Én Liệng Truông Mây - Hồi 16 - Phần 3

Ngô Mãnh lưng đeo trường kiếm, hông giắt một thanh kiếm ngắn, loại kiếm Tanto của các Samurai Nhật dùng để tự sát. Thanh đoản kiếm này thuộc loại bảo kiếm của Nhật Bản. Trong một dịp tình cờ ở Hội An, Ngô Mãnh đã cứu được một Samurai Nhật bị bọn Tây Dương dùng súng hỏa mai ngắn bắn trọng thương và người Samurai đó đã tặng thanh kiếm này cho chàng. Từ đó, chàng đeo nó bên mình và sử dụng trong lúc lâm trận như song kiếm khi cần thiết. Chàng bước đến trước mặt Tạ Tứ khẽ chào rồi lên tiếng hỏi:

- Nghe nói ngươi một cước đá Văn Hiến bạn ta văng xuống đài phải không?

Tạ Tứ gật đầu. Ngô Mãnh hỏi tiếp:

- Hôm nay ngươi muốn dùng quyền cước hay binh khí?

Tạ Tứ đáp, giọng hằn học:

- Đừng giở giọng kẻ cả với ta! Ngươi mình đeo hai thanh kiếm thì chắc là sở trường về kiếm, ta muốn thử xem.

Biết Tạ Tứ ỷ lại vào thanh bảo kiếm trên tay nên mới chọn cách này nhưng Ngô Mãnh vẫn gật gù cười:

- Khá lắm! Có bản sắc! Đã vậy thì mời.

Họ tuốt kiếm chuẩn bị lao vào nhau.

Tạ Tứ từ lúc bái sư với Phùng Đạo Đức chỉ chuyên tâm vào quyền pháp Thiếu Lâm, hắn vốn không thích học đao pháp và chuộng kiếm pháp hơn. Lý Văn Quang thấy hắn có tài lại có chí luyện võ nên đích thân truyền bài kiếm tuyệt kỹ Thất Tinh kiếm của Võ Đang cho hắn. Tạ Tứ vừa học được bài kiếm trấn sơn của Võ Đang, lại vừa muốn lấy lòng Lý Văn Quang hòng ngấp nghé đến công chúa Lý Dung Dung nên đã chuyên cần tập luyện, do đó về kiếm thuật hắn giỏi hơn quyền thuật. Trong tay hắn hiện đang giữ thanh bảo kiếm Thanh Hồng lại càng như hổ thêm cánh. Hắn rất tự tin mình sẽ thắng được tên võ sĩ An Nam lạ mặt này một cách dễ dàng.

Ngô Mãnh vốn người Thuận Hóa, mồ côi từ bé, sống nhờ người chú. Năm mười tuổi chàng bỏ nhà đi theo một tiều phu thường đốn củi đem bán cho Sắc Tứ Ấn Tôn tự (năm 1841 vua Thiệu Trị đã đổi tên thành Từ Đàm tự). Người tiều phu đó vốn là đệ tử của ngài Sa Viên ở Sơn La, vì ông đã giết chết tên tri phủ Sơn La nên phải bỏ trốn vào Đàng Trong đốn củi bán cho chùa, đêm đêm nghe kinh Phật. Sau ông nhận Ngô Mãnh làm đồ đệ, truyền cho tuyệt kỹ Ngũ Long kiếm và Ngũ Long quyền pháp. Tuyệt kỹ này do ngài Sa Viên nhân một chuyến sang Trung thổ đã vẽ lại được ba bức tranh của Trương Tam Phong tặng cho Âu Dương Phương. Hai trong ba bức tranh đó có tên Ngũ long xuất động và Ngũ long nhập động. Ngài Sa Viên đã từ hai bức tranh đó mà sáng tạo ra hai bài quyền và kiếm trên.

Hai tuyệt kỹ gặp nhau đã tạo thành một trận thư hùng, kỳ phùng địch thủ hiếm thấy trong thiên hạ. Tạ Tứ có lợi thế hơn nhờ thanh bảo kiếm, trong khi Ngũ Long kiếm pháp của Ngô Mãnh thì như rồng bay, uốn quanh người địch thủ. Từ khi có thêm thanh đoản kiếm Nhật, Ngô Mãnh đã tập sử dụng nó như song kiếm để giao đấu. Thanh đoản kiếm vốn cũng là báu kiếm nên anh dùng nó để đỡ gạt Thanh Hồng kiếm, còn trường kiếm trong tay phải thì như mãnh long xuất động tung ra sát chiêu.

Kim Hùng và Ngụy Báo đứng đối diện nhau. Kim Hùng trầm mặt nói:

- Ngươi nổi danh là Thiên Sơn Nhất Đao, ta muốn xem chiêu đao tuyệt diệu ấy.

Ngụy Báo ậm ừ:

- Báo tên đi!

- Trần Kim Hùng!

- Được, một chiêu thôi!

Họ rút đao ra đứng bất động nhìn nhau. Một chiêu đao quyết định sinh tử, bởi vậy cả hai đều phải sử dụng tuyệt chiêu của mình. Thanh kim đao của Kim Hùng là bảo đao có từ thời nhà Trần. Lưỡi đao vàng rực dưới ánh nắng đầu xuân. Còn thanh đao trên tay của Ngụy Báo thuộc loại thiết cương màu trắng bạc, khí đao phát ra lạnh buốt chứng tỏ đó cũng là một thanh đao cực tốt. Cả hai im lặng nhìn nhau hồi lâu rồi cùng lúc thét lên một tiếng, thân ảnh như sao băng lao về phía đối phương. Hai vầng sáng một vàng một trắng quyện vào nhau, những tiếng xoảng xoảng vang lên chói tai rồi hai bóng người lại tách nhau ra lùi về vị trí đứng ban đầu. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, thanh cương đao trên tay của Ngụy Báo đã xuất đủ ba chiêu, lưu lại trên người Kim Hùng hai vết chém một trên tay trái và một trước bụng. Thanh kim đao của Kim Hùng chỉ tung đúng một chiêu duy nhất. Chiêu Nhất trụ kình thiên đã lưu lại trên mặt Ngụy Báo thêm một vết thẹo, nhưng sẽ không còn ai có thể nhìn thấy vết thẹo hằn sâu nơi trán này nữa vì thân hình hắn sau khi đứng sựng lại trong vài giây đã từ từ đổ xuống như một thân cổ thụ bị cắt gốc. Bao nhiêu tội ác hắn gây ra ở Trung Nguyên đã bị báo ứng bên bờ sông Sa Hà xa xôi, lạ lẫm này. Kim Hùng đưa tay xé vạt áo bên cánh tay bị thương rồi quấn quanh bụng mình ngăn máu chảy ra xong đứng yên thở dốc.

Đám đệ tử hai bên thấy các bậc sư trưởng đã bắt đầu động thủ thì cũng đồng loạt lao vào nhau. Bọn đệ tử Thần Quyền Môn tuy nhân số chỉ bằng một nửa của Kim Cương Môn nhưng nhờ đã luyện tập ròng rã bài Việt nữ kiếm mấy tháng nay nên họ chống trả rất vững vàng. Vả lại Việt nữ kiếm pháp có ưu thế kết hợp toàn đội trong những trận đánh lớn nên tuy ít người hơn, họ vẫn tạo được sức mạnh ngang ngửa với đối phương. Bên bờ sông vắng, cuộc hỗn chiếc của gần năm mươi người với những tiếng la hét, tiếng đao kiếm chạm nhau đã khuấy động cả một vùng không gian xung quanh.

Phía đằng kia, Đại Bằng và Hồng Liệt cũng đã bắt đầu cuộc giao chiến với năm tên sát thủ. Chúng chia ra năm phương vị kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; áp dụng ngũ hành trận pháp bao vây hai người vào giữa. Đại Bằng quan sát vị thế của bọn sát thủ xong, dựa theo lý thuyết cơ bản mà Văn Hiến vừa giảng giải nói lại cho Hồng Liệt nghe:

- Loại trận pháp này dùng sự tương sinh và tương khắc của ngũ hành làm căn bản chiến đấu cho nên sẽ có hai loại hình biến. Một là theo thế tương sinh, bắt đầu từ hành thổ, tức là tên chủ trận, sinh ra kim rồi kim sinh thủy... cứ như thế khi trận pháp phát động. Phương vị thổ xuất chiêu thì người ra chiêu kế tiếp để trợ lực là ở phương vị hỏa và cứ liên tục như vậy theo vòng tương sinh. Cái khó của việc phá trận pháp này là phải phát hiện ra vị trí của tên giữ hành thổ chủ trận ngay từ đầu. Khó thứ hai là bọn chúng có thể thay đổi phương vị nhưng cái này ta có thể đối phó được vì dù sao chúng cũng phải tuân theo đúng nguyên tắc tương sinh khi xuất thủ. Trường hợp nếu chúng phát động trận thế theo hành tương khắc thì cũng phải dựa trên nguyên tắc này. Cho nên nếu là trận tương sinh thì các vị trí một, hai và bốn là chủ yếu; còn trận tương khắc thì là các vị trí một, ba và năm. Trường hợp nếu chúng ta chủ động tấn công trước thì sinh trận sẽ do hai và bốn giải nguy, đó là tử địa không nên đánh vào, còn ba và năm là sinh địa. Sinh địa là chỗ yếu của trận nên muốn phá trận ta phải đánh mạnh vào đó. Chúng ta có hai thanh bảo kiếm, khởi đầu cứ chém thẳng vào kiếm của bọn chúng để buộc chúng phải rút kiếm về rồi từ từ chờ đến khi nào phát hiện ra được các vị trí chủ yếu thì mới tấn công vào, lúc đó trận sẽ bị vỡ ngay. Nhưng kiên nhẫn đợi bọn chúng ra tay trước thì việc phát hiện tên số một sẽ dễ dàng hơn.

Đại Bằng nói xong, cả hai liền đứng đấu lưng vào nhau buông xuôi kiếm im lặng quan sát. Năm tên sát thủ cũng kiên nhẫn đứng yên bao vây hai người trong tư thế sẵn sàng phản công. Chúng không tấn công trước dù đông người hơn vì chúng biết rằng hai địch thủ mà chúng đang bao vây đều là cao thủ thượng thừa, ra tay trước là tạo cơ hội cho địch thủ khám phá bí quyết biến hóa của thế trận. Trong giao đấu, sự chờ đợi để xuất chiêu đầu tiên bao giờ cũng là những phút giây căng thẳng nhất. Bên nào kiên nhẫn hơn, hay nói cách khác là có định lực hơn sẽ chiếm ưu thế vì buộc được bên kia xuất chiêu trước. Sau khoảng thời gian yên lặng đến ngộp thở, một tên trong bọn sát thủ tỏ vẻ nóng nảy đưa mắt liếc nhìn một tên đồng bọn khác có ý bảo hãy tấn công. Hành động tuy rất nhỏ này nhưng vẫn không thoát khỏi được ánh mắt tinh tường của Đại Bằng. Không bỏ lỡ cơ hội, chàng hét lớn:

- Số ba!

Đồng thời với tiếng hét báo động cho Hồng Liệt biết tên số ba ở vị trí sinh địa, Đại Bằng lao nhanh vào tên được đồng bọn liếc nhìn lúc nãy xuất ngay tuyệt chiêu Cao sơn quán nhật, quyết một kiếm hạ thủ tên chủ trận số một này. Một màn ánh sáng xanh lạnh buốt toát ra từ cây Thanh Long bảo kiếm phủ xuống người tên chủ trận như một tia điện chớp, tên sát thủ vừa nhận tia nhìn của đồng bọn chưa kịp thu mắt về thì lưỡi kiếm đã tới nơi, hắn la lên một tiếng và vung kiếm đón đỡ. Choang! Thanh kiếm của hắn đã bị chặt đứt ngọt làm hai khúc và mũi Thanh Long kiếm tiện đà đâm lút vào tim hắn. Tên sát thủ chỉ kịp a lên một tiếng rồi ngã nhào xuống đất. Đại Bằng theo đà cây kiếm lao người về phía trước để tránh hai đường kiếm tập kích từ bên hông và phía sau của hai tên số hai và số bốn. Động tác của chàng tuy vô cùng thần tốc nhưng cũng không sao tránh được hai mũi kiếm đâm vào lưng của hai tên số hai và số bốn. Vết thương khá sâu, máu chảy ướt đỏ khắp lưng áo. Điều đó cho thấy sự liên kết của trận pháp ngũ hành chặt chẽ và ghê gớm dường nào.

Gần như xảy ra cùng một lúc với Đại Bằng, Hồng Liệt cũng lập tức tung thanh Thắng Tà, sử dụng thế Đơn phụng triều dương trong bài Phụng kiếm, hướng mũi kiếm chênh chếch từ dưới lên yết hầu của tên sát thủ đứng ở vị trí số ba. Theo nguyên tắc, tên này phải để tâm chờ hai tên số hai và bốn xuất chiêu thì hắn mới ra tay cho nên phản ứng của hắn đã chậm hơn một chút. Vả lại, hắn đang đứng ở vị trí xéo với Hồng Liệt nên hoàn toàn không ngờ rằng anh lại ra tay tấn công hắn. Cao thủ giao đấu, một tích tắc sơ hở cũng đủ để vong mạng. Kết quả là yết hầu của tên sát thủ số ba đã bị mũi Thắng Tà đâm thủng một lỗ, hắn chỉ kịp ặc một tiếng rồi hai tay ôm yết hầu ngã quị xuống. Ba tên sát thủ còn lại hết sức kinh ngạc trước cái chết nhanh chóng của đồng bọn. Sáu con mắt đỏ ngầu vì sát khí và uất hận, chúng cùng gầm lên và tức tốc lao vào tấn công địch thủ bằng những chiêu chí mạng. Máu hung tàn trong lòng chúng đang sôi sục cho nên chiêu thức tấn công của chúng đều là những chiêu lưỡng bại câu thương, đồng qui vu tận. Chúng biết hai thanh kiếm trên tay đối phương đều là báu kiếm nên chỉ còn cách duy nhất là lăn xả vào để cùng nhau chết chung hoặc ít nhất cũng khiến cho địch thủ mang thương tích.

Kiểu đánh vừa bất ngờ vừa liều mạng của những con dã thú đã lâm vào đường cùng khiến cho Đại Bằng và Hồng Liệt luống cuống. Hai người hét to một tiếng, cùng lúc tung mình lên cao thoát khỏi ba đường kiếm đoạt mạng kia rồi lướt người ra xa, sau đó cả hai đáp xuống đứng cạnh nhau chờ đợi. Ba tên sát thủ công hụt một chiêu, chúng lập tức xoay người lại lao vào tấn công tiếp. Bây giờ thì Đại Bằng và Hồng Liệt đã chuẩn bị sẵn sàng, họ cùng thét lên:

- Muốn chết!!!

Đại Bằng xuất chiêu Hồng quang triều đẩu, ánh kiếm như một cầu vồng màu xanh cuốn tròn hai thanh kiếm của địch thủ rồi vụt ngang như ánh chớp. Hai tiếng rú thất thanh vang lên cùng với hai tiếng keng rất giòn. Hai thanh kiếm trên tay hai tên sát thủ đã bị tiện đứt, còn trên ngực bọn chúng máu phụt ra như mưa. Tên thứ ba kết quả cũng chẳng khá gì hơn, với tuyệt chiêu Phụng hoàng đảo vũ, thanh Thắng Tà trên tay Hồng Liệt đã tiện đứt đôi thanh kiếm của hắn và vạch một đường chí mạng ngang bụng. Tên sát thủ chỉ kịp ú ớ thất kinh, ruột gan bết máu ngã nhào xuống tắt thở. Năm tên sát thủ tung hoành khắp một vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, kiếm của chúng đã vấy không biết bao nhiêu máu của những nhân sĩ yêu nước Trung Hoa, không ngờ giờ lại chết thảm nơi mảnh đất Giản Phố xa xôi này. Âu cũng là sinh nghề tử nghiệp!

Trận giao đấu giữa Văn Hiến và Phùng Đạo Đức tuy bằng tay không nhưng cũng sặc mùi tử khí. Một bên là cương quyền Thiếu Lâm, một bên là nhu quyền Việt võ đạo. Phùng Đạo Đức tuy tuổi đã cao nhưng quyền pháp rất dũng mãnh, đòn ra rít gió vù vù, toàn những chiêu tối độc đoạt mạng đối phương. Văn Hiến với thân pháp linh hoạt uyển chuyển, sử dụng tuyệt kỹ Viên Viên miên chưởng để hóa giải thế công dũng mãnh của địch thủ. Phùng Đạo Đức tuy là tôn sư một phái nhưng với quyền pháp liên miên bất tận của Viên Viên miên chưởng, ông không thể nào tìm ra được chỗ sở hở để tấn công kết liễu đối phương. Ông giở hết những tuyệt học Thiếu Lâm như Kim Cương quyền, Đại bi thiên thủ thức, Ba la mật thủ, Bát nhã chưởng hòng phá cho được vòng miên chưởng vô cùng vô tận của Văn Hiến. Văn Hiến thỉnh thoảng cũng thay đổi thế đánh của mình, vào những thời cơ thích hợp thì chàng giở tuyệt học Long quyền ra tấn công.

Hai bên quần thảo nhau một lúc lâu, cả hai đều đã trúng không ít đòn của đối thủ. Nếu tình hình này kéo dài có thể dẫn đến tình trạng lưỡng bại câu thương. Phùng Đạo Đức đã tỏ ra nóng nảy, lòng tự tôn bị thương tổn. Sau một đòn quyền sấm sét, lão bèn thay đổi thế đánh, chuyển từ quyền pháp sang tuyệt kỹ Cầm Long thủ, môn võ công mà nhờ đó lão đã thành danh. Đây là một trong những tuyệt kỹ khó luyện nhất của Thiếu Lâm tự. Người luyện nó phải vừa có nội lực dồi dào vừa kiên nhẫn và biết chịu đựng. Một khi luyện thành, Cầm Long thủ có thể dùng tay không bấu thủng đá, đập nát tường. Thủ pháp của Cầm Long thủ không tàn độc chí tử như Thiên Ưng trảo nhưng hiệu quả thắng địch lại cao hơn vì cách xuất thủ vừa linh hoạt vừa dũng mãnh lại vừa huyền ảo.

Sự biến chiêu bất ngờ của Đạo Đức khiến Văn Hiến thoáng bối rối, vì phản ứng chậm một chút nên kết quả là một bên vai của chàng đã bị năm vuốt sắt của Cầm Long thủ chộp trúng. Nếu không nhờ tấm áo giáp hộ thân thì xương vai của chàng đã bể nát, tuy vậy chàng vẫn có cảm giác đau buốt tận xương. Chàng vội bắn mình lui ra xa. Phùng Đạo Đức một chiêu đắc thắng nên không bỏ lỡ cơ hội liền phóng người theo, song trảo tấn công liên tục, bóng trảo mịt mờ như có trăm ngàn bàn tay với móng vuốt sắt thép bao phủ khắp người đối phương. Văn Hiến hai tay liên tục đỡ gạt, bộ pháp di chuyển thật nhanh cố thoát ra khỏi vùng trảo ảnh. Roạt một tiếng, chàng lại bị Long trảo chộp trúng làm rách mất một khoảng tay áo bên trái, năm ngón tay như móng sắt đã cào sâu vào cánh tay của chàng, máu tuôn thành dòng. Văn Hiến thất kinh vội di chuyển bộ pháp nhanh hơn nữa, đồng thời chàng vận công xuống ngón tay trỏ theo bí quyết Như Lai chỉ. Bỗng chàng hét to một tiếng, Như Lai chỉ với ngón tay đỏ hồng phóng nhanh vào lòng Long thủ của đối phương. Phùng Đạo Đức hốt hoảng la lớn:

- Như Lai chỉ!!!

Ông ta tung người về phía sau, tay trái ôm bàn tay phải bị xuyên thủng một lỗ, máu chảy ròng ròng. Cả bàn tay này của ông ta từ nay sẽ bị tàn phế trở nên vô dụng suốt đời. Ông ta đứng nhìn Văn Hiến bằng cặp mắt tóe lửa căm hờn. Dù có nằm mơ ông ta cũng không thể ngờ một chàng thanh niên có dáng dấp thư sinh trói gà không chặt lại có một bản lĩnh kinh người. Tuyệt kỹ Như Lai chỉ là chỉ pháp Phật môn của Thiên Trúc, nghe nói đã thất truyền từ lâu, không hiểu sao tên nhãi con này lại luyện được. Ông ta không biết rằng môn chỉ pháp này đã được Tì Ni Đa Lưu Chi mang vào Đại Việt từ thế kỷ thứ bảy và truyền lại cho cao đồ của ngài là sư Pháp Hiền và từ đó nó lưu truyền trong võ lâm Đại Việt. Phùng Đạo Đức buồn bã buông tiếng thở dài.

Phía bên kia, trận đấu giữa năm tên sát thủ và Đại Bằng, Hồng Liệt vừa kết thúc; trận đấu của Tạ Tứ và Ngô Mãnh cũng đã dừng lại. Tạ Tứ chống Thanh Hồng kiếm xuống đất đứng thở hổn hển, khắp người hắn máu me nhuộm đỏ. Hắn bị thương rất nặng. Ngô Mãnh trên tay phải cầm thanh kiếm cụt gần đến cán, tay trái cầm thanh đoản kiếm Tanto lưỡi còn vấy máu. Nơi ngực chàng, máu chảy xuống ướt cả vạt áo trước.

Đám đệ tử hai bên vẫn còn đang đánh nhau ầm ĩ, Hồng Liệt định xông vào giúp bọn đệ tử của mình thì chợt nhìn thấy từ xa có một toán người rất đông của Kim Cương Môn đang chạy đến. Anh bèn la lớn:

- Chúng ta rút lui mau! Bọn chúng có tiếp viện!

Dứt tiếng, chàng lao vào đám hỗn chiến của bọn đệ tử. Vì không muốn giết người nên chỉ vung kiếm chém đứt hàng loạt vũ khí của bọn Kim Cương Môn và nói to:

- Tất cả rút lui! Chạy mau xuống thuyền!

Bọn đệ tử vội vàng đánh rát một vài chiêu rồi kéo nhau chạy xuống bờ sông. Bên Kim Cương Môn thấy Hồng Liệt với thanh báu kiếm đầy uy lực nên sợ không dám ngăn cản. Có năm sáu tên đệ tử bị thương nặng chạy không nổi, Hồng Liệt và mấy tên đệ tử khác vội chạy lại đỡ chúng rồi cùng nhau rút xuống năm chiếc thuyền đang chờ sẵn. Những chiếc thuyền từ từ tách bến. Bọn Kim Cương Môn mới đến là toán người do Hà Huy dẫn đầu đánh phá trại lính ở gần cầu ván. Bọn lính lo ăn tết không chuẩn bị, tên chánh suất đội không có mặt ở trại nên bọn lính như rắn mất đầu, chỉ trong chớp mắt mà cả trại đã bị đánh tan tác, lớp chết lớp bỏ chạy hoặc nhảy xuống sông trốn thoát. Hà Huy đốt xong trại lính liền bảo bọn thuộc hạ đi tiếp viện cho nhóm Phùng Đạo Đức, riêng hắn dẫn vài tên đệ tử rồi dùng ngựa chạy sang Trấn Biên để gặp Lý Văn Quang. Tạ Tứ thấy bên mình thua thê thảm, bản thân lại bị thương nặng nên uất khí xông lên, hắn hét lớn:

- Đi đốt sạch cái Thần Quyền Môn con mẹ nó đi cho ta!

Bọn đệ tử Kim Cương Môn bị thương khá nhiều, chúng nghe nhị sư huynh nói thế liền cùng nhau hô lớn:

- Đốt sạch Thần Quyền Môn! Đốt sạch Thần Quyền Môn!

Xong, cả bọn kéo nhau đến trang viện Thần Quyền Môn đập phá cho hả giận rồi phóng hỏa đốt. Chỉ một lát sau ngọn lửa đã bốc cao, cơ nghiệp mấy đời của Trần gia chìm dần vào biển lửa. Đốt xong Thần Quyền Môn, đám đệ tử Kim Cương Môn đang cơn hăng máu lại hô lớn:

- Đi đốt luôn nhà của năm tên khốn kiếp hùa theo bọn Thần Quyền Môn. Đốt nhà của tên Trần An Hảo...

Một tên hô, cả bọn hùa theo, tiếng la ó làm dân cư trên thương cảng một phen khiếp đảm. Mọi người ở nhà đóng kín cửa, không ai dám bước ra ngoài vì lo sợ bọn hung thần đang cơn cuồng nộ sẽ đốt luôn nhà của mình. Thế là trong một khoảng thời gian ngắn lại có thêm năm căn nhà nữa bị bọn Kim Cương Môn tràn vào đập phá, phóng hỏa đốt. Nhà nào dám phản kháng, chúng ra tay đánh cho một trận tơi bời. Một trong số đó là anh em Trần An Vinh và Mỹ Phụng. Cả hai sau một hồi chống cự quyết liệt thì đều mang thương tích đầy mình. Sau khi nguôi nguôi cơn giận bọn Kim Cương Môn mới rút về, để lại sáu đám cháy lớn khiến người dân quanh vùng phải xúm nhau kêu gọi chữa lửa. Khu Giản Phố yên vui gần trăm năm nay bỗng hỗn loạn rối bời.

Bọn Văn Hiến sang tới bên bờ bên kia vẫn còn nhìn thấy những ngọn lửa đang bốc cao ở Giản Phố, ai nấy đều không khỏi đau lòng. Đám đệ tử tức giận chửi rủa bọn Kim Cương Môn thậm tệ và thề có ngày sẽ đốt sạch Kim Cương Môn để trả thù. Mọi người lên bờ và kéo nhau vào ngôi miếu của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh để băng bó các vết thương. Một lúc sau, hai tên đệ tử được sai đi dò thám tình hình bên Trấn Biên cũng vừa cập thuyền vào bến. Chúng chạy vội lên miếu báo tin. Văn Hiến hỏi nhanh:

- Tình hình bên ấy thế nào?

Một tên đáp:

- Dạ, nghe nói Cẩn Thành hầu đã bị giết cùng với vợ con và thuộc hạ. Tất cả đều bị bọn chúng thiêu rụi cùng với dinh thự. Dinh Trấn Biên đã bị một bọn người lạ mặt rất đông tấn công, sau được sư phụ và Phong sư thúc cứu thoát ra cửa sau, giờ chưa biết đã đi đâu. Toàn bộ khu vực trung tâm dinh Trấn Biên đã ở trong tay bọn Kim Cương Môn rồi.

Văn Hiến thở dài nói:

- Ngài Cẩn Thành hầu đã xem thường bọn Diệp Sanh Ký nên không phòng thủ chu đáo mới dẫn đến cảnh toàn gia chết thảm. Vậy là bọn chúng đã âm thầm đưa người sang Trấn Biên phục sẵn từ đêm qua. Hà, chỉ mong mọi người ở dinh Trấn Biên được an toàn và liên lạc được với đạo quân Mô Xoài.

Ngô Mãnh hỏi:

- Bây giờ chúng ta phải làm gì?

Văn Hiến đáp:

- Phải dò xem tình hình hai cánh quân của Cao Miên như thế nào mới quyết định được. Nếu triều đình không ngăn chặn được hai cánh quân này để chúng tấn công xuống đến đây thì chúng ta đành phải tìm cách chạy ra Mô Xoài để giúp cho cánh quân của Tống Phước Đại.

- Nếu vậy chúng ta cho người đi thăm dò lập tức để còn quyết định.

Văn Hiến hỏi:

- Thương thế của Ngô huynh, anh cả và anh hai thế nào?

Ba người đều trả lời:

- Không hề gì, chỉ bị thương bên ngoài.

Văn Hiến nghe nói an tâm nên phân phối công việc:

- Ngô huynh cùng mọi người theo đường thủy xuống Phiên Trấn, Gia Định, xin quan lưu thủ ở đó đem một đạo thủy quân lên tấn công bờ nam Giản Phố. Tôi và anh Đại Bằng sẽ theo đường bộ lên Bình Dương để trợ giúp cánh quân trên đó nhằm ngăn chặn đạo bộ binh của Cao Miên, sau đó sẽ kéo xuống tấn công mặt tây Trấn Biên. Hồng Liệt tìm cách liên lạc với Tống Phước Đại và Đoàn Phong rồi đem quân tấn công mặt bắc. Nếu chặn đứng được bọn Cao Miên, Diệp Sanh Ký buộc phải rút về Giản Phố, chừng đó chúng như cá trong nôm, chúng ta sẽ cùng lúc tấn công để bắt gọn cả bọn.

Đại Bằng hỏi:

- Nếu bọn Cao Miên thắng cả hai trận tuyến rồi kéo đến đây thì sao?

Văn Hiến đáp:

- Chúng ta chỉ còn cách hoặc chạy ra Mô Xoài hoặc tìm đến đội quân của phủ chúa ở gần nhất để giúp họ. Chiến trường bấy giờ sẽ được quyết định bởi lực lượng binh lính của phủ chúa chứ không phải của đám người giang hồ lẻ tẻ như chúng ta.

Chàng dặn hai tên đệ tử vừa lo việc do thám lúc nãy:

- Hai người trở lại Trấn Biên tiếp tục dò xét tình hình, có tin gì lạ thì liên lạc với ta ở Bình Dương. Nhớ phải hết sức cẩn thận.

Mọi người y theo kế hoạch sắp xếp của Văn Hiến chia ra hành động.