Những Chuyện Tình - Chương 07

Chương 7: ĐỊNH MỆNH! CÓ HAY KHÔNG...?

Vạt nắng cuối chiều le lói lẫn khuất sau những ngọn thông cao vút, xanh thẫm. Bầu trời như chiếc chuông vàng khổng lồ đang oằn mình ôm trọn vạn vật vào lòng. Hoài Niệm lang thang khắp phố phường, thỏa thích ngắm nhìn Đà Lạt cho bõ những ngày xa cách. Tuổi thơ hoa mộng của cô đã để lại nơi này và chuỗi ngày đau buồn nhất cũng được lưu giữ ở đây. Bước chân vô định rảo bước về Lữ Gia, ngang qua nhà xưa, cô dường không dám tin vào mắt mình. Ngôi nhà của đại gia đình cô đã được tu sửa, hầu như không có thay đổi gì nhiều ngoại trừ khu vườn đầy hoa và cây trái xum xuê, vén khéo do bàn tay người chăm sóc. Khuôn viên cũng rộng hơn khá nhiều. Khác hẳn với cảnh hoang tàn, đổ phế của những lần cô ghé qua trước đây. Căn nhà này từng thuộc về không ít chủ nhưng chẳng ai muốn tu sửa hay dọn vào ở cố định, có lẽ họ tin vào những lời đồn đại về các vong linh chưa tan.

Hoài Niệm cứ đứng đó, ngây ngô nhìn chằm chặp vào cánh cổng màu trắng ngà như cố hoài vọng về một thuở xa xăm, thuở cánh cổng còn là màu xanh ngọc và tường bao bằng những cộc gỗ thưa. Ngay lúc ấy, một người đàn ông trạc tuổi sáu mươi từ khu vườn bước đến cổng, nhìn cô nghi hoặc:

- Cô muốn tìm ai?

Lòng dặn lòng quay đi nhưng có một sức mạnh kỳ bí nào đó níu bước chân Hoài Niệm sững lại. Thoáng ngập ngừng, cô đáp:

- Căn nhà được làm mới, đẹp quá! Cho cháu hỏi, chú là chủ nhà?

- Không, tôi chỉ là quản gia. Chủ nhà không có ở đây. - Người đàn ông trả lời.

- Nhà mình chuyển về đây lâu chưa chú? Cháu thấy khu vườn rộng hơn, trước đây cũng không có dãy nhà đằng kia.

Vừa nói, Hoài Niệm vừa chỉ tay về hướng dãy nhà kiến trúc Pháp cổ nép mình sau khu vườn đầy hoa cẩm tú cầu, phù dung, hồng trắng và nhiều loại hoa cô chưa biết tên.

- Chắc cô cũng là người ở đây? Sau khi ông chủ tôi mua cái căn nhà này thì mua thêm hai mảnh đất hai bên để xây khu nhà đó và khu vườn.

- Nơi này đã từng là nhà của cháu. – Hoài Niệm buột miệng, trong lời nói có phần đắng đót.

Ông quản gia nhìn cô đầy ngạc nhiên:

- Sao tôi không biết cô? Tôi ở khu này đã hai mươi năm.

- À! Từ lâu lắm rồi. Thưa, cháu có thể vào trong tham quan không ạ? – Đôi mắt Hoài Niệm chợt óng ánh nước và đôi môi khẽ cắn chặt lại.

- Xin lỗi cô! Cái này thì tôi không dám. Ông chủ tôi không thích người lạ vào nhà đâu.

- Cháu chỉ muốn nhìn một lát thôi, chứ không có ý gì khác.

Hoài Niệm nói như nài nỉ. Qua cánh cổng im lìm, cô chỉ có thể thấy chính diện ngôi nhà vì hàng rào quá cao. Gần nửa đời người trôi qua, căn nhà đổi chủ nhiều lần nhưng chưa khi nào thực sự có người ở nên dù ao ước được chụp vài tấm hình, được tận mắt ngắm nhìn lại nơi đã lưu giữ bao kỷ niệm ngày thơ ấu, cô vẫn chẳng thể thỏa ý, cho đến hôm nay.

Có lẽ cũng cảm nhận được nỗi buồn trong mắt cô nên người quản gia áy náy chối từ:

- Thật sự là tôi không thể! Hay cô chờ khi nào ông chủ tôi về rồi ghé lại nhé?

Lời nói bỗng nghẹn khi Hoài Niệm chợt thấy hình ảnh mẹ mình lẫn khuất đâu đây. Ngày xưa, bà rất yêu khu vườn.

- Cháu chỉ còn ở lại đây ba ngày nữa. Nếu có thể, xin chú cho cháu số điện thoại của chủ nhà, cháu sẽ liên lạc.

Người quản gia suy nghĩ một hồi rồi thương cảm nói:

- Thôi thế này, cô để lại số điện thoại, tôi sẽ gọi và hỏi ý ông chủ rồi gọi lại cho cô.

- Dạ, vậy cũng được. Cháu cảm ơn chú rất nhiều.

Niềm vui mừng chợt ùa đến, đến độ tay Hoài Niệm không ngừng run lên khi ghi lại số điện thoại và tên.

Sáng hôm sau!

...

“Tôi biết ông chủ không thích người lạ vào nhà...”

Người quản gia hôm qua ngập ngừng trong điện thoại rồi tiếp lời:

“Nhưng chiều qua, có một cô gái xưng tên là Niệm ghé qua và xin phép muốn vào trong tham quan. Cô ấy nói mình là chủ cũ, từ trước thời ông Nam. Tôi không dám tự ý nên...”

Đầu dây bên kia, giọng nam hỏi dồn:

“Ông nói cô gái ấy tên gì? Trông ra sao?”

“Dạ tên Niệm, cô ấy tầm ba mấy. Trông rất đàng hoàng! Thậm chí tôi còn có cảm giác cô ấy đã bật khóc khi bị từ chối.”

“Cô gái ấy có để lại số điện thoại cho ông không? Đọc số cho tôi!” - Giọng đàn ông ấy thêm phần khẩn trương.

“Dạ có, ông chờ tôi... Số của cô ấy là xxxxxxxxx”.

“Ông liêc lạc với cô ấy và thông báo là tôi đồng ý. Hẹn cô ấy chiều nay đến!”

Ông quản gia vô cùng ngạc nhiên khi ông chủ đồng ý ngay lập tức. Trước khi gọi, ông đã dự trù là sẽ bị mắng nhưng vì thấy thương cô gái kia nên đánh liều. Thế mà, điều làm ông bất ngờ hơn nữa là khi chưa đến một giờ chiều thì người chủ kia đã có mặt tại căn villa.

Chiều hôm ấy, Hoài Niệm đến hơi sớm so với giờ hẹn. Vừa gặp người quản gia, cô liền gật đầu lễ phép:

- Chào chú! Cháu có đến sớm quá không ạ?

Ông quản gia mở cổng cho Hoài Niệm và mỉm cười đôn hậu:

- Không sao, mời cô vào. Cô cứ tự nhiên tham quan, tôi phải ra vườn chăm số phong lan ngọc vừa được giao đến.

Đứng lặng trước cửa nhà, Hoài Niệm thầm cảm ơn người chủ mới vì sau nhiều năm trôi qua, tổng quan căn nhà vẫn được khôi phục gần nguyên vẹn. Chắc chủ nhà đã bỏ rất nhiều tâm ý để giữ gìn được kiến trúc gốc - Dù không biết họ là ai nhưng lòng cô chợt dâng trào thiện cảm. Đi loanh quanh khu vườn, cô chợt phát hiện ra gốc thông có một hốc nhỏ ngày xưa vẫn còn. Hồi bé, mỗi lần phạm lỗi, sợ mẹ phạt đòn, cô vẫn hay chui vào cái hốc ấy để trốn. Có hôm, cô ngủ quên khiến cả nhà nháo nhào đi tìm, còn cô thì vừa đói vừa lạnh, sợ hãi gào khóc ầm ĩ. Được dịp, tất cả mọi thứ đều được cô đưa vào máy ảnh từ mái hiên nhà đến từng bậc thềm.

- Mời cô vào nhà uống trà!

Đột nhiên, một cô bé xinh xắn chừng đôi mươi xuất hiện khiến Hoài Niệm giựt thót. Cô e ngại đáp lại cô bé:

- Không cần đâu, chị sợ phiền. Nghe chú quản gia nói, chủ nhà không thích người lạ vào nhà mình.

- Không sao! Bố bảo em ra mời chị vào đó.

- Bố em? – Vừa hỏi lại, Hoài Niệm vừa đang nghĩ xem cô bé này là con chủ nhà hay con của người đàn ông quản gia.

- Bố em làm quản gia ở đây, chị gặp rồi đó. - Cô bé hồn nhiên trả lời.

Phòng khách rộng hơn xưa vì chủ nhà đã ghép cả phòng sách vào nhưng nội thất chủ đạo vẫn không thay đổi nhiều. Vẫn cầu thang đôi dẫn lên tầng trên, trần nhà cao ốp gỗ, những ô cửa sổ nhỏ bằng kính nhiều sắc màu và tường sơn trắng ngà. Khác chăng, sàn nhà đã được lát đá cẩm thạch màu kem. Giữa phòng khách là bộ sô-pha kiểu cổ điển sang trọng, phối hợp hài hòa cùng chùm đèn trần bằng pha-lê cao cấp. Đứng trước cảnh xưa, lòng Hoài Niệm bỏng rát khát khao được lưu giữ lại tất cả lại tuy nhiên cô không dám, bởi dẫu sao nơi đây cũng đã thuộc về người khác. Với tư cách người khách thì thậm chí cô chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ được vào bên trong như bây giờ.

“Gloomy Sunday” bỗng vang lên réo rắc cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của cô. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khiến Hoài Niệm không thể định hình chuyện gì đang xảy ra...

Giọng nam vang lên:

- Chào!

- Là anh?

Hoài Niệm chớp mắt dăm lần vẫn không muốn tin rằng người đàn ông đang đứng trên tầng lửng là Thiên Trình.

- Cô Lâm, hình như cô không vui vì sự xuất hiện của tôi? - Theo sau câu hỏi tu từ, Thiên Trình vẫn nở nụ cười bình thản, nhịp chân khoan thai bước xuống từng nấc thang.

Ngày xưa, người ấy đã từng hỏi Hoài Niệm một câu tương đồng như thế. Lúc ấy, cô chỉ là thẹn thùng chẳng nói lên lời nhưng hôm nay, quả thật đúng như lời Thiên Trình! Cô bối rối, không nhìn thẳng vào anh:

- Không! Chỉ là... tôi hơi bất ngờ.

Mắt Thiên Trình cố nhìn sâu vào mắt Hoài Niệm:

- Chuyện ở The Queen, tôi xin nhận lỗi vì đã xử lý không khéo. Mong cô tha thứ cho!

Nụ cười gượng gạo nở trên môi Hoài Niệm:

- Anh không có lỗi, sao tôi lại trách anh?

- Tôi gọi rất nhiều lần nhưng cô đều không nghe máy. Nếu không trách, nghĩa là cô không muốn gặp lại tôi?

- Nhà anh rất đẹp!

Ánh mắt chênh chao của Hoài Niệm chiếu về hướng cửa sổ như đang lảng tránh câu hỏi của Thiên Trình. Biết trả lời sao nếu anh cố chấp hỏi lí do, còn cô lại không muốn nói dối.

Phớt lời câu khen vô nghĩa kia, Thiên Trình nhả chữ rành rọt, bảy phần dồn ép ba phần dịu dàng:

- Cô chưa trả lời câu hỏi của tôi!

Dẫu sao cũng chẳng còn liên quan đến nhau thì trốn tránh để làm gì? Thầm đắn đo chốc lát để sau đó, Hoài Niệm bình thản cất giọng:

- Đúng vậy! Anh và tôi có hai cuộc sống khác nhau, tôi không nghĩ chúng ta nên tiếp tục giữ liên lạc.

- Khác như thế nào? - Thiên Trình tiến đến gần, đối diện gương mặt phụ nữ nhợt nhạt trước mắt.

- Anh là người của giới thượng lưu và những mối quan hệ xã hội rộng rãi. Còn tôi vốn quen với cuộc sống bình dị. Sau vài lần gặp gỡ, tôi đã thành tiêu đề của báo chí mạng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta vẫn giữ liên lạc?

Hoài Niệm lạnh nhạt nhìn Thiên Trình, đặt câu hỏi ngược và điềm tĩnh ngồi xuống sô-pha. Dù khá bất ngờ khi nghe câu trả lời từ cô, Thiên Trình vẫn không thay đổi sắc mặt, cất giọng trong mềm mỏng có ngang ngạnh:

- Vấn đề là ở đây? Tôi lại không cho rằng đó là vấn đề phức tạp. Ngoài xã hội, tôi là ai không quan trọng, quan trọng chúng ta nhìn đối phương với cung cách nào.

- Thì sao? Có lẽ từ trước đến nay, chưa ai nói với anh những điều như tôi nói, xin lỗi nếu làm anh phật lòng. Nhưng tôi không muốn kết giao với người nổi tiếng, đơn giản là như vậy.

- Thôi được! Tôi tôn trọng quyết định của cô.

Trong câu nói của Thiên Trình có lẫn khuất sự hụt hẫng. Anh không cảm thấy tức giận khi nghe những gì cô nói mà chỉ cảm giác như vừa đánh mất điều gì đó. Nếu ai khác đang nói, có lẽ anh không chần chừ tống cổ họ ra khỏi nhà và người đó sẽ biến mất trong mắt anh. Với cô, anh trở nên bị động.

- Cảm ơn về căn nhà. Từ biệt!

.......

Bỗng dưng, Thiên Trình đột ngột lao đến nắm lấy tay Hoài Niệm khi cô vừa bước đến cửa. Chân cô như không di chuyển được dù lí trí bảo cần phải đi thật nhanh. Ra khỏi cánh cửa thôi, mày sẽ thoát khỏi cảnh ngộ éo le này - cô biết nhưng tay cô vẫn nằm yên trong bàn tay níu mạnh mẽ của anh. Về phần Thiên Trình, anh không có thời gian để phân tích hành động này mang ý nghĩa gì; anh chỉ muốn ở bên cạnh cô dẫu là lần cuối. Giọng anh vừa ấm áp vừa thuyết phục:

- Hoài Niệm! Cùng tôi trải qua hết đêm nay, được không?

Đêm nay là một đêm rất bình thường, tuy nhiên khi nhìn vào ánh mắt của Thiên Trình, cô chỉ biết lặng lẽ gật đầu. Không hiểu do cô quá nhạy cảm hay do anh diễn quá thật mà cô dường đã thấy được sự cô độc lẫn những khắc khoải đầy kỳ vọng trong ánh mắt anh.

Hai người ngồi đối diện nhau qua những ngọn nến vàng. Thiên Trình cứ im lặng nhìn mà không nói gì khiến Hoài Niệm cảm thấy ngột ngạt nên đành cất giọng nhằm phá vỡ sự yên tĩnh:

- Anh biết là tôi hay chỉ là tình cờ ghé nhà?

Thiên Trình thành thật trả lời:

- Tôi biết người ấy là cô. Lúc sáng, ông Hòa (tên người quản gia) gọi cho tôi để xin phép, khi nghe đến tên Niệm thì không hiểu vì sao tôi nghĩ ngay đến cô. Ông ấy nói số điện thoại của cô thì tôi đã quyết định sẽ lên đây.

- Anh từ Sài Gòn lên đây?

- Không! Từ Nha Trang.

- Làm người giàu có đôi khi cũng thích thật! Nha Trang rất hợp với những kỳ nghỉ dưỡng cuối tuần. - Hoài Niệm vội cười giả lả sau khi biết bản thân vừa nhỡ lời. Lúc này, trông cô vừa ngộ nghĩnh vừa giả tạo.

- Không! Tôi có vài việc ở Nha Trang.

Bất giác, Thiên Trình buột miệng giải thích khi mắt vẫn đang mải mê dõi theo nét mặt của Hoài Niệm. Cơn đói cũng đã được lấp đầy dù từ khi nhận được cuộc gọi của ông Hòa đến giờ anh chưa lót dạ chút gì. Nhìn cô cười cười nói nói, đã là món ăn tuyệt vời nhất. Nếu ngay lúc này có ai đó hỏi anh tin vào định mệnh hay không. Câu trả lời của anh sẽ là có, “định mệnh” là điều từ trước đến nay anh chưa bao giờ tin nhưng mọi chuyện đã khác từ sau khi gặp cô.

Sau bữa tối, hai người đi loanh quanh bờ hồ. Thiên Trình im lặng đi bên cạnh Hoài Niệm, thi thoảng ánh mắt dịu dàng của anh lại lóe sáng giữa ánh đêm và những ngọn đèn vàng. Đà Lạt về đêm trầm tư, thanh khiết tựa nàng thiếu nữ vào độ chớm biết buồn. Cô đưa mắt nhìn sóng nước hồ Xuân Hương. Đáy mắt cô đen như nước hồ buổi đêm. Bỗng dưng, cô buông lời:

- Tôi đã có gia đình!

Cảm giác đổ vỡ vụt qua tim Thiên Trình. Giọng anh có phần buồn bã:

- Tôi rất muốn chúc mừng chồng cô.

- Chúng tôi chưa có cháu nào và sẽ chẳng thể có được nữa.

Trong phút chốc này, Hoài Niệm sực không hiểu vì sao bản thân lại có thể chia sẻ những điều này cùng người xa lạ. Có lẽ vì đôi bên xa lạ lại là gặp lần cuối nên cô dễ dàng trải lòng hơn.

- Tôi xin lỗi. Vậy chồng cô...

- Anh muốn hỏi anh ấy có buồn không? Tôi ước gì anh ấy có thể buồn.

Tự hỏi, tự trả lời để nghe hồn quặn thắt thêm lần nữa, Hoài Niệm cười như đang mếu.

Thiên Trình hơi cúi đầu, tránh nhìn thẳng vào hồ mắt mặc niệm vời vợi của Hoài Niệm. Âm điệu rất chân thành:

- Không có con đâu phải vấn đề lớn, hôn nhân nên là chuyện của hai người. Tôi tin, chồng cô cũng nghĩ vậy.

- Có lẽ... - Bước chân Hoài Niệm dừng lại bên gốc thông già. Xuyên qua những tán lá li ti, cô ngước mắt lên bầu trời như muốn hỏi người ấy - Có phải vậy không hả anh?

Thiên Trình lặng lẽ đứng sau Hoài Niệm một khoảng đủ gần, tư thế vừa che chở vừa tôn trọng không gian riêng tư. Rất lâu sau, anh nói khẽ khi choàng lên vai cô chiếc áo khoác:

- Trời bắt đầu có sương, mình về nhé! Tôi lo cô sẽ cảm lạnh.

Hoài Niệm trao cho Thiên Trình ánh nhìn hàm ơn bằng đôi mắt vẫn buồn xa xăm. Trong bóng đêm và hơi sương ướt đẫm, cô như vừa tìm thấy được dăm rẻo bình an.

........

Trên đường quay lại bãi đổ xe, Thụy Yên điện thoại và thông báo rằng cảnh quay gặp nhiều trở ngại nên kết thúc khá muộn. Hoài Niệm thì không muốn Thụy Yên lái xe đường dài trong tình trạng mệt mỏi nên dự định chị em cùng nhau trải qua đêm cuối tuần trong lòng đất trời Đà Lạt đành phải gác lại. Cảm giác tiếc nuối khiến mắt cô càng buồn hơn.

Đứng trước một cửa hàng thời trang đóng cửa im ỉm, chân cô dừng lại, nét mặt mông lung lần tìm điều gì đó hư ảo ngọt ngào. Nơi này đã từng là một quán rượu. Đã từng! Rồi hai người lại bước tiếp và đột nhiên cô đề nghị:

- Anh muốn uống vài ly không?

Đôi mắt Thiên Trình ánh lên những tia sáng lấp lánh, nhịp chân dừng hẳn trước cửa quán rượu nho nhỏ, nép mình cạnh những quán cà-phê rực rỡ ánh đèn màu và tiếng cười nói. Hai người bước vào, quán vắng vẻ với chừng mươi vị khách giữa nhạc điệu trầm bổng, bi thương thay cho giai điệu vui tươi thường thấy trong các quán rượu.

- Anh biết vì sao tôi muốn vào đây không? Chính vì bài nhạc này! – Hoài Niệm ngồi xuống chiếc ghế cao, cười u uẩn.

- Forever and one?

Hơi bất ngờ khi Thiên Trình cũng là một người có sở thích âm nhạc khá tương đồng với mình, Hoài Niệm nghiêng đầu nhìn anh:

- Anh cũng biết? Tôi không nghĩ anh thích Rock.

Mỉm cười ấm áp, Thiên Trình nói:

- Tôi còn rất nhiều điều thú vị khác nữa. Rồi cô sẽ thấy…

Hoài Niệm không cười với câu đùa của Thiên Trình. Hồn như thả vào bài hát, giọng khàn đặc tựa giọng hát của Andi Deris - người ca sĩ đang hát:

- Bài hát là nhân chứng cho tình yêu của chúng tôi. Năm nào, ngày giỗ anh ấy tôi cũng ra mộ để được cùng nhau nghe lại...

Nét mặt Thiên Trình đớn đau thay cả phần người góa phụ đang cố mỉm cười trước mặt anh. Thì ra cảm giác cô thuộc về người khác cũng không quá khó chịu nếu phải đem so cùng sự tự do được đánh đổi bằng niềm bi thương của cô.

- Tôi rất tiếc!

- Anh ấy đã qua đời bảy năm trước... trong ngày sinh nhật tôi.

Hoài Niệm nốc cạn cốc Cognac chưa kịp pha. Vị rượu nhạt nhẽo, lạnh băng. Thiên Trình chỉ biết câm lặng uống cùng cô, với tâm trạng hỗn tạp, vừa hoan hỉ vừa xót xa.

Đêm muộn! Rũ say! Đâu đó trong cơn say, Hoài Niệm như tìm thấy hình dung người ấy qua Thiên Trình.