Én Liệng Truông Mây - Hồi 17 - Phần 3

Bên trong trang viện vẫn lặng như tờ không chút động tịnh. Tên lính bắc loa lặp lại lời thông báo lúc nãy lần nữa. Tống Phước Đại đưa tay ra hiệu cho toán cung thủ sẵn sàng đợi lệnh phát tên. Khoảng chừng tàn nửa cây nhang, Phước Đại phất tay, toán cung thủ châm lửa vào đầu mũi tên rồi tiến lại gần giương cung chuẩn bị bắn vào trong. Bỗng ngay lúc đó, bên trong bức tường cao có tiến hô lớn: “Bắn!” Tức thì vô số đầu người nhô lên khỏi bức tường, hàng loạt mũi tên bay vút ra, nhắm vào đội cung thủ đang đứng gần bờ tường. Bọn cung thủ bị tập kích bất ngờ, trúng tên ngã nhào hàng loạt. Tống Phước Đại kinh hoảng thét lớn:

- Lui!!!

Đội cung thủ vội tháo lui thật nhanh ra khỏi tầm tên. Bọn nghịch đảng bắn xong loạt tên liền thụp đầu xuống biến mất sau bức tường. Bên trong trở lại im lìm như trước. Chỉ một loạt tên đầu tiên đã có gần ba mươi cung thủ của quân triều đình bị bắn hạ, có người bị cắm một lúc hai ba mũi tên chết tại chỗ, số còn lại bị thương rên la không ngớt. Tống Phước Đại điên tiết hét lớn:

- Toán tiền phong đi trước đỡ tên, cung thủ theo sau phóng tên lửa. Một toán đợi bọn chúng nhô lên là xạ tiễn!

Lập tức toán lính tiền phong với mộc che tên tiến lên phía trước, bọn cung thủ có tên lửa theo sau. Khi đến gần bờ tường, bọn cung thủ bắn hàng loạt tên lửa vào bên trong và lên nóc trang viện. Ngay lúc đó lại có tiếng hô “Bắn!” vang lên. Bọn nghịch đảng lại nhô đầu lên định xạ tiễn nhưng đã bị hàng loạt mũi tên bắn đến như mưa, chúng la lên kinh hoàng, té nhào trở xuống.

Tống Phước Đại lại hô lớn:

- Bắn tên lửa!

Một toán cung thủ khác đốt lửa ở các mũi tên bắn vào trang viện. Chẳng bao lâu đã thấy có khói đen bốc lên. Bọn nghịch đảng bên trong lại đồng loạt nhô lên định trả đũa nhưng cũng như lần trước, chúng chưa kịp ra tay đã bị hàng loạt tên từ bên ngoài bắn vào. Cách thức luân phiên nhau, kẻ lắp tên, người bắn đã được bọn lính tập luyện nhuần nhuyễn, bởi vậy tên lửa bay vào bên trong tới tấp. Ngọn lửa đã bắt đầu cháy lớn. Tống Phước Đại hô to:

- Phá cửa!

Tức thì bọn lính tiền phong lại làm bia đỡ tên che cho toán quân phá cửa tiến đến, họ định dùng thân cây lớn để phá cánh cửa nhưng Đoàn Phong la lên:

- Không cần! Để đó cho ta!

Chàng lướt người tới trước, vung thanh Thắng Tà chém vào cánh cửa mấy nhát rồi tung chân đạp mạnh một phát, cánh cửa bật ra. Chàng dẫn đầu đoàn quân xông vào bên trong. Hàng loạt tên bắn tới cản đường. Đoàn Phong múa kiếm gạt hết những mũi tên, phía sau Đại Bằng cũng múa tít thanh kiếm lướt tới. Bọn lính tiền phong giơ cao mộc đỡ tên che phía trước rồi hò hét xông vào. Ở bờ tường phía tây đã thấy xuất hiện một đám người rất đông, đó là bọn Hồng Liệt, Văn Hiến, Ngô Mãnh và các binh tướng của đạo thủy quân. Họ lao mình xuống tấn công bọn Kim Cương Môn đang đổ ra sân lớn phía trước chặn đánh toán quân triều đình. Cuộc hỗn chiến thật kinh thiên động địa. Bọn lính tuy võ công không cao nhưng kỹ thuật phối hợp tác chiến rất giỏi, họ lại đánh nhau với tinh thần quyết tử chứ không lùi, bởi vậy bọn võ sĩ Kim Cương Môn bị thương vong vô số. Trong khi đó hai thanh báu kiếm Thanh Long và Thắng Tà như hai con rồng thiêng uốn lượn khắp nơi, hạ thủ không biết bao nhiêu tặc đảng mà kể. Quanh trang viện, trên nóc nhà ngọn lửa đang bốc cháy mỗi lúc một mạnh hơn. Bỗng có tiếng thét lớn:

- Ngừng tay!

Cùng với tiếng thét là sự xuất hiện của bọn Lý Văn Quang, Hà Huy, Phùng Đạo Đức, Tạ Tam, Diệp Hồng Sanh... và một số kiếm thủ mặt mày hung tợn đang từ bên trong đại sảnh bước ra sân. Phùng Đạo Đức bàn tay phải bị thương hôm qua đã được băng lại. Trên vai áo Lý Văn Quang cũng thấy cộm lên vì vải băng, tay trái được cố định bằng miếng vải buộc vòng qua cổ, còn tay phải vẫn cầm thanh Ỷ Thiên kiếm. Cạnh hắn, Tạ Tam lăm le Thanh Hồng kiếm trong tay. Nét mặt bọn chúng tên nào tên nấy vừa tỏ ra tức giận vừa vô cùng lo âu. Cuộc hỗn chiến đã dừng lại, hai bên đứng đối diện nhau. Hà Huy nói:

- Ta muốn nói chuyện với Tống tướng quân.

Bọn lính vẹt ra, Tống Phước Đại bước tới đứng ngang hàng với bọn Đoàn Phong, Văn Hiến. Ông nhìn Hà Huy hỏi:

- Các ngươi giờ như cá nằm trên thớt, chỉ còn một nước là buông vũ khí đầu hàng, còn gì để nói với ta?

Hà Huy mỉm cười nói:

- Binh lính của ngài tuy đông nhưng lực lượng của chúng tôi đều là hảo thủ võ lâm. Nếu đánh nhau tới chết hết thì bên ngài một ngàn quân cũng chỉ còn lại một vài trăm. Đó là lưỡng bại câu thương, chi bằng ta giảng hòa, hai bên đều có lợi.

- Hòa là thế nào?

- Chúng ta bãi chiến, tướng quân để cho chúng tôi xuống thuyền ra biển Đông trở về Trung Quốc.

Phước Đại cười lớn nói:

- Các ngươi sang đây, chúa ta tạo điều kiện thuận lợi cho làm ăn buôn bán trở nên giàu có đã không biết ơn lại còn đi câu kết với bọn Cao Miên mưu tính chiếm đất làm vua. Bây giờ tan tác, làm thân cá nằm trên thớt còn chưa chịu buông giáo đầu hàng hòng giảm bớt tội trạng mà còn dám tính chuyện giảng hòa ư? Ngươi dựa vào cái gì mà cao vọng đến thế?

Hà Huy chậm rãi đáp:

- Tướng quân còn có điều chưa biết. Vương gia ta đây là cha nuôi của tổng đốc Phúc Kiến, còn Phùng chưởng môn đây là sư phụ của tổng đốc Quảng Đông và là cánh tay phải của lực lượng phù Thanh diệt Minh, tiêu diệt đám phản tặc Thiên Địa Hội rất được hoàng thượng Thiên triều tin dùng. Tướng quân cũng nên vì tình hòa hiếu giữa hai nước mà tránh chuyện xích mích có thể dẫn đến can qua.

Tống Phước Đại nghe giọng nói vừa tự phụ vừa có vẻ uy hiếp của Hà Huy liền nổi giận, ông ngửa mặt lên trời cười ha hả nói:

- Ngươi định đem Thiên triều của ngươi ra hù dọa ta phải không? Ha ha... Ta cứ bắt hết bọn phản nghịch các ngươi tống giam vào ngục tối ở Đại Việt cho đến mục xương để thử xem ngài tổng đốc Phúc Kiến của ngươi sẽ làm được gì bọn ta cho biết.

Bọn Lý Văn Quang nghe nói, sắc mặt chúng lập tức lộ rõ vẻ tức giận, chỉ có Hà Huy vẫn còn giữ được bình tĩnh. Hắn mở đôi mắt hí lên nhìn Tống Phước Đại.

- Tống tướng quân xin đừng nóng giận, ngài nên suy nghĩ kỹ điều lợi hại. Như tôi đã nói lúc nãy, nếu tướng quân muốn bắt hết chúng tôi thì bên tướng quân cũng sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Vậy sao không chọn giải pháp hòa bình mà lại chọn con đường ngọc đá đều tan?

Phước Đại vốn tính nóng như lửa, ông nói lớn:

- Ngươi không cần nhiều lời! Dẫu cho ngọc đá đều tan ta cũng chấp nhận!

Hà Huy nghe giọng nói như đinh đóng cột của Phước Đại, hắn biết việc thương thuyết không thành. Hắn liền lớn tiếng gọi:

- Đem ra đây!

Phía sau, hai tên sát thủ bước ra, trên tay mỗi tên bưng một trái cầu tròn màu đen như quả bóng bằng sắt, có sợi chỉ mồi màu đỏ, tay kia chúng cầm một mồi lửa đang ngún cháy. Hà Huy nhìn Phước Đại hỏi:

- Tướng quân có biết là vật gì đây không?

Tống Phước Đại nhìn thấy hai quả cầu đen thì giật thót người, mặt biến sắc. Nhưng chỉ thoáng chốc ông đã lấy lại được sự bình tĩnh cố hữu của một viên tướng già dặn kinh nghiệm. Ông mỉm cười đáp:

- Là hai viên phích lịch hỏa đạn chứ gì.

Hà Huy mỉm cười đanh ác:

- Tướng quân đã biết thì chắc cũng thừa hiểu sức công phá của nó chứ? Hai viên phích lịch hỏa đạn này mà nổ thì tất cả mọi người ở đây sẽ không còn một ai có thể sống sót. Tướng quân không muốn điều đó xảy ra phải không?

Tống Phước Đại ngần ngừ chưa biết phải trả lời thế nào. Văn Hiến đứng gần đó nhẹ nhàng đưa tay trái đút vào túi, liếc mắt nhìn Đoàn Phong và Hồng Liệt thật nhanh rồi lên tiếng hỏi:

- Nếu chúng ta đồng ý giảng hòa thì phải thế nào?

Hồng Liệt cũng bắt chước Văn Hiến lặng lẽ đút tay vào túi. Hà Huy hỏi lại:

- Ngươi có đủ tư cách để đàm phán với bọn ta không mà lên tiếng?

Tống Phước Đại biết Văn Hiến có nhiều mưu kế nên đáp thay:

- Lời hắn nói cũng như ta nói. Ngươi an tâm đi.

Hà Huy gật đầu:

- Được! Nếu giảng hòa thì Tống tướng quân phải chịu khuất tất một chút để bọn ta đưa đi theo. Khi nào ra đến biển Đông ta sẽ giao cho một chiếc thuyền để ngài trở về. Bảo đảm an toàn không có một chút thiệt hại nào.

Văn Hiến đưa mắt nhìn Tống Phước Đại làm như muốn hỏi ý kiến. Bọn Hà Huy cũng dồn tất cả ánh mắt về phía Tống Phước Đại để chờ câu trả lời. Bỗng Văn Hiến hô lớn “lên”. Cùng với tiếng la, ba bóng người như ba tia chớp phóng nhanh tới trước, hai đồng tiền nhỏ từ hai tay của Văn Hiến và Hồng Liệt bắn ra ghim thẳng vào huyệt mi tâm của hai tên sát thủ đang bưng hai trái đạn. Nhanh như cắt ba thanh kiếm đồng loạt nhoáng lên, công thẳng vào những tên đứng hàng đầu bên phe nghịch đảng. Hai tiếng rên nhỏ vang lên, hai tên sát thủ ngã xuống. Đại Bằng cùng Ngô Mãnh cũng nhanh không kém, họ phóng tới đưa tay chộp lấy hai viên phích lịch đạn đang rơi xuống. Tất cả diễn ra chỉ trong chớp mắt, những cao thủ như Phùng Đạo Đức, Lý Văn Quang và Tạ Tam cũng không sao phản ứng kịp. Đến khi giật mình nhận ra thì các đường kiếm hiểm hóc của ba người đã công tới nơi. Thanh Hồng kiếm trên tay Tạ Tam nhoáng lên đỡ thanh Thanh Long kiếm của Văn Hiến, còn Ỷ Thiên kiếm trong tay họ Lý may mà kịp tung ra để ngăn chặn thanh Thắng Tà đang chém xuống của Đoàn Phong. Hai thanh báu kiếm Ỷ Thiên và Thắng Tà chạm nhau bằng sức mạnh kinh hồn của hai cao thủ đã gãy làm bốn đoạn, cả hai đều tiếc thầm trong bụng nhưng đang lúc giao tranh nguy hiểm nên chẳng ai mở miệng than thở một lời. Trong khi đó, thanh cương đao trên tay trái của Phùng Đạo Đức nhoáng lên đỡ đường kiếm ác liệt đang đâm tới mặt Hà Huy của Hồng Liệt. Hà Huy kinh khiếp vội nhảy lùi ra sau. Tống Phước Đại la lớn:

- Tấn công! Bắt hết bọn nghịch đảng cho ta!

Ba quân nghe lệnh liền la ó vang trời, lăn xả vào chém giết, khí thế long trời lở núi. Hà Huy biết bên mình yếu thế nên la lớn:

- Tất cả rút lui xuống thuyền!

Rồi hắn quay người tức tốc bỏ chạy. Bọn nghịch đảng nghe tiếng hô thì vừa đánh vừa lui vào bên trong đại sảnh. Ngọn lửa bấy giờ đã phủ gần khắp các nơi trong trang viện, bên trong gian đại sảnh lửa cũng đang cháy dữ dội. Diệp Hồng Sanh xông vào giúp Lý Văn Quang. Hắn nói nhanh:

- Vương gia để cho thuộc hạ. Ngài chạy xuống thuyền mau đi!

Rồi hắn xuất liên tiếp mấy chiêu kiếm liều chết đâm túi bụi vào Đoàn Phong. Lý Văn Quang rảnh tay bèn quay người chạy ra phía sau. Ba tên sát thủ đứng gần đó xông đến giúp cho Diệp Hồng Sanh, một tên la lớn:

- Diệp huynh theo bảo vệ cho vương gia, để bọn tôi liều chết đoạn hậu cho.

Hồng Sanh bèn quay người đuổi theo Lý Văn Quang, cả hai cùng chạy nhanh ra bến sông xuống thuyền. Những tên sát thủ giờ đã xông lên phía trước, liều chết chống đỡ để cho đồng bọn thoát thân vào bên trong. Đoàn Phong với thanh kiếm gãy trên tay vẫn ráo riết tấn công. Tạ Tam nhìn thấy lửa cháy lớn, một ý nghĩ bỗng lóe lên trong đầu hắn. Hắn phóng người chạy một vòng, vung báu kiếm chém vào những cột trụ chính đỡ gian đại sảnh rồi hét lớn:

- Anh em rút lui nhanh!

Tiếng hô vừa dứt đã nghe thấy những tiếng răng rắc vang lên, gian đại sảnh từ từ đổ xuống. Bọn Đoàn Phong cũng la lớn:

- Rút lui mau!

Mọi người vừa rút chạy ra đến bên ngoài thì mái đại sảnh cũng vừa đổ ập xuống, lửa bắn tung tóe khắp mọi nơi và tiếp tục bốc cao trên đống đổ nát. Bọn Đoàn Phong vội chia nhau chạy vòng qua đống lửa, vượt tường đuổi theo. Ra đến bờ sông thì bọn nghịch đảng đã xuống hết dưới thuyền, mười chiếc thuyền buôn từ từ tách bến. Đám cung thủ của Tống Phước Đại vội lắp tên bắn theo như mưa rào, bọn nghịch đảng đứng trên thuyền múa đao kiếm gạt tên, tuy vậy cũng có không ít tiếng rên la vì bị trúng tên. Bắn tới loạt tên thứ ba thì mười chiếc thuyền của chúng đã bơi ra xa, rời khỏi tầm bắn. Chúng vừa chèo vừa trương buồm, chẳng mấy chốc đã đến ngã ba sông rồi xuôi dòng Đồng Nai xuống hướng Nhà Bè. Tống Phước Đại vội ra lệnh bắn pháo hiệu lên trời. Cánh quân của Trương Đồ nhìn thấy pháo hiệu liền đốt các bè lửa thả trôi theo dòng sông. Phước Đại ra lệnh cho binh lính chạy dọc bờ sông đuổi theo thuyền của bọn nghịch đảng xuống góc tây nam của Cù lao Phố.

Mười chiếc thuyền của Diệp Sanh Ký vừa qua khỏi ngã ba Sa Hà ở góc tây nam Cù Lao thì vướng phải dây xích sắt giăng ngang qua sông Đồng Nai nên đành nằm yên tại đó. Từ phía trên, mấy chục chiếc bè lửa chở theo nhiều vật dẫn hỏa cũng đã trôi xuống tới nơi rồi đâm mạnh vào những chiếc thuyền đang mắc kẹt, vật dẫn hỏa bắn tung lên đoàn thuyền. Không bao lâu thì cả mười chiếc thuyền đều bắt lửa bốc cháy, bọn nghịch đảng kinh hoảng xông vào ráng dập tắt nhưng lửa cháy mạnh quá không tài nào ngăn nổi. Sau một lúc, cả mười chiếc thuyền bốc cháy dữ dội. Bọn nghịch đảng cuống cuồng, có nhiều tên đã bắt đầu nhảy xuống sông bơi vào bờ vì không chịu nổi sức nóng. Hai bên bờ, phó đề đốc Vương đã cho lính chuẩn bị sẵn lưới và dây trói, chỉ cần bọn nghịch đảng vừa bơi vào lập tức bị bọn lính quăng lưới kéo lên rồi trói lại. Lý Văn Quang nhìn thấy tình cảnh đó bỗng ngửa mặt lên trời cười một tràng dài, tiếng cười chứa đựng nỗi bi thương và thống hận:

- Ta một đời kiêu hùng dọc ngang Trung thổ, không ngờ lại chết ở mảnh đất An Nam nhỏ bé này!

Nói rồi hắn rút thanh đoản kiếm đeo bên hông định đâm vào cổ mình. Diệp Hồng Sanh từ nãy giờ vẫn theo sát bên cạnh vội giữ tay họ Lý lại, thu thanh đoản kiếm và nói:

- Xin vương gia hãy lưu lại kim thể. Dù bọn chúng có bắt sống được ta cũng không dám giết ngay đâu. Có tiền chúng ta chắc chắn còn có hi vọng.

Hà Huy cũng lên tiếng can:

- Hồng Sanh nói đúng. Vương gia hãy ráng nhẫn nhục. Cứ để cho chúng bắt, chúng ta từ từ tìm phương sách thoát thân sau.

Lý Văn Quang nghe bọn thuộc hạ khuyên can cũng xiêu lòng. Dù vô tình hay hữu ý thì hắn cũng đang lặp lại chiêu thức trá hàng mà nội tổ Lý Tự Thành năm xưa sử dụng. Hắn buông tay xuống thở dài, giọng căm phẫn:

- Ta mà thoát được nhất định không bỏ qua mối hận này!

Ngọn lửa tới gần, mặt mọi người đã nóng rát không còn chịu đựng nổi. Hà Huy nói:

- Chúng ta đành phải nhảy xuống sông thôi.

Nói rồi cả bọn phóng người xuống nước. Tất cả những tên còn lại trên mười chiếc thuyền cũng lần lượt nhảy xuống theo. Diệp Hồng Sanh nhảy xuống rồi lặn thật sâu để cho thân người trôi theo dòng nước. Từ nhỏ hắn vốn có biệt tài về lặn sâu dưới nước và có thể ở lâu trong nước hàng nửa canh giờ mà không trồi lên cho nên người ta mới gọi hắn là Tiểu long ngư. Trên tay hắn còn cầm thanh đoản kiếm vừa lấy từ tay Lý Văn Quang chưa kịp trả lại. Thanh đoản kiếm này vốn là một thanh báu kiếm mà Lý Văn Quang yêu quí chẳng kém gì thanh kiếm Ỷ Thiên. Hắn trôi xuôi theo dòng nước chừng trăm trượng thì bỗng đụng phải một cái lưới giăng ngang qua lòng sông. Thì ra Vương phó đề đốc đã cho giăng ba lớp lưới ở đây đề phòng có kẻ lặn dưới nước trốn đi, trên bờ phục sẵn lính canh để bắt. Lưới này được bện bằng một loại sợi rất bền, đao kiếm bình thường khó có thể cắt đứt được. Đã có mấy tên sát thủ và đệ tử Kim Cương Môn lặn xuống đến đây nhưng rốt cuộc cũng bị bọn lính trên bờ bắt được.

Hồng Sanh vướng vào lưới thì giật mình, hắn bèn vung thanh đoản kiếm rạch một nhát, chiếc lưới thủng toạc một lỗ, hắn mừng rỡ chui người qua rồi đạp nước phóng đi. Bơi được một đoạn, hắn lại vướng vào một tấm lưới khác và lại phải dùng kiếm rạch lưới chui qua. Đến chiếc lưới thứ ba thì hắn gần như hết hơi, cố gắng rạch chiếc lưới xong, hắn ráng đạp mạnh chân để phóng người đi. Không ngờ cán thanh đoản kiếm vướng vào một mắt lưới, lực phóng đi nhanh quá khiến thanh bảo kiếm tuột khỏi tay chìm dần vào dòng nước đục. Hắn xoay người định lặn theo nhưng cảm thấy đã quá mệt, cần giữ sức lặn đoạn đường xa phía trước nên đành bỏ mặc thanh báu kiếm chìm mất hút xuống lòng sông.

Trận chiến ở Trấn Biên và Giản Phố như thế là đã kết thúc. Bọn tặc đảng cuối cùng đã đầu hàng, tổng kết lại có đến năm mươi bảy tên bị bắt sống gồm Lý Văn Quang, Hà Huy, Tạ Tam, Tạ Tứ, Phùng Đạo Đức, Triệu Phi Yến... và bọn thuộc hạ. Lúc ấy Hoàng Kim Phụng mang Tạ Tam và thanh kiếm Thanh Hồng đến giao cho Tống Phước Đại. Phước Đại cười nói:

- Chiến lợi phẩm này tặng cho ngươi. Dùng nó mà tiêu diệt quân thù giúp nước mai này.

Kim Phụng nâng thanh báu kiếm trong tay mừng rỡ nói:

- Đa tạ tướng quân! Việc này vượt quá ước mơ của tiểu tướng rồi.

Sau đó Tống Phước Đại cho đóng gông cả bọn giải sang Trấn Biên rồi nhốt riêng từng tên vào nhà lao, cử người canh giữ nghiêm mật ngày đêm. Đồng thời ông làm bảng cáo trạng gởi về Phú Xuân và xin chỉ thị từ phủ Chúa. Đoàn Phong cũng gởi một bản tường trình cho Hình bộ, xin chỉ thị từ Tôn Thất Dục. Cuối cùng, mọi người dùng thuyền trở về Giản Phố. Chiếc cầu ván bị phá sập mãi mãi không thể sửa lại và nó nằm đó như một dấu tích nhắc nhớ mọi người về cuộc nổi loạn của tên Giản Phố Đại vương Lý Văn Quang. Bọn Đại Kỳ, Hồng Liệt và các đệ tử Thần Quyền Môn đứng nhìn đống tro tàn ở nơi từng là một võ đường khang trang ai nấy đều không khỏi ngậm ngùi tiếc rẻ. Đại Kỳ nói:

- May mắn là toàn cuộc chiến chúng ta không bị thiệt hại về nhân mạng. Đống đổ nát này chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lại.

Đám đệ tử đồng thanh nói:

- Dạ, sư phụ!

Đoàn Phong cầm thanh kiếm Thắng Tà giờ chỉ còn một nửa trả lại cho Hồng Liệt nói:

- Thật xin lỗi, thanh báu kiếm này đã bị tôi làm gãy mất rồi.

Hồng Liệt cười nói:

- Không can gì! Thanh Thắng Tà của Đại Việt đã làm xong nhiệm vụ của nó là hủy diệt thanh Ỷ Thiên tà ma của Tàu. Tôi sẽ giữ lấy nó để làm kỷ niệm ghi nhớ về lần thắng trận này.

Bỗng tên đệ tử làm nhiệm vụ thám báo bên Trấn Biên bế một đứa bé chừng bốn năm tháng tuổi chạy đến khoe với Đại Kỳ:

- Sư phụ, hôm qua con nhặt được đứa trẻ này cạnh một bụi rậm bên Trấn Biên, không biết con ai đã bỏ rơi. Sư phụ xem chúng ta phải làm gì với nó?

Mọi người xúm lại xem. Thằng bé vẫn ngủ im, mặt mũi rất phương phi, tú khí. Đại Bằng nói:

- Vợ chồng tôi không có con, đứa bé này xin giao lại cho tôi. Nếu tìm được cha mẹ của nó thì hay, bằng không tôi sẽ nhận nó làm dưỡng tử, dạy nó nên người.

Đại Kỳ cười nói:

- Được vậy thì thằng bé này quá may mắn rồi. Bằng huynh giữ nó đi.

Đại Bằng đưa tay bế thằng bé, bỗng ông hỏi Đoàn Phong:

- Phong huynh, từ khi tôi nhìn mặt cậu quí tử của huynh trong lòng cứ ao ước mãi. Nay nhận được đứa bé này, huynh cho tôi mượn ké cái tên của con trai huynh mà đặt cho đứa nhỏ này nhé?

Đoàn Phong mỉm cười:

- Bằng huynh chữ nghĩa đầy bụng, một cái tên có khó gì. Nhưng nếu huynh đã thích thì cứ tự nhiên. Tôi còn hãnh diện nữa là.

- Vậy tôi đặt thằng bé này là Tiểu Phi. Tiểu Phi là đứa nhỏ em của Đoàn Phi.

Mọi người ai nấy đều vui vẻ. Thằng bé trong tay Đại Bằng bỗng mở mắt ra và nhoẻn miệng cười thật hồn nhiên khiến cho mọi người càng vui hơn.

Vậy đó, luôn luôn có những hạnh phúc bất ngờ xuất hiện giữa cuộc bi thương. Như đứa bé này chẳng hạn, nó bỗng mang đến niềm vui và nụ cười giữa đống đổ nát, chết chóc của Giản Phố khiến cho mọi thứ như được hồi sinh. Sự sắp đặt của tạo hóa kể ra cũng thật công bằng. Nhờ vậy mà giữa bể trầm luân con người vẫn cứ sống mãi và sinh sôi nẩy nở.