Én Liệng Truông Mây - Hồi 16 - Phần 2

Tiếng thét chấn động khắp không gian. Đại Thiện không còn cách nào khác bèn chém Hồng Sanh liên tục mấy kiếm rồi quay người chạy vào trong. Hồng Sanh hét lên:

- Chạy đi đâu?

Miệng hét, chân hắn lao theo Đại Thiện. Cư Cẩn vội phóng người sang vung đao chém Hồng Sanh một nhát chặn đường. Hồng Sanh hốt hoảng vội vung kiếm lên đỡ. Cư Cẩn tràn người đứng chặn ngay cửa hậu, tay đao vun vút đánh trả lại hai người. Bọn Tạ Tam vừa đánh vừa khâm phục sự uy dũng của viên tướng vùng Trấn Biên. Lý Văn Quang quan sát tình hình thấy phe mình đã giết gần hết bọn lính, ông ta liền lấy trong người một chiếc pháo thăng thiên ra đốt. Một tia sáng bắn vọt lên không trung rồi nổ một tiếng lớn, khói đỏ tỏa mịt mù như một làn mây giữa bầu trời Trấn Biên. Bắn xong pháo hiệu ông bước vào trong hét lớn:

- Dừng tay!

Ba người đang hăng say chiến đấu nghe tiếng hét vội ngừng lại. Tạ Tam và Hồng Sanh bước dạt sang một bên nhường chỗ cho Lý Văn Quang. Hắn đưa ánh mắt như luồng điện nhìn Cư Cẩn nói:

- Cẩn Thành Hầu, ông đầu hàng đi. Ta tiếc tài của ông sẽ tha cho mạng sống.

Cư Cẩn chống đao ngửa mặt cười ha ha nói:

- Đầu hàng? Họ Nguyễn ta bao đời làm tướng chưa hề biết tới hai chữ đầu hàng. Bọn giặc cỏ các ngươi chưa đủ tư cách để buộc ta đầu hàng đâu. Ha ha...

Tuy đã bị thương rất nặng nhưng tiếng nói của ông vẫn còn sang sảng, uy thế kinh người. Lý Văn Quang cười gằn:

- Khá lắm! Vậy để ta cho ngươi được chết như một võ tướng.

Nói xong, hắn rút kiếm ra. Tiếng ngân trong trẻo, ánh kiếm vàng chói lọi. Cư Cẩn nói:

- Ỷ Thiên trường kiếm! Ha ha... Hôm nay ta cũng muốn thử xem uy lực của thanh kiếm này thế nào.

Dứt lời ông xông lên vung đao chém tới, bóng đao loang loáng phủ trùm cả người Lý Văn Quang. Đây là chiêu cuối cùng trong Thiên Cương đao pháp mang tên Thiên hôn địa ám. Ông xuất chiêu này với tất cả dư lực còn sót lại với thâm ý muốn chết chung cùng địch thủ. Tia mắt Lý Văn Quang phóng ra luồng sát khí, tay vung thanh Ỷ Thiên kiếm một vòng, ánh kiếm tạo thành bảy ngôi sao lóe lên trong vùng đao ảnh. Keng một tiếng, thanh cương đao trên tay của Cư Cẩn đã bị chặt đứt ngọt phần lưỡi, trên ngực bị đâm một lỗ thủng ngay tim, máu từ đó phun ra thành vòi. Chiêu kiếm Thất tinh đoạn ngục của Lý Văn Quang cộng thêm sự sắc bén của Ỷ Thiên kiếm uy lực thật vô song. Cư Cẩn chết đứng ngay giữa gian khách sảnh của mình, tay cầm thanh đao cụt lưỡi trong khí thế kiêu hùng của một trang dũng tướng.

Lý Văn Quang chùi máu trên mũi kiếm, tra vào vỏ rồi ra lệnh:

- Tiêu diệt hết bọn lính ở đây rồi sang tiếp viện cho toán quân bên dinh lưu thủ.

Diệp Hồng Sanh sực nhớ đến tên Đại Thiện, hắn vội băng mình vào trong. Chẳng mất quá nhiều thời gian, toàn bộ quân lính của dinh Cẩn Thành hầu đã bị bọn Lý Văn Quang giết sạch. Chúng gom hết các xác chết bỏ vào trong nhà rồi nổi lửa đốt. Đó là kiểu dọn dẹp tàn dư nhanh gọn sạch sẽ của chúng. Xong, chúng vội vã kéo nhau theo ngả tắt sang tư dinh quan lưu thủ. Sau lưng, tiếng kêu la cầu cứu chữa lửa của người dân sống quanh dinh ngài cai đội mới bắt đầu ồn ã vang lên.

Trong lúc đó, đoàn lân của Thần Quyền Môn cũng vừa rời tư dinh quan lưu thủ, họ tiếp tục hướng về phía tư dinh của Cẩn Thành hầu. Chợt thấy tín hiệu pháo bông trên trời, Đoàn Phong nói nhanh:

- Là ám hiệu của bọn Kim Cương Môn! Chúng khởi sự rồi, e rằng Cẩn Thành hầu đã gặp nguy hiểm.

Đại Kỳ nói:

- Chúng ta chạy nhanh đến đó xem sao. Đoàn Phong nói:

- Các anh đi đi, tôi phải trở lại bảo vệ ngài lưu thủ. Chúng ta chia ra làm hai. Nhanh lên, nếu không sẽ hỏng tất.

Vừa lúc đó có một tên lính từ phía dinh Cẩn Thành hầu mình mẩy bê bết máu từ xa chạy lại. Hắn chỉ kịp nói:

- Làm ph...a...ản...

Rồi trợn trừng mắt ngã lăn ra chết ngay tại chỗ. Đoàn Phong bỗng thét lớn:

- Chúng ta mau trở lại bảo vệ Cường Oai hầu, không cần đến cứu Cẩn Thành hầu nữa. Muộn rồi!

Dứt lời chàng tung mình như cơn gió lốc chạy nhanh về dinh Trấn Biên. Cả bọn Đại Kỳ cũng vội rút vũ khí giấu trong đầu lân ra rồi phóng người chạy theo. Còn cách dinh chừng bảy tám trăm thước đã nghe tiếng hò hét vang trời xen lẫn với tiếng khí giới chạm nhau chan chát. Một bọn người lạ mặt sau khi thấy pháo hiệu đỏ trên trời đã từ các đường phố nhanh chóng kéo đến tấn công dinh Trấn Biên. Bình thường, quanh dinh có bốn đội lính gồm hai trăm binh sĩ chia làm hai trại tả hữu bảo vệ dinh trấn, nhưng trong những ngày đầu năm, quan lưu thủ cho phép lính tráng thay phiên nhau một nửa trực một nửa về nhà ăn Tết. Bọn người lạ mặt thân thủ cao cường, chúng chỉ có độ năm sáu mươi tên nhưng đã đánh cho quân lính tơi tả, giết chết không ít những binh lính đang cố ngăn giữ bọn chúng tràn vào cửa dinh.

Đoàn Phong dẫn đầu đoàn người Thần Quyền Môn vừa đến nơi đã xông vào xuất thủ. Chàng tung một cú đấm vào mặt một tên phiến loạn rồi tiện tay đoạt luôn thanh kiếm của hắn. Nhanh như cắt, chàng đâm một nhát kiếm xuyên tâm vào tên đứng cạnh đó. Với thanh kiếm trên tay, Đoàn Phong như con mãnh long lao vào đám người đang loạn đả. Bước chân chàng đi đến đâu, nơi đó có người của phe địch ngã xuống. Đoàn người của Đại Kỳ cũng họp với đội lính đánh trả. Bọn lạ mặt có rất nhiều cao thủ, đường đao mũi kiếm của chúng rất hung hiểm, bọn lính canh không chống đỡ nổi đã thương vong rất nhiều. Nhưng từ lúc bọn người của Thần Quyền Môn xông vào tiếp chiến, bọn lính lấy lại tinh thần vừa đánh vừa hò hét, khí thế rất hùng dũng. Khi bọn phiến loạn bắt đầu núng thế thì bọn người của Lý Văn Quang đến nơi, chúng lăn xả vào tấn công nhóm người Thần Quyền Môn. Thấy có viện binh, bọn phiến loạn lại lên tinh thần ra sức chém giết. Lý Văn Quang với thanh Ỷ Thiên kiếm trên tay đi tới đâu dọn đường sạch sẽ đến đó, tất cả những vũ khí chống trả đều bị thanh báu kiếm chém đứt như chém bùn. Đoàn Phong thấy khí thế thanh bảo kiếm quá lợi hại, chàng vội la lớn:

- Trần huynh mau vào bảo vệ quan lưu thủ chạy về Mô Xoài, chúng ta tạm thời rút lui. Đi ngay đi, để tôi đoạn hậu!

Đại Kỳ nhìn thấy tình thế quả nhiên bất lợi nên nói lớn:

- Được! Phong huynh cẩn thận! Coi chừng thanh bảo kiếm!

Nói xong, Đại Kỳ cùng An Hảo xông vào bên trong dinh. Mấy tên phiến loạn cố gắng ngăn cản nhưng bọn lính canh liều chết bảo vệ để bọn Đại Kỳ an toàn vào dinh. Đoàn Phong hét lớn:

- Tất cả rút lui vào trong dinh! Nhanh lên!

Hét xong chàng lao người xông tới, tung liền mấy chiêu kiếm đánh dạt bọn phiến loạn để mọi người chạy vào trong dinh, sau đó chàng đứng trấn giữ ngay cửa dinh. Lý Văn Quang giận dữ lướt tới vung kiếm đâm Đoàn Phong một nhát. Biết thanh kiếm rất sắc bén nên Đoàn Phong vội áp dụng nhu kiếm, đưa thanh kiếm của mình nhẹ nhàng lướt theo má thanh Ỷ Thiên kiếm rồi hất nhanh, tiện đà phóng mũi kiếm vào yết hầu của Lý Văn Quang. Hắn thất kinh vội nhảy lùi ra sau la lớn:

- Hảo kiếm pháp! Ngươi là ai?

Đoàn Phong lớn tiếng đáp:

- Đoàn Phong!

Lý Văn Quang giật mình hỏi:

- Có phải là thủ Phong một chiêu đánh bại Lại Thừa Ân năm ngoái không?

- Chính ta! Các người làm loạn, rồi sẽ vào ngục tất cả.

Lý Văn Quang nổi giận nói:

- Chỉ bằng vào sức của ngươi à?

Dứt lời, hắn liền xuất chiêu Thất điểm hàn tinh, mũi kiếm lóe lên bảy đốm hàn tinh bắn vào bảy bộ vị trên người đối thủ. Đoàn Phong vội vung kiếm lên chống đỡ. Bảy tiếng keng liên tục vang lên, thanh kiếm trên tay chàng đã bị chém đứt thành bảy khúc nhỏ, chỉ còn một đoạn ngắn trên tay. Biết mình không thể thắng nổi thanh báu kiếm trên tay địch thủ, lại thấy mọi người đã rút an toàn nên Đoàn Phong vừa chạy thẳng vào bên trong vừa nói lớn:

- Hôm nay ta tạm thời rút lui, mai này sẽ tranh tài cao thấp.

Một tên phiến loạn liền tung người đuổi theo, thân thủ của hắn nhanh như gió, chứng tỏ cũng là một tay thượng đẳng giang hồ. Hắn hét lớn:

- Chạy đi đâu!

Đoàn Phong quay nhanh người lại, sử dụng tuyệt kỹ phi kiếm phóng vút đoạn kiếm cụt vào tên đuổi theo. Tuyệt kỹ này bình sinh chàng chưa từng sử dụng vì không có dịp. Tên đuổi theo đang đà phóng tới rất nhanh, phi kiếm bay ngược chiều lại với một tốc độ kinh hồn khiến hắn vô phương tránh né và lãnh trọn đoạn kiếm vào ngực. Hắn thét lên một tiếng, người lao thêm tới trước mấy bước nữa rồi ngã vật xuống chết tại chỗ. Đoàn Phong hơi sựng người vì tính sát thương của chiêu phi kiếm mình vừa sử dụng, sau chàng quay người chạy đuổi theo bọn Đại Kỳ. Lý Văn Quang và đồng bọn vào bên trong, nhìn thấy cái chết thảm thương của tên kiếm thủ thì giật mình kinh hãi. Văn Quang nói:

- Chiêu phi kiếm này thật lợi hại. Lần sau chúng ta phải coi chừng.

Nói xong, hắn sai bọn thủ hạ lục tìm khắp nơi trong dinh nhưng vô ích, tất cả đều trống không. Mọi người đã theo cửa sau bỏ chạy về hướng Mô Xoài. Lý Văn Quang chiếm được dinh Trấn Biên một cách dễ dàng nên đắc ý cười ha hả:

- Bây giờ chỉ còn chờ tin Kim Cương Môn hủy diệt bọn Thần Quyền Môn nữa thì mọi sự đã hoàn tất một nửa. Chúng ta chuẩn bị chào đón binh đội của Tống Phước Đại từ Mô Xoài. Ha ha... Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì hai lộ binh của Cao Miên sẽ tiến xuống đây nội trong ngày mai, chừng đó Tống Phước Đại có mang quân đến đây cũng sẽ bị chúng ta tiêu diệt.

Tạ Tam cười nói:

- Xin chúc mừng đại vương nhất cử thành công. Bây giờ chúng ta phải cho người do thám xem bọn Cường Oai hầu và Tống Phước Đại động tịnh ra sao. Mặt khác trở về xem tình hình bên Giản Phố thế nào nữa.

Lý Văn Quang gật đầu nói:

- Đúng thế! Ngươi cắt đặt bọn thủ hạ thực hiện hai việc đó ngay đi. Bắn pháo hoa báo cho Hà Huy biết tình hình bên này.

Tạ Tam “dạ” vang một tiếng rồi quay đi cắt đặt bọn thuộc hạ. Xong xuôi hắn trở ra bên ngoài bắn lên trời một chiếc pháo hoa màu đỏ. Đây là ký hiệu mọi việc đã thành công.

Nhắc lại bọn Hà Huy đang ở Kim Cương Môn chờ tin tức bên Trấn Biên. Khi thấy pháo hiệu màu đỏ bắn lên, hắn biết việc hạ thủ Cẩn Thành hầu đã thành công. Hắn mừng rỡ nói với Phùng Đạo Đức vừa bí mật cập bến Giản Phố đêm giao thừa.

- Thưa chưởng môn nhân, đã đến lúc chúng ta tiêu diệt bọn Thần Quyền Môn rồi đó.

Phùng Đạo Đức tuổi ngoài năm mươi, mặt vuông, mắt nhỏ, hàm râu đen điểm bạc cứng như thép, ánh mắt sắc như dao ngời ngời sát khí. Cả người ông ta toát lên một nét hung dữ gây khiếp đảm lòng người. Từ khi chùa Nam Thiếu Lâm bị đốt, sư phụ Hồng Mi lão tổ qua đời, lão không còn coi mình là môn đồ của Thiếu Lâm nữa. Lão đem một thân võ nghệ siêu phàm qui phục nhà Thanh, tổ chức Kim Cương Môn và một đội sát thủ gồm những tay ác đạo giang hồ chuyên đi lùng bắt các chí sĩ Thiên Địa Hội ở cả hai miệt nam bắc Trường Giang. Đã có không biết bao nhiêu anh hùng hảo hán của Thiên Địa Hội bị bắt giết bởi tay lão. Vì thế nên giới hiệp khách Trung Nguyên căm thù Phùng Đạo Đức tận xương tủy, họ bao phen muốn trừ khử lão ta nhưng luôn bị thất bại vì võ công của lão rất cao cường và xung quanh lúc nào cũng có đội sát thủ đi theo. Bởi thế đến nay Phùng Đạo Đức vẫn ung dung ngồi cao hưởng phước mà tác oai tác quái.

Khi Lý Văn Quang bành trướng thế lực ở Phúc Kiến và Hạ Môn, hắn đã bỏ ra rất nhiều vàng bạc châu báu để mua chuộc Phùng Đạo Đức và tay chân của lão ta nhằm đối phó với những người chống đối hắn. Ở Giản Phố, hắn tưởng chỉ cần bọn học trò của Phùng Đạo Đức thôi cũng đủ sức để giúp hắn gây nên cơ nghiệp. Không ngờ qua trận so tài lần trước, mọi việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng của hắn nên lần khởi sự này hắn quyết định mời Phùng Đạo Đức sang để trừ khử các tay hiệp sĩ Đại Việt. Đạo Đức nghe tin bọn đệ tử của mình thua tan tác thì tức giận vô cùng, vì vậy khi Lý Văn Quang mời, lão đồng ý ngay, lão còn dẫn theo những thủ hạ đắc lực nhất của mình để trợ lực. Khi nghe Hà Huy cho biết đã đến lúc khởi sự, lão cười hô hố nói:

- Hay lắm! Lần này ta sẽ cho bọn võ sĩ An Nam biết thế nào là lợi hại. Đi!

Tạ Tứ hăng hái nhất trong bọn. Hắn tin chắc có sư phụ giúp sức thì bọn Thần Quyền Môn sẽ tan tành không còn manh giáp nên hớn hở ra mặt. Hà Huy cung kính nói với Phùng Đạo Đức:

- Chúc chưởng môn mã đáo thành công! Giờ tôi phải điều động nhân mã thanh toán bọn lính đóng ở gần cầu ván.

Nói xong, họ chia ra làm hai tốp lên đường.

Trong khi đó, từ lúc bọn người của Đại Kỳ kéo nhau sang chúc tết bên Trấn Biên, số người còn lại của Thần Quyền Môn lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Văn Hiến nói:

- Tình hình này thật khó đoán là bọn chúng có hành động gì không. Cả ba bốn hôm nay không thấy chúng có động tịnh gì khả nghi cả.

Hồng Liệt tỏ ra lo lắng:

- Tên đệ tử của chúng ta mấy hôm nay cũng không thấy liên lạc về. Không biết hắn đã bị phát hiện hay là vì bọn chúng cấm tuyệt đệ tử ra ngoài?

Đại Bằng trấn an mọi người:

- Chúng ta đã bàn bạc với bên Trấn Biên rồi, hi vọng họ có chuẩn bị. Phần chúng ta cứ tùy tình hình mà đối phó thôi. Lo lắng cũng chẳng có ích gì.

Ngô Mãnh nói với giọng tự tin:

- Có Đoàn Phong đi theo trong đoàn, tôi tin mọi sự sẽ ổn thôi. Anh ta là người rất giỏi ứng biến với mọi tình huống.

Mọi người đang nói chuyện thì từ ngoài bến sông có một tên đệ tử chạy vào báo:

- Trên bầu trời Trấn Biên có pháo hoa màu đỏ vừa nổ, đám mây hồng vẫn còn ở đó.

Mọi người vội vàng chạy ra xem, làn khói màu hồng đã tản mác đi chỉ còn lờ mờ nhạt. Văn Hiến nói:

- Bọn chúng đã hành động rồi. Chúng phóng tín hiệu để báo về Kim Cương Môn. Tất cả chúng ta hãy chuẩn bị.

Chàng quay sang hai tên đệ tử nói:

- Hai người dùng thuyền nhẹ sang gấp bên Trấn Biên xem tình hình thế nào rồi trở về đây báo cáo. Trường hợp ở đây có biến thì sang bên kia bờ gặp nhau.

Hai tên đệ tử tuân lệnh đi ngay. Văn Hiến dặn hai tên đệ tử khác:

- Hai người đưa hết ngựa trong chuồng xuống thuyền, chở sang chờ ở ngôi miếu bên kia bờ.

Hai tên đệ tử vội vã đi lo phận sự. Văn Hiến lại dặn năm tên đệ tử khác nữa:

- Năm người các ngươi mau chuẩn bị thuyền và lương thực chờ sẵn sàng dưới bến ở khúc ngoặt ngã ba sông, trường hợp chúng ta không chống cự nổi sẽ xuống thuyền chạy sang bên kia bờ.

Năm tên đệ tử vâng dạ thi hành. Cắt đặt mọi việc xong, bọn Văn Hiến kéo nhau vào nhà chờ đợi. Chẳng bao lâu sau một đệ tử chạy vào thở hổn hển báo:

- Đệ tử thấy bọn Kim Cương Môn kéo nhau ra khỏi trang viện và đang tiến về phía chúng ta đông lắm.

Văn Hiến hỏi:

- Đông lắm là chừng bao nhiêu người?

- Đệ tử ướm chừng cũng phải đến ba bốn mươi người.

- Tốt lắm. Chúng ta không nên giao chiến ở đây để tránh gây thiệt hại cho gia trang này. Hãy ra đón đầu bọn chúng ở khu đất trống gần khúc ngoặt bên bờ sông.

Mọi người răm rắp mang vũ khí kéo nhau xuống hướng Sa Hà. Trong số các đệ tử của Thần Quyền Môn, mười tên đệ tử đi theo bọn Văn Hiến đều là những tên xuất sắc. Bấy lâu nay chúng tập luyện ráo riết và rất hăng hái muốn đụng độ với bọn Kim Cương Môn một trận để thử tài sức xem đã tiến bộ đến đâu. Sự háo hức và phấn chấn hiện rõ trên nét mặt từng người. Khi họ vừa đến khúc ngoặt tại bờ sông cũng vừa lúc đoàn người của Kim Cương Môn đang tiến đến. Đi đầu là Phùng Đạo Đức, bên phải là Tạ Tứ, hôm nay trông hắn rất tự tin, nét mặt không giấu được vẻ dương dương tự đắc. Bên trái là một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, trên má phải có một vết thẹo dài trông rất dữ tợn, lưng giắt đao, hai tay khoanh phía trước, bước đi vững vàng như hổ báo. Phía sau là năm người đi hàng ngang, lưng giắt trường kiếm. Còn lại là khoảng hơn hai mươi đệ tử Kim Cương Môn đi sau cùng. Văn Hiến nói nhỏ với mọi người:

- Theo lời kể của sư phụ thì người đi giữa có lẽ là Phùng Đạo Đức. Khí thế của hắn kể cũng đáng sợ, không hổ là chưởng môn một phái. Tên giắt đao chắc là Thiên Sơn Nhất Đao, hắn sẽ là địch thủ đáng gờm của Hùng nhị ca đó. Còn năm tên kiếm thủ đi sau giống như năm tên sát thủ. Sát khí của bọn này thật ghê gớm!

Văn Hiến nói đến đây thì bọn Kim Cương Môn đã đến đứng đối diện với họ. Tạ Tứ nói nhỏ với Phùng Đạo Đức:

- Tên thư sinh đó đã một chiêu giết chết Trung Nguyên Nhất Kiếm. Thanh kiếm trên vai hắn là báu kiếm, sư phụ nên đề phòng. Còn tên có dáng nho sĩ kia đã chặt đứt cánh tay của Lãnh Diện Truy Hồn.

Xong, hắn đưa Thanh Hồng kiếm đang cầm trên tay cho Phùng Đạo Đức. Lão nhận thanh kiếm rồi đưa cặp mắt tinh ma quan sát bên địch. Một lúc sau, lão ta hất hàm hỏi Văn Hiến:

- Ngươi là thủ Hiến?

Văn Hiến đáp:

- Vâng, chính là vãn bối. Ngài đây chắc là Phùng chưởng môn?

Đạo Đức ngạc nhiên:

- Ngươi biết ta à?

- Phùng chưởng môn danh tiếng lẫy lừng cả miền nam Trung Quốc. Một tay ngài đã nhuốm không biết bao nhiêu máu của nhân sĩ yêu nước Trung Hoa, còn ai mà không biết chứ?

Câu trả lời của Văn Hiến vừa có ý khen vừa có ý châm chọc tội danh bán nước của Phùng Đạo Đức khiến lão ta tuy giận nhưng không biết phải nói sao. Lão cười khằng khặc nói:

- Nhãn quan của ngươi cũng khá lắm. Nghe nói ngươi một kiếm giết chết Quách Tử Dương?

- Cũng chỉ may mắn thôi. Có lẽ nhờ anh linh người bạn của vãn bối đã phù hộ cho để trả mối thù toàn gia thảm sát.

Đạo Đức nghe kiểu trả lời có vẻ khinh bạc liền trợn mắt nói:

- Hôm nay ta sẽ báo thù cho thuộc hạ của ta. Ngươi còn gì để nói nữa không?

- Ngài muốn báo thù cũng được, nhưng hãy đợi thêm chốc nữa.

Nói xong, Văn Hiến nhìn tên mặt sẹo hỏi:

- Ngài đây có phải là người lẫy lừng một dải Thiên Sơn với danh hiệu Thiên Sơn Nhất Đao Ngụy Báo huynh không?

Không chỉ tên mặt sẹo mà cả bọn Kim Cương Môn đều giật mình vì ngạc nhiên. Tên mặt sẹo cất giọng ồ ề hỏi:

- Sao ngươi biết ta?

Văn Hiến mỉm cười đáp:

- Ngụy huynh một đao giết chết sư phụ và sư huynh, hãm hiếp đại tẩu của mình rồi độc chiếm ngôi chưởng môn Thiên Sơn phái. Không ngờ sau lại bị sư đệ của mình báo thù, đánh cho thảm bại, giờ còn lưu vết sẹo trên mặt làm dấu. Từ đó huynh đã bỏ sư môn chạy về hàng phục nhà Thanh. Câu chuyện oai hùng ấy và vết sẹo trên mặt kia khắp Trung Nguyên còn ai chưa nghe nói đến?

Ngụy Báo bị Văn Hiến thọc trúng ngay vào vết nhục trước mặt đông người, hắn giận đến nỗi mặt mày tím ngắt. Hắn gầm lên như bò rống:

- Ai đã nói với ngươi chuyện này?

Vừa hét hắn vừa đưa tay nắm nhanh cán đao như muốn xuất thủ. Văn Hiến xua tay nói:

- Ngụy huynh không cần nóng giận vội. Ngọn nhất đao của huynh sẽ có người bồi tiếp xứng đáng. Giờ hãy đợi chúng ta chào hỏi nhau xong đã.

Văn Hiến hướng mắt nhìn qua Phùng Đạo Đức hỏi:

- Còn năm vị kiếm sĩ này có lẽ là năm sát thủ đắc ý nhất của chưởng môn mỗi khi cần giết ai đó phải không?

Phùng Đạo Đức ngửa mặt cười ha hả nói:

- Khá lắm, kiến thức khá lắm! Ta có lời khen ngợi tên tiểu tử nhà ngươi. Sư phụ ngươi chắc là một danh thủ từ Trung Nguyên trốn Đại Thanh triều chạy sang đây ẩn náu phải không?

- Không phải. Thầy vãn bối là người Đại Việt.

- Ngươi nói thật chứ? Nhờ đâu ngươi lại biết rõ chuyện của võ lâm Trung Nguyên đến thế?

Văn Hiến cố ý chọc cho địch thủ nổi giận nên chàng mỉm cười đáp:

- Ở đất nước chúng tôi có câu: “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”. Có lẽ danh tiếng của các vị đã vượt qua khỏi biên giới để vào Đại Việt nên vãn bối mới biết.

Cả bọn Kim Cương Môn, nhất là Phùng Đạo Đức nghe câu trả lời lập tức nổi giận đến độ râu tóc dựng ngược lên. Hắn gằn mạnh từng tiếng:

- Tên nhãi con này không biết trời cao đất dày! Ta không giết được ngươi thề sẽ không trở về Trung thổ. Nhưng để khỏi mang tiếng ỷ lớn hiếp nhỏ, ta cho ngươi chọn cách giao đấu. Kiếm hay quyền tùy ngươi!

Văn Hiến từng nghe sư phụ mình giảng giải về ngũ hành kiếm trận của năm tên sát thủ dưới trướng Phùng Đạo Đức nên chàng muốn nhường Thanh Long kiếm lại cho Đại Bằng để anh cùng với Hồng Liệt diệt sạch bọn chúng. Hơn nữa Văn Hiến cũng đã từng cùng sư phụ chiết chiêu và phá chiêu quyền pháp Thiếu Lâm trong một thời gian dài nên chàng tự nhủ có thể đối phó được với Phùng Đạo Đức. Đã định sẵn chủ ý trong đầu, chàng bèn trao Thanh Long kiếm cho Đại Bằng và nói nhỏ:

- Anh cùng Hồng Liệt cố giết cho sạch năm tên sát thủ kia để diệt trừ hậu hoạn. Lưu ý ngũ hành kiếm trận của bọn chúng.

Sau đó, chàng tóm tắt sơ lược nguyên tắc của kiếm trận cho Đại Bằng nghe. Xong, chàng quay sang Phùng Đạo Đức ôn tồn nói:

- Vãn bối từng nghe võ lâm Trung Nguyên truyền tụng câu “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm”, nay có cơ duyên gặp được chưởng môn nhân, người được chân truyền của Hồng Mi lão tổ Nam Thiếu Lâm nên vãn bối muốn được trao đổi quyền cước với ngài để có dịp mở mang thêm kiến thức.

Phùng Đạo Đức cười cao ngạo nói:

- Ngươi có thanh bảo kiếm sao không lợi dụng nó để chiếm ưu thế mà lại đòi giao đấu quyền cước với ta? Thật là tuổi trẻ ngông cuồng không biết tự lượng sức mình. Có chết cũng đừng trách ta nhé.

Nói xong, lão trả thanh kiếm lại cho Tạ Tứ. Bên nhóm Văn Hiến đã bàn định xong, ai nấy đều đưa mắt nhìn vào mắt đối thủ của mình. Bọn Kim Cương Môn biết họ khiêu chiến đích danh từng người nên cũng không ngần ngại mà chia nhau thành từng cặp một để tính cuộc quyết đấu. Tất cả đều rút binh khí cầm trên tay trong tư thế sẵn sàng. Bầu không khí trong lành buổi đầu xuân bên bờ sông Sa Hà bỗng trở nên căng thẳng đến nghẹt thở và nhuốm màu chết chóc.