Én Liệng Truông Mây - Hồi 17 - Phần 2

Dòng máu kiêu hùng của tổ tiên bỗng sôi sục trong huyết quản Lý Văn Quang, hắn ngửa mặt lên trời cười to:

- Được! Chúng ta trở lại giữ dinh Trấn Biên, đánh với bọn Mô Xoài một trận cho thật oai hùng. Sấm vương ngày xưa đã không phải từ hai bàn tay không mà đánh ngã cả thiên hạ Đại Minh đó hay sao? Ta không cần bọn Cao Miên cũng có thể làm nên đại nghiệp vậy. Ha ha...

Nói rồi hắn phóng mình lên ngựa, tuốt thanh Ỷ Thiên trường kiếm cầm trong tay, thúc ngựa phi nhanh về phía dinh Trấn Biên. Hình ảnh đó thật oai phong lẫm liệt chẳng khác nào Lý Tự Thành năm xưa. Bọn thủ hạ nhìn vẻ kiêu hùng của đại vương mình cũng thấy dòng máu Đại Hán trong người như sôi lên sùng sục. Tạ Tam và cả bọn hô lớn:

- Đi! Chúng ta quyết tử chiến với bọn An Nam một phen. Được ăn cả, ngã về không! Tiến lên!!!

Cả bọn đồng thanh hô vang “Tiến lên!” làm rung động cả một bờ Sa Hà. Chúng hăng hái kéo nhau chạy theo Lý Văn Quang. Khi chúng vừa đi khỏi thì trong một lùm cây rậm cách đó không xa có một viên pháo hoa bay vút lên nền trời cao, nổ một tiếng nhỏ rồi tỏa ra làn khói đỏ. Bên kia bờ sông, thám mã của Trương Đồ nhìn thấy pháo hiệu vội vàng chạy về báo cho trung quân hay. Trương Đồ lập tức lệnh cho quân bỏ thúng xuống sông, mỗi chiếc chở năm sáu tên lính thả trôi theo dòng nước tấp sang bờ bên kia và đổ bộ lên đất liền. Đồng thời lại dùng đò chở ngựa sang sông, sau đó kéo quân tiến xuống Trấn Biên.

Trong dinh, Hà Huy cắt đặt thuộc hạ vào những vị trí phòng thủ xung yếu mang tính chiến lược. Việc xong hắn và Lý Văn Quang cùng bọn Tạ Tam lên vọng gác quan sát. Trên nóc vọng gác, Hà Huy cho treo một lá cờ lớn mô phỏng hình thức và màu sắc của lá cờ mà ngày xưa Sấm vương Lý Tự Thành đã dùng trong quân. Lá cờ hình chữ nhật được viền rua màu đỏ, ở giữa cờ có một mặt trời màu vàng, quanh mặt trời có những tia chớp, chính giữa mặt trời có một chữ Lý thật lớn. Gió từ sông Đồng Nai thổi lên làm lá cờ tung bay phấp phới trông rất oai hùng.

Dinh Trấn Biên chỉ là một tòa thành nhỏ với hai cửa chính ở phía đông và tây, không có hào sâu bao bọc. Kể từ khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh phân định địa giới cho dinh Trấn Biên đến nay, vì việc binh đao yên ổn, chung quanh lại có các đạo binh Long Hồ, Bình Dương, Mô Xoài trấn giữ nên dinh chỉ xây dựng theo lối một cơ sở hành chánh, vì vậy thành trì không vững chắc, không thể dùng trong chiến tranh để chống lại địch quân.

Chợt phía đông bụi đất tung bay mịt mù, đại quân của Tống Phước Đại kéo đến chỉ còn cách dinh chừng nửa dặm. Rất nhanh sau đó, đại quân đã đến gần bên thành. Đi đầu là một viên tướng mình mặc giáp trụ vàng đang ngồi trên lưng con bạch mã, thanh đại đao gác ngang qua mình ngựa trông thật uy phong. Phía trên, một lá soái kỳ có chữ Tống đang bay phần phật trong gió. Bên phải là một viên phó tướng cưỡi con ngựa đen và bên phải nữa, ngồi trên mình con ngựa sắc lông đỏ như máu chính là Đoàn Phong. Hà Huy chỉ tay về phía đạo binh nói với Lý Văn Quang:

- Đạo binh này chí ít cũng phải có ngàn quân. Nhìn chúng tiến quân mà hàng ngũ chỉnh tề, giáo gươm sáng chói, ngàn quân mà bước đi như một cũng đủ biết Tống Phước Đại là một tay kiện tướng. Cuộc chiến này e rất khó cho chúng ta.

Lý Văn Quang nói:

- Từ lâu ta vẫn có ý coi thường bọn An Nam, nhưng qua mấy lần giao chiến mới biết mình đã lầm. Lời của Dung nhi nói quả không sai. Nhưng đánh với những địch thủ mạnh như thế mới thật sự thống khoái.

Bên dưới, đạo quân của Tống Phước Đại đã dừng lại trước cửa đông của dinh. Tống Phước Đại ngồi trên lưng ngựa nhìn lên vọng gác nói lớn:

- Lý Văn Quang, đại quân của ta đã kéo tới đây sao bọn ngươi còn chưa chịu bó tay quy hàng để may ra ta nể mặt Thanh triều mà tha cho con đường sống. Bằng ngược lại thì ngọc đá tan hoang, chớ trách ta hạ thủ vô tình.

Lý Văn Quang ngửa mặt lên trời cười to:

- Đầu hàng? Ha ha... Họ Lý ta chỉ có hoặc làm vua hoặc là chết chứ không bao giờ nói tới hai tiếng “đầu hàng”.

Đoàn Phong ngồi trên lưng con huyết mã nghe Lý Văn Quang nói như thế cũng ngửa mặt cười khan, giọng cười đầy vẻ chế giễu. Lý Văn Quang tức giận chỉ tay xuống nói:

- Họ Đoàn kia, giọng cười của ngươi đầy vẻ giễu cợt như thế là có ý gì?

Đoàn Phong lại cười ha hả nói:

- Ta nghe ngươi nói họ Lý nhà ngươi không biết nói tiếng “đầu hàng” làm cho ta tức cười quá không thể nhịn được.

Lý Văn Quang trợn mắt hỏi:

- Lời ta nói có điểm nào khiến ngươi tức cười?

Đoàn Phong nghiêm nét mặt lại đáp:

- Ngươi quên hay đã cố tình quên sự tích tổ tiên của mình?

- Ngươi biết gì về tổ tiên của ta, nói ra nghe thử?

- Năm Sùng Trinh thứ bảy, tổ ngươi là Lý Tự Thành bị quân Minh vây khốn ở núi Xa Sương huyện Hưng An, Thiểm Tây đến độ quân phải giết ngựa để lấy thịt thay cơm, lấy máu thay nước. Tổ của ngươi sợ quân tan rã nên đã giả cách trá hàng, sau khi ra khỏi vùng hiểm yếu thì lập tức phản lại tiêu diệt đội quân của Minh triều. Ngươi nói đó có phải là hai chữ “đầu hàng” không?

Lý Văn Quang giật mình đánh thót. Hắn không ngờ ở cái xứ xa xôi này mà tên chết tiệt kia lại có thể biết rõ lịch sử của nội tổ mình như vậy. Hắn vừa thẹn vừa giận vì niềm tự tôn bấy lâu đã bị hạ bệ nhưng vẫn cố nén giận nói gượng:

- Binh bất yếm trá, đó chỉ là ngộ biến tùng quyền mà thôi. Sấm vương không làm thế thì làm sao có thể diệt được nhà Minh?

- Như vậy thì ngươi đừng có múa mỏ làm ra vẻ anh hùng nữa. Ngươi cậy có thanh Ỷ Thiên kiếm của Tào Tháo năm xưa nhưng có dám xuống đánh cùng ta một trận không?

Lý Văn Quang cười lớn:

- Lần trước ngươi đã bỏ chạy thục mạng, giờ còn dám khiêu chiến với ta sao? Hay ngươi cậy vào đội quân kia để lên mặt?

- Ta đơn thân khiêu chiến với ngươi, không cần tới binh đội của Tống tướng quân. Nghe nói ngươi rất tự phụ với hai mươi bốn đường Thất Tinh kiếm, tuyệt học của Võ Đang, ta muốn cho ngươi thấy võ học của Đại Việt ta còn lợi hại hơn nhiều.

Lý Văn Quang đang muốn tìm nơi phát tiết cơn giận nên vừa nghe Đoàn Phong khiêu chiến thì hắn cuồng ngạo bật cười:

- Được, đó là do ngươi muốn tìm cái chết!

Hà Huy định lên tiếng can ngăn thì Lý Văn Quang đã tung người từ trên tháp canh tà tà đáp xuống trước cửa dinh. Một mình hắn đứng đối diện với cả một đạo quân, giương đôi mắt sáng như điện nhìn mọi người, uy phong lẫm liệt, khí thế áp đảo tinh thần kẻ địch. Đoàn Phong buột miệng khen lớn:

- Không hổ là con cháu của Sấm vương Lý Tự Thành! Đoàn Phong ta bình sinh mới gặp được người đối đầu như các hạ.

Chàng định tung người nhảy xuống đất chợt nghe Hồng Liệt ngồi trên lưng ngựa phía sau nói:

- Phong huynh hãy sử dụng thanh kiếm này để đối địch với Ỷ Thiên kiếm của hắn.

Đoạn chàng rút thanh Thắng Tà trên lưng ra đưa cho Đoàn Phong. Đoàn Phong đổi thanh kiếm nói:

- Cảm ơn Đinh huynh! Thế này thì tôi không còn e dè gì nữa.

Chàng cầm thanh kiếm tung người xuống đất đứng đối diện với Lý Văn Quang, phong thái thật ung dung. Trên tháp canh, Hà Huy và Tạ Tam vội vã chạy xuống mở cửa dinh kéo bộ hạ ra đứng phía sau lưng Lý Văn Quang áp trận. Đạo quân của Tống Phước Đại cũng dàn hàng ngang đứng xem. Lý Văn Quang nhìn phong thái an nhiên tự tại của Đoàn Phong chợt thấy rúng động trong lòng nên bật tiếng khen:

- Ngươi quả nhiên là địch thủ mà ta hằng mong đợi. Hay lắm! Mời!

- Mời!

Hai thanh kiếm cùng tuốt ra khỏi vỏ. Lý Văn Quang xuất ngay chiêu Thất tinh triều đẩu tấn công. Bảy đốm sáng như bảy ngôi sao băng bắn thẳng vào người đối phương. Đoàn Phong múa tít thanh Thắng Tà công thẳng vào vùng sao bạc đó. Những tiếng keng keng vang lên không ngớt, chiêu kiếm của Lý Văn Quang đã bị hóa giải. Hắn la lớn:

- Kiếm pháp nhanh! Đỡ tiếp đây!

Ỷ Thiên kiếm lại vung lên, chiêu thứ hai của Thất Tinh kiếm pháp mang tên Thất tinh yểm nguyệt phóng ra còn nhanh hơn chiêu trước, kiếm chiêu xé gió lao tới trước bụng Đoàn Phong. Đoàn Phong sử dụng chiêu Phi yến xuyên dương trong Hoa Lư kiếm pháp để chống trả. Trong chớp mắt, hai bên, một tấn công một phòng thủ đã đánh ra hơn mười lăm chiêu. Lý Văn Quang càng đánh càng tỏ ra nóng nảy vì Thất Tinh kiếm pháp của Võ Đương được coi là thiên hạ đệ nhất kiếm pháp vùng Trung thổ, trong tay hắn lại còn có thanh báu kiếm Ỷ Thiên chém sắt như chém bùn vậy mà đã xuất hơn mười lăm chiêu vẫn còn chưa hạ được đối phương. Tất cả những kiếm chiêu hắn công ra đều bị đối phương phá vỡ một cách tài tình. Hắn giận dữ hét lớn:

- Kiếm pháp hay lắm! Đỡ chiêu này của ta!

Miệng nói, tay xoay tít thanh Ỷ Thiên kiếm thành bảy vòng tròn nhỏ, sau đó lớn dần lên tạo nên một cơn lốc những ngôi sao chụp xuống người Đoàn Phong. Đó là tuyệt chiêu thứ hai mươi bốn, cũng là chiêu kiếm cuối cùng trong Thất Tinh kiếm pháp mang tên Mãn thiên tinh đẩu. Chiêu kiếm xuất ra vô cùng uy lực. Nhìn thấy kiếm khí đầy trời như vậy, Đoàn Phong vội vàng sử dụng chiêu Trăm hoa đua nở để chống đỡ. Thanh Thắng Tà trong tay chàng xoay tít, tạo ra hàng trăm điểm hồng quang như hàng trăm đóa hồng đào bay xẹt vào vùng kiếm ảnh của Lý Văn Quang. Đồng thời cùng lúc, thân hình chàng tung ngược ra sau thoát khỏi vùng kiếm khí của đối phương trong đường tơ kẽ tóc. Ngay khi Đoàn Phong vừa chạm chân xuống đất thì chàng liền hét lớn một tiếng, tung người lên cao, thanh Thắng Tà như con giao long uốn lượn thành những vòng tròn mờ mịt hồng quang từ trên không trung chụp xuống đầu Lý Văn Quang. Đó là chiêu cuối cùng mang tên Độc long xuất động của Hoa Lư kiếm pháp. Tuyệt chiêu này uy lực kinh người, đây là lần đầu tiên trong đời Đoàn Phong sử dụng nó. Lý Văn Quang vội vàng trụ bộ, tay kiếm không ngớt xoay tròn công thẳng vào vùng kiếm ảnh của đối phương. Hàng loạt những tiếng kiếm va chạm nhau nghe đinh tai nhức óc rồi kiếm quang đột ngột tắt ngấm. Đoàn Phong tung người ngược lại phía sau, hạ xuống đứng sừng sững giữa đấu trường. Y phục trên người chàng bị thủng nhiều lỗ lớn, những mảnh vải còn dính toòng teng trên áo đong đưa trong gió nhẹ. Bên kia Lý Văn Quang cũng chống trường kiếm đứng yên, mắt tóe lửa nhìn đối thủ, vai trái của hắn đã bị mũi kiếm Thắng Tà đâm thủng một lỗ lớn, xương vai đứt tiện, máu từ đó phun ra không ngừng. Hà Huy thất kinh la lớn:

- Bảo vệ đại vương! Rút lui!

Tạ Tam vội phất tay cho bọn thủ hạ tràn tới đứng chắn trước mặt Lý Văn Quang. Hà Huy và một số tên khác chạy đến dìu chủ tướng trốn vào trong dinh. Tống Phước Đại đưa tay lên phất một cái, lập tức cả đoàn quân hò hét xông tới tấn công bọn nghịch đảng. Cuộc hỗn chiến diễn ra vô cùng ác liệt trước cửa dinh. Bọn nghịch đảng tuy toàn là cao thủ võ lâm nhưng cũng khó mà chống chọi nổi cả một binh đoàn hùng hậu với kỹ thuật kết hợp tác chiến đã dạn dày kinh nghiệm. Bởi vậy chỉ sau một lúc, bọn nghịch đảng đã bị đẩy lui dần đến cửa dinh. Tạ Tam hô lớn:

- Tất cả rút lui!

Nghe lệnh, chúng đồng loạt vung đao kiếm tung ra những chiêu thí mạng rồi quay người chạy hết vào trong. Đám binh sĩ ùa tới phá nát cửa dinh, tràn vào trong như nước vỡ bờ, khí thế mạnh mẽ không gì ngăn cản nổi. Các tướng lĩnh theo sau Tống Phước Đại cũng giục ngựa vào trong dinh. Bọn nghịch đảng đã mở cửa tây và kéo nhau chạy xuống bến sông nơi cầu ván. Chúng vừa định xuống thuyền thì từ phía tây, đạo quân Bình Dương của Trương Đồ và Văn Hiến đã rầm rộ kéo xuống. Hà Huy thất kinh vội ra lệnh cho cả bọn theo cầu ván chạy về Giản Phố. Lúc đó, đạo binh Tống Phước Đại cũng vừa đuổi theo đến nơi. Thấy nguy, Hà Huy lệnh phá cầu. Đám nghịch đảng ra sức phá đứt một đoạn giữa của cây cầu, bỏ lại một số thuộc hạ phía bên kia. Những kẻ ở lại, lớp bị chém giết bỏ mạng, lớp nhảy xuống sông rồi trôi theo dòng Sa Hà mất tích. Dưới sông, những chiếc thuyền của bọn Kim Cương Môn cũng quay mũi bơi về bờ bên kia. Hai đạo quân Bình Dương và Mô Xoài gặp nhau nơi đầu cầu nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn theo la ó. Tống Phước Đại chỉ tay về phía Giản Phố nói:

- Bọn chúng bây giờ như cá nằm trong nôm chỉ chờ chúng ta đến bắt mà thôi.

Trương Đồ giục ngựa đến cúi đầu chào:

- Tiểu tướng xin ra mắt Tống tướng quân. Kế hoạch sắp tới thế nào xin tướng quân phân phó.

Tống Phước Đại ra lệnh:

- Bao vây khắp các nơi quanh Cù lao Phố, không để một tên nào chạy thoát, đợi thủy quân dưới Phiên Trấn lên đến nơi thì chúng ta sẽ đổ bộ sang bên đó.

Trương Đồ và các tướng y lệnh, rầm rộ kéo đi chia nhau canh giữ bốn mặt Cù lao. Mọi việc tiến hành đâu vào đó xong chợt thấy dưới sông có hai chiếc khinh thuyền lướt nhanh đến tấp vào bờ. Một người từ mũi thuyền tung người lên cao rồi đáp nhẹ nhàng xuống mặt đất, tiếp liền theo sau là một người mặc quân phục cũng nhún mình nhẹ tênh phi thân lên bờ, thân ảnh của cả hai đều tuyệt đẹp. Đoàn Phong nhận ra ngay Ngô Mãnh đang đi trước, người trẻ tuổi mặc quân phục đi sau mau mắn bước tới cúi đầu chào Tống Phước Đại và Đoàn Phong:

- Tiểu tướng Hoàng Kim Phụng xin ra mắt Tống tướng quân. Xin chào Đoàn tả hộ vệ.

Phước Đại hỏi:

- Ngươi là cận tướng của Vương phó đề đốc ở Phiên Trấn phải không?

Kim Phụng lễ phép đáp:

- Dạ đúng thế ạ!

- Ngươi người Tuy Viễn, Quy Nhơn à? Hôm trước gặp mặt, Vương phó đề đốc có khoe với ta ông ấy vừa thu nhận được một viên tướng trẻ tài năng. Ông ấy đã không tiếc lời ca ngợi ngươi đấy. Khá lắm!

Kim Phụng cúi đầu nói:

- Đa tạ Tống tướng quân đã ngợi khen. Dạ, tiểu tướng quê ở cạnh đầm Hải Hạc. Vương phó đề đốc lúc nào cũng yêu thương thuộc hạ của mình nên ngài mới nói thế thôi ạ.

- Thủy quân Phiên Trấn lên đến đâu rồi?

- Bẩm tướng quân, đang đóng ở ngã ba Đồng Nai và Sa Hà. Phó đề đốc đã cho giăng xích ngang sông để chặn bọn nghịch đảng bỏ chạy. Phó đề đốc muốn biết ý kiến của tướng quân thế nào?

- Phó đề đốc lần này mang theo bao nhiêu chiến thuyền? Quân số bao nhiêu?

- Bẩm, hai mươi chiến thuyền với năm trăm quân, thêm năm thuyền buôn của cánh Ngô huynh đây nữa là hai mươi lăm.

- Ngươi về nói với ông ta giữ chặt đường sông không cho bất cứ thuyền bè nào qua lại. Đổ một số quân lên bờ nam Cù lao, nghỉ ở đó qua đêm nay rồi mang lên cho ta mượn mười lăm chiến thuyền. Hẹn đầu giờ Thìn ngày mai nhất loạt tấn công vào Giản Phố. Trách nhiệm cánh quân bên đó là bờ nam và góc tây nam. Nhắn lời ta là vạn bất đắc dĩ, phải cố giảm thiểu tối đa sự thiệt hại cho sinh mạng người dân và nhà cửa của họ.

- Tiểu tướng ghi nhớ. Tiểu tướng xin cáo từ.

Văn Hiến đang từ xa đi tới, nghe Tống Phước Đại nói như thế thì vội lên tiếng:

- Có một cách có thể giúp giảm thiểu sự thiệt hại về nhân mạng và tài sản của cư dân Giản Phố.

Tống Phước Đại vội chào hỏi:

- Vị hiệp sĩ này có phải là Trại Ức Trai không?

Đoàn Phong đáp:

- Đúng vậy!

Văn Hiến cúi đầu chào:

- Văn Hiến xin chào Tống tướng quân.

Phước Đại cười nói:

- Chào Trương hiệp sĩ! Nghe danh Trại Ức Trai đã lâu giờ mới có dịp đàm đạo. Xin cho nghe cao kiến.

Văn Hiến nói:

- Trương vệ úy đã cho kết bè lửa ở khúc sông trên, Vương phó đề đốc lại chăng dây xích ở khúc sông dưới, khi ta tấn công Giản Phố nên mở cho chúng một con đường thoát xuống bến sông. Chúng biết mình yếu thế hơn, lại thấy có sinh lộ tất không liều mạng đánh nhau mà sẽ kéo xuống bến, dùng thuyền xuôi dòng sông Đồng Nai chạy trốn ra biển Đông về Trung Quốc. Chừng đó thuyền của chúng sẽ vướng xích sắt nằm lại một chỗ, chúng ta cứ thả bè lửa từ trên xuống rồi chuẩn bị chu đáo để bắt từng tên một ở dưới sông.

Phước Đại cười ha hả nói:

- Diệu kế! Quả nhiên không kém ngài Ức Trai năm xưa chút nào. Chúng ta sẽ thực hiện theo kế hoạch đó. Kim Phụng, ngươi về báo lại cho phó đề đốc việc này nhé.

Kim Phụng “dạ” một tiếng xong định quay đi, bỗng Ngô Mãnh nói:

- Ở đây đã có Tống Tướng quân và Đoàn Phong cùng Đại Bằng, Trương huynh và Đinh huynh đi với tôi xuống chi viện cho cánh quân dưới đó.

Đoàn Phong nói:

- Ý kiến hay đấy! Hai người đi đi!

Xong, chàng đưa thanh Thắng Tà trả lại cho Hồng Liệt. Hồng Liệt nói:

- Phong huynh cứ giữ nó. Cánh chúng tôi đã có Thanh Long kiếm rồi. Phòng trường hợp phải đối đầu với hai thanh kiếm Ỷ Thiên và Thanh Hồng. Phen này ta phải thu hết những thanh bảo kiếm đó mới được.

Văn Hiến mỉm cười:

- Ngươi lại nổi máu đạo chích, muốn sưu tầm cổ vật nữa rồi phải không?

Hồng Liệt cười hề hề:

- Bọn chúng dám dòm ngó tới bảo đao của Đại Việt ta thì ta cũng phải để ý tới bảo kiếm của chúng chứ. Đó gọi là có qua có lại.

Cả bọn cười rộ lên. Nhóm Ngô Mãnh chào mọi người rồi nhảy xuống hai chiếc khinh thuyền chèo đi. Tống Phước Đại hạ lệnh cho quân lính hạ trại tại đầu cầu ăn uống nghỉ ngơi qua đêm. Quân lính vừa ăn uống xong đã thấy Kim Phụng đưa mười lăm chiến thuyền cập vào bờ. Kim Phụng lên trại gặp Phước Đại giao thuyền xong liền nhảy xuống khinh thuyền của mình trở về. Phước Đại buột miệng khen:

- Tên tiểu tướng này làm việc rất hăng say và rất hiệu quả. Con đường tương lai của hắn mai này tất sáng sủa vô cùng.

***

Đó là buổi sáng sớm mồng bốn tết Đinh Mão, năm 1747. Mặt trời vừa ló dạng chiếu những tia nắng mai yếu ớt xuyên qua màn sương mù dày đặc trên sông Sa Hà. Hai phần ba số quân Mô Xoài đã xuống mười lăm chiến thuyền theo lệnh chủ tướng, lẫn trong sương mù chèo sang đổ bộ lên Giản Phố. Số quân còn lại trang bị cung tên đầy đủ trấn giữ bờ bên này không cho bọn nghịch đảng chạy trở lại Trấn Biên. Bên góc tây nam, đội thủy quân của phó đề đốc Vương cũng chia làm hai, một nửa tiến vào trung tâm Giản Phố, một nửa ở lại canh giữ mặt sông. Hai cánh quân tạo thành thế gọng kìm tiến sát đến trang viện Kim Cương Môn. Trận giao đấu nảy lửa giữa Kim Cương Môn và Thần Quyền Môn, rồi ngọn lửa thiêu rụi những cơ ngơi to lớn của Thần Quyền Môn và năm thương hiệu lớn khác vào sáng hôm qua đã khiến cư dân Giản Phố nơm nớp lo sợ. Ngay chiều hôm đó, những gia đình nào có thuyền đã thu gom toàn bộ đồ quí báu chạy đi lánh nạn. Những gia đình còn lại đóng tất cả các cửa nẻo, ở yên trong nhà không ai dám ra ngoài. Cả một cù lao rộng lớn trở nên yên ắng lạ thường trong ngày mồng bốn tết. Hai cánh cửa to lớn ở mặt trước và mặt sau của trang viện Kim Cương Môn đóng im lìm, bên trong bức tường cao cũng không nghe thấy một tiếng động gì. Một tên lính theo lệnh của Tống Phước Đại bắc loa nói lớn vào bên trong:

- Bọn phản nghịch Kim Cương Môn nghe đây, các ngươi đã bị bao vây, mau mở cửa đầu hàng để tránh thiệt hại đến tính mạng và tài sản. Bằng cứng đầu ngoan cố, quân đội sẽ bắn tên lửa thiêu rụi cả trang viện, chừng đó các ngươi cũng sẽ phải chui ra nộp mạng mà thôi. Chúng ta cho các ngươi thời gian tàn nửa cây nhang để suy nghĩ rồi quyết định.