4 (Hết tập I)

Tạ Tứ đứng đối diện Văn Hiến, mắt sắc như dao, khí thế hùng dũng, trong khi Văn Hiến phong thái vẫn điềm nhiên như một chàng thư sinh đang vãng cảnh. Văn Hiến thầm nghĩ: “Tên này sát khí mạnh thật, nhưng nóng nảy quá”. Còn Tạ Tứ lại nghĩ: “Ngươi cứ thong thả chờ đó mà nhận đòn. Ta không đánh ngươi quì gối van xin ta tha cho trước mặt nàng thì ta không phải là Tạ Tứ!”. Nghĩ xong hắn cố nén cơn giận, ôm quyền thi lễ:

- Tạ Tứ tôi nghe đại danh của thủ Hiến nên vô phép muốn được ngài chỉ giáo để mở rộng thêm tầm mắt, xin thủ Hiến tận tình đừng khách sáo. Quyền cước vô tình, tôi có bị trúng dăm ba đòn nặng cũng không dám trách thủ Hiến.

Văn Hiến nhìn ánh mắt đầy sát khí và cách nói của hắn thì biết ngay hắn sẽ hạ độc thủ. Chàng tươi cười đáp:

- Chỉ giáo thì tôi thật không dám. Tôi lên đây gặp Tạ huynh hoàn toàn chỉ vì không tiện từ chối lời mời mà thôi. Xin Tạ huynh nương tay.

- Được! Mời thủ Hiến!

Hắn nói xong, cởi tấm áo choàng đưa cho Đồng Bách. Đồng Bách đón lấy rồi lui xuống khỏi võ đài. Tạ Tứ ôm quyền chào rồi xuống tấn, một tay đưa về phía trước mở cương đao dựng thẳng đứng, một tay nắm quyền vòng cao qua đầu thủ thế chuẩn bị ra đòn. Văn Hiến chân hơi mở rộng ra, hai tay vẫn buông thõng trong tư thế thật thoải mái. Mới nhìn qua cách thủ thế của hai đấu thủ trên đài, mọi người đều nhận ra hai phong cách trái ngược nhau. Một bên cường mãnh như hổ, còn một bên mềm mại như ngọn roi mây. Người bình thường nhìn thấy nghĩ ngay rằng chỉ một đòn, Tạ Tứ sẽ đánh cho thủ Hiến bay khỏi võ đài ngay, nhưng danh gia võ học thì lại có cách nhìn khác đi. Tạ Tứ thấy cách thủ thế bỏ ngỏ của địch thủ cũng chợt giật mình vì hắn không biết nên tấn công vào đâu.

Sau một thoáng lúng túng, hắn hét lên một tiếng, chân lướt tới, hai tay quyền một âm một dương, một cao một thấp, một trước một tiếp liền theo sau tấn công vào các bộ vị tả hữu, trên dưới của địch thủ. Bằng lối trường quyền, thẳng và dũng mãnh này, Phùng Đạo Đức đã giúp cho nhà Thanh tiêu diệt được rất nhiều nghĩa sĩ của Thiên Địa Hội trong những năm qua, buộc Chí Thiện thiền sư phải nghĩ ra cách đánh Trường Kiều của Hồng Gia quyền, lối đánh tay vòng cung kết hợp sự cương mãnh của Thiếu Lâm và nhu công của Võ Đang để chống lại.

Trước cú đánh dũng mãnh của Tạ Tứ, chỉ thấy Văn Hiến ung dung đưa hai tay uyển chuyển khoanh những vòng tròn cuốn theo cánh tay của địch thủ rồi nhẹ nhàng hất ra. Tạ Tứ đã được Đồng Bách kể lại cách đánh của thủ Hiến nên hắn không mấy ngạc nhiên trước sự phản đòn này. Hắn liền biến chiêu, những cú đánh của hắn kết hợp với những chiêu thức của La Hán quyền và Kim Cương quyền tấn công như vũ bão, quyền ảnh mịt mờ, quyền phong gió rít vù vù không ngớt. Văn Hiến hai tay vẫn dùng những vòng tròn đỡ gạt thế công của địch thủ, bộ pháp di chuyển nhanh hơn, thỉnh thoảng chàng lại tấn công một chiêu thật bất ngờ và hiểm hóc làm Tạ Tứ phải thoái bộ né tránh. Trận đấu càng về sau càng nhanh, những tiếng hét của Tạ Tứ càng lớn và càng phẫn nộ hơn. Tất cả mọi người như nín thở, căng mắt lên để theo dõi trận đấu, đôi lúc hét to “hay quá”, “chết rồi” để cổ vũ. Khuôn mặt lạnh lùng của Lý Dung Dung bây giờ trông thật căng thẳng, ánh mắt của nàng chứa đầy sự lo âu. Bạch Mai cũng không khỏi phập phồng lo sợ, nàng nói nhỏ với Hồng Liệt:

- Tên Tạ Tứ này quả nhiên là nguy hiểm. Hắn ra đòn vừa mạnh vừa hiểm độc vô cùng. Trương huynh nãy giờ chỉ có thủ mà không có công.

Hồng Liệt nói nhỏ:

- Tên đồ gàn lại đang giở trò nghiên cứu võ thuật của Kim Cương Môn đó. Hắn chỉ đánh đủ để cho Tạ Tứ giở hết các tuyệt chiêu ra. Coi bộ sắp có kết quả rồi.

Hữu Dụng cũng nói nhỏ:

- Tôi cũng có suy nghĩ giống cậu vậy. Tiểu thư đừng lo.

Chợt nghe tiếng thét vang động khắp lôi đài của Tạ Tứ, đồng thời với tiếng thét là song quyền của hắn tấn công vào hạ bàn của Văn Hiến. Chàng đang đứng gần mép sàn đấu không còn đường thoái lui để tránh né nên buộc phải tung người lên cao, nhảy vọt ra phía sau lưng Tạ Tứ, miệng cũng hét lên:

Hay lắm!

Chân vừa chạm đất Văn Hiến đã xoay người lướt tới bên phải đưa tay định vỗ vào lưng Tạ Tứ. Nhưng nhanh như chớp, không quay người lại, hắn tung chân từ dưới thấp đá ngược lên trúng ngay vào ngực của Văn Hiến. Cú đá mạnh như trời giáng đã hất tung thân người mảnh khảnh của Văn Hiến lên cao, như diều đứt dây bay về phía bọn Hồng Liệt đang ngồi. Có nhiều tiếng la thất thanh vang lên:

- Á!!!

- Chết rồi...

Hồng Liệt vội tung người lên, hai tay đỡ gọn thân hình Văn Hiến rồi uốn cong người đáp tà tà về chỗ ngồi. Chàng đặt Văn Hiến lên ghế, đã thấy sắc mặt Văn Hiến tái xanh không huyết sắc, miệng ứa máu tươi, hơi thở nặng nề, đứt quãng. Bạch Mai lo lắng nắm tay Văn Hiến hỏi:

- Trương huynh cảm thấy trong người thế nào? Chúng ta về đi. Muội mời vị lương y gần nhà đến gấp để điều trị cho Trương huynh.

Văn Hiến hé mắt thấy ba người đứng bu quanh che kín mọi hướng liền mỉm cười nói nhỏ:

- Không có gì đâu. Nhưng đừng để bọn chúng biết. Bạch muội cứ lo run lên đi.

Ba người bấy giờ mới biết là Văn Hiến đã chịu trúng đòn giả thua nên thấy an tâm trong lòng nhưng ngoài mặt vẫn làm bộ lo lắng. Hồng Liệt móc trong túi ra một viên thuốc bỏ vào miệng Văn Hiến, xong đứng lên đưa lưng cõng Văn Hiến định về nhà. Lôi đài nãy giờ im phăng phắc bỗng náo động cả lên. Tạ Tứ hạ được đối phương trong lòng dương dương tự đắc. Hắn hướng về phía Lý vương gia cúi đầu chào, vẻ mặt lộ ra niềm kiêu hãnh và đắc ý. Nhưng khi nhìn sang công chúa thì hắn lại thất vọng ê chề, lòng đau như cắt. Qua ánh mắt sắc lạnh của nàng, hắn đọc được nỗi phẫn hận vô biên trong đó. Hắn vội quay mặt sang quan Lưu thủ và Cai đội chắp tay nói:

- Quyền cước vô tình, xin hai vị quan gia bỏ qua cho.

Hắn nói thế là có ý tạ lỗi về việc đả thương người của quan nha. Hắn được cai đội Cẩn Thành hầu đáp trả lại bằng một tia mắt vừa bén như dao vừa lạnh như tiền. Tạ Tứ vội quay sang chào khán giả lần nữa rồi hiên ngang trở về khán đài. Dưới này bọn Hồng Liệt cõng Văn Hiến bỏ đi. Bỗng có tiếng hét lớn:

- Đứng lại đó!

Chỉ thấy cả người của Thiên Ưng lão quỉ như một con chim ưng lao khỏi ghế bay sang đáp xuống sàn võ đài. Lão ta nhìn bọn Hồng Liệt nói lớn:

- Trao thằng nhãi con này lại cho ta! Hắn phế võ công của đồ đệ ta, ta phải moi tim hắn để trả thù.

Cẩn Thành hầu Nguyễn Cư Cẩn vội đứng lên rồi tung người sang võ đài nói lớn:

- Không được! Người thanh niên này là đồn thủ của triều đình. Anh ta lại đang bị thương chưa biết sống chết thế nào, lão nhân huynh trả thù cho đệ tử mình trong lúc này thì sao xứng với thân phận của một tiền bối tiếng tăm lừng lẫy?

Thiên Ưng lão quỉ quay sang Cẩn Thành hầu trợn mắt nói:

- Ta không có thời gian chờ đợi, cũng không cần biết hắn là người của ai. Dù hắn là người của Thiên triều ta cũng giết, đừng nói gì một chức quan nhỏ xíu của xứ An Nam.

Câu nói đầy tự phụ và coi rẻ người Đại Việt đã làm Cẩn Thành hầu nổi giận phừng phừng. Ông ta gằn giọng:

- Ngươi muốn giết hàng trăm tên quan lại của Thiên triều gì đó của ngươi thì cứ mặc sức mà giết, nhưng một viên quan nhỏ của Đại Việt cũng không thể đụng tới. Ngươi phải nhớ kỹ điều này.

Thiên Ưng lão quỉ bỗng ngửa mặt lên cười một tràng dài. Tiếng cười của hắn ta như tiếng ma quỉ khóc. Dứt tràng cười hắn nói:

- Không được đụng tới một viên quan nhỏ của Đại Việt ư? Ha ha... Ta nghe nói ngươi là một danh tướng có tài của An Nam, ngươi định cản ta chăng? Nể tình Lý vương gia, ta cho ngươi trong vòng hai mươi chiêu, nếu ta không đả bại được ngươi thì ta sẽ bỏ về Trung Quốc ngay, không nói tới việc thù oán gì nữa cả.

Bỗng có tiếng nói bên dưới đám khán giả vang lên:

- Không cần đến quan gia Cẩn Thành hầu ra tay, để cho bọn dân hèn Đại Việt này thay mặt tiếp lão huynh hai mươi chiêu được không?

Dứt tiếng nói, một bóng người từ dưới dãy ghế khán giả nhẹ nhàng bay lên đáp xuống võ đài. Người đó cúi chào Cẩn Thành hầu nói:

- Quan gia cho phép kẻ thứ dân này thay mặt đánh cuộc với vị lão huynh đây được chăng?

Cẩn Thành hầu nhìn thân pháp và phong thái ung dung của người mới lên đài trong lòng đã có ngay cảm giác kính trọng và tin tưởng. Ông không ngần ngại nói:

- Được! Nhờ lão nhân huynh vậy.

Nói xong ông ôm quyền chào rồi quay trở về chỗ ngồi. Thiên Ưng lão nhân đưa ánh mắt hung tợn của chim ưng nhìn người đàn ông mới lên đài hất hàm hỏi:

- Ngươi là ai? Xưng danh đi!

Người nọ đáp:

- Tôi chỉ là một người lang bạt đó đây với gió trăng non nước, có xưng tên họ ra lão huynh cũng không thể biết được.

Thiên Ưng gằn giọng:

- Nhà ngươi định đánh cược với ta ư? Có biết ta là ai không?

Người nọ điềm đạm đáp:

- Biết chứ! Uy danh của Thiên Ưng lão nhân oai trấn cả hai miền đại giang nam bắc, tôi tuy là kẻ vô danh nhưng vẫn từng nghe tiếng và rất hâm mộ ngài.

Thiêu Ưng cười lớn, giọng kiêu hãnh:

- Đã biết ta mà còn dám lên đây đánh cược? Lá gan ngươi chắc phải to lắm. Hay ngươi nghĩ sắp chết đến nơi nên làm càn để lưu lại tiếng ngu với đời?

- Sao cũng được. Lão huynh có dám đánh cược không?

Thiên Ưng lão quỉ lại phá lên cười.

- Ngươi hỏi ta dám không à? Ha ha... Được! Hay lắm! Ta sẽ phá lệ tha chết cho ngươi về cái tính gan dạ này. Ngươi muốn đánh cược thế nào?

- Trong vòng hai mươi chiêu nếu lão huynh không thắng được tôi thì lão huynh lập tức xuống tàu trở về Trung Quốc, hủy bỏ luôn chuyện trả thù cho đệ tử.

- Còn nếu ta thắng?

- Muốn chém muốn giết thì tùy lão huynh!

Thiên Ưng cười ha hả nói:

- Được, được! Nhưng ta đã hứa không giết ngươi thì sẽ không giết. Ta sẽ phế võ công của ngươi để từ nay ngươi đừng nhúng mũi vào chuyện thiên hạ nữa.

Người nọ mỉm cười:

- Đa tạ! Mời lão huynh xuất thủ.

Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về võ đài chờ đợi một trận đấu hấp dẫn nữa sắp xảy ra. Có tiếng ai đó lo lắng nói, giọng người Việt rõ rệt:

- Vị nho sĩ này trông dáng thanh như hạc thế kia không biết có chịu nổi hai mươi chiêu của lão già mũi chim ưng hung dữ này không. Hay lại giống như chàng thư sinh kia bị đá văng xuống đài nữa thì hỏng bét.

Một giọng khác vang lên:

- Đừng nói thế. Chúng ta phải mong cho ông ta thắng trận này. Đâu để bọn ngoại quốc đến đây làm hùng làm hổ, coi thường dân Đại Việt mình được.

Trên đài, Thiên Ưng lão quỉ đã sắp xuất chiêu. Hắn vươn mười ngón tay như vuốt của chim ưng ra rồi bất thình lình chộp nhanh vào mặt của vị nho sĩ. Vị nho sĩ nhanh chóng dùng thế nhất dương chỉ xỉa thẳng vào huyệt nội quan trên cổ tay Thiên Ưng, lão xoay tay chộp lại cổ tay nho sĩ, tay trái đồng thời chộp vào vai địch thủ. Nho sĩ đưa ngón trỏ tay trái xỉa thẳng vào huyệt nội quan trên tay địch. Thiên Ưng đổi thế đánh, cả hai tay nhanh như chớp cùng lúc chộp lia lịa vào khắp nơi trên người nho sĩ. Vị nho sĩ thần sắc ngưng trọng, hai ngón tay mềm dẻo như múa điểm thật chính xác vào cổ tay địch. Bạch Mai đứng bên dưới đếm lớn theo các thế đánh ra của Thiên Ưng:

- Một...hai...ba... bốn...năm... mười... mười một... mười hai...

Thiên Ưng lão quỉ nhảy vọt ra sau nhìn xuống Bạch Mai la lớn:

- Con bé này đếm bậy gì đó? Ta mới đánh có sáu chiêu sao ngươi đã đếm đến mười hai rồi?

Bạch Mai cãi lại:

- Lão gia hai tay ra chiêu, mỗi tay tiểu nữ đếm một chiêu là phải rồi. Cả hai tay lão gia đã đánh ra mười hai chiêu đúng không?

Giọng nàng trong trẻo, nét mặt lại kiều diễm ngây thơ khiến cho Thiên Ưng có muốn nổi giận cũng không được. Lão ta nói:

- Ngươi thật không biết gì cả! Thiên Ưng trảo của ta một âm một dương bổ túc cho nhau thành một chiêu. Ta đánh mỗi tay một thế kết hợp lại thành một chiêu. Đến giờ mới chỉ là chiêu thứ sáu thôi. Bé con ngốc!

Bạch Mai chu môi tiếp tục cãi:

- Tiểu nữ không cần biết âm dương bổ túc gì cả. Đã nói chiêu thì một lần đánh ra tiểu nữ sẽ tính là một chiêu. Nếu lão gia sợ không thắng nổi thì bỏ cuộc tỉ thí này đi là hay hơn cả.

Lão Thiên Ưng nghe nàng nói càn nói bướng nhưng không thể cãi lại được. Lão phì cười nói:

- Bé con nói ta sợ không thắng nổi à? Được, ngươi cứ đếm theo kiểu của ngươi đi! Ta không hạ được lão mọt sách này trong vòng mười chiêu nữa thì ta nhận thua, lập tức bỏ đi ngay!

Bạch Mai cười nói:

- Được, lão gia nhớ giữ lời mình nói đấy! Tiểu nữ chờ để đếm tiếp đây.

Thiên Ưng quay lại nhìn nho sĩ, mắt lão bỗng lóe hung quang trông rất dễ sợ. Lão vận nội lực khiến chiếc áo choàng như gặp gió trương lên, hai tay lão chuyển dần sang màu xám xanh, mười ngón tay cong lại như vuốt chim ưng. Nho sĩ biết lão đang vận dụng “Thiên Ưng công” và “Thiên Ưng độc trảo” nên cũng vội ngưng tụ chân khí trong người, tay trái ngửa ra để trước bụng đỡ cùi chỏ tay phải. Tay phải dựng đứng lên theo kiểu bắt ấn tam muội nhưng chỉ đưa một ngón tay trỏ chỉ lên trời. Thấy thế thủ của đối phương, Thiên Ưng rúng động trong lòng, lão hỏi lớn:

- Ngươi cũng luyện được Như Lai chỉ à? Thảo nào ngươi dám lên đây đánh cược. Được, để xem Như Lai chỉ của ngươi có phá nổi Thiên Ưng trảo của lão phu không?

Hai bàn tay của lão giờ đã xám xanh lại, lão hét lớn một tiếng rồi tung người lên như một con chim ưng. Từ trên cao, lão xòe mười ngón tay lao xuống tấn công vào đầu và mặt địch thủ, bóng trảo mờ mịt đầy trời. Ngón trỏ tay phải của nho sĩ cũng đã biến thành màu đỏ hồng, cánh tay di động nhanh đến độ không còn trông thấy gì nữa và liên tiếp điểm vào lòng trảo của đối phương. Hai người giờ đây xuất thủ quá nhanh nên Bạch Mai không còn nhận ra được chiêu số nữa, nàng đếm bừa:

- Mười ba, mười bốn... mười tám...mười chín... Hai mươi!

Cùng lúc với tiếng đếm hai mươi của Bạch Mai là hai tiếng thét lớn từ miệng Thiên Ưng lão quỉ và vị nho sĩ. Cả hai đồng tung người ra sau. Thiên Ưng đáp người xuống sàn, hữu trảo buông xuôi xuống đất, giữa lòng bàn tay bị đâm thủng một lỗ, máu theo đó tuôn ra ròng ròng không ngớt, sắc mặt trông thật ảm đạm. Lão vội dùng tay trái điểm vào các huyệt đạo trên cánh tay phải để cầm máu lại. Vị nho sĩ vai áo bên trái rách toạc, có năm vuốt ưng trảo cào sâu vào tận xương, máu chảy ướt đẫm một bên người, chỗ vết thương từ từ chuyển sang màu đen, chứng tỏ nơi vết thương có chất độc. Nho sĩ bình thản đưa tay điểm nhanh các huyệt đạo cầm máu và chặn chất độc phát tán, sau đó thò tay vào bọc lấy ra một lọ thuốc, đổ hai viên màu đỏ ra tay rồi cho vào miệng nuốt.

Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Nhìn qua hai vết thương mọi người đều biết bên nào thắng bên nào bại. Chợt Thiên Ưng lão quỉ ngửa mặt lên trời, cất tiếng cười thê lương rồi quay người xuống đài bỏ đi. Nho sĩ nhìn theo lão, buông một tiếng thở dài rồi cũng tung người nhảy xuống đất, biến mất trong đám khán giả đang nhao nhao bàn tán về cuộc so tài vô tiền khoáng hậu này. Lý vương gia đứng lên chào quan Lưu thủ và Cẩn Thành Hầu xong vội vàng bước xuống đuổi theo Thiên Ưng lão quỉ. Anh em Tạ Tam và họ Diệp cũng vội vàng bỏ đi theo Lý vương gia. Lý Dung Dung đứng lên đưa ánh mắt lo âu liếc nhìn về phía Văn Hiến đang được Hồng Liệt cõng trên lưng. Nàng buông khẽ tiếng thở dài rồi bước xuống khán đài. Bọn Âu Dương Long, Thu Hồng đứng phía sau vội bước theo hộ tống nàng. Bọn Hồng Liệt cõng Văn Hiến trên vai trở về Thần Quyền Môn.

Người điều khiển chương trình bước lên võ đài tuyên bố vài câu bế mạc, mời quan khách trở về Kim Cương Môn và mời bà con giải tán. Hà Huy tiến đến mời quan Lưu thủ, Cẩn Thành hầu cùng đại diện các thương hiệu về Kim Cương Môn. Đại Kỳ lấy cớ phải về xem tình hình của Văn Hiến nên từ chối không dự, chàng từ giã mọi người rồi đi nhanh về nhà. Vừa bước vào nhìn thấy mọi người ngồi nơi bàn, chàng hỏi ngay:

- Trương huynh thương thế ra sao rồi? Có nguy hiểm không?

Bạch Mai nhìn vẻ lo lắng của anh mình không nhịn được cười đáp:

- Không có gì đâu. Là Trương huynh giả thua chịu đòn thôi.

Đại Kỳ ngạc nhiên đến trợn mắt lên:

- Giả thua? Chịu một cú đá trời giáng như thế vào ngực mà không việc gì ư?

Văn Hiến nói:

- Không sao, Trần huynh an tâm. Tôi đã chuẩn bị trước nên không hề gì.

Hồng Liệt nói:

- Lúc ta thấy ngươi nhảy qua đầu Tạ Tứ rồi lao vào sau lưng hắn để chịu cú đá đó thì ta đã nghĩ là ngươi cố ý để trúng đòn rồi. Nhưng trúng một đòn nặng như vậy mà ngươi không hề hấn gì với lại tại sao ngươi chịu thua thì ta vẫn chưa biết?

Văn Hiến hỏi:

- Tại sao ngươi biết ta cố ý để trúng đòn?

- Thế đánh đó ngươi đã dùng để hạ Đồng Bách, giờ ngươi lặp lại y khuôn thì làm sao không trúng cú đá ngược lại của Tạ Tứ được?

Văn Hiến mỉm cười nói:

- Đúng là không có gì qua nổi cặp mắt cú vọ của tên trộm nhà ngươi. Ta trúng cú đá quả có nặng thật nhưng một là ta đã sử dụng nhu công hộ thể, hai là sư phụ mới cho ta chiếc áo giáp hộ thân nên cú đá đó không gây thương tổn cho ta được. Còn ta chịu thua Tạ Tứ trước mặt thiên hạ là để cho bọn chúng chủ quan làm càn và khinh địch mà lơ là phòng bị, có thế mình mới sớm dọ thám được mục đích chính của chúng.

Bạch Mai nói:

- Trương huynh dụng tâm khổ cực lại chịu nhục trước thiên hạ thật ít có ai dám làm. Muội thật là khâm phục huynh.

Nàng là cô gái trực tính nên nghĩ sao nói vậy, không ngại chuyện nam nữ, bày tỏ tình cảm trong lòng mình thật chân thành. Văn Hiến mỉm cười:

- Đã có chủ đích thì đâu có thiệt hại gì lớn. Còn chuyện chịu thua người ta trước mặt thiên hạ thì cũng không đáng quan tâm bởi thiên hạ cũng có ai biết mình là ai đâu. Bạch muội đừng khen quá làm huynh xấu hổ.

Đại Kỳ nói:

- Vậy mà làm tôi ngồi trên khán đài cứ sợ đến đứng tim luôn. Sắp tới chúng ta phải làm gì?

Văn Hiến không đáp vội mà quay sang hỏi Hữu Dụng:

- Chú định khi nào khởi hành?

- Chừng nào cậu muốn đi thì khởi hành.

Văn Hiến nhìn Đại Kỳ nói:

- Tôi phải nằm dưỡng thương vài hôm, sau đó chúng ta nhổ neo được không chú?

Hữu Dụng vui vẻ đáp:

- Tất nhiên là được! Thôi cậu nghỉ ngơi nhé, tôi phải ra bến.

Ông chào mọi người rồi trở ra bến tàu. Chờ Hữu Dụng đi xong, Văn Hiến nói:

- Tôi cùng Hồng Liệt sẽ theo thuyền chú Dụng về lại Quy Nhơn. Nhưng khi thuyền ra đến Nhà Bè, chúng tôi sẽ quay trở lại âm thầm dò xét bọn chúng.

Hồng Liệt khen:

- Mưu kế của ngươi đúng là thần không hay, quỉ không biết. Tuyệt lắm!

*****

Hết tập một.

Mời các bạn xem tiếp tập hai:

Trấn Biên Thành Dậy Sóng